Phàm có sinh thì có tử, đó là lẽ thường trong cuộc đời. Vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật sinh ra, tồn tại, thay đổi, hoại diệt (gọi là sinh, trụ, dị, diệt) liên tục, miên viễn, vô thuỷ, vô chung. Cho nên, cái chết là lẽ tự nhiên, đương nhiên của tiến trình sự sống, không có gì phải lo lắng, sợ hãi và lấy làm quan trọng vấn đề. Vả chăng, như Khổng Tử nói: "Sống còn chưa biết thì biết chết làm gì?"
Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghĩ rằng sau khi chết mình sẽ đi về đâu? Không ít lần ngồi tư lự chúng ta chợt nghĩ không biết cha mẹ, người thân của mình đã qua đời giờ đang ở chốn nào? Tôn giả A-nan cũng như vậy. Một hôm, ở chỗ thanh vắng, tôn giả lặng yên suy nghĩ, ở trong thôn Kiền-chùy có nhiều cư sĩ vừa mới qua đời, không biết họ tái sinh về chốn nào? Suy nghĩ như vậy rồi tôn giả bèn đến hỏi Đức Phật. Đức Phật nói cho tôn giả A-nan biết về chỗ tái sinh của những cư sĩ ấy xong thì rầy: "Này A-nan, phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì lạ đâu. Nếu thấy mỗi người chết thầy đều đến hỏi Như Lai, như vậy chẳng phải là quấy rầy ư?" (Trường A-hàm, Kinh Du hành).
Quả thật, nếu việc gì và thấy ai chết cũng hỏi Phật họ sinh về đâu thì quấy rầy Ngài quá! Nhưng mà ngoài Đức Đại Giác Thế Tôn chúng ta biết còn hỏi ai? May thay, dù la rầy tôn giả A-nan, Đức Phật vẫn từ bi chỉ cho tôn giả cũng như chúng sinh đời sau tự biết rõ chỗ thọ sinh của chính mình và người khác. Kinh ghi: "A-nan! Nay Như Lai sẽ nói cho thầy về Gương pháp để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sinh, dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng giới hạn của khổ và cũng có thể nói việc ấy cho người khác" (Trường A-hàm, Kinh Du hành).
Gương pháp, tiếng Hán gọi là Pháp kính (法 鏡), tiếng Pali là Dhammādāsa, nghĩa là tấm gương pháp, tấm gương soi rọi sự thật. Chỉ cần nhìn vào tấm gương này nếu thấy mình có trong đó, thấy mình được phản chiếu trong đó thì biết một cách chắc chắn rằng ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh sẽ không có mặt mình. Ngược lại, nếu nhìn vào tấm gương này mà không thấy có mình, mình không được phản chiếu trong đó thì biết một cách chắc chắn rằng mình sẽ đọa lạc một trong ba đường ác. Vậy Gương pháp đó là gì? Phật dạy: "Này A-nan! Gương pháp đó là, Thánh đệ tử đạt được niềm tin bất hoại, hoan hỷ tin Phật là đấng Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu; hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chánh vi diệu, do Phật tuyên thuyết, vượt thoát thời gian, chỉ bày đường đến Niết-bàn, được người trí thực hành theo; hoan hỷ tin Tăng là đoàn thể những người khéo sống hòa đồng, hành động chất trực, không hề dối trá, đạo quả thành tựu, trên dưới hòa thuận, đầy đủ pháp thân, hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm, hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm, hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán, đó là bốn đôi tám bậc, chính là chúng Hiền Thánh của Như Lai, rất đáng để cung kính, là ruộng phước thế gian; hoan hỷ tin giới của Hiền Thánh là thanh tịnh không nhiễm, không có khiếm khuyết, bậc minh triết hành theo, đắc định Tam-muội.
"A-nan! Đó là Gương pháp để Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, thoát ba đường ác, đắc quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy lần tái sanh ắt sẽ dứt sạch khổ đau và cũng có thể nói với người khác như thế" (Trường A-hàm, Kinh Du hành).
Như vậy, Gương pháp được nói ở đây là Tứ bất hoại tín, là Bốn niềm tin không bao giờ thay đổi, không bao giờ hư hoại, hay không bị thối chuyển đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới. Bốn niềm tin này như một tấm gương, và người Phật tử sau khi quy y Tam bảo, phát nguyện giữ gìn Năm giới, được bổn sư trao cho tấm phái quy y, hay giấy chứng nhận quy y, chính là trao cho chúng ta một tấm gương. Chúng ta đem tấm gương này về treo trong nhà ở vị trí trang trọng nhất để hằng ngày chúng ta tự soi mình vào đó, để xem với bốn pháp mình đã quy y mình có giữ gìn trọn vẹn không? Nếu được trọn vẹn, được thanh tịnh, được không lay chuyển tức là mình đã đạt được niềm tin bất hoại, ngay đó mình tự biết ba đường ác không còn có mặt mình, tức là được dự vào dòng Thánh, chứng quả Dự lưu.
Vậy thì, một đời người Phật tử, đôi khi không cần tu học gì nhiều, mà chỉ cần giữ vững niềm tin với Tam bảo và giữ trọn vẹn Năm giới là đã thoát ly ba đường ác rồi! Hơn nữa, nếu người Phật tử nào "thành tựu bốn pháp thanh tịnh, vững chắc mà muốn cầu được sống lâu liền được sống lâu, cầu có được sắc đẹp, sức khỏe, niềm vui, biện tài, tự do thì đều được như ý"; người Phật tử nào "thành tựu bốn pháp thanh tịnh, vững chắc thì ở trong loài người sẽ không chịu cảnh nghèo khốn, không bị đói rét, xin ăn, mà tự nhiên giàu sang sung túc" (Kinh Tạp A-hàm).
Rõ ràng, với Bốn niềm tin bất hoại, người Phật tử gặt hái được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại cũng như đời sau. Cho nên, Đức Phật khuyên các thầy nên dạy pháp này cho Phật tử. Kinh ghi: "Các thầy nên khởi tâm thương xót và tâm từ bi. Đối với những gì các thầy giảng nói, nếu có người nào thích nghe và thích thọ trì thì các thầy hãy vì họ mà giảng nói về bốn pháp thanh tịnh, vững chắc giúp cho họ được chứng nhập và an trụ. Bốn pháp ấy là những gì? Đó là thành tựu niềm tin thanh tịnh, vững chắc đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và đối với Thánh giới. Vì sao như vậy? Bởi vì dù cho một trong bốn đại là đất, nước, gió, lửa có biến đổi hay tăng giảm thì bốn pháp thanh tịnh, vững chắc này chưa từng biến đổi hay tăng giảm. Bốn pháp này không biến đổi hay tăng giảm, nghĩa là vị Thánh đệ tử đa văn đã thành tựu niềm tin thanh tịnh, không thay đổi đối với Phật rồi thì nhất định không xảy ra sự việc rơi vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh" (Kinh Tạp A-hàm).
Phát nguyện quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới là khó, mà để thành tựu niềm tin không lay chuyển đối với Tam bảo và Thánh giới lại càng khó hơn. Thực tế cho thấy, nhiều người đã quy y và thọ giới, đã trở thành Phật tử, nhưng niềm tin với Tam bảo và khả năng giữ gìn trọn vẹn năm giới chưa thật sự "bất hoại", dễ bị lung lạc, lay chuyển, dễ bị tác động bởi thị phi, danh lợi… Hơn nữa, dù có tin Phật nhưng không hiểu Phật là đấng Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, là Thầy dẫn đường mà xem Phật như đấng thần linh ban phước giáng họa, gia hộ độ trì để lễ lạy cầu xin. Tin Pháp nhưng không hiểu Pháp là giáo pháp chân chánh vi diệu, do Phật tuyên thuyết, vượt thoát thời gian, chỉ bày đường đến Niết-bàn, được người trí thực hành theo mà xem Pháp như đối tượng siêu nhiên, tụng đọc, lễ lạy sẽ được phước, sẽ được siêu, sẽ được an, nên cứ tụng đọc theo mùa; ma chay thì tụng Di-đà, Địa tạng, hiếu hỉ thì tụng Vu-lan Báo ân, cầu an thì tụng Phổ môn, đầu năm thì tụng Dược sư… Tin Tăng nhưng hiểu Tăng là đoàn thể những người khéo sống hòa đồng, hành động chất trực, không hề dối trá, đạo quả thành tựu, trên dưới hòa thuận, đầy đủ pháp thân mà chỉ biết ‘thầy mình’ có chùa, có chức, có học vị… Tin giới nhưng không thực hành giới để đời sống được thanh tịnh, không nhiễm… Do đó, rất ít người Phật tử thành tựu được niềm tin bất hoại.
Cho nên, người Phật tử đã quy y Tam bảo và phát nguyện giữ gìn năm giới là đã tiếp nhận tấm Gương pháp. Hãy tự soi mình vào đó để thấy cuộc đời mình sẽ đi lên hay đi xuống. Chỉ cần soi mình vào tấm Gương pháp là sẽ nhận biết được mình đi về đâu. Nếu các bạn soi mình vào Gương pháp và thấy mình hiện ra rõ ràng trong tấm Gương pháp ấy, nghĩa là các bạn đã thành tựu niềm tin không lay chuyển đối với Tam bảo và Thánh giới, chắc chắn bạn đã chứng quả Dự lưu.
- Tag :
- Thích Nguyên Hùng