Nền Tảng Mọi Phẩm Hạnh Tốt Đẹp
H.E. Choden Rinpoche
Voula Zarpani thông dịch Anh ngữ
Gyalten Deying sao chép bản Anh ngữ; Tenzin hiệu đính
Gyalten Deying chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân & Chân Thông Tri hiệu đính
Để bắt đầu, trước tiên, hãy điều chỉnh động lực của mình, bằng cách nghĩ rằng hôm nay, mình có mặt ở đây để lắng nghe giáo pháp cao cả, vì ước nguyện thành tựu quả vị hoàn hảo và giác ngộ viên mãn, vì lợi lạc của tất cả bà mẹ hữu tình, rộng lớn như không gian bao la. Hãy điều chỉnh động lực lắng nghe giáo pháp bằng tư tưởng đặc biệt này.
Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để thọ nhận giáo huấn thuộc về thể loại Lamrim. Bản văn mà chúng ta sẽ khảo sát được gọi là Nền Tảng Của Mọi Phẩm Hạnh Tốt Đẹp, do Je Rinpoche sáng tác. Je Rinpoche đã sáng tác nhiều sách Lamrim. Một số tác phẩm của ngài thì sâu rộng hơn, một số thì cô đọng hơn. Tác phẩm này được xem là một trong những bản văn cô đọng, ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, lực gia trì mà chúng ta thọ nhận từ bản văn này được xem là tuyệt hảo, hay có lực gia trì tối thượng. Đó là lý do, bởi vì Je Rinpoche đã sáng tác bản văn này trước sự hiện diện của tất cả các vị lạt ma trong dòng truyền thừa qua linh kiến, và ngài đã sáng tác bài này, sau khi thọ nhận chỉ giáo và lực gia trì từ chư vị. Các bản văn được ghi chép hay sáng tác trong hoàn cảnh như vậy sẽ chứa đựng toàn bộ lực gia trì, nên được cho là bản văn đem lại lực gia trì tuyệt hảo.
Đối với mỗi tác phẩm Lamrim mà mình khảo sát, không cần biết dài cỡ nào, cuối cùng thì nó có thể được truy tầm về bản Lamrim dài, nên nếu như xem xét phẩm chất hay đề mục phụ trong bản dài, thì nên có khả năng nhận diện tất cả các điểm này trong nhiều bản văn ngắn gọn hơn, đã được sáng tác sau đó. Trong bản Lamrim dài, điểm khởi đầu nói về tính vĩ đại của vị thầy, sự vĩ đại của lời khuyên được ban truyền ở điểm này, nên trước hết, khi nói về tính vĩ đại của giáo huấn, thì mình phải hiểu đây không phải là một bản văn hay chỉ giáo do Lama Tsongkhapa thêu dệt, không phải là điều ngài tự phát minh ra, mà như tựa đề cho thấy, Lamrim, là Trình Tự Đường Tu, và vị thầy thật sự của trình tự đường tu giác ngộ viên mãn chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, khi nói về sự vĩ đại của vị thầy thì điều quan trọng là nhận thức vị thầy gốc của mình, người đã ban giáo pháp Lamrim cho mình, là bất khả phân và không khác biệt với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nên điều quan trọng là nhận diện dòng truyền thừa xuất xứ của giáo pháp này, và tin chắc rằng không phải là người nào thêu dệt ra, rằng có ai đó chắp nối giáo pháp lại, mà chỉ giáo này bắt nguồn từ chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nếu như khảo sát bản văn theo cách trình bày truyền thống như trong các sách Lamrim dài hơn, thì chúng ta phải nói về sự vĩ đại của lời khuyên trong bản văn, hay là sự vĩ đại của chỉ giáo này, tại sao tác phẩm Lamrim này thù thắng, tại sao nó quá vĩ đại, quá quan trọng như vậy? Trước tiên, bản văn này thù thắng hay vĩ đại, bởi vì nó tóm gọn những lời khuyên được tìm thấy trong những kinh sách rất dài, chẳng hạn như Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa. Toàn bộ trí tuệ này được nêu ra trong sách Lamrim, nên nó trình bày những lời khuyên rất dài một cách súc tích. Sự vĩ đại thứ nhì là nó được trình bày theo cách mà hành giả có thể đưa giáo pháp vào hành trì thực tiễn rất dễ dàng, không phải là điều khó thực hiện. Vì vậy nên đây là một trong những sự vĩ đại, một trong những điểm đặc trưng của Lamrim. Điểm thứ ba là lời khuyên trong bản văn cũng đã được xác minh rằng chúng bắt nguồn từ những người đã tu tập theo giáo pháp, và thiết lập được các quả vị thành tựu thật sự, nên nó là đường tu viên mãn, đáp ứng bất kỳ điều hứa hẹn nào, hay bất cứ kỳ vọng nào của hành giả. Và cuối cùng, chúng ta nói rằng đây là một giáo huấn cao cả, một bản văn thuộc hạng vĩ đại, bởi vì nó kết hợp các dòng truyền thừa vĩ đại. Do đó, ở đây, nếu như đi ngược về đạo sư vĩ đại Atisha thì chúng ta biết rằng ngài đã nắm giữ, hay kết hợp hai dòng truyền thừa chính, một dòng truyền thừa mà ngài thọ nhận từ Đức Văn Thù Sư Lợi, và một dòng truyền thừa ngài đã thọ nhận từ Lama Serlingpa. Vậy nên sự kết hợp của hai dòng truyền thừa quan trọng được sát nhập, và sản sinh ra sự vĩ đại của tác phẩm này.
Có một vần kệ cũng mô tả những lợi lạc lớn lao trong việc thiền quán về giáo pháp Lamrim, dù là chỉ thiền quán trong một thời thiền, nên điều này rất chính xác, bởi vì bản văn này kết hợp tinh túy của toàn bộ luận thuyết của Phật đà. Nếu như thiền quán về bản văn này trong một thời thiền, hay chỉ trong một thời gian rất ngắn, thì con sẽ có được lợi lạc như đã thiền quán về tất cả các tác phẩm Lamrim. Vì vậy nên câu kệ nói một cách rất ngắn gọn rằng bản văn này tạo ra lợi lạc to lớn từ tinh túy của tất cả các luận thuyết.
Sau khi đã đề cập đến sự vĩ đại của bản văn này và lợi ích của việc tu học hay thiền quán về nó, việc xem xét thái độ đúng đắn của đệ tử khi thọ nhận giáo pháp này cũng là điều rất quan trọng, nên ở đây, theo truyền thống thì người đệ tử nên có ba nhận thức. Nhận thức thứ nhất là Pháp tựa như thuốc men. Nhận thức thứ hai là vị thầy giống như một y sĩ giỏi, và nhận thức thứ ba là người đệ tử, bản thân mình là người đau yếu, nên phải nương tựa vào thuốc men, đó là Pháp, để chữa trị bệnh tình và những thiếu sót của bản thân. Đó là thái độ mà mình nên có, khi tham dự những buổi thuyết pháp như vầy, và bản văn cũng nêu ra những đặc tính hay phẩm hạnh mà vị thầy nên có, đó là người ban truyền các giáo huấn này. Thế thì trước hết, vị thầy nên là người có lòng tôn kính đối với dòng truyền thừa, với truyền thống này, cũng như hết lòng quan tâm đến phúc lợi của đệ tử, nên về mặt cơ bản thì thầy là người giảng dạy để tạo lợi lạc cho đệ tử.
Từ đầu, chúng ta đã nói rằng tác phẩm này là một bản văn ban lực gia trì tuyệt hảo, nhưng dĩ nhiên, nếu muốn cho lực gia trì tuyệt hảo này hiển lộ hay được thọ nhận thì trước tiên, người đệ tử phải thiết lập pháp quán tưởng đúng đắn. Pháp quán tưởng phải bao gồm tất cả các lạt ma trong dòng truyền thừa Lamrim, hay ruộng phước của Lamrim. Nếu không thể quán triệt pháp quán tưởng đặc biệt này thì thay vào đó, con có thể quán tưởng ruộng phước theo Lama Chopa, còn nếu không thể làm như vậy thì con có thể thực hành cách quán tưởng đơn giản hơn, dựa vào pháp quán tưởng mà chúng ta có trong Trăm Đấng Hộ Phật Cõi Trời Đâu Suất, mà nhân vật chánh là Lama Tsongkhapa. Một khi đã thiết lập ruộng phước thì con sẽ cúng dường thất chi nguyện, rồi cúng dường một mạn đà la, và sau khi đã hoàn tất mọi thỉnh cầu để được gia hộ, để tu học một cách đúng đắn, thì con sẽ thực hành việc tu học và hành thiền.
Nếu như xem xét bản văn thì đại khái, nó được phân chia thành hai phần. Phần thứ nhất là cách nương tựa vào vị thầy tâm linh một cách đúng đắn, và phần thứ hai là những gì ta phải làm, phải thực hiện những pháp tu nào, một khi đã nương tựa đạo sư một cách đúng đắn, và đề tài thứ nhất về cách nương tựa vị thầy được trình bày trong vần kệ đầu tiên, đó là:
Nền tảng của mọi phẩm hạnh tốt đẹp là vị bổn sư nhân từ, hoàn hảo và thanh tịnh.
Sùng mộ ngài một cách đúng đắn là cội nguồn của đường tu.
Nhờ thấy rõ điều này và nỗ lực lớn lao,
Xin hộ trì cho con thành kính nương tựa nơi ngài.
Vậy thì điểm chính cần xem xét ở đây là việc nương tựa vị thầy tâm linh quan trọng như thế nào, cũng như những thiếu sót khi không nương tựa thầy. Đây là điều mà mỗi một đệ tử phải thực hiện, giống như một bài tập mà con phải tự mình làm, để thấy những lợi lạc to lớn xuất phát từ việc nương tựa vị thầy, và bản văn khởi đầu bằng câu ‘Nền tảng của mọi phẩm hạnh tốt đẹp là vị bổn sư nhân từ, hoàn hảo và thanh tịnh’, nên bất kỳ phẩm hạnh nào mà đệ tử phát triển trong dòng tâm thức đều nhờ vào việc nương tựa vị thầy, nên bất cứ phẩm hạnh nào mà chúng ta phát triển được cũng nhờ vào lòng nhân từ của thầy, và theo ý nghĩa này thì vị thầy trở thành nền tảng, hay cơ sở mà dựa vào đó, mỗi một phẩm hạnh khả dĩ nào đều phát sinh. Vì lý do này mà người thầy được xem là rất nhân từ, nên ở đây, ta cũng nhớ đến lòng hảo tâm của thầy, rằng thầy đã hành động như thế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến triển tâm linh của chúng ta. Một khi đã thấu hiểu rằng mình có thể phát triển tất cả các phẩm hạnh nhờ lòng nhân từ của vị thầy, điều quan trọng nhất là nương tựa thầy một cách đúng đắn, và đó là điều mà chúng ta phải rành mạch ngay từ đầu, bởi vì nếu như yếu tố này đi sai, thì tất cả mọi điều theo sau sẽ dẫn đến từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác. Nếu như có thể bảo đảm là mình sẽ tìm ra cách nương tựa thầy một cách đúng đắn vào lúc khởi sự tu tập, thì tự nhiên tất cả những việc khác sẽ đâu vào đấy, ta sẽ có một sự phát triển tốt đẹp sau đó.
Hai cách nương tựa thầy là nương tựa bằng tư tưởng và hành động. Đối với việc nương tựa bằng tư tưởng thì phải hội đủ hai yếu tố, một là tín tâm, hai là lòng tôn kính. Trước hết, tín tâm sẽ phát sinh, bởi vì con phải xem thầy như Phật, bằng cách xem xét các phẩm hạnh của thầy, con sẽ nói rằng thầy của mình có các phẩm hạnh giống như Phật. Thầy chính là Phật. Tín tâm nghĩa là như vậy, rồi lòng kính trọng cũng phải phát sinh. Khi nghĩ đến lòng nhân từ của thầy thì lòng kính trọng sẽ phát sinh. Lòng nhân từ của thầy sẽ giúp mình phát triển lòng tôn kính.
Yếu tố đầu tiên là tín tâm. Khi nói rằng phải xem thầy ngang hàng với Phật thì đó là điều được nhấn mạnh và phân tích khá nhiều trong truyền thống này. Đúng ra thì bản văn nói rằng thậm chí, mình phải xem thầy nhân từ hơn Phật, không chỉ như Phật, mà còn tốt hơn cả Phật, bởi vì chúng ta sống vào thời Đức Phật không tại thế. Có một thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giáng thế, và rất nhiều người có vô lượng công đức đã trực tiếp gặp được ngài. Thậm chí, nhờ được trực tiếp gặp ngài, hay tham dự các buổi thuyết pháp của ngài, hoặc làm theo lời dạy của ngài mà hàng ngàn chúng sanh đã thoát khỏi các ám chướng. Tuy nhiên, dù có loại tái sinh nào, loại thân tướng nào, loại tâm thức nào trong thời đại này thì chúng ta cũng đã mất cơ hội diện kiến Đức Phật. Hiện thời, chúng ta không sống trong thời đại mà một vị Phật thị hiện trên thế gian. Tuy nhiên, chư đạo sư vô cùng nhân từ, bởi vì nhờ có đạo sư mà chúng ta mới tiếp xúc được giáo huấn của Đức Phật, nên khi Đức Phật không tại thế thì vị thầy có mặt ở đây, để thực hiện cùng một công hạnh với Đức Phật. Thậm chí nếu Đức Phật có mặt ở đây, thì điều mà ngài sẽ làm cũng tương tự như những gì đạo sư của mình đang làm trong hiện tại. Đức Phật cũng sẽ ban giáo pháp, giúp cho mình tiếp xúc với giáo pháp, nên chúng ta đã có một người hành xử y như điều mà Đức Phật sẽ làm. Vì lý do đó mà ta nhận thức được những phẩm hạnh cao quý và lòng nhân từ cao cả của đạo sư, và dựa vào đó mà tín tâm và lòng tôn kính là hai điều thiết yếu sẽ phát sinh.
Một khi đã nhận ra tất cả những điều này thì mình nên sẵn sàng cúng dường bản thân và tất cả những gì mình có, tất cả những gì mình thưởng thức cho đạo sư, và hiểu rằng nhờ vậy mà mình đã tạo ra lợi lạc tương đương với việc cúng dường toàn thể chư Phật. Nhưng khi cúng dường đạo sư sau khi đã thừa nhận các phẩm hạnh và lòng nhân từ của thầy vân vân, thì đừng bao giờ làm với sự tính toán, chẳng hạn như, “Nếu như cúng dường những thức này thì mình sẽ nhận được những gì, có được đặc ân gì, hay bao nhiêu công đức, để mình tính thử xem”, bởi vì một khi con bắt đầu tính toán những điều này, thì việc cúng dường không còn là Phật sự nữa. Dù có sùng mộ đạo sư bao nhiêu, dù có dâng hiến tự thân và phụng sự thầy ra sao, thì mình phải làm với thái độ đúng đắn. Đó là cách nương tựa đạo sư một cách đúng đắn về mặt tư tưởng. Về hành động thì điều mà mình phải làm là nghe lời khuyên của thầy, và điều này có nghĩa là khi gặp thầy và thầy bảo rằng, “Thầy khuyên con nên làm việc này và hành trì pháp tu ấy”, thì mình nên làm theo lời thầy dạy, nên tu tập pháp tu đó. Có nhiều thứ con có thể cúng dường cho đạo sư, nhưng cách tốt nhất là cúng dường việc tu tập của mình. Vậy thì vâng theo lời khuyên của thầy và cúng dường việc tu tập của mình là cúng dường tối thượng, cũng như đại hành giả Milarepa ở Tây Tạng có nói, và con biết Milarepa là một hành giả khổ hạnh, không hề sở hữu bất kỳ thứ gì, nhưng ngài nói rằng, “Ta cúng dường những thức tuyệt hảo mỗi ngày. Ta không có vật chất để dâng cúng, nhưng ta cúng dường tất cả tu tập của mình cho thầy của ta.”, nên tu tập có nghĩa là như vậy, là cúng dường đạo sư.
Chúng ta đã xem dòng cuối của vần kệ này, câu này nói rằng, ‘Xin hộ trì cho con thành kính nương tựa nơi ngài’. Ở đây, hãy nhớ rằng mình đã quán tưởng một ruộng phước trước mặt, ví dụ con có ruộng phước của trăm đấng Hộ Phật cõi trời Đâu Suất ở trước mặt mình, thì vị chủ ngôi là Lama Tsongkhapa, nên khi nói ‘xin hộ trì để con có thể nương tựa đạo sư một cách đúng đắn’, thì con sẽ quán tưởng hào quang tỏa ra từ tim của Lama Tsongkhapa, và ban phát cam lồ tịnh hóa xuống cho mình. Chúng thấm vào thân mình và hoàn toàn tiêu diệt bất kỳ ám chướng nào, bất cứ sự bất an, vô minh nào, bất kỳ tâm vô minh nào liên quan đến việc nương tựa đạo sư một cách đúng đắn, và sau khi đã thọ nhận cam lồ tịnh hóa này, ta sẽ nghĩ rằng, “Tôi đã tịnh hóa hoàn toàn bất kỳ điều gì ngăn cản việc nương tựa đạo sư một cách đúng đắn.”. Đây là cách thấu hiểu câu cuối cùng, với chữ “xin hộ trì con”. Nó phải đi cùng với pháp quán tưởng này.
Chúng ta đã giải thích phần thứ nhất, đó là cách nương tựa đạo sư đúng đắn, và như đã nói, tiếp theo đó, ta có phần chính của bản văn, đó chính là điều mà con phải thực hành, một khi đã tìm được thầy và nương tựa vào thầy. Từ đó, chúng ta thấy có hai phần phụ trong bản văn. Phần thứ nhất là cách tự phát khởi động lực để rút tỉa tinh túy của kiếp này, phần thứ hai là làm sao để rút tỉa tinh túy của kiếp sống này. Phần thứ nhất, chính là cách tự phát khởi động lực, được thực hiện bằng cách tư duy về kiếp sống mà mình có được, có các yếu tố tự do và thuận lợi, và nhờ cách tư duy đời sống này hiếm có và tràn đầy ý nghĩa lớn lao như thế nào, mà mình sẽ phát khởi động lực từ nội tâm, để thực hiện điều gì có ý nghĩa cho kiếp sống này. Một khi hiểu rằng việc có được loại tái sinh này thì hiếm hoi dường nào, và tràn đầy ý nghĩa ra sao, thì tự nhiên ý tưởng không muốn phí phạm nó sẽ phát sinh. Nếu như phí phạm nó thì đó là điều khó nghĩ tưởng, bởi vì đến khi nào thì mình mới có một dịp may tốt đẹp hơn? Nên nếu chỉ nhìn vào vần kệ thứ hai, thì nó tạo ra động lực bên trong, bằng cách nói rằng:
Khi hiểu rằng kiếp người tự do quý báu này chỉ có được một lần,
Tràn đầy ý nghĩa lớn lao và khó tìm lại được,
Xin hộ trì cho tâm con không sao lãng,
Ngày cũng như đêm, sử dụng tinh túy kiếp người.
Ở đây, dòng thứ nhất nói rằng loại tái sinh với tự do và thuận lợi chỉ tìm được có một lần. Câu ‘chỉ có được một lần’, cho thấy rằng nó thật sự vô cùng hiếm hoi, bởi vì đa số các tái sinh của mình đã trải qua trong các cõi thấp hơn. Có được một kiếp người hoàn hảo, với tất cả tự do và thuận lợi là điều vô cùng hiếm có. Tại sao nó quá hiếm hoi như vậy? Trước hết, nó hiếm là vì các nhân đặc biệt phải được thiết lập cho loại tái sinh này. Loại nhân đầu tiên là giới đức hoàn hảo, đức hạnh hoàn hảo. Loại thứ hai là hành trì lục độ ba la mật, loại thứ ba là lời cầu nguyện vô nhiễm, và tất cả ba nhân này phải có mặt nguyên vẹn, trong trạng thái hoàn hảo. Thế nên con có thể thấy rất khó để tụ họp tất cả các yếu tố này lại với nhau. Có ai có giới đức hoàn hảo, thêm vào đó, có ai hành trì lục độ ba la mật, và trên hết, có ai bao giờ dâng lời cầu nguyện vô nhiễm hay không? Đa số những lời cầu nguyện mà chúng ta thốt ra là, “Nguyện cho con có được thọ mạng dài lâu. Nguyện cho con không bị bệnh tật”, hay là cầu nguyện cho những điều khác, và qua lời cầu nguyện, con có thể thấy bát phong ảnh hưởng mình như thế nào. Thế thì có được các nguyên nhân này rất là khó khăn, vậy nên có được kết quả tái sinh làm người rất hiếm hoi.
Điều thứ hai, khi dòng kệ nói kiếp người không chỉ rất hiếm hoi, mà còn có rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta thấy trong một số sách có câu ‘kiếp sống này quý báu hơn ngọc như ý’. Đây là trình bày tiêu chuẩn. Ngọc như ý là loại ngọc có thể thật sự giúp cho mọi mong ước của mình được toại nguyện. Nếu như con tôn kính nó, cúng dường cho nó và thỉnh cầu, thì ngọc như ý có thể đem lại tất cả những gì con muốn, nhưng những gì nó mang lại là những thứ trong kiếp này. Nó không thể ban cho con bất kỳ điều gì ngoài tầm của kiếp sống này, nhưng ở đây, dĩ nhiên kiếp người quý báu còn quý hơn cả viên ngọc như vậy, bởi vì nó có thể mang lại hạnh phúc không chỉ cho kiếp này, mà còn đưa đến tái sinh trong cõi cao hơn, như cõi Thiên hay cõi người, và tối hậu thì có thể đưa đến giải thoát, hay giác ngộ viên mãn. Thế nên nó tràn đầy ý nghĩa cao cả, nên hãy nghĩ xem muốn tụ họp tất cả các nhân này thì khó đến mức nào, có được tái sinh làm người và những điều lạ thường mà con có thể thành tựu với kiếp người. Dĩ nhiên là ý tưởng này sẽ phát sinh, “Tôi không muốn lãng phí dịp may này. Nếu như bỏ qua dịp may này mà không tu tập chút Phật pháp nào, thì đúng là một sự lãng phí to lớn.”. Như con thấy ở đây, câu kệ nói rằng, ‘Xin hộ trì cho tâm con không sao lãng, ngày cũng như đêm, sử dụng tinh túy kiếp người’. Một lần nữa, như trước đây, chúng ta sẽ thực hành quán tưởng trước mặt Lama Tsongkhapa, và nhìn thấy vô lượng tia sáng tỏa ra từ tim ngài, và cam lồ tịnh hóa từ các tia sáng tuôn xuống thân mình, tiêu diệt bất kỳ điều gì ngăn trở mình hiểu được sự hiếm hoi của dịp may này, và bất cứ điều gì, tất cả quán tính mà mình có trong bản thân, về mặt rút tỉa tinh túy của kiếp này, và cuối cùng thì nên có cảm giác hoàn toàn mãn nguyện rằng, “Tôi đã được gia trì, và mọi chướng ngại đã được tiêu trừ. Giờ thì tôi hiểu kiếp sống này quan trọng ra sao, và sẽ rút tỉa tinh túy của nó.”.
Ở đây, chúng ta tiếp tục khảo sát đặc điểm của kiếp người hoàn hảo, như đã nói là có đặc tính tự do và thuận lợi, và ở đây, khi nói về tự do, nói theo danh từ kỹ thuật thì có nghĩa là mình thoát khỏi những hoàn cảnh rất phiền muộn, đó là những cảnh ngộ mà nếu như mình rơi vào, thì sẽ rất khó tu tập Pháp, ngay cả việc có bất cứ ý nghĩ nào về Pháp. Trước tiên, có bốn tự do thoát khỏi những cảnh áp bức, rất hiển nhiên. Ba trong bốn điều này là không phải tái sinh trong bất kỳ cõi nào thấp kém hơn như một chúng sanh trong địa ngục, như quỷ đói, như súc sanh, và điều thứ tư là không phải tái sinh thành chư Thiên, có thọ mạng rất dài. Bốn loại tái sinh này được xem là những loại tái sinh hoàn toàn không thuận lợi cho việc tu tập Pháp. Thế thì trước tiên, nếu chúng ta sẽ khảo sát điều gì sẽ xảy ra cho chúng sanh trong địa ngục, dù họ bị đọa vào các địa ngục nóng hay lạnh, thì nỗi khổ của họ quá mãnh liệt, đến nỗi không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến Pháp, hay tu tập Pháp. Thật ra, người ta nói thậm chí con không nghe được chữ ‘Pháp’, hay bất cứ âm thanh nào của Pháp ở các cõi địa ngục, nên đó là hoàn cảnh rất ngột ngạt, nếu như con tái sinh ở đó. Vì vậy, hãy nghĩ mình may mắn biết bao nhiêu, khi không phải tái sinh trong bất cứ cõi địa ngục nào.
Dạng hiện hữu thứ nhì là sự tồn tại của quỷ đói, và đối với quỷ đói thì chúng không thể tìm ra bất kỳ thứ gì để ăn hay uống, dù là vì ám chướng bên ngoài hay bên trong. Vì vậy nên chúng bị dày vò vì đói khát, kéo dài một thời gian rất lâu, và kiệt sức vì phải tìm kiếm thứ gì để có thể ăn hay uống. Có những câu chuyện về quỷ đói, và người ta nói rằng chúng đã mất nhiều thập niên để đi tìm một giọt nước, và trong nhiều thập niên, thậm chí, chúng không thể tìm ra một giọt nước. Không phải lúc nào cũng không có nguồn nhiên liệu hay thức ăn. Đôi khi, có thức ăn ở đó, nhưng vì cấu trúc của thân thể, vì ám chướng bên trong mà chúng không thể ăn thức ăn ấy, nên chúng đi lang thang, lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi và kiệt sức. Vì vậy, thật sự là chúng không thể lắng nghe, hay không còn lòng dạ nào để nghe Pháp. Trên thực tế, chúng khá thông minh, nên nếu như con có cách để cho chúng ngồi yên và giảng Pháp cho chúng nghe, thì chúng có thể hiểu được những gì con nói, nhưng chúng không thể làm như vậy.
Loại kế tiếp thuộc về tái sinh bất hạnh là tái sinh thành súc sanh, và đặc tính của súc sanh là luôn luôn lo sợ bị những con thú khác rượt bắt hay ăn thịt. Chúng còn có đặc tính là, chẳng hạn con người sẽ sử dụng chúng hay bắt chúng lao động cực nhọc, hay giết chúng để lấy các bộ phận trong cơ thể, nhưng quan trọng hơn nữa là đặc tính được mô tả như trạng thái mê lầm, nên súc sanh không thể hiểu giáo pháp, dù con có dạy chúng bao nhiêu lần đi nữa. Chúng không có trí thông minh như quỷ đói, nên chịu thiệt thòi về mặt này.
Đối với chư Thiên thì họ có thọ mạng rất dài, nhưng vấn đề cơ bản là họ chỉ có hai nhận thức, hay chỉ ý thức được hai khoảnh khắc trong kiếp sống rất lâu dài ấy. Khoảnh khắc đầu tiên là khi họ tái sinh trong cõi ấy, và nghĩ rằng, “Ồ, mình đã sinh ra trên Thiên giới”, rồi họ nhập định qua nhiều a tăng kỳ kiếp, và trong thời gian ấy, trong khi an trú trong định thì dĩ nhiên là họ không có bất kỳ ý nghĩ gì về việc tu tập Pháp, rồi cuối cùng, khi nghiệp lực của kiếp sống ấy cạn kiệt thì họ sẽ chuẩn bị cho một tái sinh khác. Và khi thiện nghiệp ấy chấm dứt thì kế tiếp, họ sẽ tái sinh trong cõi thấp hơn, nên ý nghĩ thứ hai mà họ có trong kiếp sống rất lâu dài đó là, “Mình sắp đọa sinh trong một cõi thấp hơn.”. Vì vậy nên việc tái sinh trong dạng hiện hữu đó không thuận lợi cho việc tu tập Pháp. Và cuối cùng, nếu như nhìn vào chư Thiên trong dục giới thì họ có một dạng tồn tại khác. Họ có ý thức trong suốt kiếp sống lâu dài ấy, và hưởng thụ lạc thú lạ thường, nhưng vì kinh nghiệm lạc thú mạnh mẽ ấy mà cuộc đời họ trở thành chủ nghĩa khoái lạc, và vì mải mê trong lạc thú, nên tại sao họ phải lo lắng về việc tu tập bất kỳ giáo pháp nào? Thế nên họ không tu tập Pháp.
Một lần nữa, hãy nghĩ về mỗi một tình trạng này, rồi sau cùng, nghĩ rằng, “Mình quá may mắn, vì không phải là cầm thú, không phải là quỷ đói, không ở trong địa ngục, không phải là một vị Trời trường thọ, không phải là một vị Trời trong dục giới. Mình là một con người. Mình có mọi sự tự do và thuận lợi. Mình đã gặp được giáo pháp và hội ngộ với minh sư, người sẵn sàng dìu dắt mình, vì vậy, mình nên sử dụng tất cả những thuận duyên này một cách tốt đẹp nhất, sử dụng tất cả những điều này một cách hữu ích bằng cách tu tập.”.
Hơn nữa, hãy tiếp tục với danh sách về các tự do, chúng ta không chỉ thoát khỏi việc đọa sinh trong những dạng tái sinh bất hạnh, mà nếu quán sát hoàn cảnh của mình trong hiện tại, ta có thể nói rằng mình sống trong thời đại mà Đức Phật đã giáng thế. Điều này có nghĩa là gì? Dù ta nói rằng Đức Phật không có mặt trong hiện tại, tuy nhiên, ngài đã giáng thế. Có những thời kiếp mà chư Phật xuất hiện trên thế gian và hoằng pháp. Những thời kiếp ấy được gọi là Những Thời Kiếp May Mắn Soi Sáng, bởi vì có nhiều thời kiếp, hay những thời gian rất dài, mà chư Phật không giáng thế, và những thời gian này được gọi là Những Thời Kiếp Đen Tối, và Những Thời Kiếp Đen Tối thì nhiều hơn Những Thời Kiếp May Mắn Soi Sáng rất nhiều, nên chúng ta rất may mắn được sinh ra trong thời kiếp, hay thời đại mà Đức Phật đã thật sự giáng thế, và đã ban giáo pháp. Thế thì Đức Phật đã ban giáo pháp, những giáo pháp ấy đã lan truyền, và thật sự đã tồn tại qua các dòng truyền thừa của những giáo pháp ấy, và chúng ta có thể tiếp xúc với tất cả những giáo pháp này. Hơn nữa, chúng ta không sống ở nơi biên địa, nên có thể tiếp xúc với giáo pháp.
Điểm kế tiếp là chúng ta có trí thông minh, đúng không? Chúng ta có thể bị chậm trí, và nếu như vậy thì mình sẽ gặp nhiều khó khăn, dù Đức Phật có giáng thế và giáo pháp của ngài có mặt ở đây, nhưng ta sẽ có nhiều trở ngại khi tiếp xúc với giáo pháp và các pháp tu, nên rất may mắn là chúng ta có trí thông minh mà mình đang có. Và cuối cùng, chúng ta không có các tà kiến, và ở đây, tà kiến là hoàn toàn bác bỏ luật nhân quả, hay là người vô thần và nói rằng, “Giáo pháp có ích lợi gì? Tại sao tôi phải tu tập? Nó không có lợi lạc gì cả.”. Một lần nữa, chúng ta rất may mắn, vì không có loại tà kiến đó. Vì vậy, hãy duyệt qua danh sách một lần nữa, và nói rằng, “Rất may mắn là mình sống trong Thời Kiếp Soi Sáng. Mình quá may mắn, vì được sống trong thời kỳ mà giáo pháp của Đức Phật có mặt trên thế gian. May mắn là mình có trí thông minh. Mình vô cùng may mắn, vì không có tà kiến.”.
Nếu thật sự xem xét cả danh sách những yếu tố tự do và thuận lợi mà mình có được, thì niềm tin xác tín sẽ phát sinh đến một mức độ nào đó, rằng đúng là mình có được dạng tái sinh vô cùng quý báu, và nếu như có được niềm tin xác tín như vậy, thì mình sẽ không muốn lãng phí dù một phút giây, vì vậy nên bản văn nói rằng “con sẽ muốn rút tỉa tinh túy của thời gian này ngày đêm”. Chúng ta sẽ không trì hoãn, chúng ta sẽ muốn tu tập, muốn tham dự vào pháp tu này. Hơn nữa, việc nghĩ đến lẽ vô thường cũng là điều rất quan trọng, bởi vì mặc dù có sự hăng hái và nói rằng, “Tôi không muốn lãng phí đời mình”, nhưng chúng ta không biết rõ giờ phút lâm chung của mình. Nếu như nghĩ về lẽ vô thường trên hết tất cả những điều tự do và thuận lợi, thì mình sẽ kết luận là, “Mình nên mau mau tu tập ngay bây giờ, ngay lập tức. Mình nên bắt đầu tu tập.”, và đây chính là lời khuyên mà Je Rinpoche đã đưa ra, rằng nếu như con làm theo cách này ngay lập tức và đưa nó vào thực hành, thì sẽ không hối hận.
Trước hết, mình sẽ hiểu cách tự phát khởi động lực, để rút tỉa tinh túy của kiếp sống, rồi từ đó, sẽ tiếp tục với phương tiện thật sự để rút tỉa tinh túy của kiếp này, và nó được trình bày trong ba phần: đó là nhờ nương tựa vào pháp tu của hành giả thuộc phạm vi nhỏ; nương tựa vào pháp tu của các hành giả thuộc phạm vi trung bình; và nương tựa vào các pháp tu của hành giả thuộc phạm vi lớn. Thế thì trước tiên, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét việc thực hành các pháp tu của hành giả thuộc phạm vi nhỏ. Điều này được trình bày theo hai bước. Trước tiên, ta nên suy niệm về điều gì, để khắc phục tâm tham đắm cuộc đời này, rồi phải suy niệm điều gì để khắc phục tâm tham đắm đối với kiếp sau. Trong bước đầu tiên, làm thế nào để khắc phục tâm tham đắm hay chấp thủ, hay chỉ bận tâm đến kiếp sống này? Điều này sẽ xảy ra bằng cách suy niệm về cái chết và vô thường, đúng không? Rồi sau đó, phải khắc phục mối bận tâm với kiếp sau. Bận tâm ở đây có ý nghĩa là chỉ tìm cầu sự an nhàn hay lạc thú, chỉ tìm cầu những điều như vậy. Thế thì phải nghĩ rằng chắc chắn sẽ có một tái sinh khác sau khi chết, và chỉ có hai khả năng: Một là tái sinh tốt, hai là tái sinh xấu, hay bất lợi, rồi tiếp theo là giảng dạy phương pháp khắc phục điều này. Trong bối cảnh của việc giảng dạy các phương pháp khắc phục tái sinh xấu, chúng ta sẽ xem xét về quy y, luật nhân quả và các phương tiện tịnh hóa. Đó là những điều giúp mình lo liệu cho những gì sẽ xảy ra sau kiếp này. Điều này rất quan trọng, nên trước tiên là phải khắc phục tâm tham đắm với kiếp sống này, bởi vì nếu như không khắc phục tâm tham đắm với đời này, thì mình sẽ tốn hết thời giờ và sức lực cho những việc thế gian của đời này mà thôi, và kiếp sống này trôi qua rất nhanh, nó sẽ qua đi và cuối cùng, chúng ta sẽ không có bất cứ điều gì để biểu lộ, mà chỉ hưởng thụ những gì có mặt ở đây, trong cuộc đời này.
Điều phân biệt giữa Pháp và phi Pháp chính là hoạt động này có lợi cho đời này, hay có lợi cho những đời sau. Nếu điều gì có thể tạo lợi lạc cho con trong những kiếp tương lai, thì đó là Pháp. Nếu nó không có lợi cho con trong những kiếp tương lai, thì không phải là Pháp, nên lằn ranh phân chia rất rõ rệt, và chúng ta bắt đầu những điều này bằng cách nhớ nghĩ đến cái chết và vô thường, bởi vì nếu không nhớ đến cái chết và vô thường, thì mình sẽ mắc kẹt trong những lo toan thế tục, thường tình, nên tôi sẽ làm gì cho hôm nay, cho ngày mai, chỉ là vì đời này, và đó là lý do mà vần kệ bắt đầu bằng câu, ‘Cuộc đời này phù du như bọt nước’.
Trước tiên là có thể nhớ đến cái chết, hồi tưởng đến cái chết. Hai câu đầu của vần kệ này nói rằng ‘Cuộc đời này phù du như bọt nước. Hãy nhớ rằng nó sẽ tan rã nhanh và cái chết đến.’. Hình ảnh bọt nước được xem là phép ẩn dụ hay nhất để chứng minh cuộc đời mình phù du như thế nào. Bọt nước là thứ có mặt ở đó trong phút chốc, rồi bỗng nhiên biến mất. Người ta nói đó là một trong những ví dụ hay nhất về lẽ vô thường. Chúng ta nhìn vào thân mình và nghĩ rằng đó là một thân thể khỏe mạnh. Thân này sẽ tồn tại lâu dài, nhưng thật ra điều này khác xa sự thật. Thân mình không có gì là mạnh mẽ và bền lâu, rồi yếu tố tiếp theo là sinh lực. Thật ra sinh lực chính là khí, và khí cũng là điều rất vi tế, đi cùng với hơi thở. Con thở vào, thở ra, nhưng đến một lúc, con biết mình có thể thở ra, nhưng nếu không có hơi thở vào nữa là xong, cái chết đã xảy ra. Bởi vậy chúng ta cứ nghĩ thân mình, hơi thở và sinh lực của mình thật mạnh mẽ, nhưng thật ra lúc nào chúng ta cũng gần kề cái chết, rất gần.
Ở đây, chúng ta đã nói về lẽ vô thường và cái chết có thể đến nhanh như thế nào, chúng luôn luôn kề cận mình ra sao, và vấn đề là vào phút lâm chung, đa số những thứ mà mình quen thuộc đều không có lợi ích gì, nên tiền của, tài sản, bạn bè, người thân, thậm chí cơ thể mà mình hiện có cũng không còn chút ích lợi gì, chúng ta sẽ phải từ bỏ tất cả những thứ này, để chúng lại sau lưng. Điều quan trọng duy nhất vào phút lìa đời là tâm thức mang theo nghiệp trắng và đen liên hệ đến bản thân, bởi vì đó là điều sẽ quyết định tái sinh kế tiếp của mình. Càng có nhiều nghiệp trắng thì cơ hội thiết lập một tái sinh may mắn sẽ cao hơn. Nghiệp đen, điều bắt nguồn từ ác hạnh, sẽ đưa đến kết quả tái sinh vào một trong những trạng thái thấp kém hơn trong các tái sinh bất hạnh. Thế nên vần kệ nói rằng:
Cuộc đời này phù du như bọt nước;
Hãy nhớ rằng nó sẽ tan rã nhanh và cái chết đến.
Sau khi chết, quả báo đen trắng sẽ theo sau,
Tựa như hình với bóng.
Vậy thì chính nghiệp lực của mình sẽ quyết định mình sẽ tái sinh vào cảnh giới nào. Vấn đề là từ vô thủy, chúng ta đã quá quen thuộc với ác hạnh, nên rất quen thuộc với nghiệp đen, và vào giờ phút lâm chung, nó sẽ có cơ hội là loại nghiệp mạnh mẽ nhất, vượt trội nhất. Chúng ta rất ít quen thuộc với nghiệp trắng, rất ít quen thuộc với thiện hạnh. Vì lý do đó, rất khó tự tin là mình sẽ có một tái sinh tốt đẹp sau khi chết. Nó không phải như vậy, bởi vì xét cho đến cùng thì có nhiều nỗi sợ bao quanh cái chết, và có nỗi lo sợ vào giờ phút lâm chung, nhưng khi nỗi sợ phát sinh thì lời khuyên cho mình là nên hướng tâm quy y, nên tìm cầu sự quy y. Ở đây, dưới đề mục quy y cũng có sự thấu hiểu mình nên thực hành điều gì và lánh xa điều gì, cùng với lời khuyên về cách thực hành pháp tịnh hóa.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
Khi đã có niềm tin vững chắc về điều này,
Xin hộ trì cho con luôn cẩn trọng,
Từ bỏ điều bất thiện, dù là nhỏ bé nhất,
Và hoàn thành mọi thiện hạnh.
Ở đây, những từ ngữ này được chọn lựa rất kỹ càng, khi nói rằng ‘hãy từ bỏ ngay cả điều bất thiện nhỏ bé nhất’, và điều này cho thấy đừng bao giờ bỏ bê hay xem thường việc này. Đừng bao giờ nghĩ rằng, “Ồ, việc này quá nhỏ. Đúng là nó tiêu cực, nhưng nó quá nhỏ, và cuối cùng thì chẳng có sao đâu.”. Đừng bao giờ nghĩ như thế, ngay cả nghiệp xấu ác nhỏ nhặt nhất cũng phải tránh, và cũng đừng quá xem thường thiện hạnh mà nghĩ rằng, “Ồ, điều này quá nhỏ, là một thiện căn nhỏ nhặt, bạn thấy đó, tôi chỉ làm việc lớn thôi.”. Đừng nghĩ như vậy. Hãy dấn thân vào thiện hạnh càng nhiều càng tốt, dù là điều nhỏ bé, nhỏ nhặt nhất. Ở đây, đó là lời khuyên chân thành về những gì nên thực hành và nên từ bỏ.
Như vần kệ đã nói rất rõ, rằng chúng ta không nên tạo tác chút ác hạnh nào, nên tránh ngay cả ác hạnh nhỏ nhoi nhất, và nên thực hành ngay cả thiện hạnh nhỏ nhoi nhất, nhưng để có khả năng làm như vậy, ta thật sự phải có một mức độ tỉnh giác và ý thức, bởi vì nếu như bê trễ hay bất cẩn, thì dù có chủ ý tránh tạo tác bất kỳ ác hạnh nào và thực hành thiện hạnh, nhưng ta sẽ lạc lối và làm theo thói quen, đó là lý do mà vần kệ nói rằng ‘Xin hộ trì cho con luôn cẩn trọng’, luôn luôn có ý thức, để biết mình đang làm gì. Mỗi lần tụng câu ‘Xin hộ trì cho con thực hiện điều này’ thì hãy nhớ rằng chúng ta thực hành pháp quán tưởng và nhìn thấy các tia sáng tỏa ra từ tim của Lama Tsongkhapa, và tất cả những tia sáng này thâm nhập vào thân mình, đoạn trừ bất kỳ ám chướng nào về mặt phát sinh thực chứng này. Ở đây, thật ra con có thể thỉnh cầu lực gia trì riêng rẽ cho mỗi một thực chứng, nên có thể nói rằng, “Xin gia hộ cho con có được thực chứng về cái chết và vô thường. Xin gia hộ cho con có được thực chứng về luật nhân quả. Xin gia hộ cho con có được thực chứng về quy y”, hay con có thể có một thỉnh cầu chung và nói rằng, “Xin gia hộ cho con liễu ngộ mọi đề mục thuộc về các pháp tu trong phạm vi nhỏ”, và con sẽ thọ nhận cam lồ tịnh hóa, rồi vào lúc cuối, nên nghĩ rằng, “Mình đã nhận được lực gia trì. Mọi ám chướng liên hệ đến tất cả các đề mục và hành trì này đã được đoạn trừ.”.
Chúng ta tiếp tục với vần kệ kế tiếp, giảng giải pháp tu của phạm vi trung bình, và trong pháp tu của phạm vi này, trên cơ bản thì chúng ta muốn đi theo đường tu, hay phương tiện đưa đến giải thoát, nhưng trước khi thực hiện việc này, trước hết, phải phát tâm ước nguyện thành tựu giải thoát. Nếu muốn làm như vậy, thì phải suy niệm về bản chất của luân hồi, và vần kệ nói rằng:
Theo đuổi lạc thú thế gian là cánh cửa đưa đến khổ đau:
Chúng bất định và không đáng tin cậy.
Khi đã nhận ra những bất lợi này,
Xin hộ trì cho con phát tâm mạnh mẽ tìm cầu hạnh phúc giải thoát.
Điều quan trọng ở đây là phát tâm mong ước giải thoát khỏi luân hồi. Và như câu kệ nói, trước tiên, phải nhận ra bản chất của luân hồi bằng ước nguyện thành tựu giải thoát. Nếu muốn làm như vậy, thì phải suy niệm về bản chất của luân hồi, và vần kệ nói rằng, ‘Theo đuổi lạc thú thế gian là cánh cửa đưa đến khổ đau: Chúng bất định và không đáng tin cậy. Khi đã nhận ra những bất lợi này, Xin hộ trì cho con phát tâm mạnh mẽ tìm cầu hạnh phúc giải thoát.’.
Điểm quan trọng ở đây là phát tâm nguyện ước được giải thoát khỏi luân hồi, và như vần kệ có nói, trước tiên, chúng ta phải nhận ra bản chất của luân hồi là bản chất của đau khổ. Tất cả mọi nơi, mọi kinh nghiệm, mọi thứ mà mình biết và có được trong luân hồi là những điều vướng phiền não, là những điều ô nhiễm. Vì sao? Bởi vì nhân tạo lập ra bất cứ kinh nghiệm nào trong luân hồi là nghiệp và phiền não. Bởi vì nhân ô nhiễm nên quả cũng ô nhiễm. Điều này giống như thứ gì bị chất độc ảnh hưởng nên đã bị nhiễm độc, hay có chất độc, vì vậy mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều có độc, dù là xem xét thân thể, niềm vui, bạn bè, địa vị mình đang có hiện nay thì tất cả những điều này đều thuộc về luân hồi, và như chúng ta nói thì một trong những đặc điểm của luân hồi là không bao giờ có thể đem lại sự mãn nguyện mà con tìm kiếm. Luân hồi sẽ chẳng bao giờ khiến cho con được hoàn toàn thỏa mãn. Càng nương tựa vào những điều này thì lòng mãn nguyện sẽ càng ít ỏi hơn. Chúng tạo ra nhiều đau khổ hơn, và dựa theo cách này, chúng trở thành cánh cửa đem đến khổ đau, nên dù con nói về thân thể của mình, về bạn bè, về niềm vui và sự giàu sang, thì chúng đều có đặc tính này. Hơn nữa, đặc tính thứ hai là chúng không những không tạo ra sự thỏa mãn, mà còn rất bấp bênh, không đáng tin cậy.
Trước tiên là thân thể mà mình cho là điều vững bền hay đáng tin cậy, nhưng không phải vậy. Nhiều lần, ta đã có được thân tuyệt hảo như thân của Phạm Thiên hay Đế Thích, là thân thiêng liêng, nhưng chính những thân này cũng không vững bền, vì ta đã mất đi chúng, đúng không? Giờ đây, chúng ta có loại thân thể khác. Bạn bè hay kẻ thù của mình, tất cả những điều này đều không có gì là chắc chắn, nên Rinpoche có nói chúng ta đã trải qua kinh nghiệm này bao nhiêu lần rồi, khi mình xem ai đó là bạn hữu vào buổi sáng, nhưng đến cuối ngày thì hoàn cảnh đã thay đổi ra sao, khi họ không còn là bạn nữa, mà là kẻ thù của mình. Địa vị cũng thế. Một địa vị cao có thể nhanh chóng trở thành một địa vị thấp ra sao. Vì thế, nếu nhìn vào tất cả những kinh nghiệm trong luân hồi này thì tối hậu, chúng được xem là lạc thú, là điều đáng kể, nhưng chúng không mang lại bất cứ sự mãn nguyện nào, và chúng bất định, không thể tin cậy được. Vậy nên khi suy xét hai điều bất lợi này thì trước tiên, chúng ta sẽ phát tâm nghĩ rằng, “Nếu nó là như vậy, thì mình muốn thoát ra khỏi cảnh này. Mình phải thoát khỏi sự hiện hữu trong luân hồi này.”.
Chúng ta phải nghĩ đến mọi sự bất lợi của luân hồi một cách nghiêm chỉnh, và điểm chánh về luân hồi là mình xem một số kinh nghiệm hay sự việc, nơi cư ngụ, nơi chốn và con người trong cõi luân hồi là lạc thú, là đáng yêu. Tuy nhiên, những điều này lừa gạt mình, đánh lừa mình, ngay cả kinh nghiệm khởi đầu là lạc thú, nhưng vì có nhân ô nhiễm, nên nó chỉ tạo ra thêm đau khổ. Như chúng ta nói, tất cả các kinh nghiệm trong luân hồi trở thành cánh cửa dẫn đến khổ đau, và chúng trở thành cánh cửa đưa đến khổ đau, bởi vì chúng khiến ta tích tập nghiệp xấu ác, rồi kết quả của nghiệp tiêu cực là quả khổ. Chúng ta đang theo đuổi những kinh nghiệm bất định. Chúng ta tích lũy nhiều nghiệp bất thiện, nhiều điều tiêu cực, và bị chúng giữ chân trong luân hồi hết lần này đến lần khác, nên phải nhận ra điều này, rằng môi trường trong luân hồi tựa như ngục tù, hay con có thể xem nó như một hầm lửa. Hãy tưởng tượng nếu như ở trong tù, thì con sẽ nghĩ rằng, “Tôi muốn ra khỏi nơi đây.”. Nếu bị kẹt giữa ngọn lửa thì con sẽ nghĩ rằng, “Làm cách nào để thoát khỏi ngọn lửa này đây?”. Khi ý nghĩ mong cầu giải thoát ngày đêm tự động phát sinh, và chính nó tự động phát khởi, thì có thể nói rằng mình đã phát tâm xả ly chân thật. Thế thì ý tưởng này lúc nào cũng phát sinh trong tâm thức một cách tự nhiên.
Chúng ta phải đi đến điểm phát tâm mạnh mẽ ước nguyện rằng mình muốn được giải thoát khỏi sự hiện hữu trong luân hồi, và ý tưởng này tự nó ngày đêm phát sinh trong tâm một cách tự nhiên, và đương nhiên, khi ý tưởng như vậy phát sinh, thì điều kế tiếp là tìm ra phương tiện, hay đạo lộ đưa đến giải thoát. Khi nói về phương tiện hay đường tu, thì thật ra ta đang xem xét các nhân nguyên, đâu là nhân có thể đem lại giải thoát? Giờ đây, câu hỏi chính ở đây là liệu có thể nào thoát khỏi khỏi luân hồi hay không? Thậm chí, có thể tưởng tượng ra một mục tiêu như vậy hay không? Ta phải xem xét cái nhân tạo ra luân hồi. Nếu như luân hồi có nguyên nhân, thì mình sẽ xem xét chính cái nhân tạo ra luân hồi, và nếu có thể đoạn trừ cái nhân đó, thì có nghĩa là luân hồi có thể được từ bỏ, và ta có thể thoát khỏi luân hồi. Nguyên nhân của luân hồi là nghiệp và phiền não, và thật ra giữa hai điều này thì nguyên nhân chính là phiền não, và trong số các phiền não thì phiền não chính là tâm vô minh chấp ngã.
Cội nguồn của luân hồi là vô minh chấp ngã. Thế thì tâm vô minh này có thể được đoạn trừ hay không? Trước tiên, thái độ chấp ngã theo một cách nào đó có phải là dạng tâm thức đúng đắn, hay là tâm thức sai lầm? Cội nguồn vô minh chấp ngã sẽ chấp vào tự ngã của vạn pháp hiện hữu mà không dựa vào bất kỳ điều gì khác, nên nó cho rằng tất cả các pháp nào tồn tại thì mỗi một thực thể tồn tại sẽ tự nó hiện hữu, không phụ thuộc, không dựa vào bất cứ điều gì khác. Đó là tâm thức đúng đắn, hay không đúng đắn? Nó hoàn toàn không đúng, bởi vì không có điều gì có thể hiện hữu mà không phụ thuộc vào các thực thể khác. Đó là điều bất khả dĩ, hoàn toàn bất khả dĩ. Vậy thì khi hiểu rằng tâm thức này không đúng đắn, thì ta sẽ biết ngay là có một pháp đối trị với tâm thức đó, và pháp đối trị là trí tuệ thấu hiểu vạn pháp vô ngã, nói cách khác là trí tuệ chứng ngộ tánh Không, trí tuệ nói rằng các thực thể không tồn tại theo cách này, mà chúng thật sự dựa vào và phụ thuộc vào những điều khác.
Một khi đã thấu hiểu căn nguyên, đâu là nhân, và khi hiểu ra căn nguyên là một khái niệm mê lầm, thì mình sẽ hiểu là có thể áp dụng pháp đối trị để khắc phục nó. Vậy thì điều mình cần phải làm là phát triển việc tu tập trí tuệ. Việc tu tập trí tuệ chứng ngộ tánh Không thật sự dựa vào, hay cần sự hỗ trợ của việc tu tập thiền định, và định dựa vào việc tu tập giới. Thật ra, khi trình bày phạm vi trung bình, thì phạm vi này hoàn toàn nói về giới. Suy cho cùng thì phạm vi trung bình giải thích về Biệt giải thoát giới, đúng không? Nếu xem vần kệ tiếp theo, thì nó nói rằng, ‘Với sự dẫn dắt của tâm niệm thanh tịnh này’, vậy tâm niệm thanh tịnh là gì? Tâm niệm thanh tịnh là, “Nguyện cho con thoát khỏi luân hồi”, đúng không? Đó là tâm niệm thanh tịnh.
Với sự dẫn dắt của tâm niệm thanh tịnh này,
Chánh niệm, tỉnh giác và tâm cẩn trọng sẽ phát sinh.
Cội nguồn của giáo pháp là giữ gìn giới ba la đề mộc xoa;
Xin hộ trì cho con thành tựu pháp tu trọng yếu này.
Ở đây, Ba la đề mộc xoa là một tên gọi khác cho Biệt giải thoát giới, và chúng rất quan trọng, vì chúng trở thành nền tảng cho cái gọi là tam vô lậu học, đó là giới, rồi đến định, rồi đến tuệ. Nếu muốn giữ giới, thì phải có chánh niệm, tỉnh giác và tâm cẩn trọng. Nếu không có tâm cẩn trọng, nếu không có tâm tỉnh giác, và nếu không có chánh niệm thì dù đã thọ giới gì, mình cũng dễ đi ngược lại, hay phạm giới. Vì vậy, giữ gìn tâm tỉnh giác và cẩn trọng đối với mọi giới nguyện là điều rất quan trọng. Về mặt Biệt giải thoát giới, chúng không chỉ nói về các trạng thái cao hơn của việc xuất gia, mà cư sĩ cũng có thể nhận Biệt giải thoát giới. Chúng ta có giới nguyện trong một ngày, giới nguyện suốt đời, và loại tiếp theo gọi là genyen tongpa, nam hay nữ đều có thể thọ giới. Kế đó là giới nguyện suốt đời, gọi là rabjung, hay giới của người thoát tục, và nam hay nữ đều có thể thọ giới này, rồi trên giới rabjung, thì nói về những mức độ cao hơn của việc xuất gia. Tổng cộng lại, chúng ta có tám loại giới Biệt giải thoát. Thật ra, phạm vi trung bình nói về giới, nói về việc tu tập giới, về đạo đức, và đó là cách mà Biệt giải thoát giới rất quan trọng. Hai điểm khác, đó là tu định và tu tuệ, là hai đề mục được trình bày trong phạm vi lớn. Khi bắt đầu nói về tâm an định và tuệ giác đặc biệt, thì đó là khi các hành trì này được trình bày.
Như chúng ta có nói ở cuối câu kệ, các con có nhớ chúng ta nói rằng, ‘Xin hộ trì cho con thành tựu pháp tu trọng yếu này’, nó đi chung với một pháp quán tưởng đặc biệt. Cho đến nay, thật sự chúng ta đã trình bày hành trì của phạm vi nhỏ, rồi hành trì của phạm vi trung bình, rồi từ đó, đi đến hành trì của phạm vi lớn. Hiện tại, điều quan trọng là hiểu rằng sự tiến triển xảy ra theo một cách đặc biệt, nên con không thể nào nhảy vào pháp tu của phạm vi lớn. Trước tiên, chúng ta phải luyện tâm bằng các hành trì được chia sẻ trong phạm vi nhỏ, rồi từ đó, phải tiến đến những hành trì được chia sẻ trong phạm vi trung bình, rồi thể nhập hành trì của phạm vi lớn, và ở đây, thật ra khi dùng chữ ‘chia sẻ’ thì nó chỉ thích hợp để sử dụng trong hai phạm vi thấp hơn. Khi thể nhập phạm vi lớn thì không có điều gì chung đụng với hai phạm vi kia. Hành trì của phạm vi lớn chỉ là pháp tu của phạm vi lớn. Chúng không được chia sẻ với phạm vi trung bình hay phạm vi nhỏ, trong khi các hành trì của phạm vi nhỏ và phạm vi trung bình thì được chia sẻ với phạm vi lớn. Đó là một điểm kỹ thuật. Như chúng ta nói ở đây, điều quan trong nhất trong phạm vi trung bình, hành trì được chia sẻ với phạm vi trung bình là tu tập giới, và chúng ta nói mình có thể giữ giới trọn đời. Đó là thời gian rất dài để giữ giới, nhưng thậm chí, nếu không thể làm điều đó, thì ta có thể giữ giới trong 24 tiếng đồng hồ, trong một ngày, và khi giữ các giới này, thì ta sẽ có những lợi lạc lạ thường. Có một câu kệ nói rằng, ‘Giống như đất nâng đỡ rừng cây, thì tương tự như vậy, giới luật hỗ trợ mọi phẩm hạnh.’. Vậy thì con biết đất là nền tảng, là mặt bằng cho toàn bộ rừng cây và tất cả cây cối mọc ra trên đó. Tương tự như vậy, mỗi một phẩm hạnh thiện hảo mà chúng ta phát triển sẽ xuất phát từ việc giữ giới, giữ gìn những đạo đức căn bản này. Vậy thì tất cả những tái sinh cao hơn, tất cả những trạng thái cao nhất mà mình có được, toàn bộ sự tiến triển của mình, đều xuất phát từ nền tảng giới luật, nên giới rất quan trọng.
Rồi thì chúng ta tiếp tục với hành trì của phạm vi lớn, và trong đó, lại có hai đề mục phụ. Đề mục thứ nhất là cách phát bồ đề tâm, rồi sau đó là cách tu tập sau khi đã phát tâm bồ đề. Như đã nói, trước hết, ý tưởng chân thành để thoát khỏi luân hồi đã phát sinh, và khi nhìn vào nỗi khổ của luân hồi thì chúng ta nói rằng, “Đối với bản thân, tôi thật sự muốn thoát khỏi mọi nỗi khổ ấy”, rồi áp dụng cùng một cách suy nghĩ cho người khác, đúng không? Vậy thì mình nói, “Giống như tôi muốn thoát khổ, nếu như tất cả chúng sanh cũng được thoát khổ thì sẽ rất tốt.”. Thế thì trước tiên, chúng ta bắt đầu trưởng dưỡng lòng bi, mong ước cho tha nhân thoát khổ. Như ý tưởng này có nói, nếu tất cả chúng sanh ấy, nếu chúng ta đều thoát khổ thì không phải là rất tốt hay sao, và thêm vào đó, hãy trưởng dưỡng lòng từ.
Tâm từ là lòng mong ước chúng sanh được hạnh phúc, nên chúng ta bắt đầu bằng cách nói rằng, “Tôi muốn tất cả đều thoát khổ, và thêm vào đó, tôi muốn họ đều được hạnh phúc.”. Tiếp theo, ta sẽ kết hợp cả hai, rồi đến thời điểm phát tâm tự gánh lấy trách nhiệm, đó là tâm thức như thế này, “Bạn biết không, tôi sẽ là người giúp họ thoát khỏi mọi nỗi khổ. Tôi là người sẽ đem lại hạnh phúc cho họ.”. Đó là việc tự mình gánh lấy trách nhiệm, và nói rằng “Tôi sẽ làm điều đó.”. Nhưng rồi con sẽ ngừng lại và nghĩ rằng, “Trên thực tế thì hiện giờ, mình có sức để làm điều gì giống như vậy hay không?” và con nghĩ, “Không, mình không có. Vậy thì có ai có sức để thực hiện điều đó hay không?”, và con nói, “Có, một vị Phật giác ngộ viên mãn có thể làm điều đó. Vậy thì rõ ràng là nếu muốn thực hiện điều đó, thì mình phải thành tựu Phật quả.”. Đây là cách tiến đến tâm giác ngộ và phát bồ đề tâm, khi mình nói rằng, “Tôi sẽ thành tựu Phật quả viên mãn, vì lợi lạc của tất cả chúng sanh, để đem lại cho họ hạnh phúc, và giúp họ thoát khổ.”. Đó là tâm bồ đề, và cách phát bồ đề tâm.
Giống như con đã rơi vào biển luân hồi, Những bà mẹ trong cõi ta bà cũng thế.
Xin hộ trì cho con thấy được điều này và tu tập bồ đề tâm tối thượng,
Gánh lấy trách nhiệm giải thoát chúng sanh.
Một lần nữa, như con đã thấy trong câu kệ kết thúc, trong Tạng ngữ, câu ‘Xin hộ trì cho con’ luôn luôn xuất hiện cuối cùng, nên con hiểu đó là phần kết thúc của vần kệ này, ‘Xin hộ trì cho con thấy được điều này và tu tập bồ đề tâm tối thượng’, và một lần nữa, chúng ta sẽ thực hiện pháp quán tưởng như trước, quán tưởng các tia cam lồ tịnh hóa các ám chướng của mình, liên quan đến việc phát tâm bồ đề. Bồ đề tâm không phải là một tâm thức dễ sinh khởi. Thật ra, chúng ta phải suy niệm rất kỹ càng, phải nghĩ đến nhiều hình thức lý luận, và thiết lập tâm thức ấy bằng lý lẽ và luận lý. Một khi đã thiết lập nó thì mình sẽ phát triển sự quen thuộc nhiều hơn với cách lập luận đó, rồi đến một lúc nào đó thì nó sẽ tự động phát sinh, và chỉ ở thời điểm đó, khi mà tâm bồ đề luôn luôn hiện diện trong tâm thức thì con mới có thể nói rằng mình có bồ đề tâm chân thật, bất dụng công.
Nói về bồ đề tâm thì có hai loại, một loại là bồ đề tâm nguyện và loại kia là bồ đề tâm hành. Ở đây, khi nói rằng, “Nguyện thành Phật để phổ độ tất cả chúng sanh” thì chúng ta có tâm nguyện khát khao, nhưng chưa thật sự làm gì cả. Vấn đề là tâm nguyện này là một nguyện vọng cao cả, nhưng nếu chỉ có tâm nguyện thôi thì không thể thành tựu giác ngộ, và không thể đạt được lợi lạc cho chúng sanh, mà chỉ là nguyện vọng suông. Vì vậy, sau khi phát tâm nguyện thì phải dấn thân tu tập thật sự. Điều này được xem là pháp tu của chư Bồ tát, nên toàn thể trưởng tử và trưởng nữ của chư Phật cũng đều tu tập như vậy. Điều sẽ xảy ra là chúng ta cũng phải noi gương của chư vị.
Chư vị nói rằng các ngài đã đưa ra phép ẩn dụ ở đây, nên như chư vị đã nói, khi dự trù một chuyến đi, thì con sẽ không đến nơi bằng cách dự tính hay tưởng tượng ra chuyến đi, mà phải thật sự mở cửa và thực hiện bước đầu tiên hướng về nơi mình muốn đến. Cũng giống như vậy, ở đây, nếu chỉ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ giác ngộ thì không giúp cho con đạt được kết quả, được mục tiêu đó, nên con phải dấn thân tu tập. Vậy thì pháp tu của toàn thể chư Bồ tát là gì? Trong trình bày về Lamrim Chenmo, điều này được nêu ra rất rõ là lục độ ba la mật. Tuy nhiên, ở đây, nó được trình bày như việc thực hành ba loại đức hạnh. Thế thì ba loại giới hạnh thật sự kết hợp lục độ ba la mật. Ba loại đức hạnh bao gồm mỗi một pháp tu mà một vị Bồ tát phải thực hành. Loại đầu tiên là là đức hạnh kềm chế nghiệp tiêu cực, và khi con nghe chữ kềm chế thì thật ra, nó nói về giới nguyện. Dù đó là biệt giải thoát giới, bồ tát giới, tất cả các loại giới, bất cứ giới nguyện nào giúp mình kềm chế hành vi tiêu cực, là pháp tu đầu tiên của chư Bồ tát. Loại tu tập thứ hai là tạo ra thiện hạnh càng nhiều càng tốt, nên dĩ nhiên là pháp tu lục độ ba la mật thuộc về phạm trù này, tạo lập thiện hạnh, cùng với việc trưởng dưỡng bồ đề tâm cũng nằm trong phạm trù này. Loại tu tập thứ ba là tạo ra lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nên bất kỳ điều gì mà chúng sanh cần, bất cứ điều gì họ mong muốn thì mình sẽ tu tập để cung cấp những điều đó cho họ, nên nó có vẻ như ba pháp tu của chư Bồ tát hoàn toàn bao gồm lục độ ba la mật. Một lần nữa ở đây, chúng ta sẽ kết luận bằng cách nói rằng vần kệ tiếp theo là:
Nhưng nếu chỉ phát bồ đề tâm, mà không tu tập ba loại đức hạnh,
Thì không thành chánh quả.
Ở đây, câu này nói rằng, “Nếu chỉ có bồ đề tâm nguyện thì con sẽ không đạt giác ngộ. Con cần phải dấn thân tu tập ba loại đức hạnh.”.
Nhận thức rõ điều này,
Xin hộ trì cho con hết lòng hành trì bồ tát giới.
Và như chúng ta nói, ‘Xin hộ trì cho con’, một lần nữa, chúng ta sẽ thực hiện pháp quán tưởng như trước, và nghĩ rằng mình đã nhận được mọi lực gia trì và loại trừ bất kỳ chướng ngại nào, để có thể dấn thân tu tập ba pháp tu của chư Bồ tát. Ba pháp tu đó của chư Bồ tát cũng được mô tả trong Lamrim Chenmo như pháp tu chung, bởi vì có pháp tu riêng biệt hơn theo sau. Pháp tu riêng biệt hơn là pháp tu liên hệ đặc biệt với hai ba la mật cuối cùng trong lục độ ba la mật, và nó liên quan đến việc phát triển định và tuệ giác đặc biệt. Điều này được trình bày trong câu kệ tiếp theo, rằng:
Khi đã an định tâm phóng dật chạy theo đối tượng sai lầm
Dòng này nói về định. Dòng tiếp theo nói rằng:
Và phân tích ý nghĩa thực tại một cách đúng đắn,
Câu này nói về tuệ giác đặc biệt.
Xin hộ trì cho con mau chóng khai mở đường tu
Định tuệ hợp nhất trong dòng tâm thức.
Bởi vì trước tiên, mình phải phát triển tâm an định, rồi tuệ giác đặc biệt, rồi phát triển định tuệ hợp nhất. Nếu như trước tiên, chúng ta xem xét, như đã nói, dòng thứ nhất mô tả thực chứng về định, và nó nói rằng, ‘Khi đã an định tâm phóng dật, chạy theo đối tượng sai lầm’, nên trước hết, phải chọn đúng đối tượng, và đối tượng đúng phải là một đối tượng thiện hảo, rồi phải an định tâm phóng dật chạy theo các đối tượng khác, nghĩa là tâm sẽ chú mục vào đối tượng đã được chọn lựa một cách ổn định. Khi tâm có khả năng làm như vậy, thì chúng ta nói về tâm an định, đúng không, vì nó an trụ một cách an tĩnh, không phóng dật. Nó đã an định các phóng dật đối với đối tượng ấy, rồi tiếp theo đó, câu kệ nói rằng ‘phân tích ý nghĩa thực tại một cách đúng đắn’, những lời này mô tả tuệ giác đặc biệt. Đối với tâm an định thì chúng ta phát triển khía cạnh ổn định, và một khi đã thiết lập khía cạnh ổn định thì nó cũng tạo ra khinh an. Khinh an bao gồm cả tâm khinh an và thân khinh an, rồi từ trạng thái ổn định và tâm khinh an, mình sẽ có khả năng khảo sát. Bất cứ thực chứng nào, hay bất kỳ sự hiểu biết nào về đối tượng chính sẽ to lớn hơn nhiều, rõ rệt hơn nhiều so với bất cứ sự hiểu biết nào mình đã có về đối tượng ấy, và đó là lý do chúng ta sử dụng danh từ tuệ giác đặc biệt. Có điều gì đó đặc biệt, điều gì phụ trội, con không nhìn thấy đối tượng, nhưng lại có tuệ giác về đối tượng ấy. Thế thì đó là định và tuệ giác đặc biệt. Rồi dĩ nhiên sau đó thì chúng ta kết hợp hai yếu tố, nên có sự hợp nhất, con đường hợp nhất định và tuệ giác đặc biệt. Các con có nhớ là khi nói về tam vô lậu học, chúng ta có nói rằng tu tập căn bản là tu giới, và điều này được trình bày trong phạm vi trung bình, rồi chúng ta nói sẽ trình bày định và tuệ, nên định nói về tâm an định, và tuệ là tuệ giác đặc biệt. Đó là cách chúng được trình bày ở đây.
Ngay từ đầu, chúng ta đã nhấn mạnh rằng cái tên Lamrim cho thấy có một sự tiến triển dần dần, nên trước hết, mình phải hiểu bước thứ nhất, và một khi đã phát triển thực chứng của bước đầu tiên thì chúng ta sẽ đi đến bước thứ hai, thứ ba, v.v… Sự phát triển dần dần này thật sự bảo đảm là tâm của hành giả sẽ ngày càng rộng mở hơn, tâm sẽ ngày càng trở nên to lớn hơn, và điều này cũng cho thấy là cuối cùng, hành giả có thể phát triển tâm bi, và chính tâm bi cũng sẽ ngày càng trở nên to lớn hơn, nên cuối cùng, hành giả sẽ có tâm bi rất mạnh mẽ. Với tâm bi ấy, khi họ nghĩ về cách để giải thoát chúng sanh, làm sao để mang lại hạnh phúc cho chúng sanh, thì tâm đại bi ấy sẽ hướng dẫn họ đến Mật tông và đường tu Mật tông. Đó là cách chúng ta thể nhập đường tu Mật tông. Câu kệ tiếp theo miêu tả điều này, bằng cách nói rằng:
Khi đã trở thành pháp khí thanh tịnh, bằng cách tu tập theo đường tu chung,
Xin hộ trì cho con để bước vào
Cửa ngõ thánh thiện Kim Cang thừa tối thượng
Của những chúng sanh may mắn.
Trở thành một pháp khí thanh tịnh bằng cách tu tập theo đường tu chung có nghĩa là trước tiên, đường tu chung là tâm xả ly, bồ đề tâm và chánh kiến. Trước hết, chúng ta phải tu tập pháp tu căn bản này, và sau khi đã tu tập pháp tu căn bản, thì mình sẽ trở thành pháp khí thích hợp, hoàn toàn sẵn sàng thể nhập thừa tối thượng. Tại sao nó được gọi là Kim Cang thừa tối thượng? Nó là thừa tối thượng, bởi vì toàn thể chư Bồ tát, những người đã thành tựu giai đoạn giác ngộ viên mãn, đều phải nương tựa vào cỗ xe này, nên nó tối thượng, là phương tiện cứu cánh tối thượng mà chúng ta phải tu tập. Ở đây, câu kệ nói rằng ‘Xin hộ trì cho con để bước vào cửa ngõ thánh thiện Kim Cang thừa tối thượng của những chúng sanh may mắn’. Biệt danh ‘may mắn’ là một danh xưng khác của chư Bồ tát, nhưng đặc biệt ở đây, nó ám chỉ chư Bồ tát thông tuệ, đúng không? Và cửa ngõ là gì? Cửa ngõ hay lối vào Mật tông là lễ điểm đạo. Khi câu kệ nói ‘Xin hộ trì cho con để bước vào cửa ngõ thánh thiện Kim Cang thừa tối thượng của những chúng sanh may mắn’ thì thật sự, chúng ta đang nói rằng, “Xin gia hộ cho con thọ nhận một lễ điểm đạo.”.
Rồi bài kệ tiếp tục, nói rằng:
Lúc bấy giờ, nền tảng hoàn thành hai thành tựu,
Là giữ gìn giới nguyện và tam muội da giới thanh tịnh.
Khi đã vững tin vào những điều này,
Xin hộ trì cho con bảo vệ giới nguyện và cam kết, như bảo vệ mạng sống của mình.
Vần kệ nói ‘Lúc bấy giờ’, nghĩa là vào thời điểm con đã nhận lễ điểm đạo, thì điều quan trọng nhất là giữ gìn giới nguyện và tam muội da giới, bởi vì giới nguyện và tam muội da giới là nền tảng cho việc phát triển bất cứ quả vị thành tựu nào, nên câu kệ nói rằng ‘Xin hộ trì cho con bảo vệ chúng như mạng sống của mình, dù có phải mất mạng’. Đặc biệt là trong câu thứ nhì, ở đây, bản dịch nói rằng ‘giữ gìn giới nguyện và tam muội da giới thanh tịnh’. Rinpoche giải thích ý nghĩa của chữ samaya, trong tiếng Anh, chúng ta có chữ cam kết, đúng không? Thế thì vần kệ nói giữ gìn những cam kết kềm chế (restraining commitment), thay vì giới nguyện và cam kết thì Rinpoche giải thích nó là cam kết kềm chế, tại sao? Tại vì đó là những cam kết mà mình nhận trong lễ điểm đạo, đưa ra những điều lệ kềm chế một số hoạt động nào đó, đúng không?
Vào lúc đó, khi đã nhận lễ điểm đạo, thì việc giữ gìn ranh giới của những điều mình cam kết phải kềm chế là điều rất quan trọng. Tại sao? Bởi vì chúng là nền tảng cho việc hoàn thành hai quả vị thành tựu. Hai quả vị thành tựu nói về hai loại quả vị thành tựu: quả vị thành tựu thông thường và quả vị thành tựu tối thượng. Bất cứ ai muốn thực hành pháp tu này một cách đúng đắn, tiếp tục với hành trì Mật tông thì phải nghiêm chỉnh duy trì mọi giới nguyện và cam kết, và đó là lý do câu kệ nói rằng ‘Xin hộ trì cho con bảo vệ chúng như mạng sống của mình’. Thậm chí khi việc vi phạm giới nguyện và cam kết xảy ra, thì việc tịnh hóa và sám hối ngay lập tức, càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng, bởi vì như đã nói trong Mật tông, nếu không có khả năng tu tập nhiệt tình, thực hành tất cả các pháp quán tưởng và hành trì phức tạp, nhưng nếu con có thể giữ giới thanh tịnh, dù chỉ giữ giới nguyện thanh tịnh thôi, con vẫn có thể đạt được giác ngộ trong mười sáu kiếp. Vì vậy nên những giới nguyện và cam kết này thật sự là sinh lực của pháp tu Mật tông, là nền tảng, là cột trụ của hành trì Mật điển. Đó là lý do mà ở đây, vần kệ nói ‘Xin hộ trì cho con bảo vệ chúng như mạng sống của mình’, bởi vì chúng là sinh lực của đường tu Mật điển.
Chúng ta tiếp tục với vần kệ tiếp theo. Vần kệ này nói rằng:
Rồi khi đã nhận thức tầm quan trọng của hai giai đoạn,
Tinh túy của Kim Cang thừa,
Bằng cách hành trì tinh chuyên, không từ bỏ bốn thời công phu,
Xin hộ trì cho con thực chứng giáo huấn của Bổn sư thánh thiện.
Ở đây, trước hết, chúng ta hiểu rằng mình đã thể nhập Mật tông bằng cách nhận lễ điểm đạo. Sau khi nhận lễ điểm đạo thì điều tối quan trọng là giữ gìn giới nguyện và cam kết, rồi sau đó thì mình sẽ làm gì? Chúng ta sẽ trưởng dưỡng hai giai đoạn, và đó là giai đoạn phát khởi và giai đoạn viên mãn. Ở đây, chúng được mô tả như tinh túy của Kim Cang thừa. Thế thì tinh túy của mọi hành trì Mật tông thật sự nằm trong hai giai đoạn phát khởi và viên mãn. Trước tiên, mỗi một giai đoạn phải được phát khởi, rồi trưởng dưỡng hay phát triển, bởi vì chúng ta phải hiểu tất cả các điểm trọng yếu, rồi sau khi đã thấu hiểu toàn bộ những điểm quan trọng, thì phải trở nên thật quen thuộc với chúng, và đó là lý do mà câu kệ nói, ‘Xin hộ trì cho con trưởng dưỡng điều này hằng ngày trong bốn thời công phu’. Chúng ta sẽ hành trì bốn thời công phu mỗi ngày, để trở nên thật quen thuộc với chúng. Một lần nữa, câu cuối rất quan trọng. Câu này nói rằng, ‘Xin hộ trì cho con thực chứng giáo huấn của Bổn sư thánh thiện’, bởi vì ở đây, câu này nói ‘xin hộ trì cho con có được thực chứng’, không phải về những điểm mà mình tự nghĩ ra, rồi có thể cho rằng hành trì Mật tông là như vậy, mà là ‘xin hộ trì cho con có được thực chứng chính xác theo lời khuyên của bậc thánh nhân, của Bổn sư thánh thiện’, không phải là điều mình tự thêu dệt nên, mà là theo các bậc thánh nhân.
Từ điểm này trở đi, hai vần kệ cuối, là kệ hồi hướng, nói rằng:
Nguyện chư bổn sư chỉ dẫn đường tu cao quý
Cùng các thiện tri thức tu tập theo đường tu ấy luôn trường thọ,
Xin hộ trì cho con điều phục hoàn toàn
Mọi chướng ngại trong ngoài.
Trước hết, vị bổn sư là người chỉ dẫn đường tu cao quý, chúng ta đã giải thích vị thầy là gì, thầy là người giảng dạy cả hai đường tu Kinh điển và Mật điển, và nguyện cho tất cả những ai tu tập hai đường tu được trường thọ. Ở đây, khi cầu nguyện, chúng ta sẽ hồi hướng cho các vị thầy và các hành giả có thọ mạng dài lâu và ổn định. Chúng ta thật sự hồi hướng để giáo pháp tồn tại lâu dài, bởi vì các vị nói trên là những người quảng bá giáo pháp, và nếu hồi hướng cho giáo pháp lan truyền và tồn tại lâu dài thì thật ra, chúng ta đang hồi hướng cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh, bởi vì hạnh phúc của chúng sanh bắt nguồn từ giáo pháp. Vậy thì dù chỉ nói ‘Nguyện tất cả các thiện tri thức và bậc thầy trường thọ’, nó được hiểu là mình đang cầu nguyện cho lợi lạc của tất cả chúng sanh, rồi chúng ta lại nói, ‘Xin hộ trì cho con điều phục hoàn toàn mọi chướng ngại và cản trở, dù đó là những yếu tố bên trong hay bên ngoài’, và khi nói như vậy nghĩa là mình cũng đang nói ‘Và nguyện cho con có thể tụ họp mọi thuận duyên để tiếp tục tu hành’. Đây là những lời hồi hướng.
Rồi vần kệ hồi hướng cuối cùng nói rằng:
Cho con không lìa xa chư bổn sư hoàn hảo trong mọi kiếp,
Nguyện luôn vui hưởng giáo pháp vinh quang.
Nhờ thành tựu phẩm chất của các giai đoạn và đường tu,
Nguyện cho con chóng thành tựu quả vị Kim Cang Trì.
‘Trong mọi kiếp’ nghĩa là trong kiếp này và mọi kiếp tương lai, nguyện cho con không bao giờ lìa xa chư bổn sư hoàn hảo, các bậc thầy đúng đắn, các vị thầy thanh khiết giảng dạy toàn bộ đường tu không lầm lạc. Nếu không rời xa chư vị, thì dĩ nhiên là mình sẽ được thọ hưởng giáo pháp, và nếu như tu tập y như lời khuyên của chư vị, thì chúng ta sẽ tiến triển trên các địa và đường tu, và sẽ phát triển mọi phẩm hạnh cùng thực chứng, và tự nhiên, kết quả của việc tiến tu trên các địa và đường tu, cũng như có được tất cả những phẩm hạnh này là thành tựu được quả vị giác ngộ viên mãn như Đức Phật Kim Cang Trì.
Như đã nói trước đây, khi thực hành pháp thiền này thì ruộng phước phải được quán tưởng trước mặt mình, và Thầy đã cho ví dụ về ruộng phước của Trăm Đấng Hộ Phật Cõi Trời Đâu Suất, với Lama Tsongkhapa ở giữa. Khi đến cuối bài hành trì, nếu chúng ta tụng bài cầu nguyện Migtsema, những vần kệ Migtsema một vài lần, thì sẽ rất tốt, rồi sau đó, có hai câu kệ, câu thứ nhất nói rằng:
Xin bổn sư tôn quý an tọa trên đỉnh đầu con
Và ban cho con lực gia trì thân, khẩu, ý của ngài
Với câu kệ này, ta sẽ thỉnh mời Lama Tsongkhapa, hay vị lạt ma an tọa trên đỉnh đầu mình, rồi lại lập lại câu kệ với lời hồi hướng, nhưng có sự khác biệt chút ít như sau:
Xin bổn sư tôn quý an tọa giữa tim con
Và ban cho con mọi quả vị thành tựu thông thường và tối thượng
Rồi chúng ta thỉnh mời ngài đến và hòa tan vào tim mình.
Bài pháp ngắn về Nền Tảng Mọi Phẩm Hạnh Tốt Đẹp đến đây là chấm dứt. Về dòng truyền thừa của giáo pháp thì Thầy đã thọ nhận nhiều lần từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như từ các giáo thọ của Ngài, tức hai vị giáo thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy đã thọ nhận giáo pháp này nhiều lần, nên đó là điều thích hợp, bởi vì các con có một luận giải và giáo huấn từ dòng truyền thừa không gián đoạn, và chúng ta hãy hồi hướng công đức cho sự tiếp nối của dòng truyền thừa không gián đoạn này, cùng lực gia trì của giáo pháp ấy.
Nguồn pháp âm: The Foundation of All Good Qualities by Kyabje Choden Rinpoche
Trang mạng: https://archive.org/details/ChodenRinpoche2014
- Tag :
- H.e. Choden Rinpoche