Sống phải có niềm tin, nhưng đừng tin quá vào một người, dù người đó là ai, có địa vị như thế nào trong xã hội. Trong Kinh Tạp A-hàm, Đức Phật nói rằng, nếu chúng ta chỉ tin vào một người thì sẽ có năm tai hại.
Thứ nhất, khi đặt trọn niềm tin vào một người, kính tin rất mực, rồi thì người ấy hoặc phạm giới, hoặc làm trái luật nghi và bị cộng đồng Tăng lữ từ bỏ, khi đó người gởi trọn niềm tin sẽ nghĩ rằng: “Đây là thầy của ta, được ta kính trọng mà bị chúng Tăng từ bỏ, nay ta còn lý do gì để đi chùa nữa?” Khi đã không đi chùa nữa thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm, người này không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là tai hại thứ nhất phát sanh do chỉ tin vào một người.”
Đây là tai hại không chỉ vì tin vào một người mà còn vì đặt niềm tin không đúng chỗ, cho nên khi người thầy, người cô mà mình tin tưởng vi phạm lỗi lầm thì mình không những tẩy chay người thầy, người cô bấy lâu mình thân cận mà mình còn khinh thường các tăng ni nói chung và còn bỏ luôn chùa, không nghe pháp, quay lưng với Tam bảo. Một khi không nghe pháp, không đi chùa, không thực hành pháp, không tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền thì pháp lành ngày một tổn giảm, người Phật tử này không còn an trụ lâu dài trong chánh pháp nữa. Thật tai hại vô cùng!
Thứ hai, vì chỉ kính tin vào một người nên khi người ấy trái phạm giới luật và bị cộng đồng tăng lữ cử tội “không nhận lỗi”[1] thì người gởi trọn niềm tin liền suy nghĩ: “Đây là thầy ta, được ta kính trọng mà bị chúng Tăng cử tội ‘không nhận lỗi,’ nay ta còn lý do gì để đi chùa nữa?” Khi đã không đi chùa nữa thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm, người này không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là tai hại thứ hai phát sanh do chỉ tin vào một người.”
Khi chưa phải Thánh nhân, ai chẳng phạm lỗi lầm? Phạm lỗi mà biết ăn năn sám hối, biết chấp nhận sửa đổi, đó là hạng người hướng thiện, mạnh mẽ nhất trên đời. Trong trường hợp này, người thầy hoặc sư cô mà Phật tử kính tin có thể mắc phải một lỗi lầm, vụng về nào đó đáng bị khiển trách, thay vì nhận lỗi để sám hối, đương sự lại ‘cứng đầu’, bảo thủ, không chịu chấp nhận, khiến cộng đồng tăng lữ phải cử thêm tội ‘không nhận lỗi.’ Khi người thầy mình tin tưởng bị chúng tăng buộc tội, người Phật tử cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, từ đó xa lánh tăng ni, bỏ bê tu học, không siêng năng đi chùa, nghe pháp và thực hành pháp. Đây là tai hại thứ hai chỉ vì kính tin vào một người.
Thứ ba, nếu vị được kính tin đắp y, ôm bát du hành phương khác, đi hoằng pháp ở nơi khác, đến quốc gia khác… thì người kính tin vị kia sẽ suy nghĩ: “Người được ta kính trọng đã đắp y, ôm bát du hành trong nhân gian thì nay ta còn lý do gì để đi chùa nữa?” Khi đã không đi chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm, người này không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là tai hại thứ ba phát sanh do chỉ tin vào một người.”
Vẫn biết đời sống của người xuất gia thời Đức Phật còn tại thế là không ở một trú xứ nào nhất định. Đức Thế Tôn cùng với chúng tỳ-kheo ở một trú xứ lâu nhất là ba tháng an cư. Sau ba tháng an cư, tất cả đều lên đường đi giáo hóa trong nhân gian. Thế mà, khi nghe tin Đức Thế Tôn không bao nữa sẽ cùng chúng tăng du hành trong nhân gian thì Phật tử Nan-đề đã hụt hẫng: “Bạch Thế Tôn! Hôm nay, tay chân con bủn rủn, đầu óc quay cuồng, những pháp trước đây con được nghe thì nay đều quên mất khi nghe tin Thế Tôn sắp du hành nhân gian. Con chẳng biết khi nào mới được gặp lại Thế Tôn và các tỳ-kheo quen biết” (Kinh Tạp A-hàm, số 858).
Không chỉ Phật tử Nan-đề mà nhiều Phật tử có tâm lý như thế! Đó là tâm lý sở hữu, muốn chấp thủ, muốn người thầy, người sư cô là của mình, ở chùa mình, làng mình. Nhưng người xuất gia, sau khi “đã thành tựu Thánh giới, lại học theo hạnh biết đủ, áo vừa đủ che thân, ăn chỉ nhằm nuôi mạng, đi đến đâu đều mang theo y bát, ra đi không luyến nhớ, giống như chim ưng dang rộng đôi cánh bay lượn giữa hư không” (Kinh Trung A-hàm, số 80, kinh Ca-hy-na). Cho nên, nếu hiểu được mục đích và lý tưởng của đời sống người xuất gia, người Phật tử không nên chỉ muốn người thầy là của mình hay làng mình! Nếu vì một lý do nào đó mà người thầy hay người sư cô mình nương tựa đi nơi khác hoằng hóa thì nên hoan hỷ trợ duyên và lấy làm hãnh diện với xứ mạng hoằng pháp lợi sanh của người thầy mình từng nương tựa.
Tai hại thứ tư là, nếu vị được kính tin xả giới hoàn tục thì người kính tin vị kia sẽ suy nghĩ: “Vị ấy là thầy ta, được ta kính trọng, nay đã xả giới và hoàn tục, vậy thì ta còn lý do gì để đi chùa nữa?”
Quả thật, khi một người được kính tin, nương tựa bỗng dưng xả giới, hoàn tục thì quá sốc cho một Phật tử! Song, nếu bình tâm suy nghĩ thì việc một người không tiếp tục đời sống tu tập, xả giới, hoàn tục là điều bình thường và giới luật cũng không ngăn cản điều đó. Vả chăng, con đường tu tập là đi ngược dòng đời, nên ít người đi và ít người thành công. Chúng ta chỉ nên thương và tiếc cho một người không đi trọn con đường lý tưởng cao thượng mà họ đã chọn.
Trường hợp tai hại thứ năm là khi người được kính tin viên tịch, người kính tin vị này sẽ suy nghĩ: “Vị này là thầy ta, được ta kính trọng, nay đã viên tịch rồi thì ta còn lý do gì để đi chùa nữa? Khi đã không đi chùa nữa thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong chánh pháp. Đó gọi là tai hại thứ năm phát sanh do chỉ tin vào một người?” (Kinh Tạp A-hàm, số 837).
Khi tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào Niết-bàn chính Đức Thế Tôn cũng cảm thấy có sự trống vắng, đại chúng đau buồn. Lúc đó, Đức Thế Tôn dạy: “Các thầy chớ vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào Niết-bàn mà buồn rầu, khổ não. Ví như cây to, gồm rễ, thân, nhánh, lá, hoa, trái sum suê tươi tốt thì nhánh lớn sẽ gãy trước. Cũng như núi báu lớn thì ngọn nào cao sẽ sụp đổ trước. Cũng vậy, trong đại chúng của Như Lai, hai đại đệ tử là Xá-lợi-phất và Mụckiền-liên sẽ vào Niết-bàn trước. Cho nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy chớ buồn rầu, khổ não! Vì không có pháp gì được sanh ra, được hình thành, được tồn tại, là hữu vi, là tan hoại mà không bị thay đổi và hủy diệt? Muốn các pháp hữu vi không bị tan hoại thì điều ấy không thể được! Trước đây Ta đã nói: ‘Mọi vật đáng yêu đều chịu sự chia lìa!’ Chẳng bao lâu nữa, Ta sẽ rời xa.”
Đức Đại Giác Thế Tôn còn rời xa chúng ta thì ai trên đời không phải chết? Vì người thầy mình nương tựa viên tịch mà mình không đi chùa là một lỗi lầm quá lớn!
Tóm lại, người Phật tử không chỉ nên nương tựa vào một người thầy hay một sư cô nào, cho dù người thầy, người cô đó là ai, ở địa vị nào, mà phải cố gắng “tự làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình, hãy lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác. Nghĩa là sống quán niệm thân trên thân, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian; cũng vậy, sống quán niệm thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; cho đến quán niệm thọ, tâm và pháp trên pháp, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Đây gọi là tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa nơi chính mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác” (Kinh Tạp A-hàm, số 679).
Đi chùa mà chỉ vì kính tin một người thầy, chỉ vì người thầy đó thôi, ngoài ra không còn biết, không cần biết đến thầy nào khác, không thân cận học hỏi thầy nào khác, thậm chí không xem thầy khác có giá trị gì với mình là một lỗi lầm to lớn của người Phật tử. Năm trường hợp mà Đức Phật nêu trên chỉ là con số tượng trưng. Có thể còn nhiều trường hợp tai hại hơn nữa khi chỉ kính tin và nương tựa vào một người, nhất là khi người được nương tựa có địa vị, có học vị, có chùa to phật lớn. Bởi vì tin vào người thầy như thế rồi cảm thấy như mình cũng được thơm lây, thấy mình hãnh diện… mà quên mất mục đích của người Phật tử khi thân cận bậc thiện sĩ là để được nghe pháp và thực hành pháp là lỗi lầm tai hại mà người Phật tử cần phải ghi nhớ vậy!
[1] Nguyên tác: Bất kiến (不見). Tỳ-kheo phạm tội nhưng ngoan cố không tự thừa nhận, không chịu nhận lỗi, Tăng tác pháp yết-ma bất kiến tội.
- Tag :
- Thích Nguyên Hùng