Huỳnh Trung Chánh
MẸ QUAN ÂM CỬU LONG
Trời trong, biển lặng,
bốn phương trời bát ngát. Chiếc tàu tốc hành Thượng Hải Phổ Đà(1) lướt như bay
trên mặt biển, cơ hồ như đang xẻ biển khơi thành hai mảnh với hai lượn sóng to
chạy dài theo hông tàu. Tàu trang bị khá tân tiến như trên một phi cơ hành
khách, có máy điều hòa không khí mát mẻ, có ghế dựa thoải mái, và màn ảnh
truyền hình liên tục chiếu phim đấm đá sôi nổi. Nhóm hành khách Việt lên đường
hành hương thánh địa Bồ Tát Quán Thế Âm, địa điểm mà hầu hết mọi người hằng
thao thức chiêm ngưỡng, nên hầu như lòng ai cũng hớn hở rộn ràng. Nhiều nhóm
hào hứng tranh nhau nhắc nhở kinh nghiệm linh cảm của họ đối với vị Bồ Tát cứu
khổ cứu nạn. Có vị mân mê tượng Quán Âm lủng lẳng trên cổ lâm râm khấn niệm.
Ra khơi chừng nửa giờ, bộ mặt thực hung bạo của biển cả mới lộ nguyên hình.
Trời bỗng u ám, mưa lất phất, rồi cơn giông nhỏ thình lình kéo đến. Từng lượn
sóng to úp chụp chiếc tàu như muốn nhận chìm tất cả xuống biển sâu. Hành khách
tranh nhau say sóng, có người đã lộ vẻ khẩn trương, và tiếng niệm Quán Aâm chân
thành cũng đã trổi lên đây đó. Có những Phật tử trẻ tuổi hành Bồ Tát hạnh chạy
tới chạy lui săn sóc bạn đồng hành đang vật vã chóng mặt hay nôn mửa. Vĩnh thầm
nghĩ : “Chưa đến thánh địa của Ngài mà mình đã nghe được tiếng vọng của Ngài
rồi!”. Thật ra thì tình hình chẳng có chút xíu gì nguy hiểm, nếu so với chuyến
vượt biển của chàng khoảng 20 năm về trước, trên chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp,
đói khát hành hạ, và phải ngồi bó gối san sát theo kiểu cá mòi hộp trong khoang
tàu hôi hám. Chuyến hành trình sang qua ngày thứ nhì thì gặp biển động, có lẽ
chỉ cùng một cỡ với cơn giông ngày nay, nhưng đối với chiếc thuyền con thì đó
là đại họa. Chiếc thuyền lăn lộn như trái mù u bị đẩy xuống sâu tận dưới đáy
vực, để rồi từ trên cao lượn sóng to như trái núi ập xuống, tưởng chừng như sẽ
đập nát chiếc thuyền thành mảnh vụn. Thế nhưng, từng lượn nầy đến lượn khác
tiếp nối, chiếc thuyền tưởng chừng như sắp lật úp bao lần mà vẫn thoát nạn.
Ngày đó, trên thuyền mạnh ai nấy lên tiếng “kêu cầu cứu”: tiếng niệm Quán Âm,
tiếng khẩn cầu Đức Mẹ Đồng Trinh vang lừng. Thế nhưng chỉ 30 phút sau thì tiếng
cầu xin im bặt. Hầu hết thuyền nhân đều bị say sóng nằm la liệt bên nhau, có lẽ
không mấy ai còn đủ tinh thần để tưởng nhớ đến Phật, đến Chúa nữa. Vĩnh là một
trong ba người còn tỉnh, chàng phải gắng sức tát nước liên tục mà vẫn không
ngừng niệm Quán Aâm cho đến khi sóng biển lặng dần. Chàng vốn ngưỡng mộ hạnh nguyện
của chư Bồ Tát, nhưng chàng chủ trương niệm Quán Aâm là chỉ nhằm nhắc nhở mình
thực tập hạnh nguyện “lắng nghe và cứu khổ”, đồng thời, cũng là cách áp dụng
phương pháp tu hữu hiệu có công năng đưa hành giả đạt đến trạng thái “nhất tâm
bất loạn”. Tâm lặng lẽ an nhiên không loạn động thì tất cả nỗi khổ đau, sợ hãi
đều vốn chỉ là vọng tưởng, là “huyễn” nên tự nó sẽ tan biến đi. Vĩnh không ngờ
trong cơn lâm nguy chàng cũng phải niệm Quán Aâm theo tinh thần tha thiết xin
được cứu khổ cứu nạn như thường tình, và tuy tự thân chàng cảm thấy rất linh
ứng, nhưng từ đó đến nay chàng không hề lạm dụng việc niệm danh hiệu Bồ Tát để
cầu xin điều gì nữa cả. Khác với chàng, Mỹ hoàn toàn đặt niềm tin tuyệt đối vào
Bồ Tát Quán Aâm, mặc dù, nàng không đến nỗi tin tưởng theo kiểu thường trực cầu
cạnh xin xỏ Ngài những quyền lợi cỏn con như một số đàn bà khác. Niềm tin đó đã
phát xuất từ những nỗi khổ đau trong chuỗi đời ấu thơ đầy nước mắt của
nàng. Nàng thường đoan quyết rằng nếu không có Bồ Tát hiển linh cứu độ, thì nàng
đâu còn sống sót cho đến ngày nay.
Cuối năm 1989, Vĩnh
cùng vài cựu huynh trưởng Gia Đình Phật tử nhận lãnh công tác thiện nguyện
hướng dẫn, thông dịch, đưa đón những gia đình thuộc diện con lai vừa đến
Dallas, tiểu bang Texas định cư. Trong dịp nầy, Vĩnh có dịp tiếp xúc gia đình
vợ chồng anh Nguyễn văn Hợi cùngï năm cô con gái tuổi từ 17 đến 22. Gia đình
thiếu nề nếp nên mẹ con, chị em lúc nào cũng cãi vã, nói năng đối xử nhau thô
tháo bất chấp sự hiện diện của người lạ. Cô gái út tên Mỹ, người có giòng máu
lai duy nhứt, mặt mày tương đối xinh xắn, lại là đứa con ngổ ngáo hỗn láo nhứt
trong nhà, có lẽ, cô ta tự hào là nhờ màu da của cô mà mọi người mới đến được
xứ sở văn minh nầy. Vĩnh đưa họ đi lập hồ sơ trợ cấp, tập lái xe, chỉ dẫn ghi
danh khóa Anh văn buổi tối, nhưng chuyện học hành nầy coi bộ chẳng ai tỏ ra hào
hứng cả. Vài tháng sau thì đám đàn bà đều chọn nghề may, tuy lương không cao,
nhưng nhờ đông người cùng làm việc nên tiền bạc khá dồi dào. Anh Hợi lẩm rẩm
vậy mà rất phong lưu. Anh chẳng cần bôn ba tìm kiếm nghề nghiệp nào cả, suốt
ngày nhong nhong đi chơi, về nhà thì cứ tì tì nhậu nhẹt, mà nhậu toàn là thứ
rượu whisky VSOP đắt tiền mới “oai” chứ. Có điều là anh phải chịu khó ngoáy hai
lỗ tai cho sạch để nghe sáu cái mồm oang oác gấu ó tranh cãi nhau suốt ngày mà
thôi. Từ dạo gia đình họ an cư lạc nghiệp, Vĩnh không lui tới nữa, nhưng thỉnh
thoảng cũng nghe vài tin tức của họ : hai cô lớn lập gia đình, cô Mỹ lai ra
riêng và anh Hợi vẫn sống mạnh sống hùng, tiệc lớn tiệc nhỏ huy hoàng. Bẵng đi
hai năm, Vĩnh vô tình gặp cô Mỹ đưa cha đi chùa. Anh Hợi hốc hác, thân thể bệ
rạc hẳn ra. Vĩnh lo lắng hỏi :
- Uả ! Trông anh có vẻ
gầy yếu ! Anh có đi khám bệnh không anh Hợi?
- Ba tui đau nặng lắm
chú Vĩnh à !, con bé rưng rưng nước mắt lên tiếng, rồi cô dặn nhỏ cha: “Ba nói
chuyện với chú Vĩnh nha! con trở ra sân trước lễ Phật bà một chút!”.
Vĩnh thầm nghĩ :
“Không dè con nhỏ ương ngạnh hỗn hào nầy lại có thể nhỏ nước mắt thương khóc
ông già ghẻ! Lạ thật !”. Anh Hợi lắc đầu chán nãn, rồi đợi cô con đi khuất, mới
cất tiếng thở than :
- Tội nghiệp con nhỏ !
nó đưa tôi đến chùa là để tha thiết cầu Phật bà phù hộ cho tôi hết bệnh. Mà hết
làm sao nỗi chú ! Tôi bị ung thư gan nặng “hết thuốc chữa”, “thầy chạy” rồi,
thì còn mong cầu van xin gì nữa !
Anh chép miệng thở
dài, rồi tiếp tục thều thào :
- Tui chết thì yên
phận của tui, chỉ tội nghiệp cho con Mỹ, nó côi cút một mình một thân, chẳng
còn một ai mà nương tựa!
Tuy không cốù ý dòm
ngó đời tư kẻ khác, nhưng tiếp xúc với gia đình anh Hợi một thời gian, Vĩnh
đương nhiên biết rõ gia đình họ thuộc giới bình dân nghèo nàn thiếu học. Có lẽ
họ không dư dả để đèo bòng thêm đứa con nuôi, vậy thì, con bé lai ắt hẳn phải
là tác phẩm của bà vợ tảo tần, “nhảy dù” với lính Mỹ kiếm chút tiền nhằm cải thiện
nếp sống bẩn chật hàng ngày. Giờ đây, theo luận điệu của anh Hợi thì dường như
bà vợ không liên hệ gì với cô con lai, trong khi anh chồng lại là ruột thịt,
chuyện “tréo cẳng ngỗng” như vậy mấy ai mà tưởng tượng cho nỗi. Vĩnh tò mò dọ
hỏi :
- Còn chị và mấy cô
con lớn nữa chi ! Anh khéo xa lo quá!
- Oái ! Bả và tụi nhỏù
kị con Mỹ lắm, nó chết sống mặc kệ, họ nào có kể số gì! Có lần tui năn nỉ bả
thương con Mỹ một chút thì bả ó ré ỏm tỏi : “Nó đâu phải là con tui thì
mắc mớ gì tui phải lo chớ?”
- Uả ! vậy thì cô Mỹ
là con của ai?
Anh Hợi lừng
khừng đáp :
- Con của ai thì tui
cũng không biết nữa !!!
Vĩnh chưng hửng trố
mắt nhìn anh. Chắc chắn anh không đùa giỡn, nhưng sự thực thìø sao? Vinh ngần
ngừ muốn hỏi cho ra lẽ, nhưng thấy mặt mày anh buồn hiu nên ngại ngùng nín
lặng. Anh Hợi trầm ngâm khá lâu như để lắng lòng tìm về với dĩ vãng, rồi bỗng
nhiên như sực tỉnh lại, anh rỉ rả kể một hơi :
- Ngày cuối tháng tư
năm đó, tình hình lộn xộn quá chừng. Tui đang “mần” hạ sĩ thợ máy tại Hải quân
công xưởng Ba Son, công xưởng cấm trại trăm phần trăm nhưng lính tráng trốn gần
hết chỉ còn lại có mấy mống. Một thằng bạn thân quơ đâu được cái va li của ai
bỏ lại, quăng cho tôi bộ đồ xi vinh để thay bỏ bộ đồ nhà binh, rồi mạnh ai nấy
phóng lên xe đạp chuồn đi. Tui là thứ tép riêu chẳng ra cái thá gì, mà sao hôm
đó tui buồn tủi quá, tui bỏ đi không đành nên cứ lẩn quẩn đạp xe lòng vòng bồn
binh chợ, bứt rứt ngóng nhìn cảnh đổ vỡ của dinh Độc Lập, Bộï Quốc Phòng. Rồi
tôi lộc cộc đạp xe ngang qua Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, tôi đang tò mò nhìn vào bỗng
nghe tiếng đứa con gái nhỏù đứng xéo bên kia đường kêu khóc vật vã : “Hu...
hu... Vú ơi ! Vú ! Vú đâu rồi ! hu hu...”. Tui chạnh lòng ghé lại dỗ cho con bé
nín khóc, dọ hỏi nhà cửa nó để đưa về dùm. Con bé còn nhỏ quá, mới chừng 5
tuổi, miệng tía lia đủ chuyện tào lao, mà hỏi đường về nhà thì ăn nói bắt
quàng, tui chẳng biết đâu mà mò. Con bé lai trắng trẻo dễ thương mặc quần áo
đẹp, cổ mang giây chuyền vàng, mang “lắc” vàng, tai đeo khoen vàng... đứng một
mình trong cảnh nhốn nháo nầy mà gặp kẻ gian thì nguy hiểm quá. Tui tính đứng
chơi với nó cho đến khi người nhà nóù tìm gặp thì mới yên bụng ra đi, nhưng tôi
chờ hoài rối cả ruột mà chẳng thấy ai. Chập lâu sau tui định bỏ đi, nhưng tui
đi thì con bé khóc ré lên. Tui bỏ đi năm, sáu lần mà lần nào cũng phải quanh
trở lại nên cuối cùng tui đành chở nó đem về nhà tại ngõ hẻm lầy lội đường Lạc
long Quân, quận 11, Saigon. Tui kể cho bà xã nghe chuyện của nó rồi nói “Trời
Phật giao nó cho mình! thôi thì mình nuôi nó chớ làm sao bi giờ! có mắm ăn mắm,
có muối ăn muối... tốn hao bao nhiêu đâu phải không bà!?” Mặt mày chù ụ, bả hậm
hực : “Hứ! sao lại không tốn hao? Ai đời... Nhà nghèo mạt rệp chạy gạo nuôi bốn
đứa con đã hụt hơi, mà lại còn mang thêm của nợ về báo đời nữa! ngu ơi là ngu!”.
Tui nghĩ mình cũng ngu thiệt nên nói xụi lơ : “Nói vậy thôi, chớ tui đâu tính
nuôi nó mần chi. Ngày mai tui chở nó trở lại chỗ cũ, gia đình nó thế nào tìm
gặp, chớ không lẽ người ta bỏ nó luôn sao?”. Cả tuần lễ liên tiếp, tôi đưa con
béù trở lại khu Tòa Đại Sứ chờ đợi mà chẳng thấy ai hỏi han. Bà xã tui càng
ngày càng gây gổ dữ dội hơn nữa, bả buộc tôi đem nó bỏ đại ra bồn binh chợ
Saigon, sống chết mặc nó... Lúc đó, tôi chưa tìm ra việc làm, cơm canh từng
ngày là nhờ bả cực nhọc buôn bán bánh kẹo tại trường tiểu học mà có, nên dẫu bả
làm trời làm đất gì tui cũng chẳng dám hó hé. Thế nhưng chuyện tống cổ một đứa
bé con hỉ mũi chưa sạch ra khỏi nhà thì tui không đành lòng, nên tui cứ hứa
cuội hoài hà, cuối cùng bả tức giận cấm tuyệt không cho nuôi ăn nó nữa. Bà con
lối xóm biết chuyện nầy, thương hoàn cảnh của cha con tui, nên ngày nào cũng có
nhà nhín ra chút đỉnh cho con bé. Xin làm thợ máy không ai mướn, tui mang thùng
đồ nghề ra ngã tư cạnh quán cà phê của thím Bảy lãnh vá sửa xe đạp, mỗi ngày
cũng kiếm được chút cháo, nên đỡ phải nhờ vả bà con chòm xóm. Mấy tháng sau,
tui được thằng bạn bảo lãnh đi mướn được chiếc xích lô đạp. Chèn ơi! đạp xích
lô mệt trần thân vậy mà có ăn lắm! Tiền tôi đem về mỗi ngày đủ xài, nên vợ tui
không dằn vật tui nữa, tui năn nỉ ỉ ôi mãi bả mới chịu nuôi con Mỹ. Cho
ăn mà bả cứ hành hạ đánh mắng nó hà rầm hà, có lần quá tội nghiệp tôi xin bả
nhẹ tay một chút chẳng dè bả càng làm dữ hơn nữa, nên về sau, mỗi khi thấy mặt
mũi mó bầm dập, lưng và đít nó bị lằn ngang lằn dọc, tôi xót xa mà phải giả đò
như đui như điếc. Bậy nhứt là đám con tui lại hùa theo bả hiếp đáp con bé, tôi
muốn khuyên dạy chúng mà cũng sợ bị vợ con trách là bênh vực người dưng hơn con
ruột nên cũng đành bỏ qua. Lâu lâu dấu được tí tiền tôi mang gởi thím Bảy cà
phê, nhờ thím mua quần áo cũ, dày dép... cho con bé; thím Bảy tốt bụng và kín
đáo, bao năm trời thay tôi lo con bé mà không hề lộ chuyện bí mật nầy. Kể ra,
sống vơiù gia đình tui thì cực khổ, nó lại bị hiếp đáp, nhưng lây lất mà sống
rồi thì cũng qua. Hai năm sau, con Mỹ theo mấy chị đi học. Nó sáng dạ lắm, học
xong cấp tiểâu học nó đậu vào trường cấp hai. Vào năm nó đang học lớp bảy, tui
gặp vận rủi, bị tai nạn lưu thông, chiếc xích lô gãy nát, tôi què giò phải ngồi
một chỗ. Tiền bạc không có, mấy đứa nhỏ phải chia nhau đi làm : con lớn học
may, đứa kế bán bánh kẹo tại trường tiểu học, đứa phụ giúp dì nó coi sạp vải,
con Mỹ và chị Năm của nó đi bán vé số. Một hôm vợ tôi bị mất một số tiền dành
dụm dấu ở dưới khạp gạo, bà đề quyết ngay là chính con Mỹ là thủ phạm. Con bé
bán vé số về nhà, đang hí hửng khoe với tui là được một ngày hên, thì bị bả lôi
vào tra vấn. Con bé vừa trả lời không biết, thì bả liền tán cho mấy tát tay
nháng lửa, dộng đầu nó vô vách, hét lớn : “Mầy chớ ai vào đây, đừng có láo
xược!”. Bả xét túi quần áo của nó, lôi được một số ít tiền. Con Mỹ giải thích
tiền đó là tiền mà mấy người mua giấy số trúng thưởng cho nó, tôi tin chắc đó
là sự thực, vì nó thường mua thuốc lá, mua bia cho tôi bằng tiền lì xì nầy. Thế
nhưng vợ tôi nghĩ khác, bả tiếp tục đánh đập la hét : “Mầy đừng có mong già mồm
mà qua mặt tao! rõ ràng mầy đã ăn cắp, mầy xài đã đời nên mới còn chừng đó”.
Con Mỹ bị đòn đã quen, nó thường cắn răng chịu đựng cho đến bả hả giận thì mới
được buông tha. Lần nầy, bỗng dưng nó lỏ mắt nhìn bả, chăm hẳm nói : “Trong nhà
nầy, ai mà được bà cưng thì mới biết chỗ bà dấu tiền, sao bà không nghi, không
hỏi người đó?”. Câu trả treo đó khiến vợ tôi nổi sùng hơn nữa, bả đánh đập nó
tơi tả, xé nát quần áo nó, rồi đuổi nó ra khỏi nhà. Con Mỹ bỏ đi ngay. Tui sốt
ruột quá, muốn phóng theo để an ủi nó, nhưng cái cẳng đi cà nhắc không bắt kịp.
Tui đành van nài thím Bảy cà phê giúp tìm nó, cho nó ở đậu vài bữa. Thím Bảy an
ủi tôi : “Anh đừng lo ! Nó lại đằng chùa chớ chẳng đi lang thang đâu! Ngày nào
bán vé số về, nó chẳng ghé chùa làm công quả”. Nghe thím nói tui cũng yên bụng,
nhưng không ngờ đến trưa hôm sau thì có dì ba Diệu Hỷ, làm công quả tại chùa
Giác Viên báo tin : “Đêm qua con Mỹ vào chùa khóc lóc xin ngủ đêm, đến sáng
người ta khám phá nó nằm lăn lộn, bên cạnh còn chén thuốc rầy gần cạn, nên chùa
vội cho chở nó vào bệnh viện Chợ Rẩy cứu cấp”. Tôi tức tốc nhờ đứa con lớn chở
xe đạp đến phòng cứu cấp. Con Mỹ nằm thiêm thiếp, da trắng bệch như xác chết.
Bác sĩ lắc đầu cho biết nó đã được bơm ruột, nhưng chất độc nặng quá nên mạng
sống khó vẹn toàn. Tôi chết điếng, đứng sửng như trời trồng, nước mắt chảy dài
mà câm họng không nói được tiếng nào. Con Hai cũng khóc ngất. Tới giờ phút nầy
nó mới chịu thú thiệt là nó đã lấy cắp tiền để sắm son phấn, xú chen, xì líp
như đám bạn cùng trang lứa. Con Hai đã 18 tuổi, tuổi ham hố đua đòi chưng diện,
vợ tui vẫn biết nó thường rút rỉa tiền buôn bán nhưng cho đó là chuyện lặt vặt
nên làm ngơ, dè đâu nó lại cả gan làm vố nầy. Con Mỹ nằm im không nhúc nhích
hơn sáu tiếng đồng hồ, ông bác sĩ ra lịnh cho y công : “Không cứu nỗi
đâu, hãy đưa nó sang Nhà Xác cho trống chỗ!”. Tui thấy nó vẫn còn thoi thóp,
nên van lạy ông Bác sĩ giữ nó ở Phòng Cấp Cứu thêm vài giờ nữa. Trong lúc
rối rắm đó, tôi chỉ biết khóc ngất, nắm tay chân nó kêu réo : “Mỹ ơi ! Mỹ ! con
ráng tỉnh dậy sống với ba ! Con đừng bỏ ba con ơi !”. Có khi thì tui quýnh quíu
khấn vái lung tung : “Con lạy Trời Phật, con lạy ông thần bà chúa, cô hồn các
đãng... ai có linh thiêng ra tay cứu vớt cho con tui sống lại...”. Thình lình,
mắt nó hơi động nhẹ rồiù từ từ hé mở, một giọt nước mắt lăn ra. Tui mừng rú :
“Con tui sống lại rồi! bác sĩ ơi ! bà con ơi ! con tui sống lại rồi !”...
Kể lại câu chuyện xưa
mà anh Hợi đầm đìa nước mắt khiến Vĩnh cũng xúc động lây. Chàng cất tiếng phụ
họa :
- Cô Mỹ mà sống lại
chắc là do tình thương vô bờ của anh đó, anh Hợi à !
- Không phải vậy đâu
chú, - Anh Hợi thật thà cãi - Khi tỉnh, con Mỹ kể lại như vầy nè: “Tự nhiên con
thấy con khỏe nhẹ bay bổng lên, con không nghe đau đớn gì nữa. Từ trên cao nhìn
xuống con thấy ba kêu khóc vái van, con cũng thấy bác sĩ, y tá lăng xăng bên
xác con nữa. Có mấy đứa nhỏ mặc áo đỏ rủ con đi chơi nhưng con thấy ba khổ sở
quá chừng, con thương đứt ruột đi chẳng đành. Con ráng nói lớn “Ba đừng buồn !
ba ơi !”, mà sao ba hổng nghe. Bỗng nhiên con thấy Phật bà Quan Âm giống y
chang như bức tượng tại chùa Giác Viên, đến xoa đầu con rồi bảo : “Con thương
ba con lắm phải không?”. “Dạ!”. “Vậy con hãy trở lại sống với ba con đi!”. Phật
bà dẫn con đến bên cái xác, xô nhẹ con, con giựt mình nghe đau nhức rụng rời,
rồi con ráng mở mắt ra...”
Kể đến đây, anh Hợi
bỗng thở dài rồi buồn hiu than :
- Nó chẳng nỡ bỏ tui,
mà bi giờ thì tui có muốn sống hoài với nó lại không được !
Vĩnh đang nghe chuyện
xưa hấp dẫn, sợ anh Hợi lạc sang đề tài khác, vội lên tiếng :
- Sau khi tỉnh lại, cô
Mỹù ở đâu vậy anh?
- Ơ ! con Mỹ muốn về
chùa Giác Viên, nhưng sau vụ tự tử, chùa sợ trách nhiệm nên không dám lãnh, tui
đành phải đưa nó về nhà. Vợ tui nó quê quê vụ nghi oan nên cũng đỡ xéo xắt. Mấy
tháng sau thì có tin đám con lai được cho đi Hoa Kỳ, từ đó, nó không còn bị hà
hiếp nữa. Có gia đình dọ dẫm tui, đề nghị trả một số tiền to để họ lập hồ
sơ diện con lai chung với con Mỹ, mà nó thì nhứt quyết chẳng đi đâu cả
nếu thiếu tui. Vợ con tui ham xuất ngoại quá, hè nhau xúi tui lo lập hồ sơ. Tui
làm trật tới trật lui, nên phải đến ba năm mới tới đất nước nầy. Qua đây, đời
sống sung sướng ai cũng vui vẻ, không ai hiếp đáp ai được, vậy mà không dè lại
có chuyện để họ gây lộn lùng tùng phèo khiến tui điên cả đầu.
- Uả ! còn chuyện gì
trục trặc vậy anh?
- Số là như vầy nè !
hồi tôi lượm con Mỹ thì nó có mang khoen tai vàng, tấm “lắc” vàng, sợ giây
chuyền vàng cùng với tượng Phật bà bằng cẩm thạch. Sau lưng tượng trên phần bọc
vàng có khắc chữ Amy 112070. Tôi mang hỏi mấy người rành chữ nghĩa, thì họ nói
Amy chắc viết tắt Aùnh Mỹø tên con bé. Khi vừa gặp nó, nó cũng xưng tên trại
trại như vậy nên tôi yên chí gọi nó là Mỹ. Còn sáu con số người ta đoán đó là
số mật mã nhưng ý nghĩa nhưng thế nào không ai rõ.
- Sáu con số nầy có lẽ
là ngày sanh : 20 tháng 11 năm 1970 đó anh. Người Việt mình viết ngày rồi mới
tới tháng, nên nếu còn ở trong nước chắc tôi cũng không nghĩ ra. Uả! chuyện
khắc chữ nghĩa nầy sao lại khiến gia đình anh xào xáo kìa?
- Ơ ! nó về ở nhà tui
thì bà xã tui lột hết mấy thứ đó, bả cho biết gạo hết sạch rồi, hãy đem bán mớ
vàng nầy lấy tiền nuôi con. Tui nghĩ tượng khắc chữ và số là chứng tích mà gia
đình nó làm dấu, nếu bán mất đi thì sau nầy nó khó tìm lại cha mẹ ruột. Vì vậy,
tui bán đứt mấy thứ kia, còn tượng cẩm thạch thì tôi cầm đỡ cho thím Bảy để lấy
đủ tiền nạp cho bả. May mắn là sau đó tui tìm được nghề đạp xích lô, tui chắt
mót lần lần gom đủ tiền chuộc lại cái tượng. Mang tượng về dấu là chuyện khổ
dài dài đó chú; chôn dấu ở ngoài thì sợ mất, cất trong nhà thì sợ bả biết. Bả
mà biết thì chắc tui cũng bị bả tống ra khỏi cửa huống chi là con Mỹ. Mang
tượng qua tới đây, chờ đâu đó yên rồi, tui lén đưa cho con Mỹ, dặn phải giữ
kín. Tưởng giao tượng thì khỏe thân, nào ngờ mẹ con nó cãi lẫy với nhau, con
Mỹù bới chuyện xưa trách móc rồi còn trưng cái tượng Phật để làm bằng. Bà xã
tôi tức như điên, nhưng không hoạnh họe con Mỹ được, thành thử bao nhiêu tội
lỗi bả trút lên đầu tui hết, bả cà riềng cà tỏi cằn nhằn chửi bới tui tối ngày,
tui chịu đời hết thấu vậy đó.
Câu chuyện kết thúc
thì Mỹ cũng vừa lễ Quan Âm xong, nàng cho biết cần phải đi giao và nhận đồ may
cho kịp giờ hẹn, nên hấp tấp đưa cha ra xe. Vĩnh vội hỏi vói theo :
- Anh còn ở chỗ cũ
không? Vài bữa nữa tôi sẽ đến thăm anh, anh thấy có tiện không?
Anh Hợi thoáng ngần
ngừ, rồi đáp :
-Ơ... vẫn còn ở chỗ
đó. Khi nào rảnh, mời chú đến chơi.
Tuy hẹn là vài ngày
nữa mới ghé thăm nhưng ngay hôm sau Vĩnh đã lần mò tìm đường đến nhà anh Hợi
tại chung cư Vineyard đường Pleasant Run, Irving. Trước kia chàng đánh giá anh
Hợi rất tầm thường, giờ đây khi biết được tấm lòng cao cả của anh - nghèo
khó bần cùng, bị vợ chửi mắng mà vẫn mở rộng vòng tay đón đứa bé con về nuôi,
gạo hết nhẵn mà vẫn không nỡ bán kỹ vật cuối cùng của nó... - Vĩnh kính trọng
anh vô cùng. Chàng nghĩ mình học Phật tu thân, nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh
tương tợ chắc mình chỉ bảo vệ thân mạng mình, kế đó là vợ con cha mẹ mình, chớ
làm sao hành được cái hạnh Bồ Tát như anh ta được. Con người tốt như vậy mà
phải sống chuỗi ngày ngắn ngủi còn lại, trong sự buồn nãn, lo âu thấp thỏm thì
thảm thương quá. Do đó, Vĩnh hấp tấp viếng thăm mong tạo được sự gần gũi tối
thiểu, nhiên hậu sẽ tùy cơ hướng dẫn anh thực hành pháp môn Niệm Phật làm hành
trang cho ngày vĩnh viễn ra đi. Vĩnh đến mà không báo trước vì lỡ lạc mất số
điện thoại, do đó, chàng ngần ngại đứng trước cửa một lúc rồi mới rụt rè bấm
chuông. Chị Hợi mở cửa lỏ mắt ngạc nhiên.
- Chào chị. Xin lỗi đã
đến thình lình. Có ảnh ở nhà không chị?
- Thằng chả không có ở
đây ! Chả ở nhà con lai á !
- Cô Mỹ ở gần đây
không chị? Xin chị chỉ đường cho tôi đến đó thăm ảnh có chút việc.
- Ai biết !
Chị Hợi trả lời cộc
lốc, kèm theo cái cửa đóng ập phũ phàng khiến Vĩnh sượng sùng lủi thủi trở ra.
Vĩnh đang vô vọng nhìn quanh, chợt thấy cô thứ Năm lái xe trờ tới. Chàng mừng
rỡ, cười “cầu tài” lên tiếng :
- Chào cô Năm. Tôi đi
thăm anh Hợi mà chẳng biết nhà. Cô có thể chỉ cho tôi được không?
- Chú lái xe trở ra,
quẹo mặt đến dãy chung cư kế đây, số nhà 3480, tầng trệt, phòng số 2.
Vĩnh đến nơi bấm
chuông. Thấy chàng Mỹ đon đả mời vào. Phòng khách trống trải chỉ có bàn ăn hai
ghế ngồi vừa dùng để tiếp khách, anh Hợi ngồi ghế xích đu lúc lắc xem truyền hình,
cạnh đó, là bàn máy may của gia chủ. Thấy anh Hợi uể oải nhỏm dậy, Vĩnh vội giơ
tay ngăn cản. Chàng lên tiếng :
- Tôi đâu ngờ anh dọn
qua đây với cô Mỹ?
Anh Hợi cười gượng
chưa trả lời thì Mỹ đã ong óng chen vào :
- Cái con mẹ ác ôn
nhiếc mắng ba tui đã đời rồi quăng đồ của ổng ra sân đó! chú ạ! Uả! làm sao chú
biết được nhà nầy?
- Cô Năm chỉ đường cho
tôi.
Để tránh dây dưa vào
một đề tài chỉ đào sâu mối bất hòa trong gia đình họ, Vĩnh vội kéo ghế ngồi
cạnh Hợi hỏi thăm bệnh tình, rồi gợi chuyện để anh nhắc nhở lại những kỹ niệm
vui buồn của thời đi lính Hải quân. Từ ngày lâm trọng bệnh, mất thú nhậu nhẹt,
bạn bè thưa thớt dần, đã hằng lâu mới có người chịu khó nghe giải bày tâm sự,
nên anh Hợi vui vẻ vô cùng. Anh hào hứng kể từ chuyện nầy sang chuyện khác, nỗi
đớn đau buồn nãn gây ra bởi chứng bệnh nan y cơ hồ biến mất. Khi Vĩnh từ giã ra
về, anh cứ quyến luyến nhìn theo tiếc nuối. Mỹ đưa Vĩnh ra tận xe, năn nỉ :
- Xin chú làm ơn tới
chơi thường thường một chút. Có chú nói chuyện, ông già vui quá hà !
- Cô Mỹ à! Tôi nhận
thấy thời giờ còn lại của anh Hợi rất ngắn ngủi, anh lại không có niềm tin nào
để bám víu nên dễ sanh buồn phiền. Tiếc quá! giá mà ảnh có được niềm tin giống
như niềm tin vào Đức Quán Aâm của cô, thì chắc chuỗi ngày còn lại của ảnh cũng
dễ chịu hơn!
- Đúng vậy đó chú
Vĩnh! mỗi lần gặp chuyện buồn khổ tôi chấp tay trước tượng Phật Bà niệm danh
hiệu của Ngài thì cảm thấy an ủi nhiều lắm! Chú Vĩnh làm ơn nói sao cho ông già
tin Phật đi, chớ tui nói hoài, lần nào ổng cũng cười hề hề hứa, rồi chẳng thấy
ăn nhằm gì hết!
- Tôi cũng muốn cố
gắng nhưng chuyện nầy khó lắm cô ạ! Điểm khó là niềm tin của con người phải
xuất phát dựa trên cái thấy, cái cảm tự nhiên... cho nên nếu bị ép buộc, bị
thuyết phục thì người ta thường có phản ứng trái ngược. Vì vậy, theo tôi thì
mình phải tạo cơ hội cho anh Hợi yên chí rằng ảnh đến với đạo một cách tự nhiên
thì mới tốt. Do đó, tôi không muốn anh Hợi nghi tôi đến chơi là vì ảnh và để
thuyết pháp cho ảnh. Mình phải tìm một lý do nào khác mới được. Lý do gì bây
giờ kìa? Hay là ngày mai cô lên tiếng nhờ tôi dạy tiếng Anh mỗi ngày một giờ,
để tôi có cớ đến chơi trò chuyện với ảnh. Sau đó, tôi khuyên cô đọc thêm sách
Việt cho mở mang kiến thức. Tôi chọn cho cô đọc toàn sách có chuyện đạo vui
vui, ảnh vô tình nghe, rồi mình sẽ tùy nghi bàn bạc rộng ra, biết đâu nhờ vậy
mà ảnh tò mò tìm hiểu rồi sẽ tự tìm thấy niềm tin trong đạo Phật.
- Ưà! chuyện đó tui
làm được.
- Còn chuyện nầy xin
làm phiền cô nữa đây. Anh Hợi kể rằng khi cô bị những người kia nặng lời thì
anh rất đau khổ, ngược lại, nếu anh nghe cô dùng lời lẽ không đẹp ám chỉ họ,
thì chắc ảnh cũng không vui. Tôi đồng ý với cô là họ không phải là người tốt,
nhưng trước mặt ảnh khi nhắc tới họ, đề nghị cô nên dùng chữ nhẹ nhẹ một chút
cho ảnh đỡ khó chịu. Được không cô?
Không che dấu nỗi bất
mãn, Mỹ ngoe ngoảy bỏ đi vào nhà, chẳng thêm bớt lời nào nữa. Vĩnh ngại cô nàng
còn bực bội nên chờ đến hai hôm sau mới lò dò tìm đến. Gặp chàng, Mỹ chẳng
những không đổ quạu mà còn rối rít chào đón. Vĩnh cũng muốn lấy lòng nàng, nên
tán tỉnh :
- Lần nào đến cũng
thấy có hoa đẹp trên bàn thờ Quán Aâm. Cô Mỹ thuần thành quá!
- Không tin thuần
thành sao được chú? Ngày tui bị cái con ... ơ ơ... má nuôi tui xua đuổi, tui tự
tử kể như chết rồi, thì Phật Bà cứu mạng tôi đó.
- Danh hiệu của Ngài
là Quán Thế Âm có nghĩa là vị bồ tát có hạnh nguyện lắng nghe tiếng kêu thương
của thế gian để mà cứu khổ cứu nạn. Cô tin tưởng niệm danh hiệu của Ngài thì
được linh ứng chớ sao?
- Chú Vĩnh cũng niệm
Quan Âm hả?
- Tôi cũng niệm Quán
Aâm để học hạnh nguyện của Ngài, hầu mỗi khi nghe thấy ai buồn khổ thì ráng sức
mình giúp đỡ họ. Điểm dễ thương của Bồ Tát là tùy theo ước muốn của chúng sanh
mà hiện ra đủ mọi hình dạng để cứu giúp. Tôi cũng mong học theo đặc điểm nầy.
Mình không hiện thành vua quan thánh thần được, nhưng nếu ai cần người anh,
người em, con cháu, bạn hữu ... thì tôi sẽ ráng lo lắng cho họ theo tư cách
đó...
Hai người đàn ông lại
tiếp tục chuyện trò. Khi nghe họ bàn đến những nỗi khó khăn thuở ban đầu tại xứ
người, thì Mỹ chen vào than :
- Ở xứ người mà nói
nghe không rành thiệt khổ ! Mỗi lần đưa ba tui đi nhà thương, tui thiệt “sẫu”
mình! Chú Vĩnh à! khi nào chú rảnh chú nhín chút thời giờ kèm tôi tiếng Anh
nghen chú!
Vĩnh còn đang ngần
ngừ, thì anh Hợi đã năn nỉ :
- Chú làm ơn nhín chút
thời giờ dạy cho con Mỹ, nghen chú!
- Được rồi, nếu cô có
lòng muốn học thì mỗi ngày tôi sẽ dạy cô một giờ.
Theo đúng kế hoạch đã
vạch sẵn, trong thời gian đầu sau phần dạy Anh văn, thì Vĩnh sáp lại tán
gẫu với anh Hợi về những đề tài liên hệ đến quê hương mến yêu : chuyện xóm
làng, sông nước, ruộng đồng, bánh trái, cá mắm... dài dài bất tận. Tuần lễ sau,
nhân lúc Mỹ đi giao và nhận hàng may, Vĩnh gợi chuyện :
- Cô Mỹ mới học Anh
văn vài ngày mà đã tiến bộ thấy rõ.
- Mấy bữa nay bỗng
dưng nó đi thưa về trình, xưng con, thưa ba ngọt xớt. Nó còn gọi vợ tui là má
nữa ! Tôi thiệt khoái quá xá hà !
- Ơ! mấy ngày trước,
nhân bàn về những câu chào hỏi lịch sự của người Hoa Kỳ, tôi cũng nói thêm về
lối thưa gởi lịch sự của người Việt. Chỉ có vậy mà mà không ngờ cô ấy có thể áp
dụng ngay, nói năng dịu dàng liền, khá thật!
- Tui đã nói với chú
là nó sáng dạ lắm mà!
- Cô ấy thông minh như
vậy mà không học nhiều uổng quá! Tôi có ý chọn một số sách Việt để cô đọc cho
tăng sự hiểu biết, nhưng sợ cô chán ngán rồi bỏ dở. Anh Hợi à! Cô Mỹ rất có
hiếu, nếu anh chịu khó nghe, giả vờ thích thú, tôi tin cô sẽ hứng chí đọc thì
lợi ích lắm đó!
- Chuyện ấy dễ quá mà!
Tui sẽ làm theo ý chú.
Hôm sau Vĩnh mang vài
tập truyện của hòa thượng Thiện Hoa và của sư bà Thể Quán như : Bài học ngàn
vàng, Nét đẹp Đông Phương, Em mơ người hoang đảo..., để mỗi ngày Mỹ đọc một giờ
cho cha nuôi nghe. Truyện viết dễ thương, cảm động, vừa hàm chứa nội dung đạo
pháp sâu đậm, càng nghe càng hấp dẫn. Do đó, tuy lúc đầu hai cha con, người nầy
vì người kia hi sinh gượng gạo tham gia, nhưng lần lần họ bị câu chuyện lôi
cuốn. Họ theo dõi tình tiết, phê phán nhân vật, trao đổi quan điểm... với sự
góp ý của Vĩnh. Thế rồi, từ chuyện đời sang chuyện đạo, từ nhân vật tưởng tượng
chuyển sang nhân vật có thực, ba người mặc sức bàn ngang tán rộng. Thời giờ bàn
ngang tán rộng hấp dẫn quá, nên ngày nào Vĩnh bận việc về sớm, hai cha con buồn
hiu. Đó là lý do mà cả hai cứ nài ép Vĩnh đến sớm, ăn cơm thân mật, để có thêm
thời gian bàn bạc. Aên cơm mời mãi thì cũng ái ngại, nên Vĩnh gởi tiền cho Mỹ
nhờ nấu cơm tháng cho tiện. Từ cơm nước tiến lần đến giặt giũ, Mỹ lo lắng cho
chàng như một cô em gái. Bù lại, Vĩnh thay cô ta gánh vác việc đưa đón, hẹn
ngày khám bệnh cho anh Hợi nên cũng bận rộn không kém. Tình thân thiết của Vĩnh
và hai cha con cứ thế mà gia tăng theo ngày tháng. Diễn tiến tự nhiên khác là
anh Hợi bỗng thích đi chùa lễ Phật, nghe Pháp. Anh quyết tâm dành quãng đời còn
lại để học Phật tu thân nên thường yêu cầu Vĩnh giải thích những điểm chưa
thông suốt. Một hôm, nhân khi đọc truyện “Để lại cho vui” của sư bà Thể Quán,
đến đoạn hai mẹ con sư bà hẹn sẽ gặp nhau ở cõi Tây Phương Cực Lạc, Mỹ bỗng õng
eọ :
- Ba à! ba con mình
cũng ráng tu tập và hẹn nhau ở đó nghen ba!
Anh Hợi gật gù :
- Ưà ! nhưng rủi ba tu
không nên thân, bị đọa xuống địa ngục thì sao?
- Ba xuống địa ngục
thì con cũng xuống theo đó!
Con bé chỉ nhỏng nhẻo
thôi, vậy mà, coi bộ anh Hợi tưởng thiệt. Anh nghẹn ngào hồi lâu mới than nho
nhỏ với Vĩnh :
- Chết cha tui rồi chú
ơi! Con nhỏ nầy lỳ lợm lắm. Tui xuống địa ngục, nó cũng xuống theo chớ chẳng
chơi đâu! Chú phải nói hết cho tui nghe cái vụ Tịnh Độ để tui ráng tu thì mới
được.
- Có rất nhiều băng
giảng về pháp môn Tịnh độ rất hay, tôi dự trù mang cho anh nghe rồi mình sẽ bàn
thêm những điểm còn mù mờ. Tuy nhiên, để anh hiểu đại khái phần nào pháp tu
nầy, tôi có thể nêu ra vài đặc điểm như sau : Theo luật nhân quả nghiệp báo,
những tạo tác ta làm trong kiếp nầy và cả những kiếp trước sẽ quyết định cho
hoàn cảnh và nơi chốn của kiếp tái sanh. Tu tịnh độ, trước hết có nghĩa là tu
sửa thân tâm thanh tịnh, tức tạo nghiệp thanh tịnh để được sanh về cõi thanh
tịnh tức tịnh độ. Sanh về cõi tịnh thì sẽ không còn còn khổ não, không còn tạo
nghiệp ác để lăn lộn vào chốn địa ngục ngạ quỷ súc sanh nữa. Việc hành trì pháp
môn nầy có thể tóm gọn bằng hai chữ “Niệm Phật”. Niệm có nghĩa là tưởng nhớ.
Tưởng nhớ Phật có thể bằng quán tưởng, chiêm bái... hay bằng cách xưng danh hiệu
của Phật. Phương pháp trì danh tức niệm danh hiệu Phật dễ nhất, nên chư tổ
thường khuyên Phật tử thực hành. Tóm lại, tâm mình luôn luôn tưởng nhớ
Phật, không để tham sân si lôi kéo, lần lần được thanh tịnh nên sẽ tương ưng
với tâm Phật mà sanh về cõi Phật.
- Mà mình phải niệm vị
Phật nào cho đúng vậy chú?
- Theo nguyên tắc khi
tưởng nhớ đến vị Phật nào thì sẽ gieo duyên với vị Phật đó, và có thể sanh về
cõi tịnh độ của Vị Phật ấy. Tuy nhiên, vì cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới của
Đức Phật A Di Đà có nhiều nhân duyên với chúng sanh cõi Ta Bà, chư Bồ Tát trên
cõi đó như Ngài Quán Aâm, Ngài Thế Chí thường hóa hiện vào cõi Ta Bà để dẫn
dắt, cứu khổ cứu nạn, ngoài ra, Đức Phật A Di Đà có 48 lời đại nguyện, trong đó
có lời nguyện rằng nếu có chúng sanh nào trong lúc lâm chung niệm danh hiệu
Ngài 10 niệm nhất tâm bất loạn, thì Ngài và thánh chúng sẽ rước về nước Phật.
Vì vậy cho nên Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền và chư tổ đều
ân cần khuyên nhủ Phật tử chúng ta niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà để cầu
vãng sanh về cõi Cực Lạc.
- Niệm Phật để tu
nghiệp thanh tịnh hầu sanh về cõi tịnh thì hợp lý rồi, nhưng còn cái vụ khi lâm
chung chỉ niệm 10 tiếng mà được vãng sanh thì khó tin quá chú ạ! nếu vậy kẻ gây
nghiệp ác suốt đời rồi đợi đến giờ chót niệm Phật mấy câu mà thành tựu thì dễ
dàng quá, nhưng như thế thì luật nhân quả không giá trị gì hết sao?
- Mới nghe nói tưởng
rằng dễ lắm nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy không dễ như người ta lầm tưởng đâu
anh. Niệm Phật nhất tâm bất loạn nghĩa là một lòng chí thiết niệm Phật không để
bất cứ ý tưởng tạp nhạp nào xen vào thì ngay khi còn khoẻ mạnh, tâm trí sáng
suốt mà muốn thực hành thành công đã là chuyện gian nan, huống chi là vào lúc
lâm chung : thân xác đau nhức, đầu óc u mê rối loạn, khủng hoảng cùng cực...
Chính vì điểm khó khăn đó, nên ngay bây giờ mình phải thực hành pháp Niệm Phật
liền, niệm liên tục từ ngày nầy đến ngày kia, niệm cho tham sân si giảm lần,
chuyện thị phi, chuyện hơn thua, lòng tham luyến cõi đời không còn nữa... có
như vậy, thì tâm mình mới thanh tịnh phần nào, hầu đến giờ phút tối quan trọng
là lúc lâm chung mình mới hội đủ phước duyên tinh thần minh mẫn mà niệm Phật
nhất tâm bất loạn được.
- Tại sao giờ phút lâm
chung quan trọng quá vậy chú?
- Chư tổ dạy rằng cận
tử nghiệp tức là cái nghiệp tạo ra khi gần chết rất mạnh, nó quyết định con
đường tái sanh của mình. Trong Phật sử có kể đến trường hợp một vị tỳ kheo
trong phút lâm chung tham luyến cái y nên bị đọa thành rận, một vị hòa thượng
tham luyến mía đọa thành sâu mía..., ngược lại có lắm người tu tập tầm thường
nhưng lúc cận tử chân thành tha thiết niệm Phật thì được vãng sanh. Điều nầy
lúc đầu tôi không hiểu ra, nhưng khi tôi nhớ lại chuyện học trò thi cử thì nhận
thấy có chỗ tương đồng. Có những đứa học trò chăm học suốt năm, nhưng đến giờ
chót lại lêu lỏng bê tha, làm bài thi bừa bãi nên phải lãnh kết quả bi đát,
trong khi có đứa học trò kém nhưng đến cận ngày thi biết lo lắng học ôn dưới sự
hướng dẫn của vị thầy giỏi, lại bình tĩnh và gắng sức làm bài thì vẫn có thể đỗ
đạt. Tóm lại, dẫu mình tu tập lơ mơ nhưng nhờ biết nương theo lời dạy của chư
Phật chư tổ, một lòng tha thiết niệm Phật trong lúc lâm chung, thì tâm mình sẽ
chuyển hóa gần gũi với tâm Phật, nên có thể được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về
cõi Tây Phương Cực Lạc.
- Nè chú nói thiệt dùm
tui nghen ! Dốt nát kém cõi như tui cũng có thể tu pháp môn nầy hở chú !
- Được chớ anh ! vấn
đề là một lòng một dạ chí thành niệm Phật, sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” tiếp
nối nhau không gián đoạn, không để cho chuyện vui buồn thương ghét của thế gian
dao động, thì chắc chắn sẽ thành công. Tôi tin tưởng anh sẽ làm được.
Từ dạo đó anh Hợi phát
nguyện hành trì pháp môn Niệm Phật. Anh vốn là người thực thà trung hậu, nên
một khi đã xây dựng niềm tin rồi, thì cứ thế mà bền bĩ tu tập không
một giây phút xao lãng. Thời gian ngắn sau anh bỏ rượu, rồi cũng nhứt quyết
không nếm mùi vị cá thịt nữa. Càng niệm Phật, anh càng tinh tấn, anh không tha
thiết đến chuyện đời, kể cả chuyện sống chết của chính anh. Những buổi mạn đàm
tay ba trở nên thừa thãi nên lần lần chấm dứt. Vĩnh chỉ còn nhiệm vụ là kèm Mỹ
học và kháo chuyện với nàng. Kháo chuyện với Mỹ độ rày rất thú vị, có lẽ nhờ
nàng chịu khó học hỏi và cải tiến nên tính nết dịu dàng nhỏ nhẹ, chớ không còn
ngổ ngáo hỗn hào như xưa. Một hôm, Mỹ bỗng chớp chớp đôi mắt nhìn Vĩnh, rồi õng
eọ :
- Vĩnh à ! Vĩnh vốn
hành hạnh nguyện Quan Aâm nên nếu ai cần người anh, người em, bè bạn hay con
cháu... thì Vĩnh cũng đóng vai anh em bè bạn con cháu của họ để lo lắng cho họ
phải hông?
- Đúng vậy !
- Hồi trước ba cần
người em nên Vĩnh hiện thân là người em chăm sóc ba, còn Mỹ cần người anh nên
Vĩnh trở thành người anh dạy dỗ Mỹ phải hông?
- Ơ ! thì Vĩnh cũng cố
gắng hết sức mình vậy thôi !
- Giả tỉ như bây giờ,
Mỹ cần một người... ơ ơ... người thương... thương Mỹ suốt đời thì sao? Vĩnh có
hiện thân làm.... ơ ơ... làm ... của Mỹ hông?
Mặt Vĩnh bừng đỏ như
gấc, chàng chỉ ú ớ : “Ơ... ơ”, rồi im bặt. Vĩnh vốn nhát gái lại bất ngờ bị Mỹ
tỏ tình táo bạo nên đành tịt ngòi. Thật ra, Vĩnh đã lờ mờ hiểu phần nào lòng dạ
Mỹ khi nàng bắt đầu thay đổi lối xưng hô mấy tháng về trước, và tự đáy lòng
chàng cũng cảm thấy rung động trước người con gái khả ái nầy. Đây là vấn đề mà
chàng đã từng đêm trăn trở suy tư, nhưng càng suy tư thì lòng càng rối ren
không tìm ra đáp số. Mỹ nhí nhảnh duyên dáng, và tuy ngang bướng với thiên hạ
nhưng rất phục tùng chàng, chàng ngầm tự hào rằng nhờ mình mà Mỹ đã thay đổi
hẳn ra, và chàng rất yêu thích sự việc nầy. Tuy nhiên, chàng lớn hơn Mỹ một con
giáp, tuổi tác, gia giáo, học thức, tính nết đều cách biệt... suy ra thì thật
khó mà chung sống hạnh phúc, huống chi chàng đã lo lắng cho người là do hạnh
nguyện Bồ Tát, nay nếu có tình ý thì té ra chàng đã hành động vì có mưu đồ sao?
Vĩnh bối rối không hiểu nỗi lòng mình, nên cứ im lặng. Chàng bỗng ngượng ngập
mất hết tự nhiên. Mỹ tránh né hỏi han trực diện chàng, nàng đánh mất vẻ liếng
thoáng thường nhật và lúc nào cũng trầm ngâm man mác buồn khiến lòng Vĩnh nao
nao thương đứt ruột. Chiến tranh lạnh mà êm ái nồng nàn nầy mà kéo dài thì e rằng
Vĩnh đành phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quá. Thế nhưng, thình lình bệnh
tình của anh Hợi bỗng trở nên nguy ngập, cả hai phải thay phiên túc trực chăm
sóc bệnh nhân thành thử chuyện đôi co tình cảm đành gác qua một bên. Trước đây,
bác sĩ tiên đoán mạng sống anh Hợi chỉ còn sáu tháng, anh chống chỏi đến tháng
thứ mười bốn mới kiệt quệ là quá may mắn rồi. Anh phải uống những liều thuốc an
thần cực mạnh để chống đỡ đau nhức, dù vậy mỗi khi tỉnh lại anh vẫn kiên trì
niệm Phật không gián đoạn. Một hôm, đang chăm chú niệm Phật bỗng anh ra dấu cho
Vĩnh đến gần, thều thào :
- Tui đang niệm Phật
mà vừa nghĩ tới hoàn cảnh côi cút của con Mỹ thì lòng chộn rộn niệm trật vuột
rồi!
- Anh có bề gì thì còn
tôi lo lắng cho cổ mà! Xin anh yên tâm niệm Phật đừng nghĩ chuyện gì khác!
- Chú lo cho nó suốt
đời được không chú? Chú Vĩnh à ! Con Mỹ “mết” chú lắm mà không biết chú có
“ưng” nó không? Nếu chú thật lòng thương nó, chú hứa với tôi một tiếng thì tui
yên bụng biết là bao?
Mạng sống anh Hợi đang
đếm từng ngày, anh cần an tâm để tập trung niệm Phật, nếu Mỹ khó ưa thì Vĩnh
còn nghi ngại, đàng nầy nàng dễ thương quá mà. Vĩnh vội vã đáp :
- Hứa ! tôi hứa chắc !
Xin ... yên tâm !
- Nhớ lo đám cưới càng
sớm càng tốt nghen Vĩnh. Không cần chờ mãn tang hay cữ kiêng gì ráo mà phải kéo
dài nhé!
- Dạ !
Mỹ đứng sau lưng chàng
tự lúc nào, nghe đối thoại trên, hớn hở “háy” chàng một cái bén ngót, rồi thủ
thỉ bên tai :
- Thật dễ... ghét! ỷ
được người ta thương nên làm bộ làm tịch. Sao không giỏi làm thinh với ông già
đi?
Sau khi phó thác cho
Vĩnh cục nợ đời, anh Hợi tiếp tục thành khẩn niệm Phật, không màn để tâm đến
bất cứ chuyện gì khác nữa. Có những lúc bị cơn đau nhức hành hạ oằn oại, nhưng
anh vẫn gắng giữ vẻ tươi vui, môi mấp máy không rời sáu chữ Di Đà. Hai tuần lễ
sau thì anh từ trần. Anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng , miệng cứ như đang
mĩm cười và có rất nhiều triệu chứng vãng sanh khiến cho người ở lại rất đổi
vui mừng.
Tang ma xong, Vĩnh lập
tức liên lạc về Việt Nam xin mẹ cho phép lập gia đình. Được mẹ chuẩn y, chàng
tức tốc tiến hành hôn lễ theo nghi thức Phật Giáo tại ngôi chùa địa phương,
trang nghiêm và giản dị, với sự hiện diện của một số ít thân hữu của chàng, bên
vợ thì chỉ có chị Năm tham dự mà thôi. Đám cưới hấp tấp có thể là đề tài hấp
dẫn cho người đời biếm nhẽ, nhưng thà vậy còn hơn chàng phải phập phòng lo lắng
cho người vợ bé bỏng thân gái một mình ngụ tại một chung cư tồi tệ nằm trong
khu vực kém an ninh.
Đúng theo kế
hoạch đã vạch sẵn, Vĩnh khuyến khích vợ bỏ nghề may để ghi danh học toàn thời
gian tại trường đại học cộng đồng North Lake, nơi có những lớp học căn bản Anh
ngữ và ngành nghề đủ loại dành cho những người lớn tuổi học vấn dở dang. Chàng
dự trù, sau ba năm chuyên cần học hành, nàng sẽ có trình độ hiểu biết khá, hội
nhập dễ dàng với đời sống xứ người, thì mới nghĩ đến chuyện tìm công ăn việc
làm. Mặt khác, chàng cũng đưa nàng đến chùa sinh hoạt, hi vọng nàng sẽ trở nên
một Phật tử thuần thành biết tu tâm dưỡng tánh và hộ trì tam bảo. Sau mấy tháng
trăng mật thuận vợ thuận chồng chan hòa hạnh phúc, Vĩnh bỗng khám phá ra rằng
kế hoạch “dạy vợ” của chàng có những điểm trục trặc to lớn. Đúng ra, về phương
diện “học làm sang” : giao tế, chưng diện, nói năng tiếng người và tiếng Việt...
thì Mỹ tiến bộ vượt bực. Chỉ cần một thời gian ngắn thì những nét quê mùa thiếu
học biến dạng, nàng tạo được vẻù bề ngoài nhã nhặn, khả ái, lịch thiệp, mộ
đạo... khiến kẻ bàng quan ai cũng nức lòng khen ngợi. Ai chẳng cho rằng Vĩnh có
đại diễm phúc được cô vợ trẻ đẹp và ngoan, ngờ đâu chàng đã phải nuốt cay ngậm
đắng dai dẳng vì nàng. Nguyên nàng bị đẩy ra cuộc đời quá sớm, tự mình phải
chống chỏi phấn đấu để sống còn, nên lòng dạ nàng dường như bị biến dạng sứt mẻ
bởi những vết thương rướm máu từ thuở ấu thời. Nàng giống như một trái xoài non
choẹt mà bị hái đem “dú ép”, bề ngoài láng mướt vàng hực hấp dẫn, mà bên trong
thì chua lét xẵng lè. Vĩnh có ước nguyện hành Bồ Tát hạnh, nên tuy làm việc
lương bổng khá, mà vẫn giữ nếp sống giản dị đạm bạc, để dành tiền giúp đỡ mọi
người không kể thân sơ. Thế nhưng, tính Mỹ lại quá sức cần kiệm, nàng đã trải
qua quãng đời thơ ấu nhọc nhằn, lúc nào cũng thiếu thốn, nên ôm chặt túi tiền,
chẳng để rơi rớt đồng nào. Thế rồi, bằng cách nầy hay cách khác nàng kiểm
soát tiền bạc cẩn thận chẳng để Vĩnh tự do chi dụng nữa. Lần hồi, ngay như
chuyện gởi tiền cho mẹ một ít Vĩnh đã gặp khó khăn, đôi khi còn phải gánh chịu
giận hờn nặng nhẹ, thì làm sao chàng có thể mang tiền ra bố thí cho người dưng
kẻ lạ như ngày xưa nữa. Nàng dễ giận dễ hờn, thù ghét ai thì dai dẳng không
nguôi. Mỗi lần nhắc đến má nuôi và ba chị lớn, lửa hờn của nàng bừng lên hừng
hực tưởng như nếu nàng được bầm nát xác họ ra thì mới hả. Nết giận đã ghê gớm
mà nết ghen tuông cũng ngoại hạng nữa. Không những nàng chỉ ghen với đám đàn bà
con gái trong lứa tuổi người đàn ông có thể lén phén, mà nàng còn ganh tị luôn
với thân nhân bè bạn của chàng không chừa một ai. Nói khác nàng muốn tất cả
tình cảm của chàng phải dành trọn cho nàng, không chia xẻ chút xíu nào cho người
khác, dù đó là đối tượng mà chàng phải xử sự vì bổn phận hay vì thương hại.
Nàng rất mực yêu thương chồng, nhưng khi đã nổi cơn ghen thì hỗn hào bất chấp
lẽ phải, thành thử chàng đành giảm bớt giao du để tránh cảnh gia đình xào xáo.
Lầm lẫn lớn của Vĩnh là tuy trước kia vẫn biết bẩm tính xấu xa của nàng, nhưng
lúc đó, nàng ngoan ngoản quá, chàng nói điều gì nàng cũng nhứt nhứt nghe theo
nên tưởng nàng dễ uốn nắn lắm. Chừng rước nàng về rồi thì “Bụt trong nhà không
thiêng”, nàng lại chủ trương vợ chồng ngang hàng nhau đủ mọi khía cạnh kể cả sự
hiểu biết nên nếu chàng ra vẻ khuyên bảo thì chẳng những nàng không nghe mà có
khi còn làm nghịch lại nữa. Vì lẽ đó, Vĩnh không bao giờ bàn chuyện đạo với vợ.
Mỗi người tùy nghi chọn nếp sống tâm linh phù hợp với mình. Chàng cố gắng ăn ở
sao cho dạt dào tình nghĩa mà vẫn tròn đạo hạnh, rồi ngày ngày chỉ biết chí
thành lễ Phật sám hối cầu Phật từ gia hộ cho nàng. Mặt khác, chàng thường xuyên
chọn những băng thuyết giảng giá trị của quí thầy chăm chỉ nghe với hi vọng
những lời dạy đạo đó vô tình lọt vào tai nàng, may ra nàng sẽ lưu tâm đến
chuyện tội phước nghiệp báo mà chuyển hóa phần nào chăng? Biết nàng tin
tưởng Quán Aâm, Vĩnh thường ca ngợi hạnh cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát để ngầm
nhắc nhở nàng mở rộng lòng thương. Nàng mà bố thí chút đỉnh dù là với mục đích
phô trương đạo đức, Vĩnh cũng trầm trồ tán thán mong nàng hứng chí bố thí
thường xuyên hơn nữa. Thời gian đầu, nàng lập lại những lời thuyết pháp, nói
chuyện tu hành rất thông suốt nhưng dường như tham sân tị hiềm chẳng mấy thay
đổi. Mấy năm sau, bỗng dưng dấu hiệu chuyển biến tâm tư của nàng xuất hiện. Có
lẽ, sau khi ra trường, làm cán sự kiểm lượng cho công ty điện tử, lương chồng
lương vợ dồi dào, nhà cửa khang trang, tiền bạc thừa thãi nên lòng nàng cũng rộng
rãi ra. Khúc quanh thay đổi tâm tính của nàng, đúng ra chỉ thật sự bắt đầu sau
chuyến về thăm quê hương. Vĩnh đưa vợ về thăm mẹ, đồng thời cũng để liên lạc
với một số người tự nhận biết những tin tức liên quan đến gia đình Mỹ. Chàng đã
nhờ thân nhân trong nước đăng báo và rải truyền đơn hậu tạ cho ai cung cấp manh
mối về thân nhân của một đứa bé bị thất lạc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vào ngày 30
tháng tư năm 1975. Để tránh trường hợp đoán mò, Mỹ lánh mặt, chỉ để một mình
Vĩnh tiếp xúc cả năm người đưa tin : ba người cho biết đứa bé là trai, người
thứ tư mô tả cô bé khác màu da, người cuối cùng chỉ đúng màu da nhưng nói rằng
đứa bé còn nằm nôi. Thất vọng, Mỹ đành quay về dĩ vãng bằng cách đưa chồng về
thăm xóm cũ tại đường hẻm đường Lạc Long Quân, quận 11. Thím Bảy cà phê và vài
gia đình láng giềng vẫn còn sống lây lất ở đó. Họ tíu tít vây quanh Mỹ, trầm
trồ ca ngợi nàng, khiến nàng hả hê mở bét hồ bao không tiếc rẻ. Vĩnh gạ gẫm đưa
vợ đi viếng thăm cô nhi viện và Trung Tâm Khuyết Thị. Tại đây, Mỹ có dịp quan sát
được hành hoạt của những vị Bồ Tát vô danh âm thầm dâng hiến cả cuộc đời mình
hàn gắn vết thương đau cho đồng loại. Tại đây, nàng cũng thấy nghe hoàn cảnh cơ
cực của những đứa bé mồ côi bệnh hoạn, tật nguyền, trì độn... đang thoi thóp
sống, những kẻ đui mù mò mẫm mà vẫn hồn nhiên lao động vui tươi. Và lần đầu
tiên trên đời, trái tim chai đá của Mỹ bỗng xúc động thực sự. Nàng hốt nhiên
phát nguyện học hạnh Quán Thế Aâm Bồ Tát, lắng nghe tiếng kêu thương của thế
gian để hết lòng cứu khổ. Từ dạo đó, Mỹ bền bĩ phát triển lòng từ bi. Lúc đầu,
mỗi khi hành hạnh nguyện nầy nàng còn suy tính so đo, nhưng càng bố thí nàng
càng cảm thấy có niềm vui đạo vị mênh mang tràn ngập, nên nàng cứ tiếp tục mãi
và lần lần trở nên thuần thục tự nhiên không cần phải gượng ép cố gắng nữa. Một
khi tình thương đã mở rộng thì những tính tốt khác cũng tiến bộ lần, ngoại trừ
lòng thù ghét của nàng đối với má nuôi thì vẫn bám chặt không nguôi. Một hôm
Vĩnh nhận được hai cặp chữ dùng làm đề tài tu tập là : “Lắng nghe” và “Nhìn
lại”. Chữ viết là bút tích của thầy Nhất Hạnh, hằng năm thầy vẫn đưa ra
đề tài mới, vàø Làng Hồng gởi đi khắp nơi cho Phật tử để tùy nghi. Thông thường
Vĩnh cất giữ các bộ chữ nầy trong tủ sách để thỉnh thoảng đem ra suy gẫm. Lần
nầy chàng đóng khung cẩn thận treo trên tường rồi cứ ngắm nghía mãi. Ngạc nhiên
trước thái độ long trọng của chàng, Mỹ thắc mắc :
- Bộ chữ nầy có điểm
gì đặc biệt mà coi bộ anh trân quí hơn các bộ chữ năm trước?
- “Lắng Nghe” tượng
trưng cho hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Aâm : lắng nghe tiếng kêu thương của
thế gian để mà cứu khổ. Em đã hành hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn rất tích cực nên
anh treo thông điệp nầy lên làm món quà quí để ca ngợi em.
Nghe chồng tán tỉnh,
Mỹ thích chí cười lỏn lẻn, rồi hỏi tiếp :
- Cặp chữ nầy thì em
hiểu được, còn cặp chữ “Nhìn lại” theo em thì nó có vẻ mâu thuẩn sao đó! Anh
nghĩ coi, quí thầy dạy mình phải giữ chánh niệm, phải sống trong hiện tại,
không thả tâm dun rủi tương lai, không đem tâm đào xới lại quá khứ, vậy thì
nhìn lại có còn hợp lý không?
- Nhìn lại có nghĩa là
nhìn lại con người thực của mình, quán sát từng động niệm của tâm mình để biết
tâm có đắm nhiễm tham sân si không, nói khác, nhìn lại để biết lỗi mình đã gây
ra mà sám hối sửa đổi. Cũøng là nhìn lại, nhưng nếu đào bới quá khứ để tham sân
si sinh khởi thì sai lầm vì nó chỉ tạo cho ta phiền não chớ chẳng ích lợi gì.
Ngược lại, nếu ta thành khẩn nhìn lại hầu thấy rõ được lỗi mình để sám hối sửa
đổi và thấy được cái tốt của người để tùy hỉ tán thán, thì điều đó chính là
hành hạnh nguyện thứ tư và thứ năm của Bồ Tát Phổ Hiền. Anh có kinh nghiệm cá
nhân như thế nầy : Hồi nhỏ má gởi anh lên Saigon ở nhà cậu ba đi học, cậu
thương chị nên cho ăn ở miễn phí. Điều đó khiến mợ ba không mấy bằng lòng, mợ
thường khe khắc rầy rà anh, còn anh vốn đã ghét mợ nên cũng lời qua tiếng lại
chẳng mấy nể nang. Một hôm mợ ba to nhỏ thế nào mà cậu nổi giận la rầy anh. Anh
nghĩ mình oan ức nên cũng ong óng trả lời, khiến cậu bực tức đuổi anh đi, từ
đó, anh rất oán hận mợ. Mãi đến khi anh may mắn học hỏi Phật Pháp, anh lại có
duyên với hạnh nguyện Phổ Hiền nên hằng quán sát lại mình để sám hối lỗi lầm,
đồng thời, tập thấy được công đức của người để tùy hỉ tán thán. Nhờ vậy, khi
nhìn lại câu chuyện ngày xưa thì anh lại có những nhận định khác hẳn. Trước hết
anh nhận thấy mợ ba đã nuôi anh ăn học, đã phải chịu đựng cái tuổi thiếu niên
kỳ cục của anh cả năm trời là quá tốt, anh lại khám phá ra rằng anh có thói xấu
là ăn nói với người lớn bừa bãi, rồi anh lại nghĩ anh phải xa cha mẹ sớm, chịu
đựng vất vả có lẽ vì kiếp trước vụn tu, có thể trong kiếp trước anh đã từng gây
cảnh mẹ con chia lìa nên cần phải sám hối lỗi lầm. Do sự “nhìn lại” nầy anh
biết thương yêu kính trọng mợ Ba, anh dè dặt lời nói, anh thông cảm với tuổi
thiếu niên kỳ cục, anh lo lắng đùm bọc cho những đứa trẻ xa cha xa mẹ. Anh tu
tập có chút đỉnh kết quả nhờ là biết “nhìn lại” nên rất trân quí thông điệp Phổ
Hiền Bồ Tát hạnh nầy.
Chừng hai tuần sau,
bỗng dưng Mỹ lên tiếng rủ rê :
- Anh à ! Bữa nay anh
đưa em về thăm má một chút nhé !
Vĩnh giả vờ ngạc
nhiên, nửa đùa nửa thật vặn hỏi :
- Uả ! em nói gì sao
anh nghe lùng bùng lỗ tai quá vậy? Em cao hứng nói giỡn chơi với anh phải
không?
- Em không giỡn mà
cũng không cao hứng bất tử đâu ! Em nghĩ suy cặn kẽ rồi anh à ! Trong hoàn cảnh
sống khó khăn ngày đó, má vẫn chịu đùm bọc em, dù bả có khe khắc một chút thì
cũng quí báu lắm rồi. Nếu em ở vào trường hợp của bả, thì với tánh nết ngang
ngược của em, thế nào em cũng tống cổ đứa nhỏ ra khỏi cửa, anh không dễ dầu gì
ngăn cản nỗi đâu. Em mà có được như ngày nay là nhờ ơn của bả, thế mà em
cứ ôm ấp hiểu lầm xưa rồi gây hấn với bả hoài nên càng tạo thêm lỗi lầm. Em lại
nghĩ kiếp trước chắc em tạo nghiệp chướng nặng nề nên kiếp nầy phải lạc mẹ lạc
cha, nếu nay em không phát lồ sám hối mà cứ tiếp tục đối xử tệ bạc với người mẹ
nuôi thì nghiệp ác lại chất chồng thêm mãi... e rằng từ kiếp nầy qua kiếp
khác em cứ phải chịu cảnh côi cút dài dài mà thôi.
- Đưa em đi thăm thì
anh rất sẵn sàng, nhưng chỉ ngại mình đến thình lình như vầy, liệu có ai mở cửa
cho em vô không?
- Anh yên chí lớn đi !
Em đã có tay trong rồi !
Vĩnh biết tay trong đó
không ai khác hơn là chị Năm. Nguyên chị và Mỹ tuổi tác suýt soát nhau, thuở ấu
thơ hai chị em đã học chung, chơi đùa chung... nên dù Mỹ có gay cấn với người
khác, hai chị em vẫn giữ tình thân thiết và thường liên lạc với nhau. Mỹ vừa có
việc làm tốt đã vội cạy cục lo cho chị được nghề thợ lương bổng khá tại khâu
lắp ráp máy, cùng chung hãng điện tử. Có lẽ, Mỹ đã hội ý trước với chị để có
đồng minh rồi, nên mới hăng hái như vậy. Đúng theo dự tính, khi Vĩnh lái xe vào
chung cư, vừa đậu xe lại thì chị Năm đã lấp ló ở cửa, sẵn sàng mời vào nhà. Bà
già đang ngồi xem truyền hình, vừa thấy Mỹ bước vào liền quay mặt chỗ khác, lật
bật nhỏm dậy định vào phòng trong. Chị Năm nắm tay bà kéo lại, kỳ kèo :
- Hai em lại thăm má
mà, má bỏ đi đâu vậy?
Bà già có lẽ cũng nhớ
rằng Mỹ là người tìm công ăn việc làm cho cô con gái út nên vị tình con phải
buộc lòng ngồi xuống, tuy vậy, bà vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng như cũ. Mỹ thưa hỏi
đon đả :
- Thưa má ! lâu quá
con mới về thăm má ! má khoẻ không má !
- Hừ !
- Má à ! Đàn bà ở nước
nầy khi lớn tuổi thường uống vi-ta-minh và chất vôi, nếu không dễ sanh bịnh
hoạn nguy hiểm lắm. Con có mang hai chai thuốc nầy để cho má uống nè ! má nhớ
uống mỗi ngày nha ! Còn đây là cái áo ấm, màu sắc tươi mà không hoa hòe má mặc
chắc hợp lắm, con lựa suốt cả ngày mới được đó...
- Ai cần?
- Má à ! hồi trước con
còn nhỏ dại không biết suy nghĩ nên giận hờn nói điều không phải với má ! Má
đừng giận đừng buồn con nữa nghen ! Lúc nào con cũng nhớ công ơn ba má đùm bọc
con mà ! Nếu không có ba má, con đã chết bờ chết bụi chớ đâu còn sống đến ngày
nay.
Mặc cho Mỹ nài nĩ, bà
già vẫn dửng dưng như không để ýù gì đến sự hiện diện của vợ chồng Vĩnh. Mỹ
không nãn lòng, nàng vòng vo kể lể :
- Gần sở con có trường
mẫu giáo, mỗi lần thấy mấy đứa nhỏ lăng xăng ôm tập đi học con nhớ ngày
đầu tiên con đi theo chị Năm vào trường quá xá. Bữa đó con bị nhỏ Loan chọc
ghẹo kêu con là đồ Mỹ lai. Con giận quá cào mặt nó. Nhỏ Loan tán con mấy tát
tay xiểng niểng, đau quá con khóc sướt mướt. Về nhà má thấy mắt con đỏ hoe nên
tra hỏi, rồi má dẫn con đến nhà nhỏ Loan mắng vốn. Má xài xể ba má nó một trận
tơi bời về tội không biết dạy con. Vụ nầy con khoái quá nhớ hoài, không biết má
còn nhớ không?
Trận chửi bới đã đời
đó là chiến thắng oanh liệt của bà thì làm sao bà quên được, nó lại phản ảnh y
chang tánh nết bà : Bà đánh Mỹ mềm xương thì được, chớ ai mà động chạm tới Mỹ
thì biết tay bà. Thấy bà lộ vẻ hài lòng, Mỹ tiếp tục khai thác chuyện xưa tích
cũ :
- Má biết hông, hồi
tháng trước con làm vườn bị dằm xóc vào tay đau điếng. Con nhờ anh Vĩnh lể lấy
ra mà anh lể trật vuột hoài đau muốn chết luôn vậy đó. Vụ nầy nhắc con nhớ lại
hồi con học lớp hai đó, con chơi đánh đũa bị xóc dằm khóc thút thít. Má chặm
nước mắt cho con, rồi lể dằm cho con gọn hơ à !... Tự nhiên, lúc đó con nhớ má
quá! con muốn về thăm má tức thời hà !..
Thật không ngờ câu
chuyện lể dằm nhỏ nhặt nầy lại khiến bà già động lòng, bà cười mĩm, mắt chớp
chớp, rồi ấm áp cất tiếng : “Mầy nhớ sao không về liền !”, rồi bỗng nhiên
bà lạc giọng mếu máo : “Mấy năm nay tao cũng nhớ mầy lắm mà mầy đi biền
biệt, đâu thèm về thăm tao?”. Bà đứng bật dậy, đến sát bên Mỹø ngắm nghía, sờ
tay nắn chưn nàng như săm soi lại một kỹ vật xưa, rồi hỉ hả nói : “Chèn ơi !
hồi nào mầy có chút xị hà ! Giờ thì mầy lớn xộn, mầy lịch sự quá hén !”
Sau chuyến viếng thăm
hòa giải, Mỹ tiếp tục săn sóc bà, đưa bà đi mua sắm, đi pic-nic, đi ăn uống...
nên hiềm khích ngày xưa hầu như biến dạng hoàn toàn. Thật ra, lúc đầu Mỹ gượng
gạo ngọt ngào với má nuôi chỉ vì muốn “sám hối nghiệp chướng” mà thôi. Thế
nhưng khi được Mỹ đối xử tốt thì bà già cũng đáp lại bằng tất cả chân tình,
thành thử hai người ngày càng chu đáo lo lắng cho nhau, rồi lần lần thương nhau
như ruột thịt. Mỹ thường thích thú thỏ thẻ với chồng : “Bây giờ thì em cũng có
mẹ như người ta rồi! trong tình mẹ em khám phá được cả kho tàng hạnh phúc anh à
!” Kho tàng đó Mỹ cứ tận hưởng dài dài không bao giờ chấm dứt. Chỉ đến năm sau
nàng sanh được đứa con trai đầu lòng thì đã có bà thương yêu sớm hôm lo lắng
cho cả hai mẹ con. Mỹ bắt đầu đi làm trở lại thì đã có bà giữ cháu, bà tưng tiu
bồng bế hun hít suốt ngày mà vẫn chưa đủ. Vào những ngày cuối tuần, bà còn réo
Mỹ mang con tới cho bà nựng nịu, kẻo một ngày không thấy mặt thì bà nhớ chịu
không nỗi. Mặc dầu đã tìm thấy tình thương ấm êm nơi bà mẹ nuôi nhưng lòng
thương tưởng đối với gia đình huyết thống vẫn dằng dặc dầy dò nàng. Nàng thường
than : “Em đi làm chỉ xa con mấy giờ đồng hồ mà đã nhớ thương lồng lộng, từ đó
suy ra mới thấu rõ tâm trạng của người mẹ mất con : cả đời phải sầu khổ triền
miên ray rứt bất an. Tội nghiệp bà quá!” Dầu chuyện tìm mẹ vô vọng như mò kim
đáy bể, nhưng Mỹ vẫn tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Aâm sẽ gia ơn cho nàng. Nàng tha
thiết ao ước có dịp đảnh lễ và dâng trọn tấm chân tình mình lên vị Bồ Tát cứu
khổ cứu nạn ngay tại thánh địa Phổ Đà sơn. Do đó, khi nghe có chuyến hành hương
bốn thánh địa Trung Quốc do chùa Khánh Anh tổ chức, chẳng chút đắn đo, hai vợ
chồng giao con cho bà ngoại nuôi lo lắng, rồi yên tâm ra đi.
Tám năm dài trôi nhanh
như giấc mộng, tình nghĩa vợ chồng mặn nồng mà có lúc cũng đắng cay, đôi phen
chàng tưởng chừng như phải bỏ cuộc, nhưng cuối cùng thì những cơn sóng gió đã
qua. Mỹ thay đổi thật nhiều, ngày nay nàng dễ thương như con nai vàng ngơ ngác.
Dễ thương được lúc nào hay lúc nấy, Vĩnh luôn dặn lòng là phải đề cao cảnh
giác, vì con nai nầy bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành con sư tử cái xé xác
chàng như chơi! Mỹ ngoẻo đầu dựa vai chồng ngủ ngon lành ngay từ khi biển động,
nàng tin tưởng tuyệt đối vào Đức Quán Thế Aâm nên giông bảo thế nào cũng chẳng
mảy may lo sợ.Vừa thức giấc, Mỹ liền kề tai chồng thỏ thẻ :
- Em chiêm bao thấy
Phật bà anh ơi! Bà đứng trên mây, chung quanh có bầy rồng chầu, ở dưới là biển
khơi sóng chập chùng, bà đưa bàn tay lên thì sóng gió lặng yên liền, hình ảnh
sống động như thật vậy đó!
- Ơ! đâu có gì lạ
lùng! hai tuần qua, ngày nào em cũng chân thành lễ bái tưởng nhớ đến Ngài nên
trong chiêm bao hình ảnh Ngài hiện ra vậy thôi.
- Em đang nghĩ đến
chuyện linh ứng mà anh bàn ăn trớt gì đâu không hà ! Anh không thấy biển đã
lặng yên rồi sao?
Thật ra thì thời tiết
vẫn còn xấu, sóng giảm bớt lần vì tàu đã tiến vào địa điểm khuất gió nằm giữa
quần đảo Chu Sơn. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn tin tưởng vào sự linh ứng thì cũng
tốt, Vĩnh không tranh cãi làm chi. Chàng nói lảng qua chuyện khác :
- Xem kìa ! dường như
Phổ Đà sơn đã lộ dạng trước mắt! Đảo xanh tươi đẹp quá em hả?
- Mau quá há! Kể ra,
mình hành hương như vầy dù gặp sóng gió chút đỉnh cũng sung sướng tột bực nếu
so với nỗi gian khổ của người xưa, ngồi ghe buồm chồng chành cả mấy ngày trên
biển khơi đầy dẫy hiểm nghèo mới đến được thánh địa. Lòng thành của họ thật
đáng phục anh hả!
- Đúng vậy ! điểm quý
là ở lòng thành. Có lòng thành thì ở chốn nào cũng cảm ứng với Bồ Tát, còn kẻ
thiếu lòng thành thì dầu suốt đời cư ngụ tại thánh địa cũng xa Ngài.
- Còn như đã có lòng
thành, có niềm tin mà còn có duyên chiêm bái thánh địa như chúng mình, thì sung
sướng quá phải không anh?
Trong niềm sung sướng
vô biên đó, vợ chồng Vĩnh hớn hở theo phái đoàn xuống tàu sẵn sàng đi chiêm
bái. Sau chuyến hành trình gay go, nhiều vị lớn tuổi vẫn còn nhọc mệt rã rời,
nên chương trình buổi chiều phải tạm đình hoản. Thật ra, Mỹ cũng không khỏe
lắm, nhưng tâm tình nàng tương tợ như đứa con đi về tới thôn xóm mà chưa đặt
chân vào ngôi nhà thân yêu ôm chầm lấy mẹ thì nôn nóng chẳng yên. Do đó, nghỉ
ngơi chừng một giờ nàng đã nhỏm dậy đòi “xé lẻ” viếng chùa Phổ Tế. Đây là ngôi
đại tự xây dựng tiên khởi và lớn nhất tại Phổ Đà, nằm dưới chân núi Linh Thứu,
cạnh khách sạn và trên đường ra phố nên rất thuận tiện cho việc chiêm bái.
Trước chùa là ao phóng sinh Hải Aán, ao rộng lớn lác đác những đóa sen hồng,
vớiù chiếc cầu dài xinh xắn đưa ra ngôi nhà thủy tạ thơ mộng. Ngôi chùa cổ kính
vừa nguy nga vừa vĩ đại, mái ngói nhiều tầng màu xanh hoặc vàng rực rỡ, kèo cột
chạm trổ tinh vi và có rất nhiều điện, nhiều khu phòng. Hai vợ chồng tuần tự
chiêm ngưỡng lễ bái từng điện một, bắt đầu từ điện Thiên Vương đến các
viện Viên Thông, Văn Thù, Phổ Hiền, Già Lam, tổ sư..., sau đó, mới tung tăng
quay trở lại điện Viên Thông. Các ngôi điện tại chùa Trung Quốc nói chung tuy
rộng, nhưng lại tôn trí tượng thật lớn ở giữa nên phạm vi lễ bái bị thu hẹp,
thường chỉ vừa đủ cho chừng vài mươi người tham dự mà thôi. Điểm bất tiện khác
là Phật tử Trung Hoa được “cưng chiều” cho lễ Phật trên cái bục êm ái sạch sẽ.
Bục chiếm nhiều chỗ trống, vừa chật chội vừa gây phiền toái cho nhóm Phật tử
Việt Nam, vốn chuộng lối lễ bái gieo cả năm vóc sát đất, đầu mặt tay chân dơ
bẩn, nhưng cảm thấy tha thiết chân thành hơn. Điện Viên Thông nổi tiếng là rộng
không ước lường, bởi theo truyền thuyết điện có công năng co giãn thần bí tương
tợ như ngôi nhà của Ngài Duy Ma, vì vậy cả ngàn người lui tới kinh hành đảnh lễ
mà vẫn không thấy chật hẹp. Dĩ nhiên là Vĩnh không thể chứng nghiệm được sự
huyền bí nầy vì đã đến chùa trong lúc vắng vẻ. Điện Viên Thông thờ Bồ Tát Quán
Aâm, tượng chính rất hùng vĩ cao 8 thước 8, ngoài ra, còn có 32 tượng nhỏ đường
nét sống động mô tả 32 hình tướng biến hiện của Ngài thiết trí dọc theo vách
hai bên. Mấy tuần qua, viếng chùa nào cũng thấy có điện thờ Quan Aâm, nhưng giờ
giấc ngắn ngủi, đông người mà phạm vi lễ bái nhỏ hẹp, nên chưa lúc nào Mỹ được
thư thả chiêm bái vị Bồ Tát mà nàng hằng kính ngưỡng. Giờ đây, trong ngôi điện
tôn nghiêm thanh vắng tại thánh địa thiêng liêng nầy, nàng mới có diễm phúc tự
do tự tại chiêm bái. Nàng chắp tay ngắm nhìn, tha thiết dâng trọn tấm lòng chân
thành lên Ngài, rồi long trọng quì xuống khấn nguyện : “Kính lạy Bồ Tát Quan
Thế Aâm. Con xin học hạnh nguyện của Ngài, lắng lòng nghe tiếng kêu thương của
chúng sanh để mà cứu khổ. Xin Bồ Tát ban cho con sức dũng mãnh để con có thể
hoàn thành tâm nguyện của mình trong kiếp nầy và mãi mãi về sau. Con cũng xin
Bồ Tát rũ lòng thương xót cho mẹ con con đoàn tựu. Mẹ con đã chịu nỗi khổ
mất con giày vò bao ngày, chắc đã tàn tạ xơ xác lắm rồi. Xin Bồ Tát dun rủi cho
con gặp lại bà, chăm sóc bà hầu cho chuỗi ngày còn lại của bà đỡ hẩm hiu. Xin
Bồ Tát chứng giám lòng thành của con! Xin Bồ Tát gia bị cho con!” Sau phần khấn
nguyện, nàng thong thả xướng 12 hạnh nguyện của Ngài để lễ lạy. Hết đợt
nầy đến đợt khác, nàng chân thành chiêm ngưỡng lễ bái không ngừng nghỉ. Dầu
vậy, khi đến giờ phải về khách sạn, nàng vẫn bịn rịn chẳng muốn rời bước. Trong
niềm an vui ngập tràn, nàng thỏ thẻ với chồng :
- Theo lý thì chân
thành lễ Quán Âm ở chốn nào cũng giá trị như nhau, nhưng có lẽ khung cảnh ở đây
thiêng liêng quá, nên khi lễ lạy em cảm thấy lòng mình rung động sâu xa khác
thường, anh à!
- Anh cũng cảm nhận
được niềm vui thơi thới em ạ!
Sáng hôm sau, vợ chồng
theo phái đoàn viếng Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ (nghĩa là Quan Aâm không chịu
đi), xây trên ghềnh đá sát bờ biển. Đây là nơi mà sư Huệ Ngạc, người xứ Phù
Tang đã tiên khởi kết am cỏ tôn trí tượng Quan Âm tu hành. Theo truyền thuyết,
vào khoảng hơn một ngàn năm về trước nhà sư Huệ Ngạc, thỉnh pho tượng
Quan Aâm từ Ngũ Đài sơn dự định mang về nước bằng đường biển. Thuyền rời Ninh
Ba đến quần đảo Chu Sơn thì bị vướng phải đá san hô hình dáng như hoa sen vĩ
đại chận lại không nhúc nhích chi được. Sư Huệ Ngạc bèn khấn nguyện rằng nếu sư
không đủ duyên để thỉnh pho tượng Quan Âm về Phù Tang, xin xui khiến đưa thuyền
trôi đến nơi nào thì sư sẽ ở đó tu hành trọn kiếp. Sáng hôm sau thuyền trôi tấp
ngay địa điểm nầy, nên sư liền dừng lại đây. Lúc đầu, thỉnh thoảng có vài ngư
dân vô tình đến chiêm bái, họ cảm nhận sự linh ứng của Bồ Tát cũng như hâm mộ
đức hạnh của sư Huệ Ngạc, nên loan truyền ra. Thế rồi, Phật tử xa gần
nghe tiếng tấp nập tìm đến hành hương, họ cũng chứng nghiệm được sự cảm ứng
nhiệm mầu nên đua nhau ca tụng. Từ đó, người ta tôn xưng hòn đảo vô danh là đạo
tràng của Bồ Tát Quan Âm, và gọi tên đảo là Phổ Đà Lạc Gia. Tại đây, nhìn ra
khơi khách hành hương còn có thể chiêm ngưỡng hòøn đảo hình dáng như pho tượng
nằm ngửa nhìn lên trời, sắc diện rất từ bi, mà ngư dân cho rằng Bồ Tát đã hiển
linh nằm trấn giữ để ngăn cản bão tố xâm phạm dảo. Tiếp tục chương trình, phái đoàn
chiêm bái Quan Âm Khiêu(2), nơi mà người ta tin tưởng rằng Bồ Tát đã đặt bước
chân trên tảng đá, nhảy một bước vào đất liền, dấu vết chân to lớn lún xuống
vẫn còn, rồi đến động Phạm Âm Hải Triều Âm(3) lắng nghe tiếng sóng gầm thét và
tùy theo niềm tin và trí tưởng tượng của mình để khám phá ra nhiều hình dạng Bồ
Tát ẩn hiện trên vách đá lồi lõm của động. Kế đó, phái đoàn chiêm bái đài
Quan Âm Nam Hải lộ thiên. Đây là công trình tân tạo nguy nga vĩ đại vừa hoàn
thành. Tượng Quan Aâm bằng đồng cao 33 thước đứng trên nóc toà nhà rộng đủ sức
chứa cả ngàn người kinh hành lễ bái. Tầng dưới bên ngoài có bốn vị Thiên Vương
Hộ Pháp hùng vĩ, bên trong là tòa sảnh đường trang trí vô số công trình chạm
trổ và điêu khắc công phu, vừa là chỗ tôn trí mười ngàn tượng nhỏ đủ mọi hình
dáng. Công trình kiến trúc ở đây sắc sảo, mỹ thuật, và rất sang trọng nhưng khi
chiêm bái, Vĩnh cảm thấy lòng mình không rung động chân thành như những nơi
khác, có lẽ, địa điểm nầy mới mẻ quá chưa kết tụ được tâm tha thiết thanh tịnh
của nhiều thế hệ Phật tử hành hương như những nơi xưa cũ chăng.
Buổi chiều, phái đoàn
chiêm bái chùa Pháp Vũ, ngôi chùa ẩn trong rặïng cây cổ ngân hạnh và tùng bá
thâm u tịch mịch. Kiến trúc chùa mang sắc thái đặc biệt, các điện nối tiếp nhau
từ thấp đến cao, cứ mỗi tầng là một điện, hai bên điện có những phòng ốc pháp
đường, tầng cao nhất là tàng kinh các tức lầu kinh, nơi mà ngày xưa tổ thứ 13
của Tịnh Độ tông, Ngài Aán Quang đã ẩn tu hơn ba mươi năm trời. Ngày nay những
kỹ vật của đại sư : phòng ngủ, giường chiếu, y áo của ngài vẫn còn giữ nguyên
tại đó cho Phật tử chiêm bái. Cơ sở nổi bật nhất là điện Quan Aâm Cửu Long với
tượng Bồ Tát, dáng người nữ đứng trên tòa sen, chung quanh có chín con rồng uốn
khúc, điểm đặc biệt là nhờ kỷ thuật đặt 2 tấm kiếng to xéo phía trước, nên
khách hành hương dầu đứng hai bên hông vẫn thấy rõ như tượng đặt trước mặt
mình. Danh từ Cửu Long rất quen thuộc với người Việt, mà pho tượng Quan Âm tại
đây tương đối có nét gần gũi với mỹ thuật Quan Aâm Việt Nam - Đặc trưng của
Quan Aâm Việt Nam là tượng toàn trắng, tha thướt đầy nữ tánh, nên Quan Âm Việt
Nam thể hiện rất rõ rệt đức từ bi diệu hiền của bà mẹ -. Do đó, càng chiêm
ngưỡng Vĩnh càng thấy lòng mình rung động khác thường. Nhìn sang Mỹ, Vĩnh thấy
nàng đang ở trong trạng thái cực kỳ thương cảm, nàng hân hoan sung sướng mà
nước mắt chảy ròng ròng như trẻ thơ khóc mẹ. Mỹ nói nhỏ đủ cho chồng nghe : “Kỳ
diệu quá anh ơi ! Pho tượng Phật bà và cả 9 con rồng ở đây rõ ràng là hình ảnh
mà em đã từng thấy trong giấc mộng ngày qua!”. Mỹ quyến luyến không muốn rời
bước, nhưng cuối cùng cũng đành hấp tấp theo phái đoàn tiếp tục chiêm bái các
tầng trên. Theo chương trình, sau khi rời Pháp Vũ phái đoàn sẽ viếng Phổ Tế,
ngôi đại tự mà vợ chồng Vĩnh đã dành rất nhiều thời giờ chiêm bái rồi. Do đó,
Vĩnh xin phái đoàn cho phép sẽ về khách sạn sau bằng phương tiện tự túc, hầu có
thể ở lại, dành nhiều thời giờ chiêm bái điện Quan Âm Cửu Long. Tương tợ
như ngày hôm qua tại điện Viên Thông, hai vợ chồng Vĩnh khấn nguyện, xướng danh
hiệu Bồ Tát và chân thành lễ bái liên tục. Hai người chỉ tạm ngừng và bước ra
ngoài điện để nhường chỗ khi có đoàn Phật tử khác tràn đến. Trong khi lơ đãng
nhìn quanh, Vĩnh bỗng chú ý đến một người đàn bà đứng tuổi, gầy còm, lưng hơi
tôm, phục sức sang trọïng, nhưng vẻ mặt u ám thảm sầu vừa lầm lũi bước tới. Bà
trang nghiêm thành khẩn thắp nguyên bó nhang xá bốn phương cất lời khấn nguyện.
Bà khấn vái hay ngâm nga tán thán Vĩnh không hiểu được, nhưng giọng bà tha
thiết lạ lùng, nó chuyên chở sức truyền cảm mãnh liệt, nên dù không hiểu bà
đang bộc bạch điều gì với Bồ Tát mà lòng chàng vẫn xốn xang thương cảm. Mỹ cũng
bị thu hút bởi lời khấn đó, nàng chăm chăm nhìn bà không chớp mắt. Thấy trong
nhóm người Phật tử bản xứ, có anh chàng trẻ tuổi cũng đang ái ngại nhìn bà,
Vĩnh lân la gạ chuyện cầu may :
- Chào anh ! anh biết
tiếng Anh?
- Vâng ! anh cần chi ?
- Xin lỗi, anh có thể
cho tôi biết bà kia đang cầu khẩn điều gì mà trông bà có vẻ đau khổ quá
vậy?
- Bà thất lạc con. Bà
van cầu Phật bà thương xót cho tìm gặp con!
Nghe hoàn cảnh khổ sở
của người mẹ lạc con, Mỹ động lòng thương, ứa nước mắt lên tiếng :
- Xin nhờ anh nói với
bà là nếu như bà cần thì tôi có thể tặng cho bà một số tiền để bà đăng báo và
thuê người đi tìm con.
Anh ta ngần ngừ tưởng
như sắp đồng ý, rồi chẳng hiểu vì lẽ gì bỗng lắc đầu bỏ đi. Có thể anh cần phải
đi theo các bạn đồng hành vừa lũ lượt rời điện, hoặc anh ngại bị phiền nhiễu vì
đã liên hệ trái phép với người ngoại quốc chăng? Thất vọng vì muốn giúp người
mà bất lực, tuy không ai thốt lời nào, cả hai đồng lặng lẽ vào điện cung kính
chắp tay cầu nguyện cho người đàn bà lạ mặt. Mỹ sụt sùi thương cảm khấn : “ Bồ
Tát ơi ! con là đứa trẻ lạc loài khổ sở, xin Bồ Tát đại từ đại bi dun rủi cho
con được gặp lại cha mẹ con. Bồ Tát ơi ! hoàn cảnh con đã khổ mà hoàn cảnh
người đàn bà lạ mất con nầy cũng thảm thương lắm. Lắng nghe tiếng bà khấn
nguyện, dù con không hiểu ngôn ngữ của bà mà con vẫn cảm thông được nỗi khổ não
ray rứt triền miên mà bà đã chịu đựng những năm dài. Xin Bồ Tát cũng rũ lòng
thương xót bà!”
Khấn nguyện tha thiết
của Mỹ có lẽ cũng khiến cho người đàn mất con cảm thông. Bà lễ Bồ Tát xong đang
bước ra ngoài bỗng quay trở lại, chăm chú nhìn vợ chồng Vĩnh, lên tiếng :
- Xin lỗi ! cô cậu là
người Việt Nam à !
Ở xứ người, bỗng gặp kẻ
lạ mặt nói thông thạo tiếng mẹ đẻ quả là chuyện vui hy hữu như trúng vé số, Mỹ
mừng rú lắp bắp :
- Cháu... cháu đâu ngờ dì biết nói tiếng Việt?
- Tôi cũng là người
Việt. Đúng ra tôi là người Việt gốc Hoa, quê tôi ở Đà Nẳng.
- Bây giờ dì định cư ở
Trung Quốc sao?
- Tôi định cư ở Hoa
Kỳ, nhưng có đứa em trai sống ở Thượng Hải. Vì tôi mất liên lạc với gia đình,
nên khi em tôi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Vân Nam, nó muốn xin định cư Aâu
Mỹ không nước nào nhận, đành phải chọn Trung Quốc làm chỗ dung thân. Sau nầy,
tôi về Việt Nam, truy tìm được địa chỉ của em tôi nên năm nào cũng sang chơi
với nó, nhân đó tôi thường đi hành hương Phổ Đà.
- Dì thất lạc con năm
nào, ở Hoa Kỳ hay nước nào khác? Cô cậu ấy chừng bao nhiêu tuổi rồi vậy dì?
Nghe nhắc đến con, bà
đang tươi vui bỗng chuyển thành sầu thảm, bà ngậm ngùi đáp :
- Tôi vào Saigon làm
việc tại USAID rồi lập gia đình với người Hoa Kỳ sanh được đứa con gái. Vào năm
1974, khi chồng tôi thuyên chuyển về căn cứ quân sự tại Phi luật Tân, thì tôi
đấu thầu được câu lạc bộ, cùng với dịch vụ giặt giũ, tổng vệ sinh... cho căn
cứ. Công cuộc làm ăn tiến hành tốt đẹp, tôi không muốn bận rộn với đứa con nhỏ,
nên mang về Saigon giao cho bà vú ở tại Ngả Sáu Saigon trông coi. Tháng tư năm
đó, thấy tình hình trong nước khẩn trương tôi đã dự định về rước con mấy lần,
nhưng cứ mỗi lần tôi chuẩn bị lên máy bay thì công việc làm ăn gặp rắc rối đành
phải ở lại giải quyết nên cứ đình hoản. Đến ngày 27 tôi mới hoảng hốt liên lạc
bà vú, căn dặn bà phải dẫn con tôi chờ sẵn tại Toà Đại sứ liên tiếp trong hai
ngày 29 và 30 hầu khi về tới nơi, tôi sẽ lập giấy tờ rồi đưa nó đi ngay. Không
ngờ hai ngày đó máy bay không thể đáp xuống phi trường Tân sơn Nhứt. Tôi kẹt
lại ở Vọng Các, rồi kể từ đó tôi không liên lạc gì được với bà vú nữa, và mất
luôn đứa con. Oâi ! không biết bây giờ nó sống chết ra sao? Khổ cho con tôi
biết chừng nào!
Bà nghẹn ngào khóc
ngất. Mỹ ràn rụa nước mắt nhưng còn ráng kềm cơn thổn thức, nàng toan mở miệng
mấy lần mà không thốt nên lời. Vĩnh cũng xúc động không kém, chàng cố gắng giữ
bình tĩnh hỏi cho rõ :
- Con của dì tên gì?
có dấu tích gì đặc biệt để dì nhìn nó không?
- Tôi đặt tên nó là
Amy, sanh ngày 20 tháng 11 năm 1970, tôi mướn khắc chi tiết nầy trên cái
tượng Quan Aâm cho nó đeo... Ơù nó có một mụt ruồi son to ở dưới rún á !
Mỹ móc tượng Quán Âm ở
cổ chìa ra run rẩy nói :
- Dì !... dì xem...cái
tượng... cái tượng ...nầy...
Bà lính quýnh chụp
tượng, sợi giây chuyền bị đứt mà chẳng ai lưu tâm. Bà lập cập lật tới lật lui
bức tượng nhìn kỹ như không tin được đôi mắt của mình. Rồi bà sửng sờ nhìn Mỹ,
bà hấp tấp vạch bụng Mỹ nhìn dưới rún, rồi hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở :
- Con ! Con đúng là
Amy của má rồi ! Tội cho con tôi biết chừng nào ! hu ! hu...!
- Má thương! Oâi !má
khổ sở cả đời tìm con ! má già yếu còm cõi chỉ vì con! Oâi! thương quá là
thương! hu! hu!...
Vĩnh cũng tuôn tràn
nước mắt. Trong màn nước mắt nhạt nhòa chàng bỗng nhìn thấy tượng Bồ Tát hào
quang sáng ngời sống động như hiện thực đang đại từ đại bi rưới nước cam lồ cho
pháp giới chúng sanh. Chàng xúc động đảnh lễ không ngừng...
Tháng 4.2000
Ghi chú :
1.Phổ Đà gọi đủ là Phổ Đà Lạc Gia có nghĩa là Tiểu Bạch Hoa, là một hòn đảo nhỏ có diện tích 12 cây số vuông thuộc quần đảo Chu Sơn, tỉnh Triết Giang. Theo truyền thuyết thì vào khoảng năm 858, có nhà sư người Nhật pháp danh Huệ Ngạc đi chiêm bái Ngũ Đài sơn thỉnh được một tượng Quan Thế Âm định mang về nước. Khi tàu rời Ninh Ba một ngày thì bị giông tố cản trở, tàu trôi giạt đến một hòn đảo hoang vắng. Nhà sư nghĩ mình có duyên chốn nầy, nên thỉnh tượng lên đảo lập am tu hành gọi là Quan Aâm Bất Khẳng Khứ (Quan Aâm không chịu đi). Ngư dân vãng lai cúng dường, cảm nhận sự linh ứng của pho tượng Quan Aâm, cũng như hâm mộ đạo đức sủa sư Huệ Ngạc, loan truyền ra. Hòn đảo nổi tiếng về sự linh ứng, được tôn là thánh địa Bồ Tát Quán Thế Aâm và đảo vô danh được mang tên là Phổ Đà sơn.
2. Quan Âm Khiêu : Gọi là khiêu có nghĩa là bước nhảy. Theo truyền thuyết, Bồ Tát đã từ tảng đá đó nhảy một bước đến núi Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang viếng thăm chùa Quốc Thanh.
3. Phạm âm Hải Triều âm : Đây là một động tiếp giáp với nước thủy triều, những khi nước thủy triều dâng to, tiếng sóng vỗ rất hùng vĩ nên thoạt tiên được gọi là Hải Triều âm động, về sau, người ta còn gọi là Phạm âm động. Trên vách đá lồi lõm của động, với chút tưởng tượng khách hành hương có thể thấy ẩn hiện một hoặc nhiều hình tượng khác nhau. Theo truyền thuyết thì ngoài ảnh tượng trên vách, những Phật tử chân thành lễ bái còn thấy Quan Aâm hiển thánh phóng quang tại đây nữa.