Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Theo dấu Huyền Trang

27 Tháng Chín 201000:00(Xem: 13784)
Theo dấu Huyền Trang
 
 
blankHuyền Trang, tên thật là Trần Vỹ, con thứ tư của Trần Huệ ở huyện Hầu Thị, châu Lạc Xuyên, Trung Quốc, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 hay đầu thế kỷ thứ 7, sau Tây Lịch, tức là khoảng từ năm 596 đến 603[1] và mất năm 664. Năm 629, dù không được vua nhà Đường chấp thuận, nhưng bằng một ý chí sắt đá và một quyết tâm phi thường, bất chấp sa mạc nắng cháy, nhiều núi cao vực sâu, rừng thiêng nước độc, lại còn bị xua đuổi, truy nã, bị cướp bóc, đói khát, thầy tận dụng mọi phương tiện di chuyển như ngựa, lạc đà, voi và chủ yếu là đôi chân của chính mình để đến cho được vùng đất Phật. Và thầy đã đến, đã ở lại chiêm bái các Phật tíchhọc đạo rồi trở lại Trung Quốc vào năm 645, cả đi lẫn về mất hết 17 năm. Ước tính, thầy đã vượt hết một chặng đường chừng 50 ngàn lí[2] và mang về Trung Quốc:




- 150 Xá Lợi tử ( Tinh cốt của Như Lai).

- 2 tượng Phật gỗ đàn tô ngân cao 4 thước
- 3 Tượng Phật bằng đàn hương : Cao 3th5, 2th9, 2th3
- 657 bộ Kinh, chia làm 520 hiệp
- Cùng một số bảo vật khác nữa. Và phải dùng voi, lạc đà và 24 ngưạ mới chở hết[3]...


Chuyến hành trình được Biện Cơ soạn thành bộ sách gồm 12 cuốn có nhan đề là “Đại Đường Tây Vực Ký”, ghi lại những điều tai nghe mắt thấy về lịch sử, địa dư, phong thổ, tập tục, nhân tình của 138 nước mà thầy đi qua. Tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó bản tiếng Anh được Samuel Beal dịch vào thế kỷ 19 có tựa đề là The Great Tang Chronicles of the Western World và bản tiếng Việt vừa được thầy Thích Như Điển (Đức) dịch năm 2003[4]. Đồng thời chuyến đi cũng tạo nên cảm hứng cho một tác giả khác, Ngô Thừa Ân, vào thế kỷ thứ 16, sáng tác ra một tác phẩm, có thể liệt vào hàng kiệt tác văn chương Trung Quốc: Tây Du Ký, được Arthur Waley dịch ra tiếng Anh là Monkey.

blankGần 14 thế kỷ sau, một người khác lập lại chuyến hành trình lạ lùng đó: Richard Bernstein. Thực ra, cũng đã có người theo dấu Huyền Trang, nhưng chỉ giới hạn về mục tiêuthời gian cũng như địa điểm. Chẳng hạn như Marc Aurel Stein (1862-1943), nhà khảo cổ học người Anh gốc Hung Gia Lợi, dành cả hơn 10 năm khảo sát các di tích vùng phía Tây Trung QuốcCon Đường Tơ Lụa (Silk Road), dựa một phần vào các tài liệu về chuyến đi của Huyền Trang. Chỉ có Bernstein là lập lại gần như nguyên cuộc hành trình của nhà sư Trung Quốc này. Tuy không cùng một mục đích như nhà sư nhưng ông ra đi dưới bóng dáng của nhà sư và với một ước vọng lớn lao: đi tìm câu trả lời cho nỗi hoài nghi của mình về con đường giải thoát của đạo Phật. Kết quả là sự ra đời của một bút ký: Ultimate Journey (Cuộc Hành Trình Tối Hậu)[5]. Có thể gọi đó là một trường thiên bút ký, gồm 21 chương, gần 350 trang, ghi lại cùng một lúc hai cuộc hành trình: hành trình của Huyền Trang cách đây 14 thế kỷ và hành trình của Bernstein vào năm 1999. Hầu như suốt tập bút ký, quá khứ đan xen với hiện tại, lòng ngưỡng mộ trộn lẫn với hoài nghi.


blankRichard Bernstein, tốt nghiệp đại học Harvard ngành sử, là một nhà phê bình sách cho tạp chí New York Times, đồng thời là trưởng văn phòng đại diện đầu tiên của tờ Times khi Trung Quốc bắt đầu thi hành chính sách mở cửa đối với thế giới bên ngoài. Trước đó, ông là trưởng phòng đại diện, cũng của Times, tại Liên hiệp Quốc, tại Pháp và là thông tín viên văn hóa quốc gia. Ông đã xuất bản 5 tác phẩm, hai trong đó là viết về Á Châu. Ngay từ hồi còn đi học, tác giả đã bị ấn tượng về chuyến du hành. Càng về sau, ấn tượng đó trở thành một khát vọng. Vào cái tuổi ngoài 50, Bernstein không chịu lập gia đình, cương quyết thực hiện cho được chuyến hành trình theo dấu Huyền Trang. Nhưng khi Bernstein xin cấp chiếu khán đi Tây An (Xian) thì bị tòa Lãnh Sự Trung Quốc ở New York từ chối. Lý do là vì vào năm 1996, Berstein và một người bạn cùng viết một cuốn sách bàn về mối bang giao giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc có tựa đề là The Coming Conflict with China tiên đoán là sẽ có một cuộc tranh chấp thù nghịch lâu dài giữa hai nước. Cuốn sách làm nhà cầm quyền Trung Quốc nổi giận, cho rằng các tác giả bịa chuyện để làm hại bang giao hai nước. Sau đó, nhờ có người chỉ vẽ, ông bay qua Hồng Kông xin chiếu khán và nhờ thế, ông thực hiện được chuyến đi như đã từng mơ ước từ buổi thiếu thời...

Chuyến hành trình của Bernstein không có gì gian nan, không chứa đựng một sự kiệnđặc sắc, nhưng góp phần làm đậm nét thêm cuộc du hành và những vấn nạn xoay quanh cuộc đi tìm chân lý có một không hai này của của Huyền Trang 14 thế kỷ trước. Theo Bernstein, Huyền Trang ra đi để tìm chân lý tối hậu (Ultimate Truth) là chấm dứt mọi đau khổ không thể tránh được và không thể trốn thoát được. Bernstein cho biết đó không phải là mục đích của ông. Điều ông quan tâmtính cách vĩ đại của cuộc hành trình, cái đẹp trong cuộc đi tìm và tầm cỡ của những thành tựunhà sư đạt được. Berstein muốn “đi đến cùng những nơi mà nhà sư đã đi, đứng cùng những nơi mà nhà sư đã đứng, nhìn vào sa mạc và cố gắng nghe âm thanh những bước chân nhà sư vang vọng xuống những hành lang của thời gian”(tr.6)[6].

Nhìn lên bản đồ (kèm theo), ta sẽ thấy Huyền Trang đi theo một đường zigzag rộng lớn, dài hơn nửa đường biên Trung Quốc, vòng quanh nửa nước Ấn Độ rồi trở về Trung Quốc bằng một con đường khác, tương đối gần hơn. Bắt đầu từ kinh đô Tràng An (bây giờ là Tây An = Xian), thầy lần lượt đi ngang Lanzhou, Jiayu Guan, Liuyuan, băng qua sa mạc Gobi (Mông Cổ) vòng theo phần phía bắc sa mạc Takla Makan qua các xứ Hami, Turfan, Kucha, Aksu đến Kashgar, đi xuyên những vùng đất bây giờ là các nước cộng hòa Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, rồi Ấn Độ. Từ Ấn Độ, trước hết, thầy đến thăm nơi sinh của Phật ở Lumbini (Lâm Tì Ni), bây giờ nằm trong phần lãnh thổ của Nepal. Sau đó, thầy quay trở lại Ấn Độ, đến Bồ Đề Đạo Tràng, thăm Nalanda, trung tâm tu học Phật Giáo lớn nhất thời bấy giờ. Ở đó hai năm, thầy đi về phía Đông đến vùng Bengal, quay xuống phương Nam, đến Kanchipuram, đi ngược trở lên Bombay, quay về phía Bắc đến Aurangabad, đi ngang giữa Ấn Độ về lại Nalanda. Chuyến đi này kéo dài 6 năm. Ở Nalanda thêm một thời gian nữa, sau đó thầy đi xuyên qua Pakistan và Afghanistan rồi theo con đường nằm phía nam sa mạc Takla Makan trở về lại Trung Quốc. Đường về như thế ngắn hơn đường đi.

Hành trình của Bernstein có khác. Trước hết, ông bay máy bay từ Hồng Kông đến Tây An (tức Tràng An). Sau đó, từ Tây An, được trang bị bởi một số kiến thức căn bản về Phật Giáo cùng với một số tài liệu về Huyền Trang như cuốn tiểu sử của Hui Li (Huệ Lập), bản dịch tiếng Anh của “Đại Đường Tây Vực Ký”…, ông cố hết sức theo đúng lộ trình của Huyền Trang. Địa điểm đầu tiên Bernstein dừng lại là vùng biên giới phía Tây Trung Quốc. Ngày xưa, bị truy nã, khi qua đây, ban ngày Huyền Trang phải ẩn núp, ban đêm mới dám đi. Thầy ngủ trên cỏ rác, nằm dưới sương lạnh, chịu đựng bao nhiêu khó nhọc mới lần hồi đi đến được Ngọc Môn Quan, trạm canh phòng biên giới chính của Trung Quốc. Ra khỏi Ngọc Môn Quan, lại phải đi qua năm Phong hỏa đài, tức là các tháp canh (watchtowers), mỗi tháp cách nhau vào khoảng 100 lí, có quân lính ngày đêm canh giữ chặt chẽ. Những tháp này xây bằng đá, chỉ vùng phụ cận mới có nước và một ít cây cỏ, ngoài ra là những bãi cát mênh mông. Aurel Stein đã từng đi qua đây nhiều lần từ đầu thế kỷ 20 để khảo sát dấu vết các Phong hỏa đài này. Trong một bài viết tổng kết chuyến đi “Geographycal Journey” (1919), Stein cho biết đã tìm thấy dấu vết của Phong hỏa đài thứ nhất hiện nay ở Bai-dun-Zi và cái thứ tư ở Ma-lian-Jing-Zi và cái thứ năm là ở biên giới giữa Cam Túc (Gan Su) và Tân Cương (XinJiang). Ngọc Môn Quan thời đó bây giờ đã bị chôn vùi dưới một cái hồ nhân tạo. Người ta xây dựng lại nó ở một nơi khác không xa đó, nhưng vẫn giữ cùng một kiểu kiến trúc và mục đích thì không khác: canh phòng biên giới. Cách đó chừng 10 dặm là sa mạc Gobi.

Ra khỏi biên giới, Bernstein nhẩn nha bám sát lộ trình của Huyền Trang. Ông ghé tìm những ngôi đền, những địa điểm mà thầy đã từng dừng lại nghỉ ngơi, trú ẩn hay thăm thú các chùa chiền, đền miếu. Từ Bai-dun-zi đến Gaochang rồi đến đền Zhao-gu-li ở Turfan, đâu đâu ông cũng tìm thấy dấu vết đoạn đường mà Huyền Trang đã đi qua khi ông đối chiếu giữa những ghi chú của Huyền Trang và các dấu tích còn lại. Dù bây giờ ở những nơi đó, người ta ăn mặc tân thời, những cửa hàng bán đồ cổ và khách du lịch chẳng mấy ai để ý đến một ông thầy tu 14 thế kỷ trước, nhưng đối với Bernstein, chúng cho ấn tượng về một sự liên tục, nối kết, gắn bó giữa quá khứhiện tại, giữa tâm tình của vị thầy tu và của một kẻ du hành thời hiện đại. “Chúng khiến cho nhà sư trở nên cụ thể hơn là trừu tượng” (102).

Đến Aksu thì Bernstein gặp trở ngại. Tại đây, Huyền Trang vượt qua dãy núi Pamir (nay là đèo Bedel) đi thẳng về phía tây. Bây giờ con đường qua dãy Pamir bị nhà cầm quyền Trung Quốc đóng, nên ông phải đi xuống Kashgar, sau đó mới ngược phía Bắc để bắt gặp lại đường đi của nhà sư. Đến Termez, biên giới giữa Uzbekistan và Afghanistan, lại một lần nữa, ông không thể bám sát lộ trình của nhà sư. Afghanistan, lúc này đang nằm dưới chế độ chuyên chế của chính quyền Taliban, nên chiếc cầu đi qua biên giới – đây là nơi mà quân đội Liên Sô dùng làm đường chuyển quân qua chiếm đóng Afghanistan mấy thập niên trước – bị đóng. Ông xin phép lính canh cho phép đi bộ ra giữa cầu, ngậm ngùi đứng nhìn về bên kia biên giới. “Vào thế kỷ thứ 7, không có cầu nhưng dễ dàng vượt qua sông. Bây giờ tuy có cầu, nhưng không thể nào đi qua được” (169). Ông mất cơ hội chiêm ngưỡng hai pho tượng Phật ở Bamyan, nơi Huyền Trang đã đi qua, vì không lâu sau đó, chính quyền Taliban đã ra lệnh cho phá hủy hai tượng Phật này.

Ông đành phải dùng máy bay bay ngược về Tashkent, rồi đi một chuyến khác về Alma Ata, thủ đô của cộng hòa Kazakhstan, từ đó đi thêm một chuyến nữa trở lại Islamabad, thủ đô của Pakistan rồi đáp thêm một chuyến bay ngắn nữa để đến Peshawar. Bù lại cái mất mát vì không được theo đúng lộ trình của Huyền Trang đi ngang qua Afghanistan, Bernstein thích thú đặt chân đến Peshawar. Peshawar có một ý nghĩa vĩ dại đối với Phật Giáo – và là một chặng quan trọng trong cuộc du hành của Huyền Trang – vì đó là thủ đô của nước Gandhara (Kiền Đà La) thời xưa, nơi được xem là chỗ trung chuyển đưa Phật Giáo truyền bá ra ngoài Ấn Độ. Đó cũng là nơi sinh trưởng của hai khuôn mặt vĩ đại của Phật Giáo là Asanga (Vô Trước) và Vasubhandu (Thế Thân), những triết gia đã đề xướng thuyết “Yogacara” (Du Già Sư Luận) tức là “Duy thức học” (Mind-only theory). Triết lý của hai vị sư này đưa Bernstein trở lại thời kỳ của một khuôn mặt lớn khác của Phật GiáoLong Thọ, người đề khởi triết lý “Sunyata” (Tánh không luận) vài thế kỷ trước, mà nội dung căn bản là để đạt đạo, con người phải từ bỏ mọi dục vọng, từ bỏ mọi vướng víu với dục vọngtừ bỏ ngay cả cái dục vọng muốn đạt tới chân lý. Bernstein nhắc đến John Snelling, người so sánh tư tưởng Long Thọ với tư tưởng của triết gia Ludwig Wittgenstein (1889-1951) nhiều thế kỷ sau về lập luận tự hủy (self-annihilating), theo đó, Chân Lý Tuyệt Đối là thứ Tự Do Tuyệt Đối thoát ra khỏi mọi khái niệm về ý nghĩa do con người tạo ra, kể cả thoát khỏi thứ ý nghĩa dùng để hiểu chân lý (175).

Từ đây, Bernstein theo sát lộ trình của Huyền Trang đến các thánh tích Phật Giáo. Trước hết là Lumbini (Lâm Tì Ni), nơi đản sinh của Phật. Ở đây, Phật tử từ nhiều quốc gia như Thái, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Miến Điện, Tích Lan, Tây Tạng… đến dựng chùa ở đó để tu học, mỗi chùa có một hình thái khác nhau theo truyền thống của quốc gia họ. Chẳng hạn như người Trung Quốc xây một ngôi chùa có dáng dấp của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh thu nhỏ. Thời tiết ở đó rất nóng, đến 112 độ Fahrenheit. Nơi sinh được ghi dấu bằng một ngôi đền đá bao quanh bởi những cánh đồng đầy tiếng côn trùng kêu. Ông đến thăm Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi có chùa Mahabodhi đuợc dựng lên để ghi nhớ địa điểm Phật thành đạo. Ông đi quanh chùa nhiều lần ngay nơi mảnh đất mà Phật đã đi tới đi lui và nhìn xuống cây bồ đề nơi Phật thành đạo. Ông tới thăm dòng sông Naijanjana (Ni Liên Thuyền) – bây giờ gọi là Fungu – nổi tiếng, nơi Phật tắm trước khi ngồi dưới gốc cây bồ đề tham thiền nhập định. Ông đi dọc theo bờ ruộng, xa xa là ngọn núi, nơi có động Mahakala, nơi Phật tu khổ hạnh sáu năm. Ông không quên ghé Sarnath, nằm trong “Deer Park” (Lộc Uyển), nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo. Ông tới Nalanda – mà ông gọi là một trường Harvard Phật Giáo – nơi hàng ngàn môn sinh đến thụ giáo vào thời đó và là nơi mà Huyền Trang dành nhiều thời gian nhất để học Phật Pháp. Bây giờ, Nalanda không còn như xưa, hoang phế. Những người tu học hầu hết đều là người nước ngoài đến từ nhiều nơi trên thế giới. Rất ít người địa phương. Bernstein ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy tấm biểu ngữ treo chào mừng Đức Đạt Lai Lạt Ma của hãng nước giải khát Coca-Cola: Coca-Cola Welcomes His Holiness The Dalai Lama.

Thăm Nalanda xong, Bernstein cũng theo dấu chân Huyền Trang đi vòng quanh Ấn Độ, qua Đông, xuống Nam, quay về Tây và Bắc. Nhưng ông không trở lại Nalanda, mà đi thẳng đến New Delhi, lên Islamabad, bắt gặp lại lộ trình của Huyền Trang, để từ đó trở về Trung Quốc.

Trong số những động lực thúc đẩy Bernstein thực hiện cuộc hành trình, có hình ảnh của một phụ nữ. Ðó là một cô gái Trung Hoa, có tên là Zhongmei Le (Trung Mỹ Lý). Trong lúc băn khoăn với dự tính du hành, Bernstein tình cờ gặp cô trong một lần duyệt phim ở một rạp hát ở New York. Hai người quen nhau và khi biết ý định của ông, nàng hết sức khuyến khích. Không những thế, nàng còn tình nguyện tháp tùng ông trong chuyến đi.

Gia đìnhcư ngụ ở tỉnh Hắc Long Giang thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, chỉ cách biên giới với Liên Xô có một con sông, sông Amur. Cha là một người lính Hồng Quân Trung Quốc trong thời Mao Trạch Ðông thực hiện cuộc vạn lý trường chinh chống Tưởng Giới Thạch. Năm lên 11 tuổi, cô tình cờ đọc được trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, tiếng nói chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, một thông báo của viện ca múa Bắc Kinh sẽ tổ chức tuyển lựa vũ công. Cô rất thích môn vũ, tuy chưa hề trải qua một lớp huấn luyện nào, nhưng vẫn muốn đi thi. Cha mẹ cô không bằng lòng vì từ miền bắc đưa cô đến Bắc Kinh phải tốn quá nhiều tiền, ngoài khả năng tài chánh của họ, lại chẳng có mấy hy vọng thành công. Nhưng cô thích quá nên nhịn đói để gây áp lực. Cuối cùng cha mẹ cô bằng lòng để cô đi, lên trọ tại nhà một người bạn thân của cha ở Bắc Kinh. Cuối cùng, cô là một trong 12 cô gái được trúng tuyển trong số 20 ngàn thí sinh dự tuyển. Tiếp đó là sáu năm dài gian khổ học múa tại viện ca múa Bắc Kinh. Gia đình nghèo, lại ở vùng quê, nên cô sống cô đơn vất vả so với các bạn đồng khóa. Ðã thế, họ lại đầy thành kiến đối với gái quê như cô. Cô không bao giờ cười và đầy mặc cảm đối với các bạn. Ngay cả các cô giáo cũng thành kiến đối với cô. Một trong những cô giáo chính từ chối không cho cô dự lớp tập múa thường lệ của lớp. May nhờ một người gác cửa đêm thông cảm hoàn cảnh của cô nên ra tay giúp. Cứ mỗi buổi sáng, hai giờ trước khi kẻng báo thức, người này lén mở cửa phòng để cô đi đến phòng múa và tự tập dượt một mình trong lúc các bạn đồng lớp đều đang ngủ.

Nhờ sự bền chí và lòng yêu nghề, cuối cùng cô tốt nghiệp hạng đầu và thắng giải nhất bốn năm liên tiếp của giải ca múa quốc gia. Zhongmei Le trở thành ngôi sao ca múa quốc gia và được hưởng lương cao hơn cả các giáo sư đại học thời bấy giờ. Năm 1991, cô được học bổng đi Hoa Kỳ theo học Cao Học múa tại trường đại học Dallas Baptist University. Ba tháng sau, cô chuyển về học múa hiện đại tại Martha Graham School, rồi Alvin Ailey Company.

Zhongmei Le tháp tùng Bernstein trong phần đầu của cuộc hành trình, giúp đỡ ông rất nhiều khi cả hai đang còn ở phần đất Trung Quốc và cũng gặp khá nhiều phiền toái. Chẳng hạn mỗi lần vào đăng ký ở khách sạn. “Khi chúng tôi đăng ký trọ ở khách sạn, nàng nói với tôi nàng nhìn thấy sự ngạc nhiên trên nét mặt của những nhân viên lễ tân khi họ biết chúng tôi cùng ngủ chung một phòng. Nàng nói: ‘Em thật phiền khi phải đưa cái hộ chiếu Hoa Kỳ cho họ. Em là người Trung Quốc. Tại sao em phải đưa một hộ chiếu Hoa Kỳ? Nhưng nếu em không đưa hộ chiếu thì họ sẽ sinh chuyện với em.’ Ở Trung Quốc, nếu không phải vợ chồng, chỉ có những người nước ngoài mới được phép ở chung một phòng. Dân Trung Quốc không được phép làm như thế. Zhongmei tiếp: ‘Và khi em đưa hộ chiếu ra, họ cảm thấy khó chịu bởi vì có lẽ họ không ngờ em lại không như họ nghĩ’.”

Sở dĩ thế vì theo nàng, “Em biết là em sẽ nghĩ gì khi em thấy một người đàn bà Trung Quốc đi với một người đàn ông ngoại quốc. Em sẽ cảm thấy cô ta không phải là người đàng hoàng. Em nghĩ là cô ta đòi hỏi cái gì đó ở người đàn ông này, bởi thế mà em biết họ nghĩ gì khi thấy em đi với anh. Em thì em chẳng quan tâm nhưng đôi khi cái đó cũng làm phiền em” (109).

Có lần, khi họ đến Kucha vào tháng 9/1999 thì xảy ra vụ Hoa Kỳ ném bom lầm tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade (trong chiến dịch không tập của khối NATO chống chính quyền Nam Tư nhân vụ đàn áp dân Albani ở Kosovo). Xuyên qua bộ máy tuyên truyền kích động của nhà nước Trung Quốc, tình cảm chống Mỹ dâng cao trong nhân dân. Zhongmei tỏ ra rất lo lắng. Nhưng may mắn là không có chuyện gì tệ hại xảy ra.

Zhongmei Le, sau chuyến hành trình, đã trở thành người bạn đời của Bernstein.

Nói cho đúng, trong thời đại ngày nay, thực hiện một chuyến du hành như Bernstein không phải là điều khó khăn, chỉ đòi hỏi thời gian và tài chánh. Cái đáng ghi nhận ở đây là nỗi trăn trở của một người phương Tây Do Thái Giáo đối với cuộc hành trìnhtính chất tâm linh của nhà sư Á Đông 14 thế kỷ trước. Ngoài những ghi chép có tích cách phóng sự về các nơi đã đi qua, những trở ngại gặp phải cùng những thứ lỉnh kỉnh vụn vặt khác, Bernstein ghi lại tâm tình và suy nghĩ của mình về chuyến hành trình của Huyền Trang, về chính bản thân nhà sư cũng như những suy nghĩ chân thành về Phật Giáo. Một điều đáng nói khác là qua tác phẩm, ta được đọc lại hầu như toàn bộ diễn tiến cuộc hành trình của Huyền Trang, do Bernstein trích dẫn hay kể lại từ “Đại Đường Tây Vức Ký” đồng thời với một số nét phác thảo về lịch sử truyền bá Phật GiáoTrung Quốc. Dẫu xem Huyền Trang là một nhà “cách mạng tâm linh” bằng tu luyệndu hành, băn khoăn lớn nhất đeo đẳng Bernstein là câu hỏi: tại sao Huyền Trang lại đi và rốt cuộc, nhà sư tìm được gì? Hãy theo dõi những suy nghĩ của Bernstein được lọc ra đây đó trong Ultimate Journey.

Trong gần ba ngàn năm lịch sử Trung Quốc, Phật Giáo là chủ thuyết nước ngoài duy nhất chiếm được thế đứng vững mạnh, lâu bền trong một quốc gia Khổng Giáo đầy tinh thần thực tiễn[7]. Vào thế kỷ thứ 7, Phật Giáo đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc. Chùa chiền mọc lên nhiều nơi, kinh sách truyền bá rộng rãi, nhiều người từ bỏ gia đình vào chùa tu học. Huyền Trang tuy mộ đạo nhưng nghi ngờ tính cách chính xác của các bản kinh lưu hành. Nhiều ý niệm triết lý vẫn còn mơ hồ như “chân như” (suchness), “tánh không” (emptiness) khiến gây ra nhiều tranh cãi dai dẳng. Giống như những phật tử khác, Huyền Trang tin tưởng vào hai ý tưởng căn bản: một, tin rằng mục đích của chuyến đi là tìm một con đường thoát ra khỏi thế giới đau khổ và hai, tin rằng đau khổ thoát thai từ chỗ không hiểu rõ bản chất thực sự của sự vật. Nhưng cũng như ngày nay, theo Bernstein, Phật Giáo có những ý nghĩa khác nhau đối với nhiều người khác nhau. Vì triết lý của nó không dễ dàng nắm vững. Với Bernstein, Phật Giáo là thứ tôn giáo “ít tôn giáo nhất trên thế giới”, một tôn giáo không dựa vào một đấng thần linh đầy quyền uy, huyền bí, và thấu suốt mọi việc để cung cấp những câu trả lời thỏa đáng cho con người khi đụng phải những bí ẩn của cuộc sống như: chúng ta đến từ đâu, tại sao, cái gì xảy ra sau khi chết, tại sao tốt, tại sao xấu, vân vân (29, 30). Trong khi đi đường, Bernstein đọc kinh sách của Phật Giáo, mong hiểu được những gì mà Huyền Trang muốn tìm là sự giác ngộ. Đối với ông, Phật Giáo luôn luôn “hấp dẫn tôi như một vấn đề triết học hơn là chuyện tâm linh, như là một hướng đạo sáng suốt khi gặp rắc rối hơn là một niềm tin tôn giáo” (31). Vì ông nhận thấy rằng “Phật Giáo là một cuộc thăm dò sớm sủa nhất và có lẽ sâu xa nhất vào những nhược điểm quan trọng của cá tính con người, là chủ thuyết đầu tiên cho rằng, trong bản chất, chân lý sẽ khiến cho con người tự do” (33).

Ngay trước khi ra đi, theo Bernstein, Huyền Trang thiên về khuynh hướng “Du Già Sư Luận” (Yogacara) hay “Duy thức học” là một nhánh của phái Đại Thừa. Phái này đã đề cập đến vai trò chủ đạo của tâm thức, một ngàn năm trước khi Descartes và các triết gia thực nghiệm Anh tìm ra. Tuy vậy, khác với Descartes cho rằng ngoại giới là có thực, những người thuộc phái Duy thức cho rằng thế giới chỉ là một trò lừa gạt. Mọi vật trong đó, dù hữu hình hay vô hình, đều chỉ là phản ảnh vào trong thứ sương mù huyễn ảo của tâm thức, là “giấc mơ trong giấc mơ” (31). Từ tiềm thức, chúng ta bám lấy một cái ngã-tự-hiện-hữu. Nói khác đi, trong trạng thái xúc động, có một cảm giác mạnh mẽ về tự ngã dâng lên và nó y như thật. Điều đó dẫn đến sự dính líu vào cái hạnh phúc của tự ngã này và còn dính líu đến một cái không biết khác, đó là cho hiện tượng bên ngoài, tách biệt khỏi ý thức.

Để diễn tả hiện hữu, các triết gia Duy thức triển khai ý tưởng về “tàng thức” (store consciousness) đưa đến cái ảo tưởng rằng bản ngã là một thực tại tách khỏi các thực tại khác. Tàng thức, như thế, có phần giống với quan niệm về vô thức của Freud tác động đến các nội dung của ý thức. Trong ý nghĩa này, Bernstein cho rằng Phật Giáo quả thật là rất hiện đại. Nó đại diện cho một thứ lý thuyết sắc sảo, tinh vi về bản chất của hiện thực, một dấu hiệu cho thấy xã hội của Gandhara vào thời đó tiến bộ như thế nào. “Hãy tưởng tượng rằng ngay vào thế kỷ thứ 4, những triết gia ở một Peshawar xa xôi đã hiểu rằng điều mà chúng ta suy nghĩ về như một tâm thức (mind) thực ra vốn đã được tạo thành bởi nhiều phần, đôi khi chúng xung đột nhau khi mỗi phần cố ‘thuộc địa hóa’ (colonize) toàn thể tâm thức. Ở trong triết lý Du Già Sư Luận, chúng ta không có được các ý tưởng chỉ từ năm giác quan; chúng ta còn có chúng từ những chủng tử (seeds) và những dấu vết (traces) vốn đã được cất giữ (deposited) sẵn trong tàng thức chúng ta, đó là một loại đặc tính tự nhiên, tiền-hiện hữu trong tâm thức và nó cho chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta hiện hữu” (176). Tâm thức con người, như thế, không phải là một tabula rasa (bảng sạch không) sẵn sàng ghi lại tất cả những kinh nghiệm mới mẻ của từng cá nhân. Hay nói cách khác, bản ngã chỉ là cái đến sau, khác hẳn với “cái tôi suy tưởng” – Je pense donc je suis – của Descartes.

Tuy thế, triết lý đó, theo Bernstein, chỉ nói với chúng ta về những gì là “không” chứ không nói về những gì là “có”. Berstein thành thật nhận định “Khi tôi đọc về những ý niệm này trong triết lý Phật Giáo dưới ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn điện duy nhất của tôi trong khách sạn Green, tôi cảm thấy tôi hơi hiểu và lại chẳng hiểu gì cả. Tôi thường có cảm giác này về lý thuyết Phật Giáo, mà ý tưởng căn bản của nó dường như nằm trong tầm hiểu biết, nhưng sớm phai mờ đi, y như thể là ảo ảnh” (176).

Điều đó làm cho Bernstein có “ý nghĩ bất kính” (irreverent thought) rằng, Phật Giáo chỉ là một “trò chơi chữ lắt léo” (slippery wordplay), để cho các triết gia có thể nhìn sự vật theo cách mà họ muốn (177). Bernstein tự hỏi: phải chăng ông bị chi phối bởi các ý niệm siêu hình của Do Thái Giáo nên không thể nắm bắt được các khái niệm rắc rối của Phật Giáo? Ông quen thuộc với những kinh văn Do Thái Giáogắn liền với nó như một tình cảm thẩm mỹ, kính trọng các gương tuẫn giáo và ý nghĩa lịch sử của nó. Giống như người cha, ông không mấy tin tưởng ở một Đấng Tối Cao. “Khi tôi lần theo dấu chân Huyền Trang, Phật Giáo chưa bao giờ trở thành tôn giáo của tôi. Tôn giáo mà tôi không hoàn toàn tin tưởngDo Thái Giáo. Thượng Đế mà tôi hoài nghi sự hiện hữu của ngài là Thượng Đế của Abraham, Isaac, và Jacob” (33). Nhưng so với Phật Giáo, Do Thái Giáo cụ thể hơn nhiều. Nó có những quy phạm liệt kê đầy đủ trong Thánh Kinh, cái gì nên theo cái gì nên tránh và mọi sự có Thượng Đế lo liệu tất. Phật Giáo không như thế, đã không có Thượng Đế lại chẳng có tự ngã. Phải chăng các tiền đề như thế không vững chắc. Và nếu thế thì rõ ràng là có sai lầm về mặt luận lý đâu đó trong kho tàng triết học Phật Giáo.

Trong tình huống đó, Bernstein suy ra rằng có thể Huyền Trang ra đi vì những bối rối trong vấn đề đi tìm chân lý. Y như ông. Bernstein quả quyết rằng chính vì tìm cách trả lời cho một “câu hỏi lớn” mà Huyền Trang đã băng rừng vượt suối đến Ấn Độ. Câu hỏi đó là: nếu tất cả đều là ảo ảnh, vậy thì chính niềm tin tất cả là ảo ảnh phải chăng cũng là ảo ảnh? (224).

Bernstein đọc và hiểu rằng loại trừ bản ngã chính là ý niệm Sunyata – tánh không – của Long thọ. “Đó là một ý niệm hết sức huyền bí mà tiền đề chính là người ta phải giải thoát khỏi, không những sự dính líu với sự vật trong thế giới, mà cả sự ràng buộc với sự vật của tâm thức nữa” (240). Ví dụ như phải hiểu rằng tự ngã là một ảo tưởng và người ta phải giải thoát ra khỏi sự dính líu vào ảo tưởng đó. Người ta không nên bám víu vào ngay cả chân lý. Giáo pháp cũng như giấc mơ, như ảo thuật, như tiếng vang, như ánh trăng phản chiếu dưới nước, như lâu đài trên cát, như cái bóng, như ánh chớp, vân vân. “Chúng có ở đó, nhưng chúng cũng không có ở đó và khi chúng ta với được đến đó thì chẳng tìm thấy gì để giữ cả” (241).

Berstein thắc mắc: nếu tất cả đều là không, vậy thì có gì khác nhau giữa những điều gì đó? Tại sao một số người lại được tái sinh như những con vật còn người kia lại tái sinh làm vua? Nếu tất cả đều là không, vậy thì cái gì nhận biết cái không này? Chỉ có thể là tinh thần. Mà nếu tinh thần hiện hữu thì phải chăng có một cái gì đó cũng cùng hiện hữu? (240, 241). Lý luận Phật Giáo, như thế, trở thành nghịch lý và rơi vào bế tắt. Trong lúc những Phật tử như Huyền Trang tin rằng lặn sâu vào nghịch lý sẽ mang người ta đến chỗ nhận thức được Chân Lý Tuyệt Đối thì những thắc mắc đó đeo đuổi Bernstein suốt cuộc hành trình. Cứ mỗi khi bàn đến những ý niệm về “không’, về hiện hữu, về ảo ảnh trong tư tưởng Phật Giáo, ông đều không khỏi băn khoăn.

Dùng lại một ẩn dụ hiện đại trong phim Yellow Submarine, Bernstein gọi đó là “nghịch lý của cái hút bụi” (vacuum cleaner paradox). Yellow Submarine là cuốn phim ca nhạc do nhóm “The Beatles” thực hiện năm 1968, trong đó, có cái hút bụi, sau khi đã hút hết tất cả những gì trong tầm nhìn, nó hút luôn cả chính nó, khiến bản thân nó cũng chẳng còn hiện hữu. Hai lần rỗng không! Bernstein cho rằng y như thể, tâm thức con người sau khi nhận ra rằng mọi thứ ngoại giới đều là ảo ảnh, cũng nhận ra nó cũng là ảo ảnh. Một điều nghịch lý! Ông quả quyết: “Tôi tin rằng Huyền Trang đi Ấn Độ để giải quyết nghịch lý của cái hút bụi trong phim “Yellow Submarine” về cái “rỗng không kép” (double emptiness) (33).

Thế cho nên, khi đến Nalanda mà ông xem là cái lò đào luyện các nhà tư tưởng Phật Giáo, Bernstein tìm thăm một Phật Học Viện có tên là “Root Institute”. Tại đây, ông gặp hai nhà sư, một từ Đức, Feydor và một từ Úc, Neal. Ông đem những thắc mắc của ông ra hỏi: “Nếu mục đích của giác ngộchấm dứt đau khổ thì có gì khác nhau giữa chuyện ngoại giới là có thực hay không thực?” Feydor trả lời: “Phật dạy rằng có đau khổ là phải có nguyên nhân làm cho đau khổ. Mọi đau khổ là do phiền não (disturbance) trong tâm. Đau khổ chính là vì không nhận biết sự vật là gì. Do đó, để loại trừ đau khổ, chúng ta phải trải nghiệm xem sự vật là gì. Chúng ta hiểu được cái gì là sai cái gì là đúng. Có một chân lý quy ước (conventional truth = tục đế) và một chân lý tuyệt đối (ultimate truth = chân đế). Nếu tất cả là không, chúng ta bị buộc phải sống y như thể phải có một điều gì đó, và cái gì đó chính là chân lý quy ước. Nếu ta có một chiếc xe, ta có thể sử dụng chức năng của chiếc xe, ngay cả nếu đó là sản phẩm của tinh thần. Đó là trung quán luận. Với quy ước, chúng ta hiện hữu.”

Berstein ngờ rằng cách nói như vậy chẳng khác gì một lối “ngoa ngôn lòe bịp” (verbal pyrotechnics), chẳng có ý nghĩa gì thực sự, có lẽ là một cách nói để thoát khỏi thứ luận lý phi luận lý. Vì kiểu lý luận Phật Giáo là đầy cả mâu thuẫn. “Tôi biết tôi bất lịch sự nhưng tất cả chỉ vì tôi muốn biết” (241).

Feydor giải thích tiếp: cái mà Phật Giáo quan tâm không phải là hiện hữu mà là nguồn gốc của đau khổ. Khi tin một hiện tượng ngoại giới là có thật nằm ngoài tâm thức là nền tảng cho niềm tin rằng có một tự ngã hiện hữu. Khi tin có một tự ngã hiện hữu thì sẽ dẫn đến ham muốnsân hận. Từ đó tạo ra nghiệp quả xấu, khiến chúng ta tái sinh và lại tiếp tục đau khổ. Cái đó cũng giống như một phản ứng dây chuyền. Khi nhận biết sự vật bên ngoài chỉ là do tâm là bắt đầu một chuỗi phản ứng dây chuyền khác dẫn đến trí huệ, chân lý cuối cùng (241, 242).

Berstein lại thắc mắc: Như thế, phái du già cho rằng hai điều mâu thuẫn nhau – bản ngã không hiện hữuvô ngã không hiện hữu – đều đúng? Vậy thì nhà sư đi tìm cái gì? Vì có gì khác nhau đâu?

Feydor giải thích: Nhà sư nỗ lực để chiến thắng hoàn toàn các đòi hỏi của bản ngã để đi tới trạng thái vô ngã. Và đó là phương cách duy nhất để hoàn tất mục tiêu của Phật pháp, là giúp kẻ khác thoát khỏi ràng buộc khiến họ đau khổ. “Liều thuốc chữa trị tốt nhất là vô ngã. Khi ta biết rằng đối tượng của ràng buộc với ngã là ảo tưởng, ta có thể đạt đến trạng thái vô ngã là bước khởi đầu của Phật tính” (Buddahood) (243).

Cuộc đối thoại, rốt cuộc, chẳng giúp gì hơn cho Bernstein. Cái mà Huyền Trang hy vọng thành đạt được ở Nalanda là sự rèn luyện tâm thức để giúp thầy nối lại được những mâu thuẫn vốn không thể san bằng. Muốn trở thành một Bồ tát mà không vướng víu khát vọng trở thành Bồ Tát trông hơi giống như một trò đùa. Nói thế cũng chẳng khác gì nói: để biết một điều gì thì phải quan sát nó, nhưng ngay khi ta đang quan sát thì nó thay đổi và đó là một điều phi lý. Nói khác đi, đấy là cái cần phải học nhưng lại không thể nói ra được là gì (244). Là “không thể nắm bắt, không thể bàn về” ( it cannot be grasped, be talked about). Theo ông, Huyền Trang không cho biết chi tiết về những tư tưởng mà thầy học được ở Nalanda. Mục đích của thầy, trong nghĩa này, giản dị chỉ là cho một bản dịch tốt hơn những gì hiện cóTrung Quốc. “…Vượt lên trên những điểm chủ thuyết đặc thù mà thầy muốn giải quyết, việc thầy đi sâu vào phái duy thức của Du Già đã dẫn thầy đến một loại đốn ngộ (ecstatic understanding) nào đó. Thầy muốn đạt đến một mức độ tâm thức cao đến độ vượt lên trên các tiêu chuẩn bình thường của tri thức con người, và đồng thời hoàn tất nó mà không còn trải qua ước muốn đã thúc đẩy thầy thực hiện một chuyến hành trình dài và gian khổ.”

Có thể được không? Bernstein ngờ rằng không. Ông không tin là Huyền Trang vừa thực hiện mục đích của mình lại vừa tách mình khỏi nó cùng một lúc.

Dẫu vậy, Bernstein viết: “Riêng đối với tôi, tôi tiếp đọc đây đó những kinh sách Phật Giáo cố tìm cho ra thứ Chân Lý không thể diễn ra thành lời. Và trong khi hoài nghi về những mâu thuẫn trong tư tưởng Phật Giáo, tôi vẫn kính trọng nền văn minh Phật Giáo thế kỷ thứ bảy”. Không chấp nhận một thứ quyền lực độc đoán, Phật Giáo chứng tỏ rằng trong bản chất “quyền năng tâm linh đã bị từ bỏ khi khi nó giành được”. Không cần phép lạ, không cần sự bí nhiệm, những người Phật tử “ít nhất là trên lý thuyết, nỗ lực đạt được uy quyền mà không bị ràng buộc với uy quyền” (245).

Bày tỏ ý kiến về cá nhân Huyền Trang, Bernstein viết: “Và tôi xem thầy như là một người anh hùng, một vị thánh, một người đã xả thân để sở đắc, không phải là quyền hành hay sự giàu sang, mà những bí ẩn sâu xa nhất của cuộc sống trên trần gian” (225).

Trước khi chấm dứt cuộc hành trình theo dấu Huyền Trang, Bernstein đã ghé lại “Hưng Giáo Tự”, xây năm 669, năm năm sau khi Huyền Trang mất để vinh danh thầy. Đó là một ngôi chùa xây bằng gạch vàng năm bên trong khu vườn hoa đầy cây cối bao quanh. Huyền Trang được chôn ở đó. Ông vào chùa, thắp nhang trong khi lắng nghe tiếng gió lay động đâu đó thì thầm nhắc tên nhà sư. “Khu vuờn là một nơi yên bình. Tôi không muốn rời xa nó” (336, 337).

Đọc xong Ultimate Journey, tôi thầm cảm ơn Bernstein. Trước đây, tôi đã từng biết đến Huyền Trang, nhưng là một Huyền Trang bị che khuất bởi một nhân vật hư cấu: Tam Tạng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Tam Tạng hay thì hay, ngộ thì ngộ nhưng hiền lành đến đôi khi nhu nhược. Từ kích thích của Ultimate Journey, tôi tìm đọc các tài liệu về Huyền Trang của Võ Đình Cường, Thích Như Điển, Vương Hồng Sển và nhiều tài liệu khác trên mạng lưới Internet và kinh ngạc trước một Huyền Trang lịch sử vô cùng vĩ đại. Tôi khâm phục thầy như một nhà sư, một nhà du hành, một người có đầu óc phiêu lưu mạo hiểm, một dịch giả, một nhà ngôn ngữ, một sử gia và một triết gia. Không có thầy, lịch sử Phật Giáo ở Đông Nam Á (và cả trên thế giới) chắc chắn sẽ hoàn toàn khác đi.

Tôi hết sức thông cảm những băn khoăn về Phật Giáo mà Bernstein nêu ra đây đó trong toàn tập sách. Đó cũng là nỗi băn khoăn chung cho những ai muốn đi sâu hơn vào con đường giải thoát của Phật Giáo, kể cả những người vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống Phật Giáo. Phật Giáo không đơn giản cho ta ngay những câu trả lời thỏa mãn, mà đòi hỏi một sự nghiên cứu và tự thể nghiệm lâu dài. “Phật Giáo tiên báo thứ hiện sinh chủ nghĩa, trong đó, nó đòi hỏi chúng ta phải tự mình tìm lấy ý nghĩa cho riêng mình mà không nại đến Thượng Đế”, ông viết (30).

Với một cái nhìn như thế, tôi tin là Bernstein, một ngày nào đó, sẽ tìm thấy câu trả lời. Từ trong chính ông.

Trần Doãn Nho
(Trích từ tạp bút Từ ảo đến thực, Nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2006, tác giả nhuận sắc 9/2009)

Tham khảo:
Ngoài tác phẩm chính là Ultimate Journey của Richard Bernstein, tác giả bài viết còn tham khảo thêm:
- Võ Đình Cường, Đường Tam Tạng thỉnh kinh (Thư Viện Hoa Sen http://www.thuvienhoasen.org/)
- Vương Hồng Sển, Sự thật về thầy Huyền Trang (Thư Viện Hoa Sen)
- Thích Nhất Hạnh, Giảng luận Duy Biểu Học (Thư Viện Hoa Sen)
- Thích Nữ Trí Hải (dịch), Huyền Trang, nhà chiêm báihọc giả (Thư Viện Hoa Sen)
- Thích Như Điển (dịch), Đại Đường Tây Vức Ký (Trang Nhà Quảng Đức)
- Tự Điển Phật Học (Thư Viện Hoa Sen)
- Và nhiều Website khác đề cập đến Huyền Trang (Hsuan Tsang)

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Năm sinh của Huyền Trang được các tác giả đưa ra không giống nhau: Võ đình Cường (Đường Tam Tạng thỉnh kinh) 596; Vương Hồng Sển: Sự thật về thầy huyền Trang: 596; Thích Như Điển (Đại Đường Tây Vức Ký): 595; Irma Marx (http://www.silk-road.com/artl/hsuantsang.shtml): 602; Britannica Student Encyclopedia: 602; Thích Nhất Hạnh (Giảng luận Duy Biểu Học): 600; Richard Bernstein: 603, vân vân
[2] Lí là dặm Trung Hoa; 1 lí = khoảng 1/2 cây số. 50 ngàn lí = 25 ngàn km. Nếu ước tính trên là đúng, thì con đường đi của HT dài hơn nửa vòng trái đất (khoảng 40 ngàn km)! Một kỷ lục mà cho đến hôm nay, chẳng có ai làm được.
[3] Theo Vương Hồng Sển, Sự thật về thầy Huyền Trang, Thư Viện Hoa Sen, http://old.thuvienhoasen.org/tayduky-suthatvetamtangthinhkinh.htm.
Một tài liệu khác cho biết thầy đã mang về: 115 xá lợi tử (grains of Buddha relics); 6 tượng Phật; 124 tác phẩm kinh văn Đại Thừa; 657 tác phẩm khác đủ loại được 22 con ngựa chuyên chở. http://www.metafilter.com/37356/The-structure-of-landscape-is-infinitesimal-Like-the-structure-of-music
[4] Xem toàn bộ bản dịch ở: http://www.tangthuphathoc.com/truyenpg/daiduongtayvuky-00.htm
[5] Richard Bernstein, Ultimate Journey, nxb Alfred A. Knoff, New York 2001
[6] Từ đây cho đến cuối bài, các con số nằm trong ngoặc đơn là để chỉ số trang trong Ultimate Journey
[7] Sau này là chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng xem ra ảnh hưởng của nó có tính cách áp đặt và do đó, không mấy bền vững
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9941)
Cho, không phải chỉ là làm vui kẻ đón nhận; mà còn là một thái độ, một nghệ thuật sống ở đời để có hạnh phúc...
(Xem: 9597)
Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn...
(Xem: 10216)
... ngài Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu một ngày của mình bằng việc lễ lạy. Từ tư thế đứng, ngài buông dài người ra sàn nhà, với chỉ một tấm đệm mỏng trải trên tấm ván đủ cho phần thân mình.
(Xem: 9472)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới...
(Xem: 11044)
Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng phúc hạnh mà Ngài cảm nhận được trong khi thiền định hay chăng?
(Xem: 9716)
Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổphiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến.
(Xem: 11755)
Ngủ nghỉ mới thức dậy, xin nguyện cho chúng sanh, có trí giác hoàn toàn, nhìn rõ khắp mười phương...
(Xem: 9517)
Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là "Thầy của tôi" thôi.
(Xem: 21689)
30 năm qua được coi là quá đủ cho một thế hệ tiếp nối. Nếu không được ghi lại, kể lại thì lớp người sau chắc chắn sẽ đi vào quên lãng hay hiểu một cách lờ mờ hoặc qua trung gian một người khác kể...
(Xem: 10046)
Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” như bản tóm lược, hay nói khác thì đây là công trình “Thi Hóa Duy Thức Học” để làm tài liệu tu học. Một môn học quan trọng bậc nhất đối với người học Phật.
(Xem: 9389)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này.
(Xem: 10041)
Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện...
(Xem: 16490)
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
(Xem: 14068)
“Mùa Xuân bỏ vào suối chơi, Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa, Múc bình nước mát về qua, Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa”
(Xem: 10162)
Người tụng kinh lâu ngày sẽ hiểu ý kinh, Người niệm Phật lâu ngày sẽ thấy cảnh Phật...
(Xem: 9077)
Triều Nguyên sinh năm 1953 tại Đại Lộc, Quảng Nam, bên bến sông Thu Bồn lồng lộng gió nắng, ngan ngát hương đồng cỏ nội.
(Xem: 9195)
“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm như cây bám chặt vào đất”.
(Xem: 12892)
Phật giáo đã có ít nhất 2500 năm lịch sử; và có lẽ, cũng đã có chừng ấy lần các thế hệ Phật giáo đồ xao lòng nhớ lại câu chuyện Phật dự hứa ngày viên tịch, báo trước giây phút bỏ lại trần gian.
(Xem: 10773)
Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi.
(Xem: 12230)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giớicõi nầy hay những cõi khác.
(Xem: 10737)
Shunryu Susuki Đại sư (1904-1971) là người sáng lập Trung tâm Thiền San Francisco và là một khuôn mặt chủ chốt trong việc truyền bá đạo Phật sang phương Tây.
(Xem: 12795)
Cuối tuần qua, tại Trại Huấn luyện Huyền Trang V ở Hayward, CA. Vừa lắng nghe và thông dịch lại cho các Trại sinh không hiểu tiếng Việt qua đề tài Thấu đáo về Hiện tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(Xem: 11370)
Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại...
(Xem: 9683)
Trong khuôn viên khu nhà tập thể của quân đội, xe Bus của từng đơn vị lần lượt chuyển bánh rời khỏi vùng Fribourg vào sáng ngày cuối khóa tu học
(Xem: 12732)
Tường thuật lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập chùa Bảo Quang và Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2558
(Xem: 11239)
Suốt bãi biển dài rộng, không ai mong đợi một cái gì trường cửu. Tất cả đều tạm bợ, có đó, rồi để cho sóng vô tình cuốn đi...
(Xem: 12865)
Nó từng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò đối đáp đùa giỡn của chúng tôi quanh chiếc bàn này - vui có, buồn có, thương yêu, giận lẫy cũng có.
(Xem: 12524)
Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa.
(Xem: 13248)
"Cơn Dông Giữa Mùa Hạ" là tựa đề bài tường thuật của Trần Thị Nhật Hưng nói lên nỗi niềm bâng khuâng và xúc động cùng những kỷ niệm tràn ngập dội về tâm trí của tác giả khi hay tin Sư Ông Khánh Anh viên tịch.
(Xem: 24941)
Thể theo giáo luật và truyền thống Phật Giáo, mùa An Cư Kiết Hạ lần 26 năm nay của GHPGVNTN Canada được tổ chức tại Tu Viện Phổ Đà Sơn.
(Xem: 12312)
Buổi lễ khai giảng diễn ra trong bầu không khí trang nghiêmtrầm lặng đầy nước mắt, bao trọn hình ảnh của cố Hòa Thượng Minh Tâm trong những lời phát biểu.
(Xem: 12816)
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
(Xem: 13616)
Loài cỏ bệnh úa tàn thân xác, Đã gầy hao từ gốc rễ cằn khô, Chắc tại nắng, tại mưa, tại bao điều khác, Nằm co ro đợi chết đến giờ
(Xem: 11080)
Trước khi khởi sự tu tập để phát huy lòng từ bi và tình thương, cũng cần nên tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ấy là gì...
(Xem: 11162)
Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử.
(Xem: 9695)
Phàm những gì có hình tướng thì tất cả đều bị chi phối bởi sự vô thường, mà đã vô thường thì nguyên nhân chính của nó là khổ...
(Xem: 11085)
Lúc ấy Đức Thế Tôn đã ôn tồn mà nói cùng đại chúng: “Này A Nan! sau khi ta diệt độ các ông hãy nương tựa vào chính mình và hãy lấy giới luật làm thầy.”
(Xem: 9030)
Tất cả những giáo lý của Đức Phật căn cứ trên Bốn Chân Lý Cao Quý. Trong giáo lý Bốn Chân Lý Cao Quý chúng ta nhận ra hai tập hợp của nguyên nhân và hệ quả.
(Xem: 9495)
Thầy dìu dắt từ đó tôi được tiếp xúc gần và rất gần Ngài do vậy tôi học ở ngài được nhiều thứ trong cuộc sống, giờ giấc, tinh tấn, chuyên cần , nhất là việc tu tập v.v...
(Xem: 9581)
Một trong bốn chân lýĐức Phật dạy là chân lý về sự khổ, khổ đế trong Tứ diệu đế. Đức Phật dạy bản chất của thế gian là bất toàn, bất toại nguyện, là vô thường, là đau khổ.
(Xem: 13613)
Chẳng có gì đơn độc sinh ra, tồn tại, chuyển động, và biến mất giữa cõi đời. Chẳng có gì gọi là độc hành, độc lập, độc bộ, độc cư, cô thân, cô độc, cô đơn…
(Xem: 9549)
Đâu hay tất cả đều là sự công bằng tuyệt đối khi ta soi vào nhân duyên nghiệp báo không chỉ ở kiếp này mà từ những kiếp quá khứvị lai được giải thích cặn kẽ trong kinh điển nhà Phật.
(Xem: 12644)
Vận nước như dây quấn, Trời Nam mở thái bình, Vô vi ở điện các, Chốn chốn dứt đao binh...
(Xem: 9683)
Trong giáo lý của đạo Phật, “cho sự không sợ hãi” được xem là một hạnh nguyện cao quý gọi là vô úy thí (abhada-dàna), là Thánh hạnh (Ariya-cariyà), thiện hạnh (kusala- cariyà)
(Xem: 10172)
"Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại..."
(Xem: 16850)
Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ - Trôi chảy mãi ngày đêm không ngừng nghỉ như thế này ư?
(Xem: 9089)
"Từ lúc này cho đến hết ngày hôm nay, tôi sẽ đưa vào sự thực tập những gì tôi tin tưởng một cách tối đa như tôi có thể"...
(Xem: 10260)
Khi trải qua một cơn bạo bệnh hay tuổi đã xế chiều thì ý niệm về lão-bệnh-tử, tức phải đối mặt với sự chết hiện ra ngày một rõ ràng hơn...
(Xem: 13979)
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ (trung Nam Ấn Độ), khi đó Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt (trung Bắc Ấn Độ)
(Xem: 9742)
Tôi đến chùa Viên Đức, Đức quốc vào thứ 6, tưởng là sớm, tới nơi lúc 22 giờ 30 Phật tử đã đông nghẹt, mọi phòng đều chật cứng nằm xếp lớp...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant