- Lời Giới Thiệu
- Chương 01: Thời niên thiếu - Cuộc tầm cầu - Giác ngộ (563-528 TCN)
- Chương 02: Thành lập Giáo hội và khởi đầu Hoằng pháp (528 TCN)
- Chương 03: Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)
- Chương 04: Giáo lý, Tăng chúng, và giới cư sĩ
- Chương 05: Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý
- Chương 06: Các năm sau
- Chương 07: Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
- Chương 08: Phần cuối - Thư mục Tham khảo
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản
Cuộc hồi hương vĩ đại (485 TCN)
NHỮNG HÀNH TRÌNH CUỐI CÙNG
Theo thông lệ trong hơn hai mươi năm qua, đức Phật an cư mùa mưa năm 485 trước CN tại Sàvatthi. Ngài không xem cơn cuồng nộ của Ðại Vương Vidùdabha tàn phá bộ tộc Sakiya vừa qua có liên hệ đến ngài.
Trong lúc trú tại tinh xá Kỳ viên của ông Cấp Cô Ðộc, bậc Ðạo Sư hay tin rằng đại đệ tử Sàriputta của ngài đã mệnh chung vì bệnh ở làng Nàlagàmaka, không xa Ràjagaha. Chính Sa-di Cunda (ka), bào đệ của tôn giả Sàriputta đem tin đến cùng các di vật của vị Tỳ-kheo quá cố: bình bát, ngoại y và xá lợi của tôn giả được buộc lại trong tấm vải dùng làm khăn lọc nước (SN 47. 3. 2. 3).
Khi mùa mưa đã chấm dứt, đức Phật lại bắt đầu du hành, lần này về hướng nam. Khi ngài dừng tại làng Ukhàcelà (hay Ukhàvelà) trên sông Hằng, hình như hung tin tôn giả Moggallàna, đại đệ tử thứ hai của ngài, mệnh chung đến tai ngài. Xúc động, ngài tuyên bố với chư Tỳ-kheo rằng "Giáo hội nay đã thiếu vắng hai vị ấy. Giống như một cây hùng vĩ đầy sức sống có các nhành lớn bị hư hoại, cũng vậy là Sàriputta và Moggallàna từ Giáo hội đã mệnh chung. Nhưng làm sao có vật gì đã sanh khởi lại không đoạn diệt?" (SN 47. 3. 2. 4).
Chuyện Tiền Thân số 522 (Jàt 522) nêu chi tiết về sự từ trần của tôn giả Moggallàna. Theo chuyện này, vị đại đệ tử ấy bị sát hại gần Ràjagaha, ở vùng Hắc Thạch trên đỉnh Isigili (Thánh Sơn nay là Núi Udaya?) vì tôn giả này đã lôi cuốn được quá nhiều môn đồ từ các giáo phái Sa-môn khác nên họ đã thuê một tên cướp giết ngài. Ngày tôn giả Sàriputta mệnh chung được ghi nhớ là ngày rằm tháng Kattikà (tháng Mười - Mười một), còn ngày tịch diệt của tôn giả Moggallàna vào thượng tuần tháng kế tiếp (Jàt 95). Theo đây, cả hai vị đại đệ tử đều tịch diệt năm 486 trước CN.
Những tháng cuối mùa mưa năm 485 còn thấy đức Phật cao niên ở Ràjagaha, tại đấy vị đại thần Vassakàra tìm cơ hội tham vấn ngài về dân Vajjì. Chẳng bao lâu sau, ngài rời đi lên miền bắc, được thị giả Ànanda và hội chúng Tỳ-kheo hộ tống. Câu chuyện trong Dìgha Nikàya (Trường Bộ Kinh số 16. 1) kể rằng ngài gặp tôn giả Sàriputta gần Nàlandà chắc hẳn đã được đưa vào văn cảnh này do nhầm lẫn, bởi vì đúng thời điểm ấy, tôn giả Sàriputta đã tịch diệt một năm tròn.
Trạm dừng chân kế tiếp là Pàtaligàma, nơi bậc Ðạo Sư quan sát tiến trình xây dựng thủ đô mới của Magadha và thành lũy Pàtaliputta. Trong số các chuyện khác xảy ra, có chuyện ngài làm thượng khách của các đại thần Sunìdha và Vassakàra, những người đang giám sát công tác xây dựng. Họ đặt tên chiếc cổng ngài đi qua khi rời thành là "Cổng Gotama" để tôn vinh ngài. Sông Hằng ở vùng Patna này có thể rộng đến 2,5 km và đang mùa lũ lụt, song đức Phật qua sông chẳng khó khăn gì cả (DN 161. 19).
Năm 484 đã bắt đầu từ lâu thì chư Tỳ-kheo khoác y vàng này đến Vesàli (nay là Vaishàli), sau khi Tăng chúng đã đi qua làng Kotigàma và Nàdika. Thành Vesàli là thủ đô của cộng hòa Licchavi, tại đây chư vị cư trú trong vườn xoài của Ambapàli (Cô Gái Vườn Xoài), người kỹ nữ sang trọng của kinh thành đã quá xuân nhưng vẫn còn diễm lệ. Trước kia Ambapàli đã có một con trai với cố Ðại Vương Bimbisàra, đặt tên là Vimalakondañña, vị này sau trở thành Tỳ-kheo. Ngay khi bà nghe tin bậc Ðạo Sư của con trai bà đang dựng lều trong vườn xoài của bà, bà liền vội vã đến nơi thỉnh cầu ngài thọ thực ngày hôm sau. Ðức Phật nhận lời bằng cách im lặng.
Các thị dân khác của thành Vesàli cũng muốn thiết đãi bậc Ðạo Sư và vô cùng thất vọng khi nghe tin Ambapàli đã ngầm đi nước cao hơn họ. Người kỹ nữ từ chối lời họ đề nghị tặng bà nhiều tiền để nhường cho họ bữa tiệc đãi vị khách danh dự ấy. Sáng hôm sau, bà cúng dường đức Phật và Tăng chúng một bữa cơm thịnh soạn, rồi sau đó lại cung tặng vườn xoài của bà (Ambapàlivana) để bậc Ðạo Sư và Giáo hội làm tinh xá (DN 16. 2. 11) - chắc chắn một phần là với hy vọng con trai bà có dịp an cư mùa mưa tại đó. Trong thời xuân sắc, bà đã đề ra giá 50 kahàpanas, giá tiền năm con bò sữa, để được một đêm ân ái với bà, vì thế bà có thừa khả năng cung cấp những tặng vật đắt giá. Ngay sau đó, bà gia nhập hội chúng Tỳ-kheo-ni và còn được xem là đã đắc thánh quả A-la-hán (Thìg 252 -70).
Bậc Ðạo Sư đã du hành đến tận Vesàli với hội chúng Tỳ-kheo, nhưng mùa mưa năm đó, 484 trước CN, ngài muốn độc cư và chỉ có Ànanda, thị giả trung thành theo hầu, để ngài chuyên tâm thiền định. Từ đây khi mưa bắt đầu rơi, ngài yêu cầu chư Tăng tự tìm các tinh xá (Vihàra) cho mình ở vùng ngoại ô thành Vesàli, trong khi chính ngài sẽ an cư mùa mưa tại Beluva (nay là Basarh), một vùng ngoại ô ở miền nam kinh thành (DN 16. 2. 22).
Ðó là một thời kỳ bất an. Bậc Ðạo Sư già cả lâm trọng bệnh và chịu nhiều đau đớn. Tuy nhiên, ngài vẫn duy trì tâm trí minh mẫn và nhiếp phục cơn bệnh bằng sức mạnh của ý chí. Khi ngài có thể đứng dậy và ngồi dưới bóng mát của am thất, tôn giả Ànanda bày tỏ nỗi lo buồn của mình về cơn trọng bệnh vừa qua ấy. Tôn giả nói thực là một niềm an ủi cho tôn giả khi nghĩ rằng đức Như Lai sẽ không nhập Niết-bàn vô dư y trước khi chuẩn bị hành trang cho Tăng chúng. Tuy nhiên, đức Phật lại không muốn làm gì về việc này cả:
"Này Ànanda, tại sao chúng Tỳ-kheo lại chờ đợi điều này ở ta? Ta đã thuyết giảng Chánh Pháp mà không hề phân biệt "mật giáo" hay "hiển giáo" vì Như Lai không có "bàn tay nắm chặt của vị Ðạo Sư" còn giữ lại đôi phần chân lý nào đó. Nếu có ai suy nghĩ: "Ta sẽ lãnh đạo Giáo hội" hoặc: "Giáo hội phải chịu sự hướng dẫn của ta", thì chính người ấy phải để huấn thị mọi vấn đề liên hệ Giáo hội. Phần Như Lai không nghĩ theo cách ấy. Thế thì tại sao Như Lai (tức là ta) lại phải để di huấn cho Tăng đoàn? Nay ta đã già cả, đã suy yếu, đã đến hạn kỳ cuối cuộc đời, ta vừa tròn tám mươi tuổi. Này Ànanda, giống như cỗ xe cũ kỹ được làm cho chạy nhờ đám dây da chằng chịt nâng đỡ, cũng vậy, thân Như lai được duy trì hoạt động nhờ nâng đỡ bằng dây đai ...
Vì vậy, này Ànanda, phải tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy tự làm nơi an trú cho chính mình, không tìm nơi an trú nào khác, lấy Chánh Pháp làm hòn đảo, lấy Chánh Pháp làm nơi an trú, không tìm nơi an trú nào khác ...
Này Ànanda, những Tỳ-kheo nào hiện nay hay ngày sau tự mình làm hòn đảo cho chính mình, lấy Chánh Pháp làm nơi an trú, chứ không tìm nơi an trú nào khác, những vị nhiệt tâm tu tập như vậy là các Tỳ-kheo chân chánh của ta và sẽ nhiếp phục bóng tối của vô minh, của luân hồi sanh tử". (DN 16. 2. 25, giản lược)
Như vậy, đức Phật chỉ định, không phải một Ðạo Sư, mà là Ðạo Pháp (Dhamma) làm vị lãnh đạo tương lai của Giáo hội. Vài ngày sau khi nói các lời này với tôn giả Ànanda, ngài đã bình phục đủ sức để đi khất thực trong thành Vesàli (DN 16.3.1).
Giống như mọi người mới trở lại với đời sống sau một cơn bệnh hiểm nghèo, đức Phật già cả nhìn ngoại cảnh với đôi mắt tươi sáng. Trong chuyến du hành đến đền thờ Càpàla, ngài nói về vẻ đẹp khả ái của thành Vesàli cùng các đền thờ chung quanh bằng những ngôn từ hầu như rạt rào tình cảm (DN 16. 3. 2) và ít lâu sau đó, khi ngài rời Vesàli với tiên liệu là ngài sẽ chẳng bao giờ trông thấy kinh thành này nữa, ngài đã quay lại nhìn nó từ xa với vẻ trầm tư (DN 16. 4. 1).
Cuộc hành trình tiếp diễn chầm chậm qua các thôn làng Bhandagàma, Hatthigàma, Ambagàma, Jambugàma, rồi Bhoganagara, và luôn tiến mãi về hướng tây bắc. Rõ ràng ngài muốn đợi giờ phút mệnh chung mà ngài cảm thấy đang đến gần, tại một trong các tinh xá ở kinh thành Sàvatthi. Sau khi ngài đã không chỉ định Tỳ-kheo nào làm vị kế thừa ngài lãnh đạo Giáo hội, và đã tuyên bố Giáo Pháp là uy quyền tối thượng đối với Tăng chúng, ngài dùng một ít thời gian còn lại trên đường đi để suy xét Tăng chúng phải có thái độ ra sao đối với bất cứ Tỳ-kheo nào có thể tự xưng mình đã nghe được Giáo lý này hay Giáo lý nọ từ chính miệng bậc Ðạo Sư. Trong trường hợp như thế, ngài dạy chư Tăng ở Bhoganagara rằng những lời của Tỳ-kheo ấy phải được cân nhắc kỹ vì chúng có thể được chứng thực là tương ứng với một bài kinh (sutta) và phù hợp với Luật (Vinaya).
Chỉ khi nào điều này được xác định chắc chắn, các lời ấy mới có thể được công nhận là lời dạy của đức Như Lai (DN 16 . 4. 8). Sự tuyên bố khẳng định trên đây chứng tỏ đức Phật chắc chắn các Pháp thoại của ngài sẽ được ghi nhớ trong tâm trí chư Tỳ-kheo và được truyền tụng mãi cho các thế hệ sau.