Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
V. ĐẠO PHẬT Ở Á ĐÔNG
6. Đạo Phật ở Việt Nam
Nước Việt Nam ta ngày xưa ở dưới quyền cai trị của người Trung Quốc cả ngàn năm. Thuở ấy, nước ta tựa hồ như một tỉnh của Trung Quốc về phía
Nam. Phong tục, mỹ thuật, văn học cho đến đạo đức và tín ngưỡng cũng đều ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Đến khi chánh phủ Trung Quốc nhận đạo
Phật làm một nền tôn giáo chung cho nhân dân, thì nước ta cũng nhận lãnh sự truyền bá Phật pháp từ Trung Quốc. Vua nước ta phái sứ qua Trung
Quốc thỉnh kinh Phật đem về, lập ra thư viện về đạo Phật, và in kinh truyền bá cho nhân dân. Kể từ thế kỷ thứ chín theo Dương lịch, nước ta thường phái sứ là các danh sư đi thỉnh nhiều kinh điển học Phật. Mỗi chuyến sứ đoàn bên Trung Quốc trở về vừa đem theo kinh vừa được thọ lãnh
chân truyền của các Sư tổ bên Trung Quốc.
Nhưng đến thế kỷ mười ba, nước ta bị quân Mông Cổ cướp phá. Chúng nó đốt
tất cả lầu đài, thư viện. Lần ấy, rất nhiều kinh điển bị cháy mất. Trong xứ thiếu kinh. Vua bèn phái sứ qua Trung Quốc mà thỉnh lại đặng thay vào.
Đạo Phật thịnh nhất ở nước ta về đời nhà Trần. Vua đầu tiên nhà Trần là Trần Thái Tông vừa có văn tài, vừa thông hiểu Phật giáo, chẳng kém một bậc cao tăng. Vua có soạn một quyển sách bằng chữ Hán, rất có giá trị, nhan đề là “Trần Thái Tông ngự chế khóa hư”.
Lại còn vua Trần Nhân Tông cũng là một bậc anh kiệt trong làng Thiền. Năm 1293, vua bỏ ngôi mà vào chùa. Ngài là người trước hết lập nên Thiền
phái “Trúc lâm Yên tử”, tự lấy máu mình mà viết thành hai chục pho kinh.
Kế đến, năm 1314 vua Trần Anh Tông cũng lánh ngôi, xả thân cầu đạo. Ngài cũng chích máu nơi đầu ngón tay mà viết được hai mươi cuốn kinh, chữ viết rất nhỏ, thật rất công phu! Hoàng Thái hậu với các bà phi, mỗi người cũng đều lấy máu mình mà góp vào viết trọn trên 5.000 chương kinh.
Cũng trong năm1314, vua Trần Minh Tông nhân khi vừa lên ngôi, có đúc ba tượng Phật cao đến 17 thước ta. Ngài có cất nhiều cảnh chùa. Ngài cũng có lập Giáo hội trên 15.000 vị tăng ni. Ngài truyền khắc và in ra nhiều bản kinh Phật.
Những gương sáng ấy về đời nhà Trần chứng tỏ rằng nước ta rất mộ đạo, và ở hai thế kỷ 13, 14 đạo Phật thịnh phát vô cùng.
Những tông phái đạo Phật ở xứ ta thời cũng như ở Trung Quốc. Kẻ mộ Thiền
Tông, người ham Thiền Thái Tông. Kẻ thích Hoa Nghiêm Tông, có kẻ lại ưa
Chân Ngôn Tông hay Mật Tông, nhiều người theo Tịnh Độ Tông. Lắm người rất cố công trì chí, tìm học hết các tông, xem qua hết kinh điển mỗi tông. Ngày nay, số người thất học thì nhiều, số người thông minh, trí huệ thì kém, nên ít ai biết mà phân biệt ra các tông. Chư tăng cũng lâm vào cảnh đó, nên người ta dồn chung các tông phái lại, thành ra ai nấy đều lo giữ Ngũ giới hoặc Thập giới và niệm tưởng đức Phật A-di-đà.
Thiện nam tín nữ tuy quy y thọ giới, mà cũng hay tin bậy vào tà ma, thần
quỷ. Và họ cũng trọng những vị đạo sĩ chuyên học về phù phép, chú thuật
và mời gọi âm hồn. Cho nên họ thường khi cúng kiến, cầu khẩn chư thần, chư quỷ để đừng khuấy phá họ, hoặc là cầu để hộ trợ cho họ nữa. Họ vui làm như vậy hơn là cầu học kinh điển. Và dốc lòng thờ Phật, niệm Phật, cúng Phật, tụng kinh, họ thấy kết quả chậm hơn là cầu thần, thỉnh quỷ!
Trong các chùa, không mấy chùa có được kinh sách dồi dào.
Nhà sư càng ngày càng kém đức. Nhiều vị tụng kinh mà không hiểu nghĩa; còn thấu đáo tường tận văn chương nhà Phật thì không mấy người!
Kinh sách đạo Phật biết bao nhiêu mà kể. Song người ta cần ít thứ mà thôi. Hiện nay trong nhiều chùa, ta thường thấy có những quyển kinh sau này: kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường là kinh Phổ Môn, kinh A-di-đà, Quy
nguyên trực chỉ, kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện.
Dân chúng lầm lạc đã đành, cho đến tăng sĩ cũng không tránh khỏi những điều sai trái. Ngày xưa, tăng sĩ không phải là người đi làm đám, đọc kinh mướn cho người. Ngày nay, bất cần là cuộc tế lễ gì, thiện tín có cậy đến thì không mấy vị chối từ. Sự cao thượng của hạng du tăng, bậc tỳ-kheo ngày một thấp dần. Mấy nhà sư có chức phận như Giáo thọ, Yết-ma,
Hòa thượng còn giữ mình thanh cao, hành theo giới luật, ở tại chùa, không lộn xộn với dân gian, nhưng số này không bao nhiêu. Còn phần đông là các thầy có vợ có con, chung chạ với bá tánh dưới chợ búa, xóm làng. Bọn này làm đủ việc, đủ đám, có khi còn dùng đến bùa chú, phép phù, kêu “cô” thỉnh “cậu” nữa. Bởi nhà sư thấp thường bại nhược là số đông, không
hiểu nghĩa vụ cao thượng của mình, cho nên chẳng biết hoặc chẳng dõng mãnh mà thi hành giới luật thanh tịnh khi xưa Phật đã truyền dạy.
Nhưng may ra trong nhiều chùa còn có người hiểu đạo lý và giỏi văn chương, thường viết kinh dịch sách để dắt dẫn bổn đạo và tăng đồ.
Có một điều tốt nhất là sự thâm trầm của đạo Phật ảnh hưởng đến hạng ngu
dốt tối tăm một cách thuần diệu. Dẫu rằng không hiểu đạo lý, không biết
kinh điển, nhưng bao người rất sốt sắng và có tâm với Phật! Bao người đem mình gởi vào cửa Không, bèn dứt lụy với việc trần, tâm trí liền đổi hẳn ngay! Mới hôm nào họ hung ác, ngày nay họ hiền lành; mới hôm nào họ tham lam, ngày nay họ thuận thảo. Bao người mới hôm nào biếng nhác, ăn chơi, ngày nay vừa mới bước chân vào chùa, bèn làm những công chuyện nặng nề hết ngày thâu đêm mà rất vui lòng! Bao người dẫu không biết chữ vẫn niệm kinh, đọc thuộc lòng, mà vừa bước đầu canh năm đã thức dậy nấu nước, làm công phu và tụng Kinh rất thỏa dạ! Một nền tôn giáo từ bi, không rủ ren, quyến dụ ai, lại còn như lạnh nhạt với những kẻ mới đem mình gởi vào cửa Phật nữa. Thật trái với các đạo khác ở xứ ta vậy. Thế mà được bảo tồn lâu dài và bền bỉ mãi mãi.
Sự trật tự trong các chùa ở nước ta, thấp nhỏ hơn hết là chức dẫn lễ, kế
là hạng tôn chứng, trên nữa là Giáo thọ, kế đó là Yết ma, và trên hết là Hòa thượng.
Người ngoại quốc đến xứ ta, lấy làm lạ mà thấy trên một nước rộng lớn, từ Bắc chí Nam mấy ngàn cây số bề dài, cả ngàn năm một nền đạo đức không
ai làm chủ, lại được thịnh hành mãi. Lắm khi bị phái nhà Nho làm khó. Ở
trên không ai chủ trương, cầm đầu, mà số thiện nam, tín nữ không kém bớt chút nào, và số người có tâm đạo không phải ít như ngày xưa. Chẳng riêng gì ở xứ ta, lại ngay như ở nhiều nước trong cõi Á Châu, cũng đều giữ đạo bền chặt như vậy cả, làm cho người Âu Mỹ, lấy làm kiêng nể. Bên Đông phương, chỉ có đạo Phật ở nước Tây Tạng về phái Lạt-ma là được Chánh phủ ủng hộ. Còn bao nhiêu những nước khác, nhà chùa đứng vững là do lòng mộ đạo của dân chúng cúng dường. Mỗi chùa đều thong thả mà lo tu
niệm và bảo trợ cho bổn đạo, không phải dưới quyền ai; cả thảy tăng chúng đều là anh em; duy trừ có vị tăng trưởng có quyền cai quản, ngoài ra không ai cai trị ai hết: thật là cảnh thuận hòa.
Tuy học lực của tăng đồ có bề suy kém, nhưng cũng còn có người hiểu đạo lý một cách cao sâu và sống đời từ bi hỷ xả. Ảnh hưởng của mấy vị tăng ấy đối với nhân tâm thế đạo thật lớn lao, vững vàng. Có một ít vị hòa thượng rất được lòng thiện nam tín nữ, được kẻ thế độ coi như bậc cha lành. Các ngài được cúng dường rất hậu, được tôn kính vào bậc thầy. Tôi từng thấy nhiều người bổn đạo đến viếng chùa, tìm vị sư trưởng mà lễ lạy
rất thành tâm như lạy Phật.
Một mai hòa thượng có viên tịch, kẻ bổn đạo các nơi, các tỉnh, các quận đều tựu về. Họ khóc kể, để tang, thương tiếc, kẻ công người của góp phụ vào cuộc tống táng chung như giữ hiếu sự đối với người cha trong nhà. Một đám táng của một vị sư đức lớn, có khi còn long trọng, nghiêm trang hơn đám táng của bậc quốc trưởng.
Từ nay, nếu chấn chỉnh lại, Phật giáo cũng còn giúp các sự nhiêu ích cho
chúng sanh nữa chứ chẳng không. Bao giờ mấy vị cư sĩ còn mộ kinh điển, ham học Phật và biết phân biệt đức hạnh của nhà sư, và bao giờ còn những
vị sư đúng đắn, thông thái, từ bi, thì nền Phật pháp ở xứ ta vẫn còn an
trụ.
Ngày nay, học Phật rất dễ. Ai biết được các thứ tiếng Âu Châu thì có thể xem những sách phiên dịch bằng các thứ chữ ấy, song phải biết phân biệt, chớ có quá tin theo sở luận của soạn giả người Âu Tây. Còn không thì tìm xem kinh sách bằng quốc văn in ra trong mấy năm nay, nhất là các
kinh sách của bổn tòng thơ xuất bản, cũng biết được khá nhiều.
Bằng không nữa thì chỉ cần thành tâm niệm Phật, tin sâu nơi Phật cũng đủ
rồi. Khỏi cầu khẩn một vị thánh thần nào, vì trong các bậc tấn hóa trong vũ trụ, chỉ có Phật là cao hơn hết thôi.
Trong mấy năm nay, ở các nơi trong nước ta, hàng thức giả và người mộ đạo đều hô hào sùng tu Phật Pháp. Trong Nam, ngoài Bắc, ở Trung đều có các cơ quan và các sở in kinh để phổ thông Phật lý, giúp cho người đồng bang tiện việc tu trì.
Vậy thì đạo Phật vẫn còn thịnh, và các tay danh gia trong Phật học giới vẫn còn nhiều vị đứng ra mà giúp đời, dìu dắt chúng sanh.
Đầu năm 1950
Đoàn Trung Còn