I. GIỚI HẠN CỦA VĂN HỌC PHẬT GIÁO
Ý nghĩ đầu tiên của
một người vừa bước đến văn học Phật giáo, tất nhiên sẽ coi đây chỉ là một nền
văn học tôn giáo không hơn không kém, trong tính cách "văn dĩ tải
đạo" của nó. Đối với ý nghĩ bàng quan này, một nền văn học như vậy chỉ có
nội dung là đủ, còn hình thức diễn đạt chỉ là vấn đề phụ thuộc…; rượu ngon
không hệ trọng ở bình chứa. Sự kết cấu của văn học không hệ trọng bằng chân lý
tôn giáo đã có sẵn: chân lý thành kiến. Bởi vì chỉ có nội dung, hình thức không
cần thiết lắm, do đó, chân lý của tôn giáo sẽ tùy nghi được phô diễn bằng cách
vay mượn bất cứ thể tài văn học nào đã được thông dụng. Người ta sẽ không đòi
hỏi tác giả phải có một phong cách độc đáo trong đường lối phô diễn; y khỏi
phải nỗ lực vận dụng mọi khả năng sáng tạo đến mức tuyệt động, vốn là giá trị
đặc sắc của một tác giả văn học - thuần túy. Như vậy, một khi nội dung của kinh
nghiệm tôn giáo càng được nới rộng, thể tài văn học càng bị thu hẹp lại. Cho
đến một lúc nào đó, lúc mà kinh nghiệm tôn giáo được mở rộng đến vô hạn và tận
cùng trong tuyệt đối bất khả tri, người ta bị bắt buộc phải khước từ mọi phương
tiện diễn đạt qua các thể tài văn học. Đây là một song quan luận của phương
tiện (văn học) và cứu cánh (tôn giáo). Khai triển phương tiện đến tận cùng thì
cứu cánh sẽ vắng bặt. Ngược lại, nếu tiến đến chỗ tuyệt đối cứu cánh, phương
tiện sẽ hết còn là phương tiện. Nói cách khác, hình như cứu cánh tôn giáo, với
những chân lý thành kiến của nó, lúc nào cũng sẵn sàng phản bội mọi tính cách
sáng tạo của văn học. Văn học không phải là phương tiện của bất cứ một chân lý
cứu cánh nào, thành kiến hay không thành kiến, dù là chân lý về sự sống và cuộc
đời; vấn đề sẽ mở sang một chiều hướng khác: đâu là phương tiện, và đâu là cứu
cánh của văn học?
Ở đây, chúng ta có hai
lãnh vực mà sự diễn đạt của văn học có thể vươn tới. Trước hết, là hai trích
dẫn điển hình, thường được nhắc nhở rất nhiều:Thứ nhất, kinh Tương
ưng bộ (Samyutta – Nikàya): "Thánh nhân không tranh luận với thế gian.
Những gì kẻ trí trong thế gian nói là không, ngài cũng nói là không. Những gì
kẻ trí trong thế gian nói là có, ngài cũng nói là có".Trong
trích dẫn này, mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của
tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương
đối ở lãnh vực diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, các tác giả của Phật học có thói
quen mở đầu tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình
bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến. người ta không
thể nhầm lẫn giữa ngón tay và mặt trăng. Dĩ nhiên, ngôn ngữ ở đây tác động
trong những tâm trí bình thường. Hậu quả của nó sẽ là khuôn mẫu để phân tích và
phân loại các sự thực của kinh nghiệm. Tức là ngôn ngữ của triết lý.Thứ
hai, kinh Bát nhã (Prajnàpàmità-sùtra): "Bất hoại giả danh nhi thuyết thật
nghĩa". Giả danh, tức biểu tượng và danh ngôn trong tính cách ước lệ của
chúng. Những thứ này không liên hệ đến chân lý tuyệt đối, tức thật nghĩa. Do
đó, muốn đạt đến chân lý tuyệt đối này, phải vượt qua mọi khả năng của ngôn ngữ
và biểu tượng, như người ta cần lìa bỏ tầm mắt khỏi ngón tay để nhìn thẳng vào
mặt trăng. Tuy nhiên, trích dẫn của chúng ta nói: ngay nơi biểu tượng và ngôn
ngữ mà thể nhận chính bản thân của sự thật. Và đây chính là lý tưởng của văn
học Đại thừa. Bởi vì, theo lý tưởng này, vắn tắt, không phải do người nói đã
nói ra như vậy, rồi người nghe theo đó mà nghe như vậy và sự thực được phô diễn
như vậy nên có ý nghĩa như vậy; nhưng, chính sự thật là như vậy. Những vị đã
từng làm quen với văn học Bát nhã sẽ không lấy làm thắc mắc quá đáng về lề lối
diễn tả như vậy. Theo tinh thần này mà nói, cái cảm hứng đưa đến sự thành hình
của một tác phẩm, bất kể dưới cách thức phô diễn nào, phải là một cảm hứng toàn
diện, trong đó không có giới hạn phân biệt giữa một nhãn quan - một ý tưởng -
cần được phô diễn và hình thức phô diễn. Tất cả, từ tác giả cho đến độc giả,
phải được đặt trong mối tương quan vô phân biệt, như sự phản chiếu giữa các mặt
kính đối diện nhau, phản chiếu trong một thế giới trùng trùng vô tận.Vì
vậy, kinh điển Bát nhã thường chọn những vị chưa chứng ngộ chân lý về tánh
Không mà lại có tư cách giảng thuyết về tánh Không. Tất nhiên, trong trường hợp
này người ta phải hiểu rằng tánh Không tự phô diễn lấy chính nó, mà người giảng
thuyết, sự thực được giảng thuyết, cho đến người nghe, tất cả chỉ như là ráng
nắng, mộng ảo, huyễn hóa… Từ đây gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng, một tác
phẩm, dù là luận thuật tư tưởng hay văn học thuần túy, không thể nào vượt qua
khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Nhưng, chính cái cảm hứng bàng bạc từ đầu đến cuối
tác phẩm mới tạo cho nó một kích thước rộng rãi, một sức hàm chứa vô biên. Lẽ
cố nhiên, cảm hứng thì không thể bị điều động bởi bất cứ ý tưởng nào, mà bộc
phát với một thế giới kỳ diệu đột nhiên xuất hiện. Một cách khác, chúng ta nói
rằng, tất cả các tác phẩm của văn học Phật giáo đều cố gắng cắm sâu gốc rễ vào
tánh Không. Rồi sau đó, vươn mình khỏi lòng đất với tàn lá sầm uất của một thế
giới trong trùng trùng vô tận.Trong ý nghĩa vừa nói, một tác phẩm
xứng đáng với một kích thước rộng lớn, nó phải khởi lên từ cảm hứng của thực
tại; vì rằng, ngay qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực đâu là tiếng nói
của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người: thực tại tức là lòng người. Và
cũng từ đó, người ta sẽ tìm thấy đâu là khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng
người. Một tác phẩm mà không đủ sức chấn động lòng người để mở ra một thế giới
như vậy không thể xứng danh là một tác phẩm văn học. Bởi vì, một tác phẩm tường
thuật, về triết lý v.v…, chỉ cần ý tưởng, cần nội dung súc tích là đủ; những gì
đáng nói đã được nói hết. Hình thức phô diễn chỉ là phương tiện tùy cơ duyên mà
thôi. Nhưng một tác phẩm văn học phải đặt hết tâm tình và cảm xúc ngay ở hình
thức phô diễn; và đây không phải là tâm tình và xúc cảm được khơi dậy bởi một
chân lý thành kiến nào đó. Như vậy ngay nơi tác phẩm văn học, không phân biệt
giữa nội dung và hình thức, mà ngay nơi tính cách phô diễn đương trường của nó,
là cả một thế giới sống thực triền miên. Y như Phật quả Viên Ngộ Thiền sư (Bích
nham lục); "Ẩn mật toàn chân, đương đầu thủ chứng". Đấy chính là khởi
điểm và cũng chính là đích điểm của văn học Đại thừa Phật giáo. Quan
điểm của chúng ta sẽ được tóm tắt như sau:
1. Sơ khởi
văn học Phật giáo không từ chối vai trò "truyền đạo" của nó. Tức là,
chân lý của tôn giáo này, tùy trường hợp, được phô diễn tự do trong mọi thể tài
văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện, thứ yếu, không quan trọng cho
bằng nội dung.
2. Nhưng,
chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô
diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học, nghĩa là,
khởi đi từ cảm hứng bột phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh.
3. Trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ảnh của một thế giới
sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một
tình tự cá biệt. Do đó, lấy tánh Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô
tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thề giới toàn diện của
văn học Phật giáo. Như vậy, chúng ta có thể nhớ lại phát ngôn của
Tăng Triệu (Tựa kinh Duy ma cật)
Thánh trí vô tri nhi
vạn phẩm cu chiếu
Pháp thân vô tượng nhi
thù hình tịnh ứng
Chi vận vô ngôn nhi
huyền tịch di bố
Minh quyền vô mưu nhi
động dữ sự hội
Hoặc giả, của Ngạn Hòa
Thích Huệ Địa: (Văn tâm điêu long).
Tịch nhiên ngưng lụ,
tứ tiếp thiên tải
Tiểu yên động dung,
thị thông vạn lý
Vân… vân…
II. KHỞI ĐIỂM CỦA VĂN
HỌC PHẬT GIÁO: CẢM HỨNG TỪ ĐỜI SỐNG CÁ BIỆT
Đời sống cá biệt là
hình ảnh nổi bật nhất trong các kinh điển của Nguyên thủy Phật giáo. Đó là hình
ảnh lẻ loi của tăng lữ tại các núi rừng, bởi vì, luôn luôn, "một vị tỳ
khưu hãy đi cô đơn như con tê giác". Chế độ tăng lữ nguyên thủy không cho
phép một thầy tỳ khưu sống giữa đám đông, giữa các thành phố rộn rịp, và chứa
đựng tư hữu. Họ không sống quá xa làng mạc, nhưng cũng không quá gần gũi. Tư
hữu chỉ gồm một ít vật dụng cần thiết: ba chiếc y, một bình bát, một đảy lọc
nước, một khăn ngồi, một dao cạo, và kim chỉ. Trừ những trường hợp khẩn thiết,
họ không định cư ở đâu hết; và hình ảnh của đức Phật được mô tả là: Một bình
bát với cơm ăn của thiên hạ. Một mình lẻ bóng lang thang trên khắp mọi nẻo
đường. Một mục đích duy nhất của đời sống là giải quyết vấn đề sống chết. Một
sứ mệnh duy nhất là cởi bỏ mọi ràng buộc cho chúng sinh:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sinh tử sự
Giải thoát độ quần mê.
Hình ảnh này là nguồn
cảm hứng bất tận của văn học Phật giáo nguyên thủy. Và cả nơi Đại thừa, nhưng
với cường độ khốc liệt và cực đoan hơn: "Nhất thiết vô úy nhân, nhất đạo
xuất sinh tử"; tất cả các bậc Vô úy, không còn sợ hãi, chỉ có một con đường
độc nhất phải đi là qua bên kia bờ của sự sống và sự chết. Qua bên kia bờ là
chứng ngộ tính tịch diệt của Niết bàn, nơi đây chính là thế giới của cô liêu
tuyệt đối. Thực sự, lối diễn tả rầm rộ của văn học Đại thừa sau này, với thế
giới quan trùng trùng vô tận, với khả năng được nói là biện tài vô ngại, tất cả
chỉ làm cho hình ảnh cô liêu của đức Phật càng tuyệt đối khốc liệt. Kinh Pháp
hoa (Saddharma – Pundarika), một tác phẩm quan trọng của Đại thừa, là một thí
dụ điển hình cho chúng ta. Đức Phật xuất hiện giữa thế gian như sư tử giữa đám
thú rừng, không sợ hãi gì hết. Nhưng cũng cô đơn như người cha già cả sống giữa
đám tùy tùng, chỉ mong đợi duy nhất ngày trở về của đứa con hoang. Khi hội
diện, lại còn phải dùng bao nhiêu phương tiện, phải chờ đợi biết bao nhiêu cơ
duyên, đứa con hoang mới nhận ra đây quả thực là cha già của nó. Theo
hình ảnh lý tưởng đó, một vị tỳ khưu, trước khi thể hiện được chân lý tuyệt đối
của sự sống, đã phải nỗ lực cho một cuộc đời "lẻ bóng": "Người
ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình không buồn chán; người ấy ưa tìm
sự vui thú trong chốn rừng sâu". (Dhammapada, 306). Đây là một lối
diễn tả, về đời sống cô liêu, độc đáo nhất trong văn học Phật giáo nguyên thủy.Rồi
ra, hương vị của chánh pháp là gì? Chính là sự cô liêu ấy. Chánh pháp là dòng
suối mát và ngọt của sự sống, rửa sạch tất cả những uế trược của cuộc đời. Bởi
vậy, một tâm hồn khi đã chứng nhập chánh pháp, cũng trong và mát như dòng suối
ngọt ấy. Kinh Pháp cú (Dhammapada) có câu: "Ai đã từng nếm mùi vị cô liêu,
người ấy càng ưa nếm hương vị của chánh pháp." Bởi vì, Chánh pháp là Niết
bàn tịch tĩnh. Trong nguồn cảm hứng này, mọi luận biện về Niết bàn, rằng đây là
hư vô, đây là bất tử, đây là vân vân, thảy đều không quan hệ. Mà vắn tắt, có
thể nói, Niết bàn là gì? Là cõi miền trầm lặng sâu xa, nơi đó vắng bặt mọi uế
trược và mọi náo động tạp loạn, mọi tranh chấp thế tục của sự sống. Cố nhiên,
đây là hình ảnh Niết bàn tịch tĩnh hay tịch diệt trong nguồn cảm hứng văn học
chứ không thể trong suy tư triết lý. Và như vậy, cùng một đoạn trong kinh Pháp
cú: "Như một hồ nước sâu, trong suốt và yên lặng; kẻ có trí sau khi nghe
Pháp thì cũng trầm lặng sâu xa như vậy." Sự trầm lặng này, nếu không phải
là khí vị hiu hắt của cô liêu, thì là gì? Thế là, cô đơn trong hành đạo, những
người theo đạo Phật trước kia, như một con tê giác, một mình lẻ bóng giữa cuộc
đời trên một con đường cô đơn từ đầu đến cuối. Bàng Uẩn, một tục gia đệ tử của
Thiền tông Trung hoa, thời nhà Đường, đặt câu hỏi: "Ai là kẻ trơ trọi
không cùng Vạn Pháp làm bạn lữ?"Trong cuộc đời ấy, cô đơn là
người bạn. Nhưng, đồng thời nó lại là một kẻ thù sinh tử. Làm thế nào để chịu
đựng đời sống cô liêu giữa núi rừng hoang dại? Câu hỏi này được đặt ra bởi một
người Bà la môn tên Janussoni. Phật trả lời rằng: "Tất cả những ẩn sĩ, với
những hành vi của thân, miệng và ý mà không trong sạch, khi họ sống trong sự cô
liêu của núi rừng, vì các hành vi bất tịnh của họ, khiến họ nổi lên sợ hãi, run
rẩy khôn cùng. Còn Tôi, mà các hành vi thảy đều trong sạch, tôi sống trong sự
cô liêu của núi rừng. Nếu có những bậc Thánh mà các hành vi thảy đều trong
sạch, sống trong sự cô liêu của núi rừng, Tôi là một trong những vị đó. Này, Bà
la môn, khi tôi sống đời sống trong sạch của các hành vi của tôi thì hương vị
của đời sống cô liêu thâm nhập trong tôi."Vậy ra, đời sống cô
liêu không chỉ là con đường hành đạo, mà còn là kết quả của những hành vi đã rủ
sạch mọi bất tịnh.Chúng ta thấy rõ, phần lớn của nền văn học Phật
giáo nguyên thủy bàng bạc những hình ảnh của đời sống cô liêu. Tuy nhiên, chủ đích
không phải là trình bày một thứ cá nhân chủ nghĩa nào đó, mà đời sống của Tăng
lữ phải rút lui khỏi thế gian, đắm mình trong hư vô chủ nghĩa. Nhưng vì chân lý
được nhắc nhở trong các kinh điển nguyên thủy vốn được coi là sở đắc nội tại và
cá biệt. "Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là nơi nương tựa cho
chính mình", đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật, được ghi lại trong
kinh Đại bát Niết bàn. Chúng ta có thể trích dẫn dài hơn một chút: kinh chép,
khi A nan xin Phật để lại những lời dạy dỗ cuối cùng, Phật trả lời: "Này A
nan da, Như lai không nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo",
hay "chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta", thời, này A nan da, làm
sao Như lai có lời di giáo cho chúng Tì kheo… Vậy nên này A nan da, hãy tự mình
là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì
khác."Văn học nguyên thủy hay Tiểu thừa không chỉ dừng lại
nơi đây. Mặc dù, đây là thời kỳ mà đời sống của Phật giáo duy nhất là đời sống
hành đạo của tăng lữ; tất cả mọi nỗ lực đều cốt chinh phục khổ não và hệ lụy
nhân sinh; giải thoát và Niết bàn là mục đích tối thượng; và đời sống của tục
gia đệ tử không liên hệ gì đến Phật pháp, ngoại trừ công việc hộ đạo. Nhưng ở
vài nơi, kinh điển nguyên thủy cũng đã dành chỗ cho các sinh hoạt mang tính
cách thế tục. Về điểm này, chúng ta phải kể đến trước tiên là văn học Jataka và
kế đến là văn học Avadana. Jataka hay Bản sinh truyện là những mẫu
chuyện tiền thân của đức Thích tôn, trải qua nhiều kiếp với những hành vi như
một anh hùng hiệp sĩ vĩ đại xuất hiện giữa thế gian, luôn luôn đem cả thân mạng
làm lợi ích cho mọi người. Những mẫu chuyện này, ngoài ước vọng giải thoát để
làm lợi ích toàn diện cho thế gian của đức Thích tôn, không chứa đựng giáo lý
cốt yếu nào hết. Vì ở đây, Bồ tát (Bodhisattva) – một danh hiệu trước khi Thích
tôn thành đạo, sống giữa thế gian, làm tất cả những gì mà thế gian cần có không
phải vì giải thoát tối thượng, mà vì sự an lành trong cuộc sống bình nhật. Ngài
là một mẫu hiệp sĩ cứu khổ phò nguy, giữa quần chúng bình dân, yếu đuối, bất
lực dưới mọi bất công.Đằng khác, văn học Avadana hay Thí dụ, vốn
là những mẫu chuyện ngắn mô tả những xấu xa, ngu muội của mọi người trong đời
sống bình nhật; cũng không liên hệ nhiều với giáo pháp cốt yếu của đạo Phật. Đấy
là hai nền văn học đặc trưng của Phật giáo trong sinh hoạt nhân gian. Chúng có
cùng tính chất với loại văn chương bình dân. Vai trò của chúng không phải là
không quan trọng. Bởi vì, trong nguyên thủy, đời sống tăng lữ vốn ở giữa nhân
gian, không quá xa, cũng không quá gần; không mang tính chất của sinh hoạt thị
thành. Tùy cơ duyên, các tăng lữ sáng tác những mẫu chuyện vừa tầm để nhắc nhở
mọi người đời sống hướng thiện.Đối với những hạng người ít bị sinh
kế quẫn bách, kinh điển dành cho họ vai trò hộ đạo tích cực hơn. Đời sống của
họ, ngoài bổn phận của một người cha trong gia đình, công dân trong một nước,
họ còn có bổn phận hộ trì Chánh pháp, và tìm những cơ duyên thuận tiện để học
hỏi Chánh pháp, gieo hạt giống tốt trong Chánh pháp để một khi thời cơ đến họ
sẽ hiến mình trọn vẹn cho mục đích tối thượng là giải thoát và Niết bàn.Đoạn
kinh trích dẫn dưới đây cho thấy điều đó. Kinh mô tả cơ duyên theo đạo Phật của
ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), một phú hộ đương thời Thích tôn tại thế.Trưởng
giả Anathapindika, ở thành Rajagaha (Vương xá), nước Magadha (Ma kiệt đà), một
hôm, vào lúc tản sáng, đến thăm một thân nhân. Vị này, thức dậy từ sáng
sớm đang bận rộn với các tôi tớ, hình như đang sửa soạn một bữa tiệc gì đó.
Anathapindika tự nghĩ: "Trước kia, khi ta thường đến đây, vị gia chủ này
gác lại mọi công việc, không làm gì hết, trao đổi những lời chào hỏi với ta.
Nhưng nay ông có vẻ bận rộn, đang vui vẻ với các tôi tớ, học thức dậy từ sáng
sớm và nấu nướng rất nhiều món. Họ đang làm tiệc cưới chăng? Hay đang sửa soạn
một cuộc tế lễ lớn lao gì đây, hay sáng mai họ mời vua Tần-bà-sa-la (Seniya
Bimbisara) của nước Magadha, cùng với đoàn tùy tùng của vua?" Rồi ông hỏi
vị gia chủ. Vị này đáp"Không có tiệc cưới, cũng không phải
mời vua Seniya Bimbisara và đoàn tùy tùng. Nhưng tôi đang sửa soạn một cuộc lễ
lớn để cúng dường chúng tì khưu và Phật""Ông nói đức
Phật phải không?""Đúng thế, tôi nói đức Phật."Ba
lần hỏi, và ba lần trả lời như vậy. Anathapindika muốn gặp đức Phật. Vị gia chủ
nói:"Không phải hôm nay, mà sáng mai."Rồi
Anathapindika tâm niệm đức Phật đến độ ông thức dậy ba lần trong đêm vì tưởng
rằng trời tản sáng. Khi ông tới cổng thành để đi đến động Thanh lương, có hàng
phi nhân mở cho. Nhưng khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối
hiện ra, thế rồi trong lòng ông nổi lên mối kinh sợ, hãi hùng, khiến ông muốn
quay trở lại. Nhưng thần dạ xoa (yakkha) tên là Sivaka, vị thần vô hình, thốt
lên lời này:"Một trăm voi, ngựa hay xe với những con la cái, Một
trăm nghìn thiếu nữ trang sức những hoa tai, Thảy không bằng
phần mười sáu của một bước dài. Này trưởng giả, hãy bước tới,
hãy bước tới. Hãy nên bước tới, đừng thối lui."Tức
thì, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra, và nỗi kinh sợ hãi hùng của
Anathapindika cũng tiêu tan.Rồi ông đi tới động Thanh lương và khi
đức Thế tôn đang đi lên đi xuống trong hư không, ngài thấy ông, liền bước xuống
khỏi nơi ngài đang đi lến đi xuống, ngài gọi Anathapindika:"Lại
đây, Sudatta". Sudatta là tên riêng của Anathapindika. Ông
nghĩ: "Đức Thế tôn gọi chính tên ta", bèn cúi đầu dưới chân đức Thế
tôn mong ngài sống an lạc. Đức Thế tôn đáp: "Đúng vậy, bậc
Tịnh hạnh đã đạt đến Niết bàn luôn luôn sống trong an lạc. Ngài không bị nhiểm
ô bởi khát ái, không còn sợ hãi, không còn tái sinh. Đã cởi bỏ mọi ràng buộc,
xa lìa tâm ái dục,Ngài sống tịch tĩnh trong an lạc, đã đạt được sự
thanh bình của tâm trí". Rồi đức Thế tôn giảng giải nhiều điều
cho trưởng giả Anathapindika; về Thí, về giới, về thiền; ngài cắt nghĩa sự nguy
hiểm, sự phù phiếm, sự bại hoại của những vật dục, sự ích lợi khi trừ bỏ chúng.
Khi đức Thế tôn biết rằng tâm trí của trưởng giả Anathapindika đã thành thục,
nhu nhuận, dứt khỏi những ngăn che, cao diệu, hòa duyệt, ngài mới giảng thuyết
cho ông về Pháp (Dharma) mà chư Phật đã tự mình tỏ ngộ: khổ, tập, diệt và đạo.
Và cũng như một chiếc áo sạch không có những vết đen, thì sẽ dễ nhuộm, cũng
vậy, ngay từ chỗ ngồi này, với Pháp nhãn, không nhiểm ô, đã trổi dậy trong
trưởng giả Anathapindika, rằng "Những gì có sinh tất có diệt," Rồi
thì, sau khi đã thấy Pháp, chứng Pháp, biết Pháp, thâm nhập Chánh pháp, sau khi
đã vượt lên nghi ngờ, dứt trừ sự bất định, tự mình tín thuận giáo huấn của đấng
Đạo sư, Anathapindika bạch đức Thế tôn rằng:"Hay thay, bạch
đức Thế tôn. Cũng như một người dựng dậy những gì bị ngả xuống, vén mở những gì
bị che đậy, chỉ đường cho kẻ lạc lối, rọi đèn vào chỗ tối tăm để những ai có
mắt thì có thể thấy; cũng vậy, Chánh pháp được đức Thế tôn giảng dạy bằng nhiều
thí dụ. Bạch đức Thế tôn, nay con xin nương mình theo Thế tôn, nương mình theo
Chánh pháp và chúng tỳ kheo. Xin đức Thế tôn nhận con làm đệ tử tại gia từ đây
cho đến trọn đời. Và, bạch đức Thế tôn, xin ngài nhận thọ trai tại nhà con vào
sáng mai cùng với Chúng Tì khưu." Đức Thế tôn nhận lời im lặng.Sau
đó, Anathapindika mua khu rừng của Thái tử Jeta, thiết lập tinh xá để Phật dừng
chân giảng pháp. Đây là một trong những tinh xá lớn nhất và nổi tiếng trong
thời đức Thích tôn tại thế, gọi là Kỳ viên hay Kỳ hoàn (Jetavana).Những
hạng người như Anathapindika, tâm trí đủ mở rộng để lãnh hội Chánh pháp. Nhưng
chỉ đến một giới hạn nào đó. Đời sống của họ không được coi là ở giữa lòng
Chánh pháp. Thực sự, văn học nguyên thủy phần lớn chỉ dành cho hạng người xuất
gia, với lý tưởng khước từ tuyệt đối. Vì Chánh pháp chỉ có thể thực hiện ở
những nơi tịch tĩnh của núi rừng. Nhân cách lý tưởng mà nền văn học này mô tả
chính là các vị A la hán (Arhat), là đức Như lai. Và chúng ta đã biết, đó là
nhân cách của đời sống cô liêu tuyệt đối:
Ta hành đạo không thầy
dạy dỗ
Chỉ hành đạo một mình,
không bè bạn
Tích chứa một hạnh mà thành Phật
Tự nhiên thấu suốt nẻo
thành đạo.
Theo gương đó, ước
vọng của những người theo đạo Phật bấy giờ là:"Như giữa lòng
biển sâu không gợn sóng, mà hoàn toàn yên lặng tịch mịch; thầy Tì khưu cũng
vậy, hãy trầm lặng, không buông lung dù ở bất cứ đâu."Như
vậy, đủ để chúng ta tóm tắt rằng, từ nguồn suối của đời sống cá biệt vì những
gì sở đắc đều cá biệt và nội tại, cảm hứng của văn học Phật giáo nguyên thủy
bộc phát:- Từ nhân cách với đời sống của đức Phật;-
Từ Chánh pháp, tức chân lý cao cả về khổ đau của sự sống và về lẽ tịch tĩnh của
Niết bàn.Trên tất cả là hương vị cô liêu tuyệt đối. Bởi vì, hương
vị của Chánh pháp chính là hương vị cô kiêu của sự sống.
III. CẢM HỨNG TRONG VĂN
HỌC ĐẠI THỪA
Tư tưởng Đại thừa bắt
đầu xuất hiện với nền văn học bát nhã. Nội dung của các kinh điển thuộc văn học
Bát nhã đều thuyết minh về ý nghĩa tánh Không. Tư tưởng này là triết lý hành
động của lý tưởng Bồ tát đạo. Trong lý tưởng Bồ tát đạo, có hai ý
niệm quan hệ: Đại Trí và Đại Bi (hay Đại Hạnh). Đại Trí chỉ cho khả năng siêu
việt soi thấu bản tính của vạn hữu. Đại bi hay Đại hạnh là tác dụng của Trí tuệ
siêu việt ấy trong một thế giới quan được mô tả là trùng trùng vô tận. Như vậy,
cỗ xe của Bồ tát (Bồ tát thừa) có hai bánh, Trí và Bi, cùng song song vận
chuyển (Bi Trí song vận) để đạt đến giải thoát tối thượng. Bởi vì
tác dụng của Trí tuệ là khả năng soi thấu bản tính của hiện hữu, do đó, lấy
tánh Không làm nền tảng. Tuy nhiên, trên phương diện luận thuyết triết lý,
chúng ta biết rằng tánh Không có hai tác dụng: phá hủy và kiến thiết. Cả hai
tác dụng đều qui tâm trên một mối: tương quan hiện hữu hay lý duyên khởi. Hiện
hữu do tương quan, do đó hiện hữu không thực tính. Đây là tác dụng phá hủy. Và
do không thực tính, nên hiện hữu mới có thể có tương quan để hiện khởi. Đây là
tác dụng kiến thiết.
Kinh Lăng già mô tả sự
vận dụng Đại Trí và Đại Bi của bậc giác ngộ rằng:
Thế gian ly sinh diệt
Do như hư không hoa
Tri bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Nhất thiết pháp như
huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm
Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại bi tâm.
Hiện hữu của thế gian
như hoa đốm giữa trời, không từng có sinh khởi, không hề có hủy diệt. Tất cả
các pháp như huyễn hóa, vượt ngoài mọi tác động của tâm thức; vượt ngoài mọi ý
nghĩa thường tồn và gián đoạn, vì rằng như một giấc mộng. Do đó, trong sở đắc
của Trí tuệ chân thật, không có ý nghĩa hữu hay vô. Từ Trí tuệ không còn bị
ràng buộc ở hữu hay vô đó mà các bậc đã giác ngộ, hay những vị đang đi trên con
đường tiến đến sự giác ngộ, phát khởi tâm nguyện Đại bi.
Tri nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô
tướng
Nhi hưng Đại bi tâm.
Các ngài thấy và biết
rõ rằng mọi hiện hữu đều không có tự tánh, tự thể hay bản thể. Phiền não chướng
và sở tri chướng vốn thanh tịnh, vô tướng. Từ bi kiến đó mà các ngài khởi lên
tâm nguyện Đại bi.
Nhất thiết vô Niết bàn
Vô hữu Niết bàn Phật
Vô hữu Phật Niết bàn
Viễn ly giác sở giác
Nhược hữu nhược vô hữu
Thị nhị tất câu ly.
Hoàn toàn không có cái
gì mệnh danh là Niết bàn. Không có một vị Phật nào chứng nhập Niết bàn, cũng
không có Niết bàn mà Phật chứng nhập. Vượt ra ngoài nhân cách giác ngộ và chân
lý được giác ngộ. Hữu hay vô hữu, cả hai đều bị vượt qua. Nói
cách khác, trong lý tưởng hành động, trước tiên Bồ tát phải quan sát để thể
chứng tánh Không. Tức là, sự xuất hiện của thế gian như hoa đốm giữa trời, bản
chất của nó không bị ràng buộc bởi ý nghĩa xuất hiện hay biến mất. Từ sở chứng
đó, Trí tuệ không bị ràng buộc giữa hữu hay vô, và chính nơi đây là cứ điểm để
Bồ tát thể hiện tâm nguyện Đại bi của mình. Nếu vậy, phải chăng Bồ tát hành đạo
giữa thế giới của hư vô, của mộng tưởng? Thế giới này là hư vô, và mộng tưởng,
hầu như là một nhãn quan không thể chối cãi, vì đấy là hình ảnh bàng bạc trong
các tác phẩm Đại thừa, Kinh Kim cang nói:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào,
ảnh,
Như lộ, diệc như điện
Ứng tác như thị quán.
Tất cả mọi hiện hữu do
tương quan đều y như là mộng, huyễn, bọt nước, bóng trong sương; như sương mai,
như điện chớp. Làm thế nào để thể hiện tâm nguyện Đại bi
trong cái thế giới dẫy đầy tính cách mộng tưởng, không hư như vậy? Nạn vấn này
không thể không biết tới. Lối diễn tả trong các kinh điển Bát nhã không nói
theo thông lệ. Do đó, sơ khởi, người ta chấp nhận mọi mâu thuẫn nội tại như là
lý lẽ đương nhiên. Thí dụ, sinh tức vô sinh, vân vân. Lý luận của tánh Không
ban đầu còn theo thông lệ, nhưng đến một lúc, nó trở thành cực đoan không thể
tả. Nghĩa là, trước hết, người ta còn có thể vay mượn những gì đã được chứng
kiến trong kinh nghiệm thông tục để diễn tả: như ráng nắng, như mộng tưởng, như
sao xẹt, như hoa đốm giữa trời... đến kỳ cùng, là Pháp nhĩ như thi: Như vậy là
như vậy. Một trong danh hiệu của Phật, Như lai, vốn chỉ cho ý nghĩa này. Luận
Đại trí độ nói: "Như pháp tướng mà hiểu. Như pháp tướng mà giảng thuyết.
Như con đường an ổn của chư Phật mà đến... nên gọi là Như lai." Nói gọn
hơn, Như lai tức là đến như vậy và đi như vậy. Đây mới thiệt là lý tưởng hành
động của Bồ tát đạo. Công nghiệp đó sẽ được mô tả như là những dấu chân của con
chim trong bầu trời. Bồ tát đến với thế gian cũng vậy. Tất cả mọi công trình đã
từng thực hiện và đã để lại cho thế gian chẳng khác nào như sự tích lũy của bao
nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời. Lối diễn tả này quả thực mang
một khí vị văn chương đặc biệt. Theo thuật ngữ, hành động này được mệnh danh là
Vô công dụng hạnh: hành động không cần dụng công, ví như hư không. Đây là ý
nghĩa: "Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết". Ý
nghĩa sáng tác (văn học) của Đại thừa cũng theo đó. Kinh Bát nhã nói: "Các
đệ tử của Phật làm gì có chuyện giảng thuyết. Tất cả đều do năng lực của Phật.
Bởi vì họ y theo những gì Phật đã dạy mà học tập, nhờ đó mà chứng được các pháp
tướng. Sau khi đã chứng, tất cả những gì được họ nói ra đều không trái với pháp
tướng. Vì chính năng lực của pháp tướng vậy." Đại ý đoạn kinh này nói là
sự giảng thuyết của đệ tử Phật không phải do họ muốn bày tỏ một quan điểm nào
đó của mình, nhưng đấy là sự bộc phát tự nhiên của những gì mà họ đã chứng đắc. Bình
thường mà nói, đây há không phải là lý tưởng sáng tác của bất cứ một tác giả
nào, kể riêng gì các nhà Đại thừa? Một tác phẩm văn học phải xuất hiện từ nguồn
cảm hứng chân thành và bộc phát tự nhiên. Trên đây, chúng ta
lấy Tánh Không làm khởi điểm của cảm hứng văn học trong Phật giáo Đại thừa. Tuy
nhiên, cảm hứng này phần lớn đi vào đường hướng minh giải triết lý, hơn là cảm
thức văn chương. Rồi từ nền tảng tánh Không ấy mà mở tầm mắt vào thế giới trùng
trùng vô tận, đây mới thật là phong cách văn chương, theo nghĩa thông tục của
chữ này. Trong bất cứ nền văn học nào của Phật giáo, chúng ta
có thể thấy rằng, dù khởi sự từ đâu, tất cả mọi nguồn cảm hứng đều qui về nhân
cách và đời sống của đức Phật. Đây là điều mà chúng ta không thể quên, khi bước
vào thế giới văn học Phật giáo. Nếu ở nguyên thủy, nhân cách của Thích tôn là
hình ảnh của một con người, thì tất cả cảm hứng văn học đều khơi nguồn từ lẽ vô
thường, từ tính chất mong manh của cuộc sống. Còn ở Đại thừa, đức Phật là một
nhân cách siêu việt, do đó cảm hứng văn học cũng được khơi nguồn từ thế giới
siêu việt. Tất cả tùy thuộc quan niệm về Phật thân. Có hai
quan niệm chủ yếu về Phật thân: Sanh thân và Pháp thân. Sanh thân chỉ cho thân
thể thụ bẩm của cha mẹ. Pháp thân vốn là hiện thân của chân lý. Nơi nguyên
thủy, hay cả Tiểu thừa, Pháp bao gồm lý Tứ đế và Niết Bàn. Đích thực, đây là
Pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi này được đức Phật giảng dạy để đưa đến chỗ
chứng nghiệm về những chân lý cao cả của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cuối cùng là đạt
đến giải thoát và Niết bàn. Các nhà Đại thừa sau này mang đến cho Pháp duyên
khởi nhiều giải thích mới mẻ. Đặc biệt là triết học về tánh Không của Long Thọ
(Nàgàrjuna). Đại khái, nguyên thủy, pháp Duyên khởi có nhiệm vụ giải thích
nguồn gốc của sự khổ, để bộc lộ những đặc tính vô thường và vô ngã của sự sống,
và từ đó quyết định đường hướng diệt khổ. Nhưng các nhà Đại thừa y cứ trên pháp
Duyên khởi để chứng tỏ rằng tự tính của vạn hữu là Không. Tức là, do duyên khởi
nên không tự tính. Như vậy, sơ bộ, pháp Duyên khởi chứng tỏ rằng tất cả hiện hữu
– nhất thiết pháp – đều là giả ảo, không có bản tính chân thực. Rồi kỳ cùng,
không có sự thực nào ngoài giả ảo đó. Do kết quả này, các nhà Đại thừa quả
quyết rằng những gì đức Phật nói thảy là chân lý ước lệ, tạm bợ, bởi vì chân lý
cứu cánh siêu việt tri kiến và siêu việt ngôn thuyết. Điều đó bắt buộc chúng ta
không thể quên thắc mắc này: với danh hiệu Như lai, mà Đại thừa giải thích rằng
Pháp Như vậy thì Phật giảng thuyết Như vậy, tại sao sự thực lại không được bao
hàm ngay trong tính cách Như vậy đó? Chúng ta có thể tìm thấy một vài giải
thích, trực tiếp trong các kinh điển Đại thừa. Thứ nhất, kinh Pháp hoa tuyên
bố: "Bản tính của các pháp là vắng bặt mọi dấu vết của tri kiến và ngôn
thuyết. Nhưng chính do phương tiện, phát xuất từ Đại bi tâm vô lượng mà đức
Phật giảng thuyết những pháp gọi là chân lý cao cả như Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kỳ
thực, chân lý cứu cánh không nằm ở trong đó". Kinh Bát nhã (tiểu phẩm),
quyết liệt hơn: Dù có Pháp nào cao cả hơn Niết bàn cũng là Không nốt. Đây là
nói về mối tương quan giữa những gì được nói và những gì không thể nói. Tăng
Duệ, trong bài tựa viết cho bản dịch Trung quán luận (tác phẩm của Long Thọ),
giải thích ý nghĩa tương quan này: "Thật phi danh bất ngộ, cố ký Trung dĩ
tuyên chi. Ngôn phi thích bất tận cố giả luận dĩ minh chi, kỳ thật ký tuyên, kỳ
ngôn ký minh, ư Bồ tát tọa đạo tràng chi chiếu lãng nhiên huyền giải hỉ".
Theo đó, Thật hay Thật tướng, chân lý cứu cánh, nếu không có Ngôn thuyết thì
không thể có con đường dẫn đến tỏ ngộ. Do đó, mới tựa vào con đường giữa để
công bố. Con đường giữa tức là con đường không bị ràng buộc bởi những siêu việt
và nội tại, giữa khả thuyết và bất khả thuyết. Đó chính là con đường im lặng
trong nói năng và nói năng trong im lặng. Và rồi, như vậy, ngôn thuyết phải cần
được minh giải để có thể lãnh hội thấu đáo. Do đó, mượn hình thức một tác phẩm
luận thuyết để tỏ bày. Sau cùng, một khi sự Thật đã được công bố nơi Ngôn
thuyết, và Ngôn thuyết đã được tỏ bày thấu đáo trong cõi miền trầm lặng, thì
bấy giờ, trong giây phút chứng ngộ tuyệt đối, Bồ tát soi tỏ thấu suốt tất cả
tương quan giữa Danh và Thật. Giải thích trên có thể biện hộ
cho công trình của một tác giả Phật học. Biết rằng những gì mình nói đến không
liên hệ đến sự Thật tuyệt đối, dù vậy, vẫn có thể nói và không trái ngược với
sự thật. Nghĩa là, mọi tác giả đều có khả năng nói láo, nhưng trong cái láo đó
lại có thể phản ảnh cái Thật. Không có giới hạn phân biệt giữa cái Thật và cái
Láo. Từ quan niệm vừa kể, chúng ta có một hệ luận vô cùng
quan trọng để thấy phong độ các tác giả Đại thừa. Ngôn ngữ không phải là chân
lý tuyệt đối, nhưng cũng chính ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chân lý tuyệt
đối. Nếu vậy, không chỉ riêng ngôn ngữ, mà bất cứ một sự thể nào cũng là biểu
tượng của chân lý tuyệt đối. Tức là, theo một khẩu quyết của Đại thừa: sinh tử
tức niết bàn. Theo hệ luận này, chúng ta sẽ bắt gặp trong các tác phẩm Đại thừa
hai phong cách diễn đạt. Hoặc bằng ngôn ngữ, hoặc bằng ảnh tượng. Và chúng ta
được gán cho hai lối thuyết pháp của Phật. Hoặc thuyết trong khi ngài nhập
định. Hoặc thuyết trong khi ngài ra khỏi thiền định. Khi nhập định, ánh sáng từ
thân thể đức Phật tỏa ra. Ngang qua ánh sáng này, những bậc thượng trí trực ngộ
ngay pháp sâu xa mà Phật muốn giảng thuyết. Khi ra khỏi cơn thiền định, ngài sẽ
dùng ngôn ngữ, với lời lẽ khúc chiết, với thí dụ điển hình, với âm thanh dịu
ngọt, Phật sẽ phân trần, giải thuyết những gì cần phải nghe, phải hiểu cho hạng
người căn tính thấp hơn. Hai cách thuyết pháp phù hợp với
quan niệm về Phật. Ứng thân (một danh hiệu khác của sanh thân) xuất hiện giữa
thế gian, chịu theo mọi qui ước của thế gian, nên sự thuyết pháp phải chọn con
đường ngôn ngữ: phải nói theo thứ tự khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, vân
vân. Pháp thân, vốn là bản thân của chân lý siêu việt, do đó sự giảng thuyết
cũng siêu việt. Bởi vì chân lý siêu việt là thực tại toàn diện, nên người nói
và người nghe cũng tương ứng trong toàn diện. Ở đây, Pháp không được bộc lộ
theo một tình tự có qui ước, mà là đốn khởi, hay trực khởi toàn diện. Do đó,
chúng ta thường bắt gặp những diễn tả điển hình như: trên đầu mỗi sợi lông của
đức Phật, khi ngài nhập chánh định, xuất hiện tất cả mười phương thế giới,
không chỉ những thế giới đang hiện hữu, mà cả trong quá khứ và vị lai. Nghĩa
là, tất cả mọi thế giới trong thời gian vô cùng và không gian vô tận. Rồi mỗi
thế giới, của vô số thế giới như cát sông Hằng này, trong mỗi thế giới đều có
đức Phật đang ngồi nhập Chánh định, và trên đầu mỗi sợi lông đó lại cũng xuất
hiện tất cả muời phương thế giới trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là cái
toàn diện cực đại bao la hiện diện ngay trong cái cá biệt vi tiểu cực hạn: Một
là Tất cả và Tất cả là Một. Sự diễn tả này là trọng tâm của Pháp giới duyên
khởi. Trong tư tưởng Đại thừa, có hai quan niệm đặc trưng về
duyên khởi. Quan niệm thứ nhất, y theo duyên khởi để đạt đến Pháp Không, thể
hiện khả năng siêu việt hữu vô đối đãi, như đã thấy. Quan niệm khác, y trên
pháp duyên khởi để chứng nhập thế giới tương giao trong trùng trùng vô tận, tức
là Pháp giới duyên khởi. Ở đây, cũng giải thích về tương quan hiện hữu. Nhưng
mỗi hiện hữu được quan niệm là một thực tại toàn diện - vì sinh tử tức Niết bàn
- do đó, mối tương quan hiện hữu cũng toàn diện. Thí dụ, tương quan giữa hai
tấm kính đối diện. Một mặt kính không phải chỉ duy là một mặt kính; nó bao hàm
tất cả những gì không phải nó nhưng có quan hệ với nó. Như vậy, hai mặt kính
phản chiếu nhau không chỉ là hai, mà là Tất cả, và Tất cả. Danh từ Pháp giới
muốn nói rằng tất cả giới hạn vô biên và toàn diện của sự thực đều ở ngay nơi
sự thực cá biệt đó. Vậy, Pháp tức là Pháp giới, và như vậy, Pháp thân tức là
Pháp giới thân. Phật giáo Mật tông gọi Pháp thân hay Pháp với
Thân là pháp giới thể tánh trí và biểu tượng là Mặt trời: Đại nhật như lai. Ánh
sáng mặt trời vốn bình đẳng và phổ biến. Pháp thân cũng vậy. Chỉ cần có mắt là
có thể thấy. Hễ thấy được mặt trời là thấy được tất cả vạn vật. Các Thiền sư
thường nói:
Thanh thanh túy túc
Tận thị Pháp thân
Uất uất hoàng hoa
Vô phi Bát nhã.
Trúc biếc xanh xanh, đâu cũng là pháp thân. Hoa
vàng rậm rạp, đâu cũng là Bát nhã. Như vậy, lý tưởng của các nhà Đại thừa là
không chỉ học hỏi Chánh Pháp từ kinh điển. Họ học bất cứ ở đâu, từ những sự thể
vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày. Để có thể được như vậy, phải trải qua những
thời đào luyện tâm linh, sao cho tâm trí sẵn sàng mở rộng để đón nhận những
chân lý cao cả được giảng thuyết nơi từng hạt bụi. Họ nói: Phá vi trần xuất
kinh quyển. Chẻ hai hạt bụi ra thì sẽ thấy kho tàng bất tận của chân lý. Tâm
hồn của chúng ta có thể chỉ là đá cuội, nhưng phải đào luyện nó cho đến khi một
ngọn gió nhẹ thoảng qua, như một bài thuyết pháp bất tận, là đá cuội ấy gật
đầu. Rồi sau đó, đến lượt ta: gia lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu, đến
lượt ta khi ta lên tiếng thì (những) đá cuội (khác) cũng gật đầu đáp lại. Đây
mới chính là lý tưởng của văn học Đại thừa. Nó có thể là không tưởng, nhưng chỉ
với một khát vọng bao la như vậy cũng đủ lần hồi trải rộng tấm lòng của chúng
ta khắp cả đại thiên thế giới. Kinh Phổ hiền Hạnh nguyện nhắc nhở lý tưởng ấy
rằng: "Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng". Hư không còn có thể có
chỗ tận cùng, nhưng tâm nguyện (Đại bi) của ta thì không bao giờ có thể cùng
tận.
Nếu chúng ta không hay biết tí gì về tâm nguyện
đại bi ấy mà mong bước vào thế giới văn học Đại thừa, đây mới thật là một không
tưởng trên mọi không tưởng. Không tưởng này được bộc lộ quá lộ liễu và thô
thiển khi nguời ta đánh giá một tác phẩm Đại thừa qua cái gọi là sự khám phá về
những thế giới bên ngoài thế giới này, Thế giới vô cùng, vô tận, mà các tác
phẩm Đại thừa thường mô tả, có thực như vậy hay không chẳng có gì quan hệ phải
bận tâm. Nếu tâm trí của chúng ta không mở rộng kịp với thế giới vô tận được mô
tả ấy, thì dù đó có là sự thực, cũng chỉ là sự thực của bóng vẽ. Nghĩa là, nói
tóm lại, hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống. Và đây
mới đích thực là tinh chất của toàn thể văn học Phật giáo, bao trùm tất cả mọi
khuynh hướng, mọi tông phái của nó.