Phật Pháp Có Gì Hay?
Thích Trung Hữu
Nếu có ai đó hỏi Phật Pháp có gì hay thì những người đệ tử Phật sẽ trả lời như thế nào? Cái gì là cốt tủy của đạo Phật, cái gì tạo nên sự khác biệt của đạo Phật so với các tôn giáo, giáo phái và truyền thống tâm linh khác? Nói cách khác, cái gì là chân giá trị của Phật Pháp và tạo nên sự cao thượng của tu sĩ Phật giáo?
Câu hỏi có lẽ dư thừa, vì có ai đi tu, có ai từng học Phật Pháp mà lại không biết những điều đó, vì nó có hết ở trong kinh điển, trong những lời dạy của đức Phật và chư Tổ. Ai mà không biết cốt tủy của Phật Pháp chính là sự giác ngộ và giải thoát và điều làm cho người tu cao thượng chính là đời sống tâm linh.
Câu hỏi dư thừa nhưng không phải là không cần thiết. Thậm chí là vô cùng cấp thiết. Bởi vì nhìn qua Phật giáo ngày nay, nhìn qua những gì người tu đang làm hiện nay thì hình như quá xa rời với cốt tủy của Phật Pháp và do đó người tu không còn cao thượng một cách đúng nghĩa nữa. Ngày nay có được bao nhiêu người tu đặt ra cho mình cái mục tiêu là giác ngộ cũng như cố gắng tu tập để đạt được mục tiêu đó? Một ngày 24 giờ, người tu dành ra bao nhiêu giờ để thiền định hoặc thực hiện những phương pháp để phát triển tâm linh?
Có người còn quan niệm rằng xã hội ngày nay mà ngồi đó thiền định hay niệm Phật là lỗi thời rồi. Thời đại ngày nay Phật giáo phải nhập thế để làm lợi ích cho xã hội. Có người thậm chí còn cho rằng cái mục tiêu giác ngộ hiện nay không cần thiết nữa. Con người ngày nay không cần giác ngộ mà chỉ cần hạnh phúc và Phật giáo phải làm sao đem lại hạnh phúc cho con người, dù đó là hạnh phúc có được từ vật chất, từ sự thỏa mãn các giác quan. Đúng là con người cần hạnh phúc và Phật giáo cũng cần làm cho con người hạnh phúc, nhưng đó không phải là hạnh phúc theo kiểu thế gian như thế. Nếu hạnh phúc theo kiểu thế gian như thế thì đức Phật không cần đi tu, bởi vì những điều đó xã hội đang làm mà.
Cái mà người tu ngày nay gọi là nhập thế để hoằng dương Phật Pháp, hóa độ chúng sanh ấy, xét cho kỹ thì phần lớn chính là hướng ngoại tìm cầu để đạt được những nhu cầu và mục đích của cá nhân, tức là phát triển cái tôi, cái bản ngã của cá nhân. Bằng cớ là càng làm cái gọi là phật sự ấy thì cái Tôi của họ càng to, càng cao, càng vĩ đại đến nỗi không ai dám đụng đến.
Người tu ngày nay thường làm gì? Đó đi giảng kinh thuyết pháp. Chia sẻ Phật Pháp là việc tốt chứ có gì xấu? Tốt hay xấu xuất phát từ động cơ. Người xưa tự độ mình trước rồi sau mới độ người. Còn người nay thì coi việc giảng kinh thuyết pháp như một cách để khẳng định cái tôi, để có được danh tiếng và lợi lộc. Một số giảng sư khi thuyết pháp đã thể hiện cái tôi quá lớn qua việc chỉ dạy người nghe. Có vị sau khi đã nổi tiếng rồi thì chỉ đi giảng ở những đạo tràng lớn, có tiếng tăm và nhiều thính giả.
Người tu ngày nay thường làm gì? Thường hướng dẫn phật tử phóng sanh. Kêu gọi phật tử bỏ tiền mua các loài phóng sanh. Phóng sanh vộ tội vạ. Tốn rất nhiều tiền nhưng không thoát ra ngoài cái vòng lẫn quẩn của chu trình sản xuất, đem bán, mua lại, thả xuống, bắt lên. Tệ hại hơn nữa là phóng sanh không phải vì lòng từ bi mà làm cho có phong trào, làm để để quy tụ tín đồ, làm để cho có gì đó gọi là hoạt động phật sự với người ta.
Người tu ngày nay thường làm gì? Làm từ thiện. Đây là thế mạnh của Phật giáo hiện nay. Người tu không làm kinh tế, tiền đâu mà làm từ thiện dữ vậy? Thật ra một số người cũng khổ tâm về điều này lắm. Không phải người tu nào cũng có nhiều tiền, không phải chùa nào cũng khá giả. Nhưng phải làm. Không làm thì bị cho là không có đóng góp. Thắc lưng buộc bụng để làm từ thiện. Nhưng cũng có người rất có tiền. Làm từ thiện hàng tỷ đồng. Nhưng quan trọng là phải xem lại mục đích của việc làm đó. Tôi thấy có người hiến vào tổ chức này, tổ chức kia hàng tỷ đồng nhưng đồng tu của mình khó khăn thì không hề giúp đỡ gì cả.
Phật giáo làm từ thiện mạnh đến nỗi ai nhìn vô cũng cho rằng Phật giáo giàu, người tu giàu. Nhưng sự thật là không phải người tu nào cũng giàu. Chỉ một số ít giàu thật mà thôi, giàu to. Nhưng đa phần tăng ni là không giàu, có nhiều người còn rất thiếu thốn, rất khổ sở. Nhưng người ta chỉ thấy cái hào nhoáng bề nổi mà không thấy những hoàn cảnh khó khăn. Vì những hoàn cảnh khó khăn có ai đưa lên để làm gì?
Phật giáo giàu đến nỗi mà ngày nay Nhà nước phải để mắt tới vấn đề tiền công đức. Nhà nước có lý lẽ riêng của đại sự quốc gia. Điều mà tôi muốn nói ở đây là không nên coi từ thiện là thế mạnh của Phật giáo. Không có gì tự hào khi công bố Phật giáo làm từ thiện hàng năm hàng chục tỷ đồng. Vì có phải tiền của mình đâu mà tự hào? Người tu nên tự hào cái khác, không nên tự hào vì mình giàu.
Tôi cho rằng người tu ngày nay đã quá xa rời với cốt lõi của đạo Phật. Chúng ta đang chạy theo và giải quyết những vấn đề bên ngoài, những điều mà thật ra nên để người thế gian làm. Chúng ta nên trở về với mục đích cốt lõi của người tu, đó là tu hành để phát triển tâm linh. Đó là mục đích của người tu mà cũng là cống hiến đích thực của Phật giáo cho thế gian này. Phật giáo không cần phô trương thanh thế mà cần tập trung vào sự chuyên tu để đạt được mục đích đích thực của người tu. Tôi cho rằng những phật tử chân chính cũng chỉ muốn quý thầy, cô thực tu thực chứng hơn là giàu có hay quyền thế.
- Tag :
- Thích Trung Hữu