Ba chi pháp không được nhắc đến trong kinh
Các Yếu Tố Tạo Nên Sự Sống Và Chấm Dứt Sự Sống
Của Một Chúng Sanh Theo Kinh Đại Duyên (mahānidāna Sutta)
Thích Tịnh Đạo
DẪN NHẬP
Ấn Độ vốn là xứ sở coi trọng các yếu tố tinh thần và con đường tâm linh. Họ tìm tòi nghiên cứu vị trí của con người trong vũ trụ và cách để vượt qua hoặc thuần phục một cách yên bình trước số phận con người. Khi Đức Phật xuất thế, Ngài tìm cầu giải thoát và chỉ dạy giáo pháp của sự giải thoát. Giáo lý Duyên khởi được tuyên thuyết thay thế cho thuyết sáng tạo của Phạm Thiên, đưa con người từ thế bị động trở thành thế chủ động trong việc tạo dựng hạnh phúc của chính mình. Vì vậy, thuyết Duyên khởi chính là đặc trưng của Phật giáo đối với xã hội.
Từ nguyên lý Duyên khởi của vạn pháp mà Đức Phật thuyết giảng nguyên do hình thành mọi thứ trên thế gian. Từ nền tảng đó, Phật thuyết 12 nhân duyên, nói về sự hình thành một chúng sanh hữu tình và nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Kinh Tương Ưng Nhân Duyên (Tương Ưng Bộ Kinh II; Tập 12, 16, Đại 2, 85a), Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna – Tiểu Bộ Kinh I, Bản dịch của HT. Minh Châu 1982), Kinh Đại Bổn (Trường Bộ Kinh III) và Kinh Đại Duyên (Trường Bộ Kinh III) là các bộ kinh bàn rõ về giáo lý Duyên khởi. Bên cạnh những bài kinh Phật thuyết giảng đầy đủ 12 nhân duyên, cũng có những bài kinh chỉ đề cập một số chi pháp phù hợp với đối tượng nghe giảng và vấn đề thuyết giảng. Kinh Đại Duyên thuộc Kinh Trường Bộ số 15 là một bài kinh như thế.
KINH ĐẠI DUYÊN
Vị trí và duyên khởi bản kinh
Kinh Đại Duyên (Mahànidàna sutta) là kinh số 15 thuộc Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) tương đương với Kinh Đại Duyên Phương Tiện trong Kinh Trường A-hàm. Đây là một bản kinh quan trọng đặc trưng cho tư tưởng Phật giáo. Đức Phật đã thuyết bài pháp này cho đại đức Ananda tại bộ lạc Kuru, có tên là Kammàssadhamma. Nhân duyên Phật thuyết Kinh, ngài Ananda đi đến và trình bày trước Phật rằng đối với Ngài Ananda. Giáo pháp Duyên khởi rất thâm thúy và được ngài Ananda thấu hiểu một cách minh bạch, rõ ràng. Việc ngài Ananda minh bạch rõ ràng với giáo lý Duyên khởi là một điều bình thường, bởi ngài là bậc đại trí tuệ. Nhưng từ việc thấu hiểu cho tới thực hành rốt ráo giáo pháp là một tiến trình, chứ không phải hiểu pháp là thực hành đạt thánh quả được ngay. Sau đó Phật dạy Ananda giáo pháp Duyên khởi rất ít chúng sanh thấu hiểu, chính vì không thấu hiểu mà “chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” [1]. Rồi Đức Phật bắt đầu nói với Ananda về những vấn đề liên quan đến giáo lý này.
Tóm tắt nội dung kinh
Có thể tóm tắt Kinh Đại Duyên qua 4 điểm sau đây:
– Nhân duyên đưa đến sự có mặt của một chúng hữu tình.
– Hai y cứ quan trọng dẫn đến ý niệm về ngã và đồng hóa ngã với thọ.
– Bảy trú xứ có thức và 2 xứ được ngoại đạo xem là cõi vĩnh hằng.
– Con đường dẫn xuất thế gian với 8 cấp bậc giải thoát của thức.
Đức Phật nhấn mạnh về sự có mặt của chúng hữu tình mà chủ yếu là sự có mặt của “cái gọi là con người” và toàn bộ những khổ uẩn mà chúng sanh gặp phải trong thời gian chúng sanh đó có mặt ở cuộc đời, thông qua 9 chi pháp, gồm: Danh Sắc, Thức, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử sầu bi khổ ưu não được sanh. Đây là toàn bộ Khổ Uẩn tập khởi. Sau đó, Đức Phật giải thích sự liên quan của các chi phần một cách cặn kẽ và rõ ràng hơn. Bắt đầu từ mối liên hệ của hai chi phần cuối cùng là Sanh và Lão Tử sầu bi khổ ưu não nói ngược lại mối liên hệ với các chi phần trước. Tiếp đến, kinh bàn về các lời tuyên bố về ngã và các lời không tuyên bố về ngã, sự liên hệ giữa ngã và các cảm thọ như thế nào. Cuối cùng là nói về bảy trú xứ của thức, hai xứ và tám giải thoát.
Ngoài ra, kinh này có giải thích thêm một số chi phần ít gặp trong các kinh khác. Đó là do duyên ái, thủ sanh; do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đắm trước sanh; do duyên đắm trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh ra một số ác, bất thiện pháp.
NHÂN DUYÊN ĐƯA ĐẾN SỰ CÓ MẶT CỦA MỘT CHÚNG HỮU TÌNH VÀ TOÀN BỘ KHỔ UẨN
Định nghĩa
Tựa đề Kinh Đại Duyên gốc tiếng Pali là Mahānidāna Sutta, trong đó: Mahā có nghĩa là lớn, nidāna mang ý nghĩa là một chuỗi dài, điều kiện hay điều kiện cho cái khác phát sinh. Nidāna là một thuật ngữ mà từ tương đương là paccaya có nghĩa là duyên, hoặc hetu có nghĩa là nhân. Sutta: kinh. Như vậy, Kinh Đại Duyên có nghĩa là bản kinh phân tích chi tiết về điều kiện cho một chúng sanh có mặt, với toàn bộ khổ uẩn cùng các pháp bất thiện. Trong Phật giáo, duyên có thể phân chia thành hai loại là duyên hại và duyên sanh.
Duyên hại
Giúp cho các pháp được sanh, được trụ ở tại cuộc đời. Tức khi pháp đã được tạo thành, duyên hại hỗ trợ cho các pháp trong quá trình trụ dị diệt. Ví dụ khi một con người sinh ra, không ngừng phát triển và lớn lên theo từng độ tuổi khác nhau. Sự phát triển bao gồm cả tâm lý và vật lý này là nhờ duyên hại mà có.
Duyên sanh, duyên khởi
Làm duyên cho các pháp chưa sanh được sanh. Chữ duyên trong bài kinh được dùng theo ý nghĩa này. Đây là quy luật tự nhiên, không thuộc về quyền hành của ai mà trong kinh đã diễn giải: Cái này có thì cái kia có, cái kia sanh thì cái này sanh. Pháp tùy thuộc hay pháp phát sanh do điều kiện, tức ngũ uẩn các hiện tượng danh pháp và sắc pháp đều mang nguồn gốc của những điều kiện khác mà khởi lên. Các pháp tùy thuộc vào quá khứ mà cho chúng ta có mặt trên cuộc đời như thuyết Thập nhị nhân duyên trình bày 12 yếu tố làm nhân duyên sanh khởi. Nếu giải thích theo chiều hình thành chúng hữu tình, Vô minh trong Tứ đế đưa đến sự vận hành của nghiệp thức. Hành có nghĩa là sự vận hành, cũng có nghĩa là tạo tác, sau đó mà có thức đi tái sanh rồi hình thành các yếu tố tiếp theo cho tới Lão Tử sầu bi khổ ưu não.
Nhưng nếu nhìn theo chiều hướng mất đi, chấm dứt dòng sanh tử. Thì kinh giải thích sự chấm dứt của sanh tử, khổ uẩn. Khi chúng ta không có vô minh, hiểu biết Tứ đế, thì không có hành, không có nghiệp không có thức để đi tái sanh. Cũng điểm đầu tiên, chúng ta vừa giải thích sự có mặt của một chúng sanh, vừa giải thích được sự chấm dứt của một chúng sanh. Tức cũng từ chi pháp Vô minh mà hình thành đời sống, cũng từ sự chấm dứt của Vô minh này mà chấm dứt sự chuyển tiếp, tái sanh của đời sống. Đây chính là điểm đặc biệt của thuyết 12 nhân duyên.
Trong Kinh Đại Duyên, Đức Phật đề cập đến 9 trong 12 yếu tố, các chi pháp phối hợp với nhau, vừa là nhân vừa là quả mà xoay vần chuyển tiếp hình thành nên đời sống của chúng hữu tình nói chung và con người nói riêng. Để hiểu về quá trình đưa đến sự có mặt của chúng hữu tình và khổ uẩn, chúng ta cần phải giải thích ý nghĩa của các chi pháp cũng như nguyên lý vận hành của chúng.
Giải thích các chi pháp đưa đến sự có mặt của chúng hữu tình và khổ uẩn
Đức Phật nói pháp luôn xem xét căn cơ của người nghe. Ở đây, đối tượng nghe chỉ riêng ngài Ananda, bậc có trí tuệ xuất chúng. Vậy nên, Đức Phật chỉ nói đến đời sống của mỗi chúng sanh từ khi có mặt trên cuộc đời bao gồm 9 chi pháp. Thay vì nói đến 12 chi pháp (bao gồm thêm Vô minh-Hành-Lục nhập) thì Đức Phật chỉ trình bày 9 chi pháp. Ba chi pháp còn lại cũng là yếu tố quan trọng cho việc có mặt của chúng sanh, không có ba chi pháp này thì chúng sanh không có mặt. Nhưng ngài Anan có thể tự hiểu yếu tố này nên Đức Phật không cần phải nhắc lại với Anan. Do vậy, để tìm hiểu tường tận quá trình sanh khởi, ngoài 9 yếu tố mà bài kinh nhắc đến, chúng ta phải tìm hiểu về 3 yếu tố mà bản kinh không nhắc đến.
Chín chi pháp được nhắc đến trong Kinh Đại Duyên
Chín chi pháp được nhắc đến trình tự trong kinh là: Danh Sắc-Thức (Thức-Danh sắc)-Xúc-Thọ-Ái-Thủ-Hữu-Sanh-Lão tử sầu bi khổ ưu não.
THỨC (viññāṇa)
Được hiểu chung là cái biết. Trong bài kinh có nghĩa là tâm tái sanh, tâm tái tục, tùy theo nghiệp thức chúng ta tạo trong đời trước mà chúng ta có 19 loại tâm (theo Vi diệu pháp) đi tái sanh. Trong chuỗi nhân duyên, thức này chính là tư tâm sở (cetanā), tức là hành (hành có hành nghiệp và thức nghiệp tức thức tái sanh (paṭisandhi). Ở một khía cạnh, hai định nghĩa này gần như tương tự nhau. Trong một đời sống nào đó, chúng ta có tạo tác dù thiện hay bất thiện thì cũng hình thành thức tái sanh. Chúng ta đi đứng, thấy nghe, khổ vui đều do thức tạo tác.
Vậy thức đi tái sanh như thế nào? Trong khoảnh khắc giao chuyển giữa hai đời sống, sự tiếp nối giữa đời này đời sau, trong thế giới có ngũ uẩn, chỉ có danh và sắc đi tái sanh chứ không có linh hồn hay con người đi tái sanh. Danh và sắc này phải phát sanh cùng một lúc khi vào bụng người mẹ, sắc lúc này rất tế nhị nên chúng ta không thể nhận ra. Danh sắc lúc nào cũng tồn tại và hoại diệt cùng nhau, luôn đồng hành với nhau. Chúng ta thường không thấy rõ sắc nên cho danh có trước, sắc có sau, thật ra là chúng luôn có mặt cùng lúc với nhau. Tâm tái sanh lúc này gọi là tâm tái tục hay kiết sanh thức (paṭisandhi) hình thành ngay sau khi kết thúc đời sống trước (tử tâm). Danh sắc đi vào đời sống này là nghiệp của đời sống trước tạo. Những gì huân tập ở đời sống này được ảnh hưởng với nghiệp thức đã tạo ở đời sống trước. Ví như người có phước đời trước thì kiếp này sắc thân sẽ tươi đẹp hơn đời sống trước (danh sắc khác nhau).
DANH SẮC (nāma-rūpa)
Khi thức tái sanh thì phải có danh sắc (chỉ chúng sanh ở cõi có đủ Ngũ uẩn). Những chúng sanh mà chỉ có danh thôi thì tái sanh về cõi vô sắc (Vô sắc giới thiên là những chúng sanh tu thiền vô sắc, không dùng sắc để làm đối tượng. Vì vậy, khi tái sanh không liên hệ đến sắc uẩn mà chỉ liên hệ tới danh uẩn, không có sắc hoặc sắc của họ tế nhị đến mức độ chúng ta không thể nhìn thấy được). Khi những chúng sanh tạo nghiệp không liên hệ đến sắc thì những chúng sanh này có sắc vô cùng vi tế.
Các chúng sanh ở cõi có đầy đủ sắc thân như cõi dục giới thì sắc thân này được sử dụng và dễ nhận biết hơn. Khi tạo nghiệp mà hồi hướng để hưởng phước ở cõi hiện tại thì chắc chắn chúng ta không giải thoát mà sanh trở lại cảnh giới có ngũ uẩn để hưởng phước, nếu tạo nghiệp mà không mong muốn hưởng phước ở cõi hiện tại thì cắt đứt nghiệp mong muốn có thân, như vậy sẽ sanh về cảnh giới không có thân, hoặc cảnh giới thân vi tế hơn. Những mong cầu, hồi hướng khi tu tập ảnh hưởng tới cảnh giới tái sanh, cùng một hành động tu tập, tạo phước nhưng có những mong cầu làm cho chúng sanh luân hồi mãi.
Khi thức tái sanh lìa danh sắc cũ, nó tức khắc xảy ra đồng lúc với nghiệp sanh sắc (sắc do nghiệp sanh – sắc này có được khi tinh trùng và noãn gặp nhau), được gọi là sắc thụ thai (kalala) khởi đầu cho một kiếp sống. Sắc thụ thai rất vi tế, mắt thường không thể thấy, chính nó làm nền tảng cho tinh cha và huyết mẹ tạo nên phôi đầu tiên của một chúng hữu tình.
Trong bản kinh, Đức Phật nhắc đến liên hệ giữa hai chi phần đầu tiên này có sự liên hệ qua lại, tức Thức sanh ra Danh-sắc và ngược lại Danh-sắc cũng sanh ra thức. Như trong Kinh Bó Lau (S.ii, 112) cũng nói về mối liên hệ này: “Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này hiền giả, do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khở” [2]. Hai chi phần Thức và Danh-Sắc sanh khởi cho nhau và cùng nương nhau tồn tại.
XÚC (phassa)
Trong Kinh Tương Ưng định nghĩa Xúc là: “Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc” [3]. Như vậy, Xúc có mặt khi có đủ ba yếu tố là sự gặp gỡ của danh sắc với pháp trần mà khởi lên lên cái biết (căn-trần-thức). Hay nói cách khác, xúc chính là sự gặp gỡ giữa căn-trần-thức, có 6 loại xúc là: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. Việc tu tập dựa vào cái biết, khi mắt thấy sắc biết đó là khổ thì không theo đuổi rồi bám víu gây ra khổ đau. Còn nếu mắt thấy sắc mà cái biết khởi lên việc ưa thích bám víu thì sanh ra khổ đau.
THỌ (vedanā)
Những cảm giác vui buồn mừng giận thương ghét hay mong muốn. Chính xúc mà sanh ra cảm thọ. Trong Kinh Đại Duyên, Đức Phật dạy cũng có 6 loại thọ là: “nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ” [4]. Cũng trong kinh này, Đức Phật nhắc đến sự phân loại Thọ theo cảm giác đó là lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
ÁI (taṇhā)
Là sự yêu mến, thích thú trong các pháp. Cũng có sáu loại Ái trong Kinh Đại Duyên là: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái. Trong Tiểu Kinh Phương Quảng, Đức Phật phân biệt Ái có ba loại: “Hiền giả Visākha, khát ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái” [5].
Trong đó:
– Dục ái (kāmataṇhā) tức ái trong cõi dục gồm có 12 (lục căn 6, lục trần 6), nếu nhân cho 3 thời thì có 36 ái dục. Đây sự thích thú ham muốn những pháp thế gian.
– Hữu ái (bhavataṇhā) còn được xem là Sắc ái (rūpataṇhā), là ái dục trong cõi sắc, sắc giới; tức là yêu thích, ham muốn những cảm thọ tế vi của tinh thần: đó là hỷ, lạc, xả của các tầng thiền định.
– Phi hữu ái (vibhavataṇhā) hay còn được gọi là Vô sắc ái (arūpataṇhā) là loại ái dục phát sanh do chán các sắc, sắc tướng, sắc pháp mà ưa thích sống với thế giới tâm thức, ý niệm. Từ đó mà họ từ bỏ thiền sắc giới để tiến vào tu tập thiền vô sắc giới.
Như vậy, ái bao gồm cả những ham muốn các pháp thế gian đưa đến đau khổ và có cả ham muốn các con đường tu tập xuất thế gian làm nảy sanh thiện pháp. Trong một mức độ nào đó của hành giả đang tu tập, vẫn có loại Ái cần giữ gìn và phát triển, đó là sự ham muốn học hỏi và thực hành các thiện pháp.
THỦ (upādāna)
Thủ có nghĩa nắm giữ, chấp chặt, cầm lấy. Khi ái yêu thích một đối tượng nào đấy thì thủ nắm giữ, đam mê, chấp chặt đối tượng ấy. Thủ có bốn: Dục thủ, Kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ (tôi, của tôi, tự ngã của tôi).
Trong đó:
– Dục thủ chính là sự ham muốn chiếm giữ những pháp trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Phần lớn chúng ta đều đau khổ rất nhiều bởi những mong muốn chiếm hữu này.
– Kiến thủ tức là sự bám chặt vào những tri kiến của mình. Chúng ta thường bảo vệ, bám chấp, khư khư giữ lấy cái thấy biết sai lầm của mình, tà kiến của mình. Nói cách khác, mọi tà kiến trên thế gian đều được xem là kiến thủ.
– Giới cấm thủ là sự chấp giữ các giới sai lầm, đưa đến khổ đau.
– Ngã chấp thủ là tin vào một bản ngã thường tồn hoặc đồng nhất ngã với một cái gì đó cho rằng đây là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Đây là cái chấp thủ vừa thô vừa tế, rất khó giải quyết chúng trong quá trình tu tập.
HỮU (bhava)
Có hai loại Nghiệp hữu và Sanh hữu.
Nghiệp hữu: Nếu nghiệp hữu là nhân thì sanh hữu là quả tức cảnh giới tái sanh. Dẫn dắt, chủ động, điều động tất cả các nghiệp là do tư tâm sở (cetanā). Vậy, tất cả tư tâm sở trong 29 tâm (theo Vi Diệu Pháp) là nghiệp hữu, đưa chúng sanh tái sanh theo cảnh giới tương ứng trong 3 cõi, 4 loài.
Sanh hữu: Sanh hữu là thức đi tái sanh. Sanh hữu có 3 loại chính:
– Dục hữu (kāmabhava): Danh sắc chúng sanh trong cõi dục (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời).
– Sắc hữu (rūpabhava): Là danh sắc những vị phạm thiên hữu sắc.
– Vô sắc hữu (arūpabhava): Là danh uẩn (tứ uẩn) của những vị phạm thiên vô sắc.
SANH (jāti)
Từ sanh hữu tức thức tái sanh ở phần trên đi tìm cảnh giới tương ưng mà có sự sanh khởi của một chúng sanh trong các cõi. Có các cõi đầy đủ ngũ uẩn, cũng có cõi chỉ có tứ uẩn hay nhất uẩn. Chúng sanh có ngũ uẩn là ở 11 cõi dục giới và 15 cõi sắc giới. Chúng sanh có tứ uẩn là ở 4 cõi vô sắc. Chúng sanh có nhất uẩn là cõi sắc giới vô tưởng thiên.
LÃO, TỬ (jarāmaraṇa)
Khi đã có sanh, ắt phải có tử. Sanh là quá trình hiện khởi của Danh-Sắc trên cuộc đời, Tử là sự hoại diệt của chúng. Chúng ta thường dễ nhận biết sự hoại diệt của sắc thân vật lý hơn là phần Danh. Trong quá trình từ Sanh tới Lão, Tử, một kiếp sống luôn kéo theo sầu bi khổ ưu não.
Ba chi pháp không được nhắc đến trong kinh
Mặc dù Đức Phật không đề cập trong bản kinh, nhưng đây là ba chi phần quan trọng và tôn giả Ananda tự ngầm hiểu ba chi phần này. Nhờ ba chi phần này mà quyết định cho sự có mặt của chúng sanh. Vô minh-hành là nhân ở quá khứ, yếu tố quyết định cho sự tái sanh hay không tái sanh của chúng sanh ở đời sống mới. Hay rõ hơn là bất kỳ một sự tái sanh nào cũng tồn tại cả ba chi phần này.
VÔ MINH (avijjā)
Vô minh là trạng thái không sáng suốt, không tỉnh thức, thường bị si mê, bất giác và những triền cái bịt lấp, che phủ. Vô minh làm cho chúng sanh không thấy được thực tánh của các pháp. Ta có thể thấy một số định nghĩa về vô minh trong chư kinh:
Không thấy rõ duyên sinh, vô ngã là vô minh. (Tương Ưng IV, 57)
Không thấy rõ danh pháp, sắc pháp là vô minh. (Kinh Vị Tỳ kheo -Tương ưng III, 289)
Không thấy rõ Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế là vô minh. (Kinh Vô Minh – Tương ưng V, 622)
Nói chung, sự giải thích Vô minh theo nghĩa không thấy rõ Tứ đế cũng đã bao hàm tất cả. Vô minh là không thấy rõ bản chất của các pháp và con đường giải thoát sanh tử luân hồi. Đây là yếu tố quyết định tái sanh, khổ đau, theo chúng sanh từ quá khứ cho tới hiện tại hay tương lai. Vô minh chính là không biết không thấy, không hiểu bốn sự thật (tứ đế), do vậy mà tạo nghiệp sanh tử. Khi không thấy đâu là khổ, đâu là phương pháp diệt khổ nên cứ ngày ngày tạo thêm những đau khổ. Có khi chúng sanh muốn tìm con đường thoát khổ nhưng lại tạo các nhân khổ để chồng thêm khổ.
Kinh Vô minh (Tăng Chi Bộ IV, 391), Đức Phật dạy các thức ăn cho vô minh là năm triền cái, ba ác hành, các căn không chế ngự, phi như lý tác ý, không chánh niệm tỉnh giác, không nghe diệu pháp, không gần bậc chân nhân.
HÀNH (saṅkhāra)
Có ba nghĩa chính. Thứ nhất là sự ngấm ngầm hoạt động của thức, sự vận hành của tâm thức điều khiển, đưa ra hành động tham sân si hoặc vô tham sân si. Thứ hai, hành có nghĩa là nghiệp tạo tác, có thể là thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp. Thứ ba là thức đi tái sanh, tiền đề tạo thức đi tái sanh. Nghĩa của Hành được dùng chủ yếu trong quá trình này là hành động có chủ ý (P: cetanā, A: Mental formations or Thought Process). Chính Hành này tác các nghiệp thiện, bất thiện rồi tái sanh trong 3 giới, 4 loài với thức tái sanh. Vô minh – hành là nhân quá khứ, bất cứ một sự tái sanh nào cũng có sự dẫn dắt trực tiếp hoặc gián tiếp của vô minh và hành.
LỤC NHẬP (salāyatana)
Không được nhắc đến trong bài kinh vì có ý nghĩa đặc thù. Không phải chúng sanh nào cũng có đủ lục nhập. Nếu các vị tu thiền sắc giới, thì thức duyên cho sắc nếu chúng sanh về cõi sắc giới thiên, cõi này có đủ lục nhập, nhưng không sử dụng mũi, lưỡi, xúc giác, mà chỉ sử dụng nhãn, nhĩ, ý để nhận biết các đối tượng tương ứng. Nếu thức duyên cho danh sắc ở cõi ngũ uẩn thì chúng sanh này có đủ lục nhập, nếu thiếu một trong các căn là do ác nghiệp mà thiếu hụt, vì họ cần mà không có chứ không phải có mà không cần như các cõi kể trên.
SỰ VẬN HÀNH CỦA CÁC CHI PHÁP ĐƯA ĐẾN CÓ MẶT VÀ DIỆT TẬN CỦA MỘT CHÚNG SANH
Vận hành đưa đến sự có mặt của chúng sanh và những hệ lụy
Để diễn tả về sự vận hạnh của các chi pháp đã được giải thích ở phần trên đưa tới sự có mặt của chúng sanh và những hệ lụy của sự có mặt đó, Đức Phật dạy trong Kinh Đại Duyên rằng: “Như vậy do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ; ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão tử sanh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sanh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi” [6].
Ngoài ra, Phật cũng đề cập đến sự sinh khởi của các pháp bất thiện bắt đầu từ Thọ: “Do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ” [7].
Đây là sự quán sát các chi pháp theo chiều sanh khởi của chúng, dựa trên nguyên tắc cái này vừa là nhân, vừa là quả cho cái kia, cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh. Qua đó, Đức Phật giải thích tiến trình một chúng sanh có mặt trên đời từ khi có danh sắc cho tới sanh, lão tử. Đây là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn, đưa tới hệ lụy, khổ đau, phiền não. Như vậy, khi có duyên từ quá khứ là Vô minh – Hành, từ khi chúng sanh xuất hiện trên đời, quá trình này diễn ra theo một quy luật riêng, chúng ta không thể can thiệp được quy luật Duyên sinh của các pháp.
Đối với Vô minh, nguyên nhân đầu tiên của chuỗi sanh tử, theo chúng sanh qua bao kiếp sống. Con đường Đức Phật chỉ dạy xuyên suốt mọi pháp môn, mọi kinh điển chính là Giới – Định – Tuệ tức Bát Chánh Đạo mà thôi, chỉ có đi theo con đường đó để có Tuệ rồi thấu triệt nghĩa Tứ Đế thì mới hết Vô minh.
Các nhân duyên sanh khởi liên tục các chi pháp đều được Đức Phật diễn tả thông qua cuộc đối thoại của Ngài với tôn giả Ananda theo dạng câu hỏi: “Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào giới nào, bất cứ chỗ nào xứ nào, như dục hữu, sắc hữu hay vô sắc hữu. Nếu không có hữu cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không?” [8]. Và Tôn giả Ananda đều trả lời là không, tức phải có các pháp làm duyên thì các pháp khác mới hình thành. Như nếu không có Hữu thì Sanh không có mặt ở câu hỏi nêu trên. Chính vì nhân duyên liên hệ lẫn nhau như vậy, nên sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn mới hình thành. Quán rõ quá trình này giúp chúng ta nhận biết nhân sinh diệt của một chúng sanh và toàn bộ khổ uẩn, thấy được các pháp vốn Vô thường-khổ-vô ngã.
Vận hành đưa đến sự diệt tận của chúng sanh
Để cắt đứt quá trình trên, Đức Phật hướng dẫn chúng ta quán ngược lại theo chiều diệt của bất kỳ một mắt xích nào, tức thay vì chi pháp này có nên mới có cái kia thì nhìn theo hướng không có cái này sẽ không có cái kia. Những câu hỏi của Đức Thế Tôn cho Ananda trong Kinh Đại Duyên thể hiện rất rõ điều này, trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Đức Phật cũng nhấn mạnh: “Cái này không có nên cái kia không có, cái này diệt nên cái kia diệt, như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này” [9].
Khi nhìn các pháp theo chiều sanh lên, ta sẽ thấy cái này sanh nên cái kia sanh. Còn khi nhìn các pháp theo chiều mất đi, ta sẽ thấy do cái này diệt nên cái kia diệt. Trong đoạn trích dẫn ở trên, ta thấy rõ sự đoạn tận của 12 nhân duyên cùng với toàn bộ khổ uẩn. Khi một pháp bất kỳ trong chuỗi mắt xích được diệt đi, toàn bộ quá trình sanh tử khổ đau cũng đoạn diệt. Vậy nên, thông qua bản kinh, ta cũng biết được nguyên nhân của khổ đau sanh tử và cách đoạn tận chúng.
NGUYÊN NHÂN CỦA ĐAU KHỔ THEO KINH ĐẠI DUYÊN
Thông qua sự phân tích hai chiều sanh khởi và đoạn diệt của một chúng sanh cùng toàn bộ khổ uẩn, ta cũng thấy rõ nguyên nhân khổ đau mà Đức Phật muốn đề cập. Sầu bi khổ ưu não là những hệ lụy do sanh, lão tử mà có. Sanh lại do Hữu, Thủ mà có. Cứ như vậy, ta quán xét thấy nguyên nhân cuối cùng của chuỗi mắt xích là Vô minh (đối với 12 nhân duyên). Như vậy, có thể quả quyết một điều rằng, khổ đau là từ Vô minh mà ra cả. Xong bài kinh cũng giải thích nguyên nhân của khổ khi chúng ta chấp ngã, tức cho rằng tôi là cái này, tôi là cái kia.
Ngã và kiến chấp về ngã
Chúng ta khổ phần lớn vì chúng ta chấp có gì là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi. Từ đó mà nảy sinh những bất như ý khi mà sự vận hành của nhân duyên vốn dĩ tự nhiên lại đi ngược với mong muốn, đòi hỏi của cái tôi. Cũng chính vì chấp ngã là thật có nên chúng sanh mới khổ đau. Trong kinh, Phật dạy về một số lời tuyên bố về ngã và không tuyên bố về ngã trong Kinh Đại Duyên như sau:
Bản Ngã hữu sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị lai
Bản Ngã hữu sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị lai
Bản Ngã vô sắc và hữu hạn ở ngay hiện tại hoặc vị lai
Bản Ngã vô sắc và vô hạn ở ngay hiện tại hoặc vị lai.
Từ những kiến chấp về ngã mà người này nảy sinh ý muốn thay đổi mọi thứ theo ngã của mình hay thậm chí là sự cố chấp cô cùng trong cái tôi: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy” (Kinh Đại Duyên). Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể làm được những điều như trên, vì vốn dĩ các pháp là do duyên sanh, sự hình thành của chúng ta cũng như vậy. Do duyên sanh nên các pháp vốn vô thường – vô ngã, ta có kiến chấp đi ngược lại bản chất vốn dĩ này, ta khổ là lẽ đương nhiên. Những kiến chấp về ngã như vậy cũng là Ngã chấp thủ, ở một phương diện nào đó, có thể nói từ sự chấp ngã này mà nảy sanh các chấp thủ khác. Khi tìm kiếm một pháp gì để gọi đó là ngã, có khi ta chọn những cảm thọ là ngã.
Sự đồng hóa ngã với thọ
Khi chọn những cảm thọ là ngã ta gọi đó là sự đồng hóa ngã với thọ, điều này Đức Phật dạy trong Kinh Đại Duyên rằng: “Này Ananda, khi có một vị Tỷ kheo không quan niệm ngã là thọ, không quan niệm ngã không phải thọ, không quan niệm: “Ngã của tôi là thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”, khi ấy vị này sẽ không chấp trước một điều gì ở trên đời, vì không chấp trước nên không sợ hãi; vì không sợ hãi nên hoàn toàn tự mình tịch diệt. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác nữa” [10]. Sự đồng hóa này chính là cho rằng ngã là thọ, ngã không phải thọ. Đây là tà kiến dẫn đến khổ đau, Đức Phật dạy khi từ bỏ tà kiến này sẽ hoàn toàn tịch diệt, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn sanh trở lại đời này nữa, chấm dứt sanh tử luân hồi. Đức Phật đã dạy phương pháp tu tập chính là loại bỏ tà kiến về ngã, đây là một ứng dụng của bản kinh trong đời sống tu tập.
ỨNG DỤNG TU TẬP GIẢI THOÁT NỔI ĐAU
Ngoài việc loại bỏ tà kiến về ngã như đã trình bày ở trên, thông qua bản kinh, người viết xin rút ra một số ứng dụng tu tập cho việc giải thoát. Việc giải thoát sanh tử luân hồi là mục đích sau cùng, song tu tập để đem lại lợi ích, thoát khỏi khổ đau nơi kiếp sống hiện tại cũng là điều mà Đức Phật nhấn mạnh. Theo sự quán sát sự sanh khởi và hoại diệt của một chúng sanh và toàn bộ khổ uẩn, các mắt xích liên kết, vừa làm nhân vừa làm quả cho nhau sanh khởi. Từ đó, chúng sanh có mặt rồi sanh tử luân hồi. Khổ đau sanh khởi trong bất kỳ một chi phần nào, Đức Phật tùy vào nhân duyên và căn cơ mỗi chúng sanh mà bắt đầu giải quyết khổ đau của họ nơi chi phần phù hợp. Chỉ cần cắt đứt một mắt xích thì toàn bộ quá trình đều không thể hoạt động, chấm dứt sanh tử khổ đau.
Đối với Vô minh, nguyên nhân đầu tiên của chuỗi sanh tử, theo chúng sanh qua bao kiếp sống. Con đường Đức Phật chỉ dạy xuyên suốt mọi pháp môn, mọi kinh điển chính là Giới – Định – Tuệ tức Bát Chánh Đạo mà thôi, chỉ có đi theo con đường đó để có Tuệ rồi thấu triệt nghĩa Tứ đế thì mới hết Vô minh. Việc tu tập bắt đầu từ Thọ, bởi lẽ với Thức và Danh sắc hay Lục Nhập (đối với 12 nhân duyên) thì quá trình đó diễn ra tự nhiên do Vô minh-hành ở quá khứ, rất khó để can thiệp chúng. Vì khi trở thành một chúng sanh, nếu đầy đủ lục căn thì lục nhập là điều không thể tránh khỏi. Còn đối với Thọ, khi một cảm giác khổ, lạc, bất khổ bất lạc xuất hiện chúng ta hoàn toàn kiểm soát được cách chúng ta phản ứng với Thọ. Nếu thấu hiểu Thọ chỉ là một quá trình vô thường, bản chất là vô ngã, chẳng có Thọ nào là của ta, chúng chỉ sanh khởi rồi hoại diệt trên con đường của nó. Khi đó, thọ khổ không sân rồi tìm cầu thọ lạc, thọ lạc không tham đắm rồi sanh Ái, sanh Thủ, sự khổ đau cắt đứt từ đây.
Nếu ngày từ Thọ mà chúng ta không ngăn chặn được để Ái phát sinh. Nếu có chánh niệm, nhận biết ngay lúc này thì tâm Ái sẽ được ngăn chặn. Chúng ta biết được các pháp vô thường, vô ngã, không thật sự thuộc về chúng ta. Nếu chúng ta ưa ích cho là của riêng mình thì lại sanh ra chấp thủ trong các pháp, cứ như vậy mà khổ đau sanh khởi. Chưa nói đến khổ đau của sanh tử, mà chỉ khổ đau của Ái-Thủ mà không được như ý ở kiếp sống hiện tại cũng đã khó vượt qua rồi.
KẾT LUẬN
Khi được hỏi có sợ khổ không, chắc chắn ai cũng trả lời là có và muốn đi tìm con đường hạnh phúc. Song, những hạnh phúc mà chúng ta có được đa phần lại là những ngụy hạnh phúc, đều dựa trên nền tảng khổ đau. Ví như thời đại ngày nay đang thịnh hành lối sống trên thực tế ảo (Virtual Reality – VR), đây là một thế giới được tạo ra từ tưởng tượng của con người thông qua máy móc và những mô phỏng 3D về thế giới. Hoàn hoàn không có gì là thật ở thế giới đó, nhưng con người vẫn sống và trải nghiệm các cảm giác gần như thật, hệ thống những kiến chấp, tham ái, ngã mạn, có nguồn gốc từ Tham Sân Si cũng lôi kéo con người về với thế giới của sự suy tưởng như thế. Sống trong cái ảo lại đi tìm hạnh phúc ảo nên khổ chồng thêm khổ.
Kinh Đại Duyên thông qua hai chiều quán sát của các mắt xích tạo nên đời sống của một chúng sanh và toàn bộ khổ uẩn, cho thấy sự hiện diện của chúng ta chỉ là một quá trình nhân duyên vô tận. Mà nguyên nhân đầu tiên của mắt xích là Vô minh – theo chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay. Khi quán theo chiều sanh khởi của các chi pháp, từ thức-danh sắc mà các chi pháp phát sinh rồi đi đến lão tử, sầu bi khổ ưu não. Khi quán sát theo chiều diệt của các mắt xích, ta thấy chỉ cần một mắt xích không còn thì toàn bộ quá trình hình thành chúng sanh và khổ uẩn không còn nữa. Thông qua sự hiểu biết quá trình, thực hiện tu tập quán sát để thật sự thấu hiểu được bản chất của chúng sanh và mọi pháp trên thế gian đều là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. Không còn tà kiến về ngã, không đồng hóa ngã với bất cứ thứ gì trên đời. Có như vậy, chúng ta mới không còn ham thích để tìm vui trong khổ, rồi ngày càng vun bồi thêm nhân duyên cho sanh tử luân hồi vô lượng kiếp. Thay vì không giác ngộ được các mắt xích thì đời sống rối ren như một ổ kén, giác ngộ rồi chúng ta sẽ tìm thấy đường gỡ rồi mà giải thoát khổ đau.
Kinh Đại Duyên cùng với các bản kinh khác là nền tảng giáo lý của nhà Phật, cũng chính là tư tưởng đặc trưng của Phật giáo so với các triết thuyết khác. Thay vì tư tưởng đoạn kiến, thường kiến, hay đấng sáng tạo, Kinh Đại Duyên cho chúng ta cái nhìn thấu rõ nhân duyên sanh khởi của sự sống trong vô vàn kiếp. Cũng mở ra con đường tu tập, để tự thân con người quyết định sự chấm dứt sanh tử luân hồi, nêu cao tính nhân văn, tự quyết của con người trong đời sống của mình.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 15. Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.512.
[2] S.ii, 112.
[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 2 Thiên Nhân Duyên, Chương I Tương Ưng Nhân Duyên V. Gia Chủ Phẩm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.134.
[4] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 15. Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.516.
[5] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 44. Tiểu Kinh Phương Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.367.
[6] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 15. Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.514.
[7] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 15. Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.517.
[8] Sđd, tr.515.
[9] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 1, 38. Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.326.
[10] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 15. Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.532.
(Trích từ Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 401)
- Tag :
- Thích Tịnh Đạo