Đóng Cửa Những Nẻo Đường Xấu Ác
Theo Joseph Campbell, trong cuốn Người hùng mang ngàn gương mặt, nxb Nhã Nam, Thiên Nga dịch (The hero with a thousand Faces, 1949), loài người từ xa xưa trong các thần thoại, những anh hùng ca, chuyện cổ tích… luôn luôn ước mơ về những anh hùng, những con người siêu phàm chống lại quỷ dữ xấu ác để cứu độ con người. Trong những tôn giáo, những anh hùng ấy trở thành hiện thực là những bậc thánh, hy sinh cả đời mình để khiến nhân loại tiến lên đến Chân Thiện Mỹ.
Trong Phật giáo, những anh hùng ấy là những Bồ tát, những người đã phát nguyện giác ngộ cho mình - giác ngộ cho người (tự giác - giác tha). Đương nhiên trên con đường tự hoàn thiện mình để hoàn thiện cho người, một công việc lớn hàng đầu của Bồ tát là chiến đấu và tiêu diệt cái xấu ác nơi mình và nơi người. Sau đây là một ít câu trích từ chương Ly Thế Gian, kinh Hoa Nghiêm để tìm hiểu về vấn đề trên.
“Tôi phải mở tâm ý cho tất cả chúng sanh, trừ diệt phiền não cho tất cả chúng sanh. Tôi phải đóng cửa các nẻo đường xấu ác cho tất cả chúng sanh, mở cửa các nẻo đường tốt thiện cho tất cả chúng sanh”.
Đóng cửa các nẻo đường xấu ác để chúng sanh không bị sa rớt xuống các nẻo địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Mở cửa các nẻo đường tốt thiện để chúng sanh tiến trên con đường làm người cho đến các con đường ở các cõi cao hơn. Đóng cửa là khuyên bảo, ngăn chặn chúng sanh tránh khỏi những hành động xấu (nhân) để khỏi sa vào những nẻo đường xấu ác, những hoàn cảnh khổ đau (quả). Mở cửa là khuyến khích, hướng dẫn chúng sanh làm những hành động tốt thiện (nhân) để được vào những nẻo đường tốt thiện, những hoàn cảnh hạnh phúc.
Cái quyết định cho con đường xấu ác khổ đau và con đường tốt thiện hạnh phúc nằm nơi mỗi người, đó là tâm ý của họ. Kinh Pháp Cú nói:
1. Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não liền theo sau
Như xe, chân vật kéo
2. Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.
Pháp Cú, phẩm I Song Yếu (HTT.V Minh Châu dịch)
Bồ tát phải “mở tâm ý cho chúng sanh, trừ diệt phiền não cho chúng sanh” bằng Phật pháp mà mình đã thực hành, đang thực hành và sẽ thực hành.
Chuyển hóa, tịnh hóa tâm ý của chúng sanh, đây là công việc ngăn chặn, trừ diệt những xấu ác, hiểm độc, tối tăm biểu lộ hay còn tiềm ẩn trong tâm của chúng sanh.
“Phát tâm thế này: tôi sẽ trừ diệt khổ não cho tất cả chúng sanh. Tôi sẽ trừ diệt tất cả các đường ác, các hoạn nạn”.
“Bồ tát hàng phục tất cả các ma, phát tâm không sợ hãi. Diệt tất cả chướng ngại của nghiệp, phát tâm không sợ hãi. Phá đổ tất cả tà luận ngoại đạo, phát tâm không sợ hãi. Trong vô số vô số kiếp thực hành hạnh Bồ tát, tâm không nhàm mỏi, phát tâm không sợ hãi”.
Bồ tát không chỉ đóng cửa các nẻo đường xấu ác, mà còn mở tâm ý, phá trừ những phiền não chướng và sở tri chướng (tà luận) cho chúng sanh. Phá trừ phiền não chướng và sở tri chướng nơi chúng sanh thì Phật tánh nơi tâm họ thoát khỏi bị che chướng mà dần dần hiển lộ.
Bồ tát hạnh là công việc phá trừ những xấu ác, phiền não, tối tăm nơi tâm chúng sanh. Đó là một trận chiến lâu dài trải qua “vô số vô số kiếp làm Bồ tát hạnh:
“Dũng mãnh phấn chấn tiến lên, vì có thể ở trong chiến trận lớn sanh tử, diệt tan tất cả phiền não oán thù”.
“Đại Bồ tát dần tu hành viên mãn mà chẳng chứng Bồ đề, vì nghĩ rằng tôi tu hành vốn là vì chúng sanh, thế nên tôi phải ở lâu nơi sanh tử phương tiện làm lợi ích cho họ khiến đều an trụ Phật đạo vô thượng”.
Bồ tát hạnh là trận chiến lớn nơi sanh tử luân hồi chiến đấu với vô minh phiền não khổ đau nơi chúng sanh. Đó là một trận chiến lớn và lâu dài vì chúng sanh khổ đau hết đời này sang đời khác thì vô số. Thế nên Bồ tát là một vị anh hùng lâu dài, trải qua nhiều kiếp, chứ không phải là anh hùng trong chỉ một đời. Thắng trận không phải chỉ cho mình, mà cho tất cả thế gian, bởi thế, một vị Phật được xưng là Bậc Chiến Thắng.
Tập khí là thói quen, thường để chỉ thói quen phiền não của chúng sanh. Để hành Bồ tát hạnh, một trận chiến lớn lâu dài, Bồ tát cũng có “mười tập khí, mười áo giáp”:
“Đại Bồ tát có mười thứ tập khí:
Tập khí của Bồ đề tâm.
Tập khí của thiện căn.
Tập khí giáo hóa chúng sanh.
Tập khí thấy Phật.
Tập khí thọ sanh nơi thế giới thanh tịnh.
Tập khí của công hạnh.
Tập khí của thệ nguyện.
Tập khí của Ba la mật.
Tập khí tư duy pháp bình đẳng.
Tập khí của những cảnh giới sai biệt.
Nếu các Bồ tát an trụ trong pháp này thì lìa hẳn tất cả tập khí phiền não, được trí đại trí tập khí, trí huệ chẳng có tập khí của Như Lai”.
“Đại Bồ tát có mười thứ mặc giáp:
Mặc giáp đại từ, vì cứu hộ tất cả chúng sanh.
Mặc giáp đại bi, vì kham chịu tất cả sự khổ.
Mặc giáp đại nguyện, vì tất cả việc làm đều rốt ráo.
Mặc giáp hồi hướng, vì kiến lập tất cả sự trang nghiêm của Phật.
Mặc giáp phước đức, vì lợi ích tất cả chúng sanh.
Mặc giáp Ba la mật, vì độ thoát tất cả chúng sanh.
Mặc giáp trí huệ, vì dứt bóng tối phiền não của tất cả chúng sanh.
Mặc giáp thiện xảo phương tiện, vì xuất sanh thiện căn cùng khắp.
Mặc giáp Nhất thiết trí, tâm kiên cố không tán loạn, vì chẳng thích những thừa khác.
Mặc giáp nhất tâm quyết định, vì nơi tất cả pháp lìa nghi hoặc.
Nếu các Bồ tát an trụ pháp này thì sẽ mặc giáp mũ vô thượng của Như Lai, phá tan tất cả ma quân”.
Có trên 100 cái mười thứ như vậy, là tất cả Phật pháp, gồm thành Bồ tát hạnh. Bồ tát hành đủ Bồ tát hạnh thì trong trận chiến lớn sanh tử giành chiến thắng là điều chắc chắn.
Trên con đường chuyển hóa sanh tử khổ đau thành Niết Bàn an lạc cho mình và cho người, sanh tử dần dần biến thành “vườn rừng” để dạo chơi:
“Đại Bồ tát có mười thứ vườn rừng:
Sanh tử là vườn rừng của Bồ tát, vì không nhàm bỏ.
Giáo hóa chúng sanh là vườn rừng của Bồ tát, vì không mỏi nhọc.
Trụ tất cả kiếp là vườn rừng của Bồ tát, vì nhiếp những hạnh lớn.
Thanh tịnh thế giới là vườn rừng của Bồ tát, vì là chỗ dừng ở của Bồ tát.
Tất cả cung điện ma là vườn rừng của Bồ tát, vì hàng phục chúng ma.
Tư duy pháp đã được nghe là vườn rừng của Bồ tát, vì như lý quán sát.
Sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, ba mươi bảy pháp bồ đề phần, là vườn rừng của Bồ tát vì là cảnh giới tiếp nối đức Từ Phụ.
Mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, cho đến tất cả Phật pháp là vườn rừng của Bồ tát, vì chẳng nhớ các pháp khác.
Thị hiện tất cả oai lực thần thông tự tại của Bồ tát là vườn rừng của Bồ tát, vì dùng đại thần lực chuyển bánh xe pháp, điều phục chúng sanh không ngừng nghỉ.
Một niệm ở tất cả chốn vì tất cả chúng sanh thị hiện thành Chánh Giác là vườn rừng của Bồ tát, vì Pháp thân cùng khắp hư không tất cả thế giới.
Nếu các Bồ tát an trụ pháp này thì sẽ được hạnh đại an lạc Vô thượng lìa lo sầu của Như Lai”.
Phẩm này có tiêu đề là Ly Thế Gian, nghĩa là lìa thế gian, giải thoát khỏi thế gian. Bồ tát thành tựu việc giải thoát khỏi thế gian bằng cách đi vào thế gian, chiến thắng “trận chiến lớn sanh tử, diệt tan tất cả oán thù”. Chiến thắng ấy không chỉ cho mình mà còn cho tất cả chúng sanh. Đây là một bậc đại anh hùng, một bậc Chiến Thắng.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng