Tánh Không Như Mộng
Nguyễn Thế Đăng
Tánh Không được đồng hóa với như mộng. Đây là điều hệ thống Kinh Đại Bát Nhã thường nói. Một kinh thuộc loại ngắn như Kim cương Bát nhã ba la mật đa hoàn toàn giảng về tánh Không, thì bài kệ chấm dứt kinh nói về như mộng, như huyễn:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh
Như sương, như điển chớp
Hãy quán thấy như vậy.
1/ Tại sao như mộng?
Tại sao tất cả mọi hiện hữu, từ sự vật cho tới con người, đều như mộng?
- Sự vật và chúng sanh được kinh nghiệm lúc thức đều không có thực thể, không có tự tánh, “vô tự tánh” nên không có hiện hữu thật. Trong giấc mộng cũng thế, mọi xuất hiện đều không có tự tánh, không có hiện hữu thật.
Kinh nghiệm lúc thức không có tự tánh, kinh nghiệm trong lúc mộng cũng không có tự tánh, nên thức và mộng giống nhau.
- Kinh nghiệm lúc thức và kinh nghiệm trong mộng đều do “thức” mà có, nếu không có thức thì sẽ không trải nghiệm được điều gì cả.
Đây là điều Duy thức tông gọi là “thức biến”. Kinh nghiệm lúc thức và kinh nghiệm lúc mộng đều do thức biến, do đó đều như mộng. “Tất cả mọi hiện hữu kinh nghiệm được đều như mộng, huyễn, bọt, ảnh…”
- Thay vì chỉ nói cuộc đời con người và những gì nó sở hữu là “vô thường, khổ, và vô ngã” thì hệ thống kinh Đại Bát nhã còn nói là “vô sở hữu” (không có hiện hữu), “bất khả đắc” (không thể nắm lấy được).
Vì không có hiện hữu, không thể nắm lấy được nên như một giấc mộng. Có xuất hiện nhưng không hiện hữu (appearing yet nonexistent), đó là giấc mộng, đó là cuộc đời chúng ta đang sống.
Ngoài kinh Đại Bát nhã, và những kinh khác như Hoa Nghiêm, Lăng Già…, các vị Tổ của những tông phái lớn đều nói cuộc đời vật chất này là như mộng:
Lục Tổ Huệ Năng nói:
Chỉ người vượt thức lượng
Thông đạt, không lấy bỏ
Vì biết pháp năm uẩn
Ngoài hiện các sắc tượng
Tất cả tướng âm thanh
Bình đẳng như mộng huyễn…
(Phẩm Cơ Duyên)
Ngài Longchenpa, một trong những vị cao cấp nhất của Đại Toàn Thiện (Dzogchen), trong cuốn Tìm thấy Nhàn nhã và Thong dong trong An vui, ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2017 (Maya Yoga, nxb Vajra, 2010) nói về Tương tự thứ nhất là giấc mộng, như sau:
Bấy giờ thực hành chính, hãy thiền định như vầy:
thế giới bên ngoài, núi non và thung lũng,
những làng mạc thị thành và dân cư,
đất, nước, lửa, gió và không gian,
mọi sắc thanh hương vị xúc,
năm đối tượng của giác quan
và thế giới bên trong của thân tâm
và các thức giác quan, mọi kinh nghiệm
cần được quán chiếu không ngừng là giấc mộng…
2/ Nền tảng hay môi trường của mộng
Kinh Nhập Lăng Già nói tất cả các sự vật là những làn sóng thức khởi từ đại dương tâm:
Thảy thảy pháp như sóng
Thân, tài sản, nhà cửa
Thức chúng sanh khiến hiện
Tạng tâm như biển cả
Chuyển thức như làn sóng
Vì phàm phu không biết
Thí dụ rộng khai diễn.
Các hiện tướng xuất hiện trong nền tảng tâm hay môi trường tâm như sóng và biển, bóng và gương, mộng và ánh sáng căn bản của tâm:
Nếu nói sự chân thật
Tâm kia không chân thật
Thí như sóng đại dương
Bóng trong gương và mộng
Đồng thời mà hiển hiện
Cảnh giới tâm cũng thế.
Mộng là những hình ảnh như các bóng hiện trong gương. Gương thì trống không, không chứa vật gì (tánh Không) và gương phải sáng (quang minh). Mộng xuất hiện trong tánh Không - quang minh, và những hình ảnh trong mộng đều là tánh Không, không thể cầm nắm, không thể đắc, không có hiện hữu thật. Nhưng cũng như các bóng không thể dính cứng vào gương, mộng có tánh Không - quang minh làm nền tảng, làm môi trường để xuất hiện, nhưng mộng không thể làm ô nhiễm tánh Không - quang minh.
Như khi chiếu một cuốn phim, muốn cho có sự hiện thành hình ảnh, phải có một tấm màn trống không (tánh Không) và ánh sáng (quang minh) làm nền tảng cho sự hiện hình. Giấc mộng cũng thế, muốn hiện hình ảnh của mộng, phải có nền tảng trống không và ánh sáng của tâm.
“Đại Huệ! Thí như gương sáng không có phân biệt, tùy thuận các duyên mà hiện các hình bóng, đó chẳng phải là hình cũng chẳng phải không phải hình mà thấy ra hình và chẳng phải hình, người ngu phân biệt mà tạo ra cái tưởng hình.
Đại Huệ! Thí như chỗ đất đai không có cỏ cây, ánh sáng mặt trời chiếu tạo ra những sóng nắng như nước chuyển động, chúng chẳng phải có chẳng phải không, vì là tưởng điên đảo, sai lầm. Phàm phu mê si cũng lại như vậy, tập khí xấu huân tập từ vô thủy, trong pháp tánhlại thấy có sanh trụ diệt, một khác, có không, cùng chung chẳng cùng chung…”
Giấc mộng cũng thế. Do các tập khí, thói quen, ô nhiễm mà thấy ra, và cái thấy có vật ấy xuất hiện trong tánh Không – quang minh (gương sáng, chỗ đất đai không có cỏ cây).
Thế nên, khi biết được cuộc đời này là mộng, ba cõi là mộng, người ta giải thoát.
Các thức uẩn có năm
Như bóng cây trong nước
Thấy đều như huyễn mộng
Chớ nên vọng phân biệt.
Ba cõi như sóng nắng
Huyễn mộng và vòng tóc
Nếu quán được như thế
Rốt ráo đắc giải thoát.
(Kinh Nhập Lăng Già, Tập tất cả pháp, phẩm thứ 2)
3/ Học Không bất chứng, Mộng trung bất chứng
Nhưng giải thoát của Bồ tát không phải là bỏ sanh tử, bỏ chúng sanh ở trong sanh tử mà là thấy sanh tử và chúng sanh như mộng, như huyễn trong tấm gương tâm trống không và quang minh. Đây là Như huyễn tam muội của Bồ tát địa thứ tám, đắc Vô sanh pháp nhẫn(theo kinh Nhập Lăng Già). Như huyễn tam muội là ở trong sanh tử cùng với chúng sanh, nhưng không bị nhiễm ô bởi sanh tử và chúng sanh.
Giải thoát của Bồ tát không phải là nhập vào tấm gương tánh Không - quang minh không còn các bóng của ba cõi sanh tử và chúng sanh trong gương, mà là thấy các bóng trong gương đúng với thật tướng của chúng là như huyễn như mộng. Giải thoát của Bồ tát không phải là chấm dứt giấc mộng, vì chúng sanh là chúng sanh trong mộng. Chấm dứt giấc mộng thì cũng không còn chúng sanh để cứu độ, lấy gì mà thực hành hạnh Bồ tát? Giải thoát của Bồ tátkhông phải là bỏ hẳn giấc mộng, mà là thấy sanh tử và chúng sanh là mộng. Như ở trên nói, “xuất hiện nhưng không có hiện hữu thật”.
Kinh Đại Bát Nhã nói Bồ tát học Không, nhưng chẳng chứng Không. Đây là việc vô cùng khó.
Bát nhã bát thiên tụng (trích từ Thiền Luận phần Quán Không bất chứng tập III của D. T. Suzuki, Tuệ Sĩ dịch) nói:
“Bấy giờ Phật nói với Tu Bồ Đề: Đúng thế, đúng thế! Đấy thực là khó khăn, đấy thực là vô cùng khó khăn. Đại Bồ tát tu tập tánh Không, trụ nơi tánh Không, đạt Không tam ma địa, nhưng không thủ chứng Thật Tế Không. Tại sao thế? Bởi vì Bồ tát phát đại nguyện tối thắngkhông rời bỏ chúng sanh, nguyện dẫn chúng sanh đến giải thoát rốt ráo.
Sau khi phát những đại nguyện đó, Bồ tát bước vào các Tam ma địa Giải thoát môn là Không, Vô Tướng và Vô Nguyện. Nhưng bấy giờ không lấy đó mà thủ chứng Thật Tế Không, bởi vì Bồ tát được trang bị đầy đủ bằng Phương tiện thiện xảo. Được hộ trì bởi Phương tiện thiện xảo, Bồ tát biết rõ lúc nào nên thủ chứng Thật Tế, trước khi đầy đủ tất cả Phật pháp. Bồ tátquyết tâm không thọ hưởng kết quả thực hành tánh Không của mình cho đến khi hết thảy chúng sanh thoát khỏi trói buộc và thống khổ”.
Về chủ đề học tánh Không nhưng không chứng nhập tánh Không, kinh Đại Bát Nhã có hẳn một phẩm Học Không bất chứng thứ 60. Và tu học mộng nhưng cũng chẳng chứng lấy mộng được nói trong phẩm Mộng trung bất chứng thứ 61 tiếp theo:
“Đại Bồ tát quán các pháp như mộng, như huyễn, như âm vang, như sóng nắng, như hóa, mà cũng chẳng chứng lấy”.
Mộng trung bất chứng là trong mộng mà chẳng chứng mộng. Chứng mộng, biết hoàn toàn là mộng thì sẽ thoát khỏi mộng, và cũng thoát khỏi việc cứu độ chúng sanh.
Chứng lấy mộng nghĩa là thấy cuộc đời hoàn toàn là mộng, chẳng có giá trị, ý nghĩa gì, do đó bỏ hẳn giấc mộng. Và bỏ hẳn giấc mộng là bỏ hẳn chúng sanh và trách nhiệm đại nguyệncứu độ chúng sanh. Thế nên kinh nói như mộng, như huyễn, chứ không nói là mộng, là huyễn. Chữ “như” ấy chính là “phương tiện thiện xảo của Bồ tát”.
Qua chữ “như mộng” này, có một số người chưa tư duy kỹ lưỡng cho rằng Phật giáo là một chủ nghĩa lãng mạn ủy mị và bi quan. ‘Đời người thoáng qua như một giấc mộng. Một giấc mộng nhiều đau buồn’.
Thật ra, trên nền tảng như mộng, như huyễn này, mà Bồ tát có thể làm những việc “vô cùng khó khăn” trong nhiều kiếp, “phát đại nguyện không rời bỏ chúng sanh, quyết tâm không thọ hưởng kết quả thực hành tánh Không của mình, cho đến khi tất cả chúng sanh thoát khỏi trói buộc và thống khổ”.
Tánh Không như mộng là nền tảng tạo ra những con người anh hùng, những đại nhân, những con người vĩ đại (mahasattva), trong thành ngữ Đại Bồ tát (Bodhisattva Mahasattva) mà chúng ta thường nói.
- Tag :
- Nguyễn Thế Đăng