Đời tôi gần giống như cuộc đời của cậu bé mồ côi ở Viện Dục Anh trong văn Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi đều sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Từ những ngày còn bé tôi đã không có một cái gì để gọi là riêng tư. Đời tôi gắn liền với tập thể, lớn lên và nương tựa vào tập thể. Không có tập thể tôi không sống được. Không có tập thể, tôi sẽ cảm thấy trơ trọi và lạc lõng trong rừng đời.
Tập thể là nước để tôi uống, là hơi để tôi thở, là gia đình, là niềm vui và cũng là chiếc dù che nắng trong hành trình nhiều đại hạn của đời tôi. Ngay cả bây giờ khi khôn lớn, tập thể vẫn đóng một phần quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của tôi. Một trong những tập thể mà tôi luôn gắn bó: Gia đình Phật tử Việt Nam.
Hành trang đi vào cuộc đời của tôi là những vốn liếng tôi học được từ Gia đình Phật tử. Ngày bỏ làng Mã Châu ra đi, tôi không có gì để mang theo ngoài tinh thần Bi – Trí – Dũng, những hạt giống đầu tiên được gieo trồng trong tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ. Tôi học để thương yêu người và vật, để khai phóng và dung hóa với tha nhân, để chịu đựng và vượt qua các thử thách của cuộc đời. Hơn ba mươi năm sau, những hạt giống tốt kia đã mọc thành cây xanh, trái ngọt. Từ một mức độ rất giới hạn và nhiều chủ quan, tôi nghĩ mình đã học và hành theo đúng phần nào các châm ngôn của một người Phật tử.
Tôi gia nhập Gia đình Phật tử từ những ngày còn rất nhỏ. Buổi sáng mùng tám tháng Chạp, nhân ngày lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, tôi hồi hộp theo cha đến chùa Ba Phong, ngôi chùa làng nho nhỏ nằm bên bờ sông Thu êm đềm chảy ra Cửa Đại để ghi tên vào Gia đình Phật tử Ba Phong. Hôm đó là một trong những ngày trọng đại của đời tôi.
Sau một thời gian sinh hoạt như một đồng niên, vào dịp lễ Phật Thích Ca Thành Đạo năm sau, cả đoàn chúng tôi được Đại Đức Thích Như Vạn từ Hội An về làm lễ quy y. Thầy bổn sư tôi có pháp hiệu là Như Vạn, theo nghĩa câu kệ “Ấn Chơn Như Thị Đồng” của tổ Minh Hải, được truyền thừa qua nhiều thế hệ tăng sĩ.
Trong lễ phát nguyện quy y Phật Pháp Tăng và thọ ngũ giới, đoàn chúng tôi quỳ sát nhau sau lưng Đại Đức Thích Như Vạn. Mỗi khi thầy đọc tên một đoàn sinh thì thầy cũng đọc thêm Pháp danh mà thầy đặt cho đoàn sinh đó. Phe con gái thì không cảm thấy gì lạ với những tên đạo Thị Diệu, Thị Trang, Thị Từ, Thị Hạnh… của họ nhưng khi thầy đọc pháp danh của tôi thì cả đoàn, cả trai lẫn gái cùng bật tiếng cười ồ, dù đang làm lễ trước chánh điện. Còn tôi thì dĩ nhiên khi nghe tên đạo của mình, tôi ngượng đến điếng người. Khóc không được nhưng cười cũng không xong. Ở lại thì không muốn chút nào mà bỏ đoàn ra về thì không dám. Lý do vì thầy đặt cho tôi một cái tên rất là con gái: Thị Nghĩa.
Tôi buồn vì cái tên Thị Nghĩa này lắm. Trong truyền thống của Gia đình Phật tử, từ huynh trưởng đến đoàn viên, đều gọi nhau bằng pháp danh thay vì bằng tên thật. Thật khó chịu biết bao khi nghe các anh các chị gọi tôi là Thị Nghĩa. Nhiều lần tôi định sẽ quy y lại một lần nữa và với một thầy khác. Mục đích duy nhất là để được đặt một pháp danh dễ nghe hơn là pháp danh Thị Nghĩa quê mùa và con gái mà tôi đang có.
Gia đình Phật tử ở quê tôi coi như tan rã kể từ sau khi cộng sản mở cuộc tổng công kích Tết Mậu thân 1968. Các anh chị huynh trưởng, một số đi theo cộng sản, một số đi lính cộng hòa, một số khác bỏ làng ra Đà Nẵng tìm cách sinh sống, làm ăn. Đám đoàn viên chúng tôi từ đó như đám chim non bay tán loạn đầy trời. Tôi bay lạc xuống thị xã Hội An và đậu dưới gốc đa chùa Viên Giác.
Trong những ngày ở Hội An, tôi may mắn gặp lại bổn sư Thích Như Vạn trong một dịp thầy tới thăm chùa. Câu đầu tiên, sau khi vấn an thầy, là tôi phàn nàn ngay việc thầy đã ban một pháp danh rất đàn bà con gái không thể nào chấp nhận được. Tôi bạch với thầy rằng, thầy là bậc tu hành nên không thể hiểu được nỗi khổ đau của một kẻ có tên mà không muốn ai gọi.
Thầy cười và giải thích các triết lý sâu xa của từng chữ, từng câu trong bài kệ tám câu của tổ Minh Hải mà chúng tôi được vinh dự kế thừa. Theo thứ tự mỗi chữ trong câu “Ấn Chơn Như Thị Đồng” có nghĩa là các đệ tử của Đại Đức Thích Như Vạn, dù nam hay nữ, dù xuất gia hay tại gia đều được bắt đầu bằng chữ Thị. Tôi hiểu được một phần nào, nhưng thú thật, đối với một thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi, không phải dễ dàng chấp nhận cái tên của một cô con gái quê mùa Thị Nghĩa.
Tôi rời Hội An để vào đại học. Ở Sài Gòn tôi gần gũi với các tổ chức thanh niên sinh viên Phật tử, có dịp học hỏi dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức. Đối với nhiều người, việc được làm đệ tử của các tôn đức trong hội đồng lãnh đạo của giáo hội là một điều khó khăn nhưng với tôi có lẽ không phải là một điều quá khó. Tuy nhiên, cái toan tính trẻ con thay tên đổi họ, quy y thêm một lần nữa ngày xưa cũng đã thật sự chết đi khi tôi đến tuổi trưởng thành.
Một buổi chiều tháng 10 năm 1973, một người bạn và cũng là người lãnh đạo của một tổ chức sinh viên Phật tử ghé qua thăm. Cậu ấy rủ tôi vào mùng Một tháng sau đi làm lễ Quy y ở Viện Hóa Đạo. Cậu đưa cho tôi xem một danh sách những thành viên trong tổ chức của cậu đã phát nguyện và khuyên tôi nên quy y để bạn bè làm theo. Nhìn sơ qua, tôi rất ngạc nhiên vì danh sách khá dài. Tôi hỏi người bạn: “Chẳng lẽ chừng này Phật tử chưa có một người nào đã quy y trước hay sao?”. Bạn tôi đáp: “Dù một số đã quy y rồi nhưng họ xin quy y lại vì đây là dịp may mới có một tôn đức lãnh đạo trung ương của giáo hội làm lễ thu nhận đệ tử”.
Tôi nghiêm khắc trả lời bạn tôi: “Mình quy y từ hồi nhỏ và không có ý định quy y lần nữa vì làm như thế là không nên”. Người bạn hỏi tôi về pháp danh, tôi trả lời cho cậu ấy biết pháp danh của tôi là Thị Nghĩa.
Không giống như hồi nhỏ, mỗi khi nhắc đến pháp danh mình là mỗi lần mặt tôi đỏ bừng vì mắc cỡ, đêm đó tôi nói về pháp danh của mình một cách trang nghiêm và hãnh diện.
Tôi kể với người bạn về thầy tôi, một ông thầy tu quanh năm chỉ biết tu hành, làm ruộng, làm tương, gánh nước tưới rau ở Tổ đình Phước Lâm thuộc thị xã Hội An. Thầy tôi không tăm tiếng, không quyền lực. Thầy tôi không bận tâm đến chuyện trung ương hay địa phương, thầy Bắc hay thầy Trung. Không ai biết gì về Đại Đức Thích Như Vạn ngoài các đệ tử của ngài và tôi cũng chẳng cần ai biết đến thầy tôi. Với tôi, ngài là hình ảnh của một ngôi trong Tam Bảo mà tôi mãi mãi tôn thờ. Với tôi, ngài là trưởng tử của Như Lai, đi gieo hạt giống tình thương giữa lòng thế gian đau khổ nầy.
Phật tánh bao giờ cũng bình đẳng, không có trung ương hay địa phương, không có sang hay hèn, không có giàu hay nghèo. Thái Tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để đi vào cuộc đời khổ đau bằng một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Bài học giáo lý đầu tiên cách đây mấy chục năm tôi vẫn còn ghi nhớ.
Cách đây ba năm, tình cờ nơi đất khách tôi hân hạnh làm quen với Đại Đức Thích Hạnh Tuấn, là một trong các đệ tử xuất gia của thầy Thích Như Vạn. Thầy Hạnh Tuấn báo tôi biết rằng bổn sư của chúng tôi đã viên tịch. Tôi cảm thấy buồn. Có thể thầy chẳng hề nghĩ đến tôi, một đệ tử trong hàng ngàn đệ tử tại gia của Thầy. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Với tôi, điều quan trọng vì ngài là một trong Tam Bảo mà mỗi người Phật tử phải tôn kính. Thầy trò chúng tôi đã nối nhau bằng một mối dây đạo tính thiêng liêng. Sợi dây đó đứt đi trong kiếp nầy, tự nhiên tôi cảm thấy đau buồn. Thầy Hạnh Tuấn tặng tôi tấm hình của bổn sư chúng tôi. Tôi thỉnh bức hình về thờ để nhớ đến thầy, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên trong thời thơ ấu ở quê hương.
Tôi viết lại những điều này không phải để ca ngợi đạo tính chung thủy của mình nhưng là để nhắc lại một quá khứ đáng quan tâm và ghi nhớ của Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn đầy khó khăn của dân tộc và đạo pháp.
Phật giáo, trong cũng như ngoài nước, đang đứng trước một kỷ nguyên mới nhưng với những thử thách cũ. Quá khứ vẫn còn đó và luôn luôn là một bài học quý giá cho tương lai. Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo trong và ngoài nước chắc đã có nhiều thời gian nhìn lại một chặng đường dài mà giáo hội đã đi qua và từ đó chọn một con đường thích hợp cho đạo Phật trong lòng dân tộc và nhân loại thời đại toàn cầu hóa.
(trích Đêm nghe sông Hằng hát)