Lan Man Về Một Chữ Buông
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Thời đại bây giờ hầu như con người cứ bị xoáy vào cơn lốc của cuộc sống một cách mãnh liệt, thế nên rất nhiều người cảm thấy bức bối, mệt mỏi vì bị áp lực trong cuộc mưu sinh, nhất là những người đã bị cuộc đời vùi dập bởi mãi trôi lăn trong vòng danh lợi, khổ đau vì tham vọng không đạt được, phiền não vì biết bao nhiều điều bất ý trong cuộc sống. Áp lực cuộc sống cứ đè nặng trong tâm thức hầu như là thường trực thế nên bây giờ chúng ta thấy người ta hay đề cập đến vấn đề stress. Bị trôi theo vòng xoáy của thế gian nên con người cảm thấy quá mệt mỏi, chán chường muốn tìm cách thoát ra. Thế là đã có người mách thuốc để trị đó là HÃY BUÔNG XẢ, bây giờ đi đâu cũng nghe họ nói BUÔNG, gặp những vị thầy tu cũng nghe khuyên BUÔNG, gặp những nhà tâm lý học tư vấn cũng khuyên BUÔNG.
Thế nhưng nói thì dễ mà làm thì khó, cái khó không phải là khó buông mà khó ở chổ không biết nên buông cái gì và buông ra sao, buông như thế nào cho đúng. Ta khuyên người khác một chữ BUÔNG thì dễ nhưng nếu bị hỏi buông cái gì, làm sao để buông thì e rằng khó trả lời cho chính xác.
Thật ra buông bỏ là một chuyện rất quan trọng cho những ai muốn tìm cho mình một cuộc sống tỉnh tại, an lạc giữa cuộc đời tục lụy này. Trong giáo lý đạo Phật có hạnh xả ly tức buông bỏ mọi thứ dục lạc của thế gian. Đối với những vị tu sĩ xuất sĩ thì đã chọn con đường “xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia”, thực hành hạnh xã ly tất cả mọi dục lạc thế gian là một điều hầu như bắt buộc nếu muốn bước trên hành trình đến bến bờ giác ngộ. Rốt ráo là hạnh xả ly ba-la-mật giống như ngày xưa đức Phật buông xả tất cả mọi tiện nghi dục lạc của một bậc vương quyền để rồi một thân một mình tìm ra ánh sáng chân lý cứu muôn loài và qua ngài đã trải biết bao nhiêu nhọc nhằn gian khồ cuối cùng đã tìm ra ánh đạo vàng cứu chúng sanh thoát khỏi khổ đau, phiền não. Ngài đã buông bỏ tất cả để rồi ngài có tất cả, dĩ nhiên là cái có sau khi thành đạo là cái có vĩ đại của một bậc đại trí tuệ chứ không phải cái có của ngũ dục trong cuộc sống thế gian mà ngài đã có trước đây. Đối với hàng phật tử tại gia chúng ta bị trói buộc trong cuộc sống thế tục với gia đình với xã hội với cuộc mưu sinh thường nhật nên vấn để buông xả để tìm sự an lạc trong cuộc sống là một điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng muốn buông cái gì thì chính mình phải tìm hiểu cho kỷ cái gì đã làm cho mình đau khổ để mà buông, biết được cái nó hành hạ ta để mà buông cũng giống như thầy thuốc bắt mạch chẩn đoán đúng bệnh thì sẽ kê đơn thuốc chính xác và bệnh nhân sẽ lành, thế thôi!
Chúng ta đang sống trong thế tục thì chọn cách buông để đạt đến giác ngộ giải thoát như các vị tu sĩ xuất thế gian là một điều không tưởng. Thế nhưng chúng ta chọn cách buông để khỏi cuốn hút trong vòng xoáy cuộc sống, buông để tìm lại sự quân bình trong cuộc sống, buông để tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn để mà sống cho có ý nghĩa và giảm thiểu sự khổ đau, phiền não.là một điều có thể đạt được. Vậy thì hãy buông những gì cần buông, xả cái gì cần xả và nên giữ cái gì cần giữ.
-Cái buông thứ nhất là buông BẢN NGÃ: Theo tôi cái mà làm cho chúng ta khổ đau, điên đảo nhất chính là BẢN NGÃ của mình. Bản ngã càng lớn thì khổ đau càng nhiều. Bản ngã nó có một sức mạnh rất mãnh liệt nó biểu hiện từ những điều thô mộc nhất cho đến những điều vi tế nhất. Nói rằng buông hẳn bản ngã thì e rằng quá khó, vì đạt được VÔ NGÃ thì đã là chứng ngộ NIẾT BÀN rồi, tu bao nhiêu kiếp cũng chưa giác ngộ cũng vì chưa triệt tiêu được bản ngã, nhưng cố gắng tu tập để bào mòn nó đi, làm cho nó nhỏ bé đi chừng nào hay chừng đó cũng là một cái BUÔNG lớn rồi!. Tôi nhớ có lần được đọc một câu nói của Đức Đạt-lai Lạt-ma rằng “Những ai tu hành lâu mà không thấy mình nhỏ bé đi thì coi chừng đang tu sai”. Câu nói này rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm mà điều chỉnh lại mình. Cái bản ngã nó bao trùm lên tất cả, nếu buông được bản ngã thì những thứ khác nó tự tiêu luôn, nhưng khổ nỗi có mấy ai buông được cái ta vĩ đại của mình. Bao nhiêu thảm họa, bao nhiêu hệ lụy trong đời sống, trong giao tiếp cũng vì các bản ngã của mình quá lớn không có chổ cho bản ngã người khác tồn tại…Bản ngã là tác nhân gây chướng ngại nhất cho một con người muôn tu tập để tìm thấy sự an lạc trong cuộc sống, bản ngã là cái đã tạo ra muôn vàn hệ lụy gây khổ đau, phiền não trong cuộc sống thường ngày cho mỗi chúng ta. Ngài Thường Bất Khinh bồ-tát trong kinh Pháp Hoa mỗi lần thấy hàng xuất gia, tại gia, nam nữ... đều cung kính lễ bái khen ngợi rằng : "Tôi rất kính trọng các ngài, không dám khinh mạn, vì các ngài đều tu hành đạo Bồ-tát, sẽ đăng thành Phật". Đó là vị Bồ-tát tượng trương cho tinh thần vô ngã, vì ngài luôn tôn kính tất cả mọi người nên ngàì được xưng tán là Bô-tát thường bất khinh. Đó là cái hạnh hết sức vĩ đaị của các bậc tu hành xuất sĩ.
-Cái buông thứ hai là là buông LỢI: Sống trong trần thế với muôn vàn bon chen, tham vọng, giành giựt hơn thua, thế nên con người luôn đắm chìm vào trong danh và lợi, mà lợi là cái được rỏ ràng cụ thể nhất, nó mang đến cho con người hưởng được phú quý, vinh hoa, giàu sang nên vì lợi mà người ta bỏ ra một kiếp người để theo đuổi nó. Người ta vui vẻ, hạnh phúc khi thu về cái lợi cho mình, mà không cần biết cái lợi mà ta thu được có làm cho ai phải khổ đau không. Tham vọng càng lớn thì tham lợi càng nhiều và tham lợi càng nhiều thì khổ đau càng lớn. Vậy thì hãy buông nó đi, hài lòng với những gì mình đang có, “thiểu dục tri túc”, đừng để tâm hồn ta khổ đau vì những cái hám lợi triền miên không có điểm dừng. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác đức Phật dạy: “Tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác, Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp”.( Phải biết tâm người thì không bao giờ biết đủ, ngược lại chỉ mong cầu được nhiều nên càng thêm lớn nhiều tội ác. Còn người tu hạnh Bồ- tát thì chẳng phải vậy, vì họ thường nghĩ nhớ về pháp biết đủ, sống an vui trong cảnh nghèo khó mà giữ Đạo, và chỉ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp duy nhứt cho đời tu của mình.)
-Cái buông thứ ba là buông DANH: Nếu nói tham lợi là những gì thuộc về cái tham vật chất thì tham danh là cái tham thuộc về tinh thần. Cái danh không làm cho ta giàu lên hay no đủ thêm nhưng nó có cái quyến rủ mãnh liệt với con người. Bởi thế nên Nguyễn Công Trứ đã từng nói: “đã mang tiếng đứng trong trời đất.phải có danh gì với núi sông”. Cũng vì cái danh gì đó mà khiến tâm bao người điên đảo, quay cuồng để kiếm một chút danh với đời. Cái danh nó có một sức hấp dẫn đặc biệt như thế nên người ta nên khuyên người ta buông chữ DANH cũng vô cùng khó khăn. Nói thì hơi quá nhưng hình như bản năng con người vốn háo danh, ngày xưa trong chế độ phong kiến, con người sống trong xã hội ai cũng muốn có một cái tước hiệu đứng trước tên mình, ví như thầy thông X, ông Phán Y…trong làng xã thì cụ Lý A, ông Tổng B, ông Giáo C, cụ Cửu D…bây giờ thì cái danh được đề cao lên đến đỉnh điểm các quan chức thì nghe xướng một hồi dài nào là học hàm, học vị, chức tước rồi mới đến tên, ví như Giáo sư tiến sỹ Trần Văn Khiêm Tốn, Ủy viên TW…, bộ trưởng bộ K…., Thầy thuốc Nhân dân, phó giáo sư tiến sĩ, Bác sĩ Lê Trung Trực, cục trưởng cục Y, bộ X… Bệnh háo danh thì hình như lảnh vực nào cũng có, gia cấp nào cũng có, nó ăn sâu trong huyết quản con người rồi nên ai chỉ có cái tên trơ trọi mà trước đó không kèm thêm danh xưng nào đó thì cảm thấy mất tự tin và tự ty mặc cảm nữa !Người ta chấp vào danh xưng đến nỗi nếu ai đó lỡ xướng sai danh xưng của mình thì liền nổi sân đùng đùng, có khi quên mất rằng mình đang ngồi trên tòa cao và hàng trăm con mắt đang nhìn, nhưng khổ nỗi khi có cảm giác cái ta của mình bị xúc phạm, danh xưng, tước vị của mình bị nhầm lẫn tức khắc cái sân nó nổi lên một cách khó kiểm soát. Thậm chí có những vị hiểu rất rỏ danh chỉ là giả danh là hư danh, buông bỏ danh xưng là một cách để viễn ly điên đảo, mộng tưởng, là điều kiện ắt có để tiến tu trên đường đạo, thế nhưng họ không thể buông được mà vẫn chấp danh xưng một cách cuồng nhiệt.
Có nhiều người nói BUÔNG nhưng thực ra chỉ là buông cửa miệng chứ vẫn còn nguyên đó CÁI TA (NGÃ) vĩ đại, cái của ta ( NGÃ SỞ) quý giá, đồng thời cái tham đắm LỢI-DANH vẫn còn nguyên đó. Ôi NÓI BUÔNG thì dễ mà THỰC HÀNH BUÔNG mới khó làm sao?!
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật