HỎI: Hoa vô ưu có phải là hoa ưu đàm không? Nếu không phải thì tại sao Thái tử Tất Đạt Đa hạ sinh dưới cội vô ưu nhưng khi nói về Đản sanh của Đức Phật thì lấy biểu tượng hoa ưu đàm?
Đáp: Vô ưu, Phạn ngữ Asoka, Hán ngữ phiên âm A du ca, A thúc ca, A thuật ca… dịch nghĩa là Vô ưu hoa, hoa không ưu tư phiền muộn. Theo Tiến sĩ Rupa A. Shah, Đại học Bombay thì hoa Vô ưu có tên thực vật học là Saraca Indica or Jonesia Ashok, thuộc họ Caesalpaeniaceae, cây thân mộc, hoa màu vàng cam. Mùa ra hoa khoảng giữa tháng Tư và tháng Năm. Hoa được phát hiện ở vùng trung tâm phía Đông dãy Himalaya và vài khu vực phía Tây bờ biển Bombay.
Theo kinh luận thì vô ưu là loại hoa thân mộc, trổ hoa vào mùa Xuân, mọc rất phổ biến ở xứ Thiên Trúc. Khi hoa nở, đoá lớn, sắc đẹp, hương thơm, ong bướm hút mật không biết chán. Phụ nữ Ấn Độ rất ái mộ và tôn kính cây hoa này. Theo thần thoại (Ramayana), nàng Sita khi bị ác thần Ravana nhiễu hại đã trốn dưới cây Vô ưu và kháng cự thành công. Vì thế, hoa Vô ưu rất được phụ nữ Ấn tôn trọng và loại hoa quý để dâng cúng được thần Siva. Tương truyền, loài cây này cũng cảm nhận được tình cảm của con người nên được phụ nữ chăm sóc thì trổ hoa mau và rất nhiều.
Tại vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, hoa vô ưu được trồng rất nhiều. Hoàng hậu Ma Gia cùng đoàn tuỳ tùng xa giá rời Ca Tỳ La Vệ trở về quê ngoại để sanh con đầu lòng, theo tập tục Ấn Độ thời bấy giờ. Khi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu ra lệnh dừng lại để người vào lâm viên nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn cảnh. Khi đi đến dưới cây vô ưu, thấy hoa nở rộ, ngào ngạt hương thơm bèn đưa tay phải vin cành hoa vô ưu, liền khi đó hạ sanh Thái tử.
Ưu đàm cũng là một loại cây có hoa nhưng là loại cây thiêng (linh thọ). Theo Phật giáo, hoa ưu đàm nở là một điềm lành. Ưu đàm, Phạn ngữ Udumbara, Hán ngữ phiên âm thành ưu đàm bà la, Ô đàm bạt la, Ô đám bát la, Uất đàm… Hoa ưu đàm có tên ưu đàm bát hoa hay ưu bát hoa gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là Linh thuỵ hoa, Thuỵ ứng hoa, Không khởi hoa. Theo Từ điển Phật học Hán Việt, NXB. Khoa Học Xã Hội thì: “Cây ưu đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Himalaya , cao nguyên Đê-can và nước Xây-lan… Thân trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đoá, ăn được nhưng vị không ngon”. Sách Huyền Lâm Ứng Nghĩa, quyển 21 mô tả về ưu đàm “lá cây có hoa nhưng ít xuất hiện, khó trồng”. Cứ vào các đặc điểm được mô tả về thân, lá, hoa và quả của ưu đàm và Vô ưu thì chắc chắn ưu đàm và vô ưu là hai loại cây hoàn toàn khác biệt nhau.
Đúng là Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới cội vô ưu. Tuy nhiên, khi nói về Phật đản sanh lại lấy hoa ưu đàm làm biểu tượng là do một nguyên nhân khác. Hoa ưu đàm, theo quan niệm của Phật giáo là một hoa thiêng, cực kỳ quý hiếm “ba ngàn năm mới nở một lần” nên mang ý nghĩa hy hữu, hiếm có, khó gặp. Mặt khác, hoa ưu đàm nở là điềm lành báo hiệu Đức Phật ra đời hay có bậc Luân vương xuất thế, vì lẽ ấy mà hoa ưu đàm được gọi là hoa Linh thuỵ. Theo Pháp Hoa Văn Cú: “Ưu đàm là loại hoa thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi làn hoa nở thì có Đức Phật ra đời”. Do các đặc điểm này, hoa ưu đàm thường được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế hy hữu của Đức Thế Tôn trong văn học và kinh điển Phật giáo.
Như vậy, Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh dưới cội vô ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni là một sự thật lịch sử. Còn việc dùng hoa ưu đàm làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế của một Bậc Giác ngộ là một chuyện khác. Vì thế, khi bàn đến Đản sanh của Phật Thích Ca thì hoa vô ưu được xem như một chứng tích, gắn liền với một sự kiện lịch sử cụ thể, còn hoa ưu đàm là ảnh dụ của sự kiện lịch sử vĩ đại và hy hữu ấy. Dẫu chắc rằng ưu đàm đã khai hoa vào dịp ấy nhưng không phải nơi vườn Lâm Tỳ Ni. Do vậy, hoa Vô ưu nở vào mùa Xuân mỗi năm là chuyện bình thường nhưng nói đến hoa Ưu đàm nở, tự khắc ta liên tưởng đến đại sự nhân duyên, một vị Phật đản sanh, Bậc Giác Ngộ xuất hiện.
- Tag :
- Quảng Tánh
Send comment