Nhất Hạnh
XIV
Trời nóng quá Steve ơi. Mỗi lần về được đến làng rồi tôi sung sướng như là được bơi lội trong một dòng sông mát. Ở đây có nhiều gió. Nhìn đồng lúa và rạch dừa xanh là có thể thấy thoải mái rồi. Cái nơi chúng tôi cư trú ở Saigon thật là tệ quá. Nóng không chịu nổi. Chúng tôi ở tận trên gác nhì. Tràn nhà bằng giấy và nẹp gỗ. Chật chội lắm. Thế đó mà không nóng bức sao được. Buổi trưa chúng tôi cứ phải mặc áo ngắn xuống ngồi ở dưới gốc cây cau cho đỡ bức. Ăn uống không được. Ông Tư hàng xóm xúi tôi đặt một cái máy lạnh trong phòng. Đặt cái máy lạnh trong phòng thì tốn một số tiền nào đó, nhưng mà mình sẽ làm việc bằng hai, thế có lợi không! Ông Tư nói tới chuyện lợi hại; ông cũng có lý một phần nào đó. Quả thật trời nóng như thế chẳng viết lách soạn chấm gì được. Mình cũng thấy bị xiêu xiêu. Nhưng mà nghĩ lại thì không được. Không thể nào được. Không phải là vì cái máy quá đắt. Ông Tổng thư ký nói có thể mua một cái thứ ít tiền được. Nhưng mà ở trong cái xóm nghèo đó mà mình có máy lạnh đặt trong phòng thì thật là không biết đồng sự một chút nào. Thiên hạ sẽ nhìn bằng con mắt gì. Cái xe hơi của trường là một cái xe cũ, cái mã của nó còn có thể chấp nhận được không ai nói gì. Nhưng mà một cái máy lạnh, thì thật là… nhìn cao quá. Tôi liền kiếm giải pháp khác. Phía trước có nhà anh Bảy, có gác. Ảnh độc thân. Buổi sáng xách mô-tô đi làm, chiều tối mới về. Ảnh bằng lòng cho tôi sử dụng nhà trong lúc ảnh đi vắng. Thế là tự nhiên tôi có cả một lâu đài. Lâu đài này rộng chừng bốn thước dài chừng chín thước. Phía dưới mát hơn trên gác nhiều. Những lúc cần viết lách, tôi sang bên ấy, với một chiếc chìa khóa anh Bảy cho. Khi nào muốn trốn khách để có thì giờ làm việc tôi cũng sang bên ấy. Steve đừng lấy làm lạ khi nghe tôi nói đến chữ “trốn khách”. Thường thường bên này mỗi khi đến khách cứ đến tự nhiên, chứ không gọi điện thoại hay hẹn gặp trước. Vì thế mình đi trốn chẳng có tội lỗi gì cả, chỉ trừ giờ mình phải ngồi ở chỗ bàn giấy. Tôi ghét cái bàn giấy nhất, Steve à.
Chúng tôi cũng phác giác ra được một cửa hàng bán chè đỗ xanh và chè bông cau nấu theo kiểu miền Trung. Tôi thì tôi thích hai thứ chè ấy lắm. Chè là gì ấy hử? Chè là một thứ xúp ngọt. Biết cắt nghĩa làm sao. Cứ ăn mới biết ngon chứ Nguyên Hưng nói “xúp ngọt” chắc Steve lắc đầu rồi. Họ cất chè trong tủ lạnh. Mỗi khi trời nóng mà được ăn một hai chén (nhỏ xíu thôi) thì cũng ngon như là uống nước dừa. Steve thèm nước dừa lắm phải không?
Giữa tôi và Nguyên Hưng có một sự khác nhau rất lớn - nói như thế nghĩa là còn có nhiều sự khác nhau nhỏ hơn, đó là Nguyên Hưng thì ghét thức ăn ngọt mà tôi lại ưa. Thành thử mỗi khi nhờ bé Tám mua về, chỉ có mình tôi ăn, còn Nguyên Hưng thì ngồi ngó. Có khi bé Tám ăn với tôi. Có khi thì Mẫn hay Toàn, nếu gặp dịp họ đến chơi. Toàn độ này coi sóc một nhà in, bữa trưa nào cũng ghé tôi chơi. Và cũng thỉnh thoảng trả tiền chè bông cau hoặc chè đỗ xanh. Còn Mẫn thì lo nhà sách với Tuệ. Tất cả đều có phận sự rồi, Steve.
Chiều hôm nay tôi ở lại ăn cơm ở đây, trong làng, với Quảng và Thu hai công tác viên thường trực. Bà Bảy trong xóm mới đem cho chúng tôi hai trái mướp ngọt và mấy lon nếp “gọi là ăn lấy thảo”. Quảng và Thu ở đây được các bà chấp nhận như làcon cháu, hai trái mướp đắng nấu canh chắc ngọt lắm - ngọt như là tình người dân quê đối với cái gì họ đã chấp nhận. Thu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhỏ sau đây. Tuy đơn sơ mà cảm động. Có một hôm đó, bác Bảy thấy Thu làm việc tận tình, liền hỏi: “các cậu lương tiền gì bao nhiêu mà làm việc giỏi quá vậy?” Thì vẫn là câu hỏi mà chúng tôi thường phải trả lời như sau: “Tụi cháu làm công quả. Thầy tụi cháu dạy thời buổi này làm công quả trong làng trong xóm giúp cho cô bác thì cũng có phước như làm công quả trong chùa. Tụi cháu ăn cơm chùa, có chút ít tiền đi xe đò, chớ có lương tiền chi đâu bác.” Bà Bảy hiểu ra ngay. Và bà nhìn Thu với cặp mắt trìu mến. Con trai bây giờ mà giỏi thế. Mình tưởng bây giờ chúng nó hư cả rồi. Lo rượu chè, nhảy đầm, đi chơi chỗ này chỗ khác. Ai ngờ còn có đứa ham làm công quả. Tôi thấy câu trả lời của Thu thật là hay. Nó có giá trị của một cuốn sách thần học. Nó giải thích được khuynh hướng “đi vào đời” của Đạo Phật Việt Nam, Steve có biết hai tiếng công quả không. đó là hai tiếng bình dân dùng thay cho tiếng công đức Punya là tiếng Sanskrit đấy. Ở bất cứ ngoi chùa nào ở Việt Nam, nhất là ở thôn quê, người dân quê thường tìm những dịp rỗi rảnh đẻ lên chùa làm công quả, nghĩa là làm giúp công việc cho chùa. Họ tin rằng làm công tác ở chùa là một điều tốt đẹp có thể đơm bông kết trái vật chất và tinh thần cho tương lai con cháu họ. Bởi vì chùa là của chung, và việc chùa là việc lợi ích chung cho tất cả mọi người, nhất là đứng về phương diện siêu hình mà nói. Có người làm công quả một vài buổi. Có người làm ba bốn ngày. Có người ở hàng tháng để làm công quả. Và có người tình nguyện ở trọn đời. Như các “già” hoặc mấy “bà vãi” chẳng hạn. Họ ít học. Họ không tu “huệ” mà là tu “phước”, nói theo danh từ nhà Phật thường dùng, trong giới bình dân.
Làm công quả, nhưng mà không làm trong chùa nữa. Làm công quả, nhưng làm ở trong làng trong xóm. Thu còn nói thêm thế này nữa chứ: “Bây giờ người ta khổ nhiều quá, Phật cũng không ngồi mãi trong chùa; Phật cũng đi ra ngoài xóm ngoài làng rồi”. Tôi cũng ngạc nhiên không biết tại sao Thu nó nói được nhiều câu hay quá vậy. Phật không ngồi trong chùa nữa! Thật ra tại giác ngộ ta đặt Phật trong chùa để mà thờ chứ Phật đâu có muốn ngồi trong đó để hưởng xôi, chuối và hương hoa quả của thiên hạ. Những ông Phật như Phật Dược Sư, Phật Quán Âm, làm sao mà ngồi nhà được. Phật Dược Sư ngồi hoài trong chùa thì ai đi chữa bệnh cho thiên hạ thân bệnh và tâm bệnh? Phật Quán Âm, tức là Quán Thế Âm thì chắc là phải đi hoài, bởi vì Quán Thế Âm là “lắng nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời” mà tìm tới. Kinh Pháp Hoa đã chẳng định nghĩa như thế sao. Vậy thì mấy người học trò của mấy ông Phật không không lý cứ ở lỳ trong chùa khi các bậc thầy mình có mặt trong những nơi có khổ đau của cuộc đời sao? Như thế không phải là học trò của mấy ông Phật mà chỉ làm nô lệ của những pho tượng. Thu nó nói chí lý lắm. Chúng tôi chẳng cần những nhà thần học lớn như Teillard de Chardin, như Karth Barth, như Buber; mà chúng tôi vẫn đang thực hiện được cuộc cách mệnh giáo lý. Những người trẻ tuổi như Thu sẽ dẫn đầu những trào lưu tư tưởng Phật học đấy, nghe không hả Steve thân yêu?
Ở Việt Nam, tôn giáo còn lại như những tập đoàn xã hội vững mạnh hơn hết, bởi vì không khí chính trị và chiến tranh đã làm tan rã phần lớn những thực tại xã hội khác. Với lại loạn lạc lâu quá khiến thiên hạ mất lòng tin ở mọi chương trình, mọi hứa hẹn. Nhiều chính trị gia thiếu chân đứng muốn nương vào các thế lực tôn giáo để… làm chính trị. Nghĩa là để mong nắm được quyền hành. Nhưng có ít chính trị gia biết được thực chất của tiềm lực tôn giáo, cho nên chỉ có người muốn lợi dụng mà ít có người muốn bồi đắp. Ít có người thấy được vai trò mà tôn giáo có thể thực hiện trong giai đoạn lịch sử này, kể cả trong giới những người lãnh đạo tôn giáo. chúng tôi đang trông cậy vào những lớp người trẻ tuổi, có óc tiến bộ, dù là những người này không có chức vị lãnh đạo, tôn giáo cũng vậy, đều bảo thủ, có nhiều tư kiến và nhiều lúc bị xem như là trở lực của sự tiến bộ. Tuy nhiên, nhờ những phần tử tiến bộ giác ngộ hoạt động và tranh đấu không ngừng, cũng nhờ những tiếng gọi cảnh cáo của thế lực đang lên cho nên các vị lãnh đạo đã có bừng tỉnh lên đôi chút, và đã thúc đẩy cho những con rùa bò thêm một quãng đường. Tôi muốn nói những hoạt động của giới trí thức cần gia tăng gấp bội để có thể thay những con rùa bằng những con ngựa.
Steve ạ, đừng có nghe báo chí nói rằng Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam chống nhau. Họ nói đùa đấy! Những người mê ngủ trong Phật giáo với Công giáo à? Họ giống nhau như đúc. Họ hành động và suy tư giống nhau như đúc. Cho nên họ ở chung một nhà và theo chung một thứ tôn giáo thì hợp lắm đấy. Còn những người biết thời biết thế, những người có tầm con mắt nhìn xa, biết thừa nhận lẽ phải và sự đối thoại những người đó dù mang danh hiệu tôn giáo khác nhau mà cũng đứng sát cánh với nhau. Chỉ có sự chống báng giữa sự bưng bít và sự tiến bộ, giữa sự lười biếng và ích kỷ và sự dấn thân can đảm, thế thôi.
Lực lượng của những đức tin lớn ở Việt Nam nếu được động viên vào công việc cải tiến xã hội sẽ thực hiện được phép lạ. Và như Steve thấy, những lực lượng đó cần hợp tác trước hết để chấm dứt cho được cuộc chiến tranh khốc hại.
Steve ơi, viết cho Steve tới đây, đột nhiên hình ảnh hàng cây trụi lá của mùa Đông Priceton hiện về rất rõ trong óc tôi. Chúng tôi đang trải qua một mùa Đông thật gian khổ, thật lạnh lẽo và thật đen tối, một mùa Đông dài dặc chưa biết bao giờ chấm dứt. Những con chim có vững cánh chở được niềm tin để vượt cánh đồng dài tuyết giá hay không? Chúng tôi muốn tất cả gia đình nhân loại không bỏ quên chúng tôi. Chúng tôi là những hàng cây trụi lá đứng chịu trong sương tuyết đêm ngày, phấn đấu để đợi chờ nắng ấm của một mùa xuân xa lơ xa lắc.
Steve, trời đang đổ một trận mưa lớn. Ở Saigon phòng tôi chắc chắn lại dột. Không phải là vì mái tôn bị thủng mà tại vì nước mưa tạt ngang luồn qua trần nhà rồi rịn qua kẻ hở của trần nhà làm bằng bìa cứng có nẹp gỗ. Tôi phải lấy nhiều thứ để hứng kẻo ướt nền nhà. Nào chậu thau, nào ly uống nước, nào ống đựng bút… không có tôi ở nhà, chắc là phòng ướt hết rồi. Giờ này gần hai trăm khóa sinh trường xã hội chúng tôi đang ở trong các trại thực tập miền quê.
Steve ơi, ngày mai sẽ ra sao, điều đó tôi không thể nào nó cho Steve nghe được. Nhưng mà dù cái gì xảy đến cho tôi, cho chúng tôi, hay cho Steve, tôi tin cái đó cũng sẽ không thể làm lay đổ đức tin của chúng ta. Bởi vì đức tin của chúng ta không phải đã được căn cứ trên một điểm tựa di động và vô thường. Đức tin của chúng ta không bắt nguồn từ những nhận thức siêu hình. Đức tin của chúng ta là sức mạnh của tình yêu, một thứ tình yêu không có điều kiện, không cần sự đền đáp, không bao giờ bị lay đổ bởi một sự phụ bạc. Tôi muốn đề cập tới vấn đề mà lâu nay tôi muốn nói cho Steve nghe nhưng chưa có dịp nói. Một lần nào đó tôi có nói với Steve là ta phải ươm vấn đề của ta trong chính bản thể ta, linh hồn ta, xương máu và tủy não ta. Rồi tự nhiên một ngày nào đó thấy được những liên hệ giữa nhận thức và hành động. Nhận thức ở đây không phải là phần kiến thức suy luận. Nhận thức đây là tất cả cảm thụ và sở nghiệm tâm linh - điều mà ta khó có thể chia xẻ với kẻ khác bằng phương tiện diễn tả ngôn ngữ và khái niệm. Cái tình yêu mà tôi nói đây nó sinh trưởng trên căn bản tâm lý của chúng ta, đã đành rồi, nhưng mà lạ thay, sự tàn hoại hoặc dần dần hoặc đột ngột của căn bản tâm lý sinh lý ấy cũng không có ảnh hưởng gì đến nó. Tôi muốn nói đến tình yêu mầu nhiệm ấy. Trong trường hợp tình yêu người đời thường nói, sự phụ bạc hoặc sự phơi bày trắng trợn mặt thật của đối tượng yêu thương có thể khiến cho tình yêu bốc khói. Nhưng ở đây, tình yêu không bao giờ bốc khói, không bao giờ suy suyển một hào ly, bởi vì tình yêu đó dã tới một đối tượng vô ngã.
Steve ơi, tôi muốn kể Steve nghe câu chuyện này. Năm kia, khi ghé Luân Đôn, tôi được đi xem British Museum. Trong những thứ tôi để ý nhất, có một xác người hóa thạch trong một ngôi mộ cát, chôn cách đây gần năm ngàn năm nghĩa là 3000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Kiểu chôn thời ấy khác xa với kiểu chôn bây giờ. Người ta đặt xác người chết khum nghiêng nghiêng, hai gối co lên, mặt, hai tay và hai chân đều quay về phía tay trái. Xác người hóa thạch còn giữ được nguyên vẹn mọi chi tiết. Tôi thấy những lọn tóc - đây là xác đàn ông -, tôi thấy mắt cá nơi hai chân, tôi thấy những ngón tay ngón chân nguyên vẹn. Năm nghìn năm, người ấy đã nằm như thế và sức nóng của cát trong buổi đầu dã giúp người hóa đá. Đây không phải là xác ướp đâu. Steve đừng lẫn lộn. Tôi thích đứng ngắm cảnh tượng này và trong lòng cảm thấy một thứ rung động khó tả. Một em bé đi với tôi, chừng tám tuổi, xinh đẹp, ngắm cảnh tượng ấy một hồi rồi bá lấy áo tôi hỏi một cách lo lắng: “Will happen to me? Rồi con có bị vậy không, hở ông?” Tôi rùng mình, nhìn lại nụ hoa nhân loại mơn mởn, yếu đuối và nhỏ bé không một khí giới tự vệ đó, dù là khí giới tư tưởng, và vội vàng trả lời: “Không, không, không bao giờ con lại bị như thế đâu”. Em bé an lòng; tôi vội kéo em đi sang phòng khác. Tôi đã nói dối một điều mà Xa Nặc ngày xưa đã không nói dối.
Nhưng mà ngày mai lại, công việc bề bộn làm tôi quên khuấy đi mất cái thân người hóa thạch kia. Rồi mấy tuần sau đó, tại đường Doudeauville Ba Lê, họp mặt với các bạn sinh viên bên đó, tôi được vặn cho nghe vài bản nhạc Việt Nam của ban Thăng Long trình diễn. Và trong một giây phút nào đó, nghe giọng cô Thái Thanh, tôi bỗng thấy hiện ra rõ rệt tất cả những cordes vocales nơi cổ họng của cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi rất ưa chuộng. Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau. Băng nhựa không phải là những tế bào sinh lý, không phải là những nước bọt, không phải là những cordes vocales, không phải là những tình cảm len lỏi lả lướt trong giọng hát. Nhưng băng nhựa cũng phát ra đúng những âm thanh mà cô Thái Thanh năm ngàn năm trước đây đã phát ra bằng cổ họng xinh đẹp của cô. Băng nhựa đã giữ lại, và băng nhựa giữ lại gì? hay là một lời nhắn nhủ, một tờ thông điệp có thể gây đau nhức cho con người mà cũng có thể tạo nụ cười giải thoát trên môi con người? Một trận gió thổi qua sa mạc, cát bụi tung trời. Tôi nhớ hai câu thơ của Thiền sư Trần Thái Tông:
“Tam
thời trần liễm thiên biên tĩnh
Nguyệt
lạc trường giang dạ kỷ canh?”
Giây lát tan bụi, bên trời tạnh
Trăng lặng dòng sông đêm mấy canh?
Tối hôm đó tôi bị cảm hàn bởi hồi chiều tôi đã đi ra ngoài trời lạnh có mưa tuyết. Nguyên Ân đánh gió cho tôi, bằng dầu cù là Mac Phsu. Thứ dầu này có thể mua dễ dàng tại Paris. Tôi uống hai viên aspirine và đắp chăn kỹ lưỡng, nhưng mà tôi không ngủ được. Một phần có lẽ vì cảm, một phần có lẽ vì aspirine tuy có trị cảm nhưng lại giữ tôi thức giấc. Cái tật của tôi là uống aspirine ban đêm thì lại thấy khó ngủ.
Tôi nằm trăn trở hoài và một lúc nào đó tôi bỗng thình cờ thấy tôi đang nằm trong một tư thế giống hệt như tư thế của xác người hóa thạch ở British Museum! Và tôi thấy bàn tay phải của tôi đang sờ nắn những bắp thịt này đã cứng như những bắp thịt hóa thạch kia không. Cử chỉ ấy không được trí óc tôi điều khiển. Nhưng hình như trí óc tôi khuyến khích bàn tay tôi tiếp tục như vậy. Điều tôi muốn nói cho Steve nghe là tâm trạng tôi lúc đó bình tĩnh một cách rất lạ; tôi không hề có một ý niệm xót xa, lo lắng hay đau buồn nào. Bỗng dưng tôi thấy rằng giá tôi là thân người hóa thạch của 5000 năm trước đây hay 5000 năm sau đây thì điều đó cũng không có khác chi với điều tôi đang ngồi đây hết. Tôi vẫn cười như thường. Ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai như bốc khói; Steve ơi, tôi thấy tôi đứng thấp thoáng ở cửa ngõ của một thứ hiện tại thoát ly thời gian, thoát ly mọi sự chuyển động.
Tôi chỗi dậy và ngồi trong tư thế tham thiền suốt một đêm đó. Mưa như thác đổ trong tâm hồn tôi. Mưa như xối chảy. Những giọt nước to, những dòng suối nhỏ tuôn ào ạt vừa gột rửa vừa vỗ về vừa thấm nhuần, vừa nuôi dưỡng. Không còn gì hết, chỉ có sự vững chãi an tĩnh. Tôi ngồi như một trái núi đá, và miệng tôi mĩm cười. Nếu có ai chứng kiến được những gì đã xảy ra cho tôi đêm đó chắc người ta sẽ nói:”Xong, xong hết tất cả rồi! sáng mai sẽ có thay đổi lớn”. Nhưng không có sự thay đổi nào hết, Steve thân yêu ạ. Lúc bảy giờ sáng, tôi lấy giấy bút ghi lại một vài nét những điều còn rạt rào trong tâm hồn. Những vần thơ lạ kì đó tôi vẫn còn giữ đây. Và buổi sáng mai tôi ăn điểm tâm với các bạn, bình thản như không có chuyện gì xảy ra trong đêm qua hết. Và chúng tôi bàn tính công việc. Vẫn là những công việc đã dự trù từ những ngày hôm qua. Những công việc cho tương lai. Steve nghe không Cho tương lai. Nghĩa là tôi đã được đặt trở lui trên bình diện không thời gian ước lệ cũ.
Tôi bàn với các bạn trẻ về từng chi tiết của công việc, và chính tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại có thể làm công việc đó, công việc mà người chứng kiến hiện tượng đêm qua có thể xem như là không dính líu gì tới con người đương sự hết. Đối với đêm qua, tất cả công việc hôm nay phải hoa đốm hư không. Đứng ở hôm qua nhìn thì nó khác. Đứng hôm nay nhìn thì nó khác. Nó không phải hoa đốm hư không. Có một điều rất rõ rệt là tuy tôi đề cập đến mọi chi tiết của công việc một cách kỹ lưỡng, để hết tâm ý vào chúng, nhưng tâm hồn tôi lúc đó thật là bình thản, thanh tịnh, không náo nức, không khiếp sợ, không lo lắng. Tôi thấy tôi có thêm nhiều sức mạnh và tâm hồn tôi được gạn lọc trong sạch hơn nhiều.
Steve, một đêm như thế quả có thể thay đổi được cả cuộc đời chúng ta. Và một đêm như thế lại sẽ mở cửa cho những đêm khác như thế. Tôi sẵn sàng để trở lại. Tôi thấy diện mục của tôi nó phảng phất đâu đay. Lần đó tôi suýt tóm được được nó. I was about to break through.
Vấn đề liên hệ giữa cái thế giới nội tâm và thế giới hành động, Steve ơi, có thể vì câu chuyện vừa kể của tôi mà sáng tỏ ra chút ít đối với Steve nghe hồi nầy đó, nó nằm ở đâu? Có lẽ những dòng tôi viết thật bất lực. Mà thôi có lẽ Steve cũng không cần thắc mắc làm gì. Ngày mai, nếu thế giới yên lành, Steve sẽ về thăm Phương Bối. Phương Bối ngày xưa tạo dựng cho chúng tôi tình yêu, Phương Bối có lẽ sẽ cắt nghĩa cho Steve một cách dễ dàng và thông suốt hơn. Tại vì Phương Bối có bông đá, có hoa rừng, có cỏ dại. Phương Bối có một cái nhà Thượng đã bị cháy tiêu tan, chỉ còn một đống than đen với những xác cột cháy nám đó bây giờ có lẽ đã mọc lên nhiều thứ nấm dại.
Tuy
vậy nhà Thượng Phương Bối vẫn còn. Cũng như tình hình
yêu vẫn còn, bất chấp vô thường, bất chấp vô ngã, bất
chấp tham vọng si mê và sự độc ác. Ngày mai, nếu chúng
tôi có cháy thành tro bụi thì tro bụi ấy cũng sẽ là tình
yêu. Chúng tôi, lúc đó là tro bụi, sẽ thấm vào lòng đất,
sẽ làm chất bón tươi tốt cho một loài hoa, nở những bông
hoa cho loài người, những bông hoa không biết oán thù là gì.
chúng tôi sẽ luân hồi trở lại bao nhiêu lần, hoặc là hoa,
hoặc là cỏ, hoặc là chim, hoặc là mây, hay trong bất cứ
hình thái nào, hiện tượng nào. Chúng tôi muốn trở lại
hoài, trở lại để mà mang đến cho con người bức thông
điệp tình yêu bất diệt ấy. Cũng như bọn trẻ con đang
nghêu ngao hát ngoài đường: “Yêu mến người mãi mãi, yêu
mến người không thôi, yêu mến người tay nắm tay”. Tạm
biết Steve.
ĐOẠN
KHÉP
Nguyên Hưng ơi, tập viết tay kèm theo đây là phần thứ ba của nẻo về của ý đấy. Tôi giao nốt lại cho Nguyên Hưng. Tập này xem bộ in không được đâu, bởi vì có nhiều điều nói thẳng quá. Tuy vậy nếu in không được thì Nguyên Hưng cũng trao bản thảo cho những người thân yêu nhất đọc. Tôi ước mong rằng nó có thể nói được với các bạn một chút nào về cái “Ý” của tôi.
Nhưng mà tôi lạc quan mất rồi, Nguyên Hưng. Ở cái chương cuối viết cho Steve, tôi có ý định giải bày một vài chút “tâm sự” liên hệ tới nguyên tắc hành động của chúng ta, nhưng đọc lại tôi thấy tôi chẳng nói được gì cả. Thật là tệ. Có lẽ vì trời nóng quá chăng, hay tại vì tôi không được khỏe. Chiều mai tôi đi phải đi xa rồi, và tôi rất ước ao nói với Nguyên Hưng điều mà tôi đã từng muốn nói với Steve mà nói chưa được, hay nói không được.
Đêm nay, trời sáng tỏ một cách kỳ lạ. Tôi chưa đi mà đã nhớ nhà rồi. Nhưng mà ở đâu cũng có từng này ngôi sao, ở đâu cũng có chút trời xanh và mây trắng hả Nguyên Hưng. Tôi đi rồi tôi lại về thì có sao đâu. Lòng tôi hơi xao xuyến một chút, nhưng mà vẫn yên tĩnh. Tôi muốn nói chuyện với Nguyên Hưng trong khung cảnh thanh tịnh này, và ngòi bút của tôi sẽ trở lại gạch những chữ Nguyên Hưng trên giấy trắng.
Những điều ta học được, ta phải liệng chúng đi thì ta mới có thể hiểu được chúng. Cũng như kinh Kim Cương nói A mà không phải là A thì mới là A. nghĩ cũng kỳ quái thật, nhưng mà càng sống chúng ta càng thấy đúng Nguyên Hưng ạ. Học chúng nó rồi mà giữ chúng nó trong lòng là một tai họa còn tệ hơn là không học. Những điều tôi học ở Phật học viện bây giờ bị lật ngược lại hết và tôi thấy lúc đó tôi mới hiểu được chúng.
Đây là tôi với Nguyên Hưng, chớ không phải nói với kẻ khác. Và những điều tôi nói với em, nếu người khác nghe được, sẽ hiẻu ra cách mà tôi không muốn họ hiểu. Nhưng mà mặc họ chứ, có phải không Nguyên Hưng. Kỳ ở Huế về vừa rồi thấy những đám mây trắng đẹp quá đi. Tôi ngồi trên một chiếc DC4.
Buổi chiều, ánh nắng vừa tắt nhưng ánh sáng còn dư dã để cho ta có thể thấy được sắc dịu hiền và trinh tuyền của những lọn mây. Cái thảm mây đó nó nằm phía dưới máy bay chúng tôi. Nó rộng lắm. Từng lọn từng lọn nối tiếp nhau, che khuất núi rừng phía dưới. Những lọn mây trắng như tuyết. Trinh tuyền hơn cả tuyết. Tôi muốn vốc chúng trong hai lòng bàn tay. Và bổng nhiên tôi thấy tôi với mây là một, tôi cũng trắng tinh và êm dịu như mây.
Điều đó thường quá mà, phải không Nguyên Hưng. Tại sao chúng ta ưa những cuộn mây trắng nõn và những tấm thảm tuyết trình tuyền? Tại vì cái khuynh hướng của bản chất sinh lý và tâm lý của ta nó thế. Ta ưa những cái gì tinh sạch, đẹp đẽ và an lành. Tinh sạch, đẹp đẽ và an lành theo nhận định và lập trường của cơ thể ta, tâm lý ta, chớ không hẳn là tính sạch đẹp đẽ và an lành như những tính cách khách quan của thực tại. Ưa một tờ giấy trắng, ưa một dòng nước trong, ưa một nét nhạc mềm hay ưa một thiếu nữ xinh đẹp thì cũng vậy, không có khác nhau gì hết trên căn bản tâm lý của con người. Nguyên Hưng chẳng thường nghe người ta đem tuyết đem trăng đem hoa để tả người con gái đẹp sao. Nhất là khi người con gái có vẻ hiền thục thì người ta lại ví đó là Tiên là Phật bởi vì Tiên Phật vừa đẹp lại vừa hiền. Và bên dưới những cái thiên hạ cho là đẹp là sạch là lành thì người ta còn tham lam đặt thêm nền tảng của sự thường còn. Đó là do nhu yếu của con người mà ra cả. Con người ưa cái gì thanh sạch, đẹp đẽ, hiền lành, và ưa những cái ấy thuộc về mình, đồng nhất với mình, và thường còn với mình. Thế rồi phía bên kia còn gì? Phía bên kia còn trái ngược với sự trong sạch tức là sự ô uế, sự trái ngược với sự đẹp đẽ tức là sự xấu xí, sự trái ngược với sự hiền lành là sự ác độc và sự trái ngược với sự thường còn tức là sự tiêu diệt tức là vô thể.
Và do đó có một sự vật lộn để tìm sang bên này, xua đuổi bên kia. Cho đến nỗi mà trong kinh Phật có khi người ta phải đùng bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh (Hữu thể, An lạc, Tự do, Thơm sạch) để miêu tả Niết bàn rồi sau đó phải thêm rằng phải hiểu những chữ đó theo hiểu nhất nguyên siêu tuyệt của nó mà đừng hiểu theo nghĩa tương đối trong thế giới hiện tượng. Điều đó chứng minh rằng con người chúng ta đã bị ám ảnh quá nhiều bởi ý tưởng về hạnh phúc ước lệ trên kia.
Đột nhiên kinh Bát Nhã tới giáng những đòn sống chết trên nhận thức đó. Quán Tự Tại Bồ-tát sau khi nhìn thấu suốt thế giới hiện tượng mỉm cười tuyên bố “Tất cả đều giả lập (không) hết. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, vân vân… đều là giả lập. Và: “Chân tướng của các giả lập đó không sinh cũng không diệt, không ô uế cũng không tinh sạch, không thêm cũng không bớt đi” còn gì nữa mà nghi ngờ hả Nguyên Hưng. Đó là điều tôi trông thấy trên máy bay, mà trông thấy từ một khía cạnh khác. Trông thấy như thế nào? Nguyên Hưng ơi em hãy nhìn và em sẽ thấy, hỏi tôi làm chi. Tôi chẳng nói được chi cả, bởi vì không có gì mà nói.
Ban đầu thì tôi mỉm cười nghĩ đến những hình thái của nước: nước trong, nước suối, nước đá, hơi nước, mây, tuyết, mưa vân vân… Tất cả đều là H2O. mà chính là H2O cũng giả lập - cũng không phải là thực thể tự hữu - lấy O mà xét thì O có thể được chuyển thành những cái ta không gọi là O. Và chính những cái đó cũng là giả lập. Cũng là chuyển thành. Nương tựa vào nhau, trùng trùng điệp điệp. Không thể tách O ra khỏi không O, không thể nói O và không O là một, Nguyên Hưng à.
Trên cái căn bản di động đó, ta thường cố nắm lấy một cái gì không di động. ví dụ tôi đặt cho tôi một câu hỏi: anh cho hiện tượng nào là đẹp nhất? Tôi nói nước. Đẹp quá. Nước trong như gương. Tuyết phủ trên đỉnh núi. Mây từng cuộn trắng hay ngoài bãi biển. Mưa rào rào thấm nhuần cây cối xanh tươi. Nếu thiếu nước, thế giới này điêu tàn, khô cằn héo hon, buồn bã biết mấy. Cho nên tôi thấy Nước đẹp. Thế rồi tôi hỏi: Ví dụ không có lửa, nghĩa là không có nhiệt lực, không có hơi ấm, không có ánh sáng mặt trời? Thiếu ánh sáng chẳng hạn thì cái gì đẹp, cái gì không đẹp. Cái gì trong như gương, cái gì phủ trên núi, cái gì bay bay ngoài bãi biển, cái gì rào rào thấm nhuần cỏ cây xanh tươi? Óc tôi lóe thấy sự thực, nhưng mà tôi đã mê Nước rồi, tôi đành nhắm mắt nói liều: mặc kệ, tôi có nói là tôi ưa Nước nhất. Thật là vô minh, có phải không Nguyên Hưng.
Trong quá trình tuyên dương chuyển biến của các giả lập các hiện tượng - ta thấy có luân hồi. Chắc Nguyên Hưng đã liệng bỏ cái cái ý niệm luân hồi trẻ con ngày trước đi rồi, cái ý niệm đinh ninh rằng phải có gì đó. Như O hay cái H tôi vừa nói trên thì mới có luân hồi được. Nhưng trên sự thực chẳng có cái O cái H tự thân nào mà cả thế giới giả lập vẫn diễn biến mầu nhiệm. Luân hồi đó chớ gì, nhưng nếu nhìn thấu suốt ta sẽ không thấy có gì thường hay vô thường, tinh sạch hay ô uế, hiền lành hay ác độc, đẹp đẽ hay xấu xí. Đừng có nói cho trẻ con biết điều đó bởi vì chúng sẽ nói: không có hiền ác, không có tốt xấu và không có luân lý. Trẻ con chưa có mở mắt ở thời nào cũng vậy.
Nguyên Hưng ơi, giữa cái tinh sạch và cái ô uế, giữa cái đau khổ và cái sung sướng, giữa cái hiền lành và cái độc ác, mình theo cái nào? Nghe hỏi mà buồn cười, phải không Nguyên Hưng? Theo cái tinh sạch, cái sung sướng, cái hiền lành thì mình phải đập tan và tiêu diệt cái ô uế, cái đau khổ và cái độc ác. Mà tiêu diệt chúng được chăng. Nếu “cái này có là nhờ cái kia có”, thì cái trong sạch cũng do cái ô uế mà có. Tiêu diệt cái ô uế tức là tiêu diệt luôn cái trong sạch, vì lẽ “cái này không thì cái kia không”. Kết luận là nên dung dưỡng cái ô uế, cái độc ác và cái đau khổ hay sao?”
Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, tất cả những cặp đối nghịch đó chính đã là do chúng ta tạo nên bằng nhận thức của chúng ta, bằng lập trường sinh tâm lý của chúng ta. Hoan lạc và đau khổ trở nên những đại vấn đề. Nếu được như Quán Tự Tại soi thấu được chân tướng thực tại, thì những đau khổ tai nạn bốc khói bay mất. “độ nhất thiết khổ ách”. Cho nên hãy nhìn nụ cười đức Phật. Nụ cười đó trầm lặng thật, từ bi thật nhưng mà… coi thường chúng ta quá. Đó là một cách nói mà thôi bởi chính Phật đã nhờ đức Thường Bất Khinh Bồ-tát nhắn với mỗi người chúng ta rằng Ngài… không dám khinh chúng ta đâu, bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ thành một vị Phật.
Có lẽ cái cảm tưởng trẻ con của tôi về nụ cười của Ngài là do một thứ mặc cảm tự ti lâu ngày tạo nên - chớ không phải tự tôn. Nguyên Hưng nhớ nhé. Trước nụ cười của người thấy được Niết bàn và Sinh tử đều là hoa đốm giữa hư không, ta cảm thấy ta bé nhỏ quá, vụng về quá, ngu si quá. Ngài thương chúng ta không phải vì chúng ta không thấy đường cho nên bị đau, thế thôi
Từ hồi nhỏ, tôi đặt vấn đề bản chất của lòng từ bi, và tội nghiệp cho tôi, tôi chỉ học được và nếm được chút ít từ bi sau này không phải nhờ học tập hay nhờ đặt vấn đề mà nhờ khổ đau. Tôi không tự hào về chút khổ đau ấy; cũng như có ai tự hào về tiếng hét to sợ hãi của mình khi mình nhận lầm sợi giây là con rắn. Khổ đau của tôi cũng chỉ là sợi giây, cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không, đáng lẽ nó phải tan biến như mây khói khi mặt trời lên! Nhưng mà nó vẫn chưa tan biến thành mây khói cho nên anh vẫn đau khổ và anh chịu không nổi nên anh tự vùng vẫy. Vậy Phật có thấy anh đau khổ không. Phật có chịu nổi khi thấy anh đau khổ không mà ông ngồi cười hoài vậy? Tôi lý luận rằng tình thương là phải có chấp thủ, tình thương nào cũng vậy, tình trai gái yêu nhau, tình mẹ thương con, tình nước non, tình nhân loại, tình chúng sinh, nghĩa là cả từ bi. Bởi vì thương ai, lo lắng cho ai anh cũng phải thao thức, mong mỏi, không thể lãng quên. Thế thì trông thấy chúng sinh đau khổ vô lượng vô biên thế kia, Phật cũng lo lắm chứ sao mà ngồi cười được hoài. Thật ra thì mình tạc tượng Ngài ngồi cười. Nhưng mà có phải hầu hết những đêm thức khuya, những lo lắng và thao thức của người có tình thương đều phát sinh vì người đó còn là người trần mắt thịt, đối với thực tướng vũ trụ vẫn còn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” không? một ông bác sĩ biết rõ tình trạng bệnh nhân thì không ngồi giả định thế này thế kia để tạo ra một trăm ngàn giả thuyết và lo lắng như người thân nhân của bệnh nhân. Và nếu biết bệnh sẽ qua, thì ông có thể cười. Nhưng không phải là nụ cười độc ác. Đó chỉ là nụ cười của người biết chuyện, không còn phải lo hão huyền vô ích. Đại bi, maha karuna bản chất của nó, Nguyên Hưng ơi, làm sao tôi diễn tả cho được?
Nguyên Hưng, sự thực nằm ở đó, em làm quen với nó đi. Chỉ khi nào em bắt đầu thấy được giữa bùn đen kia với tuyết trắng nọ không có cái gì xấu cái gì đẹp, chỉ khi nào em biết bắt đầu nhìn sự thật với tâm niệm không phân biệt, nghĩa là biến kế, thì em mới có thể nếm được thế nào là đại bi.
Dưới con mắt của đại bi, không có tả không có hữu, không có thù không có bạn, không có thân không có sơ. Mà đại bi không phải làvật vô tri. Đại bi là tinh lực màu nhiệm của sáng chói.
Vì dưới con mắt của đại bi, không có cá thể riêng biệt của nhân ngã nên không có một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.
Em ơi, nếu con người có độc ác đến nước móc mắt em hay mổ ruột em và em cũng nên mỉm cười và nhìn con người bằng cặp mắt xót thương; hoàn cảnh tập quán và sự vô minh đã khiến con người hành động như thế.
Hãy nhìn con người đã đành tâm tiêu diệt em và đang tạo nên cho em những oan ức khổ nhục lớn lao như trăm ngàn quả núi, hãy nhìn con người ấy với niềm xót thương. Hãy rót tất cả niềm xót thương từ suối mắt em vào người đó mà đừng để một gợn oán trách giận hờn xuất hiện trong tâm hồn. Vì không thấy đường đi nước bước cho nên cái người làm khổ em mới vụng dại lỗi lầm như vậy.
Giả sử một buổi sáng nào đó em nghe rằng tôi đã chết tăm tối và tàn bạo vì sự độc ác của con người, em cũng nên nghĩ rằng tôi đã nhắm mắt với một tâm niệm an lành không oán hận, không tủi nhục. Em nên nghĩ rằng giờ phút cuối tôi cũng không quay lại kẻ thù ghét con người. Không, con người chẳng bao giờ đáng cho ta thù ghét. Nghĩ như thế chắc chắn em sẽ mĩm cười được, rồi nhớ tôi, đường em, em cứ đi. Em có một nơi nương tựa mà không ai có thể phá đổ và cướp giật đi được. Và không ai có thể làm lay chuyển niềm tin của em, bởi vì niềm tin ấy không nương tựa nơi bất cứ một giả lập nào của thế giới hiện tượng. Niềm tin ấy và tình yêu là một, thứ tình yêu chỉ có thể phát hiện khi em bắt đầu nhìn thấu qua thế giới hiện tượng giả lập để có thể thấy được em trong tất cả và tất cả trong em.
Ngày xưa, đọc những câu chuyện như câu chuyện đạo sĩ nhẫn nhục để tên vua cường bạo xẻo tai cắt thịt mà không sinh lòng oán giận, tôi nghĩ đạo sĩ không phải con người. Chỉ có thánh mới làm được như vậy. Nhưng Nguyên Hưng ơi tại lúc đó tôi chưa biết đại bi là gì. Đại bi là sự mở mắt trông thấy. Và chỉ có sự mở mắt trông thấy tận cùng mới khiến cho tình thương trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất đại bi. Đạo sĩ nhẫn nhục kia đâu có sự giận hờn nào mà cần nén xuống? Không, chỉ có lòng thương xót. Giữa chúng ta và vị đạo sĩ kia, và vị Bồ-tát kia, không có gì ngăn cách đâu, Nguyên Hưng. Có thể tình yêu đã dạy cho em rằng em có thể làm được như Người.
Thôi em đã lớn rồi tự lo liệu lấy.
Chiều mai tôi phải đi rồi. Những giòng chữ viết đêm nay, tôi sẽ không có thì giờ đọc lại. Nguyên Hưng, cho tôi dừng ngang đây. Ngày mai tôi sẽ còn gặp em trước khi lên đường.
Saigon 11-5-1966
Hết