Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

46. Thầy Giáo Ðạo

30 Tháng Tám 201100:00(Xem: 8095)
46. Thầy Giáo Ðạo

Ðường Vào Nội Tâm
Thích Nữ Trí Hải

46. THẦY GIÁO ÐẠO

Vào thời thánh Hilarion còn sinh tiền, khi ngài đã khá cao tuổi, tại đô thị Gaza có gã thanh niên tên Josephus Famulus. Gã đã trên ba mươi, chuyên sống đời ăn chơi trác tángnghiên cứu sách vở ngoại giáo. Nhưng bỗng một ngày kia, gã gặp một người đàn bà mà gã say mê; nàng dạy cho gã giáo lý tuyệt diệu của chúa Ki tô và những đức hạnh tốt lành của Ki tô giáo. Gã bèn xin rửa tội, từ bỏ những thói hư tất xấu, và trải nhiều năm, gã thường đến quỳ dưới chân những cha xứ. Gã theo dõi với sự chú ý đặc biệt, những mẩu chuyện về cuộc đời của những ẩn sĩ sùng tín trên sa mạc.

Cho đến một ngày nọ, vào lúc ba mươi sáu tuổi, gã khởi sự cuộc hành trìnhngày xưa thánh Paul và Antoine đã làm, và kể từ đấy bao nhiêu linh hồn ngoan đạo đã theo gót. Gã trao hết tài sản cho những linh mục để phân phát cho người nghèo, từ biệt bạn bè ở cổng đô thị và ra đi vào sa mạc, xa hẳn cuộc đời xấu xa tội lỗi để sống đời của kẻ sám hối. Nhiều năm trôi qua, gã phơi mình dưới ánh mặt trời nung đốt, cọ xát đầu gối mình lên đá, lên cát trong khi đọc kinh. Gã nhịn đói cho đến khi mặt trời lặn mới ăn vài trái chà là. Ma quỷ quấy phá gã với những trò cám dỗ, nhạo báng, thử thách, nhưng gã đều dẹp được chúng bằng sự cầu nguyện, sám hối, quên mình, như ta thường nghe kể về cuộc đời của những tu sĩ thánh thiện. Suốt nhiều tuần, gã nhìn trừng trừng lên các vì sao, và ngay cả những vì sao cũng đem lại những cám dỗ và gây rối loạn cho gã. Gã theo dõi chúng, vì qua những vì sao, gã biết được những chuyện về thần linhcon người. Những linh mục rất ghét khoa này, nhưng gã thì còn bị ám bởi những tư tưởng, mộng mơ của những ngày nghiên cứu sách ngoại giáo.

Vào thời ấy, ẩn sĩ thường sống tại những chỗ có cây và nước trên sa mạc. Họ ở một mình hoặc quy tụ thành những nhóm huynh đệ như những bức tranh của Pisa mô tả. Họ thực tập sự khó nghèo và tình yêu huynh đệ. Họ đã trở thành những chuyên viên về nghệ thuật "chết dần chết mòn": hành thân hoại thể, chết đi với cuộc đời, đi qua cửa tử để đạt đến Người Cứu Chuộc. Họ được thiên thầnma quỷ ở bên cạnh;họ sáng tác những bài thánh ca, trừ tà đuổi quỉ, chữa bệnh, ban phép lành. Dường như họ có bổn phận đền bù cho sự theo đuổi lạc thú, sự bạo tàn, dục vọng của nhiều đời quá khứvị lai bằng cách tạo ra một lối sống sùng tín cuồng nhiệt, lao mình vào sự từ bỏ, hi sinh. Nhiều người trong số ấy có lẽ ngày xưa đã từng quen thuộc với những lối tu luyện yoga ở Á đông, nhưng dần dà phép yoga và những lối tu tương tự không còn được áp dụng, vì Ki tô giáo bấy giờ càng ngày càng bài trừ những yếu tố ngoại giáo.

Với lối sống khổ hạnh ấy, nhiều nhà tu đã phát triển được một số khả năng đặc biệt như cầu nguyệnlinh ứng, chữa bệnh bằng nhân điện, tiên tri, phù thủy, phê phán và trừng phạt, an ủi, ban phép lành. Với Josephus cũng vậy, một khả năng thần thông dần dần phát triển, và theo thời gian, khi tóc gã đã hoa râm, khả năng ấy cũng đến độ đơm hoa kết trái. Ðó là khả năng lắng nghe mỗi khi một sư huynh hay một đứa bé ngoài đời bị giao động tinh thần, đi đến nơi chàng để kể lể những việc làm, những nỗi khổ tâm, những sự cám dỗ, những lỗi lầm của họ, thuật chuyện đời của họ cho chàng nghe, nói về sự phấn đấu của họ để sống một đời thánh thiện, và những thất bại trong cuộc phấn đấu ấy. Và khi họ kể lể như vậy, thì Josepus biết cách lắng nghe, mở tai và mở lòng đón nhận lấy những khổ đau những nỗi niềm khắc khoải của người kia vào mình, giữ chúng lại, khiến cho người ấy ra về được nhẹ nhàng như vừa trút gánh. Dần dà, sau nhiều năm, công việc ấy đã tóm lấy chàng, biến chàng thành một công cụ, một lỗ tai được mọi người tin cậy.

Những đức tính của chàng là kiên nhẫn, thụ động, sẵn sàng đón nhận và kín đáo tột mức. Càng ngày càng có nhiều người đi đến chàng để thổ lộ tâm can, để vơi đi nỗi sầu khóa kín của họ. Nhưng có nhiều người, sau một hành trình dài để tìm đến túp lều của chàng, vẫn không đủ can đảm. Họ quằn quại trong hổ thẹn, câm nín không muốn nói, thở dài, và im lặng nhiều giờ.

Chàng đối xử mọi người như một, dù họ dốc hết lòng dạ hay nói một cách miễn cưỡng, dù họ lưu loát hay ngập ngừng, dù họ trút những bí ẩn của mình ra một cách giận dữ hay từ tốn. Chàng xem ai cũng như ai, dù họ gán tội cho thượng đế hay cho chính mình, dù họ phóng đại hay thu nhỏ tội lỗi và nỗi khổ đau của mình, dù họ khai ra một vụ giết người hay chỉ là một hành vi thô bỉ, dù họ đau khổthất tình hay vì mất sự cứu rỗi. Josephus không mảy may xúc động khi nghe một người kể chuyện giao thiệp với ma quỷ. Chàng cũng không mất kiên nhẫn khi nghe một người kể lể vòng vo, mà rõ ràng y đang giấu nhẹm chuyện chính yếu. Chàng cũng không lấy làm bực bội khi có người bịa tội ra để xưng. Tất cả những lời than vãn, thú tội, buộc tội, những cơn dản vật lương tâm, được trút hết vào hai lỗ tai chàng như nước thấm vào cát sa mạc. Chàng không phê phán, không thương hại hay khinh rẻ người xưng tội. Vậy mà những người đến xưng tội với chàng không bao giờ có cảm tưởng mình nói vào khoảng trống. Họ được biến cải, được nhẹ nhàng, được cứu chuộc, sau khi kể lể và được chàng lắng nghe. Rất hiếm khi chàng trả lời với một sự khuyên răn hay cảnh cáo, lại càng không bao giờ ra lệnh. Dường như đó không phải việc của chàng, mọi người đến chàng đều cảm thấy thế. Việc của chàng là khơi dậy niềm tin tưởng, thụ động, kiên nhẫn lắng nghe đầy cảm thông, giúp người xưng tội hết ngập ngừng, khiến cho những gì giấu kín trong mỗi linh hồn được dịp tự nhiên tuôn chảy. Và khi nó đã đuợc tự nhiên tuôn trào, thì chàng đón nhận nó và gói kín nó trong im lặng.

Phản ứng chàng luôn luôn là vậy. Sau mỗi thời xưng tội - những tội lỗi ghê gớm cũng như những tội vụt vãnh vô hại, lời xưng tội chân thành cũng như giả dối - chàng thường bảo đương sự quỳ xuống bên cạnh mà đọc kinh Lạy cha. Rồi chàng để họ ra về, sau khi hôn lên trán họ. Bắt phải hành sám hay trừng phạt họ không phải là việc của chàng. Chàng còn không tự thấy đủ tư cách để làm chủ lễ sám theo đúng nghi thức tẩy tội. Phê phán hay tha thứ không phải công việc của chàng. Bằng cách lắng nghe, thông cảm, chàng như muốn san sẻ tội phạm với đương sự, giúp cho y có thể cưu mang nó. Bằng sự im lặng, chàng như muốn chôn lấp cái đã nghe, cho nó thuộc về dĩ vãng. Ðọc kinh với họ sau khi xưng tội, chàng muốn xem y như một người huynh đệ, nhận y làm bằng hữu. Khi hôn trán y, là chàng muốn chúc lành cho y trong tư thế một người anh em hơn là một kẻ bề trên - nghĩa là với tình thân ái hơn là nghi lễ.

Danh tiếng chàng được đồn khắp vùng Gaza và xa hơn. Ðôi khi chàng còn được nhắc nhở đồng lúc với vị ẩn tu vĩ đại, Dion Pugil, đã nổi tiếng trên mười năm trước, và có những khả năng khác hẳn chàng. Cha Dion nổi tiếng là đọc được tâm hồn người đối diện. Ông thường làm cho một người đang do dự không muốn thú tội, phải kinh ngạc, bằng cách nói toắc ra những tội lỗi mà y đang che giấu. Josephus đã nghe hàng trăm giai thoại về vị này, và không bao giờ chàng dám sánh với ông. Cha Dion còn là một cố vấn minh triệt đối với những linh hồn lạc lõng, một quan tòa công minh, một người sửa sai, trừng phạt. Ông đưa ra những hình phạt, như bắt phải đoạn nam căn, bắt đi hành hương, bắt phải kết hôn, buộc những kẻ thù phải giảng hòa. Tóm lại ông có cái uy quyền của một vị giám mục. Mặc dù ông cư trú gần Ascalon, những người ở mãi tận Jérusalem và xa hơn cũng tìm đến ông.

Như phần đông những ẩn sĩ và những nhà khổ tu, Josephus đã sống những năm dài phấn đấu kiệt sức. Mặc dù chàng đã từ bỏ nếp sống Thế tục, bố thí nhà cửa, tài sản, và giã từ đô thị với những cám dỗ của nó, chàng vẫn còn nguyên vẹn cái bản ngã cũ của mình. Trong thể xác và linh hồn chàng, còn đủ tất cả những bản năng có thể đưa con người đến đau buồn và cám dỗ. Lúc đầu chàng chỉ phấn đấu cốt chống lại thể xác, nghiêm khắc với nó, bắt nó nhịn đói nhịn khát, lãnh sẹo và những vết chai sần, cho đến khi nó thành một cái thân tàn ma dại. Nhưng ngay trong cái vỏ khổ hạnh ấy, anh chàng Adam cố hữu vẫn tóm lấy chàng một cách vô sỉ, quấy rầy chàng với những thèm khát ngu ngốc, qua những chiêm bao mộng mơ. Ta đã biết quỷ sứ thường đặt cạm bẫy cho những người khổ tu, những người trốn khỏi cuộc đời.

Bởi thế, mỗi khi thỉnh thoảng người ta đến viếng chàng để tìm nguồn an ủi và để xưng tội, chàng xem sự ấy như một dấu hiệu của ơn trên, một niềm vui cho chàng trong cuộc đời khổ hạnh. Vì như vậy nó làm cho đời chàng mang một ý nghĩa: chàng đã được giao phó một công việc, có thể phụng sự Chúa bằng cách biến mình thành một dụng cụ để đưa những linh hồn đến với Ngài. Ðó là một cảm giác kỳ diệu, làm chàng lên tinh thần. Nhưng với thời gian, chàng thấy ngay cả những nguồn vui của tâm hồn ấy cũng thuộc vào thế tục, và có thể trở thành những cám dỗ, cạm bẫy. Vì mỗi khi một người lữ khách đi bộ hay cỡi ngựa dừng trước hang động của chàng để uống nước, rồi xin chàng nghe anh ta xưng tội, thì chàng lại cảm thấy một sự thỏa mãn, một lạc thú len vào tâm hồn. Chàng cảm thấy hài lòng với chính mình.

Vừa khi nhận ra sự tự hào rỗng tuếch này, chàng bị chấn động một cách sâu xa. Chàng quỳ xin Thượng đế tha thứ, và yêu cầu ngài đừng đưa những người thú tội đến nữa, vì chàng không xứng đáng. Nhưng, khi bẵng một dạo, không ai đến xưng tội, chàng cũng không thấy mình khá hơn chút nào. Và khi có một loạt người kéo đến như nước lũ trở lại, chàng lại bắt gặp mình phạm tội một lần nữa. Sau một thời gian, khi nghe xưng tội, chàng thấy mình đâm ra lạnh lùng, vắng bóng yêu thương, có khi còn khinh bỉ người xưng tội. Chàng cũng chấp nhận những cuộc phấn đấu này. Có những giai đoạn chàng tự sỉ nhục hành hạ mình sau một thời gian nghe xưng tội. Chàng lại đặt ra một quy luật là phải đối xử với mọi người không những như huynh đệ, mà còn phải có niềm kính trọng đặc biệt. Càng ít ưa người nào bao nhiêu, chàng phải kính trọng y bấy nhiêu, vì chàng xem mỗi người như một sứ giả Thượng đế gửi đến để thử mình. Một cách muộn màng, sau nhiều năm, khi gần về già, chàng mới đạt đến một mức độ bình an nào đó. Ðối với những người lân cận, chàng có vẻ là người không lỗi lầm, một người đã tìm thấy bình an trong Thượng đế.

Nhưng sự an bình chính nó cũng là một sinh thể, và như mọi đời sống, nó phải có thăng trầm, phải chịu những thử thách, những chuyển biến. Tình trạng an bình của Josephus cũng vậy. Nó không bền, lúc ẩn lúc hiện, khi thì gần như một cây nến cầm trong tay, khi lại xa vời vợi như một vì sao trong bầu trời đông. Và với thời gian, một loại tội lỗi cám dỗ khác xuất hiện, làm cho sự sống đối với chàng càng lúc càng cam go. Ðấy không phải là một cảm xúc đam mê mạnh mẽ như sự phẫn nộ hay một dục vọng bất chợït. Hoàn toàn trái lại. Ðó là một cảm giác rất dễ chịu đựng trong giai đoạn đầu, vì nó rất khó nhận ra, một tình trạng trong đó không có cơn đau khổ hay thiếu thốn đặc biệt nào, một tình trạng uể oải, hâm hẩm của tâm hồn mà ta chỉ có thể mô tả bằng những từ phủ định như một sự tan biến, một sự tàn tạ, và cuối cùng, là một sự hoàn toàn vắng bóng niềm vui.

Có những ngày trời không nắng mà cũng không mưa, bầu trời cứ lắng xuống một cách lặng lẽ, tự phủ kín lấy nó, nền trời xám mà không đen, âm u, nhưng không có cái vẻ căng thẳng báo hiệu một cơn giông gần kề. Những ngày của Josephus dần dần trở nên giống thế, khi chàng tiến đến tuổi già. Dần dần chàng khó thể phân biệt sáng với chiều, ngày lễ với ngày thường, giờ buồn với giờ vui. Mọi sự trôi lờ lững, nhạt phèo, chán ngấy. Tuổi già là như vậy, chàng buồn bã nghĩ. Chàng buồn, vì chàng đã tưởng rằng, tuổi già, với sự dập tắt những dục vọng, sẽ đem lại cho chàng một sự sáng sủa thoải mái hơn, đưa chàng gần hơn đến hòa điệu và an lạc nội tâm. Thế mà bây giờ tuổi già dường như làm chàng thất vọng, bịp chàng bằng cách cống hiến cho chàng không gì cả ngoài sự trống trải toàn một màu xám ngắt này, cảm thức ngấy chán triền miên này.

Nhất là ngấy chán: chàng ngấy chán hiện hữu rỗng tuếch, chán hơi thở ra vào, chán giấc ngủ về đêm, chán đời sống trong hang động sa mạc, chán cái xoay vần bất tận của chiều rồi sáng, chán những lữ khách, chán những người cỡi lạc đà và lừa, và trên tất cả, chàng vô cùng chán những người đến viếng chàng, những con người băn khoăn ngu ngốc, dễ tin đến độ ngây thơ, những người khao khát kể lể cho chàng nghe cuộc đời họ, những tội lỗi, cám dỗ, sự sợ hãi của họ. Ðôi khi chàng thấy mình như dòng nước nhỏ trong sa mạc chảy qua bãi cỏ một lúc, tạo nên một con suối nhỏ, rồi tiếp tục chảy vào bãi cát ở đó sau một hành trình ngắn ngủi, nó khô cạn và tan mất.

Cũng thế, tất cả những lời thú tội kể lể này, những cuộc đời này, những dằn vật lương tâm này, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc nghiêm trọng hoặc nhỏ nhặt, tất cả đều rót vào tai chàng, hàng tá, hàng trăm, càng lúc càng nhiều. Nhưng lỗ tai chàng không chết cứng như cát sa mạc. Nó đang sống, và nó không thể uống, nuốt, ngấm vào mãi được. Nó phải có lúc cảm thấy mệt mỏi, bị lạm dụng, bị ngập lụt. Nó mong cho cái dòng thác ngôn từ, xưng tội, lo âu, kể lể ấy hãy chấm dứt đi. Nó mong mỏi sự an bình, cái chết, sự tịnh lặng, thay cho dòng thác bất tận này.

Như thế đấy, chàng mong sự chấm dứt. Chàng đã mệt mỏi, đã ngấy chán, đã quá ngấy. Ðời chàng thành ra nhạt phèo, vô giá trị. Tình trạng đâm ra bết đến độ có những lúc chàng muốn chấm dứt, muốn tự trừng phạt, dập tắt mình đi, như kẻ phản chúa Judas đã làm khi tự treo cổ. Quỷ sứ ngày xưa ở đầu chặng đường tu, đã cám dỗ cho dục vọng len vào linh hồn chàng, thì ngày nay lại tấn công chàng bằng ước muốn tự hủy, làm cho chàng lúc nào nhìn cành cây cũng toan tính chuyện mắc vào đó một cái thòng lọng. Mỗi mỏm đá đều gợi ý cho chàng hãy leo lên đỉnh nó mà gieo mình xuống. Nhưng chàng chống lại cơn cám dỗ. Chàng phấn đấu, không nhượng bộ. Tuy thế, ngày như đêm, chàng sống trong ngọn lửa của sự tự ghét và mong được chết đi. Sự sống đối với chàng đã thành quá khả ố không thể chịu đựng.

Một ngày, khi Josephus đứng trên một mõm đá, chàng thấy xa xa giữa đất và trời nổi lên hai ba cái bóng. Rõ ràng đó là những người lữ hành, chắc là hành hương, cũng có thể là những người định tới viếng chàng với những lý do thường lệ. Bỗng chốc một nỗi khát khao không cưỡng được vụt tóm lấy chàng. Chàng muốn rời khỏi nơi này tức khắc, rời khỏi cuộc sống này, càng nhanh càng tốt. Nỗi khát khao quá mạnh đến nỗi nó quét tan ngay những suy tính lợi hại - làm sao một nhà khổ hạnh sùng tín có thể vâng theo một đà thúc đẩy bốc đồng mà lương tâm không ray rứt?

Nhưng chàng đã khởi sự bỏ chạy. Chàng lui về hang động, nơi chàng đã sống nhiều năm phấn đấu, đã trải qua nhiều nỗi hoan lạc và thất bại. Vội vàng, chàng thu nhặt vài nắm chà là, một bầu nước, nhét chúng vào tay nãi mang trên vai, lấy chiếc gậy đi đường, và từ giã khóm cây xanh an bình của am cốc nhỏ, ra đi như một kẻ đào tẩu, trốn chạy cho xa Thượng đế, xa con người, nhất là xa những gì trước kia chàng nghĩ là cái tốt nhất mà chàng có để cống hiến - việc làm, sứ mệnh của chàng.

Lúc đầu chàng chạy như ma đuổi, làm như thể những cái bóng đàng xa kia là những kẻ thù đang rượt theo chàng. Nhưng sau một tiếng đồng hồ dong ruỗi, cơn hấp tấp lắng xuống. Sự vận chuyển làm chàng mệt một cách thích thú. Chàng dừng lại nghỉ nhưng không ăn - chàng đã quen nhịn đói cho đến khi mặt trời lặn. Khi dừng lại nghỉ, lý trí chàng vốn quen phản tỉnh, trở lại nhìn vào cái hành động theo bản năng vừa qua, và tìm cách phê phán. Nhưng nó không chê, mặc dù hành vi ấy trông man rợ thật. Lý trí phán rằng, đây là lần đầu trong nhiều năm nay, chàng đã làm một việc vô tội, vô hại. Ðương nhiên đây là một sự đào tẩu đột ngột, nhưng không phải là đáng hổ thẹn. Chàng đã từ bỏ một chức vụ mà chàng không còn thích hợp.

Bỏ chạy như thế này, chàng đã xác nhận sự thất bại với chính mình, và với Thượng đế đang soi xét. Chàng đã từ bỏ một cuộc phấn đấu vô vọng cứ trở lại với chàng mãi, và đã tuyên bố mình thua cuộc. Không có gì vĩ đại, hào hùng, thánh thiện trong hành vi này, lý trí phán, nhưng nó cũng khá thành thực, và dường như không thể tránh. Bấy giờ chàng ngạc nhiên tại sao mình đào tẩu quá muộn màng, tại sao mình đã đeo đẳng công việc quá lâu đến thế. Chàng thấy mình đã lầm khi đeo đẳng mợt chức vụ mà mình không xứng. Hay là tại cái ngã chấp cố hữu của chàng?

Bây giờ chàng thấy rõ sự đeo đẳng ấy đã đem lại những hậu quả xấu xa tai hại, đã gây ra sự phân hóa rã rời trong tâm hồn chàng, và ngay cả ám ảnh quỷ quái của khuynh hướng tự sát.

Chàng ngồi một lúc lâu đắm chìm trong tư duy, rầu rĩ và hối hận. Bây giờ, chàng nhìn cuộc đời đã qua với một ý thức trọn vẹn, cuộc đời khốn nạn của một người về già đã đi lạc hướng đến độ bị ám ảnh bởi cám dỗ muốn treo mình lên cành cây như kẻ phận chúa. Ý tưởng tự sát ấy thực kinh khủng, khi chàng ví với lễ tục hi sinh ngày xưa của ngoại giáo. Qua lễ tục ấy vị vua, bậc thánh hay người được chọn của bộ lạc phải tự sát vì lợi ích chung. Nhưng âm hưởng của những tập tục vô thần bị cấm chỉ trong Ki tô giáo ấy, chỉ là một phần nhỏ của sự kinh khủng. Cái điều khủng khiếp hơn, chính là tư tưởng cho rằng chung quy, cái chết của Ki tô trên Thập tự giá cũng chỉ là một tự nguyện hi sinh.

Khi chàng có ý tưởng ấy, chàng nhận ra rằng thực sự ý tưởng này đã manh nha trong nỗi khát khao tự hủy: đó là một khuynh hướng hi sinh theo gương Ðấng Cứu thế, và như vậy trắng trợn có nghĩa rằng sự cứu chuộc của Ngài vẫn chưa đủ. Chàng chấn động tâm caný nghĩ ấy, nhưng cũng mừng vì đã thoát khỏi mối nguy. Chàng ngắm nhìn lại một lúc lâu gã Josephus con người thay vì bắt chước kẻ phản Chúa hay bắt chước Chúa, bây giờ đang đào tẩu, và như vậy một lần nữa anh ta tự đặt mình trong tay Chúa. Càng ngẫm đến cái địa ngục vừa thoát khỏi, chàng càng hổ thẹn đau buồn.

Dần dần nỗi đau khổ của chàng ứ đọng nơi cổ như mắc nghẹn, nó trở thành một cảm giác nặng nề làm chàng vô cùng khó chịu, và đột nhiên nó thoát ra trong một trận trào tuôn nước mắt, đã cứu chàng một cách nhiệm mầu. Ðã bao năm rồi, chàng không còn khóc được nữa. Những dòng lệ tuôn ra, mắt chàng mờ đi, nhưng cái cảm giác mắc nghẹn như ai bóp cổ ấy đã dịu xuống. Khi tỉnh lại, nếm vị mặn nơi môi, chàng nhận ra mình đã khóc một trận. Chàng như thấy mình bé bỏng trở lại, không biết gì đến sự xấu ác đau khổ. Chàng mỉm cười, hơi thẹn vì đã khóc.

Cuối cùng chàng đứng lên tiếp tục hành trình. Chàng không biết cuộc đào tẩu này sẽ đưa chàng đến đâu, chàng sẽ ra sao. Mình như một đứa bé, chàng nghĩ, trong mình không còn sự phấn đấu, không c òn ý chí nào nữa. Chàng bước một cách thoải mái, như được ai dẫn dắt, như thể một tiếng gọi từ ái xa xăm đang thúc giục, vỗ về chàng, như thể cuộc hành trình chàng đang làm không phải là một chuyện đào tẩu mà là một chuyện trở về quê hương. Bây giờ chàng đã thấm mệt, cả lý trí cũng đứng yên, an trụ, nghỉ ngơi, hay tự thấy nó không còn cần thiết.

Joseph nghỉ đêm tại một lỗ nước quanh đó nhiều nhóm lữ khách và lạc đà đang hạ trại. Vì trong số ấy có hai phụ nữ, nên chàng chỉ ra dấu chào, tránh bắt chuyện. Khi mặt trời lặn, chàng ăn một ít chà là, đọc kinh rồi nằm xuống nghỉ. Bỗng chàng nghe lõm câu chuyện giữa hai người đàn ông một già một trẻ, vì họ nằm gần. Chàng chỉ nghe một khúc trong cuộc đàm thoại, khúc sau chìm trong tiếng thì thào. Nhưng cái khúc ngắn này cũng đủ gợi tò mò làm chàng trằn trọc cho đến quá nửa đêm. Chàng nghe giọng người già bảo: "Ồ, anh muốn đến xưng tội với mấy thầy tu khổ hạnh thì cũng tốt. Những người đó biết nhiều chuyện, tôi bảo cho mà nghe. Có người biết làm phép ảo thuật nữa. Ông ta chỉ việc hô lên một tiếng, khi thấy một con sư tử phóng ra, tức thì con vật quì xuống, để cái đuôi vào giữa hai chân ông ta, rồi bỏ đi. Họ luyện được cả sư tử đấy, tôi bảo. Có ông tu hành thánh thiện tới nỗi con sư tử mà ông luyện thuần rồi ấy đào huyệt cho ông khi chết, đạp đất thành nấm mộ cho ông, và để hai con sư tử quỳ bên mộ suốt ngày đêm rất lâu sau đó. Nhưng không phải những người ấy chỉ luyện sư tử mà thôi đâu. Có một ông lại còn cho một tên đại đội trưởng một mẫu linh hồn của ông ta. Tên lính ấy là tên côn đồ khả ố nhất ở Ascalon. Nhưng nhà tu đã sửa cái tâm xấu xa của nó Thế nào mà nó chuồn mất, sợ hãi như một con chuột, và phải kiếm cái lỗ để dấu cái tâm ấy. Sau đó người ta không nhận ra nó nữa, nó đã thành hiền khô, lặng lẽ. Một chuyện nữa là, sau đó chẳng bao lâu thì ảnh chết - đó là điều đáng cho ta suy nghĩ." - Ai chết? Nhà tu thánh thiện? - Không! Tên lính. Hắn là Varo. Sau khi được nhà tu sửa trị xong, hắn ra thân tàn ma dại một cách mau chóng - lên cơn sốt hai lần, và ba tháng sau thì thành thây ma. Ôi thôi, hắn chết đi cũng không uổng gì cho lắm. Nhưng dù sao, tôi vẫn thường nghĩ rằng, không phải nhà tu chỉ có đuổi con quỷ ám ra khỏi xác của nó mà thôi. Có lẽ ông còn đọc một bài chú gì đó khiến cho hắn phải nằm xuống ba tấc đất. - Một người thánh thiện mà đi làm chuyện đó sao? Tôi không tin. - Tin hay không mặc kệ bạn, nhưng điều tôi biết là, từ ngày ấy trở đi, thằng chả thay đổi hẳn, như bị bỏ bùa, và ba tháng sau...

Im lặng một lúc. Rồi người trẻ gợi lại chuyện đàm thoại: "Có một nhà khổ tu rất thánh thiện nghe đồn như ở gần đây. Người ta bảo, ổng sống đơn độc cạnh một lạch nước nhỏ trên đường đi Gaza. Tên ông là Josephus Famulus. Tôi đã nghe nhiều chuyện về ông ấy." - "Thật sao? Bạn nghe thế nào?" - "Ông ta là một người thánh thiện kinh khủng, không bao giờ để mắt ngó một người đàn bà. Nếu tình cờ vài con lạc đà đi ngang chỗ ông ta, mà trong đám hành khách có một phụ nữ, thì bất luận nàng có trùm mặt kín mít đến đâu, ông ta cũng nhảy thót vào hang ngay. Khối người đến xưng tội với ổng - hàng ngàn người." - "Tôi chắc ông ta không nổi tiếng lắm đâu, vì nếu ổng nổi tiếng thì làm sao mà tôi không nghe đến ông? Ổng làm được cái thuật gì, cái ông Famulus của anh ấy? - "Thì bác cứ đến mà xưng tội với ổng xem. Tôi, thì tôi cho rằng người ta không hơi đâu mà đến ổng, nếu ổng không thánh thiện và không hiểu biết nhiều. Người ta kể rằng, ổng không nói gì cả, không rầy la, không xua đuổi ai, không ra hình phạt hay bất cứ gì. Nghe nói ổng rất hiền lành và khiêm tốn. -"Nhưng nếu ổng không rầy la, không trừng phạt, không mở miệng nói, thì ổng làm gì?" -"Người ta bảo, ổng chỉ lắng nghe, thở dài và làm dấu thánh." - "Tôi e rằng đấy là một lão thánh bịp. Bạn không điên tới nỗi đi viếng lão câm ấy chứ?" -"Tôi đang tính chuyện ấy. Tôi sẽ tìm đến ông ta. Chắc ổng ở không xa đây lắm. Bác biết, hồi chiều có một thầy tu khốn khổ đứng gần chỗ này. Sáng mai tôi sẽ hỏi ông ta. Mà chính ổng cũng giống như là một nhà ẩn tu thì phải."

Người già phản đối: -"Bạn phí thì giờ vô ích, bạn ơi. Một người chỉ có lắng nghe và thở dài, và lại sợ đàn bà thì không làm được cái thá gì đâu, không hiểu biết gì hết trọi. Không! Ðể tôi chỉ cho bạn nên đến người này. Người ấy ở cách đây hơi xa, nhưng ông ta là nhà ẩn sĩ, người giáo đạo tốt nhất Thế giới. Tên ông là Dion, người ta quen gọi ổng là Dion Pugil - có nghĩa là người thoi đấm, vì ổng đánh ngay vào ma quỷ, và khi người nào đến xưng tội, thì bạn ơi, Pugil không có thở dài đâu. Ổng sửa cho người kia một mẻ. Người ta đồn rằng ổng thật sự cho ăn đòn cho đến bầm tím, bắt quỳ gối trần trên đá suốt đêm, bắt bỏ tiền ra bố thí. Khi ổng nhìn bạn, bạn phải run bắn người lên, vì đôi mắt ổng xoáy vào người bạn. Không có chuyện thở dài. Nếu một người nào đó mất ngủ, hay bị ác mộng, thấy ma quỷ, Pugil sẽ chữa y khỏi ngay, tôi bảo. Không phải tôi chỉ nghe đồn mà thôi đâu nhé, tôi biết rõ, vì tôi đã đích thân đến nơi ông ta. Vâng, tôi đã đến. Có lẽ tôi là một thằng ngu, nhưng tôi đã đến nhà ẩn sĩ Dion, con người của Thượng đế. Tôi đến trong nỗi đau khổ, tội lỗihổ thẹn tràn đầy lương tâm, mà khi về tôi trở thành sáng sạch như ngôi sao mai một thứ. Ðó là chuyện thật một trăm phần trăm. Hãy ghi nhớ tên ông ta, Dion, thường gọi là Pugil. Bạn nên đến ổng càng sớm càng hay, rồi bạn sẽ ngạc nhiên kinh khủng. Những quận trưởng, cha xứ, giám mục cũng tìm đến ông ta để xưng tội nữa kia đấy. "

Người trẻ nói: - Vâng, lần khác ngang vùng đó tôi sẽ tính. Nhưng hôm nay là hôm nay, và chỗ này là chỗ này. Vì hôm nay tôi đã đi ngang chỗ này, mà nhà ẩn tu Josephus cư trú gần đây, và vì tôi đã nghe nhiều tiếng tốt về ổng... - Tốt à? Cái gì làm cho bạn thích ý nơi lão ấy? - Tôi thích cái kiểu ổng không rầy la quở trách ồn ào. Ðấy, tôi thích thế đấy. Tôi không phải là một tên đại đội trưởng, cũng không phải giám mục địa phận hay gì hết. Tôi chỉ là một con số không. Và tánh tôi cũng khá rụt rè, nhút nhát, tôi không chịu nổi sự quở trách phẫn nộ. Lạy chúa, tôi không có gì phản đối việc cư xử nhã nhặn. Trái lại, tôi chịu kiểu đó lắm.

- Ðối xử nhã nhặn! Chịu cái kiểu đó! Nếu bạn đã xưng tội, đã hành sám xong, đã chịu hình phạt và nhận lễ tẩy tội thì cũng có thể đối xử nhã nhặn với bạn được đi. Nhưng không thể nhã nhặn, lịch sự với bạn, khi bạn còn đầy tội lỗi, dơ dáy, hôi hám như một con chồn...

- Ðược rồi, được rồi, nói khẽ chứ. Người ta đang ngủ kìa. Bỗng chốc, người đàn ông trẻ cười khúc khích: - Ồ, nhân tiện, tôi cũng vừa nhớ ra một chuyện ngộ nghĩnh, tức cười về ông ta. - Ông nào? - Ông Josephus ấy. Bác biết, sau mỗi lần nghe xưng tội xong, ông thường bảo đương sự quỳ xuống đọc kinh, ban phép lành cho y, và trước khi từ biệt, ổng còn hôn lên má hay trán y một cái. - Thật sao? Vậy thì chắc chắn ổng mắc phải những thói tất kỳ cục. - Và bác biết không, ổng rất ngại phụ nữ. Người ta kể, có dạo một cô gái điếm ở vùng lân cận cải nam trang đến viếng ông ta, ổng không để ý, cứ lắng nghe nàng tán dóc về những tội lỗi bịa đặt, và khi nàng chấm dứt, ổng cúi chào nàng rồi trịnh trọng đặt lên má cô ả một chiếc hôn."

Người đàn ông già bật cười thích ý, người kia phải vội vàng xuỵt cho ổng cười nhỏ bớt, rồi sau đó Josephus không nghe thêm được gì ngoại trừ chuỗi cười bị dồn nén còn tiếp tục một lúc.

Chàng nhìn lên trời: Vừng trăng lưỡi liềm treo lơ lửng, mảnh mai và sắc cạnh ở bên kia những ngọn dừa. Chàng run bật vì khí đêm rét buốt. Thật lạ lùng, - như là soi mặt vào một tấm gương méo lệch - khi nghe những người lái lạc đà này kháo chuyện về chàng và công việc chàng làm, mà chàng vừa từ bỏ. Lạ, song nó cũng dạy cho chàng rất nhiều. À, thì ra một gái điếm đã chọc quê chàng như thế đấy. Ðiều ấy tuy vậy vẫn chưa phải là cái điều tệ nhất, mặc dù nó cũng khá tệ thực. Chàng nằm một lúc lâu, suy nghĩ về cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông vừa rồi. Mãi đến quá khuya, chàng mới nhắm mắt ngủ được, sau khi đã đi đến một quyết định. Với quyết định này dán chặt trong tâm, chàng đã ngủ thiếp cho tới sáng.

Quyết định đó là, chàng sẽ làm cái việc mà người đàn ông trẻ không chịu làm - theo lời khuyên của người bạn già, đến viếng Dion, người mà chàng đã nghe danh tiếng nhiều năm nay, người mà suốt đêm qua chàng nghe được người kia tán dương nhiệt liệt. Vị thầy giáo đạo, vị cố vấn, quan tòa nổi tiếng ấy chắc chắn sẽ khuyến cáo, phê phán, trừng phạt chàng, chàng sẽ xem ông ta như phát ngôn nhân của Thượng đế, và sẽ tuân phục bất cứ mệnh lệnh nào của ông ta.

Chàng ra đi khi hai người kia còn ngủ, và sau một hành trình mệt nhọc, chàng đến một nơi có nhiều nhà ẩn tu đang cư trú. Từ chỗ này chàng hi vọng có thể đi đến Ascalon.

Nơi chàng ghé vào lúc sẩm tối là một cụm rừng nhỏ trong sa mạc. Chàng trông thấy những cây cao lớn, nghe tiếng dê kêu, và nhận ra dạng những mái nhà giữa những bóng cây xanh. Chàng cũng cảm thấy có sự hiện diện của con người. Khi ngập ngừng tiến đến, chàng có cái cảm giác như đang bị người dòm ngó, theo dõi. Chàng dừng lại, nhìn quanh. Dưới một cây cao, chàng trông thấy một người ngồi, lưng thẳng đuột. Ðó là một ông già râu bạc, gương mặt khả kính nhưng nghiêm nghị khắc khổ, đang nhìn chàng chòng chọc. Rõ ràng người ấy đã nhìn chàng từ lâu. Ðôi mắt ông sắc bén, cứng cỏi, nhưng không biểu lộ điều gì. Ðó là đôi mắt của một người có thói quen quan sát không vì tò mò hay tình cảm, mà chỉ nhìn người và vật để tìm ra bản chất thực của chúng, không mời mọc cũng không lôi cuốn ai.

- Kính Chúa trọn lành! Josephus thốt lên.

Ông già đáp lại bằng một tiếng thì thầm. Joseph hỏi:

- Xin lỗi ngài, ngài là một lữ khách, hay ngài ở ngay tại khóm rừng đẹp này?

- Khách.

- Vậy thưa ngài, có lẽ ngài có thể cho con biết, từ đây có thể đi đến Ascalon chăng?

- Có thể.

Ông già đứng lên, khổ người ông cao lớn khổng lồ. Ông nhìn ra khoảng trống mênh mông của sa mạc. Joseph đoán ông già khổng lồ này không thích chuyện vãn, nhưng chàng vẫn đánh bạo hỏi thêm:

- Xin đức Cha cho con hỏi thêm, chỉ một câu nữa thôi, thưa đức Cha. Chàng lễ phép nói, và thấy đôi mắt ông xoay vào, tập trung nhãn lực nơi chàng, nhìn một cách lạnh lùng, chăm chú. "Ðức Cha có tình cờ biết đức Cha Dion, thường gọi là Pugil, hiện giờ ở đâu không?"

Ðôi mày người lữ khách nhíu lại, và tia mắt ông lạnh lùng thêm một chút. Ông đáp cộc lốc:

- Tôi biết y.

Joseph la lên:

-Ðức Cha biết được vị ấy à? Ồ, xin đức Cha bảo cho con, vì chính con đang muốn tìm đến nơi Người.

Từ chiều cao khổng lồ, ông già nhìn xuống chàng từ đỉnh đầu đến gót chân. Ông không vội trả lời. Cuối cùng, ông bước lui về gốc cây ban nãy, từ từ ngồi xuống tựa vào thân cây trong tư thế như cũ. Ông phác một cử chỉ ra hiệu cho Joseph ngồi xuống. Chàng vâng theo. Khi ngồi xuống, chàng cảm thấy hai chân rã rời, nhưng vội quên đi cảm giác ấy để chú mục trọn vẹn vào ông già đang đăm chiêu trong thiền định. Trên gương mặt khả kính ấy có một vẻ gì nghiêm khắc, thiếu thân mật, nhưng ngoài vẻ ấy ra còn có một vẻ khác, gần như một gương mặt khác, một chiếc mặt nắ trong suốt được chồng lên. Ðó là bóng đáng một nỗi đau khổ cô đơn cổ kính, mà vì kiêu hãnh và vì vai vệ ông, ông không tiến bày tỏ cho ai.

Một lúc lâu, đôi mắt ông già mới quay nhìn chàng. Ông trở lại cái nhìn xoi mói, và bật hỏi với một giọng đầy oai vệ:

- Ông là ai?

- Con là một kẻ khổ tu đã nhiều năm từ bỏ thế tục.

- Chuyện đó ta cũng thấy được. Ta hỏi ông là ai?

- Tên con là Josephus Famulus.

Khi chàng khai tên, ông già không cử động, nhưng hai mày ông nhíu lại gần nhau hơn, đến nỗi đôi mắt ông gần như biến dạng. Ông có vẻ kinh ngạc, xao xuyến hay thất vọng vì cái mẩu tin mới vừa nhận, hay chỉ vì ông mỏi mắt như những người già thường bị? Dù sao, ông vẫn ngồi hoàn toàn bất động, nhắm mắt một hồi, và khi ông mở ra lại, thì tia nhìn dường như đổi mới, trông già hơn, cô độc hơn, đau đớn hơn. Từ từ, ông mở miệng hỏi:

- Ta đã nghe về ông. Có phải ông là người mà mọi người tìm đến để thú tội không?

Joseph ngượng ngùng đáp phải. Chàng cảm thấy sự nhận diện này không mấy tốt đẹp. Lần thứ hai trên đường đi, chàng phải xấu hổ chạm mặt với danh tiếng mình.

Ông già lại hỏi, với cái lối nghiêm nghị cố hữu:

- Thế ra bây giờ ông lại tìm đến Dion Pugil à? Ông muốn gì nơi lão ấy?

- Con muốn xưng tội với Người.

- Ông mong được cái gì từ nơi việc làm ấy?

- Con không biết. Con tin tưởng nơi Người. Dường như một tiếng gọi trên cao đã giục con đến nơi Người.

- Sau khi ông thú tội với Người, thì sao nữa?

- Thì con sẽ làm bất cứ điều gì mà Người khuyến cáo, con sẽ tuân theo mệnh lệnh Người.

- Nhưng nếu Người khuyến cáo sai, ra lệnh sai?

- Con sẽ không đặt vấn đề đúng sai, mà chỉ có tuân phục.

Ông già không nói gì thêm nữa. Mặt trời đã lặn, một con chim kêu lên trong khóm lá. Vì ông già cứ im lặng mãi, Joseph bèn đứng lên. Chàng ngập ngừng trở lại câu hỏi ban nãy:

- Ðức Cha bảo rằng Ngài có biết chỗ ở của đức Cha Dion. Ðức Cha có thể chỉ đường cho con đi đến đấy?

Môi ông già nhíu lại trong dáng một nụ cười yếu ớt. Ông hỏi:

- Ông có nghĩ rằng Người sẵn sàng đón tiếp ông?

Hơi ngạc nhiên trước câu hỏi ấy, chàng không trả lời, chỉ luống cuống đứng đấy một lúc. Cuối cùng chàng nói:

- Con có thể hi vọng gặp lại đức Cha?

Ông già gật.

- Ta sẽ ngủ đây, và lưu lại một lúc sau khi mặt trời mọc. Bây giờ, ông hãy đi đi, trông ông đã mệt và đói.

Chàng kính cẩn cúi chàotiếp tục đi. Khi đêm đến, chàng xin trú ẩn nơi trú xứ của một nhóm sư huynh sống đời khó nghèo để trầm tư mục tưởng. Chàng được cho nước uống, thức ăn và một chỗ ngủ. Vì chàng quá mỏi mệt, các sư huynh tha hỏi chuyện chàng. Một vị đọc kinh trong khi những vị khác quỳ xuống, rồi tất cả đồng thanh nói "Amen".

Vào một lúc khác, thì có lẽ cộng đồng nhưng sư huynh khổ tu này đã là một nguồn vui đối với chàng, nhưng bây giờ, chàng chỉ có một mục đích trong tâm trí, nên khi trời sáng, chàng đã vội vã trở lại chỗ ông già. Ông đang nằm ngủ trên đất, cuộn người trong một chiếc chiếu mỏng. Chàng ngồi xuống một gốc cây bên cạnh chờ ông thức dậy. Ông già tỉnh giấc, ra khỏi chiếu, và đứng lên một cách vụng về, duỗi thẳng tay chân rồi lại quỳ xuống đọc kinh. Khi ông đứng lên, chàng đến gần lặng lẽ cúi chào. Ông hỏi:

- Ông đã ăn cái gì chưa?

- Thưa không. Con thường chỉ ăn ngày một bữa, sau khi mặt trời lặn. Ðức Cha có đói không, thưa đức cha?

- Chúng ta đang đi đường dài, mà ông và tôi không còn là thanh niên nữa. Tốt hơn ta nên ăn cái gì trước khi tiếp tục.

Chàng mở bao lấy ra một ít chà là và khúc bánh chàng nhận được từ các sư huynh đã cho chàng nghỉ đêm. Hai người cùng ăn, và sau khi ăn xong, ông già bảo:

- Bây giờ, chúng ta có thể lên đường.

Josephus vui mừng kêu lên:

- Ồ, đức Cha cùng đi với con?

- Ðương nhiên. Ông đã bảo tôi dẫn ông đến Dion mà. Ði.

Joseph ngước nhìn ông, ngạc nhiên sung sướng: "Cha tử tế quá." Chàng toan tìm những lời trịnh trọng để cám ơn, nhưng ông già khoác tay:

- Chỉ có Thượng đếnhân từ, tử tế. Và yêu cầu ông đừng gọi tôi là Ðức cha, là Ngài nữa đi. Có gì phải lịch sự, lễ phép giữa hai ẩn sĩ già nua như chúng ta?

Ông già bước những bước dài, và chàng phải cố để theo kịp ông. Mặt trời đã lên cao. Người hướng đạo này như đã rành đường lối, và hứa với chàng rằng đến trưa, họ sẽ tới một nơi im mát để nghỉ vào những giờ oi ả nhất trong ngày. Rồi hai người im lặng bước.

Sau nhiều giờ đi dưới mặt trời nóng cháy, họ đến một chỗ nghỉ ngơi, và nằm xuống trong bóng cây. Josephus lại hỏi người dẫn đường, còn đi bao nhiêu ngày nữa họ mới đến được nơi cha Dion. Ông già nói:

- Chuyện ấy tùy thuộc nơi ông.

Chàng kêu lên:

- Tùy nơi con ư? Thế thì con muốn đứng trước mặt Người ngay bây giờ!

Ông già có vẻ không muốn nói chuyện nữa, nên đáp cộc lốc: "Ta sẽ xem" rồi nằm nghiêng lại, nhắm mắt. Josephus không muốn ở trong tư thế quan sát ông trong lúc ông ngủ, nên chàng lặng lẽ quay sang phía khác, nằm xuống ngủ thiếp. Ðêm qua chàng đã thức trắng. Ông già thức chàng dậy khi tới lúc khởi hành. Xệ trưa, họ đi đến một noi có nước, cây cối và bãi cỏ. Họ uống nước, tẩy trần xong, ông già quyết định dừng chân. Josephus rụt rè phản đối:

- Cha bảo rằng chỉ tùy thuộc nơi con, cái việc con muốn gặp cha Dion sớm hay muộn. Vậy, con muốn tiếp tục đi nhiều giờ nữa, để con có thể gặp Người ngay hôm nay hoặc ngày mai.

Ông già nói:

- Không, hôm nay ta đã đi khá nhiều rồi.

Josephus nói:

- Xin Cha tha thứ, nhưng lẽ nào Cha không thấy được sự nôn nóng của con?

- Ta thấy, nhưng nôn nóng cũng vô ích mà thôi.

- Vậy thì tại sao Cha bảo chỉ tùy thuộc nơi con?

- Chính thế. Khi ngươi đã chắc chắn muốn xưng tội, thì ngươi có thể làm ngay.

- Ngay hôm nay?

- Ngay hôm nay.

Ngạc nhiên, Josephus nhìn chòng chọc vào gương mặt già nua an tịnh. Chàng kêu lên:

- Có lẽ nào! Thì ra chính Cha là Cha Dion?

Ông già gật, và nói với giọng từ ái:

- Hãy nghỉ lại đêm dưới gốc cây, nhưng đừng ngủ. Ngươi cần định tịnh lại, và ta cũng sẽ nghỉ ngơi và định thần. Rồi ngươi có thể nói cho ta nghe những gì ngươi muốn nói.

Thế là Josephus đột nhiên thấy mình đã tới đích. Bây giờ, chàng ngạc nhiên sao mình không nhận ra người ấy sớm hơn, trong khi đi bên ông suốt cả ngày. Chàng bước lui ra quỳ gối đọc kinh, và làm lắng xuống những tư duy. Sau một tiếng đồng hồ, chàng trở lại và hỏi Dion đã sẵn sàng chưa.

Và bây giờ chàng có thể xưng tội. Tất cả những gì chàng trải qua bao nhiêu năm nay, những gì từ lâu như đã mất hết ý nghĩa, bây giờ tuôn ra trong lời kể lể, than phiền, tự buộc tội - đó là toàn thể cuộc đời chàng, một nhà khổ hạnh Ki tô giáo, một cuộc đời chàng định dùng cho sự thanh luyện bản thân, sự thánh hóa, nhưng rốt cuộc chỉ thành một mớ bòng bong, rối ren mờ mịt, đầy những thất vọng, chán chường. Chàng nói đến kinh nghiệm mới nhất của mình: sự đào tẩu, cảm giác nhẹ nhõm, niềm hi vọng mà cuộc đào tẩu đã đem lại cho chàng, làm thế nào chàng đã quyết định tìm đến cha Dion; kể chuyện gặp gỡ đêm trước, cảm tưởng yêu thươngtin cậy của chàng đối với ông già, mà đôi khi chàng thấy hơi lạnh lùng, quái đản.

Mặt trời đã thấp khi chàng chấm dứt. Cha Dion đã lắng nghe chăm chú từ đầu đến cuối, không một lần ngắt lời hay đặt câu hỏi. Ngay cả khi cuộc xưng tội đã chấm dứt, ông cũng không thốt lời nào. Ông từ từ đứng lên, nhìn chàng một cách thân mật, rồi cúi xuống hôn chàng và làm dấu thánh giá trên người chàng. Chỉ về sau, chàng mới nhận ra đó là những điều mà chính chàng đã làm cho những người đến xưng tội với chàng trước kia.

Sau đó họ cùng ăn uống, đọc kinh và nằm xuống ngủ. Josephus suy nghĩ một lúc. Thực tình, chàng đã tưởng mình sẽ nghe một bài thuyết giảng nghiêm khắc, nhưng sự thể vừa rồi cũng không làm chàng khó chịu hay thất vọng. Cái nhìn và cái hôn thân mật của cha Dion đã nâng đỡ chàng. Chàng cảm thấy nội tâm an tịnh, và đánh một giấc ngủ bình an.

Không phí lời, sáng hôm sau ông già đưa chàng đi theo. Hôm ấy họ đi một quãng đường khá xa, và sau bốn năm ngày đường họ tới căn lều của Dion, nơi đây họ lưu trú. Josephus giúp Dion trong những công việc hàng ngày, và dần dần quen thuộc với chương trình hàng ngày của ông và san sẻ với ông chương trình ấy. Nó không khác gì lắm với đời sống mà chàng đã sống trong nhiều năm qua, chỉ trừ một điều là bây giờ chàng không còn ở một mình. Chàng sống dưới bóng mát che chở của một người khác, và chính vì lẽ đó, đời sống này hoàn toàn khác hẳn. Từ những vùng lân cận, từ Ascalon và những nơi xa xôi, những người hành hương lũ lượt kéo đến xưng tội. Lúc đầu, Josephus vội vàng rút lui khi thấy những người ấy đến, và chỉ xuất hiện sau khi họ đã ra về. Nhưng cha Dion thường gọi giật chàng lại, sai mang nước hoặc làm những việc vặt ở quanh quẩn, ông sai chàng như người ta sai đầy tớ. Sau một thời gian, chàng dần quen thuộc với sự tham dự những lễ xưng tội và nghe kể lể, trừ khi chính người xưng tội phản đối sự hiện diện của chàng. Nhưng phần đông những người ấy đều vui mừng, mỗi khi không phải ngồi hay quỳ trước mặt một mình ông già Pugil đáng sợ kia. Họ cảm thấy an tâm khi có mặt người phụ tá lặng lẽ từ bi của ông. Bằng cách ấy, Josephus dần quen với kiểu làm việc của Dion, cách ông lắng nghe người thú tội, cách ông khuyên nhủ, quở trách, trừng phạt, can thiệp, cố vấn. Họa hoằng lắm chàng mới đánh bạo đặt câu hỏi với Dion, như chàng đã làm một ngày kia, sau khi một người trí thức đến thăm viếng họ, nhân dịp đi ngang qua đấy.

Người ấy, như ta thấy rõ qua câu chuyện của y, thường giao tiếp với những nhà chiêm tinh và phù thủy. Anh ta nói năng hùng hồn, lưu loát về những vì sao, về cuộc hành trình mà tất cả mọi ngườithần thánh đều phải thực hiện suốt đời kiếp, qua mười hai cung hoàng đạo. Gã nói về Adam, con người đầu tiên, và chủ trương rằng ông ta với chúa Kitô bị đóng đinh chỉ là một; gã gọi sự cứu rỗi là "Cuộc di chuyển của Adam từ cây Tri thức đến cây Nhân sinh", còn con rắn ở thiên đường thì gã bảo đó là kẻ chăn giữ dòng suối thiêng, từ nguồn nước đen sâu thẳm của nó đã phát sinh tất cả hình tượng, thần linh, người và vật.

Dion lắng nghe gã một cách chăm chú, gã xổ tiếng Hi lạp khá nhiều. Josephus ngạc nhiên trước sự kiên nhẫn của ông già. Quả thế, chàng lấy làm khó chịu vì Dion không quạt cho gã một trận, mà lại chịu khó ngồi nghe gã lập luận một cách sai lạc vô thần. Anh chàng độc diễn láu cá này dường như lại còn được cảm tình của ông lão, làm ông khoái chí nữa là khác. Vì không những ông nghe gã một cách say sưa, mà thỉnh thoảng còn gật gù mỉm cười tỏ vẻ hài lòng.

Sau khi gã ra về, Josephus hăng hái hỏi ông, với giọng hơi trách móc:

- Tại sao cha có thể lắng nghe một cách bình tĩnh , lý thuyết sai lạc của kẻ vô thần bất tín đó? Con thấy cha không những kiên nhẫn nghe hắn, mà còn hơi có thiện cảm và tán đồng nữa. Tại sao cha không cãi lại y, không bài xích y, đập cho tan những luận điệu sai lầm của y, và kéo y trở về đức tin vào Ðấng Cứu Thế của chúng ta?

Ông già lắc chiếc đầu hói trên cần cổ nhăn nheo:

- Ta không bài xích y vì vô ích, hay đúng ra, vì ta không thể bài bác y được. Về tài ăn nói, lập luận, về kiến thức thần bí và về khoa chiêm tinh, người ấy vượt hẳn ta. Ta không thể nào thắng gã trong cuộc tranh biện. Và hơn nữa, này con, không phải việc của chúng ta để đi bài xích những tin tưởng của người khác, bảo cho y biết điều y tin tưởngsai lầm, láo khoét. Ta công nhận đã nghe y với niềm tán thưởng. Ta thích cái kiểu nói năng hoạt bát của y. Y hiểu biết khá nhiều chuyện, và nhất là y gợi cho ta nhớ lại thời trẻ trung, ta cũng đã dành khá nhiều thì giờ để nghiên cứu những chuyện ấy. Những chuyện thần thoại mà y say sưa bàn đó không bí hiểm gì. Ðó là những ý tưởngẩn dụ của mợt tôn giáochúng ta không còn cần đến, vì chúng ta đã có được đức tin vào Chúa Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất. Nhưng đối với những người chưa tìm được đức tin của chúng ta, mà có lẽ không bao giờ tìm được, thì những tin tưởng của họ phát xuất từ nền minh triệt cổ truyền của tổ tiên họ, cũng đáng được kính trọng. Dĩ nhiên đức tin của chúng ta hoàn toàn khác họ. Ðức tin chúng ta không cần đến những lý thuyết về tinh tú, về thời kiếp, về nguồn nước đầu tiên, về những bà mẹ vũ trụ và những biểu tượng tương tự. Nhưng thế không có nghĩa là những lý thuyết kia đều sai lạc, lừa dối.

Josephus cãi:

- Nhưng đức tin của chúng ta cao hơn, và chúa Kitô chết cho tất cả. Bởi thế kẻ nào đã được biết Ngài đương nhiên phải chống lại những lý thuyết lỗi thời và thay Thế bằng nền giáo lý đúng, mới.

- Chúng ta đã làm chuyện ấy lâu xa về trước, con, ta và nhiều người khác đã làm. Chúng tađức tin, chúng ta tin vào quyền năng Ðấng Cứu Thế và cái chết của ngài để cứu rỗi tất cả. Nhưng những người xây dựng huyền thoại và nền thần học từ những thuyết cựu truyền, thì không tin vào quyền năng ấy, hay chưa tin, và ta không thể bắt buộc họ phải tin. Này Joseph, con có thấy anh chàng say mê huyền thoại ấy nói chuyện khéo léo, đặt ví dụ một cách tài tình không? Và có thấy y rất hài lòng về kiến thức của y đối với những hình ảnh và biểu tượng? Ðó là dấu hiệu chứng tỏ y chưa bị nỗi đau khổ nào áp bức, y đang thỏa mãn, mọi sự đối với y đều tốt đẹp. Chúng ta không có gì để nói với những người mà đối vối họ, mọi sự đang thuận buồm xuôi gió. Muốn cho một người cần tới sự cứu rỗi và đức tin cứu rỗi, muốn cho y rũ bỏ niềm tin cũ mà đặt cọc hết những gì y có, vào ván bài tin tưởngPhép lạ cứu rỗi, thì y phải từng trải một cơn đau khổ ê chề, quả vậy, y phải đến bước đường cùng. Y phải trải qua buồn đau, thất vọng, chua cay, chán nản. Nước phải ngập cho tới cổ y mới được. Không, Josephus, ta phải để cho nhà bác học vô thần kia ở yên trong hạnh phúc của y, với những tư tưởng, triết lý, tài hùng biện của y. Có lẽ ngày mai, hay một năm sau, hay mười năm sau, một biến cố gì xẩy đến đập tan tành những triết lý, nghệ thuật của y, như bị người yêu phụ tình hoặc con trai độc nhất của y bị giết hay y lâm vào cảnh khốn cùng bệnh tật. Khi ấy, nếu gặp lại y, ta sẽ cố giúp y, nói cho y rõ làm thế nào chúng ta đã chiến thắng được đau khổ. Và nếu y có hỏi tại sao ông không bảo tôi hôm qua, hay mười năm về trước, thì ta sẽ đáp: "Tại vì lúc ấy bạn đang may mắn."

Ông chìm vào im lặng một lúc. Ðoạn, như thể gợi lại mộng mơ thời dĩ vãng, ông thêm:

- Chính ta cũng đã từng chơi với những nền triết học, ngay cả sau khi ta đã đi trên con đường của Thập tự giá, thần học cũng cũng thường làm ta khoái thích, mà cũng đem lại cho ta khá nhiều đau buồn. Ta thường suy nghĩ về thuyết Sáng thế. Ta nghĩ rằng, sau công cuộc sáng tạo thế giới, mọi sự đáng lẽ phải tốt đẹp, vì Thánh kinh bảo: "Thượng đế ngắm nhìn mọi thứ Ngài đã tạo ra và ô kìa, tất cả đều rất tốt đẹp." Thế nhưng kỳ thực nó chỉ tốt đẹp một lúc đầu, cái giai đoạn thiên đường. Ngay giai đoạn kế đó, tội lỗi và sự rủa nguyền đã len lỏi vào sự toàn hảo, vì Adam đã ăn trái từ cây cấm. Có những bậc Thầy bảo: Ðấng thượng đế tạo ra thế giớiđồng thời còn tạo thêm Adam với cây Tri thức thì không phải là một với Ðấng thượng đế duy nhất, mà chỉ là một phần của Ngài, một vị thần thấp hơn, một Giả thượng đế. Sự sáng thế không tốt đẹp gì cả, họ bảo, mà chính là một sự thất bại, và bởi thế sinh vật được sáng tạo phải bị rủa sả, bị sự Ác thắng lướt trong một thời gian dài cho đến khi vị Thượng đế thật duy nhất quyết định chấm dứt thời gian bị nguyền rủa ấy bằng cách gửi xuống trần Người con của Ngài. Sau đó, họ bảo, và ta cũng đã nghĩ như họ- vị Giả thượng đế cùng với sự sáng tạo của ông ta khởi sự tàn tạ, thế giới sẽ suy sụp dần cho đến một thời kiếp mới trong đó không còn sự sáng thế, không có thế giới, không có xác thịt, dục vọngtội lỗi, không còn sinh, chết, một thế giới tâm linh thuần túy, toàn hảo. Một thế giới được cứu chuộc sẽ khởi sinh, hoàn toàn không có sự nguyền rủa Adam, không có sự vịnh viễn lưu đàyHỏa ngục, không có những cám dỗ của tham lam, truyrền giống, sinh và tử. Chúng ta trách cứ vị Giả thượng đế nhiều hơn là trách cứ Adam, con người đầu tiên, chính vị ấy phải chịu trách nhiệm vì những xấu xa hiện tại trong thế giới. Chúng ta nghĩ, nếu vị ấy là Thượng đế thực, thì ngài phải tạo ra một Adam khác hẳn, hoặc tránh cho y những cám dỗ. Và bởi thế, sau khi lập luận, ta có đến hai thượng đế: một thượng đế sáng tạo, và một thượng đế thu?n túy tâm linh.

Lại có một số bạn bè ta thuở đó còn đi xa hơn, lập luận rằng sự Sáng tạo không phải là tác phẩm của Thượng đế gì cả, mà chính là của quỷ sứ. Chúng ta tưởng những lý luận sắc bén của mình sẽ thuận lợi cho việc xuất hiện của Ðấng Cứu rỗi và thời kiếp tâm linh sắp đến, nên cứ bàn bạc cho ra những thượng đế, những thế giớikế hoạch vũ trụ. Chúng ta tranh luận sôi nổi về thần học cho đến một ngày kia ta ngã bệnh nguy kịch. Trong cơn mê sảng, vị Giả thượng đế vẫn ám ảnh tâm trí ta, ta gây chiến với ông và thổ huyết. Những ảo tượng và ác mộng càng lúc càng ghê rợn, tới nỗi có một đêm cơn sốt hoành hành, ta nghĩ ta phải giết mẹ để cởi bỏ cái nguồn gốc xác thịt của ta đi. Quả thế, khi ta mê sảng, quỷ sứ đã chặp lên ta tất cả những móng vuốt của nó. Nhưng rồi ta bình phục, và bạn bè ta thất vọng mà thấy ta sau khi chết đi sống lại đã hóa thành một người câm lặng, ngu đần, không ham lý luận nữa. Suốt những ngày đêm trong thời gian phục hồi sức khỏe, ta ngủ thật nhiều, và mỗi khi thức dậy ta luôn luôn thấy Ðấng Cứu chuộc đang đứng bên ta. Ta cảm thấy sức mạnh tuôn ra từ Ngài rót vào trong ta, và khi trở lại khỏe mạnh, ta vô cùng buồn bã vì không còn cảm thấy sự hiện diện của Ngài. Ta có niềm khát khao mãnh liệt được thấy lại Ngài, và xem nỗi khát khao ấy như là cái gì quý báu nhất ta từng có. Nhưng khi ta khởi sự nghe lại những cuộc thảo luận, ta cảm thấy nỗi khát khao ấy bị lâm nguy, nó muốn tan biến, chìm vào trong tư tưởng, ngôn từ như nước ngấm vào cát. Tóm lại, đó là kết thúc của sự khôn lanh tri thức và nền thần học nơi ta. Kể từ đấy, ta là một linh hồn giản dị, ngu ngốc. Nhưng ta không khinh bỉ, cũng không quyến rũ những người giỏi lý luận và đang chơi những trò chơi mà chính ta cũng đã từng say mê. Cũng như ta đành để mối liên hệ khó hiểu giữa Giả thượng đếThượng đế tâm linh thuần tuý, giữa sự sáng tạo và Cứu chuộc, mãi mãi vẫn là một bí ẩn, cũng vậy, ta phải đành chịu, không thể cải hóa những nhà triết lý thành những tín đồ. Ðó không phải địa hạt của ta.

Một ngày, sau khi có người đến thú tội sát nhân và ngoại tình, Dion nói với người Phụ tá của ngài:

- Sát nhân và ngoại tình, nghe ra có vẻ tàn bạo thực, quan trọng thực, mà dĩ nhiên cũng khá tệ thực đấy, ta cam đoan với con. Nhưng ta bảo con, này Josephus, thất tình, những người thế tục ấy không phải là những kẻ phạm tội. Mỗi khi thử đặt mình vào tâm can những người ấy, ta thấy họ hoàn toàn như con nít. Họ không đàng hoàng, tử tế hay cao thượng gì, họ ích kỷ, tham lam, ngã mạn, sân si, nhưng kỳ thực, tự căn đế họ rất ngây thơ.

- Vậy mà Cha vẫn thường làm cho họ khốn đốn, vẽ ra một cảnh hỏa ngục thật sống động.

- Chính thế, họ đều là trẻ con, và khi họ bị lương tâm cắn rứt, đến xưng tội, thì họ muốn ta phải xem chuyện đó rất nghiêm trọng, phải quở trách họ thật nặng nề. Ít nhất, đó là quan điểm c?a ta. Con thì đối xử cách khác, con không rầy la, trừng phạt, ra lệnh, mà thân mật để họ ra về với một cái hôn bằng hữu. Ta không chỉ trích con, nhưng ta không làm kiểu ấy.

Josephus ngập ngừng hỏi:

- Nhưng xin Cha cho con biết tại sao, sau khi con xưng tội, cha lại không xử với con như với những kẻ khác, mà lại im lặng hôn con và không nói gì đến việc tẩy tội?

Dion trừng mắt nhìn chàng mà hỏi:

- Những gì ta đã làm không đúng à?

- Con không bảo nó không đúng. Dĩ nhiên nó rất đúng, vì nếu không, thì cuộc xưng tội đã không đem lại cho con nhiều bằng an đến thế.

- Vậy thì được rồi, hãy để yên chuyện đó. Dù sao ta cũng đã gán cho con một hình phạt nặng nề dài lâu đấy chứ, chỉ có điều ta không gọi nó là hình phạt đấy thôi. Ta đã đem con theo ta, đối xử với con như tôi tớ, đem con trở về với bổn phận, buộc con phải nghe xưng tội, trong khi con muốn tránh né.

Ông quay đi, câu chuyện đã quá dài với ông. Nhưng Josephus khẩn khoản:

- Cha đã biết trước rằng con sẽ vâng lệnh cha, vì con đã tuyên hứa như thế trước khi xưng tội, ngay cả trước khi con được biết cha là ai. Không, xin cha hãy nói cho con biết, có thực vì lẽ ấy mà cha đã đối xử với con như bấy lâu nay?

Dion Pugil đi tới đi lui vài bước, đoạn ông dừng lại trước mặt Josephus và thân mật đặt tay lên vai chàng:

- Những người thế tục đều là trẻ con. Còn những bậc thánh thì - ồ, họ không đến xưng tội với chúng ta. Nhưng con và ta, và những người như chúng ta, những nhà khổ tu, những ẩn sĩ, người tin Thượng đế - chúng ta không phải là trẻ con, không ngây ngô, không dễ gì được trấn an bằng những bài giảng đạo đức. Chúng ta mới là những kẻ phạm tội thực sự, những người có hiểu biết, có suy nghĩ, những người đã lỡ ăn phải trái cây Tri thức. Chúng ta không nên đãi nhau như trẻ con, cho vài cú roi vọt rồi thả về đường cũ. Sau khi xưng tội và hành sám, chúng ta không chạy trở lui về cuộc đời ở đó bọn trẻ con cử hành lễ lạc, tiệc tùng, làm ăn mua bán, và thỉnh thoảng giết nhau. Chúng ta không kinh quá tội lỗi như trải qua một cơn ác mộng ngắn ngủi có thể được thổi tan bằng lễ xưng tội và tẩy tội. Chúng ta "cư ngụ" trong tội lỗi. Chúng ta không bao giờ là những kẻ vô tội, mà luôn luôn là kẻ phạm tội, chúng ta sống mãi trong sự phạm tội và trong ngọn lửa của lương tâm, và chúng ta biết không bao giờ có thể trả món nợ lớn lao của mình trừ khi chết, Thượng đế khoan hồng nhìn ta và đón ta vào ân sủng của Ngài. Ðó là lý do ta không thể giảng đạo và ra hình phạt cho con và cho ta. Chúng ta không phải vướng vào sai lầm này sai lầm nọ, tội nọ tội kia, mà luôn luôn, vĩnh viễn chúng ta vướng vào chính tội lỗi nguyên ủy. Bởi thế mà chúng ta chỉ có thể trấn an nhau rằng, chúng ta cùng san sẻ một hiểu biết, một tình huynh đệ, không ai có thể chữa trị ai bằng hình phạt. Chắc con đã biết điều này?

Josephus khẽ đáp:

- Thưa vâng, con đã biết.

- Thế thì, chúng ta đừng phí lời thêm nữa.

Ông già quay về tảng đá trước túp lều, nơi ông thường đọc kinh.

Nhiều năm trôi qua. Thỉnh thoảng cha Dion lại bị những cơn suy yếu, đến nỗi Joseph phải đỡ ông. Sau đó ông ngồi suốt ngày nhìn chòng chọc vào khoảng trống trên sa mạc. Tình trạng ấy xẩy đến liên tiếp trong vài ngày, rồi ông lại xoay xở được để đứng lên một mình. Ông cũng không thể nghe xưng tội hàng ngày được nữa, và đôi lần, sau khi Joseph đã thay ông nghe xưng tội xong, ông ngỏ ý muốn nói với khách, gọi y đến bảo:

- Ta đã gần kề cái chết, con hãy đi loan báo với mọi người rằng Josephus đây sẽ là người kế vị ta.

Khi Joseph tỏ vẻ phản đối trước những lời lẽ ấy, ông già lại nhìn chàng với cái nhìn kinh khủng, xoáy sâu vào chàng như một tia băng giá.

Một ngày kia, ông có vẻ khỏe khoắn. Ông gọi Joseph, dẫn chàng đến một chỗ đất ven khoảnh vườn nhỏ của họ.

- Ở đây con sẽ chôn xác ta. Chúng ta sẽ cùng đào huyệt. Ta nghĩ rằng, chúng ta còn một ít thì giờ. Hãy lấy xẻng lại đây.

Từ hôm ấy trở đi, mỗi sáng ông bảo Joseph đào một ít. Khi ông hơi khỏe, ông lại đích thân cuốc vài lát đất một cách rất khó nhọc, nhưng cũng rất vui vẻ, như thể ông khoái việc ấy lắm. Rồi trọn ngày hôm ấy, niềm vui vẫn còn mãi nơi ông. Từ khi ông khởi sự chương trình đào huyệt, ông luôn luôn hoan hỉ. Một ngày, khi đang đào, ông bảo:

- Con sẽ trồng một cây dừa lên mộ ta. Có lẽ con sẽ còn sống cho đến khi ăn trái của nó. Nếu không, người khác sẽ ăn. Thỉnh thoảng, ta cũng có trồng một vài cây, nhưng quá ít. Người ta bảo rằng không nên chết đi mà không trồng một cây gì, và không để lại một đứa con trai. Vậy là ta để lại một cây trồng, và để lại con. Con là con ta.

Ông bình anvui vẻ hơn bao giờ hết, kể từ ngày Joseph gặp ông. Và càng ngày ông càng vui tươi hẳn lên. Một buổi chiều, sau khi ăn và đọc kinh xong, ông gọi Joseph đến ngồi bên chiếu ông. Trông ông tỉnh táo và không mệt chút nào. Ông vui vẻ bảo:

- Ta muốn kể cho con nghe một chuyện này. Joseph, con có nhớ cái ngày con rất khốn khổ trong hang trú của con ở Gaza, khi con đâm chán chường nếp sống của mình? Rồi con đào tẩu, và quyết định đi tìm lão già Dion để trút hết tâm can? Rồi tại trú xứ kia, con đã gặp ông lão mà con yêu cầu dẫn con đến Dion? Hẳn là con nhớ. Và có phải thật là một phép mầu, khi ông lão ấy lại chính là Dion, người con đang tìm kiếm. Bây giờ, ta muốn kể cho con nghe làm thế nào chuyện lạ lùng ấy đã xẩy ra. Bởi vì con thấy, đối với ta, chuyện ấy cũng thật là một phép mầu.

"Con biết sự thể nó ra thế nào, đối với một nhà ẩn tu làm thầy giáo đạo, khi trở về già, khi đã lắng nghe quá nhiều cuộc xưng tội từ những kẻ phạm tội cứ tưởng ông ta là một bậc thánh vô tội, mà không biết rằng ông ta là một kẻ phạm tội còn vĩ đại hơn. Vào những lúc như vậy, thì toàn thể công việc của ông ta dường như vô ích, trống rỗng đối với ông, mọi sự mà ông từng cho là thiêng liêng, quan trọng - như chuyện Thượng đế đã biệt phái y đến nơi này, cho y cái vinh dự làm công việc tẩy sạch những linh hồn cho hết cấu uế - tất cả chuyện ấy đối với y trở thành một sự gán ép quá nặng nề. Y còn xem nó như một sự nguyền rủa, và phải rùng mình trước mỗi linh hồn đến viếng y với những tội lỗi trẻ con của họ. Y muốn xua đuổi kẻ xưng tội, muốn xua đuổi cả chính mình, dù phải làm việc ấy bằng cách treo cổ lên cành cây. Ðó là cảm tưởng của con trong thời gian ấy. Và bây giờ, cái giờ phút xưng tội cũng đã đến với ta, và ta xin thú thật với con: ta đã trải qua một giai đoạn y hệt. Ta cũng đã tự thấy mình vô dụng, đã chết ở trong linh hồn. Ta nghĩ rằng ta không thể chịu đựng cái sự việc mọi người cứ lũ lượt đến nơi ta một cách đầy tín ngưỡng như vậy, đem trút cho ta tất cả những dơ dáy hôi hám của kiếp người, mà họ không thể cưu mang, và ta cũng không thể cưu mang.

"Ta đã thường nghe nói đến một ẩn sĩ tên Josephus Famulus. Người ta cũng kéo đến ngài để xưng tội, ta nghe đồn, và nhiều kẻ khoái Người hơn ta, vì Người nổi tiếng hiền lành, khoan hồng không đòi hỏi gì nơi họ, không mắt sát họ mà đối xử với tình huynh đệ, chỉ lắng nghe và từ giã với một chiếc hôn. Ðó không phải kiểu làm của ta, như con đã biết rõ, và lúc đầu khi nghe những mẫu chuyện về cha Josephus, ta thấy phương pháp của Người hơi trẻ con và điên rồ. Nhưng khi ta đâm nghi ngờ chính ta, thì ta nghĩ, không nên phê phán cách xử sự của Người, không nên cho rằng cách của ta cao vượt hơn. Ta tự hỏi không biết người có những năng lực như thế nào. Ta biết Người trẻ hơn ta, song cũng đã cao tuổi. Ðó là điều làm ta an tâm, vì ta sẽ thấy khó tin được một người còn trẻ. Nhưng quả tình, ta muốn đi đến cha Josephus ấy. Do đó, ta quyết định làm một chuyện hành hương đến nơi trú ẩn của Người, thú hết nỗi khổ của ta cho Người, và xin Người một lời khuyên bảo. Hoặc nếu Người không cố vấn cho ta, thì có lẽ ta cũng sẽ nhận từ Người một niềm an ủi, tiếp sức. Cái quyết định ấy cũng đủ làm ta sung sướng, như trút được gánh nặng ngàn cân.

"Ta khởi hành, và tiến về hướng mà ta được nghe nói là trú xứ của Người. Nhưng trong lúc ấy, sư huynh Josephus cũng đang nếm trải một kinh nghiệm y hệt như ta, và cũng đang làm cái điều ta đang làm: Y đã đào tẩu để tìm đến ta, mong ta làm cố vấn cho y. Khi ta chạm mặt với y trong một hoàn cảnh thật lạ lùng, ta thấy y đúng là con người mà ta mong gặp, và có thể nhận ra ngay. Nhưng y đang trốn chạy, mọi sự hóa ra đã quá bết đối với y cũng như đối với ta. Trái lại, y đang nóng lòng muốn phát lồ tội lỗi, muốn trút hết những đau buồn của y vào một người khác. Ðiều đó là một thất vọng lớn cho ta, làm ta buồn vô hạn. Vì nếu gã Joseph này - gã lúc ấy không nhận ra ta - mà cũng đâm mệt mỏi với công việc làm và đang tuyệt vọng về ý nghĩa cuộc đời y, thì phải chăng điều ấy có nghĩa rằng cả hai chúng ta đều chẳng có ra gì, đều đã sống một đời vô ích, đều là những cuộc thất bại?

"Ta đang kể cho con nghe những gì con đã biết - thôi để ta nói vắn tắt. Ta đã ở lại một mình đêm ấy trên sa mạc, trong khi con đến ngủ trọ nơi các sư huynh khổ tu. Ta trầm tư, và tự đặt mình vào địa vị Josephus. Ta nghĩ, y sẽ làm gì nếu ngày mai, y biết được rằng cuộc tìm kiếm của y vô ích, rằng y đã vô lối đi đặt niềm tin vào Pugil, nếu y biết ra rằng chính lão Pugil ấy cũng đang đào tẩu, cũng bị cám dỗ tự sát? Càng đặt mình vào hoàn cảnh y, ta càng buồn cho y, và càng thấy rằng dường như Thượng đế đã gởi y đến với ta, để ta có thể cảm thông, chữa trị cho y và đồng thời chữa trị cho chính ta nữa. Sau khi đi đến quyết định này, ta mới ngủ được, khi đã quá nửa đêm. Sáng hôm sau con đã theo ta, và trở thành con ta.

Ta muốn kể cho con nghe câu chuyện đó. Ta nghe tuồng như con đang khóc thì phải. Cứ khóc đi, nước mắt sẽ làm cho con dễ chịu. Và vì ta đã rơi vào cái đà ba hoa này, con hãy vui lòng nghe ta một lát nữa, và hãy ghi nhớ lời ta đang nói đây, hãy khắc vào tim con: "Tâm con người ta thật lạ lùng, không thể nào tin cậy được. Bởi thế, không phải là chuyện không thể xẩy ra nếu có ngày, những đau khổ, những cám dỗ ấy trở lại đe dọa quật ngã con. Khi ấy, ta mong cha chúng ta sẽ gởi xuống cho con một bề tôi, một người con tử tế nhẫn nại làm niềm an ủi cho con, như Ngài đã đem con đến cho ta. Nhưng về cành cây và cái chết của Judas kẻ bội Chúa, những ám ảnh mà quỷ cám dỗ đã gây cho con ngày xưa, ta có thể đoan chắc với con một điều: tự giáng cho mình một cái chết như thế không những là việc điên rồ, tội lỗi - về tội lỗi ấy thì Ðấng cứu chuộc vẫn có thể tha thứ - mà trên tất cả, nó còn là một điều ghê gớm khi con người phải chết trong tuyệt vọng. Thượng đế gởi cho ta những đau buồn không phải để giết chết ta, mà để làm khơi dậy mạch sống trong tim ta. Trái lại, khi Ngài gởi cái chết đến cho ta, khi Ngài giải thoát ta ra khỏi trái đất, khỏi thể xác này và gọi ta trở về bên Ngài, thì đó là một niềm vui lớn. Khi ta đã mệt mà được phép ngủ, mang gánh nặng đã quá lâu mà được phép đặt gánh xuống, thì đấy quả là một điều quý báu kỳ diệu. Từ ngày chúng ta đào xong huyệt - con đừng quên trồng một cây dừa lên đấy - ngay từ khi khởi sự đào, ta đã sung sướng, hài lòng hơn bao giờ trong suốt nhiều năm nay.

"Ta đã nói quá nhiều, chắc con đã mệt. Thôi đi ngủ, con hãy trở về chòi đi. Thượng đế che chở con!"

Ngày hôm sau, Dion không ra cầu kinh, cũng không gọi Joseph. Khi chàng đâm hoảng, đến dòm vào chòi của Dion, thì thấy ông đang ngủ giấc ngủ cuối cùng. Gương mặt ông ngời sáng trong một nụ cười hồn nhiên.

Joseph chôn xác ông, chàng trồng cây trên mộ và sống cho đến ngày nó bắt đầu kết trái.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3882)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(Xem: 3061)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(Xem: 6864)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 5579)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(Xem: 3885)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(Xem: 3046)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(Xem: 12004)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(Xem: 5109)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(Xem: 3825)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 9096)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 7316)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(Xem: 27052)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(Xem: 5864)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(Xem: 5583)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(Xem: 6095)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(Xem: 5566)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(Xem: 5439)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(Xem: 7740)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(Xem: 4743)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(Xem: 12009)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(Xem: 21802)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(Xem: 6466)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(Xem: 7411)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(Xem: 6689)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(Xem: 6268)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(Xem: 8524)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(Xem: 6045)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(Xem: 5687)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(Xem: 14167)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(Xem: 20173)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(Xem: 6847)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(Xem: 6818)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(Xem: 6381)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 6473)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(Xem: 6001)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 7393)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(Xem: 7360)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(Xem: 8487)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(Xem: 6452)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(Xem: 6843)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(Xem: 10457)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(Xem: 19776)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(Xem: 30162)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(Xem: 16162)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(Xem: 19564)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(Xem: 11038)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(Xem: 14286)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(Xem: 7736)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(Xem: 10458)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(Xem: 7914)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant