HT Thích Thanh Từ
Tập 9
BẢN CHẤT ĐẠO PHẬT BI QUAN HAY LẠC QUAN?
Chùa Phổ Đà Ottawa - 1994
Hôm nay đủ duyên chúng tôi về đây thăm chư Tăng Ni cùng tất cả quí Phật tử. Tuy ở xa nhưng quí vị vẫn còn mến đạo ham tu, là điều rất đáng mừng. Vì thế để nhắc nhở thêm trên đường tu, chúng tôi sẽ nói về bản chất của đạo Phật là lạc quan hay bi quan cho Tăng Ni cũng như Phật tử hiểu thật rõ.
Nhiều người hiểu lầm đạo Phật là bi quan. Tại sao như vậy? Điều này không phải không có lý do. Bởi họ thường nghe kinh Phật nói “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả”. Nghe có vẻ bi quan quá. Trong kinh A-hàm, Phật kể không chỉ một đời này chúng ta khóc, mà trong vô số kiếp luân hồi sanh đi tử lại, chúng ta đã từng khóc, cho nên nước mắt gom lại nhiều hơn nước biển cả. Mỗi một đời có thể tạm nói, chúng ta khóc chừng một lít nước mắt thôi, thì trăm ức muôn đời gom lại mới thành nhiều. Đức Phật vì muốn cảnh tỉnh con người đừng hiểu sai lầm rằng cuộc đời toàn là vui, mà còn có bao nhiêu đau khổ. Đã khổ ở đời này rồi khổ ở đời kế, nghĩa là không biết bao nhiêu đời khổ nhiều hơn vui. Qua câu nói này người ta cho đạo Phật là bi quan. Đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai, trong bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển, bài Tứ diệu đế. Đế đầu tiên là Khổ đế. Như vậy mở đầu thời kỳ giáo hóa, đức Phật đã đưa cái khổ ra trước hết, nên người ta cho rằng đạo Phật bi quan. Đó là lý do thứ hai.
Lý do thứ ba, theo giáo lý Nguyên thủy đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo quán pháp Tứ niệm xứ. Trong đó, đầu tiên là quán thân bất tịnh, kế quán thọ là khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã. Khi quán thân thấy nhớp nhúa, chúng ta còn quí thân nữa không? Nếu không quí thân là chán đời rồi.
Kế đó quán thọ là khổ. Thọ tức cảm thọ của sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tất cả các cảm thọ đó Phật nói đều là khổ. Tại sao? Chúng ta nghe mắng chửi khổ đã đành, nghe âm nhạc du dương đâu có khổ, tại sao Phật nói thọ nào cũng khổ. Như mắt thấy những sắc xấu, không vừa ý ta buồn tức, bực bội nên khổ đành, còn thấy những sắc đẹp, vừa ý sao gọi là khổ. Lưỡi nếm những vị đắng cay không vừa ý thì khổ, nếm những vị ngon ngọt sao cũng khổ. Thế nhưng Phật nói tất cả thọ đều là khổ. Nếu không hiểu sâu chúng ta cũng sẽ đồng ý đạo Phật là bi quan.
Nhà Phật chia có ba thứ thọ: một là thọ khổ, hai là thọ lạc, ba là thọ không khổ không lạc. Tại sao Phật dạy quán tất cả thọ là khổ? Sở dĩ Phật nói thế vì Ngài căn cứ trên lý vô thường. Có cảm thọ nào không bị vô thường chi phối đâu. Ví dụ cái lưỡi được ăn ngon, thì trong thời gian món ăn còn ở lưỡi ta cảm thọ lạc. Chưa tới năm phút món ăn qua khỏi lưỡi, cảm thọ lạc cũng mất đi. Như vậy tất cả cảm thọ dù khổ, dù lạc cũng đều hiện tướng của vô thường. Đã là vô thường thì không cái vô thường nào vui hết, tất cả đều đi tới bại hoại, không có cái vui thực, chỉ là hiện tướng của đau khổ thôi.
Ví dụ như bây giờ ta xách một giỏ nặng thấy khổ, nếu có ai tới xách giùm lúc đó mình thấy vui. Như vậy vui từ đâu mà có? Qua hết khổ tạm gọi là vui, chớ không có cái vui thật. Thế gian chỉ vui trong cái khổ thôi, chớ không có vui thật. Nỗi buồn kéo dài người ta chịu không nổi, nên tìm thú vui trong chốc lát để tạm quên sự đau buồn, chớ không có niềm vui chân thật. Vì vậy Phật nói tất cả cảm thọ đều vô thường, đều đau khổ. Như chúng ta thấy người già, người bệnh, người chết là khổ hay vui? Là khổ. Già đi lụm cụm nhức mỏi đủ thứ nên nói là khổ, rồi bệnh đau rên rỉ khổ, đến chết thì càng khổ hơn. Như vậy ba tướng già, bệnh, chết là tướng khổ. Thế thì tướng trẻ, còn sung sức là vui chăng? Người trẻ cũng khóc dài dài, chớ không phải trẻ mà hoàn toàn vui. Bởi vậy cho nên tất cả chúng ta đều bị vô thường thúc đẩy đi tới khổ. Vì vậy Phật nói tất cả cảm thọ là khổ.
Kế đến Phật dạy quán tâm vô thường. Tâm chúng ta cứ biến đổi không dừng. Người thế gian khi thương nhau hay thề thốt nghe oai lắm: “Dầu cho biển cạn, núi mòn, lòng này cũng không thay đổi”. Nói thế nhưng chẳng bao lâu đổi mất hết. Như vậy để thấy rằng người ta chỉ đùa gạt nhau thôi, chớ không có thật. Đạo Phật nói tâm con người luôn thay đổi theo hai chiều, chiều tốt và chiều xấu. Có khi thay đổi từ dở xấu thành hay tốt. Đó là thay đổi theo chiều tốt. Có khi thay đổi từ tốt hoặc bình thường tuột xuống dở xấu. Đó là thay đổi theo chiều xấu. Bởi vậy đức Phật dạy tất cả tâm niệm con người đều vô thường. Đây là lẽ thực.
Kế đến Phật dạy quán các pháp vô ngã hay gần hơn quán thân vô ngã. Vô ngã là sao? Chữ vô ngã này nhiều Phật tử hiểu lầm lắm. Ngã là chủ thể, vô ngã là không có chủ thể. Ngay nơi thân này thấy không có cái gì là chủ thể hết, chẳng qua do duyên tứ đại chung hợp thành thân. Khi tứ đại tan rã thì nó mất, chớ không có chủ thể. Vì vậy nói vô ngã. Nhưng người ta nghe nói không có mình thật thì buồn, cho đó là bi quan.
Tiến hơn nữa Phật dạy quán thân duyên hợp không thật, như huyễn như hóa. Nếu thấy thân này không thật, như huyễn như hóa chúng ta có chán đời không? Kể sơ qua những điều như thế, đủ để ta thấy nhiều người kết luận đạo Phật bi quan cũng có lý chứ. Vì vậy ai mới tìm hiểu đạo Phật chút chút, nghe người ta nói đạo Phật bi quan cũng dễ chấp nhận theo. Từ đó cho rằng tu theo đạo Phật buồn quá, khổ quá. Tự nhiên Phật tử đâm ra bi quan, chán đời không muốn tu nữa. Đó là căn bệnh làm cho chúng ta thối tâm.
Như vậy đạo Phật dạy cho con người bi quan sao? Đây là vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Nếu không Phật tử sẽ lúng túng vì thấy đạo Phật dường như mâu thuẫn. Bởi vì một đằng đức Phật phân tích cho chúng ta thấy cuộc đời là khổ, thân này không thật, nhưng đồng thời Phật cũng dạy thân người khó được. Đã được thân người, chúng ta phải nên trân quí nương tựa nó để tu tập, vượt qua khổ trầm luân sanh tử. Tại sao Phật chê nó nhớp nhúa, không có chủ thể, vô thường v.v... mà bây giờ Ngài lại nói “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, tức là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Như vậy có mâu thuẫn không?
Trong kinh Tạp A-hàm Phật nói thế này: Người thế gian khi mất thân này rồi, muốn tìm lại thân sau, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển. Ngoài biển cả có một bọng cây nổi, theo sóng trôi dạt khắp nơi, dưới đáy biển có con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần để tìm bọng cây chun vào. Chúng ta thử tưởng xem chừng nào con rùa mù tìm được bọng cây? Khó mà tưởng tượng nổi. Phật nói chúng ta mất thân này, được trở lại làm người cũng khó như thế. Như vậy được thân người là rất quí, phải không?
Thế nên người Phật tử chân chính gặp chuyện buồn, có gì chán đời liền nghĩ tới tự tử, đó là Phật tử chưa hiểu đạo. Bởi vì tự tử, mất thân này rồi muốn trở lại làm người không phải là chuyện dễ. Đã được thân này rất là quí báu, chúng ta lại bỏ nó đi một cách vô nghĩa, đó là tự hủy hoại cái quí của chính mình. Thế nên đức Phật nói tuy thân này nhớp nhúa, không thật nhưng một khi đã được thân người, chúng ta phải tôn trọng tuyệt đối. Có hai câu thơ chữ Hán thế này:
Thiên niên thiết thọ khai hoa dị,
Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan.
Nghĩa là:
Ngàn năm cây sắt nó trổ hoa dễ.
Một phen mất thân được lại khó.
Nói cây sắt chúng ta thấy xa quá, bây giờ nói như cây thiết mộc lan chẳng hạn, một ngàn năm mới trổ hoa một lần, như vậy mà còn dễ. Chớ một phen mất thân này rồi, muôn kiếp khó tìm lại được.
Phật dạy hai điều dường như trái nhau: một là chê thân này, hai là quí trọng thân này. Tại sao lạ vậy? Ở đây tôi dùng một ví dụ để giải thích cho quí vị hiểu. Như có người đi biển bị chìm thuyền, kẻ ấy bơi ra ngoài vớ được một gốc cây mục. Nếu thông minh anh ta phải bám chặt gốc cây mục đó để bơi vào bờ hoặc chờ người cứu. Như vậy gốc cây mục lúc đó đối với anh ta là quí hay tiện? Rất quí, vì nhờ có nó anh mới được sống. Tuy nhiên, lên được bờ rồi anh ta có nên tiếc gốc cây mục kia và quảy theo không? Chắc là không. Đó là trường hợp người thông minh. Trường hợp thứ hai nếu người vớ được gốc cây mục rồi, thấy mình không bị chết chìm nên hài lòng, cứ nằm đó chơi hoài, quí vị nghĩ sao? Chắc chắn phải chết thôi. Đó là trường hợp của kẻ khờ.
Qua thí dụ trên tôi muốn nói đạo Phật thấy thân này không quí, không đẹp, không thật, bởi vậy Phật mới dạy quán bất tịnh. Quán bất tịnh để chúng ta thấy được sự thật về thân như huyễn này. Nói thân này nhơ nhớp là nói sự thật, chớ không phải tưởng tượng. Nói sự thật nhưng người ta lại buồn, vì không chấp nhận sự thật ấy. Quí vị thấy những hãng nước hoa, hãng xà bông thơm ra đời là để làm gì? Để che đậy sự thật xấu xí kia. Nếu thân này thơm sạch như mùi hoa sen thì những thứ đó đâu cần. Người ta chế những thứ đó là vì thân thể hôi quá, phải dùng mùi thơm bên ngoài phủ lên cho giảm bớt mùi hôi. Vậy mà khi có chút ít nước hoa vào thì hãnh diện, tưởng như mình sạch vậy. Đó chỉ là sự tưởng tượng thôi, bản chất của nó là không sạch.
Ngày xưa khi Phật sắp thành đạo, ngồi dưới cội Bồ-đề, lúc đó ma quân kéo tới quấy phá. Chúng hiện thành mỹ nữ kiều diễm để dụ dỗ Ngài. Phật liền nói: “Đãy da hôi thối hãy đi, ta không dùng các ngươi”. Nghe thế chúng xấu hổ bỏ đi hết. Với con mắt của đức Phật, thân này như đãy đựng đồ nhơ, chớ không có gì quí hết. Đó là do đức Phật thấy đúng như thật, chớ không phải tưởng tượng.
Ngài quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã cũng vậy, đều là những lẽ thật. Nhưng ở đời ít ai dám nhìn sự thật. Thiên hạ vẫn bảo mình đi tìm chân lý, nhưng nói sự thật thì họ sợ. Đó là chuyện lạ lùng. Như có ai tới nhà mình đầu năm chúc anh hay chị mạng sống trong hơi thở, mình vui không? Không vui. Tại sao nói mạng sống trong hơi thở là nói thực mà mình không vui? Còn nếu họ chúc sống tới trăm tuổi, ta lại chịu mặc dù biết đó chỉ là lời chúc hảo thôi. Rõ ràng con người chỉ chuộng những cái không thật. Nghe nói thật thì sợ, thì buồn. Cho nên tôi nói ít ai dám nhìn thẳng lẽ thật, cứ bịa chuyện mà tán dốc với nhau thôi.
Cuộc sống trên thế gian không có lẽ thật, mà ai cũng tuyên bố mình nói thật. Đạo Phật thấy thế nào nói như thế ấy, chớ không lừa bịp chúng sanh. Ví dụ thấy người xấu mình nói xấu, nếu họ biết nghe lẽ thật thì không làm điều bậy xấu nữa. Còn nếu họ xấu mà ta cứ khen tốt, họ tưởng những việc xấu của họ không ai thấy nên cứ làm xấu mãi. Như vậy nói thật với nói gạt nhau, cái nào tốt? Nói thẳng sự thật người ta nghe sợ, nhưng tránh được những điều xấu dở, đó là cứu người. Còn không dám nói lẽ thật, mà nói để được lòng, vô tình ta dung dưỡng những tội lỗi xấu xa của người, như vậy là hại nhau. Ai cũng than ở đời khó quá! Tại sao khó? Tại ai cũng sợ sự thật hết. Sở dĩ người ta kết tội đạo Phật bi quan cũng vì đạo Phật nói lẽ thật. Đó là do con người điên đảo, chớ Phật không có lỗi.
Trở lại vấn đề thân này. Như tôi đã nói Phật dạy thân nhơ nhớp, nhưng cũng bảo thân người khó được. Giống như ví dụ đã nêu, chúng ta được thân tựa như được khúc gỗ mục trôi giữa biển. Nếu cứ đeo nó ở ngoài biển hoài, không chịu bơi vào bờ, đến ngày nó rã mình cũng chết chìm luôn. Người khôn ngoan là biết lợi dụng khúc gỗ mục bơi vào bờ. Lên bờ rồi nó có rã, mình cũng không ngại. Như vậy đức Phật chỉ rõ thân này nhớp nhúa, vô thường, không lâu bền giống như ta ôm khúc gỗ mục vậy. Thấy rõ thế rồi chúng ta phải nương thân này, nỗ lực tu hành để được đến bờ giải thoát an vui. Không nên ôm chấp thân tạm bợ nhơ nhớp này để rồi tan rã theo nó. Vì vậy đang lúc còn mạnh khỏe, chúng ta tranh thủ tu tập làm sao tiến lên chỗ cao đẹp hơn. Đó mới là người khôn ngoan.
Quí Phật tử kiểm lại xem mình có khôn ngoan không? Hay cứ ghì khúc gỗ mục ở ngoài biển hoài? Đó là điều tôi muốn nhắc cho tất cả nhớ, chúng ta có thân là phương tiện tốt để tiến lên, đi tới chỗ an lành. Tuy không quí nhưng vì nó giúp chúng ta giải thoát sanh tử được nên ta trân trọng giữ gìn nó. Nếu mất thân rồi làm sao ta tu tiến được, vì vậy mỗi người phải làm sao cho mình, cho người được vui, được lợi ích. Đó là sáng suốt.
Ngược lại được thân rồi cứ lo cưng dưỡng nó, hôm nào ngã đùng ra chết, giống như người ôm ghì khúc gỗ mục ở ngoài biển mà không chịu bơi vào bờ, một ngày kia nó rã người ấy chết chìm theo, có phải vô ích không? Hoặc có trường hợp khác, nếu chưa tới bờ mà ta hủy hoại khúc gỗ mục là khôn hay dại? Rất dại. Cũng vậy, tu hành chưa được gì hết mà giận ai đi tự tử, đó là khờ dại, hủy hoại một cái rất quí. Thế nên để nhắc nhở cho chúng ta biết lợi dụng thân này tu hành, Phật mới nói thân người khó được, vì một khi đã mất nó rồi tìm lại rất khó. Không tìm được thân, làm sao tu hành giải thoát sanh tử đây?
Phật dạy chúng ta phải siêng tu giống như là người cứu lửa cháy đầu. Quí vị tưởng tượng đầu tóc mình có một tàn lửa rớt lên, lúc đó ta làm sao? Từ từ dập tắt hay phải dập liền? Không dám để trễ một phút một giây nào, phải dập ngay. Cũng vậy, hiểu được thân này vô thường, nhớp nhúa, chúng ta phải gắng sức tu. Nhờ tu có phước đức, nếu mất thân này ta sẽ được thân sau tốt hơn, chớ không bị tuột xuống. Tuột xuống tìm lại thân người không được, như con rùa mù tìm gặp bọng cây rất khó.
Bây giờ tu là làm sao? Là qui y Tam bảo gìn giữ năm giới. Đạo Phật dạy Ngũ thừa Phật giáo tức là năm thừa để cho người tu theo. Thừa thấp nhất là Nhân thừa Phật giáo, tức giáo lý Phật dạy tu để đời này làm người xứng đáng, đời sau trở lại làm người tốt hơn. Nhân thừa Phật giáo căn cứ trên năm giới làm gốc. Quí Phật tử kiểm lại xem mình giữ đủ năm giới chưa? Nếu chưa là lui sụt rồi, cẩn thận đừng để tuột xuống kéo lên không nổi.
Người giữ giới không sát sanh đời sau sanh ra sống lâu. Giữ giới không trộm cướp đời sau sanh ra giàu sang, tiền của không bị hao mất. Giữ giới không tà dâm đời sau sanh ra được thân thể đẹp đẽ trang nghiêm. Giữ giới không nói dối đời sau sanh ra lời nói lưu loát, ai nghe cũng tin cũng quí. Giữ giới không uống rượu đời sau sanh ra có trí tuệ thông minh. Năm giới như thế nếu giữ trọn đời này đã là người tốt, đời sau sanh ra lại còn tốt hơn.
Quí vị kiểm lại mình tự biết thiếu giới nào thì ráng tu cho đủ. Tối thiểu phải giữ năm điều đó mới không bị tuột xuống. Người không giữ giới dù có niệm Phật mấy, Phật kéo cũng không nổi nữa. Cho nên giữ năm giới là gốc của kiếp sau được trở lại làm người. Đó là tu, chớ không phải vô chùa cạo đầu mới gọi là tu.
Người nào tiến hơn tùy theo sức của mình tu pháp Thập thiện, đời sau sanh lên cõi trời sung sướng hơn. Người tu các pháp như Tứ đế, Mười hai nhân duyên thì đời sau chứng quả A-la-hán, Duyên giác v.v... Nhưng nhớ thấp nhất là trở lại làm người, đừng để tuột xuống.
Chư Tăng Ni thương Phật tử là dạy họ tu như vậy, chớ không phải thương là nay mời tới chùa ăn cơm chay, mốt đi tụng cầu an cho Phật tử, bữa kia đi thăm bệnh bổn đạo, làm thế không phải là thương. Nhắc Phật tử biết tu để đời này làm người tương đối tốt, đời sau càng tốt hơn, đừng để tuột xuống. Đó là thương, là cứu chúng sanh. Cứu cái gì? Cứu cái nhân chớ không phải cứu quả.
Ở đời, thường người ta mang ơn kẻ cứu quả hơn người cứu nhân. Ví dụ như có hai người đang cãi vã sắp đánh nhau, mình tới khuyên can: Thôi, anh hay chị nhịn nhau chút cho qua, đánh lộn càng khổ thêm, có lợi ích gì? Khuyên như vậy, họ không thấy quan trọng đâu, nhiều khi còn bực bội nữa là khác. Chừng đánh nhau lỗ đầu rồi, ai đem đi cứu thương băng bó giùm, họ cám ơn rối rít. Nhưng lúc đó đã bị thương tích rồi. Người thương mình để trọn vẹn không bị thương tích lại không cám ơn, có đáng buồn không?
Nếu người thông minh được bạn hữu nhắc nhở tránh ngay từ cái nhân ban đầu, ta nên trân quí mang ơn người đó chứ. Còn đợi đến chuốt quả khổ mới cứu thì quá muộn, dù cứu cũng đỡ phần nào thôi, chớ đâu trọn vẹn như buổi đầu. Hiểu như thế rồi Phật tử mới biết tại sao quí thầy quí cô xuất gia, ít làm việc từ thiện lại hay giảng kinh. Vì giảng kinh là nhắc nhở từ nhân, cứu từ gốc; còn làm việc từ thiện là cứu trên quả, tức phần ngọn. Nắm rõ vấn đề này, Phật tử mới không buồn khi thấy những tôn giáo bạn làm từ thiện nhiều, còn đạo Phật chỉ dạy cho người tu hành, chuyển đổi tâm, không tạo các nghiệp ác là chánh.
Thế nhưng hầu hết Phật tử bây giờ thích được cứu trên quả. Làm gì đó thất bại hoặc gặp đau khổ kêu Phật cứu con, bình thường quên Phật mất tiêu. Vui thì quên, buồn mới nhớ Phật. Như vậy chỉ nghĩ tới Phật trong khi khổ, chớ không biết Phật lúc khỏe mạnh vui tươi. Tu không phải thế. Ngay bây giờ, lúc còn khỏe mạnh vui tươi, ta nỗ lực tu, chớ đợi tới khổ tu đâu kịp.
Tôi nói trong phạm vi năm giới thôi, nếu Phật tử vâng giữ đúng, từ một người hai người cho tới cả trăm người, ngàn người, hết cả xóm đều giữ đúng năm giới thì xóm ấy có phải thiên đường chưa? Không có chuyện gì lôi thôi hết. Không lo sợ ai hại mình, lừa đảo mình, ăn trộm của mình, phá hoại hạnh phúc gia đình mình, không sợ rối loạn trật tự bởi những chuyện say sưa v.v... Như vậy xã hội đẹp biết mấy!
Người ta ít ai chịu nghe những lời thật, chịu nhìn nguyên nhân đúng đắn để tránh quả khổ đau. Bởi vậy trong kinh Phật mới dạy chúng ta phải gấp tu như cứu lửa cháy đầu, không thể chần chừ. Vì không ai bảo đảm mình sống tới tám mươi tuổi mới chết. Trẻ có cái chết của trẻ, già có cái chết của già, không ai biết trước và ngăn ngừa được. Đã không bảo đảm đời mình mà ngang đây chưa lo tu thì sao? Chừng vô thường tới trở tay không kịp. Vì vậy phải lo cứu mình gấp như cứu lửa cháy đầu.
Đạo Phật dạy quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường v.v... cốt chỉ lẽ thật cho chúng ta cố gắng tu, để không bị những khổ đau trong đời này và những đời sau. Khi biết tu rồi chúng ta sẽ hết khổ, giống như người vớ được gốc cây mục bơi gấp vào bờ, được lên bờ rồi mới thật an lành. Như vậy quan niệm của đạo Phật bi quan hay lạc quan? Mới nghe dường như bi quan nhưng xét kỹ đó là thấy rõ lẽ thật để chúng ta vươn lên.
Hiểu vậy mỗi Phật tử phải cố gắng, tinh tấn tu hành từ năm giới là mức chót, giữ để khỏi tuột xuống các loài thấp hơn người. Phật tử giữ năm giới đàng hoàng chân chính rồi, những gì đã qua thì sám hối, kể từ bây giờ ráng tu không gây tạo hay sai phạm lỗi lầm nữa. Như vậy bảo đảm nhắm mắt, quí Phật tử khỏi lo sợ gì hết. Khi gần tắt thở có ai hỏi anh chị sẽ đi đâu, quí vị trả lời tôi sẽ trở lại làm người, bảo đảm 100%. Vì Phật đã dạy như vậy, ta làm đúng như vậy thì kết quả không nghi ngờ gì cả.
Nếu người không giữ được giới, lúc gần nhắm mắt hoảng hốt sợ sệt, không biết mình sẽ ra sao? Nỗi khổ lúc đó không thể kể hết. Đã khổ vì thân bại hoại, lại khổ vì tâm mờ mịt tối tăm, không biết đường trước ra sao. Cho nên ngay bây giờ chúng ta biết lo tu thì sau này sẽ hết khổ. Sở dĩ các Thiền sư gần nhắm mắt, các Ngài cười từ giã mọi người ra đi, vì biết trước con đường của mình, nên an vui tự tại không lo sợ chi cả.
Người thế gian gần tắt thở, con cái nhìn cha mẹ khóc lóc bi lụy vô cùng. Rồi kẻ đi bơ vơ, đau khổ không biết bao nhiêu nữa. Thế nên chúng ta thương cha thương mẹ, thương anh thương em nên ráng khuyên giữ năm giới. Đó mới là thật lòng giúp nhau, chớ khóc lóc thở than chỉ càng làm khổ thêm cho người thân, chớ có ích gì.
Thuở xưa, sau khi thành đạo rồi đức Phật trở về thành Ca-tỳ-la-vệ giảng đạo cho Phụ vương và Hoàng hậu nghe. Nghe xong Phụ vương Ngài và Hoàng hậu phát tâm qui y Tam bảo, gìn giữ năm giới. Về sau Hoàng hậu tức Di mẫu của Ngài phát tâm đi tu. Bà xin Phật cho xuất gia, Ngài không bằng lòng. Bấy giờ Tôn giả A-nan thấy vậy sốt ruột, mới thưa với Thế Tôn rằng:
- Di mẫu có công ơn lớn với Thế Tôn, khi Hoàng hậu sanh Ngài ra có bảy hôm thì tịch, Di mẫu là người nuôi Thế Tôn từ nhỏ cho tới lớn khôn. Công ơn kia vô cùng thâm trọng, mà bây giờ Thế Tôn không cho bà xuất gia, như vậy là phụ ơn Di mẫu sao?"
Phật trả lời:
- Ta không quên ơn, mà đã đền ơn Di mẫu rồi.
Ngài A-nan ngạc nhiên hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Ngài đền bằng cách nào?
Phật nói:
- Khi trở về thành Ca-tỳ-la-vệ, ta đã khuyên và giải thích cho Phụ vương cùng Di mẫu hiểu được đạo lý, phát tâm qui y Tam bảo giữ gìn năm giới. Đó là đã đủ để ta đền ơn song thân rồi.
Qua câu chuyện của đức Phật, chúng ta thấy người con muốn đền ơn cha mẹ không gì hơn là khuyên cha mẹ ráng giữ gìn năm giới, để khi chết khỏi đọa đường khổ. Còn dành dụm tiền cho nhiều, chết làm đám ma cho lớn, chưa hẳn là thương cha mẹ. Đó là lời đức Phật đã dạy trước kia.
Bây giờ trở lại vấn đề đạo Phật bi quan hay lạc quan? Như tôi đã trình bày, đạo Phật nhìn thẳng lẽ thật, nói thẳng lẽ thật. Chúng ta quen hoặc buồn hoặc vui, nhưng đạo Phật không phải vậy. Đạo Phật không buồn cũng không vui. Vì sao? Vì thế gian mất thì buồn, được thì vui, chê thì buồn, khen thì vui. Vui buồn của thế gian là vui buồn đối đãi, không có sự thật. Đạo Phật là đạo như thật, nói lẽ thật, chỉ cho người ta nhận ra lẽ thật. Nhờ nhận ra sự thật nên mọi người tập sống đúng như thật, không lừa đảo nhau, không gây đau khổ cho nhau. Một đời sống mà mọi người đều biết tôn trọng sự thật, sống đúng như sự thật thì cuộc sống đó có hạnh phúc không? Thấy được lẽ thật thì đâu có gì phải buồn, phải phiền não.
Hồi xưa có một thầy Tỳ-kheo tu hành rất chân chánh, ở trong khu rừng cạnh làng. Trong làng, một thiếu nữ thấy Thầy tu hành chân chánh nên quí kính, mỗi ngày đều sớt bát cúng dường. Đều đặn như vậy một thời gian, người trong xóm bắt đầu đàm tiếu lôi thôi. Cô nghe cô buồn, mới thuật lại cho thầy nghe. Cô nói “Con tới cúng dường là để cho thầy yên tu, đạt đạo. Bây giờ trong xóm giềng đồn xấu con với thầy”. Thầy Tỳ-kheo nghe thế buồn quá, đợi khi cô ấy về, Thầy tìm sợi dây định thắt cổ tự tử. Khi đó có một thiện thần hiện ra hỏi:
- Tại sao thầy tự tử?
Thầy Tỳ-kheo trả lời:
- Tôi tu hành rất thanh tịnh, mà người ta nói xấu, đàm tiếu, chê cười tôi phạm giới nên tôi tự tử cho rồi.
Vị thần kia hỏi:
- Giả sử có người nói Thầy chứng A-la-hán, trong khi Thầy chưa chứng, Thầy có chịu không?
- Tôi chưa chứng mà họ nói chứng, tôi đâu có chịu.
- Nếu có người nói Thầy đọa địa ngục, Thầy có đọa không?
- Tôi tu hành đàng hoàng, đâu làm gì có tội mà đọa địa ngục.
- Như vậy Thầy chưa chứng A-la-hán, nói chứng cũng không được. Thầy không xuống địa ngục nói Thầy xuống cũng không xuống. Bây giờ Thầy không phạm giới, họ nói Thầy phạm giới, Thầy cũng đâu có phạm mà tự tử?
Nghe đến đó, thầy Tỳ-kheo thức tỉnh, từ bỏ ý định tự tử. Từ đó Thầy nỗ lực tu hành nhiều hơn, thời gian sau chứng quả A-la-hán. Chúng ta thấy rõ ràng lời khen, lời chê không có sự thật. Vậy mà đa số người đều khổ ở lời khen tiếng chê. Cứ khen là vui, chê là buồn, quí những gì không đúng sự thật. Chúng ta biết lẽ thật không mắc kẹt cái khen cái chê. Đạo Phật là đạo như thật, mà đã đúng như thật thì có gì là bi quan, có gì là lạc quan? Bởi vì bi quan hay lạc quan chẳng qua là cái khen cái chê theo thường tình mà thôi. Làm cho người ta vui thì họ nói lạc quan, làm cho người ta buồn thì thành bi quan. Đạo Phật nói lẽ thật, người ta nghe buồn, nhưng thật sự đạo Phật có bi quan đâu? Kẻ nói gạt khiến thiên hạ vui chưa chắc là lạc quan.
Nếu nói thẳng, đạo Phật không phải bi quan cũng không phải lạc quan, mà đạo Phật là đạo nói như thật và hành như thật. Chữ Phật là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là giác. Cho nên gọi Phật-đà tức là Giác giả hay người giác ngộ. Đức Phật do giác ngộ được lẽ thật, thấy biết lẽ thật nên chỉ dạy lại cho chúng ta lẽ thật ấy. Chúng ta là đệ tử Phật, tin lời lẽ của Ngài bằng lẽ thật, chớ không phải bằng tưởng tượng.
Đã là Phật tử, chúng ta phải cố gắng ứng dụng tu theo lời Phật dạy để khỏi đọa trong những cảnh khổ. Đừng để mất thân này phải tiếp tục trầm luân trong những cõi khổ đau, không biết bao giờ được trở lại. Phật chỉ con đường cho chúng ta không bị trầm luân. Đó là căn bản, là gốc của sự tu.