Nguyên Thành biên soạn
DẪN NHẬP
Vùng cao nguyên Ladakh thuộc đất nước Nepal, vào ngày 4 tháng 3
năm 2009. Thời tiết âm 180C! Không cần nói, ai cũng nhận thấy cái rét buốt da ở đây. Nhưng người dân địa phương lại cho biết, so với năm ngoái
vào thời điểm này thời tiết còn xuống đến âm 280C. Được như hôm nay là đã ấm hơn nhiều!
Song, vấn đề không phải chuyện ấm lạnh, mà là đang có đến hàng vạn người
quy tụ về địa điểm Shey, thuộc cao nguyên Ladakh, không quản mưa lạnh giá rét! Họ tham gia lễ cầu nguyện và trì tụng thần chú Mani cùng thần chú Kim cương Thượng sư một trăm triệu biến mỗi loại. Nghi lễ tâm linh này được diễn ra dưới sự hướng dẫn của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa XII. Thành phần tham gia có đủ tứ chúng trong Phật giáo: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Tất cả đều cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, bản thân tinh tấn tu hành để làm lợi lạc cho chúng sanh và chính mình.
Trên thực tế, sự kiện trọng đại này đã có khoảng 45.000 người tham gia. Điều này cho thấy niềm tin mãnh liệt của họ về công năng bất khả tư nghị
của thần chú.
Vậy thần chú là gì mà có thể trở thành một phương tiện thiện xảo như thế?
THẦN CHÚ LÀ GÌ?
Thần chú là bản tâm của chư Phật, là mật ngữ của chư Phật, chư đại Bồ Tát, lưu xuất từ trong đại định tam muội, đúc kết tất cả tinh hoa vi diệu trong vũ trụ. Theo nguyên ngữ tiếng Phạn, thần chú được gọi là “mantra”, có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não. Do đó, có thể hiểu nôm na thần chú là phương tiện ban vui, cứu khổ.Trong Phật giáo Mật tông, thần chú là một phương tiện được sử dụng song hành với phương pháp thiền quán Hộ Phật Du Già (Yidam Yoga), hay còn gọi là thiền quán Bổn tôn.
Công năng của thần chú được mô tả trong nhiều kinh sách Mật giáo. Tuy nhiên, tựu trung thần chú có 5 công năng vi diệu sau đây:
1. Kính ái: ai đọc thần chú sẽ được người, trời, quỷ thần kính trọng và quý mến;
2. Tăng ích: được gia tăng những lợi ích trong đời sống như tuổi thọ, sức khỏe, sự thành đạt;
3. Tiêu tai: tai ách sẽ dần tiêu trừ theo diễn trình từ nặng hóa nhẹ, từ nhẹ trở thành không còn nữa;
4. Hàng phục: trừ tà, diệt ma, tức là những thế lực xấu ác vô hình gây tổn hại cho con người;
5. Câu triệu: tập trung được những năng lực tinh tế của vũ trụ, từ các cảnh giới cao diệu...
Nhưng đó chỉ là những lợi ích thuộc về pháp hữu vi, chưa nói đến các lợi ích cao siêu hơn thuộc về pháp vô vi.
Trong pháp hội Lăng Nghiêm, đức Phật dạy rằng ngay cả các bậc đại Bồ Tát cũng cần trì chú. Từ đó có thể thấy rằng thần chú thực sự hữu ích cho chúng sanh hữu tình, trong đó có loài người chúng ta. Sau đây là một trích dẫn từ kinh Thủ Lăng Nghiêm để thấy rõ oai lực của thần chú:
“Giả sử có chúng sanh trong tâm còn tán loạn, nhưng nếu trì niệm thần chú này cũng vẫn thường được 84.000 hằng hà sa Kim cang thần ngày đêm đi theo giữ gìn hộ vệ... Các quỷ thần ác phải xa lánh vị thiện nhân này ngoài 10 do-tuần, và chúng ma muốn rình rập quấy nhiễu cũng không thể được...”
Ngoại đạo có thần chú hay không? Hành giả ngoại đạo cũng có những mật chú riêng, có công năng khác nhau, nhưng không thể gọi là thần chú. Ở họ có thể gọi là thiên chú, tiên chú, quỷ chú, yêu chú... tùy theo đạo giáo của họ. Chẳng hạn, trong Bà la môn giáo có Phạm thiên chú, trong Lão giáo có tiên chú, trong giáo phái thờ quỷ thần, yêu ma thì có loại quỷ chú, yêu chú... Nhưng chỉ riêng trong Phật giáo mới có mật chú được gọi là thần chú.
Vì sao vậy? Chữ “thần” ở đây không có nghĩa là cõi thần, mà là “thần diệu khôn lường”, diệu dụng vô công, là thần lực của chư Phật. Ngoại đạo không đạt đến cảnh giới siêu phàm đó, nên không thể gọi là thần chú. Lược nói đơn giản là như thế, nhưng để thấu triệt cần phải phân tích thêm...
Nguyên nhân ở chỗ là do định lực của mỗi đạo nông sâu khác nhau. Những tu sĩ ngoại đạo dù chuyên cần tu luyện đến đâu cũng chỉ có thể đạt được những thành tựu trong phạm vi tứ thiền, bát định; có nghĩa là từ sơ thiền lên đến tứ thiền, rồi dần lên đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng là hết mức. Theo lời Phật dạy, nếu họ gột sạch được tập khí chấp ngã, họ cũng có thể đạt tới Diệt tận định, thoát khỏi luân hồi. Nhưng vì họ tu tập trên căn bản vẫn còn chấp ngã nên điều này là không thể xảy ra. Và vì thế mà thành tựu cao nhất này chỉ có ở hành giả Phật giáo, những người tu tập giáo pháp vô ngã. Chính vì vậy mà hành giả ngoại đạo chỉ có thể đạt tới những mức định thuộc Sắc giới và Vô sắc giới, nghĩa là không ra khỏi Tam giới. Do đó, họ vẫn còn trôi lăn trong cõi luân hồi chịu khổ não, cho dù các vị trời Vô sắc giới sống lâu đến nhiều đại kiếp.
Các hành giả Tiểu thừa có thể đạt đến Diệt tận định, làm vắng bặt được thọ ấm, tưởng ấm cùng những tập khí ô nhiễm chấp ngã của hành ấm, chạm vào mép cửa của tàng thức sơ năng biến, đã thoát khỏi vòng cương tỏa luân hồi. Nhưng đến đây vẫn còn sự biến dịch vi tế và mãnh liệt của những vọng tưởng hư vô vi tế của tàng thức. Bởi vậy, họ chưa đạt được Đại định Tam-muội.
Riêng trong Phật giáo Đại thừa, Mật thừa, các hành giả tu theo con đường Bồ Tát đạo, Phật đạo, thường quán chiếu các pháp như huyễn, thực hành phương tiện và trí huệ Bát-nhã ba-la-mật-đa, thẩm thấu đại bi đồng thể và tự tâm huyễn hiện... nên đạt được thần lực của Đại định tam-muội, như Thủ lăng nghiêm tam-muội, Như huyễn tam-muội, Chân như tam-muội, Kim cang tam-muội... Khi có được đại định ấy gọi là Diệu định quả sắc, trở thành bậc Đại thánh trong Phật giáo, vô ngại tự tại ra vào sanh tử mà chẳng chút nhiễm ô, hóa độ vô lượng chúng sanh hàng vô số kiếp mà không chút dụng công. Đó là đặc điểm của diệu tâm, và từ diệu tâm nên các ngài mới có thể tuyên thuyết thần chú. Do đó có thể hiểu rằng thần chú là phương tiện thần diệu.
Cũng với ý nghĩa này, hòa thượng Tuyên Hóa từng giải thích về thần thông pháp lực. Ngài cho rằng có quỷ thông (phép tắc biến hiện của quỷ), tiên thông (phép tắc biến hiện của tiên, chư thiên cõi trời), ma thông (phép tắc biến hiện của ma), yêu thông (phép tắc biến hiện của yêu quái). Tất cả các loại phép tắc biến hiện đó đều gọi là “nghiệp thông”, Chỉ riêng ở hành giả đạo Phật mới được gọi là “thần thông”, tức là biến hóa tự tại, phân thân vô số ức...
Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện, Phẩm thứ hai ghi lại một đoạn như sau:
“Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn muôn ức Hằng hà sa thế giới; trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn muôn ức thân, mỗi một thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho họ quy kính Tam bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết-bàn an lạc...”
Sở dĩ được như vậy là vì bậc thánh trong đạo Phật có đạt được “Lậu tận thông” làm nền tảng mà các hành giả ngoại đạo không thể. Từ điểm tham chiếu này có thể hiểu rằng thần chú là danh từ chỉ có ý nghĩa chuẩn xác nhất khi được dùng trong Phật giáo, nhất là Mật tông. Cũng từ đó ta có thể suy ra, chỉ có thần chú trong đạo Phật mới có được đầy đủ 5 công năng lợi ích vi diệu như đã nêu trên ở bình diện thế gian, còn những thành tựu xuất thế gian sẽ tiếp tục được luận giải ở chương sau.
Thần chú trong đạo Phật được chia làm 4 loại với những cấp độ khác nhau. Trong Tâm kinh Bát-nhã có đề cập đến:
“Đây là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, có khả năng trừ được hết thảy khổ não, chân thật không hư dối.”
Cũng có một cách phân loại thần chú gồm: đảnh chú, tâm chú và tùy tâm chú. Thông thường, chỉ có chư Phật mới lưu xuất đảnh chú, thí dụ như “Đại Phật đảnh chú Thủ Lăng Nghiêm” hoặc “Phật đảnh Tôn thắng thần chú”... Về mặt lý thì thần chú của chư Phật cao hơn chư Bồ Tát đẳng giác, tức là các đại Bồ Tát. Tuy nhiên, về mặt sự thì tất cả thần chú trên đều lưu xuất từ Đại định Tam-muội nên công năng vi diệu đều là bất khả tư nghị.
Trong các nghi quỹ thực hành thần chú có chỉ dạy cách đọc tụng, trì niệm. Nói chung, đọc thần chú là phát ra thành tiếng hoặc lớn hoặc nhỏ, còn tụng thần chú là ngâm nga trầm bổng theo tiếng chuông mõ như hiện đang thực hiện ở các chùa, tu viện Đại thừa.
Nếu đọc thần chú thành tiếng thì nên tránh tám lỗi sau đây mà “Nghi quỹ Do Subahu thỉnh cầu” đã đề ra:
1. Quá nhanh,
2. Quá chậm,
3. Quá lớn,
4. Quá nhỏ,
5. Gián đoạn vì nói chuyện với người khác,
6. Xao lãng
7. Âm dài, đọc ngắn,
8. Âm ngắn, đọc dài.
Sau đây là giải thích cặn kẽ:
Quá nhanh là khi các âm của thần chú lẫn vào nhau, không rõ ràng.
Quá chậm là khi hành giả không đọc hết số câu thần chú trong khoảng thời gian vừa phải
Quá lớn là đọc như sấm, hoặc đọc làm cho người khác nghe thấy lớn tiếng.
Quá nhỏ là đọc mà chính mình cũng không nghe.
Nói chuyện với người khác là làm gián đoạn việc đọc thần chú.
Xao lãng là không tập trung vào câu thần chú mà mình đang đọc.
Âm dài đọc ngắn là phát âm sai những chữ của thần chú.
Âm ngắn đọc dài cũng là phát âm sai.
Riêng niệm thần chú tức là đọc thầm trong trí, hoặc đọc rì rầm mà người ta thường ví là chỉ đọc cho cổ áo nghe.
Niệm chú gồm có 6 cách sau đây, được ghi lại trong “Thánh nữ kinh” (hay còn gọi là “Giáo huấn Dakini”) do Đại sĩ Liên Hoa Sanh chỉ dạy:
– Một là niệm kim cương, có nghĩa là niệm mà chỉ có chuỗi đeo cổ của mình có thể nghe thấy.
– Niệm có âm điệu kim cương, được dùng trong những dịp thực hành thành tựu lớn.
– Niệm bí mật kim cương là niệm thầm trong trí.
– Niệm như luân xa, là tưởng tượng âm thanh khi niệm ra khỏi miệng, đi vào vùng rốn, rồi tan hòa ngược lên vùng trung tâm tim.
– Niệm như tràng hoa, là xoay tràng hoa thần chú xung quanh mỗi chủng tự thần chú trong trung tâm tim và chú tâm hoàn toàn vào các chủng tự.
– Niệm chú tập trung vào âm thanh là khi niệm chú luôn tập trung chú tâm hoàn toàn vào âm thanh phát ra của câu thần chú.
Mặc dù niệm thần chú có thể áp dụng trong mọi oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi..., nhưng khi ngồi theo tư thế kiết già để niệm thần chú là tốt nhất. Đặc biệt, trong “Thánh nữ kinh” cũng khuyến cáo, nếu hành giả đọc các thần chú Mật thừa hoặc thần chú của các vị bổn tôn hung nộ quá lớn thì oai lực của thần chú sẽ giảm đi đồng thời còn khiến cho các loài phi nhân và ma quỷ sẽ hoảng hốt mà bất tỉnh. Cũng đừng khạc nhổ những nơi có người qua lại, vì như vậy gây trở ngại cho năng lực thần chú. Riêng sự phát âm chưa đúng không phải là vấn đề quan trọng nhất trong việc trì tụng thần chú, mà chủ yếu là sự chí thành, miên mật.