Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

3. Lộc Uyển (Sarnath)

02 Tháng Năm 201100:00(Xem: 7855)
3. Lộc Uyển (Sarnath)

ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT

Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika


Lộc Uyển (Sarnath)


"Núi dài sông rộng trời cao,
Thuyền tôi vượt sóng tiến vào bờ xa".
(Qua sông Hằng của Phật Thích Ca).

Sau hai ngày chiêm bái các Phật tích quan trọng nơi đức Thế Tôn hành đạo, chúng tôi rời khỏi Bồ đề Ðạo tràng (Buddhagaya) lúc 5 giờ chiều trong bầu không khí thân mật và đoàn kết giữa các đại đức Thái Lan và chúng tôi.

Trực chỉ đến thành phố Gaya trong lúc trời vừa tối sẫm, chúng tôi cảm thấy thiếu thốn ánh sáng và bị mất đi những vật gì quý báu nhất của đời tu sĩ chúng tôi. Hình ảnh Bồ đề Ðạo tràng, sông Ni-liên-thiền (Néranjara), Khổ hạnh lâm (Dukkarakrya) và những mái chùa hiền dịu cứ hiện rồi ẩn, ẩn rồi hiện trong tâm trí chúng tôi. Tôi thầm cầu nguyện "Kính lạy đức Thế Tôn, đã chứng kiến các cảnh tu hành đầy gian khổ của Ngài, chúng tôi còn một trong những chúng sanh được thấm nhuần đạo lý mà Ngài tìm được dưới cội Bồ đề, xin nguyện sẽ noi gương sángthực hành đạo pháp cuả Ngài, trọn đời hiến thân cho đạo để phụng sự Chánh phápphục vụ chúng sanh. Xin Thế Tôn từ bi chứng giám".

Trên đoạn đường này, có thêm một vị sư Cam Bốt và hai đạo hữu cư sĩ, cũng đi từ Bồ đề Ðạo tràng đến nhà ga, trên những chiếc xe Rikhsoh (như xe lôi bên ta). Ðêm nay chúng tôi phải ở tại ga để chờ tàu đi Sarnath.

Vào lúc 5 giờ sáng, chúng tôi tất cả không ai gọi ai đồng thức dậy. Thượng tọa Minh Châu đi lấy vé tàu, còn chúng tôi chuẩn bị hành lý. Rất tiếc là thầy Ghosànanda không thể tiếp tục đi với chúng tôi! Ðoàn chỉ còn Thượng tọa Minh Châu, thầy Thiện Châu, thầy Pàsàdika và chúng tôi. Ðúng 7 giờ 20 phút, tàu bắt đầu chuyển bánh. Lòng chúng tôi hòa vui với tiếng chuyển động khi nhặt khi khoan của tàu.

Ánh bình minh xuất hiện, bầu trời trở nên quang đãng, cảnh vật xinh tươi. Con tàu mang chúng tôi lướt qua hết cánh đồng xanh tươi bát ngát này, đến làng xóm cũ kỹ xa xưa nọ. Cảnh lạ cứ tiếp diễn mãi trước đôi mắt đăm đăm nhìn của chúng tôi. Ðây là con sông Hằng (Gange), một con sông lịch sử, cát trắng mịn; Phật tử Việt Nam không ai mà không nghe đến tên con sông này qua các kinh điển. Khi Phật thuyết pháp, Phật thường đem cát sông Hằng thí dụ cho con số không thể đếm được, như nói hằng hà sa số thế giới, hằng hà sa số chư Phật.

Tàu chạy qua nhiều thành phố lớn có, nhỏ có, cũ có, mới có... Kìa là Kàsi, một thành phố vĩ đại gần thành Ba-la-nại rồi đến ga Vàrànasi. Chúng tôi xuống ga này và nghỉ lại đây để tắm rửa, rồi sang xe Rikhsoh đi thẳng về Sarnath cách ga độ 10 cây số. Hai bên vệ đường cây cối um tùm mát mẻ, nhà cửa đồ sộ nguy nga. Thượng tọa Minh Châu nói: "Ðây là Sarnath, nơi đức Phật chuyển Pháp luân đầu tiên và độ 5 vị Tỳ kheo".

Nhìn kỹ, chúng tôi thấy nhiều ngôi chùa đồ sộ, nhiều di tích lịch sử vĩ đại... Sarnath (Lộc vương) là tên mới thay cho Migadàya (Lộc Uyển) hay Rishipatana. Ðức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại đây. Do đó, Sarnath là thánh tích quan trọng bậc nhì sau Buddhagaya. Sarnath và Buddhagava được xem là bất động xứ. (Acalaceliyas) vì tất cả các đức Phật đều dùng hai chỗ này, một chỗ để thành đạo, một để thuyết pháp lần đầu tiên. Dưới đây là những nơi quan trọng tại Sarnath:

1. Mùlàgandhakuti Vihara.
2. Tháp Dhamek.
3. Khu vực được đào.
4. Viện Bảo tàng.
5. Thư viện Mùlàgandhakuti Vihara.
6. Trường học và nhà thương thí của Hội Ma-ha Bồ đề.
7. Tháp Choukhanda.
8. Arya Dharma Sangha Dhàmasàlà.

 

1. Mùlàgandhakuti Vihara

Sau khi sắp đặt chỗ ở tại khách xá xong, chúng tôi liền đến viếng chùa Mulàgandhakuti. Bước đến cổng chùa là nhìn thấy hình pháp luân hai bên trụ ngõ. Tôi nhớ lại lời đức Phật dạy trong các kinh: "Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai". Thật vậy, chỗ nào giáo pháp được truyền ba thì chỗ ấy chúng sanh được mở mang trí huệtâm tính thuần hậu. Ði sâu vào là một ngôi chùa mới, được dựng vào năm 1931 do ngài Dharmapala và đệ tử của ngài. Ðây là một thánh tích cao quí trang nghiêm nhất cuả ngài Dharmapala đã nhiều năm cố gắng phục hưng Phật giáo tại Ấn độ.

Tiến vào chánh điện, chúng tôi gặp 3 vị sư Cam Bốt cũng đi chiêm bái. Hai bên chào hỏi nhau rất niềm nởthân mật. Xung quanh chúng tôidu khách Âu, Mỹ, Ấn v.v... tấp nập ra vào chiêm bái và viếng cảnh.

Lên điện Phật, theo thường lệ, chúng tôi dâng hương thắp đèn, lễ bái tụng niệmnhất tâm nguyện cho Phật tử Việt Nam tu học tinh tấnpháp giới chúng sanh đều hướng về đạo giải thoát. Sau đó quan sát kỹ, chúng tôi biết rõ ngôi chùa làm bằng đá Chunar. Tháp chùa làm theo kiểu Buddhagaya, thêm một căn dài với một dãy cột từ cửa bước vào. Trước điện Phật có một quả hồng chung rất lớn thếp vàng, do hội Nhật Bổn tặng trên tường phía trái và mặt có bảng đá cẩm thạch ghi tên những vị thí chủ cúng tiền xây dựng ngôi chùa. Ở trong điện Phật rất giản dị, không trang hoàng rườm rà; chỉ có một tượng Phật chính giữa tạc theo kiểu tưọng chuyển pháp luân lại Bảo tàng viện. Trên tường là những bức tranh diễn tả đời sống Ðức Phật do một họa sĩ Nhật, ông Kosetsunosu vẽ theo các tượng vẽ ở động Ajanta, phí tổn đều do ông B.L. Broughton, nguyên Hội trưởng Hội Maha Bồ đề ở Anh quốc chịu. Trong chùa có thờ Xá Lợi của đức Phật. Chính phủ Ấn có chuyển tặng cho chùa những Xá lợi tìm thấy ở Taxila, Nagarjuni Konda. Tại đây, hằng năm vào ngày khánh thành ngôi chùa, Xá lợi đức Phật được rước qua những con đường chánh tại Sarnath. Những đám rước này gồn có những đức Phật tử các nước Ấn Ðộ, Tích Lan, Miến Ðiện, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bổn, Triều Tiên, Thái Lan cho đến các nước Âu Mỹ cũng đến tham dự.

Trong những ngày ở tại Sarnath, sáng nào chúng tôi cũng đến lễ Phật tại ngôi chùa này, vì chùa không xa chỗ chúng tôi ở lắm, và rất mát mẻ, thanh tịnh.

Viếng chùa, lễ Phật cầu nguyện xong, chúng tôi đến lễ tháp Dhamek trong phạm vi hoa viên của chùa.

 

2. Tháp Dhamek

Dhamek là chữ viết tắt của chữ Dhama Mukha, nghĩa là suy tưởng Chánh pháp. Không hiểu người xưa xây dựng ngôi tháp này với mục đích gì? Có thuyết nói chỗ này đức Phật phú chúc đức Di Lặc sau này sẽ thành Phật. Ngọn tháp cao độ 32 thước. Phần dưới đều làm bằng những tấm đá chạm trổ rất đẹp. Phần lớn là hình chữ Vạn vẽ theo nhiều kiểu và song song với những hình hoa sen. Tháp có 4 khám thờ, xưa có nhiều tượng nhưng nay không còn nữa. Những tượng bằng vàng ngài Huyền Trang thấy được, chắc đã bị mất cắp rồi. Tháp này bị đục thủng nhiều lỗ và đá quí đã bị lấy ra. Những lỗ này su Viện Bác cổ lấp lại bằng những gạch đá thường. Có một bia ký chứng tỏ vào thế kỷ thứ tư sau T.L., Nhứt thế hữu bộ (Sarvastivàdà) thịnh hành ở Bốn Chiếu, trụ trì chùa này. Chúng tôi tất cả vào phòng khách, hai bên chào mừng vấn an xong. Thượng tọa Minh Châu hỏi qua sự kiến tạo ngôi chùa và cách hành đạo của các Ðại đức ở đây. "Nhờ đâu mà ngôi chùa đuợc kiến tạo đồ sộ như thế này?"

Ðại đức trụ trì hoan hỉ đáp:

- Phần lớn là nhờ các nhà đạo tâm ở Singapore, phần nhỏ do thiện tín ở đây cúng dường.

- Ngài ở đây bao nhiêu năm?

- 30 năm rồi.

- Ngôi chùa làm xong tốn độ bao nhiêu?

- Ðộ 40.000 RS (độ 6 triệu bạc Việt Nam).

- Có bao nhiêu đại đức thường trú ở đây?

- Thường trú chỉ có năm vị.

- Ðược bao nhiêu tín đồ quy y ở ngôi chùa này?

- Người Trung Hoa rải rác khắp Ấn Ðộ, còn người Ấn thì được vài ba gia tộc, độ 600 người tất cả.

- Công việc hoằng pháp ở đây như thế nào?

- Thỉnh thoảnggiảng kinh thuyết pháp, còn hằng ngày cho lo trì tụng, lễ bái, cúng dường...

Ðại đức trụ trì thân mật trao tặng cho chúng tôi mỗi người một quyển kinh Di Giáo (Hán, Anh đối chiếu) và tượng Phật Di Ðà phóng quang, Quan Âm, Thế Chí. Ðáp lại tấm thạnh tình ấy, chúng tôi có tặng vài ảnh chùa Việt Nam để lưu lại một kỷ niệm sâu sắc và lâu bền. Chúng tôi cáo từ ra về, Ðại đức trụ trì tiển ra tận cổng chùa.

Trên đường đi về khách xá, chúng tôi suy nghĩ bàn tán rằng, ở các Phật tích lớn như thế này đều có chùa đồ sộ của Phật giáo các nước. Xem qua ngó lại, chưa hề thấy ngôi chùa Việt Nam nào được dựng lập nơi Phật địa. Thật là buồn tủi! Không nói ai cũng biết rằng Phật giáo đã sống với dân tộc Việt Nam ngót 1.700 năm lịch sử.

Sáng ngày sau, chúng tôi cũng đến chùa Mulàgandhakuti rất sớm để lễ Phậtcầu nguyện, tọa thiền. Suốt ngày chúng tôi tiếp tục chiêm bái nhiều nơi khác.

Mặc dầu rất nhiều lần bị Hồi Giáo tàn phá, nhưng những Phật tích vẫn còn và còn một cách đầy đủ vết tích của ngàn xưa. Chúng tôi đến viếng những tàn tích bị Hồi Giáo phá hoại thấy mà xót dạ đau lòng.

 

3. Khu vực được đào bới để khảo cổ

a. Tịnh xá Kittoe. Từ Viện Bảo tàng đi về phía bắc, chúng tôi đến khu vực được đào bới. Trước hết chúng tôi thấy Tịnh xá Kittoe. Sở dĩ ngôi Tịnh xá này mang tên Kittoe là vì ông Kittoe đã đốc xuất đào bới tại Sarnath từ năm 1934 đến năm 1937. Chỉ nền của Tịnh xá là còn nguyên vẹn mỗi bề dài đến 33 thước, và có tất cả 28 tăng phòng. Tịnh xá này chắc chắn đã bị thiêu hủy, vì có nhiều bánh, gạo hoặc cơm bị cháy được đào thấy tại chỗ này, cái giếng được thấy ở giữa sân chính là cái giếng của Tịnh Xá.

b. Tháp Sri Dharmaràjikà. Ðây chỉ là một mô đất tròn với hồ xung quanh. Tháp này trước kia rất lớn, bằng tháp Dhamek, nhưng bị phá nát (nguyên do sẽ nói sau). Ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ năm có đến thăm Tháp này và để lại ký sự chứng minh. Vào năm 1794, trước khi Viện Bác cổ được thành lập, ông Jagat Singh, Bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba-la-nại, vì thiếu vật liệu xây dựng thành phố Jagatguni ở Ba-la-nại, đã sai người đến chở gạch và đá ở đây, trong khi đào đá và gạch, ông tìm thấy một cái hộp bằng đá trong đó có một hộp bằng cẩm thạch đựng "Tro" chắc chắnXá Lợi đức Phật hay một vài vị Thánh tăng. Không biết dùng Xá Lợi này làm gì, theo tục lệ Ấn Giáo, ông đã làm lễ thả xuống sông Hằng. Như thế Phật tử chúng ta đã mất đi một bao vật quí giá. Biết bao nhiêu ngọn tháp cũng chung một số phận tương tự, trước khi Viện Bác cổ thành lập. Trong tháp này có tìm được bia ký Sthirapala, và Vasantapàla. Ngôi tịnh xá ở Calcutta, do ngài Dharmapala tạo lập năm 1921 cũng lấy tên Sri Dharmàrajikà. Ðây là ngọn tháp chính, xung quanh các ngọn tháp khác mới được dựng sau. Chỗ này, có một ngôi chùa gọi là Mulàgandhakuti nghĩa là phòng thơm, chỉ những phòng đức Phật ở. Sở dĩ chùa này có tên ấy vì đó là chỗ Ðức Phật ở trong 3 tháng đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo Bồ đề.

c. Ðiện thờ chung quanh có lan can vua A Dục. Bước vào phía sân ngoài của chùa chính, chúng tôi thấy một ngọn tháp nhỏ, xung quanh là lan can bằng đá trơn láng kiểu cách tương tự những lan can của vua A Dục. Nhưng tại sao lại nằm chỗ này thật khó hiểu! Ðiều đáng chú ý là ngọn tháp chính hiện đứng trên những tháp nhỏ khác được dựng lên từ nghìn xưa, nhưng vì thời gian tháp bị đổ nát, rồi cát bụi chồng chất hết thế kỷ nay đến thế kỷ khác, thành thử trên những tháp cũ ấy lại có những lớp đất rất dày. Về sau những ngưòi khác vì không biết lại dựng những ngọn tháp mới lên trên.

d. Trụ đá vua A Dục: Dưới một mái bằng và bao bọc bởi một hàng rào sắt, chúng tôi thấy được một phần nền của trụ đá do vua A Dục dựng lên là cột trụ xưa nhất được tìm thấy ở đây. Chúng ta có thể tin rằng, chính tại chỗ dựng trụ đá này Ðức Phật đã thuyết kinh Dhamma-cakka pavattana cho năm vị Tỳ-kheo, xưa kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Ngài Huyền Trang khi đến thăm chỗ này có nói về trụ đá như sau: "Phía tây năm ngôi chùa, có một tháp đá do vua A Dục dựng lên, đầu đã bị đổ nát nhưng cũng còn 3 bức tường dài độ 30 thước rất trơn láng chẳng khác gì ngọc thạch. Trụ đá đấy chói sáng và long lanh. Những ai đến lễ bái chí thành, tùy theo lời cầu nguyện của mình sẽ thấy những hình ảnh tốt hay xấu ứng hiện. Chính tại chỗ này, Ðức Phật sau khi thành chánh giác, bắt đầu chuyển Pháp luân. Phần dưới trụ đá, có khắc hàng chữ như sau bằng tiếng Brahmi: "Ðấng Thiên Nhơn sư đã dạy rằng: Giáo hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ-kheo nào phá hoại Giáo hội, vị ấy phải mặc Ðại y và ở tại một chỗ thanh tịnh chí thành sám hối". Chỉ thị này phải được tuyên bố khắp nơi cho Giáo hội Tăng chúngNi chúng được biết. Hoàng đế ban rằng một chỉ thị như vậy được chạm khắc vào chỗ hội họp, chỉ thị ấy phải được triệt để thi hành". Và đây là chỉ thị thứ hai: "Hàng cư sĩ tại gia mỗi ngày rằm hay mùng một phải đến dự họp kiêm thảo nhau để thêm phần tinh tấn về đạo nghiệp. Và các ngày lễ Phật, các quan chức phải đến dự lễ để được thêm phần tin tưởng về đạo đức. Các cấp Quận, Huyện, Xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền rộng chỉ thị này theo đúng nghĩa của nó cho dân chúng tuân theo". Trong thời kỳ xâm lăng của Mohammed Ghori, trụ đá này bị xô đổ, nhưng may thay, bảng đá cùng con sư tử khỏi bị phá hủy, được chôn dưới đất cho đến khi Viện Bác cổ đào bới lên được.

e. Chùa Kumara Vihara. Sau khi đi dọc theo một bức tường dày và dài, chúng tôi đến một ngôi chùa gọi là Dharmacakra Jina Vihara. Bức tường trên là vòng ngoài của ngôi chùa. Theo bia ký, chùa này do một bà thí chủ lập nên vào năm 1136 sau T.L. Bà này là vợ vua Govinda, xứ Kannouj. Vì bà ở Nam Ấn Ðộ, nên nhiều học giả đoán chùa cất theo kiểu Nam Ấn . Tiếc rằng nay chỉ còn một ít gạch, về phía dãy tường, có một vài pho tượng khá đẹp, giúp ta đoán được sự lộng lẫy của ngôi chùa. Chùa này đã bị phá hủy năm 1194. Ðiều đáng chú ý là bà Kumara Devi là người Phật tử, còn chồng là người theo Ấn giáo.

Sau khi quan sát các khu vực được đào bới, chúng tôi sang Viện Bảo tàng để xem các di tích đã được tàng trữ từ lâu. Ở đây toàn là cổ vật của Phật giáo.

4. Bảo tàng viện

Bảo tàng viện này lập vào năm 1910 theo kiểu một tu viện cũ, để cất chứa những vật đào lên ở Sarnath. Tại nhà chính có trụ đá vua A Dục, trụ đá này được đặt ở chính giữa phòng với hai dãy lan can hai bên. Không một vật cổ nào được tìm thấy ở Ấn Ðộ có thể sánh với trụ đá này và chỉ được xem trụ đá này cũng đủ thỏa mãn cho cuộc đi chiêm bái lắm rồi. Chính trụ đá này Chính Phủ Ấn độ đã lấy làm Quốc huy cho Chính phủ. Kiến trúc cân đối, sự linh động của các thú vật cùng cách tráng men trơn láng khiến trụ đá được xem là một báu vật nhất nhì trong nghệ thuật điêu khắc. Ông Marshall phê bình những hình vật khắc và tạc trên trụ đá nói: Chúng rất gần với thiên nhiên một cách mãnh liệt và xác thực, được diễn đạt một cách giản dị và kín đáo, hai đặc tánh của những danh phẩm về nghệ thuật tạo hình. Thật sự Ấn Ðộ không thể tạo những hình điêu khắc khác đẹp hơn hay bằng những hình vật này được. Nhìn trụ đá này thật không biết chán, càng nhìn càng thấy đẹp và càng cảm phục nghệ thuật điêu khắc của Ấn Ðộ thời xưa.

Tượng Ðức Bồ Tát bằng đá đỏ: Tượng này cũng có một trụ đá dựng sau về phía tay mặt của trụ đá vua A Dục, khác với tượng bằng đá trắng, đem từ Chunar và Mitzapur, cách độ 30 dặm Anh. Bia ký sau bức tượng ghi rằng tượng này được làm ở Muthutra và do vị Tăng sĩ tên là Bala đem về vào năm thứ ba đời vua Kaniska đặt tại chỗ xưa kia Ðức Phật từng đi qua lại. Về phía bắc có một cái lọng bằng đá, lọng này trước kia đặt sau lưng tượng, để che mưa nắng, lọng rất lớn và chỉ làm với những tảng đá liền thôi.

Tượng Phật chuyển Pháp luân: Tượng này được xem là pho tượng đẹp nhất được tìn thấy ở Ấn độ thuộc về thế kỷ thứ tư hay thứ năm sau T.L. Tượng bằng đá Chunar, trong cử chỉ chuyển pháp luân, giảng kinh Dhammacakkappavattana. Vị tạc tượng đã thành côngdiễn đạt được vẻ giải thoát hoàn toàn trên nét mặt đức Phật. Tiếc rằng mũi và một ngón tay bị gãy mất do giặc Hồi Giáo phá hoại. Tượng đức Phật trùm y che cả hai vai, bệ tượng có khắc hình 5 vị đệ tử của Ngài, giữa có chạm hình Pháp Luân, hai bên có hai con nai nằm giữ. Người đàn bà và đứa con nít ở góc bên trái có lẽ chỉ người cúng dường. Cách giải thích này chưa chắc đã đúng. Pho tượng này sau được tạc lại. Như tượng ở chùa Mulàgandhakuti, hoặc ở chùa Buddhavihara New-Delhi cũng theo kiểu tượng này. Chúng tôi nhận thấy tượng bằng đá đẹp gấp mấy lần những tượng phỏng theo sau này, nhất là những tượng thếp vàng hay làm bằng đồng. Tượng làm bằng đồng có cái dơ là quá bóng láng nên làm hại cho mỹ thuật và sự cân đối trên diện của tượng. Chúng tôi thấy tượng bằng đá linh động hơn tượng bằng đồng hay thếp vàng. Thượng tọa Thích Minh Châu nói: "Ðây là tất cả sự tích đặc biệt của đức Phật" và chỉ vào một tảng đá trong Viện Bảo tàng không to lắm, có tạc đủ những sự tích đức Phật, đây là Hoàng hậu Maya nằm mộng; Thái tử đản sanh; lễ tắm Thái Tử; Thái tử cỡi ngựa rời khỏi hoàng cung; cắt tóc; thiền định dưới cội Bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên. Chỉ thiếu sự tích khi Ðức Phật nhập Niết Bàn. Thiếu là vì phần đá tạc sự tích này bị bê rời ra ngoài.

Căn nhà phía sau: Trong một tủ gương để giữa phòng có một tượng Bồ tát Quan thế Âm bằng đá trắng giống như ngà. Tượng tạc rất mỹ thuật. Không có tượng nào trong Viện Bảo tàng có thể sánh được. Tại bức tượng phía tây có một tượng thần Siva rất lớn đang sân si giết một con quỉ. Sự có mặt bức tượng này, chứng tỏ Ấn Giáo đánh cướp dần dần các Phật tích. Phía tay mặt có một bia ký về Bà Kumara Devi, người đã lập ngôi tịnh xá sau cùng ở Sarnath. Tại phòng này có một tấm đá rất đặc biệt khắc sự tích về Khantivàda Jataka, một chuyện tiền thân đức Phật, các cung nữ nhảy múa trước vua, các cung nữ nghe một vị ẩn sĩ thuyết phápẩn sĩ bị chặt tay.

Căn nhà phía Bắc: Tại đây không có tượng nào đặc biệt như ở hai căn trước, các tượng đất phần nhiều bị hư nát, tay chân bị gãy, mũi bị đẽo hư. Quân đội Hồi Giáo không những đốt phá tượng Phật và đẽo nát tai mũi và mắt các tượng Phật nữa. Càng nhìn càng đau lòng. Chúng tôi nghĩ rằng: Tôn giáo đáng lý phải là một sức mạnh khiến người tôn kính thương yêu nhau, nhưng đây trái lại là một sức mạnh ghê gớm, khiến người đâm chém lẫn nhau! Tại căn nhà này cũng có nhiều đồ gốm như ghè, chum v.v... có lẽ đồ này để đựng gạo và các loại ngũ cốc cần dùng trong Tăng viện.

Trên đường về khách xá để thọ trai, chúng tôi ghé lại xem thư viện.

 

5. Thư viện Mùlagandhakuti

Hội Maha Bồ đề có lập một thư viện khá đầy đủ kinh sách Phật giáo, có cả Kinh tạng chữ Singalese, Miến Ðiện, Thái và chữ Hán.

Ở đây đặc biệt mỗi vùng đều có một thư viện riêng. Chúng tôi hy vọng Phật giáo Việt Nam ta mỗi cơ quan truyền bá đều có thư viện, để các học giả và dân chúng địa phương học hỏinghiên cứu Phật giáo thì quí hóa biết bao!.

 

6. Trường học và nhà thương thí của Phật giáo

Theo đúng tinh thần lợi tha của đức Phật. Hội Maha Bồ đề đã lập 3 trường học:

a. Trường Hindi Primary.
b. Trường English High school và
c. Trường Dharmapala Kumara Vidylaya.

Những trường hợp này đều do Hội xây dựng và quản trị. Trường kiến trúc rất đồ sộ nguy nga theo lối tân thời, mục đích đào tạo cho con em về trí dục, thể dụcđức dục. Hằng tuần đều có dạy giáo lý bằng chữ Pàli. Nhà thương để cho thuốc thí., hàn gắn vết thương đau khổ cho dân chúng. Hai công tác này của Hội được dân chúng Ấn Ðộ hoan nghênh nhiệt liệt.

Chiều lại chúng tôi đi viếng một ngôi tháp cổ cách đấy độ hai cây số.

 

7. Tháp Choukhanda hay Chankhandi

Chỗ này, sau khi Thành Ðạo, đức Phật đến gặp 5 vị Tỳ-kheo. Năm vị này trước kia cùng tu khổ hạnh với đức Phật, sau thấy Ðức Phật dùn sữa nên bỏ sang đây. Lúc đầy thấy đức Phật đến, năm vị này bảo nhau đừng chào và đừng kính lễ làm gì. Nhưng khi đức Phật lại gần vì kính mến phong độ oai nghi, đức tướng trang nghiêm của Ngài, không ai bảo ai, người thì soạn chỗ ngồi, người thì cầm bình bát, người thì tìm nước rửa chân cho Phật. Sau khi gặp nhau tại chỗ này, đức Phật đưa cả năm vị đến nơi cách đó nửa dặm Anh và thuyết pháp lần đầu tiên.

Choukhanda hiện tại là đống gạch cũ nát, trên ấy là một vọng lầu hình bát giác. Rất có thể xưa là một ngọn tháp, nay chỉ còn là một đống gạch và vọng lâu cao 25 thước. Ông Cunningham, một nhà Bác cổ học năm 1836 có đào thông đến đáy, nhưng không tìm thấy gì. Vọng lâu để kỷ niệm Vua Humàyùn trốn giặc núp ở đây. Gạch cùng kiêu kiến trúc giúp chúng ta đoán vọng lâu này được lập vào thế kỷ thứ hai hay thứ ba sau T.L.

 

8. Arya Dharma Sangha Dharmasala

Ðây là pháp xá của Hội Maha Bồ đề do ông Jugol Kishore Birla cất tặng hội. Ngôi nhà này gồm hai tầng rộng rãimát mẻ, có đến 32 phòng cho khách thập phương đến ở, khỏi phải tốn tiền. Suốt thời gian ở Sarnath, chúng tôi lưu trú tại đây, rất đủ tiện nghi. Khi bái biệt, chúng tôi có lưu tặng ảnh chùa Việt Nam để kỷ niệm.

Sarnath được chấn chỉnh lại một cách huy hoàng là nhờ ngài Dharmapala. Ngài tận tâm cổ độngxây dựng lại chỗ này. Do đó, một con đường lớn ở đây mang tên ngài và tượng ngài được xây trước chùa Malàgandhakuti. Nếu mỗi nơi đều có được nhiều người hy sinh vì đạo như ngài, thì lo gì ánh đạo vàng không lan rộng? Ðể hiểu thêm Phật tích Sarnath quí vị nên đọc phần lịch sử sau đây.

 

Lịch sử Sarnath

Lịch sử Sarnath bắt đầu từ khi đức Phật đi tìm năm người đồng tu khổ hạnh. Chữ Sarnath không có trong văn chương Pali hay Sanskrit. Chính ra chữ Sarnath, có nghĩa là vị vua của loài lộc, sau gọi tắt là thành Sarnath. Kinh Pàli thường dùng chữ Migadàya hay Isipatana, nhiều khi dùng cả hai Migadàya và Isipatana. Ispatana chữ Sanskrit là Rsipatana nghĩa là chỗ trú của các vị ẩn sĩ. Vì chữ Patana cũng có nghĩa là té ngã, rơi xuống nên ngài Pháp Hiển dịch là chỗ các ngài ẩn sĩ tịnh tu. Theo sự tích thì một số Bích chi Phật nhập diệt trên hư không, rồi thân thể rơi xuống đất. Dầu thế nào, Isipatana cũng là một khu vực quan trọng, gồm cả Isipatana cũng là một khu vực quan trọng, gồm cả Migadàya (vườn Lộc). Các vị tu sĩ thường ở đây để tu tập thiền quán. Còn chữ Migadàya nghĩa là Lộc uyển, là chỗ Vua Ba-la-nại để cho loài lộc được sống tự do, không ai được săn bắn giết hại. Tự nhiên chỗ này trở nên lý tưởng cho những vị ẩn sĩ muốn xa lánh thành thị.

Một chuyện tiền thân rất hay gọi là Nigrodhamiga, có liên quan đến chỗ này, và hàm nhiều ý nghĩa giáo dục, nên chúng tôi xin dịch ra sau đây, những lời thuật của Huyền Trang:

"... Chính chỗ này không xa, tại một khu vườn rộng, có một ngọn tháp. Ðây là chỗ Ðề-bà-đạt-da cùng với Bồ Tát trong một kiếp đều làm vua loài lộc. Cả hai có chuyện cần phải giải quyết với nhau. Lúc bấy giờ giữa một khu rừng rất lớn, có hai bầy nai, mỗi bầy có 500 con và do hai con Lộc vương quản trị. Ðể bảo đảm hòa bình, bầy nai tình nguyện: "Chúng tôi sẽ hy sinh mỗi ngày một con nai để Ðại vương dùng. Như vậy Ðại vương luôn luôn có thịt tươi và chúng tôi có thể kéo dài sự sống". Nhà vua chấp thuận lời đề nghị này, và bảo đánh xe trở về cung. Từ đó mỗi ngày một con Lộc từ một bầy đi đến chỗ Vua ở và chịu chết. Lần lượt bầy này rồi đến bầy khác. Lúc bấy giờ trong bầy của Ðề-bà-đạt-đa một con Lộc có mang đến lượt phải chịu chết. Con Lộc này đến trước Lộc vương của mình (Ðề-bà-đạt-đa) mà tâu rằng: "Dầu tôi bằng lòng chịu chết, nhưng chưa phải đến phiên con tôi, vậy ngài hãy cho một con khác tôi, khi nào con tôi lớn, chúng tôi sẽ đem hai thân để chịu chết". Lộc vương tức giận quát rằng: "Ở đây có ai mà chẳng biết quí mạng sống?". Con Lọc cái thở dài trả lời: "Nhưng tâu Bệ hạ, Bệ hạ thật không nhân đạo tí nào, thiếu tình thương đồng loại, nếu Bệ hạ giết những gì chưa sanh". Ðề-bà-đạt-đa vẫn nhất định không nghe. Con nai nay liền đến tỏ cảnh ngộ khốn cùng cùng của mình cho Bồ tát (Lộc vương của bầy kia). Bồ tát nói với giọng dịu hiền: "Cao quí thay trái tim của người mẹ thương những gì chưa được sống. Hôm nay ta sẽ chịu chết thế cho người. Vì ta không có quyền bắt buộc ai khác phải chịu số phận này...".

Rồi Lộc vương đi đến cung Vua và đặt đầu mình trên bàn đợi người đồ tể cắt cổ! Những người đi đường hay chuyện ấy, truyền tin cho nhau và nói rằng: "Lộc vưong thật là kỳ diệu". Dân chúng cùng các quan viên vội vã đến xem. Khi nghe tin này, Vua không tin là sự thật. Nhưng đến khi người thị vệ vào tâu lại sự thật là thế, nhà vua mới tin. Ðoạn vua hỏi Lộc vương rằng: "Tại sao ngươi lại đến đây?". Lộc vương tâu: "Một con Lộc mang đến lượt phải chết, tôi không nỡ lòng nào để một con Lộc chưa phải sinh phải chịu chết oan, nên tôi đến thay thế cho con Lộc có mang ấy". Vua nghe rồi thở dài và nói rằng: "Ta thật có một thân người, nhưng không giống như con Lộc, trái lại con Lộc này tuy mang thân Lôc nhưng có những điều khác lạ hơn loài người". Nhà Vua thương xót cam động và tha cho Lộc vương, không bắt buộc mỗi ngày phải nạp một con Lộc nữa. Vua để cả khu rừng cho loài Lộc ở và vì thế khu rừng này được gọi là khu rừng của loài Lộc (Lộc uyển. Migadàya)".

Câu chuyện trên đây cho ta rõ nguyên thủy tên gọi của chỗ này. Thật là xứng hợp. Từ đó khu rừng này trở thành một địa điểm tốt đẹp, an lành của loài Lộc, cho đến thời đức Phật. Những tượng tả các sự tích trong đời sống đức Phật đều có vẽ hai con Lộc hai bên, ở giữa là Pháp luân. Hiện nay còn có một đàn Lộc ở sau chùa Mulagandhakuti. Chúng tôi có đến xem và chụp ảnh kỷ niệm.

Như đã nói ở trên, đức Phật an cư 3 tháng đầu tiên tại chỗ này, sau khi Ngài đắc đạo, Sarnath hình như không phải là chỗ thường trú của đức Phật và các đệ tử thân tín của Ngài. Có thể Ngài chỉ đến thăm hai hay ba lần sau khi chuyển pháp luân. Nhưng các đệ tử Ngài thường đến tu hành tại chỗ này. Ðiều chắc chắn là cuối thế kỷ thứ tư trước T.L Sarnath trở thành một nơi rất quan trọng. Khi Vua A Dục lên ngôi, chỗ này trở thành một địa điểm rất thạnh hành của Phật giáo. Vua A Dục có dựng nhiều trụ đá để kỷ niệm, nhưng tiếc hiện nay không tìm thấy, trừ trụ đá đã nói trên kia. Sau Vua A Dục, chúng ta không được biết lịch sử nối tiếp của Sarnath. Chỉ khi ngài Pháp Hiển đến thăm vào thế kỷ thứ năm, chúng ta mới biết được thêm. Theo ngài Pháp Hiển, Sarnath là một nơi phồn thịnh. Như vậy chắc một vài thế kỷ trước cuộc chiêm bái của Ngài, chỗ đó là nơi phồn thịnh, nhưng có lẽ là thời kỳ phồn thịnh nhất là vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba và thứ bảy (250-650 sau Tây Lịch) như những tượng đá và phần nhiều những đồ chạm khắc đều thuộc về thời đại trên. Hầu hết những tháp chưa được đào lên đều chứng tỏ các vật dụng dùng làm chùa tháp cùng các bia ký tìm được cũng đều thuộc về thời đại này. Chỉ trừ cột trụ của vua A Dục là dựng lên vào năm 250 trước T.L. và ngôi chùa của bà Kumara Devi là dựng lên vào năm 1192 sau T.L.

Vào thế kỷ thứ sáu, Mihircula, giặc Hung nổi lên, tàn phá chỗ này, nhưng theo ký sự của ngài Huyền Trang thì hình như vào thế kỷ thứ bảy, chỗ này được sửa sang lại tất cả, vì ngài không nói gì đến những dấu vết tàn phá. Những thế kỷ sau, cũng không có gì đáng kể, chắc chỗ ấy vẫn được thịnh vượng. Ðến thế kỷ thứ 10, Sarnath bắt đầu bị suy tàn, và dầu có nhiều Phật tử cố gắng phục hưng, nhưng không có ảnh hưởng mấy. Bà-la-môn càng ngày càng bành trướng mạnh, và đồ đệ Bà-la-môn giáo bắt đầu lập những đền thờ tại chỗ này. Ðến thế kỷ thứ hai, lại bị vua Mahmud Gaznavi đến cướp phá và cuối cùng là bị ông Kutbuddin, một tướng của vua Mahmud Ghrori đến cướp phá tất cả những gì còn lại của Sarnath. Từ đó Sarnath hoàn toàn bị hoàn cảnh chi phối nên các Phật tử bỏ phế, các tháp chùa bị phá đổ, chỉ trừ hai tháp chính nói trên.

Từ thế kỷ ấy đến thế kỷ thứ 17, chúng ta không biết gì đến lịch sử Sarnath, chắc chỗ ấy hoàn toàn bị hoang phế, dân chúng không dám lui vãng. Năm này qua năm khác, những trận cuồng phong mang cát bụi đến chồng chất lên, bao phủ Sarnath. Cây cối mọc lên đến nỗi toàn cảnh bị chôn lấp dưới cỏ cây um tùm. Ðến khi những nhà khảo cổ đến đào bới để tìm di tích, chúng ta mới được biết đến Sarnath. Ðầu năm 1834, Tướng Makenzie đến đào lại chỗ ấy gặp nhiều di tích. Rồi đến nhà khảo cổ Alexander Cunningham, người đã phải xuất tiền riêng để đài thọ cuộc tìm kiếm. Những vật ông ta tìm được cất tại Viện Bảo tàng ở Calcutta. Nên biết rằng thời ấy một số tượng cùng gạch đá ở Sarnath đều đem về làm trường Queen College, cầu Duncan và nhà ga Benarès. Chỉ một cầu Duncan cũng đã dùng đến 48 tượng đá lắm rồi. Bắt đầu năm 1851, ông Kittoe đến đào, tìm lên được ngôi chùa và đặt tên là chùa Kittoe. Năm 1905, Viện Bác cổ đào lên những di tích đã được nói trên.

Nhưng tất cả công nghiệp trên chỉ khiến cho một số học giả được biết đến Sarnath, còn dân chúng nhất là Phật tử bốn phương không một ai nghĩ đến Phật tích quan trọng này. Phải đợi đến khi ngài Dharmapala đến tại chỗ này, vào năm 1891, mới có một cuộc phục hưng Phật giáo thật sự. Khi ngài đến, Sarnath là một chỗ đầy những cây dại, và là chỗ nuôi súc vật, nhớp nhúa đến nỗi ngài không dám đặt chân vào. Ngài quyết định phục hưng lại chỗ này. Trước hết ngài mua một mảnh đất, do mẹ ngài bà Kakkika Hewavitarne Lamtani cúng tiền, để làm chỗ dựng chùa hiện tại, rồi ngài lại mua thêm một miếng nữa do vua Raja Bhinga cúng tiền. Ngài còn có ý định mở một lớp giáo dục tân tiến, kỹ nghệ hóa để chấn chỉnh nông nghiệp. Nhưng các sự nghiệp của ngài phần lớn bị thất bại, vì lúc bấy giờ dân chúng phản đối những gì mới mẻ do ngài chủ trương.

Tuy nhiên ngày nay chúng ta thấy ngài đã dựng được ngôi chùa Mulàandhakuti, lập được nhiều trường học cho dân chúng, mở cửa nhà thương thí v.v... Chính những công nghiệp này thức tỉnh các Phật tử tự tích cực hoạt động mãi cho đến ngày nay và phục hồi một phần nào những hưng thịnh đầu tiên của ngài Dhamapala thật lớn lao đối với cuộc phục hưng Phật giáoẤn độ.

Công việc chiêm bái Sarnath như vậy là xong, chúng tôi chuẩn bị hành lý trở lại Ba-la-nại. Ðến Ba-la-nại, chúng tôi viếng Ðại học đường Sanskrit, thuộc tiểu bang U Pradesh. Tăng sĩ các nước tòng học độ 25 vị. Trường rất đồ sộ nguy nga, có ký túc xá. Các lớp học rộng rãi, thư viện đầy đủ v.v... Xung quanh cây cối mát mẻ, hoa lá xinh tươi, thật là xứng đáng một Ðại học đường của xứ này.

Bữa ngọ trai hôm ấy, do các Ðại đức sinh viên ở đây thiết đãi tại trai đường, đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và đầy thiện cảm. Sau khi thọ trai, Ðại đức Phalanana hướng dẫn chúng tôi đến viếng sông Hằng (Gange).

Bảy giờ tối hôm ấy, chúng tôi lên tàu, tiếp tục đi chiêm bái Kusinara, nơi Phật nhập Niết Bàn.

Hai ngày ở Sarnath trôi qua một cách mau chóng. Chúng tôi ra đi trong sự luyến cảnh mến tình và ước nguyện được chiêm bái nhiều lần nơi đức Thế Tôn Chuyển pháp luân lần đầu tiên mà cũng là nơi thanh tịnh, mát mẻ đã làm cho chúng tôi được nhẹ nhàng, khoan khoái.

Trong những giờ tĩnh tọa ở đây, tai chúng tôi như vắng nghe đức Phật Chuyển Pháp Luân:

Ðây là khổ, đây là tập.
Ðây là diệt, đây là đạo.
Ðây là khổ, Ta đã biết, đây là tập, Ta đã đoạn.
Ðây là diệt, Ta đã chứng, đây là Ðạo, Ta đã tu.
Ðây là khổ, các người nên biết, đây là tập, các người nên đoạn.
Ðây là diệt, các người nên chứng, và đây là đạo, các người nên tu.
Mầu nhiệm thay cảnh Sarnath!


Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapattana Sutta)
Thích Minh Châu dịch từ Pali.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi 5 vị Tỳ-kheo và dạy rằng: "Này các Tỳ kheo, có 2 điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt phàm phu không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỳ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, đức Như Lai giác ngộ con đường trung đạo, con đường đem đến pháp nhân, trí huệ, đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn".

"Này, các Tỳ-kheo, con đường Trung Ðạo do đức Như Lai giác ngộ, con đường đem đến pháp nhân, trí huệ, đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ. Niết bàn là gì? Chính là con đường Thánh Tám ngành: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ kheo, chính con đường ấy là con đường trung đạo, do đức Như Lai chứng ngộ, con đường đưa đến pháp nhãn, trí huệ, đem đến thanh tịnh, thượng trí, giác ngộ và Niết Bàn".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là Khổ thánh đế: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, thân ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là tập khổ thánh đế, chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỷ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, vô sanh ái".

"Này các Tỳ kheo, đây chính là diệt khổ thánh đế, chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xã ly, giải thoát, tự tại đối với các ái".

"Này các Tỳ-kheo, đây chính là đạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt khổ, chính là con đường Thánh Tám ngành: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định".

"Này các Tỳ-kheo Pháp khổ thánh đế này, đối với các pháp từ trước, chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ-kheo, pháp tập khổ thánh đến cần phải đoạn diệt này đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp tập khổ thánh đế đã được đoạn diệt này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tư nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang".

"Này các Tỳ kheo, đây là diệt khổ thánh đế, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ-kheo, pháp diệt khổ thánh đế cần phải chứng ngộ này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp đạo diệt khổ thánh đế cần phải tu tập này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhân, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang. Này các Tỳ kheo, pháp đạo diệt khổ thánh đế đã được tu tập này, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính tự nơi Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh huệ, sanh minh, sanh quang".

"Này các Tỳ kheo, nếu tri kiến như thực của Ta, đối với bốn pháp thánh đế này cùng tận ba chuyển, mười hai luân, không hoàn toàn thanh tịnh, thời Ta không tuyên bố với các hàng Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, với các chúng Sa-môn và Bà-la-môn gồm cả nhơn thiên rằng: Ta đã chứng ngộ Vô thượng đẳng Chánh đẳng, chánh giác. Này các Tỳ kheo, khi tri kiến như thật của Ta đối với bốn pháp thánh đến này, cùng tận ba chuyển, mười hai luân hoàn toàn thanh tịnh, chỉ khi ấy, này các Tỳ kheo, Ta mới tuyên bố với các Chư thiên, Ma-vương, Phạm thiên và các chúng Sa môn và Bà-la-môn gồm cả nhơn thiên rằng: "Ta đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác. Và chính nơi Ta, tri kiến sanh; tâm Ta đã được giải thoát chắc chắn. Ðây chính là đời sống cuối cùng cuả Ta. Nay không có đời sống nào khác nữa".

Ðức Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Chúng năm vị Tỳ kheo hoan hỉ tán thán lời đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn giảng kinh này, Tôn giả Kondanna (Kiều Trần Như), chứng được Pháp nhãn thanh tịnh, không cấu nhiễmchứng ngộ rằng: các pháp do tập sanh đều là những pháp phải bị diệt.

Khi đức Thế Tôn Chuyển pháp luân, chư thiên ở quả đất này la lớn tiếng rằng: "Nay tại Ba-la-nại, chư thiên đọa xứ, vườn Lộc. Vô thượng pháp luân đã được đức Thế Tôn chuyển vận, Pháp luân này chưa từng được Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận". Khi được nghe chư Thiên ở cõi đất này la lớn tiếng như vậy, bốn vị Thiên vương cũng la lớn rằng: "Nay tại Ba-la-nại, Chư thiên đọa xứ, vườn Lộc, Pháp luân vô thượng này đã được đức Thế Tôn chuyển vận. Pháp luân này chưa từng được Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào, hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận". Khi được nghe bốn vị Thiên vương la lớn tiếng như vậy, chư thiên các cõi Tam-thập-tam thiên... Dạ-ma-thiên... Ðâu suất thiên, Hóa lạc thiên... Tha-hóa-tự-tại-thiên và chư thiên ở cõi Phạm thiên đều la lớn tiếng rằng: "Nay tại Ba-la-nại, chỗ chư thiên đọa xứ, vườn Lộc, Pháp luân vô thượng này đã được đức Thế Tôn chuyển vận, Pháp luân này chưa từng được Sa môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên nào hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận".

Chính tại lúc ấy, thời gian ấy, sát na ấy, tiếng la lớn thấu cõi Phạm Thiên và như vậy cả 10 ngàn thế giới đều rung động, chuyển động, chuyển động qua lại và một hào quang vô tận, tối thắng phát chiếu ở cõi đất này, thắng xa ánh sáng của hàng Chư Thiên.

Lúc ấy, đấng Thế Tôn tuyên bố lớn tiếng rằng: "Chính Kiều Trần Như như đã chứng hiểu". Như vậy Ðại đức Kiều-Trần-Như đã được đặt tên là Annatakondanno "

(Dịch theo bản Pàli Mahàvagga).

Sau đây là bài pháp thứ hai của đức Phật thuyết tại vườn Lộc.


Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta)
Thích Minh Châu dịch theo bản Mahàvaga.

"Như vầy tôi nghe: Một thời đức Thế Tôn trú tại thành Ba-la-nại, chỗ chư thiên đọa xứ (Isipatana), vườn lộc (Migadàya).

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi chúng 5 vị Tỳ-kheo rằng: "Này các Tỳ-kheo". Các vị Tỳ-kheo ấy trả lời: "Bạch Ðức Thế Tôn". Ðức Phật giảng như vầy: "Này các Tỳ kheo, sắc không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc này sẽ không bị bệnh hoạnchúng ta có thể nói "Sắc" của tôi sẽ phải như thế này"! Này các Tỳ kheo, vì sắc không phải là ngã, nên sắc phải bị bệnh hoạn, và chúng ta không thể nói được rằng: "Sắc của tôi không phải như thế này; sắc của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, thọ không phải là ngã, này các Tỳ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ sẽ không bị bệnh hoạn, và chúng ta có thẻ nói: "Thọ của tôi sẽ phải như thế này. Thọ của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì thọ không phải là ngã, nên thọ phải bị bệnh hoạnchúng ta không thể nói: "Thọ của tôi sẽ phải như thế này. Thọ của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, tưởng không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu tưởng là ngã, thời tưởng này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Tưởng của tôi sẽ phải như thế này. Tưởng của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo vì tưởng không phải là ngã, nên tưởng phải bị bệnh tật và chúng ta không thể nói được rằng: "Tưởng của tôi sẽ phải như thế này; Tưởng của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, hành không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu hành là ngã thời hành này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Hành của tôi sẽ phải như thế này; hành của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì hành không phải là ngã, nên hành phải bị bệnh tật, và chúng ta không thể nói được rằng: "Hành của tôi sẽ phải như thế này, hành của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ-kheo, thức không phải là ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu thức là ngã thời thức này sẽ không bị bệnh tật, và chúng ta có thể nói: "Thức của tôi sẽ phải như thế này; thức của tôi sẽ không phải như thế này". Này các Tỳ-kheo, vì thức không phải là ngã, nên thức phải bị bệnh tật, và chúng ta không thể nói được rằng: "Thức cuả tôi sẽ phải như thế này, thức của tôi sẽ không phải như thế này".

"Này các Tỳ kheo, sắc là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn là vô thuòng" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường, khổ bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là ngã của tôi" - "Bạch Thế Tôn! Không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, thọ là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì là vô thưòng, khổ, bị thay đổi là: "Cái này là cuả tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, tưởng là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" _ "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng, khi cho những vì vô thường, khổ, bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là tựo ngã của tôi?" - Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, hành là thường hay vô thường?" - Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - "Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường khổ, bị thay đổi là: "Cái này là của tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Này các Tỳ-kheo, thức là thường hay vô thường?" - "Bạch Thế Tôn, là vô thường" - "Những gì vô thường là khổ hay lạc?" - Bạch Thế Tôn, là khổ" - "Có hợp lý chăng khi cho những gì vô thường, khổ bị thay đổi là: "Cái này là cuả tôi, tôi là như thế này, cái này là tự ngã của tôi?" - "Bạch Thế Tôn, không thể như vậy".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các sắc hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các sắc ấy "Không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã cuả tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ kheo, tất cả các thọ hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các thọ ấy "Không phải cuả tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các tưởng hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các tướng ấy "Không phải là của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chính kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các hành hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các hành ấy "Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Vậy nên, này các Tỳ-kheo, tất cả các thức hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả các thức ấy "Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi". Chính như vậy, chúng ta phải quán xét với như thật chánh kiến".

"Này các Tỳ-kheo, chính nhờ quán xét như vậy, mà các bậc Ða văn, các thánh đệ tử, chán ghét sắc, chán ghét thọ, chán ghét tưởng, chán ghét hành, chán ghét thức. Nhờ chán ghét, sanh xả ly, nhờ xả ly thành giải thoát. Các vị ấy hiểu rằng: "Ta đã được giải thoát, sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, những điều phải làm đã làm, không còn phải sanh lại một đời khác nữa".

Ðức Thế Tôn thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo hoan hỷ tán tán lời dạy đức Thế Tôn. Khi lời dạy nay được tuyên thuyết như vậy, năm vị Tỳ-kheo không còn chấp thủ, tâm trí giải thoát các món lậu hoặc.

"Lúc bấy giờ, ở đời này có sáu vị A-la-hán".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 34219)
Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy...
(Xem: 16804)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
(Xem: 22837)
Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, giúp con soi tỏ những giọt mồ hôi không hình nơi mẹ. Nhưng phải tự khi làm mẹ, mới thấu vô vàn cái nhọc mẹ mang.
(Xem: 12979)
Ra khỏi bóng tối - Thích Nữ Diệu Nghiêm dịch
(Xem: 21839)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
(Xem: 22057)
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếubáo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
(Xem: 14820)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
(Xem: 23433)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
(Xem: 23981)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chấttâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
(Xem: 23519)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
(Xem: 17065)
Tôi đã lắng nghe Krishnamurti suốt nhiều ngày. Tôi đến những nói chuyện của ông, tham gia những bàn luận, ngẫm nghĩ...
(Xem: 19278)
Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thícông đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng” ... Thích Chân Tính
(Xem: 26912)
Phật-pháp là trí tuệ thực nghiệm dạy chúng ta nhận định được bản chất căn bản của chúng tagiải thoát chúng ta khỏi sự sa đọa thành nạn nhân đối với những huyễn tượng...
(Xem: 14337)
Hiện nay câu hỏi này là một quan tâm chính đối với mọi người, bởi vì khoa học và công nghệ hiện đại đã phơi bày rõ ràng những khả năng xảy ra sự hủy diệt to tát.
(Xem: 13788)
Điều gì cần thiết là một cái trí không bị hành hạ, một cái trí rất rõ ràng. Và một cái trí như thế không thể hiện diện được nếu nó có bất kỳ loại thành kiến nào.
(Xem: 22615)
Đức Phật Thích Ca Mâu NiPhật Bảo. Ba tạng kinh luật luận do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết ra là Pháp Bảo. Chư tăng đệ tử xuất gia của Phật đàTăng Bảo.
(Xem: 14668)
Điều lạ thường nhất về sống của Krishnamurti là những lời tiên tri được nói về anh trong thời thanh niên đã thành hiện thực, tuy nhiên trong một hướng khác hẳn điều gì được mong đợi.
(Xem: 17281)
Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên buông bỏ hay gạt đi tất cả những thành kiến, những định kiến và những hoạt động hàng ngày.
(Xem: 12594)
Nhìn vào toàn chuyển động của sống này như một sự việc; có vẻ đẹp vô cùng trong nó và năng lượng vô hạn; thế là hành động là trọn vẹn và có sự tự do.
(Xem: 13771)
Lúc này chúng ta hãy quan sát điều gì đang thực sự xảy ra trong thế giới; có bạo lực thuộc mọi loại; không chỉ phía bên ngoài mà còn cả trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta.
(Xem: 10335)
Một cái trí chuyên biệt hóa không bao giờ là một cái trí sáng tạo. Cái trí mà đã tích lũy, mà đã đắm chìm trong hiểu biết, không thể học hành.
(Xem: 14609)
Khi năng lượng không bị hao tán qua sự tẩu thoát, vậy thì năng lượng đó trở thành ngọn lửa của đam mê. Từ bi có nghĩa đam mê cho tất cả. Từ biđam mê cho tất cả.
(Xem: 17134)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạoBồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
(Xem: 12471)
Chúng tathói quen tạo ra một trừu tượng về sợ hãi, đó là, tạo ra một ý tưởng về sợ hãi. Nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ lắng nghe tiếng nói của sợ hãi đang kể câu chuyện của nó.
(Xem: 12635)
Có một khác biệt giữa không gian bên ngoài, mà vô giới hạn, và không gian bên trong chúng ta hay không? Hay không có không gian bên trong chúng ta gì cả và chúng ta chỉ biết không gian bên ngoài mà thôi?
(Xem: 10301)
Chúng ta là kết quả của những hành động và những phản ứng của mỗi người; văn minh này là một kết quả tập thể. Không quốc gia hay con người nào tách rời khỏi một người khác...
(Xem: 28626)
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốttình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta.
(Xem: 10636)
Sự liên hệ giữa bạn và tôi, giữa tôi và một người khác, là cấu trúc của xã hội. Đó là, liên hệ là cấu trúc và bản chất của xã hội. Tôi đang đặt vấn đề rất, rất đơn giản.
(Xem: 11066)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
(Xem: 16824)
Phật pháp cho trẻ em - Tác giả: Jing Yin và Ken Hudson - Minh họa: Yanfeng Liu - Biên soạnchuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 15717)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
(Xem: 13289)
Khai sáng không lệ thuộc thời gian. Thời gian, ký ức, hồi tưởng, nguyên nhân – chúng không tồn tại; vậy thì bạn có thấu triệt, thấu triệt tổng thể.
(Xem: 12505)
Sự lèo lái của sinh lý học, mặc dù là một phần của điều mà phương Tây chúng ta gọi là “tự nhiên,” từ quan điểm Phật giáo, chính là một phần cơ cấu của luân hồi sinh tử.
(Xem: 11275)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
(Xem: 12963)
Thiền định là hành động mà đến khi cái trí đã mất đi không gian nhỏ xíu của nó. Không gian bao la này mà cái trí, cái tôi, không thể đến được, là tĩnh lặng.
(Xem: 19241)
Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta...
(Xem: 12183)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổhân hoan của nó.
(Xem: 28466)
Sách này đặt tên "Kiến Tánh Thành Phật", nghĩa là sao? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: "Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật".
(Xem: 9999)
Chúng ta dường như không bao giờ nhận ra rằng nếu mỗi người chúng ta không thay đổi triệt để trong căn bản thì sẽ không có hòa bình trên quả đất...
(Xem: 21407)
Các sự gia hộ được nhận qua các luận giảng này về sáu giai đoạn chuyển tiếp giống như một con sông nước dâng cao vào mùa xuân...
(Xem: 12750)
Kêu gọi thế giới là tựa của một quyển sách vừa được phát hành tại Pháp (ngày 12 tháng 5 năm 2011), tường thuật lại cuộc tranh đấu bất-bạo-động của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn nửa thế kỷ nay...
(Xem: 17771)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
(Xem: 26066)
Đức Phật đã dạy chúng ta những cách sửa soạn bản thân cho sự chết bí ẩn và tận dụng những trạng thái của sự chết để tu tập. Nhiều vị Thầy đã viết sách về đề tài này.
(Xem: 11643)
Tốt lành chỉ có thể nở hoa trong tự do. Nó không thể nở hoa trong mảnh đất của thuyết phục dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không dưới bất kỳ cưỡng bách nào...
(Xem: 10797)
Mọi hình thức thiền định có ý ‎thức không là một sự việc thực sự: nó không bao giờ có thể là. Cố gắngdụng ý khi thiền định không là thiền định.
(Xem: 22640)
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã có thể từ chỗ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu nhân sinh mà có được.
(Xem: 11981)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
(Xem: 10560)
Trước khi thành Thiền sư, Trúc Lâm đại sĩ đã từng làm vua nước Đại Việt. Đó là vua Trần Nhân Tông, người đã từng đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.
(Xem: 11341)
Tất cả mọi pháp hiện hữu, bắt đầu là cái Tôi, chẳng là gì cả ngoại trừ là những thứ được định danh. Không có các uẩn, không có thân, tâm, ngoại trừ những gì đã được ta quy gán.
(Xem: 11479)
Tư tưởng vị tha mong đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh là một quan điểm vô cùng kỳ diệu! Khi bạn phát bồ đề tâm, bạn bao gồm tất cả mọi người, mọi loài trong ý tưởng làm lợi lạc cho họ.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant