Tôi thường thắc mắc tại sao mình dự tính làm điều này thì có khi lại đổi sang làm chuyện khác mà mình không hề suy tính được. Tại sao mình đã chuẩn bị một hướng đi cho đời mình như thế rồi bỗng dưng lại rẽ sang một nẻo khác. Tôi dự tính ở chỗ này nhưng rồi lại đến ở một nơi kia. Tâm sự với nhiều người khác cũng có những điều tương tự như vậy. Một người thanh niên mới lớn quen biết và yêu thương vài người con gái nhưng đến lúc lập gia đình thì anh lại chọn một người không phải là đẹp nhất, không phải dễ thương nhất, lại càng không phải có tình cảm sâu đậm nhất để cùng chung sống làm người bạn đời của anh ta.
Để tôi kể cho bạn nghe về trường hợp của anh tôi; vào khoảng thập niên 1980 khi mà anh đã rời quê hương miền Trung để đi vào miền Nam lập nghiệp. Trong bối cảnh bức bách của xã hội Việt Nam vào những năm tháng đó thì chỉ có một con đường hay nhất, hy vọng nhiều nhất và cũng là nguy hiểm nhất: “vượt biên sang Hoa Kỳ là tương lai huy hoàng”. Đã trên dưới mười lần anh tôi cố tìm cách để trốn thoát ra khỏi cái dải đất cong cong hình chữ S, nhưng bao nhiêu lần cố trốn thoát là bấy nhiêu lần bị bắt để rồi cuối cùng anh phải lập gia đình và ở lại Việt Nam với vợ con. Tôi là người em trai chống đối chuyện anh “bỏ nước ra đi”. Bởi vì hồi đó tôi đã bị tuyên truyền rằng: “ra đi là phản quốc, ra đi là không ngày trở lại”. Và biển cả luôn nổi sóng để nhấn chìm ước mơ hành trình tìm tự do. Tôi viết thư khuyên anh nhiều lần là anh không nên bỏ cha mẹ, bỏ gia đình, bỏ bà con quyến thuộc, và bỏ lũy tre xanh Việt Nam yêu dấu mà đi. Dù rằng bên kia bờ đại dương là miền đất hứa, miền đất nhiều cơ hội, miền đất của tự do nhưng cái giá phải trả nghe đắt quá. Sau này khi có dịp đọc hai câu thơ của nhà thơ Huyền Không thì tôi lại càng thấm thía hơn:
“Quê hương đất nước của mình,
Nhưng sao ta phải dứt tình mà đi”.
Nhưng một thập niên sau đó, 1990 thì tôi lại là người thuyết phục cả gia đình cùng đi sang Mỹ theo chường trình H.O. và bây giờ thì tôi ở Mỹ mà anh tôi thì lại ở Việt Nam. Nhiều chuyện ở đời này đã diễn tiến theo cái kiểu “học nghề này, thoe nghiệp khác”, “thích một chỗ, ở một nơi”, và “thương người này, sống với kẻ kia”. Cái gì đã thúc đẩy và quyết định cho những cuộc đời, những ước mơ và những lựa chọn của tất cả chúng ta? Nhân duyên và sự lựa chọn như là một cặp bài quyện lấy nhau trong dòng chảy của một cuộc đời.
Bạn đọc có thể không tin nổi rằng trước ngày xuất gia vài tháng tôi lại vào chùa để thuyết phục người bạn thân của tôi có cái tên khá đặc biệt: Trịnh Công Sơn. Sơn hơn tôi một tuổi và chúng tôi gặp nhau ở những năm đầu của lớp 10 vì hồi đó chúng tôi hay gặp nhau qua những lần “đọ sức” về các môn học Toán, Lý, Hóa, Văn. Tôi thán phục khả năng về Toán và Hóa của Sơn nên thường chơi chung, học chung đến độ trở thành những người thân thiết trong gia đình của nhau. Năm 1989, khi tôi rời Huế vào Nam để sống với người anh cả thì Sơn vẫn còn ở Huế mãi đến năm 1991 thì tôi sửng sốt đến bàng hoàng khi nghe tin “Sơn đã đi tu”. Nhóm bạn chơi thân ở Huế giao cho tôi trách nhiệm về Thiền Viện Thường Chiếu để kéo Sơn “ra đời”. Tôi đã hăng hái lên đường với sứ mệnh là thuyết phục Sơn trở lại để sống một cuộc đời thường; để trở thành một bác sĩ, một kỹ sư hay một ông luật sư tài giỏi để giúp người, giúp đời thì tốt hơn. Ở thời điểm đó tôi không thể chấp nhận nổi hình ảnh của một người trai trẻ đang tuổi trưởng thành đầy nhiệt huyết và sức lực như vậy mà lại vào chùa tu để tụng kinh, gõ mõ và suốt đời ở trong chốn già lam. Tôi vẫn còn nhớ như in vào một buổi chiều sau gần bốn tiếng gặp gỡ Trịnh Công Sơn ở khoảng sân có nhiều cây kiểng giữa chánh điện và hậu tổ của Thường Chiếu. Tôi đã dùng hết tình cảm chân tình của bạn bè anh em để khuyên Sơn “trở lại với dòng đời” chứ đừng ở mãi trong chùa làm chi cho phí một kiếp người. Những giây phút gặp gỡ đầu tiên tôi đã lúng túng không biết phải xưng hô thế nào cho hợp lẽ bởi vì trước mắt tôi Trịnh Công Sơn vừa là một người bạn vừa là một người thầy trong y phục của một người xuất gia. Nếu xưng thầy thì nghe xa lạ quá, vả lại tự ái cá nhân của tôi không cho phép mình gọi thằng bạn năm xưa là thầy; cuối cùng tôi vẫn gọi Sơn trong thâm tình của một người bạn thuở trước. Tôi khẽ hỏi; “Mi có thể nói cho tao nghe tại sao mi đi tu?” Sơn vẫn im lặng và mỉm cười nhìn tôi. Tôi lại tiếp tục câu hỏi thứ hai dù vẫn chưa có câu trả lời thứ nhất: “Mi chán đời hả?” Sơn vẫn im lặng và hỏi sang chuyện khác: “Sao lúc ni anh em làm ăn có được không? O chú có khỏe không?” Tôi cũng không trả lời vì thấy ra rằng những câu hỏi mà Sơn vừa hỏi chẳng dính dáng gì đến mục đích của cuộc gặp gỡ hôm nay. Tôi vẫn cố gắng thuyết phục và vẽ ra một bức tranh tương lai đầy tươi sáng và hạnh phúc là trong khả năng có thể thực hiện được. Nhưng sau mấy giờ đồng hồ “dụ dỗ” tôi chỉ nhận được một vài câu trả lời ngắn gọn và dứt khoát: “Thôi, mi về đi bởi vì tụi bây không biết chi về con đường mà tao đang đi đâu, nói chỉ cho dong dài vô ích.” Tôi thầm nghĩ con đường mà Sơn đang đi là con đường cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, tụng kinh, ngồi thiền suốt kiếp chứ đâu có chi mà nghe quan trọng quá. Biết không làm gì được với kẻ “sơ tâm xuất gia” nên tôi đành trở về Sài Gòn và ghi thư ra Huế cho bạn bè biết là “chuyến đi sứ về Thiền Viện Thường Chiếu đã thất bại”.
Mấy tháng sau tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống của Sài Gòn ngược xuôi. Trong một đêm mưa cuối thu, mơ màng trong khói thuốc, tôi bắt đầu đặt những câu hỏi có tính triết lý về đời mình “Mục đích của đời sống là gì?” “Mình sẽ phục vụ cho lý tưởng nào đây?” “Rồi ngày mai đời mình sẽ ra sao?” Trong những tháng ngày trăn trở như thế thì tôi chợt nghĩ đến Sơn “Hay là mình về Thiền Viện Thường Chiếu ở chơi một thời gian cho khuây khỏa, tìm lại sự yên tĩnh của tâm hồn, và cũng là cơ hội để tìm hiểu tại sao Trịnh Công Sơn đi tu?” Tôi quyết định xong thì sáng hôm sau tôi đã có mặt ở Thiền Viện Thường Chiếu rồi, nhưng khi đến nơi thì tôi đã hay tin là Thầy Đạo Chân (tức pháp danh của Trịnh Công Sơn sau khi xuất gia) đã xuất chúng đi nơi khác rồi.
Tôi đến Thiền Viện Thường Chiếu trong tâm trạng nuối tiếc người bạn thân đã xuất chúng ra đi. Trước khi rời Sài Gòn về Thường Chiếu thì tôi chỉ mang tâm nguyện là ở đây để học Thiền và công quả cho đến ngày theo gia đình sang định cư ở Hòa Kỳ thuộc chương trình H.O. Trong những ngày đó, tôi đã có dịp để hiểu tại sao cả hàng trăm tu sĩ trẻ từ nhiều tỉnh thành, đang học hành ở các trường đại học hoặc làm việc ở nhiều công sở với mức sống rất cao, mà lại bỏ hết để vào chùa. Như vậy phải có cái gì mạnh mẽ mới hấp dẫn họ bỏ hết mà đi. Trước đây tôi cứ tưởng rằng những người tu sĩ là những người thật già nua không làm gì được, hoặc những kẻ thất tình thất chí như câu chuyện “Lan và Điệp” vẫn được truyền tụng trong nhân gian. Nhưng với nếp sống thanh cao, giản dị, và thời khóa tu học nghiêm khắc như thế, thì những kẻ yếu lòng mềm chí làm sao có thể đi xa cho được. Con đường tu tập không phải như một chương trình đại học 4 năm hay 10 năm mà ráng cho xong rồi tốt nghiệp ra trường. Ngược lại đó là con đường mà phải đời đời kiếp kiếp phát nguyện tu trì, may ra mới nếm được chút hương vị của giải thoát và giác ngộ. Tổ Bá Trượng cũng đã nhắn nhủ rằng:
“Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”
Ngày ngày theo quí thầy, quí chú đi làm việc xung quanh thiền viện, trưa đến dùng cơm, chiều tụng kinh, tối đến ngồi thiền. Nhìn bộ dạng bên ngoài người ta cứ tưởng tôi là “thư sinh” con nhà thương gia trí thức gì đó nhưng họ đâu có biết rằng Ba Mẹ tôi là nông dân thứ thiệt. Tôi là đứa trẻ từng theo Ba Mẹ ra đồng dù không nhiều lắm. Dù những chuyện chăn trâu, cắt cỏ tôi không giỏi như những đứa trẻ ở quê, nhưng cũng đều trải qua nhiều năm tháng sống với cảnh khốn khó của một vùng quê. Kể từ khi thầy Tri Sự phát hiện tôi là “cốt nông dân mang thân phố thị” thì gần như lúc nào tôi cũng nằm trong “danh sách của công việc nặng”. Những lần đi lấy đá ở núi Dinh để về làm mặt bàn ở khu nhà khách, thì lúc nào tôi cũng được “trúng cử” một cách dễ dàng.
Sau mấy tháng công quả tu học và tiếp xúc với những vị thầy xuất gia lâu năm, tôi bắt đầu suy nghĩ đến chuyện “Con Đường Xuất Gia”. Cả hàng trăm ngàn thử thách đang đặt ra trước mặt tôi; chuyện kéo chân lên để ngồi ở tư thế kiết già trong suốt 1, 2 tiếng đồng hồ như quí thầy hoặc những cư sĩ khác, cũng là quá khó đối với tôi. Có thể nói tôi là kẻ ngồi thiền tệ nhất trong số những bị cùng “công quả xuất gia” hồi đó. Bên cạnh chuyện ngồi thiền, tôi còn có biết bao nhiều câu hỏi về “con đường xuất gia” mà câu trả lời thật không dễ dàng chi. Đang lúc phân vân lưỡng lự thì tôi lại có duyên gặp được Bác Tâm Diêu mà sau này cùng xuất gia một lượt và có pháp danh là Thích Kiến Khai, hiện đang là trụ trì chùa Hoa Nghiêm ở Virginia. Trong lúc đi làm việc chung thì Bác Tâm Diêu khẽ hỏi: “Bộ anh cũng tính chuyện xuất gia hả?” Tôi ngần ngại trả lời: “Dạ không, con chỉ công quả thôi Bác ạ”. Bác Tâm Diêu nhìn tôi và tiếp lời với giọng mạnh mẽ hơn “Trời ơi! Răng không xuất gia luôn đi. Tui đang thèm xuất gia suốt mấy năm trời mà vẫn chưa đủ duyên vậy mà anh còn chần chờ làm chi. Tui nghe nói mồng 8 tháng 12 tới nhằm ngày Vía Đức Phật thành đạo là có đợt xuất gia đó. Xuất gia đi, con đường sáng đây rồi mà còn lựa chọn chi nữa”. Tôi nhìn Bắc Tâm Diêu và nhỏ nhẹ trả lời “Dạ thưa Bác! Con chưa nghĩ đến chuyện xuất gia”. Thú thật lúc đó tôi thầm nghĩ “Bác xuất gia là phải rồi vì Bác đã trải qua hết mọi chuyện của cuộc đời nên Bác dễ dàng rũ bỏ mà đi tu”. Bác Tâm Diêu cũng không nói gì mà chỉ tiếp tục công việc mình phải làm.
Những ngày sau đó tôi trở nên thân thiện và hay theo Bác Tâm Diêu về thất trong những lúc rảnh rỗi. Dù là một chiếc thất là đơn sơ nhưng đối với tôi đó là cả một ưu đãi đặc biệt của Hòa Thượng dành cho những vị cư sĩ lớn tuổi có hoàn cảnh rất riêng nên cần phải sinh hoạt tách rời khỏi đại chúng. Cạnh cái thất lá của Bác Tâm Diêu là ngôi thất khá xinh xắn của cụ Trần Ngọc Liễng, cựu luật sư trước 1975, mà sau này cũng đã xuất gia với pháp danh là Thích Kiến Huyền.
Một bữa nọ Bác Tâm Diêu rủ tôi vào thất để ăn “kẹo cau” uống trà. Đời sống của người cư sĩ công quả xuất gia mà có kẹo có trà để nhâm nhi đó là một hạnh phúc lớn mà tôi thường hay đùa giỡn với bác là “chế độ sĩ quan”. Đang lúc uống trà thì Bác Tâm Diêu lại kể về quá khứ cho tôi hay là tại sao Bác lại quyết định xuất gia. “Anh có biết khổng trước năm 1975 tôi làm trưởng ban đại diện chiêu hồi quân khu I miền Trung, dưới tay tôi là nhiều trưởng ty chiêu hồi lắm. Thời đó tôi làm việc sướng lắm, có người hầu kẻ hạ, nhưng nói thì vậy thôi chớ cũng hồi hộp lắm. Sướng được có mấy năm thôi mà tui bị bắt “học tập cải tạo” ở miền Bắc đến gần 13 năm. Tui nói cho anh biết lúc đó đời tui không còn gì để nói, khổ cả thân lẫn tâm vì mình bị hành hạ ghê gớm lắm. Có một lần vì thèm chút “thịt cá” nên tôi đã sắm cần câu và mồi để đi câu cá ở mấy cái hố bom xung quanh trại. Lúc đó họ gọi là “cải thiện đời sống” nghe cũng tốt tươi và lành mạnh lắm. Nhưng anh biết không? Ngồi suốt cả mấy tiếng đồng hồi mà không thấy chi cả, tui định bỏ về thì chợt có dấu hiệu “cá đã cắn câu” tui sướng quá và giật mạnh cần câu, một chú cá rô nhỏ nhỏ thôi văng lên bờ và toét mang nên máu me tùm lum. Tui cảm thấy tội nghiệp cho chú cá đã chết một cách thảm thương cũng chỉ vì một miếng ăn ngon. Thế là tôi quyết định bẻ cần câu rồi dẹp hết và trở về. Kể từ hôm đó là tôi cũng phát nguyện ăn chay trường cho tới bây giờ luôn”. Những gì Bác Tâm Diêu kể cho tôi nghe như là một tâm sự của một đời người nhìn lại để thấy đâu là con đường và lý tưởng để hướng đến cho cuộc đời mình.
Tôi tự hỏi lấy mình là nếu có một cuộc đời có công danh sự nghiệp như Bác Tâm Diêu, có lắm tiền, nhiều của với vợ đẹp con ngoan, thì tôi có hạnh phúc không? Từ trong sâu thẳng của nội tâm vẫn luôn vọng ra một tiếng, “KHÔNG”. Tôi biết mình là kẻ thích sống tự do trong tư tưởng và không đặt nặng về tiền bạc và gia đình riêng. Phải thành thực mà nói tôi cũng là một con người với đầy đủ tất cả những ước muốn bình thường của một con người. Tôi biết mình vẫn còn bị tham vọng và dục vọng quấy rầy nhưng tôi không “chấp nhận” để mà sống cho xong một kiếp người. Ý tưởng thay đổi mình, thiết lập trật tự và công bằng trong xã hội có thể là nguồn động lực chính thúc đẩy tôi lần theo Dấu Chân Phật.
Bạn đọc đừng vội hiểu rằng: À, như vậy thì những gì xảy ra cho cuộc đời mình, mình không có quyền lựa chọn và sắp xếp. Hãy để cho nhân duyên đẩy đưa đời mình đến đâu thì hay đến đó. Tôi tin vào những nhân duyên, tin vào những ước nguyện và lựa chọn của mình sẽ hình thành một cuộc đời với nhiều thuận duyên.
Ngồi nghĩ kỷ lại khi còn ở tuổi học trò trong cảnh khốn khó tôi đã hằng đêm cầu nguyện giữa đất trời “cho con gặp được những người tốt trong đời, cho con sống cuộc đời an lạc, tự do”. Tôi tin rằng những hạt giống của giải thoát mà tôi đã vô tình gieo vào vùng đất tâm của mình đã sống được và lớn lên theo thời gian. Cũng có thể vì vậy mà sau này tôi đủ duyên để gặp được Thầy hiền bạn tốt và tôi đã dễ dàng chọn lựa đời sống của một người xuất gia.
Tôi cảm thấy mình có nhiều may mắn và thuận duyên kể từ khi xuất gia hơn là thầy Đạo Chân. Thầy Đạo Chân đã quá tin vào sự hiểu biết và khả năng trong pháp tu đã nắm được “Chỉ tâm yếu cho người tu thiền” nên đã muốn tìm chốn thâm sơn cùng cốc để hạ thủ công phu. Nhưng Thầy Đạo Chân đã không may mắn trong những tháng ngày dựng cốc quyết tu ở khu kinh tế mới Phú Xuân, Đắc Lắc. Bao nhiêu chướng ngại đã dồn dập tấn công Thầy Đạo Chân từ ngoại cảnh đến nội tâm đã đẩy đưa Trịnh Công Sơn về lại xứ Huế để rồi không còn giữ hình thức của người xuất gia nhưng cũng không lập gia đình mà chỉ sống với nương rẫy ở vùng đồi núi Phong Mỹ.
Còn biết bao nhiêu điều trong cuộc đời tôi cũng như trong cuộc đời của bạn đã và sẽ diễn ra những điều tương tự như tôi vừa kể trên; “thích một nơi, ở một chỗ”, “thương người này, sống với kẻ kia”, “học nghề này, theo nghiệp khác”. Lắm lúc tôi vẫn cứ thắc mắc “có cái gì thật bí ẩn đằng sau của những lựa chọn và nhân duyên trong mỗi một cuộc đời”. Người ta thường hay tin vào “số phận” rồi thì bạn thường hay bỏ mặc phó thác cuộc đời bạn nổi trôi theo dòng đời. Nhưng nếu bạn tin vào những nhân duyên mà bạn có thể gieo trồng, tin vào những lựa chọn mà bạn phải cân nhắc trong cuộc đời mình, tin như thế thì bạn có thể thay đổi đời mình, thay đổi xã hội và con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Thích Đạo Quảng
Tam Bảo,
Đầu xuân Ất Dậu 2005.
- Tag :
- Thích Đạo Quảng