NẺO VỀ
CỦA Ý
Nhất
Hạnh
PHẦN
THỨ BA
IX
Những
dòng chữ này có lẽ sẽ đến tay Nguyên Hưng vào những ngày
cuối năm, trong khi ở các chợ Saigon thiên hạ đang tấp nập
mua bán. Tôi có thể tưởng tượng được những núi dưa hấu
cao ngất, những trái dưa hình thật tròn, da thật xanh và ruột
đỏ thắm. Mùa này, ở đây, không sao tìm ra được một trái
dưa hấu. Nếu có thì chắc chắn thế nào tôi cũng mua một
vài trái rồi gọt thành những cái đèn dưa thật đẹp rồi.
Hôm qua tôi có nhận được từ bên nhà gởi qua một gói quà
tết, trong đó có mấy miếng trầm, mấy cây đèn bạch lạp,
một hộp trà, một ít mức gừng, một ít mức trái tắc,
và hạt dưa… Tôi mừng lắm. Tối qua, như một người rất
nhàn rỗi, tôi đun nước pha trà, thắp bạch lạp và ngồi
cắn hạt dưa một mình. Steve không chịu cắn hạt dưa, nói
cho đúng là không biết cắn hạt dưa. Steve cũng không thể
ăn mứt gừng; chú ta có nếm một tí và nhăn mặt kêu cay
quá. Cậu chỉ uống được trà và nhắm nháp ít trái tắc.
Steve
hỏi tôi ăn cái thứ hạt dưa ấy thì có ích lợi gì. Tôi
nói: có nhiều cái lợi lắm chứ. Ở đây tuy người ta ăn
rất nhiều trong các cuộc lễ, lễ giáng sinh, lễ tạ ơn vân
vân… nhưng người ta không nói đến tiếng ăn. Còn bên xứ
chúng tôi người ta nói thẳng thắn là ăn. Ăn Tết, ăn lễ
sinh nhật, ăn cưới, ăn hỏi, ăn khảm tháng, ăn ngũ tuần,
ăn lục tuần, ăn thượng thọ, ăn giỗ, vân vân… Mà Tết
thì kéo dài những ba ngày; trong ba ngày liền phải ăn luôn
miệng. Đi đâu, gặp ai mời, cũng ăn, cũng phải ăn. Mà thức
ăn cũng mau no, chỉ có hạt dưa là ăn mãi không no. Như vậy
cái lợi thứ nhất là ăn mãi mà không sợ phải no. Cái lợi
thứ hai là ăn hoài mà không sợ hại cho sức khỏe. Ăn cái
gì nhiều cũng có thể đau bụng, đau gan, trúng thực nhưng
mà ăn hột dưa thì không sao; vì tuy cái miệng ăn hoài mà
cái dạ dày không bao giờ đầy. Cái lợi thứ ba là đỡ phải
nói chuyện nhất là khi ta không biết chuyện gì mà nói. Dù
sao thì cái miệng của tôi cũng đang làm việc mà: Tôi ít
nói vì cái miệng tôi đang ăn hạt dưa, chứ không phải làtôi
không biết nói chuyện. Cái lợi thứ tư là tránh được cái
hại đa ngôn đa quá. Hạt dưa dạy người ta ít nói, dạy
người ta im lặng để suy nghĩ về những điều mình muốn
nói, dạy người ta biết nghe những người khác. Từ đứa
trẻ năm tuổi cho đến ông già tám mươi ai cũng có thể dạy
cho ta được nhiều điều bằng các câu chuyện của họ -
người ta thường là thế. Hạt dưa khiến cho ta chín chắn
hơn, và giúp ta tránh được những câu nói vô ích, lầm lỡ,
nhất là câu tuyên bố bừa bãi không dựa trên căn bản suy
tư và nhận xét nào cả. Trong trường hợp này, biết thì
thưa thốt, không biết thì “cắn hạt dưa” mà nghe. Khỏi
phải dựa cột. Steve cười ngất khi nghe tôi nói như vậy
và bảo rằng tôi có thể viết những ý đó thành bài nói
về cái triết học của hạt dưa đỏ.
Ở
nơi Nguyên Hưng ở, bây giờ đã bớt rét chưa? Bên này cố
nhiên là trời còn rét lắm. Còn độ hai tháng nữa mùa đông
mới qua. Tôi chắc ở chùa Từ Hiếu, các đồi thông đã bắt
đầu xanh mướt rồi. Các đọt thông ở đấy vào mùa Xuân
sao mà thẳng mà đẹp đến thế. Tôi biết thế nào Nguyên
Hưng cũng để rất nhìêu thì giờ đi giữa những cây thông
xanh mướt. Tôi chưa bao giờ nỡ bẻ một cành thông, thế
nhưng tôi biết những đồi thông mang nhiều thương tích vào
những ngày đầu Xuân khi thiên hạ đi hái lộc. Một cái vườn
chùa đẹp đến mấy mà sau bữa hái lộc cũng trở thành xác
xơ. Tôi nhớ có một năm nọ, chùa Xá Lợi phải trồng một
ít cành thông để cho tín đồ hái lộc, như vậy đỡ hại
cho những cây cảnh mà chùa phải săn sóc hết hơi mới có
lên được. Tôi không biết cái gì đã xảy ra vào tối giao
thừa. Không lý chùa phải yết thị rằng hái lộc thì chỉ
được hái những cây thông còn các cây khác thì chừa ra.
Nếu thế thì sẽ không ai hiểu tại sao. Mà nếu hiểu tại
sao thì người ta sẽ không hái lộc nữa, bởi vì người ta
nghĩ những cành thông kia không phải thực sự hút nhựa từ
đất Phật, không thật sự mọc lên từ đất Phật. Cái tục
hái lộc thì thật đẹp nhưng mà đông người hái lộc quá
thì không còn đẹp nữa. Tôi nghĩ đến những buổi cầu nguyện
đông đảo những buổi thuyết pháp đông đảo và tôi ao ước
chúng ta còn có thể duy trì được những cảnh chùa thật
thanh tịnh, những buổi gặp mặt truyền tâm giữa một thầy
và một trò. Tôi ưa đi vào một chánh điện thanh tịnh và
nhỏ bé, một chính điện dành cho sự đối thoại cá nhân
giữa con người và đức Phật. Sự đối thoại ấy mới dễ
trở thành một sự đối thoại tâm linh của chính mình. Chùa
chiền và giáo đường bây giờ có khuynh hướng xây cất cho
sự cầu nguyện tập thể. Đó là nhu yếu. Tôi cũng khát khao
sự truyền tâm giữa một thầy một trò trong đó trò biết
là tất cả con người của thầy đang hướng về mình, kêu
gọi sự thức tỉnh và đáp ứng nơi mình, và thầy cũng biết
là trước mặt mình cũng chỉ có một trò với tất cả con
người trọn vẹn và đặc thù của nó. Trong đại hội Linh
Sơn, khi Phật đưa cành hoa lên thì chỉ có Ca Diếp mỉm cười.
Đột nhiên đại hội Linh Sơn biến mất, sự có mặt của
mọi người trở nên không có. Chỉ có hai người: Phật và
Ca Diếp là những người thật sư có mặt. Đám đông Nguyên
Hưng ơi, trong những trường hợp như thế, chỉ là một con
số không.
Có
một buổi chiều đi bộ từ Nam Giao lên chùa tôi gặp một
đoàn thiếu niên thiếu nữ Phật tử đi cắm trại từ các
đồi thông Từ Hiếu về. Họ đi rải rác, người đi bộ,
kẻ đi xe đạp. Người đầu tôi gặp cầm trên tay một cành
thông. Người thứ hai cũng vậy. Rồi người thứ ba cũng vậy.
Rồi đến cả đoàn. Tôi thấy xót ruột và đau xót cho những
đồi thông. Có lẽ ngày Tết cơ sự cũng xẩy ra tương tợ
như thế. Tết nầy Nguyên Hưng nhớ “bảo vệ” giúp các
đồi thông nhé.
Giờ
mà Nguyên Hưng đón giao thừa bên đó thì bên này là giữa
trưa. Nghĩ cũng là một điều hay. Năm ngoái tôi đón giao thừa
ở Princeton vào lúc mười hai giờ trưa, cùng với một em bé
Việt Nam mời được ở cách đó không xa. Giờ đó, thành
phố đó, thời tiết đó mà trong phòng chúng tôi cũng có giao
thừa. Thiên hạ bên này vẫn đi làm việc tám giờ một ngày,
chẳng ai để ý rằng ở Việt Nam Nguyên Hưng đang đón giao
thừa, đang ăn Tết. Tại vì tôi biết tôi còn ở đây cho
nên tôi cũng biết Nguyên Hưng còn ở đó, Việt Nam còn ở
đó, và đêm Giao thừa vẫn hiện hữu. Tất cả chỉ là vấn
đề nhận thức, chủ thể nhận thức không rời đối tượng
nhận thức. Tôi nhớ có một bữa trưa tôi vào đọc sách
nơi phòng triết học của thư viện Butler. Khi vào, tôi chỉ
thấy có hai người đang ngồi tra cứu, hai người đàn ông
lớn tuổi. Bữa đó tôi đi tìm đọc một cuốn sách của
giáo sư Sneider. Đọc được một lúc, không biết rõ là bao
lâu, bỗng dưng tôi thoáng thấy mùi hoa bưởi. Ban đầu tôi
ngạc nhiên hết sức vì tôi nghĩ rằng ở địa phương này
làm gì có hoa bưởi. Nguyên Hưng nên nhớ rằng tôi xa nhà
đã lâu và bất cứ hình sắc âm thanh hương vị nào của
quê hương đối với tôi cũng vô cùng quý giá, cứ tưởng
tượng ngòi tại một xứ xa thật xa, mấy năm trời tự dưng
được nghe thấy mùi hoa bưởi kỳ diệu ấy:
Bông
lài, bông lý, bông ngâu,
Chẳng
bằng bông bưởi thơm lâu, dịu dàng.
Mùi
hoa bưởi, mùa hoa của quê hương của ca dao, tôi không đọc
Sneider được nữa. Tôi suy nghĩ, và tôi kết luận rằng mùi
đó không có thực, không phải là từ tánh cảnh, đới chất
cảnh mà từ độc ảnh cảnh tới, nghĩa là ảnh tượng khứu
giác được phát hiện trở lại từ tiềm thức. Như thế
thì đã có một vài lần tôi trải qua trường hợp ấy rồi.
Tôi yên trí, tiếp tục đọc Sneider. Nhưng chỉ một lát sau,
mùi hoa bưởi trở lại, hiện thực hơn nhiều, khiến tôi
ngừng đọc, ngồi xét lại. Tôi nghĩ rằng có người nào
mới vào phòng đọc sách, trong số đó có thể có một cô
nữ sinh có sức nước hoa mùi hoa bưởi. Kỳ thực tôi không
biết có thể có thứ nước hoa chế tạo bằng hoa bưởi không.
Nhưng tôi cứ cho là có. Và tôi nghĩ, trong lúc đầu vẫn cứ
nhìn vào trang sách như từ khi mới ngồi xuống đọc, rằng
người phụ nữ trang điểm bằng thứ nước hoa kia phải là
một người thanh nhã, có dáng dấp Việt Nam, ít nhất là dáng
dấp đông phương. Có một cái gì thúc đẩy tôi nhìn lên
coi ai mang theo mùi hoa bưởi thân yêu đó. Nhưng mà tôi vẫn
không ngửng đầu lên. Tôi tinh nghịch nhủ rằng nếu ngửng
đầu lên và tìm thấy một người không giống gì hết với
sự tưởng tượng, nghĩa là một người không trang nhã, không
có tính cách đông phương, một người béo tốt đẫy đà
phấn son trát đầy đầu đầy cổ thì tôi sẽ bị nếm một
thứ thất vọng nào đó. Như vậy mà tôi ngồi cho tới năm
phút, không ngững đầu lên mà cũng không đọc Sneider. Rồi
kết cuộc thì ra làm sao, tôi biết, Nguyên Hưng sẽ hỏi. Nhưng
mà tôi không nói đâu, Nguyên Hưng tự đoán lấy. Ai dại gì
mà nói điều ấy cho Nguyên Hưng nghe. Tôi mắc cở lắm. Chỉ
khi nào Nguyên Hưng giỏi thật giỏi không cần biết tới các
kết thúc của câu chuyện thì tôi mới nói cho Nguyên Hưng
nghe mà thôi.
Nguyên
Hưng, tôi đã phải học thêm Duy Thức từ lúc mười sáu tuổi
và cái tuổi non nớt đó không cho phép tôi hiểu thấu được
những cái như kiến phần tướng phần, sở sở, duyên duyên.
Rất khó mà hiểu tại sao kiến phần và tướng phần là những
cái không thể rời nhau mà hiện khởi, tại sao mà chủ thể
không thể tồn tại biệt lập ngoài đối tượng. Ấy thế
mà hồi đó tôi cũng biết đàm luận về Duy Thức cũng làm
bài thi và cũng được điểm cao. Tôi lý luận như thế này:
Duy thức là nhờ vào nhận thức thì vạn hữu mới trở thành
thực hữu. Không có nhận thức thì do đâu mà biết có với
không tức cũng như không có gì cả. Đó, tôi chỉ cắt nghĩa
ngây thơ như vậy, còn các lối giải bày khác tôi không nắm
được, hoặc tôi cho là vô lý không thể chấp nhận được.
Những dòng này do tôi viết và Nguyên Hưng sẽ đọc. Những
dòng nầy hiện giờ Nguyên Hưng chưa đọc. Vậy thì những
dòng nầy, kể cả bản chất tư tưởng tình cảm, giấy, mực,
thời gian, không gian, nét chữ vân vân… chỉ nằm trong nhận
thức tôi. Và cả Nguyên Hưng nữa, Nguyên Hưng đối tượng
của những dòng chữ này, cũng nằm trong nhận thức tôi. Mà
tất cả mọi hiện tượng khác như quê hương Việt Nam với
những cây cam cây bưởi đầy hoa, những cây dừa duyên dáng
những cây cau cao vút và thẳng băng, cũng như thành phố náo
nhiệt tôi ở đây, cũng như mặt trời, tuyết, mây, trăng,
sao… đều nằm trong nhận thức tôi. Tất cả đều là khái
niệm và thế giới của tôi trong đó có Nguyên Hưng, có cây
bưởi, cây chanh cây khế, cũng là một thế giới khái niệm.
Vài bữa nữa thì những dòng chữ nầy tới tay Nguyên Hưng.
Nguyên Hưng ssẽ thấy tôi hiện hữu trong đó, thành phố tôi
hiện hữu trong đó, nhưng mà tất cả những thứ ấy cũng
trở thành khái niệm trong nhận thức Nguyên Hưng và không
thể được đồng nhất đối tượng của nhận thức tôi.
Và ta cứ cho rằng thực tại bản chất tánh cảnh vô chất
nằm trong phần căn bản của nhận thức cộng đồng, hoặc
có thể gọi là tự thể phần của thức hay của thức cộng
đồng cộng biến; còn thế giới khái niệm, thế giới đới
chất và độc ảnh, là thế giới được tạo tác nên do khuynh
hướng biến kế chấp trong đó tướng phần và kiến phần
là hai mặt hiện tượng của một tự thể… Điều này tôi
thấy rõ trong một buổi khuya ở chùa Trúc Lâm cách đây chưa
đầy hai năm. Đêm đó tôi thức dậy lúc hai giờ rưỡi khuya
và không ngủ lại được nữa. Tôi nằm yên lặng cho đến
khi chuông khuya bắt đầu ngân nga mới chỗi dậy. Tôi đưa
chân xuống tìm đôi dép nhưng không tìm ra, có lẽ đôi dép
đã bị tôi đẩy vào gậm giường từ hồi tối. Tôi không
tìm đôi dép nữa, cứ đi chân trên nền đất tìm ra cửa
sổ. Nền đất lạnh gây cảm giác mát lạnh nơi gang bàn chân
của tôi, và sự thấm lạnh ấy đột nhiên khiến tôi tỉnh
táo và minh mẫn một cách lạ thường. Tôi đi từng bước
tìm tới cửa sổ và tỳ tay nơi cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời
đất vẫn còn đen tối và tôi không nhìn thấy được gì
cả. Tuy nhiên trong đêm đen, tôi vẫn biết cây lá trong vườn
còn đó, và bụi trúc đào cũng còn đó ở bên góc kia. Cây
hoa dại vẫn còn ở trước cửa sổ tôi. Mà sở dĩ như vậy
là tại vì chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài
đối tượng nhận thức. Trong lòng đêm thâu hay trong lòng
nhận thức cũng vậy, khóm trúc, cây hoa dại đang đóng vai
trò đối tượng sở duyên, chủ thể nhận thức và đối
tượng nhận thức không thể rời nhau. Và ngoài kia, núi sông,
trời đất, những ngôi sao lớn nhất, và thực hữu, và mặt
trời của tôi cũng chỉ nằm trong lòng nhận thức. Đột nhiên
thời gian và khoảng cách tự nhiên tiêu diệt, tan biến. Đột
nhiên năng và sở tan biến. Đột nhiên diệt và sinh tan biến.
Dù em có xa cách vạn muôn do tuần ấy cũng được nối liền
trong một lân hư trần. Dù cho bách thiên vạn kiếp thì bách
thiên vạn kiếp ấy cũng trở về nối liền với hiện tại
trong một sát na. Hiện hữu của em tự nhiên trở về bừng
hoa nơi nhận thức tôi. Đột nhiên tôi mĩm cười. Có lẽ
lúc ấy mà có một người rình thấy được tôi đang cười
trước một đêm đen không trông thấy gì, không trông thấy
ai mà cũng không có gì trông thấy mình, không có ai trông thấy
mình, người ấy sẽ ngạc nhiên, hoặc có thể hoảng sợ
lạnh tới xương sống. Bởi vì cái cười của tôi đối với
người ấy có thể có tính cách ma quái hoăïc là của một
người sắp sửa điên tới nơi rồi. Có chi mà đáng mỉm
cười trước một cái màn đêm đen nghịt và vô nghĩa như
vậy. Nhưng Nguyên Hưng biết rằng màn đêm tuy có đen nghịt
thật nhưng không vô nghĩa chút nào. Nó trở thành rạng rỡ
vô cùng trong nhận thức tôi. Và hiện hữu mầu nhiệm trở
thành bừng tỏa nơi nụ cười huyền diệu ấy. Tôi biết
là em còn đó vì tôi còn đây và tôi biết tôi còn đây vì
em còn đó. Nếu có thì năng duyên và sở duyên cùng có, nếu
không thì năng duyên và sở duyên cùng không. Cho nên chủ và
khách cùng thuộc về một tự thể vào trong chủ đã có sẵn
khách.
Tôi
biết rằng lát nữa khi bình minh về thì sẽ cũng không có
gì khác lạ xảy ra trên bình diện hữu thể. Mầu trời xanh
biếc phương tây và màu chân trời hồng đỏ phương đông
cũng chỉ là xanh là hồng trong nhận thức tôi. Xanh không phải
thuộc về tự thể xanh và hồng cũng không thuộc về một
tự thể hồng. Xanh cũng có nghĩa là xanh đối với tôi, trong
nhận thức tôi. Cũng như hồng. Cũng như Sinh. Cũng như Diệt.
Cũng như Đồng. Cũng như Dị. Cũng như Lai. cũng như Khứ.
Tất cả đều chỉ là hình ảnh nhận thức. Nhìn vào mắt
tôi đi và em sẽ thấy em trong đó. Em rạng rỡ thì mắt tôi
cũng rạng rỡ. Em mầu nhiệm thì nhận thức tôi cũng mầu
nhiệm. Và ngược lại, tôi xa xăm thì em, hình bóng em va tự
thể em, cũng trở nên xa xăm. Hãy nhìn vào mắt tôi thì em
sẽ biết vũ trụ của tôi sáng hay tối, thiện hay ác, vô
cùng hay hữu hạn, sinh tử hay niết bàn. Có lần Trụ Vũ nói:
Bởi
vì mắt thấy trời xanh
Cho
nên mắt cũng long lanh mầu trời
Bởi
vì mắt thấy biển khơi
Cho
nên mắt cũng xa vời đại dương.
Nguyên
Hưng, khi nụ cười trong đêm thâu bừng nở rồi thì tôi có
cảm giác nhẹ nhàng như mây khói và tôi thấy tôi nằm ngữa
bơi nhẹ nhàng trên một giòng suối trong mát lạnh. Đầu tôi
gối trên những chiếc gối sóng nhỏ. Nhìn lên trời tôi thấy
trời xanh mây trắng của ngày cũ. Mây vẫn trắng, trời vẫn
xanh. Mây có thể trắng hơn và trời có thể xanh hơn. Đó
phải chăng là dấu hiệu của thực tại bất sanh bất diệt?
Tôi nghe lá thu khô xao xác trong rừng cây, tôi ngửi thấy hương
thơm ngất ngây của cỏ rơm đồng nội.
Những
cảm giác ấy thoáng qua mau khi tôi trông thấy một ngôi sao
trên trời. Ngôi sao đưa lối cho tôi trở về trước cửa
sổ, hai chân trên nền đất mát và hai bàn tay tỳ lên song
cửa. Tôi còn đây, tôi hiện hữu cho thế giới hiện hữu,
cho em hiện hữu. Cũng như hòn sạn kia, cũng như đám mây kia.
Sự hiện hữu của chúng kéo theo sự hiện hữu của tôi.
Và nếu viên cuội kia mà không thật sự hiện hữu thì tôi
đây làm sao hiện hữu được? Đã có thì có từ hạt bụi.
Mà hạt bụi đã không thì tam thiên đại thiên thế giới
cũng không. Tôi cũng không. Em cũng không.
Nguyên
Hưng, tôi thấy tôi rất bằng lòng cái quê hương này của
chúng ta. Dòng sông kia là hình bóng trôi chảy dịch hóa của
vạn tượng. Nhờ có sự trôi mà có sự sống. Sự chết cũng
nằm trong sự Sống bởi vì không có chết thì không thể có
sống. Hoan nghênh sự trôi chảy. Hoan nghênh vô thường vô
ngã. Bởi vì có vô thường vô ngã nên mới có thế giới
đẹp đẽ của thi ca của thiền. Và còn vườn chuối của
đồng bằng kia nữa. Hình bóng của êm mát, ngọt ngào, hiền
lành. Và cũng còn những hàng cau thơm ngát… Mặt trái đất
sở dĩ đầy tràn cát bụi, là vì chúng ta chỉ nhìn xuống
cát bụi. Không, tôi không muốn rời bỏ chốn này để đi
về cực lạc hay thiên đường. Quê hương của tôi là đây,
ngay trên mặt đất. Chỉ cần ngẫng đầu nhìn lên là tôi
trông thấy trăng sao của đêm rằm, của tâm linh. Chính vì
được ở đây, vì được dứng đây nên tôi mới thấy được
như thế. Điều quan yếu không phải là từ giã, chối bỏ,
trốn tránh. Điều quan yếu là nhận thức ra rằng hễ mắt
ta mở thì ta trông thấy… Cảnh giới niết bàn quyết định
có đủ những thứ cây như cây bàng, cây cau, cây khế, cây
chanh, cây bưởi. Tôi thấy như thế. Và tôi buồn cười quá.
Tôi buồn cười cho chính tôi, ngày xưa, đã đi tìm niết bàn
như một cái gì cách biệt và trái chống với thế giới sinh
diệt… Chân như hiển hiện mầu nhiệm nơi tử sinh.
Nguyên
Hưng chắc còn nhớ những cơn mưa lớn ở miền Nam đất nước
ta. Có một lần tôi ngồi ở nhà một người bạn tôi trông
thấy một cảnh tượng mà nhìn ngắm mãi không biết chán.
Trời mưa lớn. Bên kia đường. Đối diện với chỗ tôi đang
ngồi là một tiệm bán chạp phô lụp xụp. Trong tiệm treo
đầy những guốc giây thừng, dây kẽm, song chảo, và bày
biện một ngàn thứ lặt vặt khác như nước mắm, đèn cầy,
tương kẹo đậu phọng, vân vân… vì vậy tiệm tối om. Lại
thêm trời mưa to nữa. Tôi thấy một đứa bé chừng sáu tuổi
đang ngồi ăn cơm một mình trước cửa tiệm ngay chỗ bậc
cửa ra vào, gần sát giọt nước trên mái chảy xuống. Đứa
bé ngồi trên một chiếc đòn thấp. Nó ở trần và chỉ mặc
một một chiếc quần cụt. Thân hình đứa bé đen nám, có
lẽ tại nó hay chạy chơi ngoài nắng quá. Tay trái nâng một
bát cơm, tay phải thì cầm đũa. Nó ăn rất dè dặt, mắt
hết ngước nhìn những giọt nước rơi từ mái tôn theo những
chiếc bong bóng trước sân. Tôi ngồi cách nó chừng mười
thước, nhưng tôi có thể biết được đứa bé đang ăn cơm
với trứng vịt chan nước mắm. Những miếng trứng vịt nhỏ
xíu chôn dưới đáy bát. Nó lấy đũa moi lên và ăn từng
miếng cơm một cách dè xẻn. Vừa ăn nó vừa ngắm mưa một
cách thích thú vô cùng và cũng bình tĩnh vô cùng. Tôi ngắm
nhìn nó và theo dõi nó trong từng cử chỉ từng cách nhìn.
Thân hình nó có vẻ rắn chắc, mạnh khỏe. Ngắm nó tôi thấy
sự an lạc. Có lẽ cái chữ le bien-être của tiếp Pháp theo
nghĩa chính xác nhất là dùng vào đấy thì rất đúng. Và
rất hay nữa. Tôi thấy tim nó đập điều hòa. Phổi nó, dạ
dày nó, ruột nó, gan nó, các hạch tiết tuyến của nó làm
việc điều hòa. Cái gì cũng thông suốt, cái gì cũng không
bị trục trặc. Giả dụ nó bị nhức răng thì cái diện mạo
của nó sẽ nhăn nhó, sẽ khó chịu, nó không thể nào an nhiên
hạnh phúc như thế kia được. Tôi ngắm nó như ngắm một
sự toàn bích, như ngắm một bông hoa, như ngắm một cảnh
bình minh. Và tôi chợt thấy chân như và niết bàn hiện hữu.
Tôi bị thâu hút vào hình bóng đó và an nhiên trầm tĩnh ngắm
nhìn đứa bé như biểu hiện của pháp thân, của niết bàn,
của sự an lạc. Tôi thấy sự an lạc đó nơi cách nhìn, mỗi
cái và cơm, mỗi cái ngước mắt. Tôi biết chắc rằng lúc
đó nó không có ý thức phân biệt rằng nó thuộc giai cấp
nghèo, nó không thấy cái quần cụt đen đúa của nó là xấu
xí so với quần áo sang trọng của những đứa trẻ khác,
rằng chân nó không có giày đẹp, rằng ghế nó ngồi là một
cái đòn khập khểnh nghèo nàn. Không không phân biệt, nó
không tủi thân, nó không ham muốn. Mà nó sung sướng hoàn
toàn, an lạc hoàn toàn. Chỉ nhìn nó, tôi cũng thấy an lạc
tràn ngập cả bản thể. Lúc đó có mấy cái bóng đi qua đường,
mầu tím mầu đỏ. Tôi thấy nó ngước lên nhìn một một
chút - tôi theo dõi nó rất tỷ mĩ - rồi lại đưa mắt trở
về với đám bọt nước trước sân, miệng vẫn nhai và cái
đầu gục gặc có vẻ thích chí lắm. Tôi biết nó không mảy
may chú ý về những người vừa đi qua đường mà tôi biết
chắc là hai người thiếu nữ mang dù, vài tôi thoáng thấy
những cái áo màu tím màu đỏ. Và chắc chắn cũng vì những
cái màu đó, những cái màu chói lọi đó, mà nó ngước mắt
lên mà thôi. Mặt nó không lộ một tí thay đổi nào khi nhìn
lên. Bỗng tôi thấy nó đưa mắt về phía đầu đường và
miệng nó nở một nụ cười rạng rỡ. Nó hoàn toàn bị thu
hút bởi cái cảnh tượng đầu đường. Thấy rõ sự sung
sướng cực độ biểu lộ trên mặt nó, tôi cũng nhìn về
đầu đường. Tôi thấy có hai đứa trẻ đẩy một chiếc
xe mây có bốn bánh gỗ đi lại, trên xe có em bé ngồi. Tất
cả đều ở truồng. Và cả ba đứa nô đùa thích thú trong
mưa. Những chiếc bánh xe gỗ lăn mau, thỉnh thoảng gặp những
vũng nước trên đường bắn tung tóe ra hai bên. Tôi nhìn trở
lại đứa bé đang ăn cơm. Nó ngừng hẳn công việc ăn và
theo dõi trò chơi của ba đứa trẻ ngoài đường. Hai mắt
sáng như sao. Tôi không biết hai mắt của tôi có phản chiếu
hai mắt của nó không, nhưng có một điều tôi biết rõ là
lúc đó tôi cũng sung sướng cực kỳ. Có lẽ là không sung
sướng bằng nó, cũng có thể là tôi sung sướng hơn nó, hơn
ở chỗ tôi biết sung sướng.
Bỗng
tôi nghe nó dạ một tiếng và ôm bát đũa vào nhà. Có lẽ
cha mẹ nó gọi vào để bảo nó xới thêm một bát cơm nữa.
Hồi lâu tôi thấy n ó không trở ra. Nó có thể trở vào ngồi
ăn chung với bố mẹ nó. Cũng có thể nó bị mắng là ăn
một chén cơm lâu quá không xong chỉ lo ngồi chơi ở ngoài
ngưỡng cửa. Nhưng mà bị mắng như thế thì tôi nghiệp quá.
Người ta không biết được rằng nó được sống ở thiên
đường ở niết bàn, ở chân như. Người ta không biếùt
được rằng những phân biệt, những mừng tủi, những toan
tính giết chết thiên đường. Xin đừng la mắng ánh sáng,
đừng la mắng những con chim mùa xuân bé nhỏ.
Làm
sao anh lên thiên đường được nếu anh không trở thành trẻ
thơ. Làm sao anh thấy được chân như bằng con mắt phân biệt.
Những hàng chữ này tôi muốn tự nhiên mà trở thành thơ
dại. Tôi muốn đè cổ Nguyên Hưng xuống để xem cái xoáy
tóc ở phía nào. Một xoáy ở với cha, hai xoáy ở với mẹ,
ba xoáy ở với dì… mấy xoáy thì ở với quê hương nhỉ.
Tôi đang ngồi đây, chờ Nguyên Hưng trả lời. Tuyết giờ
này đang rơi. Tôi muốn liệng về cho Nguyên Hưng một nắm
lạnh buốt.
Ngày
xưa chúng ta đã từng ước muốn làm những chàng dũng sĩ
cần thiết cho cuộc đời, “bể trầm luân lấp cho bằng
mới thôi”. Nhưng chúng ta không biết rằng những chất liệu
nào người ta có thể tạo nên một chàng dũng sĩ. Chúng ta
muốn được như những chàng dũng sĩ trong các truyện kiếm
hiệp. Bây giờ ngồi đây, nhớ lại ước ao đó mà bấc giác
mỉm cười. Bộ mặt chúng mình không giống gì một dũng sĩ
cả. Thà như ngày xưa cầm kiếm tre đánh nhau và bắt chước
y hệt của những lời kiếm khách. Bây giờ nơi thành phố
náo nhiệt và lạnh buốt này viết cho Nguyên Hưng lòng tôi
cũng vẫn còn đôi chút rộn ràng về cái mộng ngày xưa. Thì
ra cuộc đời từ khi có cái mộng của chúng ta vẫn là một
cuộc đời kiên nhẫn, kiên nhẫn chờ đợi những chàng dũng
sĩ không thể không có trong cuộc đời. Nhưng mà các chàng
dũng sĩ ngày xưa trước khi xuống núi cứu giúp đời đều
được huấn luyện võ nghệ thời gian lâu dài với các bậc
kiếm tiên sư phụ. Còn vốn liếng của chúng ta chỉ có một
cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng và những cái tài nấu cơm, quét sân,
gánh nước, bổ củi. Đã thế trong những kẻ học làm dũng
sĩ như chúng ta, có nhiều người không nắm được về kỹ
thuật nào về sự nấu cơm, quét sân, gánh nước và bổ củi
ấy. Rồi bị bắt buộc vào núi, hoặc tình nguyện xuống
núi. Tài nghệ không có, bản lĩnh không có làm sao mà cứu
giúp đời. Ấy vậy mà một số người trong chúng ta đã tưởng
mình là những chàng dũng sĩ thực thụ. Những chàng dũng sĩ
cần thiết cho cuộc đời. Và chính cuộc đời cũng nói như
thế, cũng công nhận như thế! Cuộc đời chỉ cần những
chàng dũng sĩ giả hiệu, và các chàng dũng sĩ như chúng ta
vì thế càng ngày càng tin chắc mình là dũng sĩ. “Cuộc đời
nếu không có ta…” Nếu không có ta, chắc cuộc đời đã
tàn lụi rồi nhỉ. Nhưng mà Nguyên Hưng ơi trong những năm
ở Phương Bối và chính ngay bây giờ nữa, cuộc đời đã
tàn rụi đâu. Cuộc đời còn đó, kiên nhẫn chờ đợi mà.
Chỉ sợ những người muốn làm dũng sĩ không chờ đợi được
chính mình mà thôi. Chúng ta đã gặp những chàng dũng sĩ trên
bước đi của chúng ta. Không có bản lĩnh thực của dũng
sĩ, họ phải mượn tạm khí giới của cuộc đời. Họ sử
dụng được tiền bạc, danh vọng và thế lực. Nhưng mà những
khí giới ấy chỉ có thể đối phó với cuộc đời thôi
chứ không thể đối phó với bản thân và bảo vệ cho đời
sống thực sự của chính các chàng dũng sĩ. Để đối phó
với vấn đề sinh tử của chính mình, các chàng dũng sĩ phải
dùng sự bận rộn. Sự bận rộn, sự bận rộn. Ai chế tạo
ra hóa phẩm kỳ diệu này mà sức tàn phá không khác bom nguyên
tử, không khác chi khói thuốc phiện. Cái thế giới nội tâm
trống trải quá, và con người bây giờ có thể đối phó
với một cuộc chiến tranh dễ dàng hơn đối phó với một
cái trống trải của lòng mình. Bận rộn công việc thì than
phiền là bận rộn chẳng có thì giờ nghỉ ngơi được. Con
người bây giơ không biết nghỉ ngơi. Hoặc giả chỉ biết
nghỉ ngơi bằng những loại bận rộn khác, cũng được gọi
là bận rộn. Hễ có được một chút thì giờ rỗi rãi ngừng
tay thì không chịu đựng nổi. Phải với tay vặn cái nút
thu thanh. Hoặc phải vớ lấy một tờ báo, đọc bất cứ
bài vở gì, tin tức gì. Đọc quảng cáo cũng được. Phải
có một cái gì để nhìn, để nghe, để nói, để trấn giữ
đừng để cho cái đầu của sự trống trải xuất hiện.
Mặt mũi của sự trống trải sao mà kinh khiếp quá.
Nguyên
Hưng, hồi nhỏ tôi có đọc những câu chuyện nói về kẻ
ra ngoài thì tả xung hữu đột oai phong lẫm liệt nhưng đến
khi về tới nhà là sợ vợ thin thít không dám cựa quậy.
Thì những chàng dũng sĩ của ra cũng thế đó. Nhìn qua cái
bận rộn của họ, ta có nghĩ rằng họ là dũng sĩ thật nhưng
đến khi theo họ trở về nội tâm thì ta tháy tình cảnh tan
hoang bi thảm không cùng. Chàng dũng sĩ của chúng ta đi xuống
núi là để chuyển hóa cuộc đời nhưng rốt cuộc lại bị
cuộc đời chuyển hóa… Tay ấn không vững thì đã không
trị được âm binh ma chướng mà còn bị âm binh ma chướng
vật ngã nữa. Chàng dũng sĩ của chúng ta không có được
một chút bản lĩnh tâm linh nào thì làm sao có thể là một
chàng dũng sĩ thật sự?
Nguyên
Hưng cũng biết rằng cái cuốn Ty Ni Nhật dụng ấy là một
thứ sách “binh pháp nhập môn” của chúng ta; thứ sách khi
chúng ta mới được gia nhập thiền môn thì chúng ta phải
lấy ngay sách đó làm sách gối đầu giường. Nó chỉ cho
chúng ta nắm lấy tâm ý của chúng ta. Trong những phương pháp
động tác thường nhật như ăn uống, đi đứng, nằm ngồi,
làm việc… Chúng ta phải tự theo dõi chúng ta, dò kiếm những
dấu chân và công việc đó khó khăn như công việc dò theo
dấu chân trâu để tìm ra con trâu lạc. Dễ gì mà dò biết
được lối đi nẻo về của tâm của ý. Tâm ý chúng ta cũng
như con vượn chuyền cành. Nó chuyền cành này sang cành khác,
thoan thoát mau lẹ. Bắt được nó không phải là chuyện dễ,
nhưng công việc ở đây không phải là công việc bắn chết.
Công việc ở đây không phải là công việc dọa dẫm, ép
buộc. Công việc ở đây là biết được đường đi nẻo
về của nó, để không cần dọa dẫm ép buộc mà vẫn có
thể đi sát với nó, có nó trong tay bất cứ lúc nào mình
muốn. Cuốn sách mỏng đó cho ta những biện pháp đầu để
đối phó, hồn nhiên mà vô cùng hiệu lực. Nó dạy ta quan
sát và điều phục theo một đường hướng rất thich hợp
thiên nhiên tất cả mọi động tác thân thể ngôn ngữ tâm
lý của chúng ta. Khi ta đưa hai bàn tay vào chậu nước trong
chẳng hạn, nó dạy ta làm phát khởi trong có một tư tưởng
trong sáng, tin tưởng và ý thức: “Khi tôi rửa tay bằng nước
trong, tôi ước ao bằng mọi người trong chúng ta đều được
hai bàn tay tinh khiết để có thể tiếp nhận và duy trì chân
lý”. Và trong tất cả mọi động tác, những tư tưởng trong
kia đến cùng với ý thức minh mẫn, để tạo nên chánh niệm
làm cho mọi động tác thường được coi là tầm thường
nhất như đi vệ sinh, hốt rác, chặt cũi… cũng trở nên
thánh thiện. Tràn ngập tính chất thi ca và nghệ thuật. Za-zen.
Thiền thì đâu cần ngồi. Cuộc đời không phải để mà
ngồi dù ngồi chín năm xây mặt vào vách cũng thế. Ngồi
chỉ là những bước đầu. Cũng vì vậy mà chúng ta đã được
hướng dẫn nấu cơm, rửa bát không chỉ là để có bát sạch.
Nói cho đúng mức ngôn ngữ, thì nấu cơm không phải để
có cơm, rửa bát không phải để có bát sạch. Và nấu là
nấu chứ không phải là nấu cho xong, rửa là rửa chứ không
phải là rửa cho xong với ý định là làm cho xong kẻo mệt,
làm cho rồi bổn phận, để mà nghỉ, để mà tham thiền,
thì việc làm ấy sẽ là hư công, vô ích, không nghĩa gì đối
với thiền học. Rửa bát, quét lá trước sân, những việc
ấy phải là thiền, là tu, là con đường thành Phật. Thành
Phật không do sự lễ lạy, cúng vái ngồi “thiền”. Thiền
là ăn, là thở, là nấu cơm, là gánh nước, là chùi cầu
vệ sinh. Thiền là dọi ý thức minh mẫn vào mọi động tác
thân khẩu ý, là làm cho rạng rỡ những chiếc lá khô, những
viên sỏi nhỏ, những đống phân bón, những cành cũi mục…
làm cho rạng rỡ tất cả mọi đường đi nẻo về của tâm,
của ý. Cho nên Nguyên Hưng biết rằng nắm được cái kỹ
thuật nấu cơm, rửa bát, quét sân và nhặt củi ấy thì mới
mong xuống núi làm chàng dũng sĩ. Một chàng dũng sĩ như thế
thì có thể cười đùa trước các vũ khí của cuộc đời
như tiền bạc, danh vọng và quyền thế. Một chàng dũng sĩ
như thế thì có thể ngồi trên những đợt sóng thành bại
mà không bị đưa lên dìm xuống bởi những đợt sóng thành
bại và một chàng dũng sĩ như thế ít ai biết là một chàng
dũng sĩ.
Nguyên
Hưng, dù sao mùa xuân cũng đã thấy thấp thoáng ở quê nhà.
Dù cho quê nhà đang lâm vào tình trạng khốn khổ đau thương
đi nữa thì mùa Xuân cũng nên trở về để trao cho Việt Nam
khổ đau bức thông điệp hy vọng của sự sống mầu nhiệm,
để tất cả chúng ta đặt niềm tin ở tương lai mà vững
lòng đi tới. Tuyết đang rơi trước cửa sổ tôi, màu xanh
còn vắng mặt. Nhưng thiều quang sẽ đến. Và hàng cây trụi
lá khổ hạnh kia cũng như những bải cỏ chôn vùi dưới tuyết
kia sẽ lấy lại được màu xanh mơn mởn của mùa Xuân thịnh
vượng.
Hết
chương 9
VIII
Hôm
thứ bảy, nghĩa là sau đó hai hôm, tôi đi chùa lễ Phật cầu
nguyện cho mẹ bởi vì hôm đó nhằm ngày rằm tháng chín âm
lịch, ngày giỗ của mẹ. Tình cờ hôm đó tại chùa cũng
có đại lễ kỷ niệm bảy mươi năm ngày Phật giáo du nhập
Hợp Chủng Quốc. Lễ này tổ chức liên tiếp trong ba ngày
và có nhiều đại biểu từ các tiểu bang đến dự. Ngôi
chùa không to lớn gì, thành thử giảng đường nơi hành lễ
cũng chỉ lớn bằng giảng đường chùa Ấn Quang. Vậy mà
họ gọi là đó là Mỹ Quốc Phật Học Viện (American Buddhist
Academy). Cái tên thì lớn, kỳ thực chùa chỉ có một số
lớp dạy giáo lý và thực hành cho các cư sĩ, còn ngoài ra
thì dạy pha trà, cắm hoa và đàm thoại Nhật ngữ. Chùa thuộc
hệ phái Tịnh Độ Chân Tông và do hai vị trông nom: Hozen Seki
vị trú trì. Và giáo sư Phillips giảng sư. Vị này trước
là giáo sư ở đại học đường Delaware.
Để
tôi nói sơ lược về Phật giáo bên này cho Nguyên Hưng nghe.
Ở Hiệp Chủng Quốc có vào khoảng tám mươi ngàn người
theo đạo Phật, trong đó phần lớn là người Nhật và người
Trung Hoa hoặc đã trở thành công dân Mỹ, hoặc chưa. Trung
tâm Phật giáo đặt tại 1710 đường Octario, Cựu Kim Sơn.
Các “tăng sĩ” đều là tân tăng của phái Tịnh Độ Chân
Tông, khoảng bảy mươi vị, hầu hết là người Nhật rải
rác trong các tiểu bang, một số có mặt trong các đại học
Mỹ để dạy về ngôn ngữ và văn chương Nhật Bản. Có năm
mươi bốn ngôi chùa lớn nhỏ rải rác khắp toàn lãnh thổ.
Ngôi chùa ở Nữu Ước so với các ngôi chùa ở Cựu Kim Sơn
thì nhỏ bé hơn nhiều. Trong số những người về dự lễ,
tôi gặp hai tu sĩ Nam Tông khoác áo vàng, đại đức Anuruddha
và đại đức Vinita một người từ tiểu bang Connecticut, còn
một người từ Massachusetts. Lễ dâng hương cử hành lúc ba
giờ chiều. Vị đại sứ Tích Lan, ông Susantha de Fonseka, cũng
có mặt để đọc diễn văn chúc mừng.
Tôi
đi bộ một mình đến chùa và đi thật thong thả. Chùa chỉ
cách nơi tôi ở có năm ô (bloc) ở vào số 331 đường Riverside
Drive. Khi tôi đến thì gần đến giờ thuyết pháp. Khán giả
chỉ chừng hai trăm người gồm nhiều quốc tịch trong đó
đa số người Nhật. Bài giảng không gây nổi cảm hứng làm
tôi thất vọng. Ở đất này mà giảng như thế thì không
làm sao gieo được hạt giống đạo Phật trong quần chúng.
Nguyên Hưng cũng biết, giáo lý Tịnh Độ Chân Tông cũng như
tổ chức của Tịnh Độ Chân Tông không khác giáo lý Thệ
Phản là mấy, cả hai đều chú trọng đến tha lực. Vậy
thì món ăn đó không thể nào được gọi là mới lạ đối
với người Anh và người Mỹ. Thêm nữa để diễn giải giáo
lý Cơ đốc của họ, đã có biết bao viện thần học, bao
nhiêu nhà truyền giáo xuất sắc; trong khi đó tổ chức Tịnh
Độ Chân Tông ở đây thiếu cơ sở giáo dục và đào tạo
bắt chước một cách thiếu thông minh nên không thể không
chứng tỏ sự kém cỏi non nớt của mình. Thực ra dân Mỹ
là một dân có tinh thần tự lập tự cường; trong gia đình
cũng như ở ngoài xã hội, con người được đào luyện để
có tinh thần tự lập ấy và để khỏi phải nương tựa và
sống bám vào những kẻ khác. Như thế chắc chắn một giáo
lý như giáo lý tự lực của Thiền Tông sẽ rất thích hợp
với họ. Giáo lý Thiền Tông hoàn toàn căn cứ vào tự lực
để xây đắp, phát triển và giác ngộ bản thân trong lúc
giáo lý Cơ Đốc và Tịnh Độ tự nhận khả năng thiếu kém
của con người và nhấn mạnh đến năng lực cứu độ của
một thế lực bên ngoài. Cho nên Nguyên Hưng sẽ không lấy
làm lạ khi thấy sự truyền bá của đạo Phật Tịnh Độ
ở đây chưa gặt hái được những kết quả nào đáng kể.
Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng Thiền được
hâm mộ một cách nồng nhiệt ở đây. Giáo sư Suzuki đã gây
được những tiếng vang lớn lao về thiền học ở đất nước
này. Sống trong một xã hội quá hoạt động, quá náo nhiệt,
và khi đã mệt mỏi vì những tính toán những suy luận hình
thức, cố nhiên người ta khao khát một cái trầm tĩnh, tươi
mát và tự tại như tinh thần Thiền học. Có sống ở đây
Nguyên Hưng mới thực chứng được điều đó.
Để
bù lại sự thiếu kém về nội dung giá trị tư tưởng, các
nhà truyền giáo Tịnh Độ ở đây phải dùng đến những
hình thái sinh hoạt văn hóa Nhật. Người Mỹ ưa món ăn Nhật,
nghe đàn Koto, chứng kiến các cuộc pha trà, cắm hoa, vân vân.
Thế cho nên sau thời thuyết pháp, có một buổi trình diễn
đàn Koto. Mà buổi trình diễn đàn Koto độc chiếc ấy đã
kéo lại thăng bằng cho buổi giảng. Ngồi hai bên tôi là những
người Mỹ. Họ tỏ vẻ lơ đãng trong thời thuyết pháp như
họ lại đã tỏ ra rất thích thú khi nghe đàn Koto.
Tôi
cũng thích những bài đã được trình diễn hôm ấy lắm,
Nguyên Hưng. Nhạc sĩ Kimioto Eto. Chàng còn trẻ, vào khoảng
ba mươi tuổi, khuôn mặt hiền hậu và dễ thương. Trong chiếc
Kimono màu đen, chàng bước chậm chạp lên diễn đài, theo
tay dìu đỡ của một chàng thanh niên khác. Tôi nghĩ có lẽ
vì mắt chàng không trông được rõ. Sau lời giới thiệu của
đại đức Saki, chàng chậm rãi ngồi xuống, mỉm cười lặng
lẽ, và không nói năng chi. Sao mà tôi yêu cái dáng điệu ấy
quá. Chẳng bao giờ chàng nhìn xuống khán giả. Chàng chỉ
để tầm mắt trên khoảng rộng của chiếc đàn phủ khăn
trắng. Và nụ cười của chàng, nụ cười thật lạ kỳ,
thật là lặng lẽ, thật là hàm xúc. Tôi không ngờ ở đất
này mà có được một nụ cười như vậy.
Chàng
nói là chàng sẽ đàn để cúng dường ngày kỷ niệm 70 năm
Phật giáo du nhập Mỹ quốc, để dâng lòng thành lên đức
Từ Bi. Con số bảy, chàng nói, nó rất quan trọng đối với
chàng. Cha chàng mất đây bảy năm, và mẹ chàng cũng từ trần
bảy tháng trước. Nay là lễ bảy mươi năm kỷ niệm Phật
giáo du nhập. Và đôi mắt nhỏ lệ. Khuôn mặt trầm lặng,
tràn đầy xúc cảm; một niềm cảm xúc lẫn lộn trong tín
ngưỡng, thương nhớ và bâng khuâng. Chàng đàn, những bản
tự do tay chàng sáng tác. Bản đầu tiên là bản tiếng hát
hy vọng. Điệu nhạc tuy trầm buồn thao thức nhưng chứa đầy
sức sống nhẫn nại, chứa đầy ý chí cố gắng đi tới.
Bản thứ hai là bản Gió mùa thu ngát hương thương nhớ, và
bản thứ ba. Tiếng nói tin tưởng của chàng đối với đạo
Từ Bi. Mỗi bài được cách khoảng với bài khác bằng một
thời gian lặng yên trong nụ cười trầm tĩnh. Xong bản thứ
ba, chàng nói cho mọi người biết là hai mắt chàng mù và
chàng không thấy gì hết. Mọi người xúc động; tôi cũng
xúc động cả tâm hồn, bởi vì trước đây không ai nghĩ
rằng chàng lại là một người mù.
Nước
mắt tôi muốn trào ra; tôi đứng dậy ra về trước mọi người,
bỏ nữa chừng cuộc trình diễn. Tôi thấy như vậy là quá
đủ. Trên con đường Bờ Sông tôi đi thong thả từng bước
một, lòng thấy bâng khuâng. Nụ cười của Kimioto vẫn còn
nguyên vẹn, huyền diệu, trầm lặng. Nếu không biết khổ
đau, không bao giờ người ta có thể có được một nụ cười
như thế. Và tôi hiểu tại sao nụ cười đã làm cho tôi xúc
động ngay từ khi tôi mới trông thấy chàng.
Đường
Riverside Drive vắng vẻ. Đột nhiên tôi nhớ tới lời những
người bạn dặn dò không nên đi một mình trong đêm khuya
trên các con đường vắng đô thành. Nữu Ước có rất nhiều
bọn bất lương như bất cứ thành phố nào trên thế giới.
Nghĩ như thế, tôi định rẽ sang đường 108 để trở vào
Broadway. Vừa rẽ sang đường 108 tôi bỗng thấy mặt trăng,
tròn như khuôn mặt hoa sen đức Phật, hiện ra giữa mảnh
trời do hai nhà hàng nhà cửa cao vút bên đường chừa lại.
Thật là mầu nhiệm. Mặt trăng ở về phía trước mặt tôi,
và cũng đi về phía tôi đi.
Mặt
trăng Rằm tháng Chín. Chắc là mẹ tôi cũng đi theo tôi đến
chùa khi trăng mới mọc.
Cái
mặt trăng ấy đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi
nghe thuyết pháp, đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi
nghe trình diễn đàn Koto. Và mặt trăng ấy bây giờ cũng lại
đi theo tôi về tận nhà. Sáu năm về trước, mẹ tôi mất
vào ngày trăng tròn tháng chín… Trăng khuya bao giờ hiền hòa
êm dịu và mầu nhiệm như tình mẹ. Trong suốt bốn năm trời
tôi có cảm giác rất rõ rệt là tôi mất mẹ. Nhưng mà có
một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ, và từ lúc đó, cảm giác
kia không còn nữa. Tôi thấy mẹ tôi chưa bao giờ mất cả,
và những đau khổ xót xa trước kia chỉ là những ảo giác
trong một giấc mộng. Tôi còn nhớ đó là một đêm tháng
tư ở cao nguyên. Tôi nằm mơ thấy mẹ tôi, dung nhan không
có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên,
không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu
đựng ý tưởng mất mẹ. Chắc Nguyên Hưng muốn hỏi tôi
rằng trong bốn năm ấy tôi có lần nào nằm mơ không. Có,
tôi nằm mơ thấy mẹ tôi vài lần, nhưng mà những lần thấy
như thế không có tác dụng gì rõ rệt sau khi tôi tỉnh thức
cả.
Lần
này, khi tỉnh thức, tôi cảm thấy tâm hồn bình yên một
cách kỳ lạ và tôi thấy một cách rất hiện thực rằng
sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà
không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của
mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh
mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có. Cái
có với cái không là sáng tạo phẩm của nhận thức chủ
quan và do có không hẳn là có và không không hẳn là không.
Có là để đối với không, và không là để đối lại với
có. Thực ra, đã có thì không thể nào là không, và từ không
thì không thể nào sinh ra có. Tôi không muốn lý luận với
Nguyên Hưng, tôi chỉ muốn nói với Nguyên Hưng, thế thôi.
Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy
phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi
chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa
qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ trong giấc mơ
ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi. Điều này tôi càng
thấy rõ hơn khi tôi đi mở cửa đi ra vườn. Vườn đầy
ánh trăng khuya dịu dàng và nhiệm mầu. Đó là sự có mặt
của mẹ, nhớ thương, đó không là một sự tự an ủi mình.
Tôi có thể thấy mẹ tôi bất cứ ở đâu và lúc nào tôi
muốn.
Nguyên
Hưng, hồi tháng tám trong lúc còn ở Medford, tôi có viết để
làm quà cho những người trẻ tuổi quen biết ở nhà một
đoản văn tôi là Bông Hồng Cài Áo. Ngồi ở trong nhà gỗ
Pomona, tôi đã viết ra những dòng chữ giản dị kia trong lúc
chim hót vang rừng. Khi tôi gửi nó đi rồi - tôi gởi cho Nhiên
- tôi mới biết rằng những cảm nghĩ trong ấy phát sinh từ
một cái nhìn khá mới lạ, cũng là cái nhìn mà tôi đã diễn
tả trong lá thư viết cho thầy Thanh Từ. Ngày xưa nói về
văn học Việt Nam, tôi cứ giảng đi giảng lại mãi câu thơ:
“mạc
vị xuân tàn hoa lạc tận
đình
tiền tạc dạ nhất chi mai”.
của
Mãn Giác Thiền Sư đời Lý, rất khâm phục ý tưởng của
tác giả nhưng mà chưa bao giờ đón nhận được cái tâm tư
của tác giả một cách đích thực. Thì ra trong lúc nhận thức
cởi mở, trong lúc cái vỏ cứng nứt rạn, ta có thể trông
thấy những điều thật là mầu nhiệm. Cũng như ta có thể
thấy được sự hiện hữu của cành mai trong một đêm tăm
tối và lạnh lẽo của mùa Đông.
Chúng
ta sinh vào thời đại trong đó sự xung đột giữa các giá
trị cũ và mới đang sắp đi đến chỗ kết thúc. Tuy vậy
nó chưa kết thúc được, và dấu vết của sự xung đột
còn hằn lên rõ ràng trong tâm hồn chúng ta. Những câu hỏi
mới của triết học đã làm cho chúng ta bơ vơ thêm, lạc
lõng thêm, thao thức thêm. Trong trạng thái rối bời của tâm
trí, ý niệm về sự vô lý của hiện hữu xấu xa, con người
xấu xa; con người muốn tốt cũng không thể nào tốt được,
hiện hữu muốn đẹp cũng không thể nào đẹp được. Trong
tình trạng đó lắm khi chúng ta còn có ảo tưởng rằng chúng
ta có tự do, chúng ta còn là chúng ta. Nhưng hẳn Nguyên Hưng
cũng đã từng biết rằng kinh nghiệm bản thân rằng chúng
ta nhiều khi chỉ viết chính tả, mà kẻ đọc cho chúng ta
viết vốn không phải là ta mà lại là những dấu vết được
ghi trên chúng ta, hoặc nói một cách khác hơn là mệnh lệnh
của nghiệp lực cộng đồng. Chúng ta đã không được là
chúng ta thì, nếu chúng ta có tự do đi nữa, tự do đó cũng
không phải là tự do của chúng ta. Có lúc chúng ta không còn
“ham” tự do nữa, có lúc chúng ta sợ hãi tự do: đó là
tại vì chúng ta không thực là chúng ta. Chúng ta bị bao phủ
rất là nhiều lớp rong rêu và vôi gạch. Chúng ta cần đập
vỡ tất cả để được giải thoát. Nhưng chúng ta sợ sự
đập vỡ đó, bởi vì chúng ta cứ tưởng những lớp vôi
gạch rong rêu đó mà vỡ thì chúng ta cũng vỡ luôn, mà những
lớp vôi gạch rong rêu đó, than ôi, có phải là chúng ta đâu.
Ngày
tôi khám phá ra cái điều mà tôi nói đó, tôi bổng thấy
tôi nhìn tất cả mọi vật với một cặp mắt khác lạ. Trước
hết, tôi nhìn vào tôi, và tôi thấy thân thể tôi quả là
một cái gì mầu nhiệm. Tôi chưa bao giờ nhìn tôi như thế.
Tôi thấy không có lý do gì mà ta lại có thể nhìn thân thể
ta, một trong năm phần của hợp thể ngũ uẩn, với một cặp
mắt coi thường. Chúng ta có khuynh hướng coi thường những
gì nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta đánh giá chúng
một cách quá hạ và lắm khi vì u mê chúng ta nguyền rủa
sự tồn tại của chúng. Như đôi mắt của tôi đây chẳng
hạn. Vì tôi có đôi mắt, và vì tôi cho đó là một sự thực
hiển nhiên - mà hiển nhiên sao được, làm gì mà hiển nhiên
được một cách dễ dàng thế - cho nên tôi không chú trọng
tới chúng, không cần hỏi han chúng, không nhận được thông
điệp của chúng và do đó tôi mất chúng. Có cũng như không.
Chỉ khi nào người ta bị mù đột ngột, người ta mới cảm
nhận được sự hiện hữu trước kia của đôi mắt; nhưng
cảm nhận như thế thì muộn quá rồi. Một người mù được
sáng mới biết thế nào là sự hiện diện quý giá của một
đôi mắt; người đó có thể sống sung sướng ngay trên trái
đất, sung sướng hơn cả trên thiên đường. Thế giới đầy
màu sắc này, cùng với đôi mắt kia là những gì thật mầu
nhiệm, là những gì có thể hiến dâng cho chúng ta những sung
sướng ngây ngất. Từ lúc đó chẳng khi nào nhìn mây trắng
trời xanh mà tôi lại không nhìn với nụ cười. Thế giới
đột nhiên giầu có hẳn lên và tươi sáng hẳn lên. Người
mù mới sáng có thể tìm thấy thiên đường, nhưng hắn sẽ
làm quen với thiên đường trong một thời gian ngắn, rồi
vẫn coi thường thiên đường, cho thiên đường là cái gì
hiển nhiên. Và vì vậy, hắn sẽ mất thiên đường trong vài
ba tuần lễ, nhiều lắm trong vòng ba tháng. Trong khi đó một
con mắt tâm linh của Nguyên Hưng sẽ không bao giờ làm mất
thế giới pháp thân.
Hồi
nhỏ chúng ta được dạy rằng những đau khổ lớn của con
người là sinh, lão, bệnh, tử, là ước mong mà không được
thành tựu, là hợp nhau mà không được chung nhau, là khắc
nhau mà vẫn vẫn phải gần nhau. Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, những
đau khổ đích thực của con người không nằm trong sinh, lão,
bệnh, tử, không nằm trong trường hợp ái biệt ly, oán tắng
hội, cầu bất đắc. Nó nằm ở trong cái cách chúng ta nhìn
thực tại. Quả là như vậy đó, Nguyên Hưng. Sinh lão bệnh
tử, sự chia cách, sự kết hợp vẫn có những mầu nhiệm
của chúng, vẫn là những đặc tính quý giá của hiện hữu.
Điều quan trọng nhất là làm như thế nào ngồi yên lành
trên những đợt sóng hiện tượng đó với một nụ cười
của bản thể không sinh không diệt.
Tôi
nhớ trong kinh Bảo Tích có một đoạn như sau đây. Phật nói:
Có một người nhặt cục đất ném vào con chó. Con chó đau
quá, tức giận chạy theo cục đất để cắn trả thù. Con
chó không biết rằng kẻ thù không phải là cục đất mà
là người ném cục dất. Cũng như vậy, những kẻ khờ dại
nghĩ rằng mầu sắc, âm thanh, hương vị v.v… là nguyên do
khổ đau và kết luận rằng muốn hết khổ đau thì phải
tiêu diệt hoặc lánh xa sắc, thanh, hương, vị, xúc… Kỳ
thực đau khổ không nằm trong sắc, thanh, hương,vị xúc. Đau
khổ nằm nơi cách nhìn và sử dụng của chúng ta đối sắc,
thanh hương vị xúc. Vấn đề là như thế. Chúng ta khổ đau
không phải vì thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫn và
vô lý mà vì chúng ta đã nhìn thực tại qua những lớp màn
nhận thức đen tối mang nặng tư kiến tư dục của chúng
ta để thấy thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫn và
vô lý. Có lần đi xa quê nhà hằng năm phải nói tiếng ngoại
quốc cả ngày tôi bổng thấy nhớ những giọng nói quen thuộc
quá chừng. Lắm khi tôi ao ước được nghe những giọng nói
quen thuộc ấy đến nỗi tôi nghĩ rằng vài ba phút thôi cũng
đủ làm cho tôi sung sướng suốt ngày. Mà kỳ lạ thực, Nguyên
Hưng, tự nhiên - sao lại tự nhiên - một buổi sáng chuông
điện thoại reo và tôi được nghe tiếng của Phượng từ
bên nhà gọi sang. Câu chuyện tuy ngắn ngủi và chỉ gồm có
một số câu hỏi về công việc nhưng tôi cũng thấy quý giá
và do đó cũng sung sướng đến mấy ngày. Từ đó mỗi khi
nói chuyện với một người thân là tôi để hết tâm ý vào
câu chuyện và ngthe thấy cả tiết điệu của giọng nói.
Tôi phân biệt được giọng nói và cả những lo âu những
cảm động những thao thức vân vân… chứa đựng trong giọng
nói. Đó thật cũng là một điều mầu nhiệm. Dễ gì mà nghe
được như thế, hiểu được như thế và cảm nhận được
như thế. Tuy vậy trong chúng ta ai cũng có điều kiện để
nghe, để hiểu để cảm nhận. Tôi không bao giờ còn thái
độ khinh suất và lơ là với bất cứ một hiện tượng nào
xẩy ra đến trước giác quan của tôi. Một cái lá rơi vào
phòng hay một tiếng kêu của em bé chơi đùa dưới bãi cỏ
non cũng là một sứ giả của hữu thể. Tôi nhìn ngắm, lắng
nghe tiếp nhận thông điệp của hữu thể đó do chúng mang
đến. Sự xa cách người thân yêu, sự thất vọng sự chạm
trán với những gì ta không ưa thích cũng trở nên mầu nhiệm
và tràn đầy tính cách xây dựng. Nhờ những thứ đó mà
tôi mới được là tôi. Nguyên Hưng mới được là Nguyên
Hưng và nụ cười kia mới có thể là một nụ cười. Dưới
ánh sáng của cái nhìn ấy, thấy những yếu đuối những
dại dột của con người cũng có những khía cạnh mầu nhiệm
của chúng. Có những bông hoa khi nở rồi thì không bao giờ
còn héo tàn nữa. Nhìn dưới ánh sáng ấy thì sinh diệt nào
có khác chi niết bàn. Vì vậy có một đêm trong giờ tư duy
tôi bỗng muốn la lên rằng: sự nghiệp của các đức Phật
đã được hoàn tất tự những bao giờ, và sở dĩ nó đã
hoàn tất cũng vì nó chưa bao giờ thực sự khởi đầu cả.
Nguyên
Hưng, nhìn lại lịch sử nhân loại và nhìn lại quá khứ
của chúng ta, Nguyên Hưng sẽ phải công nhận rằng quả tình
Nguyên Hưng không thể phân biệt được cái gì là thực sự
may và cái gì thực sự rủi, cái gì thực sự tốt và cái
gì thực sự xấu. Chắc Nguyên Hưng còn nhớ câu chuyện người
trại chủ mất ngựa. Mất ngựa có hẳn đó là rủi ro không,
điều đó chỉ có một cái nhìn bao quát thời gian và không
gian mới trả lời được. Bất cứ sự thành công nào cũng
kéo theo sự bất lợi của nó và bất cứ sự thất bại nào
cũng đóng góp được vào cái ánh sáng trí tuệ hoặc cái
thành công của tương lai. Ta có thể nói rằng cái kia vừa
may lại vừa rủi, vừa tốt lại vừa xấu, và như thế có
khác chi nói rằng không thực sự có may, rủi, tốt, xấu mà
chỉ có nhận thức ngắn và hẹp của con người tạo nên
tốt xấu. Tất cả đều là những phân biệt biến kế của
nhận thức. Nguyên Hưng, người ta nói rằng không thể nào
thành lập được một nền luân lý nếu không thiết lập
được tiêu chuẩn thiện ác. Nhưng mà mây bay hoa nở, gió
thoảng, nước trôi có cần đến luân lý đâu, có cần đến
tiêu chuẩn thiện ác đâu. Thế mà nhiều kẻ lại khen ngợi
họ là những bậc thánh, những nhà đại luân lý, nhiều kẻ
lại nhìn vào họ, xét nghiệm hành động ngôn ngữ và tư
tưởng họ để cố thiết lập ra một nền đạo đức luân
lý có cơ sở tiêu chuẩn thiện ác đàng hoàng, và gán cái
nền luân lý tìm ra ấy cho họ. Họ chỉ mỉm cười. Nếu
nói rằng chính họ, họ không biết thế nào là thiện là
ác, thì chắc là không ai không nghĩ rằng họ nói đùa. Chỉ
có người điên mới nói thực một câu như vậy. Cho nên người
điên nào cũng khó tìm ra một tri kỷ để trao tâm ấn của
mình. Một nhà thi hào là gì? Đó là một người không biết
gì hết về kỹ thuật vần điệu. Chỉ khi nào anh không phải
là thi hào, anh mới biết thế nào là vần điệu mà thôi.
Thế
thì, Nguyên Hưng, thứ cam lộ mỗi ngày mà họ uống có thể
được bọn phàm nhân xem là độc dược. Mà nói cho ra lẽ,
thì độc dược bao giờ cũng là độc dược đối với ai.
Đối với người đã nhìn thấy sự vật, thì nhận thức
đồng thời là hành động; đâu có thể nói rằng ta phải
thiết lập triết lý hành động trên cơ bản triết lý nhận
thức, khi chúng ta còn là tù nhân của ý niệm ngôn từ thì
chúng ta mới vướng vào sự phân biệt nhận thức và hành
động mới có cái hăng hái trẻ con để bàn luận về triết
học hành động. Đối với kẻ đã nhìn thấy thì không có
sự nhận thức chân lý cũng như không có phương châm hành
động. Không có sự chứng đắc và không có đối tượng
của chứng đắc. Tâm Kinh đã chẳng nói thế là gì. Và bởi
vì đã là sự sống chân thực, đã là gió thoảng, là mây
bay, là nước trôi, là hoa nở, kẻ kia cần gì phương châm
hành động. Khi người ta bay thì người ta không cần biết
đến những luật lệ những dấu hiệu đi đường của xe
cộ, dù là xe lớn hay xe nhỏ. Ngôn ngữ kẻ kia sẽ là ngôn
ngữ của mây, của gió, của hoa, của nước. Anh đừng đến
đặt cho họ những câu hỏi vớ vẫn về triết học. Họ
sẽ trả lời anh bằng một câu thơ, hoặc giả họ sẽ hỏi
anh xem anh ăn cơm chưa, đã rửa bát chưa. Nếu anh bị bó chặt
trong câu hỏi họ sẽ chỉ ra núi rừng:
“Bất
tín, chỉ khán bát cửu nguyệt.
Phân
phân hoàng diệp mãn sơn xuyên!”
Phải
rồi. Không tin, hãy ngắm mùa thu đến; tơi bời lá rụng ngập
sơn xuyên. Còn nếu anh cứng đầu thì họ có thể lấy gậy
đánh anh cho anh chừa đi cái thói quen đem kính khái niệm đi
soi chân lý. Nguyên Hưng ơi, ở Phương Bối chúng ta mà có
được một thi sĩ như thế thì núi rừng đã đẹp lại càng
thêm đẹp, phải không.
Trong
kinh Phật, từ ngữ trang nghiêm được dùng theo nghĩa làm cho
đẹp và Bồ-tát trang nghiêm Phật độ có nghĩa là sự hiện
hữu của các vị Bồ-tát làm cho đất Phật đẹp đẽ hẳn
lên. Tôi nhớ có lần vua Huệ Tông nhà Lý nghe danh Hiện Quang
thiền sư, cho người lên núi mời ngài về cung. Người từ
chối, trả lời rằng nội các vị Thiền sư tài đức hiện
đang phục vụ ở thủ đô cũng đã là trang nghiêm đến điện
các rồi. Sự có mặt của người đạt đạo quả có thể
làm đẹp cuộc đời bằng chính đạo đức vô hành của họ.
Mà đạo đức vô hành thì làm gì có tiêu chuẩn, có phương
châm hả Nguyên Hưng.
Bây
giờ là mấy giờ, Nguyên Hưng biết không? Còn mười lăm phút
nữa là nửa đêm. Lễ Giáng Sinh sắp đến rồi. Nghĩ cũng
thật là một điều mầu nhiệm. Tôi thức trong cái giờ linh
thiêng này, ngồi đây viết cho Nguyên Hưng. Những ý tưởng
của tôi trào lên và tôi cảm thấy dễ chịu khi trút chúng
bớt xuống đầu ngòi bút. Tôi vừa nói cho em nghe về nguồn
linh cảm đã khiến cho tôi biết nhìn, biết nghe thế giới
hiện tượng một cách cẩn thận. Có những giây phút chỉ
xảy đến một lần hoặc vài lần trong đời, xảy đến như
sự xuất hiện của một vị sứ giả của chân như, một
thông điệp của thực tại, và nếu ta vô tâm, ta sẽ để
cho chúng đi qua và không bao giờ trở lại. Bí quyết của
Thiền tông chắc hẳn là ở chỗ khám phá được đường
đi nẻo về của những giây phút như thế và sửa soạn, cống
hiến cơ hội cho chúng trở lại. Và cuối cùng, làm cho ánh
sáng rạng rỡ của nó tỏa chiếu rạng rỡ trong một chuyến
trở về, không từ đâu tới mà cũng sẽ không đi về đâu.
Để tôi đọc cho Nguyên Hưng nghe bài thơ sau đây của Quách
Thoại nóivề sự hiện diện của bông hoa thược dược:
“đứng
yên ngoài hàng dậu
em
mỉm nụ nhiệm mầu
lặng
nhìn em kinh ngạc:
vừa
thoáng nghe em hát
lời
ca em thiên thâu
ta
sụp lạy, cúi đầu…”
Nguyên
Hưng có nghe gì không? Tôi thấy rất rõ là giây phút đã xuất
hiện bức màn đã hé, dù trong giây lát, và thi sĩ đã thấy.
Bông hoa thược dược đứng ngoài hàng dậu kia, có lẽ vì
“hiển nhiên” quá, nên không ai thực sự trông thấy. Khi
tâm linh ta nghe được tiếng hát bất diệt của nó và nhìn
thấy nụ cười nhiệm mầu của nó thì nó không còn là một
bông hoa thược dược tầm thường nữa. Nó là sứ giả, nó
là thông điệp, nó là pháp thân. Tôi nhớ có lần Trụ Vũ
ca ngợi:
“cánh
hoa là tứ đại
mà
tỏa hương tinh thần
mắt
em là tứ đại
mà
rạng ngời yêu thương”
Tôi
tưởng Trụ Vũ không ca ngợi mà thốt ra những lời biểu
lộ một sự ngạc nhiên. Giây phút cũng đã tới, ánh sáng
lòe lên rồi lại tắt. Nhưng trong một đời người mà có
được một lần thấy, nào có phải là ít ỏi gì đâu. Đã
thấy được một lần thì có thể thấy mãi. Vấn đề là
ở chỗ ta có tha thiết không, có thành khẩn không, có cẩn
trọng không, thế thôi. Trong thế hệ những người trể tuổi
đang bị giam giữ vào ngục tù của chán nản, của sự vô
lý và sự tự khinh, ta thấy không biết bao nhiều người nhận
thức thực tại như một cái gì nhầy nhụa và thân thể tâm
hồn mình như một vũng bùn tanh hôi. Thảm thương biết bao.
Sự giải thoát, như thế, chỉ có thể đi tìm nơi hủy diệt.
Tứ diệu đế nên áp dụng trong mục đích tìm ra và tiêu
diệt nguyên nhân của nhận thức đen tối ấy thì là một
điều quý hóa. Còn nếu, vì muối giải thích biện hộ cho
sự thực thứ nhất bằng cách phải bôi lem bức tranh thực
tại, gán cho thực tại tính cách khổ tự nó không có gì
đó là bắt đầu một cuộc vu khống to lớn. Thực tại không
khổ không lạc, chỉ có qua nhận thức ta nó mới là khổ
hay lạc mà thôi. Nói như thế, Nguyên Hưng ơi không phải là
nói rằng những trận động đất, những con vi trùng, những
trận chiến tranh, những hiện tượng sinh lão bệnh tử…
là không có thực. Chúng có thực chứ, cũng như muôn ngàn
hiện tượng khác. Nhưng tự thân của chúng không phải là
sự đau khổ. Và con người có thể giảm thiểu sự hiện
hữu của chúng đến một giới hạn nào đó. Còn tiêu diệt
chúng hoàn toàn, đó là điều không thể thực hiện. Cũng
như muốn có trắng mà không có đen, có dài mà không có ngắn,
có sinh mà không có tử, có một mà không có nhiều. Tính cách
biến kế của nhận thức tạo tác ra thế giới khổ đau,
những như người thợ vẽ vẽ ra hình ma quỹ và khiếp sợ
chính những bức hình của mình. Những bức hình ấy, Nguyên
Hưng ơi, nào phải là ảo ảnh: nó là những bức hình có
thực.
Nguyên
Hưng, đêm mùng hai tháng mười tiếp sau đó là một đêm tôi
cần ghi nhớ. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một trời đầy
sao sáng, không trăng; nhưng ngôi sao nào cũng sáng cũng đẹp
cũng lấp lánh, cũng to như đôi mắt của trẻ con, trên một
nền trời không gợn mây. Cố nhiên khung trời đó chỉ là
khung trời nội tâm. Vì hôm ấy ở thành phố tôi ở mưa gió
về đầy trời. Các cửa phòng đều đóng kín. Suốt một
đêm tôi không ngủ, vì có muốn đi ngủ thì “cũng không
thể nào ngủ được”. Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer,
và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng
tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh
mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm
nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng nổi. Viết đến
đây tôi còn thấy tâm hồn rạt rào những cảm xúc mới lạ,
và có lẽ Nguyên Hưng cũng đang chia xẻ những cảm xúc ấy
với tôi. Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối cùng làm
tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn
gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được
sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi
hết nữa về cuộc đời. Những đêm như thế đẹp lắm Nguyên
Hưng; lòng ta ngập tràn thương yêu. Can đảm và nghị lực
dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm
xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện
hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài
ta vẫn là hình hài của chính ta. Nguyên Hưng chớ cho rằng
đó là một trạng thái tôn giáo, đạo đức hay thánh thiện
của tâm hồn, khơi động do một nguồn cảm thông hay một
ân huệ thiêng liêng nào. Trạng thái tâm linh ấy hoàn toàn
nhân bản. Tôi biết, ngay trong giờ phút đó, không có thần
thánh, không có giác ngộ ngoài tim tôi, phổi tôi, những hạch
tiết tuyến, những tế bào của cơ thể tôi. Sự sống đã
mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu
xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau.
Trong cuộc đời không có thường có ngã nhưng cũng không có
vô thường vô ngã. Không có sự chết nếu quả thực ta thấy
được sự sống. Chỉ nên nói sự sống, và đừng bao giờ
dại đột nói Sự sống miên viễn; mệnh đề sự sống miên
viễn cũng như ý niệm trường sinh bất tử tự nó là một
sự mâu thuẫn, một sự dốt nát, một sự tham lam. Tham lam
chỉ là dốt nát; và tham lam dốt nát đánh mất chính sự
sống.
Suốt
một tháng, tôi tiếp tục tư duy và quán tưởng hình dung các
vị Bồ-tát trong Kinh Pháp Hoa và Bát Nhã. Chân dung các vị
ấy đẹp lắm, hèn gì các vị ấy không “trang nghiêm” được
cho đất Phật. Mà cần gì là đất Phật. Cứ nói đến trái
đất của chúng ta đây, sự có mặt của các vị Bồ-tát
như thế cũng đủ làm cho đất chúng ta trở thành đất Phật?
Cây nêu mà dân Việt dựng lên để ăn tết cũng phản chiếu
ước muốn của dân ta rằng đất này là đất Phật, có phải
không Nguyên Hưng.
Có
khi tôi thấy các vị Bồ-tát trong hình dáng nghèo nàn và lem
luốc nhưng khỏe mạnh của họ. Như Trì Địa như Thường
Bất Khinh. Một người thì chuyên môn đi nối lại những cây
cầu gãy và đắp lại những con đường hư làm gián đoạn
giao thông và liên lạc. (Thế giới chúng ta hôm nay có biết
bao niều cây cầu đã gãy đổ và bao nhiêu nẻo giao thông
bị cắt đứt, hả Nguyên Hưng? Và thế giới chúng ta hôm
nay đã có được bao nhiêu Trì Địa, đem tâm lực và thân
lực mình để nối lại những nhịp cầu thông cảm và hiểu
biết giữa con người với con người, giữa quốc gia này với
quốc gia khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác?)
Người thứ hai thì đi đâu cũng nói vào tai mọi người rằng:
ông có đủ khả năng tiến tới, vậy hãy tin ở sức mình,
đừng nên có mặc cảm bất lực, đừng nên thụ động. “Tôi
không dám khinh ngài, ngài sẽ thành Phật”. Bức thông điệp
của bình đẳng, của tinh thần tự tín tự lực ấy nếu
không do những con người kiên nhẫn như Thường Bất Khinh
mang đi thì biết do ai? Nguyên Hưng cứ nghĩ đến những người
dân quê ở xứ ta và những người dân quê ở các nước chậm
tiến khác. Ai nói cho họ biết rằng họ tin nơi sức lực
của chính họ để tạo một tương lai cho chính họ, một
tương lai mà họ có quyền nắm lấy như bất cứ ai? Thế
giới của chúng ta đang cần có thêm nhiều vị Bồ-tát như
thế, luôn luôn trên các nẻo đường về, gieo rắc niềm tin,
sự tự lực tự cường cho nhân loại. Còn Bồ-tát Quan Thế
Âm nữa, mà sau này được gọi là Quán Tự Tại. Chân dung
của người là chân dung của sự cảm thông và của sự tìm
tới với khổ đau không ngần ngại không e sợ bất cứ một
trở ngại nào. Nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời
và tìm tới bằng mọi cách. Tìm tới trong bất cứ một hình
dáng nào thích hợp. Nguyên Hưng, một vị tăng sĩ, một nhà
chính trị, một nhà tư bản, một nhà cư sĩ, một người
đàn bà, một em bé, một thiên thần, một con ác quỷ… hình
dáng nào thích hợp thì dùng hình dáng ấy. “Ưng dĩ trưởng
giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phu nữ thân đắc độ giả,
tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ
thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân
đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị
thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dọa xoa, càn thát bà, atula,
khẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ
giả tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”. Nguyên Hưng có
nghe không? Thế giới chúng ta ngày nay phải được cứu nguy
bằng mọi mặt bằng mọi hình thức mọi hình thức mọi phương
tiện theo tinh thần đại bi tự tại của Quan Thế Âm, phải
được xây dựng bằng thái độ dấn thân của tinh thần Thường
Bất Khinh, Trì Địa. Lại còn hình dung của Địa Tạng nữa;
hình dung của một con người muốn có mặt nơi chốn nhiều
đau khổ nhất của cuộc đời. Chừng nào địa ngục còn
chưa trống không thì chừng ấy tôi còn phải ở lại địa
ngục. Dấn thân mà với tinh thần như thế thì mới thực
là dấn thân, có phải không Nguyên Hưng. Tôi tưởng ở đâu
có những con người như thế là ở đấy đất phải nở hoa,
dù cho ở địa ngục. Dù cho ở bất cứ địa ngục nào.
Nguyên
Hưng, tiếp tục đi tìm hình dung các vị Bồ-tát, lắm lúc
tôi thấy họ trong những chiếc áo thật đẹp, ngọc minh châu
sáng ngời trên đầu, trên tay và trên cổ. Nguyên Hưng hãy
nghĩ đến Vô Tận Ý xem. Các vị tăng sĩ thì không bao giờ
được miêu tả bằng những hình dáng như vậy. Chắc chắn
là hình dáng đó tượng trưng cho sự trang nghiêm tịnh độ.
Sự có mặt của họ làm dẹp cho cuộc đời. Áo của các
vị Bồ-tát đẹp như những chiếc áo trẻ em ngày Tết. Tôi
nghĩ đến một ngày hội đầu xuân. Không ai nhìn thấy khổ
đau của con người rõ bằng các vị. Nhưng cũng không ai giữ
được nụ cười tươi không bao giờ héo như các vị. Tôi
nghe họ nói: chúng tôi không có mặt để khóc than; chúng tôi
có mặt để làm đẹp cho cuộc đời. Cám ơn, cám ơn các
vị. Cám ơn các bạn. chúng tôi sẽ mặc những chiếc áo đẹp
nhất mà chúng tôi có thể cùng với các bạn tô điểm cho
cuộc đời. Các vị sẽ sung sướng lần đầu được những
người sùng bái các vị gọi các vị là bạn. Các bạn sẽ
không còn bị xa cách và bị hiểu lầm do những người quá
sùng kính các bạn nữa. Chúng tôi thấy sự có mặt của các
bạn rồi. Chúng tôi đến đây, và chúng tôi không có một
mảy may tự hào, một mảy may kiêu ngạo, phạm thượng. Chúng
tôi chỉ đến với tình thương, với sự hiểu biết. Chúng
tôi đã thoát khỏi chiếc vỏ cứng đã từng giam hãm chúng
tôi. Này con chim hoàng oanh, cổ họng ngươi tuy bé nhỏ nhưng
ngươi hãy hát lên sáng nay, để ca ngợi tính cách mầu nhiệm
của thực hữu. Chuỗi ngọc mà Vô Tận Ý vừa trao tặng cho
Quan Thế Âm thì long lanh, sáng ngời, trong suốt; tràng nhạc
của người cũng sẽ long lanh, sáng ngời trong suốt như thế.
Để cho nắng mai tuôn chảy trên các sườn đồi như những
dòng thủy tinh và để cho tất cả các bông hoa lớn nhỏ trên
cánh đồng cỏ xanh đều cùng nở một lượt đón chào sự
tỉnh thức mầu nhiệm.
Nguyên
Hưng, tôi đã nói đến cái đêm mầu nhiệm trong đó óc tim
tôi nở như những đóa hoa, và tôi tìm thấy các vị Bồ-tát
không như những thần linh xa cách con người mà là những người
bạn quý mà ta có thể gặp ngay trong cuộc sống này. Tình
cờ mà những điều tôi thấy phù hợp với những điều trong
bài “nguyện sinh” mà chúng ta thường đọc hàng ngày: Hoa
khai kiến Phật ngộ vô sinh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ.
Tim ta và óc ta một khi đã nở thành những đóa hoa thì những
đóa hoa này sẽ không bao giờ héo cũng như những đóa sen
nở ở Tịnh Độ. Sen nở thì thấy được ánh sáng và tìm
được bạn đường.
Nguyên
Hưng, hôm qua viết cho Nguyên Hưng, đến đúng nửa đêm Giáng
sinh thì tôi ngừng lại. Tôi mặc áo thật ấm, mở cửa ra
ngoài và đi đến Campus Center. Tuyết vẫn lặng lẽ rơi. Đến
Campus Center tôi gặp anh Ralph Nelson đang ngồi bó gối xem TV
một mình trong gian phòng rộng thênh thang. Tôi đến ngồi cạnh
Ralph và theo dõi chương trình đặc biệt đêm Giáng sinh. Tôi
nghĩ có lẽ Ralph buồn lắm, và cô đơn lắm trông một đêm
như đêm nay. Ralph quê ở tận miền Nam, xa quá không về nhà
được trong dịp lễ Giáng sinh này. Ralph đã lái xe hơi từ
hôm qua, về miền tây Pennsylvania, để thăm một người bạn.
Và trên đường về Princeton hôm nay, Ralph bị kẹt tuyết và
suýt phải ngủ giữa đường. Ngủ giữa đường thì nguy hiểm
lắm, dù là ngủ trong xe, dù là quay kín các cửa xe lên. Bởi
vì trời rét lắm không thể chịu nổi. May mắn Ralph vượt
khỏi chướng ngại và trở về Campus lúc mười một giờ.
Tôi hỏi: “Anh cảm thấy buồn không, trong đêm Giáng sinh
này, khi mọi người đều en famille? “Tôi sống lẽ loi cũng
quen rồi, Ralph đáp, thành ra không buồn lắm”. Tuy vậy khi
ngó anh ta, tôi biết anh ta đang buồn. May mắn lúc đó, máy
truyền hình bắt đầu trình bày một phim trào lộng nên tôi
thấy trên miệng Ralph một nụ cười. Một giờ rưỡi khuya
chúng tôi đi Campus center. Thì ra tuyết vẫn tiếp tục rơi.
Tuyết lên cao tới gần đầu gối. Tôi phải lội về Brown
Hall từ giả Ralph, rồi vào phòng lau chân thay bít tất, hơ
chân vào lò sưởi.
Năm
ngoái tôi đi chơi suốt một ngày Giáng sinh bằng xe hơi ở
vùng quê và đã chứng kiến được không khí thân mật của
các gia đinh vào ngày lễ ấy. Thật không khác gì ngày tết
bên ta. Trẻ con và người lớn ai cũng có quà, và có rất
nhiều quà. Tôi bị một em nhỏ hỏi: “Ông theo đạo Phật
hả? Vậy ở xứ ông, người theo đạo Phật như ông có ăn
lễ Giáng sinh không?” Tôi trả lời: “Có chứ, bên xứ tôi
người Phật tử ăn lễ giáng sinh vào ngày rằm tháng tư và
họ gọi ngày Giáng sinh là ngày Phật đản.” Tôi nghĩ đến
những chú bé con như thế ở trại Cherroskees và ngủ một
giấc ngon lành cho đến sáng.
Hết
chương 8