Tâm Thanh Tịnh Thì Thấy Thế Giới Thanh Tịnh
Nguyễn Thế Đăng
1/ Cái thấy thanh tịnh về thế giới.
Kinh nghiệm về đời sống của mỗi người tùy thuộc phần ít vào hoàn cảnh của người ấy, nhưng cái quyết định, thậm chí vượt lên hoàn cảnh là cái tâm của mỗi người. Làm chủ cuộc đời mỗi người chính là cái tâm:
Cũng cái tâm ấy khi đến mức “thanh tịnh, giải thoát” thì thấy mọi vật, thế giới là thanh tịnh. Đức Phật dạy:
“Nhưng này Bhaggava, ta không có nói rằng: ‘Khi một người nào đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là bất tịnh’. Này, Bhaggava, ta nói như sau: ‘Khi một người nào đạt đến thanh tịnh, giải thoát, vị ấy biết mọi vật là thanh tịnh’”.
(Kinh Trường bộ, kinh Ba Lê)
Mọi vật, tức là thế giới, là thanh tịnh khi người ta đạt đến thanh tịnh, hay đã tịnh hóa tâm mình. Tùy theo tâm mình được tịnh hóa đến đâu thì thế giới được tịnh hóa đến đó.
Khi tâm thanh tịnh, người ta sẽ thấy thế giới thanh tịnh. Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc thứ nhất, Đức Phật nói với trưởng giả Bảo Tích:
“Thế nên, Bảo Tích! Nếu Bồ tát muốn được Tịnh độ hãy tịnh tâm mình. Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh”.
Sau đó, do ngài Xá Lợi Phất thắc mắc vì thấy cõi này chẳng thanh tịnh, Đức Phật giảng giải:
“Xá Lợi Phất! Do tội chướng của mình, chúng sanh không thấy cõi nước Như Lai thanh tịnh và trang nghiêm, chớ chẳng phải lỗi của Như Lai.
Này Xá Lợi Phất! Cõi này của ta vẫn thanh tịnh mà ông chẳng thấy.
Bấy giờ Phạm vương Loa Kế thưa với ngài Xá Lợi Phất: Ngài chớ có ý nghĩ rằng cõi Phật đây không thanh tịnh. Tại sao thế? Tôi thấy cõi Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như cung trời Tự Tại.
Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi thấy cõi này toàn là gò đống, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá núi non, đầy thứ dơ bẩn, xấu xí.
Phạm vương Loa Kế nói: Tâm ngài có cao thấp, chẳng y nơi huệ Phật nên thấy cõi đây chẳng thanh tịnh.
Thưa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát đối với tất cả chúng sanh, thảy đều bình đẳng. Thâm tâm thanh tịnh, y nơi trí huệ Phật bèn thấy cõi Phật này là thanh tịnh”.
Như vậy, điều chúng ta vẫn thường nói “tu tâm”, là làm cho tâm mình thanh tịnh, tịnh hóa tâm mình. Tịnh hóa tâm mình sạch hết những nhiễm ô che chướng của phiền não và hiểu biết (sở tri chướng) là con đường chung của tất cả mọi kinh điển, của tất cả mọi tông phái.
Đức Phật nói, cõi này, thế giới này của ngài vẫn thanh tịnh mà chúng sanh chẳng thấy. Đó chẳng phải là lỗi của Như Lai, mà là do tâm chúng sanh bất tịnh nên chẳng thấy được cõi này, thế giới này là thanh tịnh. Tâm chúng sanh bất tịnh vì cái thấy bị nhiễm ô bởi phân biệt ta đối với người khác, ta đối với thế giới và bởi vô vàn phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ…
Thế nên, con đường Phật giáo là con đường tịnh hóa tâm, và khi tâm thanh tịnh thì thấy biết thế giới thanh tịnh. Điều này được nói nhiều trong các kinh điển. Ở đây chỉ trích ra một đoạn trong Kinh Viên Giác, chương Bồ tát Phổ Nhãn:
“Tánh giác tròn đầy sáng suốt đã hiện ra nên hiển bày tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì cái thấy trần thanh tịnh. Cái thấy trần thanh tịnh thì giác quan mắt thanh tịnh. Mắt thanh tịnh thì thức của mắt thanh tịnh… Như thế cho đến mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều thanh tịnh.
Thiện nam tử! Căn (giác quan) thanh tịnh thì sắc trần thanh tịnh. Sắc thanh tịnh thì thanh trần thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.
Thiện nam tử! Sáu trần thanh tịnh thì địa đại thanh tịnh. Địa đại thanh tịnh thì thủy đại thanh tịnh. Hỏa đại, phong đại cũng lại như vậy. Bốn đại thanh tịnh thì mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi cõi, tất cả thế giới đều thanh tịnh…
Thiện nam tử! Tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh, thế nên một thân thanh tịnh. Một thân thanh tịnh thì nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh”.
2/ Cái thấy thanh tịnh về chúng sanh
Trong kinh Duy Ma Cật, đoạn trích dẫn ở trên nói:
“Bồ tát đối với tất cả chúng sanh, thảy đều bình đẳng. Thâm tâm thanh tịnh, y nơi trí huệ Phật bèn thấy cõi Phật này là thanh tịnh”.
Đoạn Kinh Viên Giác trích dẫn ở trên cũng nói Bồ tát thấy chúng sanh thanh tịnh:
“Một thân thanh tịnh thì nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh”.
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện, quyển 38, Tam Tạng Bát Nhã đời Đường dịch, Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh nói:
“Quán sát khắp cả chúng sanh đồng với Như Như, không có sự phân biệt.
Thấu rõ thể tánh bình đẳng của chúng sanh mà chứng nhập tâm tánh bình đẳng”.
Như Như là Chân Như. Chúng sanh đồng với Chân Như nghĩa là chúng sanh đồng với, bình đẳng với tánh thanh tịnh vốn sẳn của Chân Như. Thế nên Bồ tát giải thoát cho chúng sanh là giúp họ giải tan mê vọng của họ, để họ thấy biết thể tánh bình đẳng, đồng với Chân Như của mình.
Các kinh thường có câu “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” để chỉ hạnh của Bồ tát. Tịnh Phật quốc độ là làm thanh tịnh tâm của mình. Thành tựu chúng sanh là giúp cho chúng sanh thoát khỏi nhiễm ô để chứng ngộ “tâm tánh” (bản tánh của tâm) vốn thanh tịnh của họ. Tâm tánh của chúng sanh chính là Chân Như.- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng