Lìa Tất Cả, Để Sống Một Mình
Nguyên Giác
Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có một vị tăng hình dung xấu xí, lùn thấp, không chút nào hảo tướng, nên người mới gặp tự nhiên khó tôn kính. Đó là Trưởng lão Bhaddiya. Cũng chính vì nhận ra nhiều vị tăng đã khởi tâm bất kính khi thấy nhà sư lùn thấp Bhaddiya, Đức Phật đã nói lên hai bài kệ làm giựt mình đại chúng, rằng chính nhà sư Bhaddiya đã giết cha, giết mẹ, giết vua, giết cả triều đình… Bài này sẽ nhìn về cách Đức Phật nói lên các ẩn dụ như thế. Để rồi dẫn tới ý nghĩa về hạnh sống một mình. Các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
Trong Kinh Pháp Cú, ghi lại các ẩn dụ đó là hai bài Kệ 294 và 295. Bản dịch của Thầy Minh Châu như sau.
294. "Sau khi giết mẹ cha,
Giết hai Vua Sát lỵ,
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, phạm chí sống."
.
295. "Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm
Vô ưu, phạm chí sống." (1)
Trong tích truyện về Kinh Pháp Cú, kể rằng, trong khi cư ngụ tại Tu viện Jetavana, Đức Phật đọc hai bài Kệ 294 và 295, là khi nói về Trưởng lão Bhaddiya, vị sư có thân hình lùn thấp. Lúc đó, một số tu sĩ tới thăm, đảnh lễ Đức Phật. Khi họ tới trước Đức Phật, tình cờ thấy gần đó là nhà sư Bhaddiya. Đức Phật nói với nhóm tu sĩ tới thăm hãy chú ý về nhà sư lùn thấp và nói với đám đông các nhà sư: “Hỡi các tỳ khưu, hãy nhìn vị sư đó. Nhà sư đó đã giết cả cha và mẹ của sư, giết xong rồi, bây giờ không vương chút khổ nào nữa.” Các nhà sư tới thăm không hiểu câu nói đó, nên xin Đức Phật giải thích cho rõ.
Trong ẩn dụ đó, Đức Phật nói giết “mẹ” là diệt tham ái (craving), giết “cha” là diệt chấp ngã (conceit). Nói giết “hai vua” trong bài kệ là trong tâm nhà sư Bhaddiya không còn dính chút nào về Thường kiến (chấp Vĩnh cửu, Eternity-belief) và Đoạn kiến (chấp Đoạn diệt Hư vô, Annihilation-belief), giết “vương quốc” là thấy không hề có cái gì gọi là các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), giết “quần thần” là thấy không hề có cái gì gọi là “cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được tư lường.”
Trong bài Kệ 295 ghi trên, ẩn dụ giết mẹ và cha cũng là dứt trừ tham ái và ngã chấp, giết hai vua Bà La Môn là lìa Thường kiến và Đoạn kiến, con hổ là năm triền cái. Sau khi giải thích, Đức Phật đọc hai bài Kệ 294 và 295.
Bản dịch của Thầy Minh Châu hoàn toàn phù hợp từng chữ với bốn bản Anh dịch của bốn học giả: Bhikkhu Thanissaro, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Ānandajoti, Peter Feldmeier. Tuy nhiên, bản Anh dịch bài Kệ 294 của Ācāriya Buddharakkhita lại khác, ghi là giết thêm ông Bộ Trưởng Tài Chính giữ kho bạc (có lẽ, dựa theo một cổ bản Pali khác):
294. Having slain mother (craving), father (self-conceit), two warrior-kings (eternalism and nihilism), and destroyed a country (sense organs and sense objects) together with its treasurer (attachment and lust), ungrieving goes the holy man. (2)
Nơi đây, chúng ta sẽ dịch theo sát từng chữ như sau:
294. Giết xong mẹ (tham ái), cha (ngã chấp), hai vua Sát lỵ (thường kiến và đoạn kiến), phá hủy một quốc gia (căn và trần) và [giết] viên quan thủ quỹ (dính mắc và ái dục), bậc thánh tăng bước đi, không ưu phiền.
Sau khi Đức Phật giải thích xong, các nhà sư tới thăm đều đắc quả A la hán. Nghĩa là, khi thấy cả thân tâm, trong và ngoài đều không có gì buộc nữa, thì là xong. Duyên khởi về nhà sư Bhaddiya trước đó cũng tương tự. Vị sư này hẳn nhiên là lùn thấp, xấu xí nổi bật, cho nên các Kinh khi dịch sang tiếng Anh đều ghi lúc thì “Bhaddiya the Dwarf” hay lúc thì “The Short one” --- nghĩa là, hễ nói thấp là người nghe nghĩ tới Thầy này.
Trong Kinh Udana 7.1 có ghi về trường hợp ngài Bhaddiya chứng quả, giải thoát. Nơi đây, xin dịch sang tiếng Việt, dựa vào bản Anh dịch của ngài Sujato:
“Như vầy tôi nghe. Một lần, Đức Phật cư ngụ gần thành Sāvatthī (Xá vệ) trong vườn Jeta (Kỳ đà), tu viện Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc). Lúc đó, Đại sư Sāriputta (Xá lợi phất) đang thuyết giảng, sách tấn, thúc giục, gợi cảm hứng nhà sư lùn thấp Bhaddiya bằng một bài Pháp. Sau khi được nghe dạy, tâm của ngài Bhaddiya được giải thoát khỏi lậu hoặc bằng cách không nắm giữ gì (freed from defilements by not grasping: xa lìa lậu hoặc vì tâm vô sở trụ). Đức Phật thấy chuyện xảy ra như thế. Đức Phật mới nói lời cảm hứng tự trong tâm:
‘Phía trên, phía dưới, mọi nơi đều giải thoát,
không còn tư lường ‘Tôi là thế này’.
Giải thoát như thế, vị này đã vượt dòng thác lũ
nơi trước đó chưa qua được, bây giờ sẽ không còn tái sinh nữa.” (3)
Nên ghi chú rằng: “trên, dưới, mọi nơi” có nhiều nghĩa. Trong đó, nghĩa đơn giản nhất là: trong mọi trường hợp của “quá khứ, vị lai, hiện tại.” Người đã “sát tận, diệt tuyệt” như thế cũng được gọi là người sống một mình, người sống hạnh đơn độc. Chứ không nói đơn giản người “sống một mình” là người lui vào góc núi, ven rừng.
Đức Phật từng giải thích về người biết sống một mình qua bài Kinh SA-1071, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng trich như sau:
“Tỳ-kheo Thượng Tọa bạch Phật: “Con chỉ ở một mình nơi vắng vẻ, khen ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, ra khỏi làng một mình, ngồi thiền tư một mình.”
Phật bảo Tỳ-kheo Thượng Tọa: “Ông là kẻ sống một mình, Ta không nói là chẳng phải sống một mình. Nhưng lại có lối sống một mình thắng diệu hơn. Sao gọi là lối sống một mình thắng diệu? Đó là Tỳ-kheo phía trước thì khô cằn, phía sau thì diệt tận, ở giữa thì không tham hỷ. Đó là Bà-la-môn tâm không còn do dự, đã xả ưu hối, lìa các hữu ái, đoạn các kết sử. Đây gọi là sống một mình không có lối sống nào thắng diệu hơn nữa.”…” (4)
Nghĩa bài kinh vừa dẫn rất minh bạch: “phía trước khô cằn” là đừng mơ tưởng gì nơi tương lai, “phía sau diệt tận” là chớ bận tâm gì tới quá khứ, “ở giữa không tham hỷ” là hiện tại, ngay giây phút này, xa lìa mọi tham ái trong ba cõi. Đó mới thực là sống một mình.
GHI CHÚ:
(1) HT Minh Châu. Kinh Pháp Cú: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/pham-21-26
(2) Kệ 294 (bản Ācāriya Buddharakkhita): https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.21.budd.html
(3) Kinh Ud 7.1, bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/ud7.1/en/sujato
(4) Kinh SA-1071: https://suttacentral.net/sa1071/vi/tue_sy-thang
- Tag :
- Nguyên Giác