Buông Xả
Ajahn Lee Dhammadharo
Diệu Liên Lý Thu Linh
Ajahn Lee Dhammadharo (1907–1961), là thiền sư theo truyền thống tu trong rừng của Phật giáo Thái Lan Nguyên thủy (Thai Forest Tradition).
& "Chúng ta" giống như cây. "Chấp thủ" giống như dây leo. Nếu như ta khao khát được ngắm cảnh, thì cảnh chập chờn quanh mắt ta. Nếu muốn nghe âm thanh, thì chúng sẽ quanh quẩn bên tai, vân vân. Khi tất cả đều vướng vào trong đó, chúng ta sẽ phải chết. Một số người không để mình chết một cách tự nhiên. Họ đem sự chấp trước quấn vào cổ mình.
& Thế gian giống như những con kiến càng bò dọc theo dây leo. Nếu chúng ta cắt bỏ những sợi dây leo vướng vít vào cây, kiến sẽ không thể leo lên cây.
& Chúng ta phải cắt bỏ mọi thứ có thể. Nếu tâm ta dài, cắt nó ngắn lại. Nếu nó ngắn, làm cho nó tròn. Nếu nó tròn, làm cho nó bóng. Nếu nó bóng, làm cho nó sáng chói. Như thế, tâm có thể quay vòng mà không bị vướng vào bất cứ thứ gì, và có thể được giải phóng khỏi mọi đau khổ và phiền não.
§ Khổ do "hữu". Đây là lý do tại sao mọi người trên thế gian khổ như vậy. Nếu có năm, họ muốn tăng lên mười. Họ nghĩ rằng khi có mười, họ sẽ có thể thư giãn. Nhưng khi họ thực sự được mười, họ tăng nó lên 100. Và rồi họ phải luôn tiếp tục tìm kiếm nhiều hơn, vì họ sợ sẽ đánh mất những gì họ đang có. Chỉ khi ngừng thở, họ mới ngừng tìm kiếm thêm. Đây là lý do tại sao chúng ta được dạy rằng có là khổ. Và đây là lý do tại sao Đức Phật sắp xếp để không có bất cứ gì cả. Ngài nói, "Thân, thọ, tưởng, hành và thức không phải của tôi. Nhãn , nhỉ, tỉ, thiệt, thân, ý không phải của tôi. Khi không có gì là của ta, thì làm sao ai lấy được gì của ta? Ai có thể áp bức ta? Nếu có người cho chúng ta thứ gì, ta nói rằng ta "được", rằng ta "có". Nếu họ lấy chúng đi, ta nói rằng ta "mất". Nhưng khi không có gì để sở hữu, thì không có gì có hoặc mất. Trong trường hợp đó, làm gì có khổ đau?
& Nibbāna là kết thúc của tất cả những gì có và không có.
& Nếu không biết cách buông bỏ, chúng ta sẽ khổ. Giả dụ rằng ta đang nắm gì đó trong tay, nếu ta không thả tay, buông nó xuống, ta sẽ không thể nắm thứ gì tốt hơn cái ta đang có. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ. Chưa kể là tay ta sẽ bị nhớp nhúa vì phải cầm nắm đồ vật luôn tay. Thứ đến, ta có thể quán sát sự vật dưới mọi khía cạnh khi ta để nó xuống, để ta biết nó thực sự là gì. Thí dụ ta đang nắm chặt một con dao trong tay, thì ta không thể nhìn để biết nó là loại dao gì. Nhưng nếu ta mở nắm tay, đặt dao xuống, thì ta có thể nhìn nó kỹ hơn, để xem nó được làm từ thép, gỗ, sừng hay ngà voi, có chất lượng hay không, nó có thể được sử dụng cho mục đích gì.
& Bám víu vào thân là bám víu vào nghiệp cũ. Buông được thân là buông được nghiệp cũ. Và khi chúng ta có thể buông bỏ theo cách này, sẽ không còn nghiệp nơi thân nữa. Giống như một miếng đất. Nếu chúng ta sở hữu nó, với giấy chủ quyền, và ranh giới rạch ròi, thì ta phải đối mặt với những vấn đề như lấn đất, lừa đảo, tranh chấp ranh giới và kiện cáo ra tòa. Nhưng nếu ta không sở hữu miếng đất đó, mà nó là tài sản công cộng, sẽ không có rắc rối hay cãi vã gì. Như thế, tâm ta có thể yên ổn.
& Nếu tâm ta bị cuốn hút vào bất cứ điều gì, thì đó cũng là xấu. Nếu bạn có thể thấy được có thân hay không có thân là như nhau, bệnh tật hay không bệnh là bình đẳng, chết và sống như nhau, như có cùng giá trị, thì tâm có thể buông thư và không bị cuốn hút vào bất cứ điều gì cả.
& Trong giai đoạn đầu, chúng ta buông cái ác và bắt đầu làm điều thiện. Giai đoạn kế tiếp, ta buông cái ác và một số điều thiện. Giai đoạn thứ ba, ta buông bỏ mọi thứ thiện và ác, bởi vì mọi thứ bản chất do duyên hợp, không thể dựa vào chúng. Ta làm điều tốt, nhưng không chấp vào đó. Khi buông, ta phải biết làm điều đó một cách thông minh, không phải hủy hoại - tức là không bằng cách không làm điều tốt. Ý nghĩ của ta, ta còn không giữ được, nói gì đến vật chất bên ngoài. Khi ta làm điều thiện, ta làm vì lợi ích của chúng sinh trên thế gian, cho con cháu của ta. Ta làm mọi thứ theo cách tốt nhất có thể, nhưng không chấp vào đó, vì ta biết rằng tất cả những thứ do duyên hợp đều vô thường. Như thế, tâm ta có thể rõ ràng, trong sáng như viên ngọc quý. Nếu ta chấp vào lời khen, chê, ta thật dại khờ. Khác gì uống nước bọt của người. Khi ta hành động đúng, có người nói ta đúng, người nói ta sai. Khi ta hành động sai, có người sẽ nói ta sai, người nói ta đúng. Không có gì thường hằng giữa thiện hay ác, đúng hay sai.
& Cái ác ở trong cái thiện, và thiện ở trong ác. Thí dụ, khi ăn cơm, chúng ta nói rằng nó ngon, nhưng sau đó khi nó đi khắp cơ thể, nó sẽ biến thành một thứ gì đó ngược lại. Có những kẻ trộm cướp vì có những người giàu có. Nếu mọi người không có tài sản, kho báu, thì làm gì có kẻ trộm cướp? Đức Phật thấy rằng cái ác không phải là điều ta có thể phụ thuộc vào. Cái thiện cũng không phải là điều ta có thể phụ thuộc vào. Đó là lý do tại sao Ngài buông bỏ cả thiện và ác bằng cách không chấp chúng vào tâm. Ngài đã được giải thoát khỏi mọi điều thiện ác và vì thế đã vượt qua tất cả các pháp thế gian (loka-dhamma). Đó là cách Ngài đạt được hạnh phúc tuyệt đỉnh.
& Sức mạnh của thiện và ác giống như một thỏi nam châm có sức hút tâm trí ta làm điều thiện, điều ác, để rồi sau đó sinh vào những nơi thiện hoặc ác phù hợp với lực hút của nó. Khi làm điều thiện hay điều ác, ta tưởng chừng mình đã để lại thế gian thỏi nam châm đó. Nhưng những thỏi nam châm đó sẽ kéo tâm trí của ta đến tầng bậc của chúng. Những ai không đủ thông minh để biết cách tránh né hoặc tự tách mình khỏi sức hút của thiện và ác chắc chắn sẽ bị kéo theo trường lực của chúng. Họ sẽ phải tiếp tục bơi trong luân hồi sinh tử. Đây là lý do tại sao người trí cố gắng tìm cách cắt trường lực đó để họ có thể thoát khỏi sức mạnh của nó, đạt được tự do. Nói cách khác, họ làm tốt nhưng không chấp vào đó. Họ làm những việc có thể không tốt, và họ cũng không chấp vào đó. Họ không để những điều này kết nối với nhau. Nói cách khác, họ không chấp giữ những việc họ đã làm. Họ không tiếp tục nghĩ tưởng đến chúng. Đây là ý nghĩa của việc có trí tuệ: biết cách cắt đứt các chấp dính của thế gian.
& Tâm không tốt hay xấu, nhưng nó là cái biết điều tốt và xấu. Nó là cái làm điều thiện và ác. Nó là cái buông bỏ cái thiện và buông bỏ cái ác.
& Không phải là trường hợp mọi thứ sẽ tiến triển nếu chúng ta bám vào chúng, hoặc xấu đi, nếu ta buông chúng.
& Bám chấp giống như cây cầu. Nếu không có cầu, ai sẽ đi bộ qua bờ bên kia? Chỉ có bên này và bên kia của dòng sông. Nếu có mắt, ta có thể nhìn thấy cả hai bên bờ, nhưng không có kết nối. Tâm không bị cuốn vào các thiên kiến của nó giống như một chiếc lá sen trong nước. Nước không thể thấm vào lá. Nó chỉ lăn qua lại trên bề mặt. Có nhận thức, nhưng không có chấp trước.
& Nhận thức mà không có sự chấp giữ giống như điện không có dây. Chỉ có độ sáng. Khi không có dây, không ai có thể bị điện giật. Hoặc bạn có thể nói rằng nó giống như một ngọn lửa không cần đèn. Không có bấc nào được sử dụng, không có tốn dầu, nhưng vẫn có ánh sáng.
& Nếu chúng ta tách rời thân và tâm, thì nhận thức thông thường sẽ biến mất, nhưng điều đó không có nghĩa là nhận thức bị tiêu diệt. Nó vẫn còn đó, nhưng nó là loại nhận thức đặc biệt không phụ thuộc vào thân hay tâm. Giống như khi chúng ta tách sáp của một ngọn nến ra khỏi bấc của nó: Ngọn lửa biến mất, nhưng tiềm năng của lửa không bị tiêu diệt. Cho dù có nhiên liệu hay không, lửa vẫn tồn tại trên thế giới bởi bản chất của nó. Đây là nhận thức về nibbāna.
& A-la-hán cũng nói và hành động, nhưng họ không nói hoặc hành động theo cách mà người phàm phu vẫn thường làm. Họ biết cách tách biệt mọi thứ. Giống như phát thanh viên nói qua radio: Ta có thể nhấn vào radio, nhưng ta không thể chạm được đến người đang nói.
& Sự trải nghiệm của giải thoát không có ý nghĩa của "trước" hoặc "sau", hoặc thậm chí "hiện tại".
& Khi tâm trống rỗng, nó cảm thấy nhẹ nhàng, tự do, không có mối bận tâm nào cả. Giống như chim: Nó không để lại dấu vết gì trong thinh không. Tương tự, khi tâm trống rỗng, dẫu có người chỉ trích ta, vẫn không có gì lưu dấu trong thinh không. Không có gì vướng mắc trong tâm.
& Thiền chỉ là giữ cho tâm lắng đọng. Thiền quán là biết cả khi tâm an tĩnh và khi tâm không an tĩnh. Biết cái tưởng của quá khứ và tương lai vì chúng là kiến thức trực quan. Loại kiến thức này không bị mắc kẹt trên các tưởng. Đây được gọi là kỹ năng buông xả. Nó không bị mắc kẹt trong tâm tham hay vô tham. Nó giống như viết trong thinh không. Thinh không không ảnh hưởng gì, ta viết nhẹ nhàng, mà không ai đọc được. Dù ta viết điều tốt hay xấu, không ai đọc được. Thinh không có mặt, nhưng không dáng hình.
Diệu Liên Lý Thu Linh-7.2022
Chuyển ngữ từ LETTING GO, trong sách SKILL OF RELEASE, do Tỳ kheo Ṭhānissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff) tổng hợp và chuyển dịch sang tiếng Anh)-1995.