Tâm Sanh Thảy Thảy Pháp Sanh, Tâm Diệt Thảy Thảy Pháp Diệt.
Nguyễn Thế Đăng
1/ Có thế giới bởi vì có tâm
Câu lấy làm nhan đề trên ở trong Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ tát Mã Minh (Asvaghosha), thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Câu này thường được các Thiền sư và các hành giả nhắc đến nhiều trên con đường tu tâm.
Tu tâm là tìm thấy bản tánh của tâm và sống thuần thục trong bản tánh của tâm. Ngài Mã Minh nói trong Luận Khởi Tín:
“Bởi vì tất cả pháp xưa nay duy chỉ là tâm, thật không có niệm (vô niệm, không có tư tưởng). Nhưng do tâm vọng động, bất giác khởi niệm, thấy các cảnh giới, thế nên nói là vô minh. Tánh của tâm vốn chẳng khởi, đây là Đại trí huệ quang minh tạng”.
Bản tánh của tâm vốn vô niệm, thế nên thực hành Phật pháp là để đạt đến bản tâm vô niệm này:
“Thế nên trong các khế kinh dạy rằng: Nếu có chúng sanh quán vô niệm tức là đang hướng đến trí Phật” (Luận Khởi Tín).
Khi tâm vô niệm thì cảnh cũng vô niệm, đó là giải thoát: tâm cảnh đều Không.
“Lại nữa, hiển thị từ môn sanh diệt tức là nhập môn Chân Như. Nghĩa là, truy tìm năm uẩn, sắc và tâm cùng cảnh giới sáu trần rốt ráo là vô niệm.” (Luận Khởi Tín)
Khi tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt, tất cả thế giới sanh tử diệt. Đức Phật nói trong Kinh Rohitassa, Tương Ưng Bộ I:
“Chính trong cái thân cao hơn một thước này, với tri giác và trí năng của nó, ta tuyên bố có thế giới, sự phát sanh của thế giới, sự chấm dứt của thế giới, và con đường thực hành đưa đến sự chấm dứt của thế giới”.
Có thế giới, sự phát sanh của thế giới, đó là “tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh”. Sự chấm dứt của thế giới, đó là “tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt”. Và con đường thực hành đưa đến sự chấm dứt của thế giới là con đường ngộ, nhập bản tánh vô niệm của tâm.
2/ Bản tánh của niệm hay tư tưởng
Mục đích của tất cả các con đường Phật giáo là đưa con người trở về nguồn tâm, về bản tánh của tâm vốn vô niệm của chính mỗi người. Nguồn tâm, bản tánh của tâm là tánh Không và tánh sáng. Đó là thật nghĩa của vô niệm.
Chúng sanh lạc vào sanh tử khó có ngày ra khỏi bởi vì họ lạc vào những khởi niệm của chính họ mà không biết cội nguồn của mọi khởi niệm là bản tánh của tâm vốn vô niệm. Nhưng một Bồ tát dù đã đạt đến các địa của Pháp thân vô niệm thì vẫn phải hoạt động ở đời, tự giác-giác tha, nghĩa là vẫn phải dùng hoạt động khởi niệm của tâm. Cùng làm việc ở đời như nhau nhưng sự khác biệt căn bản là Bồ tát ấy biết bản tánh của mọi niệm khởi là tánh Không và tánh sáng. Nghĩa là biết các niệm không khác với cội nguồn vô niệm từ đó chúng khỏi sanh: các niệm là vô niệm.
Lục Tổ Huệ Năng không nói vô niệm là không có niệm nào cả mà “nơi niệm mà vô niệm, nơi tướng mà lìa tướng”:
“Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm. Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng... Người mê bám vào pháp tướng, chấp Nhất hạnh tam muội là thường ngồi chẳng động, vọng niệm chẳng khởi nơi tâm. Nếu hiểu như vậy là đồng với loài vô tình, trở lại thành cái nhân duyên ngăn chướng đạo. Thiện tri thức! Đạo vốn thông lưu, sao lại làm cho ngưng trệ”.
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje (1556-1603) nói trong tác phẩm của ngài The Mahamudra eliminating the darkness of ignorance (Thiền xóa tan bóng tối vô minh, Thiện Tri Thức, 2001):
“Hơn nữa, tư tưởng ngay khi đang khởi thì tự thân nó là tánh Không sáng tỏ. Khi con chứng ngộ hay có được sự quán chiếu này, bấy giờ con đã nhận ra bản tánh của tư tưởng.
Không có chút khác biệt dù nhỏ nhất nào giữa trạng thái vô niệm và trạng thái quán chiếu thấy rõ rằng những tư tưởng chuyển động, tâm an định và bản tánh vô niệm của những tư tưởng, cả ba đều trống không, sáng tỏ và rạng ngời. Cho hai trạng thái đó khác biệt là một nhận xét của tâm thức chưa nhận ra chúng.
Trước kia, khi con chưa nhận ra bản tánh của những tư tưởng, con không thể đem chúng vào trong thiền định của con. Đó là vô minh. Nhưng giờ đây con đã nhận biết chúng, con có thể thiền định về chính những tư tưởng và như thế chúng trở thành tánh giác nguyên sơ. Bây giờ con có thể lấy những tư tưởng làm căn bản của thiền định”.
Lục Tổ Huệ Năng nói Hóa thân là sự biến hóa ra các tư tưởng từ Pháp thân tánh Không, “bản tánh vốn như hư không”. Biến hóa nên là như huyễn, như huyễn đồng với tánh Không. Hơn nữa, sự biến hóa ấy là sự biến hóa của Tự tánh, của Bản tâm vô niệm, nên gọi là Tự tánh Hóa thân:
“Sao gọi là Ngàn Trăm Ức Hóa Thân? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì bản tánh vốn như hư không. Một niệm nghĩ lường gọi là biến hóa. Nghĩ lường việc ác thì hóa làm địa ngục, nghĩ lường việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ tát, trí huệ hóa làm cõi trên, ngu si hóa làm phương dưới. Tự tánh mình biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường hành đường ác. Xoay về một niệm thiện thì trí huệ liền sanh, ấy gọi là Tự tánh Hóa thân Phật” (Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Sám Hối)
Trong Kinh Phật địa, nói Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí là Hóa thân của Pháp thân Đại viên cảnh trí vô niệm, và hóa thân này hoạt động mạnh mẽ vô tận. Ở đây chỉ trích ra một đoạn (trong mười đoạn) nói về Diệu quan sát trí của Phật:
“Như trong thế giới có các núi vua cao lớn hiển hiện, diệu quan sát trí của Phật cũng như vậy, có chư Phật, Bồ tát oai lực diễn nói giáo pháp sâu xa rộng lớn”.
Thành sở tác trí thì gồm cả thân ngữ ý của Phật:
“Như thân nghiệp của chúng sanh chuyên cần gắng sức tìm cầu quay cuồng theo các thứ lợi danh, giàu có, công việc. Thành sở tác trí của Như Lai cũng như vậy, thân hóa nghiệp chuyên cần, do đó thị hiện thảy thảy các việc như công xảo, bẻ dẹp tất cả phiền não kiêu mạn của chúng sanh, dùng lực phương tiện thiện xảo dẫn dắt chúng sanh khiến nhập thánh giáo, thành thục giải thoát”.
Về ngữ của Phật:
“Lại như ngữ nghiệp phương tiện của chúng sanh, do đó chúng sanh chỉ bảo cho nhau công việc, chê ác khen thiện, cho đến ra lệnh. Thành sở tác trí của Như Lai cũng như vậy, khởi ra phương tiện ngữ nghiệp biến hóa, do đó Như Lai lập ra chỗ học chân chánh, chê trách các buông lung phóng dật, khen ngợi sự chẳng phóng dật. Lại thành lập hạng tùy tín hành và tùy pháp hành…, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt các chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.
Về ý của Phật:
“Lại như ý nghiệp tạo tác của chúng sanh, do đó chúng sanh tạo tác thảy thảy các nghiệp được sanh khởi. Ý hóa nghiệp tạo tác của thành sở tác trí của Như Lai cũng như vậy, do đó Như Lai quan sát các hành động của chúng sanh, làm và không làm, hoặc được hoặc mất, khiến cho lấy bỏ mà tạo tác các đối trị, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.
Hoạt động để giải thoát cho chúng sanh của Phật qua diệu quan sát trí và thành sở tác trí là phủ khắp, tác động đến tất cả chúng sanh của ba cõi sanh tử.
3/ Sanh mà không sanh, niệm mà vô niệm
Như vậy không nên nghĩ một cách đơn giản rằng vô niệm là không có tư tưởng, không có ý nghĩ, như một loại định bất động. Vô niệm là nền tảng căn bản cho mọi khởi niệm, cho mọi hóa thân làm việc.
Một người tu Bồ tát đạo là biết sử dụng niệm, tự tại với niệm, và vô niệm thì vượt khỏi động tĩnh, sanh diệt, tăng giảm, dơ sạch…, nghĩa là niệm đồng với vô niệm, chính là tánh Không và tánh sáng.
Lục Tổ Huệ Năng nói với Sư Pháp Hải:
“Niệm trước chẳng sanh tức tâm
Niệm sau chẳng diệt tức Phật”.
Không sanh mà chẳng diệt, chứ không phải không sanh mà tịch diệt, vô vi.
Dza Patrul Rinpoche (1808-1887), một vị Thầy Dzogchen Tây Tạng, giảng về Ba Lời Tuyên Bố Đánh Vào Những Điểm Thiết Yếu của Garab Dorje, trong cuốn The Golden Letters (Những Chữ Vàng, nxb Thiện Tri Thức, 2002).
Khi nói về sự khởi niệm, để giảng Lời Tuyên bố thứ Ba của Garab Dorje, ngài đã viết:
Vào lúc đó, bất cứ tham hay sân, vui hay buồn,
Bất cứ tư tưởng nào lan man khởi lên,
Trong trạng thái nhận biết chúng, người ta
không theo chúng.
Từ đó người ta nắm giữ sự nhận biết Pháp
thân về mặt giải thoát,
Bấy giờ giống như vẽ hình trên mặt nước,
Không có cách hở giữa tự-sanh khởi
(của những tư tưởng) và tự-giải thoát của chúng.
Bất cứ niệm nào khởi lên (trong tâm) đều thành
thực phẩm cho tánh Giác trống không trần trụi;
Khi nào những chuyển động (của tư tưởng xảy ra),
chúng biểu hiện năng lực sáng tạo của pháp thân;
Không để lại dấu vết, chúng tự-tịnh hóa.
A-la-la!
Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1629 – 1715) có bài kệ:
Nhạn qua trời không
Ảnh chìm nước lạnh
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm giữ ảnh.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng