Sau khi Đức Phật giác ngộ, Phạm thiên Sahampati thỉnh cầu ngài thuyết pháp, ngài đã nói như sau:
“Này các Tỳ kheo, sau khi Phạm thiên thỉnh cầu, vì lòng từ bi với chúng sanh, với Phật nhãn ta nhìn quanh thế giới. Với Phật nhãn ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thiện, tánh ác; có hạng dễ dạy, khó dạy; và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm khi làm những hành động lỗi lầm.
Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Cũng vậy, với Phật nhãn, ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thiện, tánh ác; có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác, và sự nguy hiểm khi làm những hành động lỗi lầm. Và này các Tỳ kheo, Ta nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:
Cửa bất tử rộng mở
Cho những ai biết nghe
Hãy để họ bày tỏ
Sự xác tín của mình…
(Kinh Thánh Cầu, Kinh Trung Bộ).
Đức Phật thấy chúng sanh là những hoa sen, còn sát với bùn, trong nước, còn ở trong nước hay đã vươn lên khỏi mặt nước. Hoa sen đã được ví với con người trong rất nhiều kinh. Hoa sen để chỉ thực tại con người. Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi hoa sen ấy là Phật tánh, gồm trí huệ và từ bi. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói rằng hoa sen thực tại con người gồm trí huệ và từ bi.
Thấy mỗi người là một hoa sen, đó là cái thấy của trí huệ và từ bi, đó là cái thấy thực hành theo cái thấy của mắt Phật, Phật nhãn.
Trong truyền thống Thiền tông, Đức Phật có lần cầm hoa sen đưa lên giữa đại chúng, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật đã nói, “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông”.
Trong cái nhìn con người là thực tại hoa sen này, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) đã viết nhiều về chủ đề ấy trong Thiền Tông Bản Hạnh đồng thời gởi gắm bao nhiêu hy vọng vào những đời sau là Phật giáo Việt Nam sẽ làm nở hoa thật nhiều những đóa hoa sen ấy.
Ngài bắt đầu bằng việc Đức Phật đưa hoa sen giữa đại chúng, mà theo Thiền tông, đã bắt đầu cho dòng truyền Phật giáo:
[57] Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí huệ cao tay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh trạm viên
Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng.
Hậu học đà biết hay chăng
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời
Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi
Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông
Chân hoa sắc tức thị Không
[70] Không tức thị sắc thể đồng như như.
Hoa sen ấy là “tự tánh”, là “bản tánh trạm viên” mà “mỗi người mỗi có”, dù đang chìm trong bùn, trong nước, hay đã ra ngoài không khí.
“Trần trần sát sát Như Lai” là cõi Phật nhiều như bụi, trong tất cả các cõi ấy, mỗi chúng sanh đều có hoa sen Phật tánh, tiềm năng để trở thành một con người hoàn thiện và toàn diện.
Thấy mỗi người đều có hoa sen, đều là hoa sen dù đang ở nơi thấp nhất của con đường tiến hóa, là cái thấy của trí huệ và từ bi. Những tương quan, cách đối xử với người khác như những hoa sen với nhau, tạo thành một xã hội Đại thừa.
“Hoa là bản tánh tự nhiên, bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng”. Hoa sen là bản tánh tự nhiên vốn có, bản tánh không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Chỉ vì không biết mà có những phiền não, những quan niệm sai lầm che lấp đối với chúng sanh ấy, nhưng những sự che chướng ấy chỉ là tạm thời, từ ngoài mà có nên có thể loại trừ, gỡ bỏ.
Chúng sanh được định nghĩa là hữu tình, có tâm. Tâm thì mỗi người mỗi khác nhau do nghiệp mà thành nhưng bản tánh của tâm, hoa sen bản tánh tự nhiên ấy thì ai cũng có. Ai cũng có nghĩa là bình đẳng, “cùng bằng”.
Hoa sen ấy phát triển, từ dưới nước vươn lên khỏi mặt nước và nở hoa trọn vẹn, biến những tiềm năng thành hiện thực vốn có của mình. Sự phát triển, nở hoa ấy là do Giới, Định, Huệ. Và khi nở hoa trọn vẹn thì “bao hàm trời đất, dưới trên cùng bằng”, nghĩa là bao trùm vũ trụ, bình đẳng khắp cả, không còn trên dưới, cao thấp, xấu tốt. Hoa sen khi nở hoa trọn vẹn chính là pháp giới của Phật, mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Hoa Tạng pháp giới.
Khi đã vươn khỏi mặt nước và nở hoa thì hoa sen ấy không còn là hoa sen của cá nhân mỗi người, mà chỉ còn là một hoa sen bao trùm tất cả và tất cả là một hoa sen. Trong hoa sen pháp giới này, nghiệp của chúng sanh vẫn tồn tại, ai làm thì nấy chịu, nhưng với người đã thành hoa sen pháp giới thì nghiệp của chúng sanh vẫn được thấy là những hợp tạo duyên sanh có bản chất là hoa sen. Nói theo kinh điển, “bản tánh của phiền não là Bồ đề”. Điều này Phật giáo gọi là “chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn”, “biến cõi trần gian khổ đau thành Tịnh độ”.
“Hậu học đà biết hay chăng”, hậu học là người học về sau. Hậu học không chỉ là người học trong đời ngài và vài đời kế tiếp, mà cho chính chúng ta hiện giờ và mãi về sau này. Bởi vì, với một người đã đi vào “cửa bất tử rộng mở” thì lời nói của người ấy cũng trở thành bất tử, truyền mãi cho muôn đời sau.
“Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời”. Hoa sen bản tánh của tâm này không phải là một cái gì xa xôi, trừu tượng mà là ở ngay nơi các giác quan, nơi thân khẩu ý của mỗi người, “tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời”. Khi một người nhận biết tâm hoa vốn sẳn nơi mình thì mọi cử chỉ, nói năng đều là sự biểu lộ của hoa sen, đều là thuyết pháp.
“Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi. Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông. Chân hoa sắc tức thị Không. Không tức thị sắc thể đồng như như”.
Hoa sen bản tánh của tâm ứng hiện nơi sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu giác quan là sự biểu hiện, vận dụng của bản tánh của tâm. Một người đã đạt đến bản tánh của tâm sẽ thấy rằng sáu giác quan là diệu dụng của bản tánh của tâm, khi ấy không còn sự phân cách giữa giác quan và các đối tượng của nó, không còn phân chia trong ngoài mà ứng hiện khắp. Khi các giác quan trở lại nguồn từ đó chúng sanh ra thì Kinh Lăng Nghiêm gọi là bản tánh của mắt, tai… hay là tánh thấy, tánh nghe.
Các giác quan về lại được nguồn tánh của nó, Kinh gọi là “viên thông”, và ở đây Thiền sư Chân Nguyên nói đó chính là thần thông.
Các giác quan khi đã về nguồn của chúng thì ứng khắp trong ngoài để biến thế giới của hiện tượng bình thường thành thế giới của bản tánh, thành cõi thanh tịnh, đó là thần thông.
Tâm hoa hay chân hoa, bản tánh của tâm, chuyển thế giới của hiện tượng sắc trở lại bản tánh của nó là tánh Không, “Chân hoa sắc tức thị Không”. Khi tất cả các hiện tượng sắc được nhìn thấy tận bản tánh Không của chúng, thế giới trở thành Pháp giới Nhất Chân hay Pháp giới Chân Như, mọi hiện tượng “thể đồng như như”.
Đoạn thứ hai Thiền sư Chân Nguyên nói về tâm hoa, cũng là ngọc sáng ai ai cũng sẳn có:
[389]. Ai ai đạt giả đồng đồ (đường)
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
[392]. Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên
Tâm hoa hay viên ngọc sáng người nào cũng sẳn có trong nhà, tức là trong thân tâm mình. Khi thời tiết mùa xuân đến thì tất cả đều nở hoa, dù cành cao hay cành thấp.
Sự nở hoa ấy xảy ra trên quê hương đất Việt của ngài. Đó cũng là lý do ngài viết Thiền Tông Bản Hạnh, chủ yếu kể về cuộc đời của ba vua đầu tiên của đời Trần, một minh chứng cho sự việc “Đời - Đạo không hai”.
[709]. Tổ đã đắp nấm trồng cây
Mộng Bồ đề nở sau này càng cao
Khai hoa kết quả lao xao
Dõi truyền đất Việt thấp cao trùng trùng
Ai khôn có chí có công
Tu hành ngộ được tâm tông mới mầu
Nhân duyên có trước có sau
Ai ai cũng có tính châu Bồ đề
Kiến văn tri giác khác gì
Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau
Phật tiền Phật hậu trước sau
[720]. Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu Ma Ha.
Cái nhìn thấy “tâm hoa”, “chân hoa” là cái thấy của trí huệ sâu rộng, và cái nhìn thấy “mỗi người mỗi có”, “ai ai cũng có” là cái thấy của từ bi sâu rộng. Trí huệ và từ bi hợp nhất thì thấy sự bình đẳng vốn có giữa chúng sanh với nhau và giữa chúng sanh với các bậc giải thoát, giác ngộ, “Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau, Phật tiền Phật hậu trước sau”.
Đoạn sau cùng nói về việc làm nở hoa là công việc cho các thế hệ mai sau. Đó là Phật sự “truyền đời”
[757]. Hậu lai ai có hiếu trung
Dù là ngộ được tâm tông hạnh này
Báo ơn Phật, Tổ mai ngày
[760]. Thiệu long tượng pháp sau lai truyền đời.
Công thành quả mãn làm nơi
Vì hay hà đảm (gánh vác) Như Lai tông thiền
Niêm hoa đã lại khêu đèn
Công ấy muôn nghìn thắng quả cao thay,
Dược Am gió mát bóng cây,
Dọn Thiền tông lại san nay để truyền
Phổ độ pháp giới hữu duyên
Cùng thành chánh giác quả viên Bồ đề
Mưa xuân đượm ướt vườn lê
[770]. Cành cao cành thấp đều thì nở hoa.
Những người đời sau (hậu lai) “có hiếu trung” với đạo Phật cần phải có những kinh nghiệm tâm linh về đạo Phật để “gánh vác” trách nhiệm “truyền bá”, “phổ độ pháp giới hữu duyên” để đi trên con đường “cùng thành chánh giác”. Đây là Bồ tát hạnh, “báo ơn Phật, Tổ” bằng cách “phổ độ pháp giới hữu duyên”.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, đạo Phật Việt Nam đã được tiếp xúc với truyền thống Phật giáo ở nhiều nước khác. Những truyền thống ấy đều có chung một nền tảng “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Chính trong sự tiếp xúc, giao thoa ấy mà đóa hoa Phật giáo Việt Nam càng có thêm hương sắc mặc dù muôn đời vẫn là đóa hoa sen Phật tánh.
Phải chăng những thập niên đầu của thế kỷ 21, đó là mùa xuân mà Thiền sư Chân Nguyên vừa nhắn gởi vừa mong ước:
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên.
-
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng