Đi Vào Lầu Gác Sự Sự Vô Ngại Của Đức Di Lặc
1/ Thấy pháp giới và được giải thoát vô ngại như pháp giới
“Bấy giờ đồng tử Thiện Tài cung kính đi nhiễu bên phải đại Bồ tát Di Lặc xong bèn thưa rằng: Cầu xin đại thánh mở cửa lầu gác cho con được vào.
Lúc ấy Bồ tát Di Lặc đến trước lầu gác khảy móng tay ra tiếng, cửa liền mở, bảo Thiện Tài đi vào. Thiện Tài hoan hỷ đi vào lầu gác, cửa liền đóng lại”.
Đức Di Lặc bảo đồng tử Thiện Tài vào lầu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng để học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo bằng cách quán sát khắp cùng trong lầu gác. Sự quán sát này cho Thiện Tài thấy biết hay chứng ngộ được cảnh giới sự sự vô ngại, là sự chứng ngộ của các đại Bồ tát ở những địa cao nhất của Mười Địa Pháp thân.
“Thiện Tài thấy trong lầu gác rộng vô lượng đồng hư không. Vô số báu làm đất, vô số cung điện, vô số cửa lớn, vô số cửa sổ, vô số thềm bậc, vô số lan can, vô số đường xá, tất cả đều bằng bảy báu. Vô số tràng, vô số phan, vô số lọng bao vòng khắp nơi, vô số chuỗi báu, vô số chuỗi chân châu, vô số chuỗi xích chân châu, vô số chuỗi sư tử châu, thòng rũ khắp nơi. Vô số bán nguyệt, vô số dải lụa, vô số lưới báu dùng để trang sức. Vô số chuông báu gió động thành tiếng, rải vô số hoa trời, vô số dải hoa trời báu, vô số lò hương các báu, treo vô số gương báu…
Lại thấy trong đó có vô lượng trăm ngàn lầu gác đẹp, đều nghiêm sức như trên. Mỗi lầu gác đều rộng rãi tráng lệ, đồng như hư không chẳng ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau.
Thiện Tài ở một chỗ thấy tất cả chỗ. Nơi tất cả chỗ đều thấy như vậy.
Bấy giờ đồng tử Thiện Tài thấy lầu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng có mọi thứ cảnh giới tự tại chẳng thể nghĩ bàn như vậy, sanh rất hoan hỷ, hớn hở vô lượng, thân tâm nhu nhuyến, lìa tất cả tưởng, trừ tất cả chướng, diệt tất cả lầm, chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, nhập vào cửa giải thoát vô ngại, vận dụng tâm vô ngại cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp”.
Vào lầu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng đồng tử Thiện Tài thấy vô số sự vật trang nghiêm, vô lượng lầu gác, mọi cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Lầu gác của Đức Di Lặc thì có giới hạn, có nơi chốn, có thời gian, thế thì tại sao có thể chứa vô số, vô số và vô số vật báu, vô lượng lầu gác đẹp, cảnh giới trang nghiêm như vậy? Bởi vì lầu gác của ngài thì không có giới hạn “rộng vô lượng đồng như hư không”. Lầu gác của ngài mở ra và gồm chứa tất cả pháp giới: Một lầu gác chứa toàn bộ pháp giới, cái hữu hạn gồm chứa tất cả cái vô hạn. Cái một dung nhiếp cái tất cả và cái tất cả thì có vô số cái một không thể đếm hết. Đây là pháp giới sự sự vô ngại.
“Mỗi lầu gác đều rộng rãi tráng lệ, đồng như hư không, chẳng ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau”. Mỗi lầu gác đều đồng như hư không, đều vô hạn, nên đều chứa tất cả những lầu gác khác, đồng thời vẫn giữ nguyên hình dạng của mình nhưng chẳng ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau, cho nên “vận dụng tâm vô ngại cùng khắp, thấy và kính lễ cùng khắp”.
Nhờ thấy biết được pháp giới sự sự vô ngại này mà đồng tử Thiện Tài “ở một chỗ thấy tất cả chỗ; nơi tất cả chỗ đều thấy như vậy”.
Cái thấy lầu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng khiến cho tâm thanh tịnh, được tịnh hóa, “rời tất cả tưởng, trừ tất cả chướng, diệt tất cả lầm”. Cái thấy trực tiếp pháp giới của chư Phật chính là cái thấy bản tâm xưa nay của chính mình, khuôn mặt xưa nay của chính mình, bởi vì “Tâm, Phật và chúng sanh; cả ba không sai khác” (Phẩm Dạ Ma cung kệ tán, thứ 20). Thế nên “chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, nhập môn vô ngại giải thoát, vận dụng tâm vô ngại cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp”. Khi ấy không còn chủ thể thấy và đối tượng thấy, cho nên mới gọi là cùng khắp, là vô ngại giải thoát.
2/ Thân mình đầy khắp pháp giới
“Vừa mới đảnh lễ, do thần lực của Bồ tát Di Lặc, Thiện Tài tự thấy thân mình ở khắp trong tất cả các lầu gác, thấy đủ những cảnh giới tự tại chẳng thể nghĩ bàn.
Những là hoặc thấy Bồ tát Di Lặc lúc mới phát tâm tên hiệu như vậy, chủng tộc như vậy, thiện hữu khai ngộ khiến gieo trồng thiện căn như vậy, thọ mạng như vậy, ở kiếp như vậy, gặp Phật tại cõi nước như vậy, tu hành như vậy, phát nguyện như vậy, chư Phật Như Lai ấy, những chúng hội, thọ mạng, thời gian thân cận cúng dường đều thấy rõ. Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc tối sơ chứng được từ tâm tam muội, từ đó đến nay hiệu là Từ Thị. Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc tu những diệu hạnh thành mãn tất cả các ba la mật. Hoặc thấy đắc nhẫn, trụ địa, thành tựu thanh tịnh quốc độ, hộ trì Phật pháp, làm đại pháp sư, được vô sanh nhẫn. Hoặc thấy lúc ấy, chỗ ấy, đức Phật ấy thọ ký thành Phật cho Bồ tát Di Lặc.
Hoặc thấy Bồ tát làm Chuyển luân vương khuyên chúng sanh an trụ nơi mười thiện đạo. Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc làm các Vua Trời thuyết pháp làm lợi ích cho chúng sanh… Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc ca ngợi nói về công đức từ Sơ địa cho đến Thập địa. Hoặc thấy ngài trong trăm ngàn năm kinh hành, đọc tụng, chép các kinh điển, siêng cầu, quán sát vì đại chúng nói pháp…”
“Vận dụng tâm vô ngại cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp, tự thấy thân mình ở khắp trong tất cả các lầu gác”: nhờ thần lực của Bồ tát Di Lặc, tâm của đồng tử Thiện Tài mở ra với pháp giới và hòa nhập với pháp giới. Sự tách biệt giữa thân tâm mình và pháp giới không còn, nghĩa là chấp ngã và chấp pháp không còn, nên tự thấy mình ở khắp pháp giới và thấy đủ những cảnh giới trong đó. Cái thấy lúc này là cái thấy của bản tâm và thấy đến đâu thì tâm chính là cái được thấy ấy.
Đồng tử Thiện Tài thấy quá khứ của Đức Di Lặc, phát tâm như vậy, gieo trồng thiện căn như vậy, gặp Phật tại cõi nước như vậy, tu hành như vậy, ở trong những chúng hội như vậy, cho đến được thọ ký như vậy, làm Bồ tát ở khắp để hóa độ chúng sanh ở khắp. Trong cái hiện tại của pháp giới, chứa đựng tất cả quá khứ của pháp giới. Đây là sự vô ngại của hiện tại và quá khứ.
3/ Sự sự vô ngại phản chiếu lẫn nhau
“Hoặc nhập tam muội dùng lực phương tiện hiện các thần biến. Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc cùng với các Bồ tát nhập biến hóa tam muội, mỗi vị nơi mỗi lỗ lông trên thân xuất ra tất cả mây thân biến hóa, hoặc xuất hiện mây thân thiên chúng, mây thân long chúng, mây thân dạ xoa, càn thát bà… Hoặc thấy hiện ra mây thân Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát, Như Lai. Hoặc hiện ra mây thân tất cả chúng sanh. Hoặc thấy xuất diệu âm ca ngợi mọi pháp môn của các Bồ tát, công đức của Bồ đề tâm… Hoặc lại ở trong những lỗ lông ấy thấy chư Như Lai có đại chúng vây quanh. Cũng thấy chỗ sanh, chủng tánh, thân hình, thọ mạng, quốc độ, kiếp số, danh hiệu, thuyết pháp lợi ích, giáo pháp trụ lâu mau, cho đến đạo tràng, chúng hội của các Phật ấy đều thấy rõ cả.
Lại ở trong các lầu gác trong Trang Nghiêm Tạng này thấy một lầu gác cao rộng trang nghiêm tối thượng, trong đó thấy trọn ba ngàn thế giới, trăm ức bốn thiên hạ, trăm ức trời Đâu Suất Đà, mỗi mỗi nơi đều có Bồ tát Di Lặc giáng thần đản sanh. Thích, Phạm, Thiên vương ẳm bồng cung kính, Bồ tát sơ sanh kinh hành bảy bước, quán sát mười phương, đại sư tử hống, hiện làm đồng tử, ở trong cung điện, dạo chơi trong vườn, vì cầu Nhất thiết trí mà xuất gia khổ hạnh, thị hiện nhận cháo sữa, đi đến đạo tràng, hàng phục ma quân, thành Đẳng Chánh Giác, quán sát cây Bồ đề, Phạm vương thỉnh chuyển pháp luân, lên cung điện trời thuyết pháp. Kiếp số thọ lượng, chúng hội trang nghiêm, nghiêm tịnh quốc độ, thành tựu hạnh nguyện, phương tiện giáo hóa thành thục chúng sanh, phân chia xá lợi, trụ trì giáo pháp, những sự việc chẳng đồng như vậy thảy đều thấy rõ.
Thiện Tài lại thấy thân mình ở chỗ chư Phật Như Lai ấy, cũng dự trong những chúng hội ấy, nhớ rõ tất cả Phật sự và thông đạt vô ngại”.
Đoạn này diễn tả cái thấy của đồng tử Thiện Tài đến mức độ sâu xa vi tế. Trong Kinh Hoa Nghiêm mức độ sâu xa vi tế này thường được diễn tả về mặt không gian là những “vi trần”, những hạt bụi nhỏ, và về mặt thời gian là “sát na”, những phần nhỏ của một khoảnh khắc. Trong mỗi lỗ lông trên thân các Bồ tát xuất hiện tất cả mây thân biến hóa. Trong mỗi lỗ lông hiện ra tất cả mây thân Phật, Bồ tát, Độc Giác, Thanh Văn và các công việc của các ngài.
Mây thân (thân vân) là những đám mây nơi xuất hiện thân vô số các bậc thánh phàm. Mây là những hạt nước rất nhỏ tụ lại, như thế một đám mây có vô số thân hiện ra. Các đám mây còn cho thấy tính chất biến hóa của chúng, “mây thân biến hóa”.
Trong vô số lầu gác trong lầu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng của Đức Di Lặc, mỗi lầu gác lại có một lầu gác trang nghiêm tối thượng, phản ánh sự nghiệp tương lai của vô số Đức Di Lặc trong ba ngàn thế giới. Đó là việc đản sanh, kinh hành bảy bước, quán sát mười phương và tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, rồi sau đó lớn lên, từ bỏ cung điện đi đến đạo tràng thành Đẳng Chánh Giác, độ sanh, nhập diệt, để lại giáo pháp… như Đức Phật Thích Ca.
Như thế, trong vô số lầu gác của Trang Nghiêm Tạng cũng chứa đựng, phản ánh vô số sự việc tương lai thành Phật của Đức Di Lặc. Trong hiện tại của lầu gác của Đức Di Lặc có chứa đựng, phản ánh việc tương lai thành Phật của ngài. Trong lầu gác này không chỉ chứa đựng vô số quá khứ đã qua, mà còn hội tụ cả vô số tương lai sẽ tới.
Hiện tại vô ngại với quá khứ và tương lai, thời gian vô ngại với thời gian. Và trong mỗi phần nhỏ của không gian lại có đủ ba thời hiện tại, quá khứ và tương lai, không gian vô ngại với thời gian.
“Lại nghe trong tất cả các lầu gác, lưới, linh, chuông báu cùng các nhạc khí đều diễn xướng pháp âm vi diệu chẳng thể nghĩ bàn: hoặc nói Bồ tát phát Bồ đề tâm, hoặc nói tu hành các ba la mật, hoặc nói các nguyện, các địa, hoặc nói cung kính cúng dường Như Lai, hoặc nói trang nghiêm cõi nước chư Phật, hoặc nói chư Phật thuyết pháp sai khác. Tất cả Phật pháp như vậy đều nghe các âm ấy diễn xướng tỏ rõ.
Lại nghe xứ ấy có Bồ tát nghe pháp môn ấy, phát tâm Bồ đề, nơi kiếp ấy, cõi ấy, chỗ đức Phật ấy, trải qua bao nhiêu kiếp tu Bồ tát hạnh, sẽ thành Chánh Giác, danh hiệu như vậy, thọ lượng như vậy, quốc độ trang nghiêm như vậy, giáo hóa chúng sanh như vậy, nhập Niết bàn như vậy…
Thiện Tài nghe các pháp âm vi diệu chẳng thể nghĩ bàn như thế, thân tâm hoan hỷ nhu nhuyến liền được vô lượng môn tổng trì, các môn biện tài, các thiền, các nhẫn, các nguyện, các ba la mật, các thông, các minh và các giải thoát, các môn tam muội”.
Trong pháp giới, trong toàn bộ lầu gác của Đức Di Lặc, tất cả các sự vật ở tầm vĩ mô và tầm vi mô đều “diễn xướng tất cả Phật pháp”.
“Lại thấy trong tất cả các gương báu đủ thứ hình tượng: những là chúng hội đạo tràng, chư Phật, chúng hội đạo tràng Bồ tát, chúng hội đạo tràng Thanh Văn, Độc Giác. Hoặc thấy những thế giới tịnh, uế, những thế giới có Phật, những thế giới không có Phật, những Tiểu, Trung, Đại thế giới, những thế giới lưới Đế Thích…
Ở trong những thế giới như vậy, thấy có vô số chúng đại Bồ tát hoặc đi hoặc ngồi làm nhiều sự nghiệp, hoặc khởi đại bi thương xót chúng sanh, hoặc tạo luận lợi ích chúng sanh, hoặc thọ trì, biên tụng, hoặc hỏi hoặc đáp, ba thời sám hối, hồi hướng, phát nguyện.
Thiện Tài lại thấy tất cả các cột báu phóng ra lưới đại quang minh ma ni vương, hoặc xanh, vàng, đỏ, trắng… hoặc làm thành màu tất cả quang minh…
Lại thấy chuỗi chân châu thường xuất sanh nước thơm đủ tám công đức. Thấy chuỗi lưu ly phóng trăm ngàn quang minh đồng thời chiếu sáng.
Lại thấy tượng nam, nữ, tượng Thích, Phạm, Hộ thế, trời, rồng dạ xoa…Thanh Văn, Độc Giác, Bồ tát. Tất cả những sắc tượng trên đây đều chắp tay khom mình đánh lễ”.
Các sự vật trong lầu gác đều tỏa ánh sáng, hương thơm… và chúng phản chiếu lẫn nhau như những tấm gương, tạo nên thế giới “lưới trời Đế Thích” làm bằng những hạt ngọc phản chiếu lẫn nhau.
Mỗi sự vật là một tấm gương báu, trong đó có phản chiếu tất cả hiện hữu của vũ trụ, thánh phàm. Và mỗi tấm gương lại phản chiếu tất cả các tấm gương khác, đó là một vũ trụ “trùng trùng vô ngại”.
Khi Thiện Tài “thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp” thì “tất cả những sắc tượng trên đây cũng đồng thời chắp tay đảnh lễ”.
4/ Huyễn trí thấy như huyễn như mộng
“Bấy giờ các thiện tri thức mà Bồ tát Di Lặc đã từng kính thờ, thân cận, cúng dường bảo Thiện Tài rằng: Thiện lai đồng tử! Ngươi hãy quán sát những sự chẳng thể nghĩ bàn của Bồ tát Di Lặc chớ có chán mỏi.
Lúc đó do được sức ghi nhớ chẳng quên, do được mắt thanh tịnh thấy mười phương, do được trí vô ngại khéo quán sát, do được trí tự tại của các Bồ tát, do được cái hiểu rộng lớn của các Bồ tát đã nhập trí địa, nên Thiện Tài ở trong mỗi vật của tất cả lầu gác đều thấy vô lượng cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Như người nằm mộng thấy những cảnh vật, khi thấy thức dậy bèn biết là cảnh mộng, nhưng có thể nhớ rõ không quên mất. Cũng vậy, nhờ thần lực gia trì của Bồ tát Di Lặc, do biết các pháp trong ba cõi đều như mộng, vì diệt được các tưởng hẹp kém của chúng sanh, vì được hiểu biết rộng lớn vô ngại, vì trụ cảnh giới thù thắng của các Bồ tát, vì nhập trí phương tiện chẳng nghĩ bàn, nên Thiện Tài thấy được cảnh giới tự tại như vậy.
Như người sắp chết, thấy tướng thọ báo tùy theo nghiệp mình. Người gây nghiệp ác thì thấy tất cả cảnh giới khổ nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Người làm nghiệp thiện thì thấy tất cả cung điện cõi trời trang nghiêm vô lượng thiên chúng, thiên nữ tốt đẹp. Thân tuy chưa chết nhưng do nghiệp lực thấy các sự ấy. Cũng vậy, do lực chẳng nghĩ bàn của Bồ tát nghiệp nên Thiện Tài được thấy tất cả cảnh giới trang nghiêm.
Như có người bị quỷ nhiếp trì thấy các sự việc, tùy có người hỏi đều đáp được cả. Cũng vậy, do trí huệ Bồ tát nhiếp trì nên Thiện Tài được thấy tất cả sự trang nghiêm, nếu có ai hỏi đều đáp được cả”.
Hai sự tích tập trí huệ và công đức của đồng tử Thiện Tài đã gần trọn vẹn, nên được mắt thanh tịnh thấy khắp mười phương, trí vô ngại khéo quán sát nên thấy vô lượng cảnh giới trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn. Đây là nhờ sự tu hành của đồng tử, lại được nhờ thần lực gia trì của Bồ tát Di Lặc.
Ở trên nói đồng tử “nhập vào cửa giải thoát vô ngại, vận dụng tâm vô ngại cùng khắp cho nên thấy những cảnh giới tự tại chẳng nghĩ bàn”. Cảnh giới tự tại thì không những trang nghiêm mà còn là tự tại, giải thoát. Thấy tất cả nhưng đồng thời giải thoát khỏi tất cả cái được thấy. Đó là “Vì biết những pháp trong ba cõi đều như mộng”. “Thấy được cảnh giới tự tại như vậy” vì biết ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức, nên đều như huyễn như mộng.
Tâm thanh tịnh thì thấy các cảnh giới là thanh tịnh. Ý nghĩa của thanh tịnh là giải thoát, thanh tịnh bởi vì như huyễn như mộng. Như huyễn như mộng chính là sự thanh tịnh tự tại giải thoát.
Đồng tử thấy được như vậy là “do lực chẳng nghĩ bàn của Bồ tát nghiệp”. Nghiệp tâm như thế nào thì thấy cảnh giới như thế ấy. Nghiệp tâm của Bồ tát, qua hai sự tích tập trí huệ và công đức đã thanh tịnh, đây là Chánh báo, Bồ tát bèn thấy được cảnh giới chung quanh đều thanh tịnh, đây là Y báo.
“Như có người bị rồng nhiếp trì, tự cho mình là rồng rồi vào Long cung, trong một ít thời gian tự cho là đã trải qua nhiều ngày, tháng, năm. Cũng vậy, do trụ vào tưởng trí huệ của Bồ tát, do Bồ tát Di Lặc gia trì, nên trong một ít thời gian mà Thiện Tài cho là vô lượng kiếp.
Như cung Phạm thiên tên Trang Nghiêm tạng trong đó trọn thấy hiện tất cả sự vật trong ba ngàn thế giới chẳng tạp loạn nhau. Cũng vậy, trong lầu gác này Thiện Tài thấy khắp tất cả cảnh giới trang nghiêm sai khác chẳng tạp loạn nhau.
Như tỳ kheo nhập biến xứ định khi đi đứng ngồi nằm, tùy định mình nhập mà cảnh giới ấy hiện tiền. Cũng vậy, Thiện Tài nhập vào lầu gác này, tất cả cảnh giới đều hiện rõ.
Như có người ở trong hư không thấy thành Càn thát bà đủ sự trang nghiêm đều thấy biết rõ không chướng ngại.
Như cung điện dạ xoa và cung điện loài người cùng ở một chỗ mà chẳng tạp loạn nhau, mỗi bên theo nghiệp mình mà thấy khác nhau.
Như trong biển lớn tất cả sắc tượng ba ngàn thế giới đều thấy trong đó.
Như nhà huyễn thuật, do nơi lực huyễn hiện những sự huyễn. Cũng vậy, do lực oai thần của Bồ tát Di Lặc và do lực huyễn trí chẳng nghĩ bàn, do có thể dùng huyễn trí biết các pháp, do được lực tự tại của các Bồ tát, nên Thiện Tài thấy tất cả cảnh giới trang nghiêm tự tại trong lầu gác”.
Khi một người bị rồng nhiếp trì, nghĩa là tâm thức người ấy chuyển thành tâm thức loài rồng thì thời gian đối với người ấy thay đổi: “một ít thời gian mà thấy là đã trải qua nhiều ngày, tháng, năm”. Điều này chứng minh cho sự thật “ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”. Cùng một thời gian không gian, “cung điện dạ xoa và cung điện loài người cùng ở một chỗ”, nhưng loài dạ xoa và loài người thấy khác nhau, “mỗi bên theo nghiệp mình mà thấy khác nhau”. Theo nghiệp của mình là theo nghiệp của tâm thức mình. Tâm thức khác nhau tạo thành những cảnh giới khác nhau, không gian thời gian khác nhau.
Trong lầu gác hiện tất cả cảnh giới trang nghiêm tự tại của toàn bộ pháp giới. Để thấy được như vậy phải có nghiệp Bồ tát: được thần lực của Đức Di Lặc gia trì, có lực huyễn trí để biết các pháp, huyễn trí ấy là lực tự tại của hàng Bồ tát. Tóm lại, vị Bồ tát ấy phải có đầy đủ hai sự tích tập trí huệ và công đức.
Trí huệ là trí thấy biết như huyễn như mộng và công đức để gặp được và được sự gia trì của Bồ tát Di Lặc.
Những thí dụ trên đều nói đến như mộng như huyễn của cảnh giới và để thấy cảnh giới trang nghiêm như mộng như huyễn ấy phải “biết những pháp trong ba cõi như mộng”, phải có “huyễn trí và lực huyễn trí”.
Cực điểm của trí huệ Bồ tát là trí huệ ‘biết duy tâm tạo, nên như mộng như huyễn’, như Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dạ Ma cung kệ tán nói:
Nếu người biết tâm hành
Tạo khắp các thế gian
Người này bèn thấy Phật.
Rõ Phật chân thật tánh
Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm
Mà làm được Phật sự.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán tánh pháp giới
Tất cả duy tâm tạo.
“Bấy giờ Bồ tát Di Lặc nhiếp thần lực, vào trong lầu gác gảy móng tay ra tiếng, bảo Thiện Tài rằng:
Thiện nam tử, hãy dậy! Pháp tánh như vậy. Đây là những tướng của trí Bồ tát biết các pháp nhân duyên tụ tập mà hiện khởi. Tự tánh như vậy, như huyễn, như mộng, như bóng, như hình, đều trọn chẳng thành tựu.
Nghe tiếng gảy móng tay, Thiện Tài liền từ tam muội dậy”.
Sự phóng chiếu của tâm khiến hiện thành pháp giới thì như huyễn như mộng. Sự phóng chiếu “thần biến” của tâm, dù tâm thanh tịnh nhất, khiến hiện thành pháp giới trang nghiêm thanh tịnh nhất, cũng đều như huyễn như mộng. Như huyễn như mộng chính là sự thanh tịnh rốt ráo của tâm. Thế nên Kinh nói, “Pháp tánh hay tự tánh là như huyễn, như mộng, như bóng, như hình, đều trọn chẳng thành tựu”.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng