Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Tri Hành Hợp Nhất

Tuesday, March 21, 202318:03(View: 2437)
Tri Hành Hợp Nhất
Tri Hành Hợp Nhất 

Thích Tâm
Hạnh

hoa sen 1


1
. DẪN NHẬP.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng cuối thế kỷ 13. Đến thời Nhị Tổ Pháp Loa, Thiền phái được phát huy rực rỡ lên một tầm cao mới, Phật giáo bấy giờ trở thành quốc giáo.

Sau một thời gian, do nhiều nhân duyên khách quan khác nhau, Thiền phái gần như bị chìm lắng. Thời kỳ cận đại, trong khoảng thế kỷ 17 – 18, Thiền sư Chân NguyênThiền sư Hương Hải đã cùng nhau trung hưng lại. Một thời gian sau, Thiền phái lại chìm mất đi một lần nữa. Thời kỳ đương đại, trong khoảng thế kỷ 20 – 21 này, Hòa thượng Thiền sư thượng Thanh hạ Từ tự đặt cho mình trách nhiệm tiếp nối phục hưng. Hội đủ nhân duyên, việc tiếp nối phục hưng của Ngài đã được thành tựu mỹ mãn, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đủ duyên sống lại mạnh mẽ. Hàng hậu học đầy đủ phúc duyên, được gội nhuần trong suối Thiền Trúc Lâm tự ngàn xưa cha ông để lại.

Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đã khôi phục đầy đủ tất cả những yếu tố cần và đủ của một Thiền phái mà chư Thiền Tổ Trúc Lâm đã khai sáng. Cụ thể, từ lý thuyết đến thực hành, từ căn bản đến chuyên sâu, từ việc nắm vững đường lối công phu để ứng dụng tu hành cho đến kết quả - ngộ tâm. Ngài đã noi theo Thiền tổ Trúc Lâm, tiếp nối một trong những yếu tố trọng tâm, đó là “Tri hành hợp nhất”.

 

2. TRI HÀNH HỢP NHẤT.

“Tri hành hợp nhất” nghĩa là sự thấy biết và thực hành, ứng dụng vào đời sống hằng ngày phải tương ưng, hợp nhất, không sai khác. Không phạm vào lỗi mọi người vẫn thường nói: “Nói một đàng, làm một nẻo”. Hành giả “Tri hành hợp nhất” sẽ không còn thấy việc hạ thủ công phu tu tậpđời sống sinh hoạt khác nhau. Tu là ngay chỗ đang sống, sinh hoạt; và sống tức là tu. Nói điều mình làm chứ không nói điều mình hiểu; đã nói thì phải nổ lực làm cho bằng được. Nói được làm được, đây chính là thực lực của một người có năng lực, cũng là lẽ sống của đời Thiền sinh để tiến đến khế hợp lời dạy Phật Tổ “Hạnh giải tương ưng”.

Tổ Đạt Ma dạy: “Hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ”. Nghĩa là chỗ thấy hiểu và hành động, việc làm, đời sống tương ưng nhau; được gọi là Tổ. “Giải” phải khế hợp ngôi vị Tổ. Chỗ thấy hiểu như thế nào, đến đâu mới được gọi là Tổ? Thiền tông chủ trương “Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. Do đó, chữ “giải” ở đây là phải tỏ ngộ bản tâm bản tánh chính mình. Quốc Sư Thông Biện, Việt Nam nói rõ chỗ này: “Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng gọi là Tổ”. Cho thấy, chữ “giải” ở phương diện này phải là ngộ tột bản tâm, mới thông suốt và khế với tâm tông của Phật Tổ. Đến đây rồi hành giả còn khéo bảo nhậm, sống và làm cho khế hợp tự tánh, mới có lúc thấu triệt chân nguyên, đạt đến diệu huệ vô thượng chiếu soi không cùng. Lúc này, tức tướng tức tánh. Làm việc, sinh hoạt, tất cả động dụng, nhúc nhích đều là tánh này, không khác. Hiểu và làm tương ưng được như vậy mới xứng ngôi vị Tổ.

Thế nào là hạnh giải không tương ưng? Ngài Đức Hồng Giác Phạm nói:“Phàm nhơn bình cư nội chiếu, tắc thường hiểu liễu. Cập thiệp thế sự trì, tắc bội hỗn dung”. Thông thường hàng ngày luôn luôn phản tỉnh, soi chiếu thì thường rõ ràng mọi việc, nơi nơi tâm tánh rạng ngời. Đến lúc gặp việc nhiều thì thường chỗ thấy và làm, sự và lý không được dung thông. Đây chính là chỗ hạnh giải chưa được tương ưng. Do vậy, hành giả cần phải thực học, chuyên tu, có đời sống tri hành hợp nhất mới đạt đến cốt tủy Phật Tổ muốn chỉ bày, mới có phần tự do tự tại, không bị các trần sai sử, sanh tử chi phối.

 

3. SỰ THẬT CHÂN LÝ TRI HÀNH HỢP NHẤT.

3.1. Không tri, không thể hành.

Chưa tri, không biết rõ thì không thể hành đúng. Tổ Khánh Anh dạy: “Tu mà không học là tu mù”. Chúng ta chưa thể nhất thời có được trí tuệ thấy biết đầy đủ như Phật Tổ. Do đó, cần phải học thông để nương vào trí tuệ quý Ngài chỉ đường, biết cách hạ thủ công phu cho đúng, tránh các sai lạc. Tam Tạng giáo điển còn ghi lại lời răn nhắc của các bậc Tổ đức: “Chẳng những ngoài Phật pháp dễ đi vào đường tà.Ngay cả người học Phật, nếu không xem kinh luận, không gặp minh sư, thường thường cũng hay đi vào đường tà mà chẳng tự biết. Hãy dè dặt! Hãy dè dặt!”Cho thấy, việc tri để hành quan trọng như thế nào.

3.2. Không hành, không thể tri.

Sơ Tổ Trúc Lâm dạy: “Đạt một lòng mới thông Tổ giáo”. Phải thực hành suốt tột bản tâm thuần nhất bất tạp thì tự mình sáng ra diệu chỉ Phật Tổ muốn chỉ bày là gì nơi chính mình. Lúc này, hành giả tự mình sáng ra rất rõ, diệu chỉ ấy đang hiện bày rõ ràng bằng chính sức sống sáng ngời của mình hiện tiền trước mắt, không phải do hiểu biết hay qua suy nghĩ hoặc thấy cái gì khác. Lời Phật Tổ dạy trong Kinh Luận như đang nói chuyện của chính mình hiện nay. Nếu không hành tột đến chỗ ấy, dù có được nghe giảng giải đến đâu đi nữa thì cũng chỉ nhận hiểu qua kiến thức sanh diệt trong đầu, không tài nào thấy ra được diệu chỉ Phật Tổ muốn khai thị là gì (không thể tri).

Năm 1304, đức Điều Ngự Giác Hoàng (Sơ Tổ Trúc Lâm) chống gậy đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông. Mở đầu pháp hội, ngài niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy v.v... rồi ngài nói: “Thích-ca Văn Phật vì một đại sựxuất hiện giữa cõi đời này, suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?”. Chúng ta thấy ra điều gì? Nếu thiếu hành trì, không tỏ ngộ thì không thể thấy ra chỗ sâu xa này.

Khi Sơ Tổ lên tòa, chưa nói gì, liền đó khéo nhận ra tánh này đã sẵn, không đợi nói mới có. Đây là chỗ Tổ Lâm Tế nói: “Ngay câu thứ nhất tiến được, mới cùng Phật Tổ làm Thầy”. Vì trong chúng chưa có ai nhận ra cho nên Sơ Tổ buộc phải nói: “Thích-ca Văn Phật, vì một đại sựxuất hiện giữa cõi đời này”. Tức là gợi ý, hiện nay Ngài cũng vì một việc duy nhất ấy, chỉ bày cái thấy biết giác (tri kiến Phật) nơi mỗi người đang hiển hiện ngay đây mà thôi. Ngài nói tiếp: “Suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời”. Bởi cốt yếu chỉ đến chỗ rốt ráo chân thật ấy. Nay có đợi Ngài nói, cũng chỉ nói đến chỗ đó mà thôi. Đó là Ngài khéo gợi ý. Hành giả khéo léo, ngay đó nhận thẳng, liền xong. Do chưa nhận ra nên bất đắc dĩ Ngài phải nói tiếp bài kệ nữa để chỉ dạy, cũng chỉ bày việc ấy. Hiện nay, một đại sự đức Phật xuất hiện giữa cõi đời này là gì? Nghe giảng giải rồi cũng không biết đã nói gì, là do hành chưa tới chỗ Phật Tổ muốn chỉ. Người đã hiểu thông hành tột thì không đợi nói, đã viên thông tất cả. Cho thấy, không hành thì không thể tri.

3.3. Tri hành hợp nhất.

Không phải học hiểu vừa chừng để thực hành vừa sức mình. Như thế là còn trong phàm tình hoặc trong giới hạn của sở kiến. Phải nỗ lực học thông, hiểu thấu một cách đầy đủ nhất có thể. Ngày nào cũng đọc học để khai mở chỗ mê ngõ khuất trong tâm. Song song đó, cần cố gắng nỗ lực quyết chí thực hành cho bằng được để suốt tột đến diệu chỉ Phật Tổ chỉ bày cho chúng ta, mới đạt đến giác ngộ giải thoát thực sự. (Đã nói ý nghĩa đầy đủ và sâu xa tại mục “Tri Hành Hợp Nhất” ở trên).

 

4. CHUNG QUANH TINH THẦN TRI HÀNH HỢP NHẤT.

Có nhiều tư tưởng triết thuyết chủ trương “Tri hành hợp nhất”. Với đạo Phật, tinh thần này có gì khác biệt?

Tri tiên hành hậu.

Có thuyết cho rằng: “Tri tiên hành hậu”. Tức là cần học hiểu để biết trước, kế đến mới thực hành sau. Cách học và tu trong đạo Phật thì không có trước và sau. Ngay tri đã hành, phải hành mới tri. Tổ Bá Trượng nói:Phàm đọc kinh, xem giáo lý đều phải uyển chuyển xoay lại chính mình. Tất cả ngôn ngữ, giáo lý chỉ làm sáng tỏ tánh giác hiện nay của mình. Khi học, nghe lời Phật Tổ dạy, tức TRI. Cần phải soi lại tâm mình để sáng ra những lời ấy đang chỉ thẳng bản tâm mỗi người hiện nay, là HÀNH. Đây là ngay tri tức hành, không có trước sau. Đồng thời, khi nghe (tri), phải soi lại chính mình (hành) thì mới thật tri lời Phật Tổ dạy; là ngay hành tức tri, cũng không có sau và trước. Đây là học đúng cách học của đạo giác ngộ giải thoát, cũng chính là tinh thần tri hành hợp nhất của đạo Phật.

Tri dị hành nan.

Có thuyết thì bảo: “Tri dị hành nan”. Nghĩa là biết thì dễ, làm được mới khó. Với đạo Phật thì việc này không nằm trong dễ và khó. Bởi hai lý do:

Không biết thì không thể làm. Đồng thời, không làm thì không thể biết. Như vậy, tri và hành đồng thời hỗ tương, không có cái nào khó hơn cái nào cả. Cho nên không có khó và dễ.

Thứ hai, học Phật là học tột đến diệu chỉ của Phật Tổ, chính là phải ngộ bản tâm bản tánh hiện nay của mỗi người. Tâm tánh ấy ngay trước mắt, đã sẵn nơi mỗi người. Hễ nhớ lại, nhận ra thì gọi là ngộ. Người quên thì tạm gọi là mê, tu rồi cũng sẽ có lúc ngộ. Chỉ là nhận lại hoặc chưa nhận lại thôi, không có khó hay dễ.

Tri hành hợp nhất.

Cũng có nhiều thuyết chủ trương: “Tri hành hợp nhất”. Đạo Phật cũng nói như vậy. Chữ nghĩa thì giống nhau, nhưng nội dung trong đạo Phật chắc chắn không đồng. Nếu giống nhau hết thì tất cả đã đồng là một đạo, không có nhiều tên gọi khác nhau. Đã có nhiều tôn giáo khác nhau thì tất yếu mỗi tôn giáo phải có điểm đặc thù riêng của chính tôn giáo đó.

Muốn thấy rõ tinh thần tri hành hợp nhất của đạo Phật, chúng ta tự hỏi: “Tri là biết cái gì? Hành như thế nào? Và đạt đến đâu?”.

Biết là biết tột đến chỗ không thể dùng cái hiểu để biết, là phải biết tột bản tâm. Tâm ấy tự sáng biết chứ không phải biết về một cái gì hay điều gì đó bên ngoài. Hành là ngay đây nhận thẳng, giác liền xong, không qua thứ bậc. Nếu chưa thể như thế, có thực hành phương pháp hành trì thì cũng phải hướng tánh như thế. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh này bừng vỡ. Sống thẳng đó mới chân thật tu hành, mới được gọi là hành. Còn lại, việc dụng công tu hành còn trong tạo tác sanh diệt thì chưa khế hợp tự tánh nên không tính kể vào. Cuối cùng, tri hành hợp nhất phải đạt đến đâu? Phải ngộ tánh, đạt đến hạnh giải tương ưng như đã nêu ở trên.

Đến trong ấy, nhúc nhích đều là diệu dụng được lưu xuất từ tự tánh. Tất cả đều không phải là việc gì khác. Ngay tự tánh vô tướng, đã bao gồm tất cả diệu dụng bất khả tư nghì. Tri và hành như thế, không có trước và sau, vượt trên khó và dễ, cùng hợp nhất trong tánh thể giác ngộ của mỗi người. Ngàn xưa chư Phật, nhiều đời chư vị Tổ sư; hiện tại những vị tu hành chứng ngộ cho mãi đến ngàn sau, hễ ai tu hành đắc đạo đều về trong ấy, đều đồng tâm thể chư Phật, không khác. Đây chính là tinh thần tri hành hợp nhất trong đạo Phật nói chung và Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam nói riêng. Muốn thế, chư Thiền tổ đã hiện thực tinh thần này bằng việc làm một cách cụ thể, thiết thực, rõ ràng.

 

5. CHƯ THIỀN TỔ TRÚC LÂM XƯA KIA ĐÃ LẤY TRI HÀNH HỢP NHẤT LÀM KIM CHỈ NAM ĐÀO TẠO HÀNH GIẢ.

Sau khi sáng đạo, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Sơ Tổ Trúc Lâm đã sống đời hạnh giải tương ưng của ngôi vị Tổ. Như người đến đỉnh thấy rõ mọi lối về, Ngài đã thấy ra rất rõ việc dụng công, đời sống hằng ngày của một hành giả phải như thế nào thì mới đạt đến ngộ tánh, giác ngộ. Từ đó, Sơ Tổ đã vận dụng phương châm tri hành hợp nhất vào trong việc đào tạo và hướng dẫn hành giả tu tập. Cụ thể, phần lớn chư Tăng có khả năng tu hành miên mật, Ngài sắp xếp ở trên sơn môn Yên tử hoặc những tùng lâm có khung cảnh tu hành thanh tịnh. Ngài giảng dạy hướng dẫn cho chư vị thông suốt Kinh Luận để ứng dụng vào công phu tu tập. Học để thông suốt nghĩa lý Phật Tổ chỉ bày, tu để nhận ra nghĩa lý ấy nơi chính mình, biến đạo lý thành đời sống sinh hoạt, đạt đến kiến tánh. Sơ Tổ đã đào tạo như vậy cho nên mới có được những bậc long tượng nối nắm mạng mạch Phật Tổ.

Đến thời Thiền sư Pháp Loa kế ngôi vị Tổ, làm chủ sơn môn, Ngài cũng đã kế thừa tinh thần tri hành hợp nhất này để đào tạo Thiền giả. Cụ thể, tại Chùa Vĩnh Nghiêm và một số Tự viện khác, Ngài đã hướng dẫn pháp học và pháp hành, vừa học vừa ứng dụng thực tập công phu cho suốt thông, thuần thục. Sau đó, Nhị Tổ cho hành giả vào những chốn tùng lâm u tịch để chuyên tâm hạ thủ miên mật hơn, mới cho ra làm Phật sự. Một trong những điểm điển hình như vậy là Hồ Thiêng, một miền thâm u tịch mịch trong quầng thể Yên tử.

Học thông mới nương được trí tuệ Phật Tổ dẫn đường. Quyết tu mới chuyển những điều đã học trở thành sức sống thường nhật, mới có lúc nhận ra và sống bằng ông chủ chính mình. Diệu lực ấy mới cho hành giả vô nhiễm, vượt thoát, nhẹ tênh. Học và tu như vậy, chính mình mới không lầm đường lạc lối, mới có phương tiện thiện xảo để giáo hóa độ sanh. Đạt suốt cả hai mới viên thông, hay vào tục đế, chân đế mà không rời đệ nhất nghĩa đế để giáo hóa, làm lợi ích quần sanh một cách thuận đạo, hiệu quả, được quần chúng nhân dân đón nhận. Hành được như vậy là đã nêu cao tông chỉ, diễn xướng tông phong nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Chư Thiền Tổ Trúc Lâm xưa kia đã đào tạo hành giả bằng phương châm tri hành hợp nhất như vậy.

Thời kỳ cận đại trong khoảng thế kỷ 17 – 18, Thiền sư Hương HảiThiền sư Chân Nguyên cũng tiếp nối tinh thần tri hành hợp nhất của chư Thiền Tổ Trúc Lâm. Cụ thể, Thiền sư Hương Hải đã chú trọng đến việc đào tạo đệ tử như thế cho nên sau Ngài có nhiều bậc tăng tài nối pháp. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua ưu tư của Ngài trước khi đến chùa Nguyệt Đường và những việc làm cụ thể lúc Ngài đến trụ trì tại đây. Thiền sư Chân Nguyên cũng chú trọng trong việc này và đã có nhiều vị đệ tử tài ba tiếp nối Ngài trong việc hoằng truyền Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời ấy.

 

6. THỜI KỲ ĐƯƠNG ĐẠI.

Hiện nay, Hòa thượng Thiền sư thượng Thanh hạ Từ đã tiếp nối phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Nối gót chư vị Thiền Tổ Trúc Lâm, ngài đã đặt nền tảng “Tri hành hợp nhất” làm cốt lõi trong việc đào tạo Thiền sinh tu học. Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đã cụ thể hóa tinh thần này một cách thiết thực vào trong việc đào tạo tổ chức tu hành nội chúng.

6.1.  Cấu Trúc Của Các Thiền Viện Thiền Phái Trúc Lâm hiện nay.

Hầu hết các Thiền viện Thiền phái Trúc Lâm hiện nay có ba khu vực chính: Khu ngoại viện, khu nội viện và khu Thiền thất. Khu ngoại viện là nơi dành cho khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, nghiên cứu. Nội viện là nơi chuyên tu của các thiền sinh. Ở vị trí thanh tịnh, cách biệt với thế giới bên ngoài; nội bất xuất, ngoại bất nhập, thiền sinh ở trong Nội viện không được phép đi ra ngoài. Du khách bên ngoài cũng không được đi lại tham quan trong khu vực nội viện. Cảnh quan trong này bình dị, gần gũi. Các công trình đơn giản, chỉ vừa đủ để phục vụ nơi ăn chốn ở và những sinh hoạt tối giản cho đời sống tu hành, không phí phạm. Sâu trong nội viện là Khu thiền thất. Thiền sinh được sắp xếp thay phiên nhau nhập thất (bế quan). Vào thất, Thiền sinh có được điều kiện thanh tịnh tối ưu để dồn toàn tâm vào việc hạ thủ công phu miên mật, chuyên sâu.

Hòa thượng Tông chủ đã dạy: “Người lãnh đạo trong thiền viện phải hết lòng thương và lo tạo điều kiện cho chúng tu tập. Chúng phải biết rằng mình đến đây là tìm cơ hội để tu”.Vào nội viện là vào nơi để được tu học, là còn trong thời gian đào tạo, thiền sinh sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để chuyên tâm vào việc tu tập cao độ. Không có tài sản riêng, chỉ có những vật dụng cần thiết do thiền viện sắm cho. Không được giữ tiền riêng, không sử dụng điện thoại, không xem báo, nghe đài, không có Ti-vi, không mạng Internet. Tất cả tài sản, tiền bạc đều giao cho vị có trách nhiệm (Thủ Bổn) giữ gìn. Khi có duyên sự bệnh nặng phải đi trị bệnh, hay những duyên sự khác thì thiền viện sẽ tạo điều kiệnphương tiện đầy đủ. Thiền sinh không đi đám tiệc, không tiếp khách, không tiếp cận bất kỳ thông tin gì bên ngoài... Mọi việc cần thiết đã có Ban Lãnh đạo lo chu toàn. Những điều kiện này không ngoài mục đích giúp thiền sinh dành trọn thì giờ trong việc tu hành, tránh khỏi những lỗi nhỏ hoặc vô tình hay cố ý.

Hòa thượng Tông chủ thường dạy, giả sử thiền sinh A xuất thân từ nhà giàu, thiền sinh B thì không được khá giả. Nếu thiền viện không tạo điều kiện tổ chức sống đúng tinh thần lục hòa, mỗi người tự ý sắm sửa đồ đạc, giữ tiền tiêu xài riêng. Người giàu tiêu xài phung phí, người nghèo không đủ đồ dùng, hai thiền sinh ấy nằm cạnh nhau sẽ phát sinh ý thức hệ, không tránh khỏi mâu thuẫn. Tâm còn nặng vật chất, ý thức hệ nảy sinh thì không còn tâm hồn nào để tâm vào việc học đạo gì cao thượng hơn được. Ngài Tăng Triệu nói: “Chẳng chìm nơi cạn hẹp, liền thành cao xa”. Để tạo điều kiện cho thiền sinh thuận duyên tu hành, thiền viện lo hết mọi nhu cầu ăn, mặc, ở và phương tiện điều trị bệnh. Thiền sinh vào thiền viện không phải lo bất cứ duyên gì khác, chỉ còn một việc chuyên tâm tu học, quyết tâm hạ thủ công phu tu hành cho đến sáng đạo mà thôi.

Tại các thiền viện rộng lớn, có khu vực nội viện Tăng và nội viện Ni thì phải cách xa và riêng biệt tuyệt đối. Hòa thượng Tông chủ đã căn dặn chúng đệ tử“Lâu nay Thầy quen chủ trương làm sao bên Tăng cũng như bên Ni đều có tính độc lập, không chịu lệ thuộc. Thiền viện Ni thì Ni lo, thiền viện Tăng thì Tăng lo, chứ Thầy không cho hỗn độn phức tạp”. Mỗi bên khu nội viện Tăng và Ni đều sinh hoạt riêng biệt, không liên hệ qua lại. Chư Ni cũng có thể làm các công tác xây dựng, sơn tường, thợ hồ, thợ mộc… Chư Tăng cũng làm được những việc như may vá, quét nhà, nấu ăn… Không có công việc nào hẳn là của nam, cũng không có công việc nào cố định của nữ. Hòa thượng chủ trương tạo điều kiện cho mỗi thiền sinh đều tự làm tất cả các công việc, không phụ thuộc và nhờ cậy, để rèn cho mình có khả năng tùy duyên thích nghi tốt với mọi môi trường, hoàn cảnh; đồng thời, tự thân mỗi vị có cơ hội phát huy được khả năng chính mình. Nếu cứ nhờ vả, không chịu nỗ lực tự thân, chúng ta sẽ quen cái tật hễ gặp việc là nghĩ đến người khác để nhờ vả hoặc trông mong điều kiện dễ dàng của trong mơ. Nếu khó quá không ai giúp đỡ thì ngồi đó chờ thời, cầu may trong lười biếng, nhát hèn, có khi đến vô vọng. Lâu dần như thế sẽ khiến cho con người trở nên yếu đuối, tiêu cực, nhỏ nhoi trong nếp nghĩ, lối sống, cách làm. Trong khi đó, cuộc thế ít chìu lòng người. Nếu cứ trông chờ, sẽ thất vọng. Hơn nữa, sống như thế là chúng ta đã tự khép lại khả năng phát minh, đột phá của bản thân mà chính mình không hề hay biết. Người xuất gia là bậc cất bước đến phương trời siêu việt; thiền tăng là bậc xuất trần thượng sĩ, có chí khí xung trời thẳm, đâu thể an yên trong nhỏ nhoi của phàm tình yếu hèn như thế được!

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự Ngài tu tập thiền định mà được chứng đạo; đó là Phản quan tự kỷ. Trọn đời Ngài từ khi tu cho đến thành đạo, không cầu xin hay trông cậy vào bất cứ gì khác bên ngoài; đó là “Bất tùng tha đắc”. Thời Trần, chư Thiền Tổ Trúc Lâm nêu cao Tông chỉ “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”. Hiện nay, Hòa thượng Tông chủ tổ chức nội chúng tu hành như trên, chính là đã khế hợp tinh thần này.

6.2.  Thời Khóa Tu Học Tại Các Thiền Viện.

Trong các Thiền viện, hằng ngày sinh hoạt tu tập nhất mực tuân thủ theo thời khóa nhất định đã được quy định trong Thanh quy. Mỗi tháng có Lễ Thỉnh nguyện vào ngày 15 hoặc 30. (Tháng thiếu, ngày 29).

6.3.  Nội Dung, Tinh Thần Tu Học Và Làm Việc Tại Các Thiền Viện.

Thiền sinh vào thiền viện sẽ được học thông nội điểnchuyên tâm hạ thủ công phu tu tập. Lấy thiền định, tọa thiền làm chính. Ngoài ra, trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi phải luôn luôn tỉnh giác, làm chủ, xoay lại sáng ra ông chủ chính mình trên mọi sinh hoạt. Cụ thể, các thiền sinh được hướng dẫn tu tậprèn luyện qua ba phần cơ bản: Tu, học và lao động.

“Tu như hơi thở”.

Không thở, mạng sống con người không thể tồn tại. Tương tự, nếu thiếu sự giác tỉnh thì đời sống tu hành sẽ vô vị, không còn có ý nghĩa. Tu là thực hành những điều đã được học để ngộ tâm, nhận ra cốt tủy Phật Tổ muốn chỉ bày. Thiền sư Tử Thuần bảo ngài Hoằng Trí“Ông chẳng thấy nói, tạm thời chẳng còn thì như đồng với người chết hay sao?”.Tức là phút chốc tạm quên tâm mình, liền đồng như người đã chết, cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, không còn gì có ý nghĩa, ý vị; không mãn ý, xứng tâm.

 “Học như uống nước”.

Cơ thể con người không thể thiếu nước. Đối với hành giả, việc học cũng cần thiết như vậy. Tổ Khánh Anh dạy: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu thì như cái đãy đựng sách”. Học để áp dụng thực hành chứ không phải học suông; là học để tu. Thực hành công phu tu tập phải nắm vững phương pháp hành trì chứ không phải tu mù sanh bệnh; là tu mà có học. Biết khéo léo điều hòa học và tu để nhận ra yếu diệu Phật Tổ ngay nơi chính mình, là người khéo biết học Phật.

Ai vào Thiền viện cũng được hướng dẫn, cho học thật kỹ để hoàn thiện đời sống căn bản của một Thiền sinh. Đồng thời để hiểu thông Phật pháp, nắm vững phương pháp hành trì để ứng dụng vào công phu tu tập, không bị lầm đường lạc lối, thực hành sai.

“Làm việc, lao động như ăn cơm”.

Cũng như cơ thể con người cần được ăn cơm để duy trì sự sống, sự siêng năng cần cù trong công việc đối với thiền sinh cũng rất cần thiết như vậy. Các Thiền sinh tự trồng trọt hoa màu để tạo nguồn thực phẩm sạch cho việc sử dụng thức ăn hằng ngày, hoặc xây dựng, chăm hoa kiểng, may vá… Tất cả các công việc trong bổn viện đều do Thiền sinh tự túc.

Lao động vừa để vận hành, làm một số công việc cần thiết trong bổn viện; vừa cho Thiền sinhvận động để đảm bảo sức khỏe; vừa để chăn tâm, áp dụng công phu tu tập trên cảnh động. Song song những ý nghĩa trên, lao động còn để rèn luyện tự thân mỗi hành giả. Bậc Cổ đức nói: “Tuy gặp người ác cũng lấy tâm từ hòa đối xử với họ, mới hay mở cửa lớn vào đời độ thoát khắp chúng sanh”. Nắng mưa, nóng lạnh không ngăn ngại. Khen chê, phải trái, đúng sai hay có bị oan ức đến mức nào đi nữa thì cũng chỉ có thế. Công việc nhọc nhằn hay cả những khi nhàn hạ cũng chỉ là bình thường. Hỏi khi có thời gian rảnh rỗi tự do nhất sẽ làm gì, thì cũng chỉ làm việc hằng ngày thường làm đó thôi. Bởi mỗi mỗi không rời ngoài sức sống thiền đang sống, còn có gì khác để hỏi là làm gì? Sức sống này là sự sống thường nhật của Thiền tăng. Đã là sự sống thì lúc nào cũng đang sống, luận gì là lúc nhàn rỗi hay bận rộn?

Như ăn no món ngon rồi thì món dở chỉ là bình thường, không còn sanh tâm ưa hoặc chán, lấy và bỏ. Thiền sinh khéo léo học tu và rèn luyện như thế thì mới có chút hơi hướm của Thiền tăng, mới nối gót được chư Thiền Tổ Trúc Lâm, vào nhân gian làm lợi ích chúng sanhthần thái vẫn cao nhàn.

6.4.  Tóm lại.

Muốn chấm dứt khổ đau trong sanh tử, chỉ có giác ngộ, ngoài ra không còn con đường nào khác. Tất cả những gì Hòa thượng Tông chủ chủ trương hướng dẫn Thiền sinh như vừa nêu trên, chỉ vì một mục đích tạo điều kiện tối ưu cho thiền sinh tu hành đến nơi đến chốn – sáng đạo. Do đó Hòa thượng thường sách tấn hành giả phải dán chữ “tử” (chết) trên trán. Phải quyết chí tu hành đến sáng đạo mới được. Nếu không sáng đạo thì ở trong nội viện làm phân cho các gốc cây... Ngài đã nói vô cùng thống thiết“Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt”. Thiền sinh vào thiền viện phải nắm vững tông chỉ thiền, dụng công tu hành đắc lực, cho đến khi tỏ sáng tự tánh, hoặc ít nhất phải vững niềm tin nơi thiền, không còn thối chuyển thì mới cho đi làm Phật sự chứ không tính kể thời gian.

 

7. LỜI KẾT.

Trong lần trả lời tham vấn tại Mỹ quốc, Hòa thượng Tông chủ đã từng nói: “Nếu muốn cho Phật pháp được vững mạnh, bền lâu thì phải có người tu hành sáng đạo”. Từ cách nhìn như vậy cho nên Ngài luôn chú trọng đến việc đào tạo đệ tử tri hành hợp nhất mới có lúc tâm này bừng sáng. Chúng ta có thể nhận ra điều này trong đời sống tu hành của Thiền sinh tại các Thiền viện, hoặc những điều lệ Ngài biên soạn trong Thanh quy Thiền phái Trúc Lâm. Từ cách tổ chức, giảng dạy, hướng dẫn tu hành cho đến cách thực hiện các Phật sự khác, Ngài luôn chú trọng đến việc tu và học. Ngài đặt việc tu sáng đạo lên hàng đầu, làm chủ đạo trong đời sống tu hành của các thiền sinh. Đúng với lời Ngài đã nói tận trong tâm khảm sâu thẳm của mình: “Muốn cho Phật pháp được vững mạnh, bền lâu thì phải có người tu hành sáng đạo”.

Muốn chống đỡ Tông thừa, không gì hơn phải đầy đủ hai điều kiện “Thuyết thông và Tông thông”. Muốn thuyết được thông thì phải học, muốn tông được thông thì phải quyết chí hạ thủ công phu. Thuyết thông tông thông, người này có nanh vuốt hướng thượng, tùy thời nhổ đinh tháo chốt, gọi là giáo hóa độ sanh. Hiện nay, chư Tôn đức được Ngài giao phó tiếp nối lãnh đạo Tông môn. Hòa thượng Trưởng Ban và chư Tôn đức lãnh đạo Ban Quản Trị đã tiếp bước phát huy tinh thần tri hành hợp nhất này vào trong việc đào tạo Thiền sinh tu học. Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm hiện nay đã bằng tất cả thành tâm thành ý của mình để lo chu toàn trọng trách lớn lao mà Thầy Tổ giao phó. Cụ thể, vừa trôi tròn các Phật sự, vừa quan tâm tổ chức tốt cho các thiền sinh tu học nghiêm mật, ngỏ hầu có những kết quả khả quan. Thâm nhập Phật pháp, thể hội thiền lý, tỏ sáng thiền tâm; hoặc những ai hữu duyên sẽ tiến sâu hơn, thâm nhập cốt tủy thiền mà Phật Tổ đã truyền trao. Được vậy, mới huy chấn tông phong, thiền quang sẽ tỏa sáng đời đời không dứt.

Song song với việc các Thiền viện tiếp tục đi theo con đường Hòa thượng Tông chủ hướng dẫn, Hòa thượng Trưởng Ban cùng chư Tôn đức Ban Quản Trị đã thành lập Trường Phật Học Trúc Lâm (Trường Thiền Tông môn) để đào tạo, hướng dẫn Thiền sinh tu học. Thiền sinh vào Trường Thiền được hướng dẫn học đầy đủ nội điển Phật Tổ chỉ dạy đã được Hòa Thượng biên tập trong Thanh quy để hướng dẫn Thiền sinh từ trước đến nay. Đồng thời, môi trường này còn có thời khóa chuyên tu, sống trong nội viện đúng như những gì của một nội viện chuyên tu trước đây Hòa thượng Tông chủ đã thành lập và hướng dẫn, đào tạo. Với môi trường thực học chuyên tu trong Trường Thiền, tiếp nối tinh thần tri hành hợp nhất của Thiền phái Trúc Lâm, mới hy vọng sau này có người tiếp nối để gánh vác trọng trách của Thầy Tổ để lại

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 23)
Các vị thánh trong Phật giáo thường được mô tả là từ bi như mẹ hiền, với sự kiên nhẫn vô tận của một người mẹ
(View: 76)
Thu thúc lục căn là làm chủ sáu giác quan khi tiếp xúc với sáu đối tượng trần cảnh.
(View: 83)
Bốn câu thi kệ này được trích trong bài « Kinh Hạnh Phúc » mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói cách đây đã hơn hai ngàn năm trăm năm,
(View: 172)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc.
(View: 255)
Chúng ta ở đây; chúng ta tồn tại và chúng ta có quyền hiện hữu. Ngay cả những sinh vật không có tri giác như hoa cũng có quyền tồn tại.
(View: 202)
Đức Phật xuất hiện và hành đạo nơi xứ Ấn cách nay hơn 26 thế kỷ với hiện thân con người, bậc Giác ngộ trong thế gian.
(View: 225)
Phá kiến là một thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ cho việc có quan điểm, giải thích, hướng dẫn sai lạc ý nghĩa chân chính của Phật pháp.
(View: 233)
“Dòng sông ơi! Vẫn thơ mộng như ngày xưa! Tình người ơi! Vẫn đẹp cho đến bao giờ…?”
(View: 259)
Nói sơ tâm, là nói về tâm của người mới học, tâm đơn sơ, tâm như hài nhi trẻ nhỏ, tâm rất mực hồn nhiên, chưa có chút gì là chữ nghĩa dày đặc, không chút gì là kiến thức uyên bác.
(View: 255)
Cái đẹp luôn là đề tài thơ mộng cho con người ta bay bổng, mộng mơ và tương tư không dứt, nó là một phần ý vị của cuộc sống.
(View: 288)
Người tu học Phật đều biết rằng, Bát Chánh đạolà nền tảng quan trọng của toàn bộ giáo pháp Thế Tôn.
(View: 318)
Chúng ta không thể nào trường sanh bất tử, trẻ đẹp, và mạnh khỏe mãi mãi được trên đời.
(View: 448)
Tu hành là gì? Có phải nhất định cần thoát ly cuộc sống, chạy vào trong chùa niệm kinh lạy Phật...
(View: 1050)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(View: 351)
Để đoạn tận tất cả tà kiến thì phải trau dồi chánh kiến. Chánh kiến ở đây là cái gì?
(View: 446)
Thế gian không có cái gì khổ cả, khổ chỉ là những ảo giác của con người.
(View: 308)
Đúng thế, đời là vô thường, huyễn mộng ai ai cũng biết. Nhưng chúng ta không thể nào ngồi im mà thụ động tại chỗ.
(View: 305)
Đức Phật đã dạy các nhà sư nên đi lang thang thế nào? Các bản tiếng Anh thường dùng chữ “wander” để nói về hành vi lang thang.
(View: 331)
Phàm có sinh thì có tử, đó là lẽ thường trong cuộc đời. Vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật sinh ra, tồn tại, thay đổi, hoại diệt (gọi là sinh, trụ, dị, diệt)
(View: 353)
Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch.
(View: 339)
Cứ mỗi độ Vu Lan lại về với chúng ta, chính lúc đó là mùa Báo Hiếu, không biết bao nhiêu người con, từ khắp bốn phương nhớ tưởng đến công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ…!
(View: 352)
Thỉnh thoảng chúng ta nghe rằng bạn này tu theo Thiền Chỉ, và rồi nghe rằng bạn kia tu theo Thiền Quán.
(View: 360)
Bài pháp thoại này được nói tại một ngày tu Chánh niệmTu viện Tisarana, vào tháng Ba năm 2008.
(View: 359)
Bài viết này được chuyển thể từ một bài báo xuất bản đầu tiên trên Tina Lear's Medium.
(View: 347)
Hình như bất cứ lãnh vực nào, bước vào chuyên sâu, đều luôn có những chướng ngại, hoặc chướng duyên;nhất là hành giả trên con đường tâm linh giải thoát.
(View: 348)
Về câu hỏi, thế nào là thời mạt Pháp? Tôi được nghe câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại chùa Viên Giác
(View: 350)
Phàm phu thì sống trong thức phân biệt, nên thấy có sanh tử và không ra khỏi. Trái lại, bậc thánh thì sống trong trí và do đó thoát khỏi sanh tử:
(View: 399)
Phàm là người xuất gia ở chốn Tòng Lâm, tự viện, phải sống đời phạm hạnh, nghiêm trì giới luật đã thọ, giữ gìn oai nghi tế hạnhtrang nghiêm tự thân, kính trên nhường dưới, từ ái với mọi người.
(View: 373)
Bất cứ trong một tổ chức nào, từ chính trị đến xã hội, từ Tôn giáo đến đoàn thể…đều cần có một lý thuyết nền tảng vững chắc để làm cơ sở triển khai mọi sinh hoạt.
(View: 565)
Mỗi ngày trong cơ thể ta đều có những tế bào cũ chết đi và những tế bào mới sinh ra nhưng có bao giờ chúng làm đám tang hay tổ chức sinh nhật cho chúng đâu
(View: 431)
Chúng ta thường nghe nói rằng Thiền Tổ Sư là dạy pháp vô niệm, vô tâm.
(View: 422)
Như lý tác ý là khởi nghĩ, hướng tâm về mọi sự vật và hiện tượng đúng như lời dạy của Đức Phật.
(View: 420)
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tônnói với các Tỳ-kheo:
(View: 444)
Thân là thân thể của con người. Niệm là ghi nhận, quan sát. Xứ là lĩnh vực, là đề mục để hành giả quan sát tu tập.
(View: 429)
“Chiếc áo không làm nên nhà sư”, nghĩa bóng của nó như một lời nhắc nhở mọi người, đừng vội đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài.
(View: 477)
Có phải bây giờ đã tới thời mạt pháp? Hay là sắp tới thời mạt pháp?
(View: 492)
Tánh Không được đồng hóa với như mộng. Đây là điều hệ thống Kinh Đại Bát Nhã thường nói.
(View: 569)
Toàn thể thế giới chúng ta, bên ngoài là thế gian, bên trong là tâm. Tất cả chúng là một biển vô tận của các pháp hữu vi đang vận hành.
(View: 470)
Việc tu tậpthiền viện nhấn mạnh vào việc hoàn thành mọi công tác tốt đẹp. Là tu sĩ, chúng tôi đặt nặng giá trị của việc chánh niệm về những điều bình thường
(View: 488)
Danh vọng nương nơi cái tôi mà tồn tại. Không có cái tôi, danh vọng không hiện hữu.
(View: 629)
Đã tử lâu lắm rồi, người Phật tử đã nghe nói về thời mạt pháp.
(View: 576)
Gần đây chúng ta thấy xuất hiện trên mạng xã hội nhiều bài viết kêu gọi người Phật tử phải cảnh giác với việc “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ”.
(View: 583)
Trong nhiều bài pháp tôi đã viết, thì thường đề cập đến vấn đề làm phước, tích phước, tích đức, hay tu thiện... V
(View: 600)
Bố thícúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát.
(View: 578)
Thuyết âm mưu không phải là vấn đề mới, nó vốn xảy ra từ xa xưa, bên Đông hay bên Tây đều có cả.
(View: 634)
Sự xuất hiện của hành giả Thích Minh Tuệ đã tạo ra một biến động chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
(View: 683)
Bệnh đau là chuyện tất yếu của con người. Trừ những người có phước đức về sức khỏe sâu dày, còn lại hầu hết đều trải qua bệnh tật.
(View: 694)
Thời thơ ấu, chúng ta ưa thích đọc truyện Cô Ba Cháo Gà Địa Ngục Du Ký, rồi ưa nghe kể chuyện vong nhập, chuyện trừ tà…
(View: 1585)
Con đi Tu là để cầu giải thoát, hàng ngày con chỉ xin ăn một bữa, con không nhận tiền của ai.
(View: 702)
Karma là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “hành động”. Một cách đơn giản để hiểu nghiệp là nhìn nó như những khoảnh khắc nhân quả.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant