ĐẠO LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Đức Thích-ca là thầy của ta, cha lành của ta. Vì tôn kính ngài, cho nên các Phật tử đều xưng ngài là đức Bổn sư, đức Phật tổ, đức Từ phụ.
Ngài giáng thế, thành Phật và dìu dắt chúng sanh ở cõi Á Đông, nơi miền Ấn Độ trên hai ngàn năm trăm năm rồi. Trọn quyển “Truyện Phật Thích-ca” của tôi soạn có biên rõ sự tích của ngài. Ngài là Phật hiện tại, nối chí chư Phật quá khứ để trao Pháp Phật quả Bồ-đề cho chúng sanh. Trong khi chưa có đức Phật sau, Phật vị lai, ngài là thầy của chúng ta, tuy ngài đã tịch rồi. Ngài ở trong một cảnh giới khác đã đành, song sức lành của ngài thường ủng hộ những người tu Phật. Và pháp giáo của ngài để lại cho giáo hội Tăng già mà ngài sáng lập ra và truyền lại, cũng đều có thể tiếp độ chúng sanh. Ngôi Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng bao giờ cũng có trụ ở cảnh trần mà hộ trợ kẻ tu trì.
Nhiều nhà tu học có mật hạnh thường được thấy chân thân của đức Thích-ca. Hoặc là họ thấy Phật hiện ra trong khi họ ngủ; hoặc là họ thấy Phật trong cơn niệm tưởng, tham thiền.
Tu đến thành Phật Thế Tôn, Phật Như Lai, thật không phải dễ. Biết bao công hạnh, biết bao phước đức ban bố cho đời! Đức Thích-ca đắc nhập quả Phật trong vô lượng vô biên kiếp rồi, song ngài còn đi hành đạo Bồ-tát, cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh. Mãi cho đến khi lên bậc Như Lai, ngài còn phán rằng ngài chưa dứt hành đạo Bồ-tát, tức là ngài còn lướt thuyền Bát-nhã trên biển mê mà cứu vớt chúng sanh! Biết bao đời, ngài làm Bồ-tát vì chúng sanh. Chẳng quản lúc nào, cảnh nào, ngài vẫn đưa tay ra mà giải thoát, độ đời. Sanh ra trong hạng thú cầm, tự mình đày xuống dưới miền địa ngục, dấn thân vào loài ma quỷ đói khát, ngài cam phần cực nhọc, quyết cứu vớt những chúng sanh sa đọa! Làm thân đàn bà con gái, chịu sự đớn đau của phái yếu, sanh ra trong cung cấm, hoặc trong cửa quyền, cũng sanh ra trong nhà thường dân lao động, mà làm con gái và thê thiếp của người. Ngài đã từng giáo hóa đạo lành cho hàng phụ nữ và các hạng người quanh mình. Cũng có khi ngài vì phương tiện mà làm thần để độ chư thần và làm tiên để độ chư tiên. Sự từ bi của ngài không thể lường, công đức của ngài vô tận. Nên ở ngôi Phật Như Lai, ngài được tất cả chúng sanh sùng bái, tôn kính.
Chúng ta đây, ví như chúng ta có thành Phật, được lên bậc Như Lai, thì cũng vì chúng sanh, để giáo hóa, độ tận chúng sanh vậy. Kẻ nào mong thành Phật cho mình thì không bao giờ thành được. Mà Phật giáo hóa chúng sanh những hạng nào? Tất cả các hạng. Trong đời ngài, những khi thuyết pháp các nơi trong cõi Ấn Độ, các hạng tiến hóa đều tựu lại nghe. Chư Đại Bồ-tát ở các cõi thế giới du hành đến; chư tiên, chư thánh, chư thần từ các tầng trời hiện xuống; cho đến các loài yêu ma, quỷ mị cũng đều rủ nhau đến chung chạ với loài người mà hoan nghinh, cúng dường, thờ trọng Phật, vì ngài nói rất hay, dạy rất đúng. Người ta phân các bậc chúng sanh nghe Pháp ra làm bốn hạng, gọi chung là Tứ chúng. Đó là: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỳ-kheo, tỳ-kheo ni là chư những vị xuất gia đàn ông với đàn bà. Còn ưu-bà-tắc, ưu-bà-di là những người cư sĩ đàn ông với đàn bà, tức là những hạng chưa thọ đủ giới cụ túc.
Đức Phật tùy dùng phương tiện mà dạy cho tứ chúng, dạy cho họ tấn hóa lên đường huệ. Lắm khi ngài giảng một bài mà hai hạng xuất gia và tại gia đều được nhờ hết. Lần lần như vậy, những người hiểu đạo và hành trì lần lượt chứng đắc các quả A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát. Hàng tại gia cư sĩ tinh tấn tu học cũng có thể lần lượt chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, là những thánh quả trước quả vị A-la-hán. Cũng có những vị cư sĩ chứng quả Duyên giác và quả vị Bồ-tát nữa. Tại gia cư sĩ lắm người là Bồ-tát giáng thế chớ chẳng không. Giả như vua Tần-bà-sa-la hộ trợ ngôi Tam bảo, ông nhà giàu Tu-đạt, hiệu là Cấp Cô Độc đứng ra lập tinh xá và hằng cung cấp cho Phật với giáo hội Tăng già; lại như ông Duy-ma-cật tuy ở địa vị cư sĩ mà đạo hạnh và trí huệ rất cao, tài biện luận làm cho đức Văn-thù đại trí phải kính phục.
Với hạng xuất gia, Phật khuyên tinh tấn giải thoát mà đạt Niết-bàn. Như vậy, sống một cách thanh tịnh, ở theo giới hạnh và năng tham thiền cho thoát khỏi cảnh trần. Với hạng tại gia, Phật khuyên cúng dường chư Tăng có đạo hạnh, niệm tưởng Phật, giữ lễ phép với cha mẹ, chồng vợ, thầy chủ, anh em, bè bạn. Như vậy thì được công đức dành để về các đời sau, chừng ấy sẽ hưởng sự giàu sang, tước lộc, hoặc nâng mình lên cảnh trời, nơi ấy được an nhàn khoái lạc.
Với hạng xuất gia, trong bậc Thanh văn, Phật dạy thi hành Tứ Diệu đế: 1. Khổ đế, 2. Tập đế, 3. Diệt đế, 4. Đạo đế. Trong bậc Duyên giác, Phật dạy quán sát Thập nhị nhơn duyên: 1. Vô minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tử. Trong bậc Bồ-tát, Phật dạy hành sáu đại hạnh, gọi là Lục Ba-la-mật đa hay Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ.
Với hạng tại gia cư sĩ, Phật cũng khuyên giữ một ít phần hành của chư vị xuất gia. Về sau, Phật không phân biệt Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, cũng không phân biệt xuất gia với tại gia, ngài muốn cho mỗi người đều đắc quả Phật, nhập huệ Phật, nên ngài dạy ai nấy đều hành Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ. Như vậy để thành Phật và hưởng Niết-bàn trọn vẹn, đời đời. Vì ngài cho rằng mỗi người, xuất gia hay tại gia, đàn ông hay đàn bà, đều sẽ thành Phật và đắc Niết-bàn, chẳng trừ ai hết.
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
I. PHẬT LÀ GÌ
3. Thầy của chúng ta, Phật Thích-ca
Những người học Phật, tu Phật thường niệm: “Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật”. Ấy đó, tức Phật Thích-ca là Bổn sư, là thầy gốc của chúng ta. Ngài giáo hóa cho ta thành tựu bằng pháp môn của ngài. Những pháp môn ấy trước thì ngài thuyết, sau lại có ghi trong kinh điển, gồm chung có ba tạng là Kinh, Luật và Luận, thường gọi là Tam tạng. Những bậc tu hành xuất gia, tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thường tự nhận mình là Thích tử. Tức các bậc ấy là con Phật về phần tinh thần, pháp giáo. Và những ai dầu tu xuất gia hay tu tại gia mà thành tâm học Phật đều được nhận mình là Thích tử, Phật tử cả.Đức Thích-ca là thầy của ta, cha lành của ta. Vì tôn kính ngài, cho nên các Phật tử đều xưng ngài là đức Bổn sư, đức Phật tổ, đức Từ phụ.
Ngài giáng thế, thành Phật và dìu dắt chúng sanh ở cõi Á Đông, nơi miền Ấn Độ trên hai ngàn năm trăm năm rồi. Trọn quyển “Truyện Phật Thích-ca” của tôi soạn có biên rõ sự tích của ngài. Ngài là Phật hiện tại, nối chí chư Phật quá khứ để trao Pháp Phật quả Bồ-đề cho chúng sanh. Trong khi chưa có đức Phật sau, Phật vị lai, ngài là thầy của chúng ta, tuy ngài đã tịch rồi. Ngài ở trong một cảnh giới khác đã đành, song sức lành của ngài thường ủng hộ những người tu Phật. Và pháp giáo của ngài để lại cho giáo hội Tăng già mà ngài sáng lập ra và truyền lại, cũng đều có thể tiếp độ chúng sanh. Ngôi Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng bao giờ cũng có trụ ở cảnh trần mà hộ trợ kẻ tu trì.
Nhiều nhà tu học có mật hạnh thường được thấy chân thân của đức Thích-ca. Hoặc là họ thấy Phật hiện ra trong khi họ ngủ; hoặc là họ thấy Phật trong cơn niệm tưởng, tham thiền.
Tu đến thành Phật Thế Tôn, Phật Như Lai, thật không phải dễ. Biết bao công hạnh, biết bao phước đức ban bố cho đời! Đức Thích-ca đắc nhập quả Phật trong vô lượng vô biên kiếp rồi, song ngài còn đi hành đạo Bồ-tát, cứu nạn cứu khổ cho chúng sanh. Mãi cho đến khi lên bậc Như Lai, ngài còn phán rằng ngài chưa dứt hành đạo Bồ-tát, tức là ngài còn lướt thuyền Bát-nhã trên biển mê mà cứu vớt chúng sanh! Biết bao đời, ngài làm Bồ-tát vì chúng sanh. Chẳng quản lúc nào, cảnh nào, ngài vẫn đưa tay ra mà giải thoát, độ đời. Sanh ra trong hạng thú cầm, tự mình đày xuống dưới miền địa ngục, dấn thân vào loài ma quỷ đói khát, ngài cam phần cực nhọc, quyết cứu vớt những chúng sanh sa đọa! Làm thân đàn bà con gái, chịu sự đớn đau của phái yếu, sanh ra trong cung cấm, hoặc trong cửa quyền, cũng sanh ra trong nhà thường dân lao động, mà làm con gái và thê thiếp của người. Ngài đã từng giáo hóa đạo lành cho hàng phụ nữ và các hạng người quanh mình. Cũng có khi ngài vì phương tiện mà làm thần để độ chư thần và làm tiên để độ chư tiên. Sự từ bi của ngài không thể lường, công đức của ngài vô tận. Nên ở ngôi Phật Như Lai, ngài được tất cả chúng sanh sùng bái, tôn kính.
Chúng ta đây, ví như chúng ta có thành Phật, được lên bậc Như Lai, thì cũng vì chúng sanh, để giáo hóa, độ tận chúng sanh vậy. Kẻ nào mong thành Phật cho mình thì không bao giờ thành được. Mà Phật giáo hóa chúng sanh những hạng nào? Tất cả các hạng. Trong đời ngài, những khi thuyết pháp các nơi trong cõi Ấn Độ, các hạng tiến hóa đều tựu lại nghe. Chư Đại Bồ-tát ở các cõi thế giới du hành đến; chư tiên, chư thánh, chư thần từ các tầng trời hiện xuống; cho đến các loài yêu ma, quỷ mị cũng đều rủ nhau đến chung chạ với loài người mà hoan nghinh, cúng dường, thờ trọng Phật, vì ngài nói rất hay, dạy rất đúng. Người ta phân các bậc chúng sanh nghe Pháp ra làm bốn hạng, gọi chung là Tứ chúng. Đó là: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỳ-kheo, tỳ-kheo ni là chư những vị xuất gia đàn ông với đàn bà. Còn ưu-bà-tắc, ưu-bà-di là những người cư sĩ đàn ông với đàn bà, tức là những hạng chưa thọ đủ giới cụ túc.
Đức Phật tùy dùng phương tiện mà dạy cho tứ chúng, dạy cho họ tấn hóa lên đường huệ. Lắm khi ngài giảng một bài mà hai hạng xuất gia và tại gia đều được nhờ hết. Lần lần như vậy, những người hiểu đạo và hành trì lần lượt chứng đắc các quả A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát. Hàng tại gia cư sĩ tinh tấn tu học cũng có thể lần lượt chứng các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, là những thánh quả trước quả vị A-la-hán. Cũng có những vị cư sĩ chứng quả Duyên giác và quả vị Bồ-tát nữa. Tại gia cư sĩ lắm người là Bồ-tát giáng thế chớ chẳng không. Giả như vua Tần-bà-sa-la hộ trợ ngôi Tam bảo, ông nhà giàu Tu-đạt, hiệu là Cấp Cô Độc đứng ra lập tinh xá và hằng cung cấp cho Phật với giáo hội Tăng già; lại như ông Duy-ma-cật tuy ở địa vị cư sĩ mà đạo hạnh và trí huệ rất cao, tài biện luận làm cho đức Văn-thù đại trí phải kính phục.
Với hạng xuất gia, Phật khuyên tinh tấn giải thoát mà đạt Niết-bàn. Như vậy, sống một cách thanh tịnh, ở theo giới hạnh và năng tham thiền cho thoát khỏi cảnh trần. Với hạng tại gia, Phật khuyên cúng dường chư Tăng có đạo hạnh, niệm tưởng Phật, giữ lễ phép với cha mẹ, chồng vợ, thầy chủ, anh em, bè bạn. Như vậy thì được công đức dành để về các đời sau, chừng ấy sẽ hưởng sự giàu sang, tước lộc, hoặc nâng mình lên cảnh trời, nơi ấy được an nhàn khoái lạc.
Với hạng xuất gia, trong bậc Thanh văn, Phật dạy thi hành Tứ Diệu đế: 1. Khổ đế, 2. Tập đế, 3. Diệt đế, 4. Đạo đế. Trong bậc Duyên giác, Phật dạy quán sát Thập nhị nhơn duyên: 1. Vô minh, 2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thọ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tử. Trong bậc Bồ-tát, Phật dạy hành sáu đại hạnh, gọi là Lục Ba-la-mật đa hay Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ.
Với hạng tại gia cư sĩ, Phật cũng khuyên giữ một ít phần hành của chư vị xuất gia. Về sau, Phật không phân biệt Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, cũng không phân biệt xuất gia với tại gia, ngài muốn cho mỗi người đều đắc quả Phật, nhập huệ Phật, nên ngài dạy ai nấy đều hành Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ. Như vậy để thành Phật và hưởng Niết-bàn trọn vẹn, đời đời. Vì ngài cho rằng mỗi người, xuất gia hay tại gia, đàn ông hay đàn bà, đều sẽ thành Phật và đắc Niết-bàn, chẳng trừ ai hết.
Send comment