- Chương 01: Nguồn gốc
- Chương 02: Thích Ca Thế Tôn
- Chương 03: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng kinh điển
- Chương 04: Vua A Dục và Đại Thiên
- Chương 05: Sự phân chia bộ phái Phật giáo
- Chương 06: Giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ và Hữu bộ
- Chương 07: Nghệ thuật Phật giáo - Vương triều vua A Dục và sau đó
- Chương 08: Thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa
- Chương 09: Phật giáo Đại thừa hệ Long thọ và kinh điển của hệ này về sau
- Chương 10: Phật giáo Đại thừa hệ Vô Trước
- Chương 11: Vương triều Cấp Đa và Phật giáo sau vương triều này
- Chương 12: Từ thời Mật giáo thịnh hành đến Phật giáo cận đại
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Pháp sư Thánh Nghiêm - Thích Tâm Trí
dịch
---o0o---
VƯƠNG TRIỀU CẤP ÐA
VÀ PHẬT GIÁO SAU VƯƠNG TRIỀU NÀY
TIẾT II. PHẬT GIÁO VỚI VƯƠNG TRIỀU PHẠT ÐÀN NA
Vương thống Giới Mật được thành lập từ một tiểu bang với nhiều cây rừng vào thời hậu kỳ vương triều Cấp Ða thuộc trung Ấn Ðộ; tuy là một bá chủ nhưng tự xưng là quân vương, và cũng từng cử hành lễ Mã tự, lãnh thổ quốc gia thì nhỏ hẹp, chỉ thống lĩnh có hai địa khu là Ma Kiệt Ðà và Mãnh Gia Lạp. Vào thời ấy trong nhiều tiểu bang cùng suy cử Tháp Ni Tư Hoa Nhĩ (Thaneshvara) thuộc địa khu đông bộ Bàng Giá Phổ, vì khu này cường thịnh hơn. Người khai sáng bang Tháp Ni Tư Hoa Nhĩ là Phất Sa Phật Ðàn Na (Pashyavardhana) qua bốn lần truyền đến vị tù trưởng thứ năm là Ba La Yết La Phạt Ðàn Na (Prabhakaiavardhana) mới kiến lập nên vương triều Phạt Ðàn Na - tức vương triều Giới Nhật. Ba La Yết La Phạt Ðàn Na có hai người con trai, một có tên là La Xà PHạt Ðàn Na (Rajyavardhana), một có tên là Hạt Lợi Sa Phạt Ðàn na (Harshavardhana). Năm 604 Tây lịch, Ba La Yết Phạt Ðàn Na sai hai người con đem quân chinh phạt Bạch Hung Nô ở vùng đông Ấn, chẳng may người con thứ bị chết trong quân trận. Người con trưởng lên kế vị cha, lại thống suất đại quân đông chinh lần nữa để đánh đuổi Mã Nhĩ Hoa, lại chẳng may bị thổ vương bày ngụy kế vây hãm và giết chết; bèn đưa người con trai của vị vương tử thứ nhất lên tức vị, tuy mới mười sáu tuổi và lấy Khúc Nữ Thành (Kamyakubja - nay là Janauj) làm thủ đô. Vị vua này trong “Ðường Thư” của Trung Quốc gọi là vua Giới Nhật (năm 606-647 tây lịch). Vua Giới Nhật là người mà Huyền Trang gặp được lúc ông lưu học tại Ấn Ðộ.
Vua Giới Nhật là vị quốc vương vĩ đại cuối cùng của lịch sử cổ đại Ấn Ðộ, ông mở rộng bản đồ của Ấn Ðộ đến tận Hà Khẩu thuộc Nhã Lỗ Tạng Bố Giang,chạy thẳng đến Già Ðệ Ngõa Nhĩ, bao quát luân Bàng Giá Phổ, Mã Nhĩ Hoa, Khúc Nữ Thành, Tỷ Hiệp, Mãnh Gia Lạp, A Lý Sa, A Tát Mật v.v... biên cương bên ngoài vùng tây bắc; có thể nói ông là người chỉnh đốn, củng cố khắp khu vực tây bắc Ấn Ðộ tức khu vực nằm dưới sự thống trị của ông. Ông không những khuếch trương lãnh thổ Ấn Ðộ bằng võ công, mà ông còn vận dụng đạo đức và học vấn để chiêu cảm các thổ bang tự trị như Cưu Ma La, Ma Kiệt Ðà, Ni Bạc Nhĩ, Khách Thập Mễ Nhĩ, Ba La Tỳ (nay là Cổ Ca Lạp Ðê) v.v... qui thuận về vương triều Giới Nhật.
- Phật giáo với vua Giới Nhật.
Vua Giới Nhật là vị quốc vương có nhiều tài nghệ. Ông ở ngôi được bốn mươi mốt năm, ông dụng binh trong sáu năm, thời gian còn lại ông tập trung vào chính trị, văn hóa và tôn giáo. Năm Trinh Quán thứ mười lăm (641) đời vua Ðường Thái Tông, ông giao hảo với vua nhà Ðường của Trung Hoa, năm Trinh Quán thứ mười bảy (643) vua Ðường Thái Tông phái Vương Huyền Sách đi Ấn Ðộ. Chuyến đi này có lập bia ký lưu niệm tại Ma Kiệt Đà. Những tạo tác về văn nghệ của vua Giới Nhật, như đã giới thiệu sơ lược ở chương bảy của sách này.
Về mặt tôn giáo, vua Giới Nhật vốn là tín đồ Ấn Ðộ. Nhưng về sau ông được Huyền Trang và đại đức Ðiệt Bà Ca Mạt Ða La (Divakarmitra) thuộc Tiểu thừa giáo cảm hóa, nhân đấy, ông quy tín Phật giáo. Nhờ vậy nên việc Phật giáo thường gặp pháp nạn trước đó, và nay dưới thời ông lại có cơ hội chấn chỉnh và phục hưng. Ðối với Phật giáo, công đức và thành tích nổi tiếng của ông có bốn việc sau:
1. Cấm chỉ sát sinh, khen thưởng người ăn chay.
2. Chiếu theo tiền lệ của vua A Dục để hoằng dương chánh pháp, như: kiến tạo tự viện, tạo thạch tháp, xây dựng phòng xá để cúng dường Sa môn, và những nơi dùng vào việc triều lễ thánh tích.
3. Mỗi năm một lần, triệu tập các vị Sa môn từ nhiều nơi vân tập về một trú xứ để cử hành đại hội, mục đích là thảo luận về Phật học, tán dương khen thưởng các bậc hiền giả, răn đe các vị ương ngạnh.
4. Năm năm một lần, cử hành đại hội Vô Giá, đồng thời đem tài vật ra bố thí cho dân chúng.
Tuy là thế, nhưng vua Giới Nhật vẫn giữ thái độ sùng kính đối với Ấn Ðộ giáo. Ðại đường Tây Vực ký của Huyền Trang có đoạn chép: “Tại đại hội Bát La Da Ca (Prayàga), ngày thứ hai vua lễ tượng thần Thái Dương, ngày thứ ba vua lễ tượng thần “Thấp Bà”. Thể đủ thấy tinh thần khoan hòa của vua Giới Nhật.
- Sự vinh quang của Tam tạng Huyền Trang trên đất Ấn.
Năm Trinh Quán thứ ba (629), đời vua Ðường Thái Tông, sư Huyền Trang lên đường tây du sang Ấn Ðộ. Lưu học Phật pháp tại Ấn Ðộ mười bảy năm, sau đó mới về nước. Trong thời gian lưu học tại Ấn Ðộ, Huyền Trang thọ học Du Già Duy Thức, với sư Giới Hiền, theo ngài Như Lai Mạt, ngài Sư Tử Nhẫn v.v... để tập học Nhân Minh, Thanh Minh; và hướng về ngài Thắng quân để cho Duy Thức Quyết Trạch luận. Ông trở lại chùa Na Lan Ðà và phụng mệnh ngài Giới Hiền giảng bộ Nhiếp Ðại Thừa Luận và bộ Duy Thức Quyết Trạch Luận. Ông lĩnh hội và quán thông tông nghĩa của cả Trung Quán và Du Già. Ông trước tác bộ Hội Tông Luận với ba nghìn bài tụng, bấy giờ ông dùng luận này để giải đáp những gì ông giảng về Trung Quán luận và Bách Pháp Luận tại chùa Na Lan Ðà; đồng thời ông cũng dùng Hội Tông Luận để bác bỏ giáo nghĩa Du Già của Sư Tử Quang. Nhân đấy, danh tiếng của ông được đại chấn (vang dội).
Sau ông cùng với Hải Huệ, Trí Quang, Sư Tử Quang v.v... bốn vị Ðại đức đến yết kiến vua Giới Nhật theo lời thỉnh mời của quốc vương. Tại Cung vua, Huyền Trang bị luận sư Tiểu thừa chế tác bảy trăm bài tụng để phá giáo nghĩa Ðại thừa, Huyền Trang đích thân chế tác một nghìn sáu trăm bài tụng với tựa đề là “Chế Ác Kiến Luận” để phá đổ giáo nghĩa của sư Tiểu thừa. Nhờ đó, danh tiếng của Huyền Trang càng lừng lẫy thêm.
Mùa đông, năm Trính Quán mười sáu (642), vua Giới Nhật mở đại hội tại Khúc Nữ Thành, tại đại hộinày có mowif tám vị quốc vương cùng phó hội, với hơn ba nghìn tăng nhân cả Ðại và Tiểu thừa tham dự, chùa Na Lan Ðà cử hơn một nghìn tăng nhân đến dự, và có hơn hai nghìn tín đồ Kỳ Na Giáo cũng đến dự. Sư Huyền Trang được mời làm Luận Chủ của đại hội. Tại đại hội, Huyền Trang dùng bộ “Chân Duy Thức Lượng Tụng” do ông sáng tác để xưng dương Ðại thừa, và tuyên thị giữa đại chúng phó hội rằng: Nếu ai tìm thấy một chữ nào vô nghĩa lý trong bộ “Chân Duy Thức Lượng Tụng” nhân đó có thể phá được luận chủ, thì ông xin lấy đầu mình để tạ tội. Qua mười tám ngày đại hội, không thấy ai đưa ra luận nghĩa nào để kích phá lại Huyền Trang. Do đó, không có gì lạ, thịnh danh của Huyền Trang mãi đến ngày nay các học giả Phật giáo Ấn Ðộ vẫn còn sùng kính.
- Pháp nạn tại Ấn Ðộ.
Khi phụ vương của vua Giới Nhật là Ba La Yết La Phạt Ðàn Na còn trị vì, thì tại đông Ấn Ðộ có vị Thổ bang của nước Kim - Nhĩ ngày thêm cường thịnh, đó là quốc vương Thiết Thưởng Ca (Nguyệt), và ông dùng vũ lực để lấn chiếm phía tây Ấn Ðộ. Nơi nào ông đến, ông cũng hủy diệt Phật giáo. Như phá chùa, chôn sống tăng nhân, triệt phá cây Bồ Ðề nơi đức Phật thành đạo (Phật Ðà Ca Da). Chùa chiền và tăng chúng tại nơi đức Phật nhập Niết bàn. Câu thi Na La cũng đều bị thiêu hủy và tàn diệt. Có thuyết nói, thầy của Huyền Trang là đại luận sư Giới Hiền cũng bị ông vua này bắt và dọa chôn sống, nhưng sư Giới Hiền là một trong những người đào thoát được pháp nạn này.
Giáo nạn xảy ra khắp nơi tận hai bên bờ sông Hằng. Khiến Phật pháp một thời bị suy đốn. Nếu không có việc vua Giới Nhật qui y Phật giáo, có khả năng huệ mạng Phật pháp nhân pháp nạn này mà tuyệt chủng chăng!
Vua Giới Nhật hướng về Bồ tát Quán Tự Tại mà cầu nguyện, và chỉ một lần xuất quân ông đánh thắng vua Thiết Thường Ca. Tiếc là vua Giới Nhật không có con nối nghiệp nên sau khi vua băng hà, vương triều Giới Nhật cũng theo đó mà lâm vào thời kỳ suy vong. Vua Giới Nhật duy nhất chỉ có một người con gái, và gả về cho vua Ấn Nhật của Bang Ba La Tỳ ở phương nam.
Sau khi vua Giới Nhật băng hà, các tiểu bang nổi lên tự tuyên bố độc lập, có nhiều tiểu bang không thừa nhận người kế vị do vua Giới Nhật tuyển chọn. Bấy giờ có vị đại thần của vua Giới Nhật tên là Khiếu Hữu Tu nghĩ rằng, ông là người kế vị vua Giới Nhật, nhưng ông kháng cự không tiếp sứ thần nhà Ðường là Vương Huyền Sách. Do đó, ông bị Vương Huyền Sách mượn vũ lực của Tây Tạng vây bắt, và tống ông và tù ở tận Trung Hoa.
Sau thời vua Giới Nhật, Bà La Môn giáo xuất hiện hai vị học giả kiệt xuất, một vị tên là Cưu Ma Lợi Bà Ða (Kumari Bhatta), vị kia tên là Thương Yết La A Xà Lê (Shankaracharya), ông này thuộc phái Phệ Ðàn Ða, cả hai đều ra đời trong cùng một thế kỷ 650-750 tây lịch. Cả hai ra sức khôi phục lại địa vị được tôn sùng cao nhất của kinh Vệ Ðà như buổi ban đầu của nó đã có, việc làm của họ vô tình công kích lại Phật giáo.
Tác phẩm vĩ đại của Cưu Ma Lợi Bà Ða là bộ “Vệ Ðà Chân Nghĩa Bình Luận”. Nhờ bộ luận thư này mà triết học Bà La Môn giáo được đại thành, nét đặc sắc của Phật giáo cũng nhân đấy mà bị tiêu tiêu thất; Kumaril Bhatta vân du trên toàn cõi Ấn Ðộ, ông là người biện tài vô ngại, rộng truyền học thuyết của mình và công kích Phật giáo. Ông là người bắc Ấn Ðộ, có thuyết nói ông thuộc phái nam Ấn khi phái này thịnh hành. Bấy giờ trong hàng đệ tử Phật không ai có thể nghị luận thắng được ông; trong khi đó phương thức giảng học của chùa Na Lan Ðà cứ một mực công khai, nhưng đến thời này không còn đủ sức để hàng phục ngoại đạo, mà chỉ cải đổi việc giảng học trong nội tự mà thôi.
Riêng về học giả Thương Yết La A Xà Lê, ông tuy là người nam Ấn Ðộ, nhưng trên lĩnh vực tôn giáo và triết học ông được giới sử học Ấn Ðộ coi ông như là kết tinh của tư tưởng nhân loại; ông rộng truyền giáo nghĩa Vệ Ðà khắp các vùng đông, tây, nam và bắc Ấn Ðộ. Ông kiến lập năm trung tâm truyền đạo. Về phương diện tinh thần, ông được coi như là người thống trị toàn Ấn.
Truyền thuyết kể là bấy giờ ông đến địa phương Phiên Ca La, thách thức mở cuộc luận biện với tăng nhân Phật giáo,và trong số những vị luận sư dùng giáo lý Phật giáo để luận tranh với ông không ai có thể thủ thắng, vì thế nên có đến hai mươi lăm đạo tràng bị hủy bỏ, và hơn năm trăm vị Tỳ kheo bị bức hại phải cải đạo; tại địa phương ông Âu Ðề Tỳ Xá ở đông Ấn Ðộ tình hình Phật giáo tại đây cũng chẳng có gì khá hơn.
Người có năng lực hoằng đạo, chẳng phải đạo hoằng nhân. Người có người ưu người liệt, pháp vận có lúc thịnh lúc suy, tất cả đều có quan hệ cực lớn đến thực tại.