Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

2. Âm nhạc

05 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 12566)
2. Âm nhạc

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG VIII
NGHỆ THUẬT ẤN ĐỘ
 

II. ÂM NHẠC

Một buổi hoà nhạc ở Ấn - Nhạc và vũ – Nhạc công – Các âm giai – Các đề tài – Âm nhạctriết học.

Một du khách Mĩ được mời tới dự một buổi hoà nhạc ở Madras. Ông ta ở giữa một đám thính giả gồm khoảng hai trăm người Ấn coi bề ngoài thì có vẻ đều ở trong tập cấp Bà La Môn, người ngồi trên ghế dài, người ngồi trên thảm, hết thảy chăm chú nghe một ban hoà tấu nhỏ; họ thấy các ban hoà tấu ở phương Tây thì chắc cho rằng chúng ta tấu nhạc cho chị Hằng ở cung trăng nghe, nếu không thì sao mà đông đảo, nhiều nhạc khí đến vậy. Du khách mới chân ướt chân ráo tới Ấn Độ, nhìn các nhạc khí của họ, thấy kì cục như vào một khu vườn bỏ hoang từ lâu. Có những cái trống đủ hình, đủ cỡ, những ống sáo, ống tiêu trang sức tỉ mỉ, những cái kèn hình rắn uốn khúc, và rất nhiều thứ đàn. Phần nhiều các nhạc khí đó đều trạm trổ rất tỉ mỉ, có cây nhận ngọc thạch, kim cương nữa. Một chiếc trống gọi là mridanga coi như một thùng rượu nhỏ, hai đầu bịt da cừu, mà nhạc công dùng một cái dây da làm cho mặt trống căng ra hay thun lại tuỳ ý; một mặt trống đã ngâm vào nước cơm, nước trái me và bột man-gan (manganèse) để cho nó phát ra một thanh âm riêng. Nhạc công không dùng dùi trống mà vỗ bằng lòng bàn tay hoặc bằng ngón tay, có khi chỉ gõ bằng đầu ngón tay thôi. Một nghệ sĩ khác chơi cây tanbura, tựa như cây “luth”[7] mà muốn lên dây thì phải co một miếng da lại hoặc thả cho giãn ra. Một cây đàn tên là vina rất du dương và coi bộ chơi rất khó: dây đàn căng trên một tấm kim thuộc mỏng, một đầu cột vào một chiếc trống bằng gỗ mặt bằng da cừu, đầu kia cột vào một quả bầu dùng làm thùng đàn; nhạc công tay phải dùng cái bát (cái móng) để gẫy, còn các ngón tay trái vuốt nhẹ và mau trên các sợi dây. Du khách thành kính ngồi nghe mà chẳng hiểu gì cả.

Âm nhạc của Ấn Độ đã có một lịch sử dài ít nhất là ba ngàn năm. Các thánh ca trong kinh Veda mà ngay cả thơ Ấn cũng là để hát lên; theo nghi thức cổ thì thi và ca, nhạc và vũ chỉ là một. Một người Âu cho vũ Ấn Độ là có vẻ dâm dật, mà người Ấn xét vũ Tây phương thì cũng có cảm giác đó. Trong lịch sử Ấn, rất nhiều thời đại cho vũ là một hình thức sùng bái thần linh, biểu diễn các cử động đẹp đẽ, uyển chuyển, nhịp nhàng để tỏ niềm tôn kính và làm thoả ý các thần linh. Chỉ trong thời Cận đại, các vũ nữ devadasi mới ra khỏi các đền chùa mà muá cho hạng thế tục coi. Đối với người Ấn, vũ không phải chỉ nhắm mục đích để hở da thịt cho khán giả coi, mà đôi khi còn là diễn các tiết điệu, vận hành của vũ trụ. Chính Shiva là thần vũ, và vũ khúc Shiva tượng trưng sự vận hành của vũ trụ[8].
Các người tấu nhạc, múa, hát cũng như mọi nghệ sĩ ở Ấn, đều thuộc những tập cấp thấp nhất. Một người Bà La Môn ở nhà có thể vừa ca hát vừa gẫy cây vina hoặc một cây đàn nào khác, nhưng không khi nào chịu chơi nhạc vì tiền hoặc đưa một ống sáo, một chiếc kèn lên miệng mà thổi. Cho tới thời mới đây, các buổi hoà nhạc còn rất hiếm ở Ấn Độ; ai thích nhạc thế tục, thì có thể cao hứng hát lên hoặc gẩy một cây đàn; một vài gia đình giàu có hội họp một ít người sành nhạc để nghe nhạc trong nhà cũng như ở châu Âu. Chính vua Akbar cũng giỏi nhạc, và triều đình ông có một ban nhạc trong đó kép hát Tansen nổi tiếng và giàu nhất, chết yểu hồi ba mươi bốn tuổi vì uống rượu quá. Không có hạng tài tử, chỉ có hạng nhà nghề; người ta cho giỏi nhạc không phải là một cái tài và không cha mẹ nào khuyến khích trẻ thành một Beethoven. Công chúng không cần biết chơi nhạc mà chỉ cần biết nghe nhạc thôi.

Vì ở Ấn Độ, biết nghe nhạc là cả một nghệ thuật cần phải luyện tâm hồn và luyện tai rất lâu. Người Âu có thể không hiểu lời ca của Ấn; cũng như ở các xứ khác, chỉ có hai đề tài chính: tôn giáoái tình, nhưng trong âm nhạc Ấn, lời ca không quan trọng và kép hát Ấn đôi khi có thể thay bằng những âm vô nghĩa, cũng như các văn sĩ cực kì tân thời của chúng ta[9]. Còn nhạc Ấn thì dùng những âm giai tế vi, rắc rối hơn nhạc Âu. Âm giai châu Âu có mười hai âm (ton), người Ấn thêm vào mười “vi âm” (microton) nữa. Người Ấn có thể dùng chữ sanscrit để ghi “nốt” nhạc, nhưng thường thường người soạn nhạc không chép lại cho người diễn tấu đọc, chỉ gẩy cho môn đệ nghe rồi cứ theo cách đó mà chuyền tai nhau từ thế hệ này tới thế hệ sau. Một câu nhạc không chia ra nhiều nhịp mà kéo dài thành một legato[10] bất tuyệt làm cho người phương Tây bỡ ngỡ. Không có hài âm mà cũng bất chấp cả luật hoà âm, miễn sao cho êm tai thì thôi, có thể là có một thứ bối cảnh âm điệu nào đó. Về điểm đó, nhạc Ấn giản dị, thô sơ hơn nhạc Âu nhiều, nhưng về phương diện âm giai và âm tiết thì lại phức tạp hơn. Số khúc điệu (mélodie) vừa hạn chế mà lại vừa vô hạn; hạn chế vì phải theo một trong ba mươi sáu nhạc chỉ chính; nhưng đồng thời lại vô hạn định vì từ các nhạc chỉ chính đó, nhạc sĩ có thể tạo ra bao nhiêu biến điệu (variation) cũng được, tới vô cùng. Mỗi nhạc chỉ đó, gọi là raga[11], gồm năm, sáu hay bảy “nốt” nhạc và nhạc sĩ phải dùng đi dùng lại hoài một trong những “nốt” nhạc đó. Tùy tình cảm hay cảnh tượng được diễn trong mỗi raga, mà raga mang tên là “Bình minh”, “Xuân cảnh”, “Cảnh đẹp hoàng hôn” hay “Say rượu” vân vân, mỗi raga liên hệ tới một tháng nào trong năm hay một giờ nào trong ngày. Theo các truyền kì Ấn Độ, các raga đó có một năng lực huyền bí; chẳng hạn người ta kể rằng một vũ nữ trẻ miền Bengale hát bản đảo vũ Megh mallar raga mà làm cho trời đổ mưa. Các raga có từ lâu đời nên mang tính cách linh thiêng; tương truyền chính thần Shiva đã qui định hình thức các raga nên nhạc sĩ nào cũng phải theo đúng. Một nhạc sĩ tên là Narada vì không thận trọng khi diễn các raga, bị thần Vichnou đày xuống địa ngục để thấy cảnh đàn ông đàn bà khóc lóc thảm thiết vì gẫy chân gẫy tay; Vichmou bảo Narada rằng những raga mà Narada đã diễn bậy cũng như các chân tay gẫy đó. Từ đó Narada thận trọng hơn mỗi khi chơi nhạc. 

Nhạc sĩ Ấn phải giữ đúng cái raga đã lựa làm nhạc chỉ thì chẳng qua cũng như nhạc sĩ Âu khi soạn một bản so-nat (sonate) hay một bản hoà âm (symphonie) phải giữ đúng ý chính của bản nhạc, chứ không bị câu thúc gì hơn; cả hai tuy mất một chút tự do thì bù lại, bố cục được liên tục hơn, hình thức đăng đối hơn. Nhạc sĩ Ấn cùng ở trong một hoàn cảnh với triết gia Ấn; cũng khởi đầu từ cái hữu hạn để cho “tinh thần bổng lên chỗ vô cùng” nhờ âm tiết, khúc nhạc uyển chuyển tới rồi lui, lui rồi tới, xoắn lấy nhạc chỉ, mà cũng nhờ sự đơn điệu của khúc nhạc nó như thôi miên người nghe, nhạc sĩ riết rồi đạt tới một tâm trạng gần như người tu hành yoga, mất cả ý chí, quên cả bản ngã, quên cả vật thể, không gianthời gian; tâm thần lần lần chìm vào một cõi hoà hợp bí ẩn và thâm thuý với một Bản thể mênh mông và tĩnh, coi thường mọi ý muốn, mọi sự biến đổi, ngay cả sự chết nữa.

Chắc chắn là người phương Tây chúng ta không bao giờ mê được nhạc Ấn, và muốn hiểu nổi nó thì trước hết phải từ bỏ sự gắng sức, sự tấn bộ, sự ham muốn, sự hoạt động để tìm cái thực thể, sự bất biến, sự an phận, sự nghỉ ngơi rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 26478)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
(Xem: 19889)
Thực hành Phật giáo là tiến hành một cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cựctích cực trong tâm bạn. Thiền giả nỗ lực làm tiêu mòn điều tiêu cực...
(Xem: 18120)
Ðức Phật khuyên chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm về cái chết, hàng ngày hay vào bất cứ lúc nào. Nó sẽ khơi dậy trong chúng ta sự tỉnh thứcý thức cấp bách...
(Xem: 32663)
Acarya Nagarjuna (A Xà Lê Long Thọ) giữ một địa vị hầu như vô song trong hàng các bậc Thánh Phật giáo trình bày xiển dương lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni cho lợi lạc của thế giới.
(Xem: 18733)
Theo hiểu biết cơ bản của Phật giáo, tâm hồn về bản chất luôn mang tính sáng suốtthông tuệ. Thế nên, những rắc rối về tình cảm không hề tồn tại trong bản chất cơ bản của tâm hồn...
(Xem: 31465)
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí.
(Xem: 32400)
Bát Chánh Đạo rất dễ nhớ, nhưng ý nghĩa của chúng thâm sâu và đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lãnh vực liên quan trong giáo lý của Đức Phật.
(Xem: 20014)
Trong nhà Phật dạy điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Chúng luôn luôn thù địch nhau, muốn yên phải tìm cách điều hòa...
(Xem: 26178)
Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giài thoát.
(Xem: 20196)
Tâm đại từ bi có hai tính cách: Tính cách cứu khổ thì thay thế chúng sinh mà chịu mọi khổ não cho họ; tính cách cho vui thì có thể bỏ hết tất cả phước lạc mà cho chúng sinh.
(Xem: 23700)
Tôi tự cho rằng tôi có thực hay đó chỉ là một ý nghĩ về tôi do tôi tưởng nghĩ về tôi hoặc một ý nghĩ hay một hình ảnh về tôi do kẻ khác hay những kẻ khác tưởng nghĩ về tôi?
(Xem: 23780)
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ.
(Xem: 15041)
Lang thang trên đất nước Myanmar rộng lớn bạn sẽ không ngừng được tiếp xúc với hàng loạt xưởng thủ công tạc tượng Phật từ đá (chủ yếu là đá cẩm thạch)...
(Xem: 14973)
Nhìn thấy rõ tướng vô thường và khổ đau đang bủa xuống quanh cuộc sống, đêm rằm tháng hai âm lịch, Thái tử lên ngựa Kiền-trắc (Kanthaka) cùng với người hầu cận...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant