Đức Phật Dạy Cách Lang Thang Chơn Chánh
Nguyên Giác
Lang thang, nơi đây có nghĩa là đi lang thang. Đức Phật đã dạy các nhà sư nên đi lang thang thế nào? Các bản tiếng Anh thường dùng chữ “wander” để nói về hành vi lang thang. Có phải đây chỉ là một ẩn dụ, không hoàn toàn có nghĩa là rời chùa để bước xuống phố, rồi đi từ làng này tới xóm nọ, từ tỉnh này tới tỉnh kia? Bất chợt, có một vài Phật tử ngộ nhận rằng phải đi lang thang mới là nhà sư chơn chánh. Bài viết này sẽ ghi lời Đức Phật dạy về cách lang thang chơn chánh của các nhà sư, không phải là một hành trình “đường bộ” mà phải là một hành trình về tâm.
Có thể thấy, khi chúng ta mở kinh ra đọc, đa số lời dạy chỉ thấy Đức Phật nói rằng, “này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm hơi thở vô, chánh niệm hơi thởra...” Nghĩa là, chủ yếu là dạy ngồi, không khuyến tấn đi lang thang. Giữa hành vi đi bộ từ ngày này tới ngày nọ, với hành vi tìm tới gốc cây hay căn nhà trống, ngồi xuống, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt… là cả một trời mênh mông cách biệt.
Hành động bước đi trong Kinh Phật cũng có một ý nghĩa khác với chuyện bước đi ngoài đường lộ. Kinh SN 47.6 ghi rằng “hành xứ” -- tức là “cõi bước đi” – của người tu không có nghĩa là đưa chân bước tới, mà chỉ có nghĩa là cõi của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… Đức Phật cảnh giác rằng chớ có đi tới chỗ ngoài hành xứ của mình, vì đi chệch ra là Ác ma sẽ chộp lấy cơ hội quậy phá. Như thế, đi lang thang nơi Kinh này chỉ có nghĩa là chuyện của “tâm hành” chứ không có nghĩa bộ hành. Cho nên, nói “đi” thực sự không có nghĩa là “đi” theo nghĩa đời thường. Ngộ nhận một chút, là sẽ hỏng.
Kinh SN 47.6, bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dụccông đức. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức … Có các hương do mũi nhận thức … Có các vị do lưỡi nhận thức … Có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác.” (1)
Trong truyền thống Theravada Thái Lan, ý nghĩa của đời sống lang thang được hiểu theo một nghĩa nhất định. Trong bài viết nhan đề “Mange in the Mind” nhà sư Thanissaro, một vị sư gốc Hoa Kỳ tu học ở Thái Lan và là người đã dịch Tam Tạng Pali ra tiếng Anh, viết, trích dịch như sau:
“Cuộc sống của một nhà sư thiền định là một cuộc sống lang thang. Nhưng nếu bạn nhìn chúng tôi từ bên ngoài, có vẻ như chúng tôi không lang thang nhiều như vậy. Tuy nhiên, nhà sư Ajaan Maha Boowa nhận định rằng nơi thực sự để lang thang, nơi thực sự để khám phá, không phải là bên ngoài. Đó là những gì đang diễn ra bên trong thân và tâm của bạn. Đối với hầu hết chúng ta, đó là terra incognita, vùng đất mà chúng ta không biết…
…Cách ẩn dụ của nhà sư Ajaan Maha Boowa là, thân như một thành phố, với các đường phố và những tòa nhà. Các giao lộ bốn chiều là Tứ thánh đế; các giao lộ ba chiều là ba đặc tướng. Mọi thứ bạn cần biết đều ở ngay đây. Tất cả các công cụ bạn cần để biết, để giúp bạn biết, cũng ở ngay đây. Chỉ là bạn chưa dành đủ thời gian để khám phá về thân.” (2)
Nên ghi chú rằng, ba đặc tướng trong đoạn vừa dẫn có nghĩa là ba pháp ấn, nằm sẵn trong tất cả các pháp hữu vi: Khổ, Vô thường, Vô ngã. Như thế, Therevada Thái Lan (theo lời vị Tam Tạng Pháp Sư Thanissaro) không xem nặng chuyện đi bộ hành, vì “cuộc sống lang thang” được hiểu là nhìn vào thân và tâm để thấy sự thật chuyển biến nơi thân tâm, và để kinh nghiệm lời dạy của Đức Phật trong hành trình khám phá thân và tâm của mình.
Chỗ này không hề mơ hồ. Vì Đức Phật nói trong Kinh SN 35.23 về cái “tất cả” của ba cõi, sáu đường mà chúng ta đang sống và có thể kinh nghiệm thực ra chỉ là mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, ý và cái được tư lường. Ngoài cái “tất cả” đó ra, là ngoài thế giới bản thântừng người. Như vậy, khi nói lang thang, là chỉ trong giới vực này.
Trong Kinh SN 35.23, bản dịch Thầy Minh Châu viết: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả. Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!” (3)
Trong nhóm Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, có một kinh dễ bị hiểu nhầm về ý nghĩa “đi lang thang.” Đó là Kinh Snp 1.3. Còn gọi là “Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng” theo bản dịch của Thầy Minh Châu. Bản tiếng Anh là Kinh "The Horned Rhino" theo bản Anh dịch của Sujato, có tên là Kinh "The Rhino Horn: A Teaching for the Hermit-minded" theo bản Anh dịch của Laurence Khantipalo Mills, và có tên là Kinh "Khaggavisana Sutta: A Rhinoceros" theo bản dịch của ngài Thanissaro.
“Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.”
-- Trích Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng, bản dịch Thầy Minh Châu (4)
Bản Anh dịch của Sujato viết rất rõ, rằng không hề có chuyện đi bộ hành hay đi lang thang: “Live alone like a horned rhino.” (Dịch: Hãy sống đơn độc như con tê ngưu một sừng). Nghĩa là, nên sống đơn độc, sống tịch lặng. Trong khi Đức Phật lặp đi, lặp lại 40 lần rằng hãy sống đơn độc trong 40 đoạn thơ, chỉ có một đoạn thơ chen vào giữa nói rằng chỉ khi tìm được bạn lành, thì mới nên “Hãy sống với bạn ấy / Hoan hỷ, giữ chánh niệm.” Hiển nhiên, ngay cả khi sống đơn độc, hay ngay cả khi sống với bạn đồng tu, không có nghĩa là đi bộ lang thang.
Có một Kinh dạy về cách chơn chánh để lang thang, nhưng đọc kỹ, chúng ta cũng thấy không phải là Đức Phật khuyến tấn bộ hành, mà chỉ là những khảo sát về tâm. Kinh này, ký số Snp 2:13, trong bản tiếng Anh:
. của Sujato có nhan đề là “The Right Way to Wander” (Cách chơn chánh để lang thang);
. của Laurence Khantipalo Mills nhan đề là “Perfection in the Wandering Life” (Toàn hảo trong đời sống lang thang);
. của Thanissaro (ký số: Sn 2:13) nhan đề là “Right Wandering” (Lang thang chơn chánh).
. và bản tiếng Việt của Thầy Minh Châu nhan đề là “Kinh Chánh xuất gia” (5) (Lang thang hiểu là xuất gia).
Đọc kỹ Kinh Snp 2:13, chúng ta không thấy nói chuyện bộ hành, mặc dù nhan đề có chữ “lang thang” (wandering) mà Thầy Minh Châu dịch là du hành. Nơi đây, xin phép dịch lại “Kinh lang thang chơn chánh” dựa vào ba bản Anh dịch và bản tiếng Việt của Thầy Minh Châu để cho rõ nghĩa như sau.
… o …
Sammāparibbājanīyasutta: Kinh lang thang chơn chánh
Người hỏi: Con xin hỏi bậc ẩn sĩ, có trí tuệ vô lượng, đã vượt qua, tới bờ kia, đã tịch lặng, định tĩnh. Rằng khi một nhà sư đã xuất gia, rời bỏ các dục, cách nào chơn chánh để vị đó lang thang trong thế gian này?
Đức Phật đáp: Khi vị đó đã xóa bỏ niềm tin mê tín, về những điềm báo từ cõi trời, từ giấc mơ hoặc từ dấu hiệu trên cơ thể; khi đã rời bỏ sau lưng những vết nhơ của mê tín dị đoan, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Một nhà sư phải xua tan lòng tham đối với những niềm vui cõi người hay cõi trời; với sự tái sinh đã vượt qua và với sự thật đã hiểu, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế giannày.
Bỏ lại sau lưng mọi chuyện chia rẽ, một nhà sư từ bỏ sân hận và lòng keo kiệt; bỏ lại sau lưng mọi chuyện ủng hộ và kình chống, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế giannày.
Rời bỏ tất cả những gì được yêu thích và cả những gì không được yêu thích, không nắm giữ hay nương dựa vào bất cứ những gì; được giải thoát khỏi mọi thứ trói buộc, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Không tìm thấy cốt lõi nào trong các chấp trước, xa lìa ham muốn với những thứ họ đã có được, độc lập, không nương dựa vào ai hướng dẫn nữa, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Không còn chút gì gây hấn trong lời nói, tâm ý và hành động, vị đó chơn chánh hiểu được Diệu pháp. Khát khao sống chứng ngộ Niết Bàn, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Không kiêu ngạo hả hê rằng, ‘người ta tôn kính tôi’; khi bị xúc phạm, vị đó không để bận tâm; không vui mừng khi được cúng dường thức ăn, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Rời bỏ lòng tham và lòng khao khát sống, vị đó xa lìa bạo lực và không còn khống chế ai; không còn nỗi nghi ngờ nào, đã gỡ bỏ xong mũi tên, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Biết những gì phù hợp với mình, vị đó sẽ không làm hại ai trên thế gian; ngộ nhập Chánh pháp như thực, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Vị đó không còn xu hướng tiềm ẩn nào, đã nhổ xong những gốc rễ bất thiện; xa lìa hy vọng, và không cần hy vọng, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Vị đó đã chấm dứt tất cả những ô nhiễm, đã từ bỏ lòng kiêu ngạo, đã vượt qua mọi tham dục; được thuần hóa, đã tịch lặng và định tĩnh, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Có lòng tin, có học vấn uyên bác, nhìn thấy đường đạo chắc thật, người trí không chọn phe phái giữa nhiều bộ phái; xa lìa tham, sân và thù nghịch, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Vị đó chiến thắng, thanh tịnh, đã gỡ bỏ bức màn che, tự tại trong các pháp, đã qua bờ kia, tịch lặng; là bậc thầy biết đoạn tận các sở hành, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Vị đó vượt qua tất cả những suy đoán về tương lai hoặc quá khứ, và hiểu thế nào là thanh tịnh; đã giải thoát ra khỏi tất cả những căn trần, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Vị đó hiểu tận tường trạng thái an lạc, hiểu thấu Chánh pháp, nhìn thấy rõ ràng những ô nhiễm được buông bỏ; và với sự chấm dứt của mọi sự bám víu, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
Người hỏi: Bạch Thế Tôn, hiển nhiên, đúng như lời Thế Tôn dạy. Người sống như thế là một vị sư thuần thục, đã vượt qua mọi xiềng xích; vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.
… Hết Kinh Sammāparibbājanīyasutta …
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 47.6: https://suttacentral.net/sn47.6/vi/minh_chau
(2) Thanissaro, Mange in the Mind: https://www.dhammatalks.org/audio/evening/2006/060309-mange-in-the-mind.html
(3) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau
(4) Kinh Tê Ngưu Một Sừng: https://thuvienhoasen.org/p15a1544/chuong-01-pham-ran
(5) Kinh Chánh Xuất Gia: https://thuvienhoasen.org/p15a1545/chuong-02-tieu-pham
Kinh Snp 2:13: The Right Way to Wander: https://suttacentral.net/snp2.13/en/sujato
- Tag :
- Nguyên Giác