"Một thời Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng: …
- Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là chánh kiến?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
- Biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Đó gọi là chánh kiến.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
- Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.
Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:
- Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, có bao nhiêu duyên sanh chánh kiến?
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:
- Có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến. Những gì là hai? Một là duyên từ người khác, hai là nội tâm tư duy. Đó là có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:
- Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la."
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Đại Câu-hy-la, số 211 [trích, lược])
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện; thấy biết về nhân quả và nghiệp báo của thiện ác; thấy biết về duyên khởi, nhân duyên, đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp là chánh kiến. Đặc biệt, chánh kiến là “Biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo”. Khổ đau và bất toàn là sự thật vốn dĩ của thế gian. Nguyên nhân chủ yếu của khổ là tham ái và vô minh. Tham ái và vô minh diệt thì khổ đoạn diệt. Con đường diệt khổ chính là Thánh đạo tám ngành.
Chánh kiến có hai loại, đó là chánh kiến hữu lậu có sanh y và chánh kiến vô lậu không có sanh y. Chánh kiến hữu lậu là sự thấy biết đúng nhưng còn trong phạm vi thế gian (hiệp thế). Chánh kiếnhữu lậu còn tái sanh trong tương lai để hưởng phước báu của thiện nghiệp, còn tạo ra danh sắcmới. Chánh kiến vô lậu là thấy biết cao thượng, trực nhận chân lý, không bị phiền não cấu uế trói buộc, vượt thoát thế gian, không tạo ra danh sắc mới (siêu thế), là chi phần của Thánh đạo.
Để thành tựu chánh kiến, cần trợ duyên từ người khác và nội tâm tư duy. Nương tựa những bậc hiền trí, thân cận bậc chân nhân, lắng nghe diệu pháp, hỏi lại những điều chưa hiểu, đàm luận về Phật pháp là nhân duyên phát khởi chánh kiến. Quá trình học hiểu Chánh pháp giúp chúng ta nhận ra đúng sai, thiện ác và con đường vượt thoát khổ đau. Phần lớn thấy biết này thuộc chánh kiếnhữu lậu. Một số người có nhân duyên hy hữu, khi được Đức Phật hay các bậc thầy khai thị liền ngộ nhập “tri kiến Phật”, tự biết mình đã giác ngộ, sinh đã tận, lậu đã tận, phạm hạnh đã thành, thành bậc giải thoát.
Quan trọng là tư duy thiền quán, tuệ tri thường trực về thân-thọ-tâm-pháp để thành tựu thấy biết như thật về danh-sắc với tập khởi, đoạn diệt và con đường đưa đến đoạn diệt. Từng bước từ tỉnh giác đến tuệ tri, thấy rõ sinh diệt vô thường, luôn tỉnh sáng trong hiện tại. Tuệ giác của chánh kiếndẫn đầu cho các chi phần tiếp theo của Bát Thánh đạo thành tựu. Khi đã như thật tuệ tri về Bốn Thánh đế, tuệ giác này có công năng đoạn nghiệp, quét sạch kiết sử và thành tựu giải thoát.