Bài Bác Để Làm Gì?
Thích Trung Hữu
Bài bác có nghĩa là phủ nhận một điều gì đó và dùng lý lẽ để chứng minh điều đó là không đúng, theo sự hiểu biết của cá nhân của mình. Bài bác diễn ra trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ, từ những chuyện vặt vãnh đời thường cho đến hệ tư tưởng, xuất phát từ nhiều lý do, động cơ và mục đích khác nhau.
Hiện tượng bài bác nhau trong Phật giáo đã có từ ngàn xưa, ví dụ như Phật giáo đại thừa “bài bác” hàng Thanh vănlà tiểu thừa, “tiêu nha bại chủng” khi những nhà đại thừaphát động phong trào Đạo Phật nhập thế và Đạo Phật cho đại đa số quần chúng. Sự “bài bác” đó không những không làm cho người ta có suy nghĩ rằng những nhà đại thừa “nói xấu” hàng Thanh văn mà ngược lại còn kính trọng họ vì họ đã thổi vào Phật giáo một luồng gió mới, đem đến sự mát mẻ và sinh khí cho Phật giáo vốn đang khô cằn với Phật giáo bộ phái lúc bấy giờ. Đó là sự “bài bác” đầy trí tuệ, xuất phát từ động cơ trong sáng và cao cả, một lòng vì Phật Pháp chứ không phải vì tư lợi cá nhân.
Tuy nhiên sự bài bác trong Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Việt Nam hiện nay thì lại khác, không phải vì sự phát triển của Phật Pháp mà là vì cá nhân, và thật sự mà nói là vô cùng thiếu trí tuệ. Tức là đem cái nhìn của phàm phu đầy phiền não nghiệp chướng của mình để đánh giá, nhận xét cảnh giới của chư Phật, chư Thánh.
Vài năm gần đây, do chùa có một số công việc phải làm nên tôi ít theo dõi tình hình phật sự. Chỉ an phận làm người quét dọn chùa. Chuyện xã hội, chuyện Phật giáo như thế nào thường không muốn biết, không muốn nghĩ tới. (Nhưng như vậy mà lại cảm thấy an lạc vô cùng, trong những công việc bình thường ấy). Gần đây có người gửi cho tôi một đoạn video của một vị thầy giảng, phủ nhận pháp môn Tịnh độ, cho rằng không có chuyện vãng sanh, cũng không có Phật hay Thánh chúngđến tiếp rước người về Cực lạc. Vị giảng sư ấy lập luận rằng nếu Phật và Thánh chúng đến tiếp người vãng sanh thì sao không ai nhìn thấy Phật hay Thánh chúng hết? Nếu Phật hay Thánh chúngtới rước thì mọi người xung quanh đều phải thấy Phật và Thánh chúng chứ, nhưng có ai thấy đâu?
Tôi chỉ là một phàm phu, cũng tự biết mình chưa có huệ nhãn nên không dám nhận xét ai, nhất là đối với những bậc tôn túc hay giảng sư nổi tiếng. Tôi chỉ trộm nghĩ rằng cái lập luận của vị thầy ấy khá là ngây ngô. Nó giống với nhận thức của một người bình thường không biết gì về Phật pháphoặc của trẻ con hơn là của một người có tầm cỡ trong Phật giáo như thầy ấy.
Đừng nói gì đến chư Phật và Thánh chúng, ngay cả vong linh thôi mà cũng hiếm người thấy được. Bởi vì con người chúng ta chỉ có thể thấy được những thứ có cùng cảnh giới, cùng nghiệp báo với mình mà thôi. Những cảnh giới khác, cảnh giới cao hơn hay thấp hơn như địa ngục, ngạ quỷ… ta không thể nào thấy được. Nếu nói theo vị giảng sư ấy thì mỗi lần có người vãng sanh thì mọi ngườixung quanh đều thấy Phật và Thánh chúng từ hư không tới rước, và cũng thấy thần thức của người vãng sanh xuất hồn để đến và đi theo Phật và thánh chúng về Tây Phương, và người ta có thể đến xem, quay phim, chụp hình? Một ngày có rất nhiều người vãng sanh và không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới nữa. Như vậy hóa ra người ta sẽ thấy Phật và Thánh chúng lúc nào cũng dập dìu trên hư không sao? Đó là chưa tính đến việc có thể Phật và Thánh chúng đáp xuống đất, gây ùng tắt giao thông cũng nên. Nói mà nghe y như phim, y như trò chơi vậy!
Hãy khoan đánh giá vị thầy ấy có trí tuệ hay không, nhưng phủ nhận pháp môn này, pháp môn kia để làm gì? Có lợi gì cho Phật Pháp và chúng sanh? Hay chỉ là để thể hiện mình “có trí tuệ hơn người”?
Những pháp môn trong Phật giáo như Thiền, Tịnh, Mật… đã hình thành từ hàng ngàn năm nay, từ các vị tổ ở Ấn Độ. Nếu ngày nay, có ai muốn đánh giá lại những pháp môn đó thì trước hết phải chắc chắn rằng mình đã chứng quả A la hán, đã được lục thông, được huệ nhãn. Còn nếu thấy rằng mình chưa chứng được quả vị nào, mà chỉ là một phàm phu thì xin đừng nhận xét “vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” của chư Phật, chư tổ. Còn nếu như mình đã hết đề tài để giảng thì tốt hơnkhông nên giảng hoặc giảng những đề tài tuy không mới nhưng có lợi ích. Không nên vì để chứng tỏ bản thân, để thu hút tín đồ mà nghĩ ra những điều không hợp lý. Chẳng những không có lợi gì cho Phật Pháp, cho xã hội mà bản thân mình còn phải mang nghiệp nữa.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc Phật giáo Việt Nam cần chấp dứt hiện tượng bài bác lẫn nhau.
Thích Trung Hữu
- Tag :
- Thích Trung Hữu