Vài Điều Căn Bản
Tiểu Lục Thần Phong
Ở Việt Nam cũng như cộng đồng Phật giáo Việt Nam hải ngoại, Phật giáo bắc truyền chiếm đa số, phần lớn tu sĩ và cư sĩ đều tu học theo truyền thống bắc tông. Có một điều dễ dàng nhận thấy là Phật tử Việt Nam theo truyền thống bắc tông rất mơ hồ về giáo lý và những điều căn bản Phât pháp, rất nhiều người chẳng biết Phật dạy gì, nói gì, Phật pháp là gì. Họ chỉ mơ hồ chung chung là đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, bố thí… và các chùa cũng chẳng thấy giảng dạy những điều căn bản về Phật pháp, hầu hết rất chung chung như: Niệm Phật, ăn chay, cúng dường, gây quỹ, hành hương… Điều này có lẽ rất cần quan tâm đến và cần sự thay đổi.
Phật tử Việt Nam đến chùa tụng kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng, Lăng Nghiêm… nhưng chẳng mấy ai biết tứ diệu đế là gì, bát chánh đạo là gì… Vậy hóa ra chỉ là hoa lá cành mà thiếu căn bản gốc rễ. Ta cứ thử tưởng tượng một cái cây có cành lá sum xuê mà gốc rễ hổng có hoặc có mà quá lỏng lẻo thì cái cây ấy khó có thể bền vững và phát triển. Chúng ta cứ ham xây lầu cao mà nền móng không chắc, sườn cốt không có thì lâu đài ấy cũng dễ đổ như chơi. Cũng vì không biết căn bản Phật pháp, thiếu cái cốt lõi nên tín tâm hời hợt hoặc là chánh tín không có, chánh kiến cũng không từ đó sanh ra những hiện tượng tà tín, tà kiến và ngày càng tràn lan khắp mọi nơi. Những hiện tượng tà pháp ngày càng tăng trưởng, nhiều chùa và rất nhiều Phật tử làm những việc tà pháp nhưng cứ xưng là Phật pháp, Phật sự, tỷ như: Cúng sao giải hạn, trục vong, xem tướng, xin xăm, phong thủy, soi căn, cầu lộc, cầu tài thậm chí cầu con trai… Phât tử sơ cơ vốn đã thiếu hiểu biết giáo lý căn bản, các chùa lại tổ chức làm những việc tà pháp càng làm cho người ta mê muội hơn. Những chùa thực hiện việc tà pháp này thường ngụy biện là: hằng thuận chúng sanh, phương tiện thế là sai lại càng sai, hằng thuận cái đúng, điều chánh chứ không thể hằng thuận cái sai quấy mê muội, tà vạy. Nói thật ra thì các chùa làm điều này đều vì những tà sư nặng danh văn lợi dưỡng mà thôi. Việc này kéo dài đã lâu, giờ muốn thay đổi quả là không dễ tí nào, tuy nhiên vẫn có thể làm từng tí một. Bản thân người Phật tử sơ cơ cũng phải tự thân học hỏi, các chùa thì mở lớp học giáo lý căn bản, thuyết pháp đi vào giáo lý căn bản, bỏ đi lối thuyết pháp chung chung hoặc nói huyền nói diệu, thậm chí tấu hài để lôi kéo nhiều người nghe. Việc thuyết pháp hay giảng dạy giáo lý căn bản quả có khô khan thật nhưng chỉ có Phật pháp căn bản mới thât sự đem lại lợi ích. Thuyết pháp hài, thuyết pháp nói huyền nói diệu thì có hấp dẫn, dễ nghe nhưng cuối cùng thì Phật tử sơ cơ chẳng biết được gì về căn bản giáo lý, cốt lõi Phật pháp! Mà đã không biết căn bản giáo lý thì việc tu học chắc cũng không hiệu quả mấy nếu không muốn nói là không có hiệu quả, bằng chứng là hiện nay rất nhiều Phật tử sơ cơ rất ham việc cúng sao giải hạn, trục vong, trừ tà, mở ngải, xin xăm, phong thủy, bói toán, coi ngày giờ, cầu tài lộc…
Phật tử sơ cơ chúng ta không nắm được căn bản giáo lý, căn bản Phật pháp, trong khi ấy thì những tín đồ các tôn giáo khác họ nắm vững giáo lý tôn giáo của họ, họ thuộc lòng những điều căn bản trong tôn giáo của họ, ví dụ như những tín đồ Thiên chúa, Tin lành, Hồi giáo, Hindu… Vì vậy chúng ta nên cần phải học hỏi, lắng nghe, thuyết pháp, mở lớp học để làm sao Phật tử sơ cơ chúng ta phải biết được những điều căn bản, những cốt lõi của Phật pháp.
Năm xưa khi Phật chứng đắc chánh đẳng chánh giác, ngài đi đến vườn Nai để thuyết pháp, kinh chuyển pháp luân là kinh đầu tiên Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như cũng tức là dạy cho loài người chúng ta. Kinh này nói về tứ diệu đế, đây là căn bản ai cũng cần phải hiểu biết. Tứ diệu đế là bốn chân lý sự thật ở đời nên mọi người phải biết.
Khổ đế, Phật quy nạp tất cả sụ khổ cả thân và tâm ở đời này thành tám đề mục:, sanh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, oán tắng hội, ái biệt ly, ngũ ấm xí thạnh. Thế gian này là cõi dục, là cõi Sa bà, là kham nhẫn, là khổ. Cái vui, cái hạnh phúc trong cõi khổ thì cuối cùng cũng đi đến khổ, cũng vì vậy mà Phật mới thị hiện để chỉ dạy loài người con đường thoát khổ
Tập đế, là tập hợp tất cả những nguyên nhân khổ, nguyên nhân thì có vô vàn nhưng không ngoài tam độc: tham, sân, si. Sự dính mắc vào ngũ dục lục trần
Diệt đế, tức là hết khổ, lìa sanh tử luân hồi, chứng đắc niết bàn. Niết bàn là một cảnh giới và cũng là một trạng thái tâm ý, khi tâm chấm dứt mọi ham muốn, hết dính mắc, không còn tham, sân, si tức là hết khổ
Đạo đế, là con đường đi đến hết khổ, con đường dẫn đến chấm dứt sanh tử luân hồi. Đạo đế chính là con đường trung đạo, là bát chánh đạo, là con đường chuyển phàm thành thánh, con đường chứng quả. Tu sĩ và cư sĩ dù tu học theo truyền thống nào, dòng truyền thừa nào, pháp môn nào cũng không thể không tu bát chánh đạo. Bát chánh đạo là xương sống của cơ thể, là rường cột sườn cốt của căn nhà. Nếu tu học Phật mà không biết bát chánh đạo, không nắm được bát chánh đạo thì tu học cái gì?
Chánh kiến là sự thấy biết xác thực đúng thực tướng (look as is), cái thấy biết phù hợp với tam pháp ấn: khổ, không, vô thường, vô ngã. Cái thấy biết không bị ý chí chủ quan hay quan điểm này nọ của thế gian can thiệp vào. Chánh kiến cực kỳ quan trọng, đứng đầu bát chánh đạo, vì cái thấy biết có chánh thì những cái sau mới có thể dẫn theo những cái sau chánh, nếu cái thấy biết tà vạy thì những cái kéo theo cũng sẽ tà vạy.
Chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, hợp đạo Chánh tư duy là sự suy tư theo hướng ly dục, thiện tâm vô sân và ly hại. Chánh tư duy là sự tư duy có chủ ý đúng, ly dục, ly sân tầm và ly hại tầm, đó là theo kinh sách. Còn chánh tư duy theo cách nghĩ của hàng Phật tử sơ cơ thì chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý. Con người vốn thiên sai vạn biệt vì nghiệp của mình, vì biên kiến, tà kiến, giới kiến thủ. Con người vì tư lợi, vì danh hão, vì mê vọng mà tư duy thiếu sự sáng suốt, tư duy tà vạy. Tư duy đúng và chân chánh phải hợp lẽ đạo, phải khế hợp với tứ diệu đế,
Chánh ngữ là lời nói hiền thiện, hợp đạo. Đúng sự thật. Người có chánh ngữ sẽ không nói linh tinh vì hý luận, vì quyền lợi nào đó hay vì xu phụ quyền thế chính trị. Người có chánh ngữ tức là đã tu cái miệng, một trong ba phần: thần, khẩu, ý. Phải có chánh kiến, chánh tư duy thì mới có chánh ngữ
Chánh nghiệp thuộc về phần tu giới, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh. Nghiệp dẫn dắt tất cả mọi người đi lên hay đi xuống . Nghiệp là do thân-khẩu-ý tạo ra, nghiệp là do tư duy, nói năng hành động của chính mình mà ra. Nghiệp chân chánh thì đem lại lợi lạc cho chính mình, cho gia đình mình và những người xung quanh. Nghiệp chân chánh sẽ đem lại lợi mình, lợi người, lợi vật, đem lại sự thức tỉnh, quân bình, an lạc.
Chánh mạng là sự nuôi mạng hạp đạo, đúng đắn, tuân theo những gì Phật dạy. Mình sống, mình mưu cầu để sống thì kẻ khác hay vật cũng ham sống sợ chết vậy. Chánh mạng là mưu sinh để nuôi thân mạng này nhưng không được làm hại người, hại vật, hại môi tường xung quanh. Người Phật tử sơ cơ sinh sống bằng những nghề lương thiện, mưu sinh để nuôi thân nuôi gia đình cần tránh những nghề gây đau khổ hay chết chóc cho kẻ khác như: chế tạo hay buôn bán vũ khí, ma túy, rượu, nhà thổ, lò mổ..
Chánh tinh tấn tức là sự siêng năng, nỗ lực, kiên trì tu bốn điều cần thiết cần thiết chân chánh đó là: Việc ác chưa sanh thì đừng để sanh ra, việc ác đã sanh thì làm cho tiêu trừ đi, điều thiện chưa sanh thì hãy làm cho phát sanh, điều thiện sanh ra rồi thì làm cho tăng trưởng. Chánh tinh tấn là sự cố gắng một cách đúng và hợp chánh pháp
Chánh niệm là sự có mặt của tâm ở hiện tại quan sát một cách khách quan những gì xuất hiện trong ta và quanh ta, cái tâm duy trì ở hiện tại, lặng lẽ, sáng suốt. Chánh niệm đóng vai trò điều khiển tu tập: Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, đi sâu hơn có lẽ là việc tu học của những bậc xuất gia. Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta thì cạn cợt một tí thôi: Chánh niệm là sự nghĩ nhớ đúng, chân chánh ngay hiện tại bây giờ. Quá khứ đã qua không hối tiếc tương lai chưa đến không mong cầu, chỉ có phút giây hiện tại này. Mình làm việc gì thì biết việc ấy, toàn tâm toàn ý vào việc ấy. Hơi thở vào biết thở vào, hơi thở ra biết thở ra, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở dài biết hơi thở dài, an trú vào hơi thở
Chánh định là sự định tâm đúng phương pháp Chánh định theo kinh sách gồm có: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Chánh định (Samadhi) là chú tâm vào một điểm. Chánh định có thiền chỉ (Bhavana) và thiền quán ( Vipassana), tùy trình độ mà đi từ thấp đến cao tứ thiền, tứ không… Với hàng Phật tử sơ cơ thì chúng ta chỉ cần biết chánh định tức là định tâm đúng phương pháp, Phật giáo có nhiều phương pháp để định tâm, thiền định là phương pháp rộng rãi, phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Thiền định có nhiều cấp độ thích hợp với mọi căn tánh và trình độ khác nhau, có thiền bắc tông, thiền nam tông, có thiềm minh sát, tham thoại đầu, sổ tức, chỉ, quán...Nói chung tất cả đều giúp cho hành giả định được cái tâm, dẹp được cái vọng… tâm có lắng, có định thì huệ mới phát sanh. Ngoại đạo cũng có thiền định như không phải chánh định vì mục đích của họ để khai mở luân xa, cầu đắc thần thông… Chánh định của Phật giáo là để định tâm, để khai mở trí huệ, chánh định là con đườngtu học, là một trong tam học: Giới – định- tuệ.
Tứ diệu đế, bát chánh đạo là nền tảng, là căn bản cho việc tu học. Phật tử sơ cơ chúng ta cứ chung chung mơ hồ: Đi chùa, tụng kinh, làm công qủa, gây quỹ… mà vấn đề cốt lõi không biết thì thiệt thòi cho chính mình. Ngoài tứ diệu đế, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần… đều là căn bản Phật pháp. Thực tế có không ít tu sĩ và cư sĩ cho những vấn đề căn bản ấy là tiểu thừa nên không để tâm đến, chỉ dốc tâm vào những thứ cao siêu, huyền diệu như Pháp Hoa, tánh không, bát nhã… mới chịu. Cụm từ tiểu thừa – đại thừa quả là nghiệt ngã gây ra sự chia chẻ phân biệt và nhiều hệ lụy, hai cụm từ này đã tạo nên sự hiểu lầm, lệch lạc giữa những người học Phật. Cũng vì hai chữ đại thừa mà nhiều người xem thường những vấn đề cốt lõi căn bản của Phật pháp, cũng vì hai chữ đại thừa mà ham cái cao siêu bỏ qua cái nền móng. Cũng vì hai chữ đại thừa mà Phật tử sơ cơ thiếu kiến thức căn bản, không có chánh kiến, chánh tư duy và từ đó mới mê muội tin vào việc cúng sao giải hạn, trục vong, mở ngải, phong thủy, xin xăm, cầu lộc cầu tài... Tốt hơn hết có lẽ nên bỏ đi cái khái niệm tiểu thừa – đại thừa.
Việc tu học của chúng ta nên bắt đầu bằng những bước đi căn bản trước khi biết chạy, biết bay. Kiến thức căn bản, giáo lý căn bản phải biết chắc thì sau đó mới có thể phát sinh hoa quả. Đạo Phật là đạo nhân quả, nói lý, sự thật, trí tuệ. Đạo Phật không có mơ hồ tâm linh huyền bí, không có chuyện phép tắc bùa chú hay ban ơn ban lộc. Khi mình nắm vững giáo lý căn bản thì những từ ngữ ma mị dụ hoặc như: du lịch tâm linh, hành hương tâm linh, phục vụ tâm linh… không còn rù quến được mình.
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 0523- Tag :
- Tiểu Lục Thần Phong