- 1. Lý Sĩ Khiêm thích bố thí
- 2. Thầy giáo hết lòng giúp người
- 3. Gia Luật Sở Tài can vua
- 4. Nhan phu nhân quả quyết cứu người
- 5. Khéo tu trong chốn phủ đường
- 6. Một lời cứu vạn người
- 7. Cứu người được tăng tuổi thọ
- 8. Chuyển tướng xấu thành tốt
- 9. Chịu đói giúp người
- 10. Làm lành được báo đáp
- 11. Sinh làm con để đền ơn
- 12. Bạch Khởi lạm sát phải tự sát
- 13. Giết hàng binh gặp đại họa
- 14. Lạm sát bị ung nhọt
- 15. Hồn ma ám ảnh
- 16. Hồn ma báo mộng
- 17. Giết người đền mạng
- 18. Sai dịch tàn ác chịu quả báo
- 19. Mẹ kế độc ác bị sét đánh
- 20. Bức cung dân lành bị đột tử
- 21. Hai mươi sáu nhát dao
- 22. Oan nghiệt sanh mụt nhọt
- 23. Quốc sư Ngộ Đạt
- 24. Thấy chết không cứu đời sau làm heo
- 25. Tham tiền mất con
- 26. Cha mẹ là Phật
- 27. Lòng hiếu cảm động mãnh hổ
- 28. Liều chết cứu cha
- 29. Nàng dâu hiếu thoát hỏa nạn
- 30. Lòng hiếu cảm động hài cốt cha
- 31. Gương hiếu thuận
- 32. Niệm Phật cứu mẹ
- 33. Hiếu nghĩa thành danh
- 34. Con hiếu không dối cha
- 35. Xin ăn nuôi cha mẹ
- 36. Hiếu dưỡng mẹ sinh con trai quý
- 37. Chu Thọ Xương hết lòng tìm mẹ
- 38. Tu thân và giúp người để báo ân
- 39. Hiếu thuận thoát nạn sét đánh
- 40. Con hiếu xả thân cứu cha
- 41. Nàng dâu hiếu thảo mẹ chồng
- 42. Đổi tuổi thọ cho cha
- 43. Thay nhau nuôi cha mẹ
Đường Tương Thanh biên soạn, Đạo Quang dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
CHU THỌ XƯƠNG HẾT LÒNG TÌM MẸ
Chu Thọ Xương triều Tống là con của quan Hình bộ thị lang Chu Tốn. Mẹ
ông là Lưu thị, xuất thân thấp hèn. Năm Thọ Xương lên 7 tuổi, cha mẹ chia tay nhau không còn sống chung. Về sau mẹ ông tái giá rồi theo chồng, biệt vô âm tín.
Sau khi Thọ Xương lớn lên, thường luôn nhớ nghĩ đến mẹ, song không còn chút manh mối nào để có thể biết được hiện giờ mẹ đang lưu lạc nơi đâu. Ông vì thương nhớ mẹ mà trong lòng không lúc nào nguôi được nỗi buồn. Cuối cùng, ông quyết định từ quan, nhất định lên đường tìm gặp cho được mẹ.
Ông trải qua vạn dặm đường đời, nếm đủ trăm cay ngàn đắng, lưu lạc khắp nơi nhưng vẫn chưa đạt được ý nguyện. Mỗi khi dò la được chút tin tức gì
ở nơi đâu, dù rất mơ hồ, ông cũng lập tức băng đèo lội suối tìm đến tận
nơi, hy vọng tìm gặp lại được người đã mang nặng đẻ đau ra mình.
Sự tìm kiếm của Chu Thọ Xương quả thật chẳng khác nào mò kim đáy bể! Thời gian trôi qua đã xóa hết đi mọi dấu vết mong manh mà mẹ ông để lại.
Những lần dọ hỏi tìm tòi của ông phần lớn chỉ nhận được những cái lắc đầu ngơ ngác và những câu trả lời không manh mối. Dù vậy, ông vẫn nuôi hy vọng sẽ gặp lại được mẹ hiền, vẫn không mỏi mệt đêm ngày tìm kiếm khắp nơi.
Chu Thọ Xương vốn từ nhỏ đã tin theo Phật giáo, thường đến chùa lễ Phật,
cúng dường Tam bảo, cứu giúp người nghèo khó. Trên đường gian nan tìm mẹ, ông càng vững lòng tin hơn nữa, lúc nào cũng cầu nguyện chư Phật gia
hộ cho việc tìm mẹ của mình sớm được kết quả. Hơn thế nữa, ông còn phát
nguyện tự mình sao chép trọn bộ Thủy sám thành rất nhiều bản, truyền rộng ra khắp nơi để làm lợi ích cho nhiều người. Bản thân ông cũng thường trì tụng không mệt mỏi và luôn để tâm tự xét những lỗi lầm của mình để sám hối và tu dưỡng.
Quả nhiên, sự quyết tâm và những nỗ lực của Chu Thọ Xương cuối cùng rồi cũng được đền đáp. Một hôm, ông phiêu bạt đến vùng Đồng Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây, hết sức tình cờ gặp lại được mẹ. Tuy tóc bà đã bạc trắng, khuôn mặt khô gầy thay đổi rất nhiều qua thời gian, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ như in và lập tức nhận ra ngay khi nhìn thấy bà đang chậm rãi bước đi trên đường. Kể cũng lạ, lúc bà ra đi thì Thọ Xương chỉ là đứa bé
7 tuổi, hôm nay đã lớn khôn trưởng thành, trải qua hơn hai mươi năm dài, thế mà hình dáng của mẹ vẫn được ông ghi khắc kỹ trong lòng, vừa thoáng nhìn là đã nhận ra được ngay.
Nhưng mẹ ông thì không tài nào nhận biết được ông. Ông vội vàng chạy đến gọi mẹ, vẫn thiết tha như ngày còn bé:
– Mẹ ơi, mẹ ơi! Con là Thọ Xương con của mẹ đây!
Bà mẹ đứng sững lại, ngẩn người kinh ngạc:
– Trời ơi! Thật là con của mẹ đó sao! Làm sao con biết mẹ ở nơi này mà tìm đến?
Hai mẹ con đã hai mươi mấy năm không gặp, ôm nhau òa khóc giữa đường, quả thật là mừng chảy nước mắt! Rồi bà mẹ khóc nức nở, hỏi han việc những năm qua con sống thế nào. Thọ Xương đem việc lang thang khắp nơi tìm mẹ kể lại, khiến bà không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt.
Thế là Chu Thọ Xương liền rước mẹ về nhà, hết lòng hiếu dưỡng. Từ đó ông
mới nhận làm chức quan Tư nông thiếu khanh, ngoài việc triều chính ra thì dành hết thời gian để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già, dốc lòng hiếu thuận.
Không bao lâu, câu chuyện tìm mẹ của Chu Thọ Xương đã trở thành một giai
thoại được truyền đi khắp nơi, ai nghe thấy cũng hết lòng ngưỡng mộ, kính phục.