Thời Lý – Trần là thời kỳ vàng son nhất của Phật giáo Việt Nam khi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ triều đình và chiếm vị thế nổi bật so với các hệ tư tưởng khác. Chính vì điều này, triều đại nhà Lý luôn là đề tài được nhiều học giả quan tâm và người viết cũng không ngoại lệ, đặc biệt việc các vị vua đã vận dụng giáo lý Phật giáo như thế nào trong quá trình cai trị đất nước. Bài viết này sẽ làm sáng tỏ những vấn đề trên.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ THỜI LÝ
Năm 1010, sau khi lên ngôi vua, theo lời khuyên của Thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (sau đổi tên là Thăng Long). Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố vị thế của một quốc gia độc lập. Đến thời Lý Thái Tông, vua cho đổi quốc hiệu thành Đại Việt [1]. Thời Lý, tình hình xã hội nước ta dần ổn định và phát triển. Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền được hoàn bị từ cấp triều đình đến địa phương. Năm 1042, triều Lý ban hành bộ luật Hình thư, là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Quân đội nhà Lý cũng được phiên chế quy củ, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” kết hợp giữa kinh tế và quân sự theo tinh thần “động vi binh, tĩnh vi dân”.
Về kinh tế, triều đình quan tâm nhiều đến nông nghiệp. Từ thời Tiền Lê, để cổ vũ ý thức trọng nông của nhân dân, vào tháng Giêng hàng năm, nhà vua thường cử hành lễ cày ruộng làm gương (lễ tịch điền). Triều đình chủ trương khẩn hoang, xây dựng các công trình thủy lợi, đắp đê ngăn nước lũ lụt. Nông nghiệp phát triển đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều ngành thủ công nghiệp như: dệt lụa, làm gốm, đúc đồng… với các làng nghề thủ công xuất hiện rải rác ở Thăng Long. Việc trao đổi hàng hóa trong lẫn ngoài nước được mở rộng, giao thông thủy bộ được mở mang.
Về văn hóa giáo dục, thời kỳ này có bước phát triển mạnh, giáo dục thi cử dần đi vào quy củ. Sau khi khoa thi đầu tiên mở vào năm 1075, Văn Miếu và Quốc Tử Giám cũng được xây dựng [2].
DIỆN MẠO PHẬT GIÁO THỜI LÝ
Thời Lý, Phật giáo được ưu tiên phát triển về nhiều mặt. Các vua Lý không những mộ đạo mà còn là những người vận dụng tư tưởng Phật giáo vào một số chính sách cai trị, hộ quốc an dân. Tiếp nối những thời trước, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông vẫn tiếp tục phát triển. Dựa vào phả hệ theo Thiền uyển tập anh ghi chép thì vào thời Lý, “Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi phát triển từ thế hệ thứ hệ thứ 11 đến thế hệ thứ 19 với những vị Thiền sư tiêu biểu có nhiều đóng góp đến triều đại nhà Lý như: Thiền sư Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Trì Bát (thế hệ thứ 12); Thiền sư Minh Không, Huệ Sinh (thế hệ thứ 13) và sư Khánh Hỷ (thế hệ thứ 14)…” [3]. Còn dòng thiền Vô Ngôn Thông phát triển từ thế hệ thứ 5 đến thế hệ thứ 15 với những vị Sư như: Sư Đa Bảo (thế hệ thứ 5), sư Viên Chiếu (thế hệ thứ 7), Thiền sư Thông Biện, Mãn Giác (thế hệ thứ 8)… [4].
Tuy nhiên, tư tưởng dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi nghiêng về màu sắc Ấn Độ. Còn Thiền phái Vô Ngôn Thông ngả về màu sắc Trung Quốc, trong khi đó nhà Lý độc lập tự chủ muốn có một hệ tư tưởng riêng của mình. Vì vậy, năm 1069, sự kiện Thiền sư Thảo Đường được phong Quốc sư đánh dấu sự ra đời của Thiền phái Thảo Đường. Sách An Nam chí lược ghi chép vắn tắt: “Thảo Đường theo sư phụ sang ở Chiêm Thành. Lý Thánh Vương (tức Lý Thánh Tông) bắt được sư, cho làm nô của tăng lục. Một hôm, tăng lục viết ngữ lục, để trên bàn, rồi đi ra ngoài, sư lén sửa chữa lại. Tăng lục lấy làm lạ về tên nô, tâu lên vua. Vua phong sư làm quốc sư” [5]. Thiền phái này trải qua năm thế hệ. Như vậy, thời Lý có tất cả ba dòng thiền cùng tồn tại gồm: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Thời kỳ này, chùa tháp được xây dựng rất nhiều. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, hầu như đời vua Lý nào cũng chú trọng việc xây chùa. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ vừa dời đô ra Thăng Long, đã cho xây một loạt chùa, trong đó phải kể đến: chùa Tứ Đại Thiên Vương, Hưng Phúc, Vạn Tuế, Thiên Đức, Báo Thiên, Diên Hựu, Thiên Thọ,… [6]
Cũng từ dữ kiện trên, có thể thấy Tăng Ni thời này rất đông, với nhiều đợt độ tăng. “Điển hình như năm 1010, vua Lý Thái Tổ chọn những người xuất xắc cho đi xuất gia. Năm 1014, Tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn ở chùa Vạn Thọ để tăng đồ thọ giới.” [7].
Như vậy, thời Lý, Phật giáo có một vị trí rất quan trọng trong lòng dân tộc và được các vị vua ưu tiên phát triển vượt trội về mọi mặt như: chùa chiền, bia tháp, kinh điển, văn học, giáo dục, độ Tăng… Nhưng với việc dung hòa giữa các tôn giáo, bên cạnh sự phát triển của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cũng có sức ảnh hưởng nhất định trong mô hình giáo dục, lãnh đạo quốc gia, theo tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”.
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TỪ BI PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH CAI TRỊ THỜI LÝ
Tư tưởng từ bi theo Phật giáo
Đạo Phật là đạo của sự từ bi và trí tuệ. Đây là hai đức tính tiêu biểu của Phật giáo. Từ bi có nội hàm rất rộng: “Từ là mến thương và vì mến thương mà gây tạo niềm vui cho người; còn Bi là lòng thương xót trước những nỗi khổ đau của chúng sinh và quyết tâm làm dứt trừ những đau khổ ấy” [8]. Hay “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”.
Tóm lại, từ bi là sự thương yêu, đồng cảm, thấu hiểu trước khổ đau của người khác và luôn tìm cách giúp đỡ họ thoát khỏi những khổ đau ấy. Đạo Phật luôn lấy tinh thần từ bi hỷ xả làm đầu và cũng chính vì lòng yêu thương bao la với chúng sanh, Đức Phật đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, để tìm con đường giác ngộ giải thoát chúng sanh. Điều này được Ngài minh chứng rất rõ trong Kinh Tăng Chi với lời dạy: “Ta ra đời đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [9]. Không những thế, Ngài còn luôn dạy các hàng đệ tử của mình: “Này các Tỳ-kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [10]. Mục đích của Phật giáo là cứu khổ, ban vui, đem lại hạnh phúc an lạc cho tha nhân. Đây cũng chính là tinh thần chủ đạo và xuyên suốt của Đạo Phật.
Một số chính sách cai trị nhân văn thời Lý
Nhiều vị vua đời Lý là Phật tử. Theo Đại Việt sử kí toàn thư: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh châm trước cho thích dụng với thời bây giờ, chia ra môn loại, biên ra nhiều khoản, riêng làm hình luật cho một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đó, phép xử thẳng thắn, rất rõ ràng, nên có lệnh làm cải nguyên Minh Đạo” [11]. Ngoài ra, trong điều luật này, còn bổ sung thêm một điều khoản quan trọng về chuộc tội: “Tháng 11, xuống chiếu rằng những người từ 70 tuổi trở lên, 80 trở xuống, từ 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, và những người ốm yếu, cho đến các thân thuộc nhà vua từ để tang 9 tháng, 1 năm trở lên, có phạm tội thì cho chuộc, phạm tội thập ác thì không dự” [12].
Đồng thời, khi vừa lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã ra lệnh miễn thuế khóa cho thiên hạ trong vòng ba năm. “Mùa đông, tháng 12 cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại lễ các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng già yếu, thiếu thuế đã lâu đều tha cho cả. Cấp quần áo, lương, thuốc cho 28 người lính Man bị Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ. Tha cho người huyện Thạch Hà ở Nam giới thuộc Châu Hoan trở về bản huyện ấy” [13].
Lòng yêu thương dân như con đỏ đã được huân đúc qua nhiều thế hệ cha truyền con nối. Thật ấm lòng biết bao với sự thương xót của vua Lý Thánh Tông với các tù nhân nơi tù ngục, khi mùa đông giá lạnh ập đến: “Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét Lý Thánh Tông nói với các quan rằng ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật thấy làm thương” [14].
Năm 1041, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa về chiếm cứ Châu Thảng Do, đổi thành nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống Trí Cao đem về kinh sư. Vua thương tình mà tha tội, lại cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, phụ thêm bốn động Lôi Hỏa, Bình An, Bà Tư và Châu Tư Lang nữa [15].
Đối với các nước lân bang, triều Lý luôn giữ hòa hảo để tránh xung đột, chiến tranh gây lầm than cho dân chúng. Mặc dù thực tế lịch sử, triều Lý có một số cuộc xung đột với lân bang, nhưng vua nhà Lý thường dùng lẽ từ bi đối đãi với kẻ thua cuộc. Ví dụ trong cuộc xung đột với Chiêm Thành, “Vua lấy làm xót thương, mới hạ lệnh rằng: kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha. Vua không những không cho giết mà còn cho họ nhận hộ thuộc làm ăn sinh sống ở Vĩnh Khang (Nghệ An ngày nay)” [16]. Năm 1069, Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm nhưng không giết một ai, mà còn phong chức Phụ quốc thái úy [17].
Vua Lý Nhân Tông thường hay mở hội và ra lệnh không được đánh chém người, phàm đánh chết người thì bị xử 100 trượng. Không chỉ có lòng từ với dân chúng, các vị vua còn yêu thương những loài vật qua việc ban chiếu cấm giết trâu. Chiếu rằng: “Trâu là một vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo pháp luật” [18].
Một vài nhận xét
Từ những cơ sở trên, phải chăng nhờ thấm nhuần tư tưởng từ bi của đạo Phật nên các vị vua thời Lý mới có chính sách cai trị thuần từ như thế? Theo sử liệu, vua Lý Thái Tổ xuất thân trong chùa, thuở nhỏ được sư Vạn Hạnh dạy dỗ và cũng nhờ sự sắp đặt của sư Vạn Hạnh, ông được lên ngôi vua. Xuất thân từ chốn thiền môn, vua đã sớm tiếp xúc với nền giáo lý, tinh thần từ bi của đạo Phật. Chính vì thế, việc vua có những chính sách cai trị hợp lòng dân, thương dân như con cũng không phải là điều khó hiểu.
Hơn nữa, vào thời Lý, tuy có sự hỗn dung “Tam giáo đồng nguyên” nhưng Phật giáo vẫn chiếm ưu thế hơn cả và nhận được ủng hộ lớn từ triều đình. Đặc biệt, trong bộ máy chính quyền trung ương của triều Lý có một ngạch quan dành riêng cho những người tu hành gọi là Tăng quan, đứng đầu là Tăng Thống. Dưới là Tăng Lục, ngoài ra còn có Tăng Ty giác nghĩa, Tăng đạo chánh, Phó Tăng đạo chánh đều trật tòng cửu phẩm. Các Tăng quan và nhà Sư có tài rất được trọng dụng và có vai trò lớn trong việc ban bố các chính sách của nhà nước [19]. Theo sử liệu, các nhà sư như Đa Bảo, Viên Thông, Nguyên Thường… nhiều lần được Lý Thái Tổ (1010-1028) mời vào cung luận bàn việc nước. Một số nhà sư có công lao đối với đất nước được nhà vua phong làm Quốc sư như: Quốc sư Viên Thông (1080-1151), Quốc sư Thông Biện… Các Tăng quan được ví như những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua [20]. Vì thế, các vị vua đã phần nào học hỏi được tinh thần từ bi, bình đẳng, vị tha của đạo Phật và áp dụng vào chính sách cai trị đất nước. Có lần, vua Lý Nhân Tông nói với Thiền sư Mãn Giác rằng: “Bậc chí nhân hiện thân ở cõi đời tất phải làm việc để cứu chúng sanh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì là không chăm lo, chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp ích cho nhà nước” [21].
Một điểm đặc biệt nữa, đó là có rất nhiều vị vua thời Lý có sự truyền thừa phả hệ trong các dòng thiền. Ví như với Thiền phái Thảo Đường, vua Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất, vua Lý Anh Tông thuộc thế hệ thứ ba, vua Lý Cao Tông thuộc thế hệ thứ 5 và nhiều quan lại khác đều thuộc Thiền phái Thảo Đường. Từ những dữ liệu trên, có thể tạm khẳng định, nhiều chính sách cai trị của các vị vua thời Lý mang dấu ấn tư tưởng Phật giáo như: từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha. Đây là đường lối chính trị được thiết lập trên nền tảng của sự nhân bản. Đúng như Hoàng Xuân Hãn đánh giá rằng tư tưởng “yêu dân như con” chính là “phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên” [22].
Lời kết
Với đức tính từ bi hỷ xả, lòng yêu thương, Phật giáo luôn hướng đến sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài. Không chỉ riêng thời Lý, mà ngay khi Đức Phật còn tại thế, nhiều vị vua cũng đến tham vấn Phật về việc cai trị quốc gia. Mặc dù, Đức Phật chưa một lần nào trực tiếp bàn về chính sự, thế nhưng qua những bài pháp của Ngài đã khuyến giáo các vị vua phương pháp lãnh đạo quốc gia theo tinh thần Phật giáo. Nhà Lý hưng thịnh một thời là do nhiều nhân tố, trong đó cần phải kể đến sự trọng thị đúng mức là Phật giáo và vận dụng tư tưởng Phật giáo vào một số chính sách cai trị quan trọng. Nhận thức được điều này giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về vai trò của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam.
Chú thích:
[1] Cao Huy Chú (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.215.
[2] Phan Nhật Huân, “Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam (thời Lý-Trần)”, Luận văn Thạc sĩ Triết học, 2011, tr.82-84.
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Phương Đông, 2012, tr.87-88.
[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Phương Đông, 2012 , tr.119.
[5] Lê Tắc – Viện sử học (dịch), An Nam Chí Lược, quyển 14, phương ngoại.
[6] Tham khảo Cao Huy Chú (dịch), Sđd.
[7] Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Phương Đông, 2012, tr.158-159.
[8] HT. Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ Thông, Nxb. Phương Đông, 2011, tr.625-628.
[9] Kinh Tăng Chi Bộ, Tập I, Phẩm Một Người, phần Như Lai, tr. 46.
[10] Trường Bộ Tập 1, Kinh Đại Bổn, Đại tạng kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502.
[11], [12] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr. 228.
[13] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr. 197.
[14] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông pháp triều Lý, Nxb. Quân đội nhân dân, 2003, tr.364.
[15] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr.227.
[16] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr.233.
[17] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr. 256.
[18] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr.265.
[19], [20] Trần Xuân Trí, “Ảnh hưởng của Đạo Phật đối với chính trị thời Lý”, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội.
[21] Cao Huy Chú (dịch), Sđd, tr.278.
[22] Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr.365.
- Tag :
- Thích Nữ Huệ Lợi