PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI
NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
CẢI CÁCH XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ
JAMIN: Ni sư Đại Hàn Công Tác Trong Trại Giam
Martine Batchelor chuyển ngữ tiếng Anh
Tại Đại Hàn, việc thọ đại giới không có sự hạn chế đối với các sư cô. Họ có ni viện riêng, nữ y chỉ, nữ trụ trì và nữ giáo thọ sư riêng. Họ hoàn toàn độc lập với chư tăng về phương diện tài chánh. Trong 500 năm, từ 1400 đến 1900, Phật giáo bị Nho giáo đàn áp, nên chư tăng có rất ít quyền lực. Tăng và ni đều bình đẳng trong việc tìm cách sống sót qua bao khó khăn. Ở Đại Hàn, cũng có truyền thống vu bà (female shaman) rất mạnh. Tất cả những yếu tố lịch sử và xã hội khác nhau đã giải thích tại sao trong tất cả mọi truyền thống Phật giáo, chỉ có chư ni ở Đại Hàn là bình đẳng với chư tăng nhất.
Đầu thế kỷ 21, Nho giáo bắt đầu tan rã, và sự khôi phục Phật giáo đã diễn ra, là điều không chỉ ảnh hưởng đến chư tăng mà cả chư ni. Chư ni lợi dụng thời điểm khôi phục, đã đến cư trú tại các ngôi chùa bị bỏ hoang, trùng tu chúng lại, xây mới các thiền đường và giảng đường nơi các sư cô có thể được huấn luyện một cách nghiêm chỉnh. Nhiều vị nữ thiền sư đắc đạo, học giả ni nổi tiếng đã xuất hiện, và các vị ni khác cũng đạt được những thành quả theo cách riêng, đầy sáng tạo của mình.
Jamin là một ni sư rất được kính trọng ở tuổi ngoài sáu mươi, thuộc hội các trưởng lão ni ở Đại Hàn, thường thăm viếng các phạm nhân trong trại giam. Bà rất tử tế, thân thiện, dầu lúc nào cũng luôn bận rộn.
***
Sau khi xuất gia, tôi tham dự nhiều trường Phật học để học kinh điển suốt 13 năm. Sau đó, tôi viếng các thiền đường và nhận thấy rằng thiền rất hữu dụng. Tuy nhiên, vì chương trình tu học của tôi, Phật tử luôn yêu cầu tôi dạy về kinh điển vì tôi đã nhận được sự tryền thừa và được phép dạy theo dòng truyền thừa nổi tiếng Pomosa. Tôi bắt đầu dạy học và cũng giúp dịch kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) [một bản kinh Đại thừa đồ sộ về sự tương quan lẫn nhau] sang tiếng Đại Hàn. Suốt 13 năm tôi dạy trong các tu viện, nhưng vì bị bệnh, tôi ngưng dạy nhiều và thay vào đó bắt đầu thỉnh thoảng giảng giải Phật pháp cho cư sĩ. Ba năm trước đây tôi được mời đến giảng cho phạm nhân trong các trại giam.
Tôi đến trại giam mà không suy nghĩ nhiều về việc đó, vì tôi được mời đến để giảng một thời pháp thôi. Tuy nhiên, khi đã đến đó và gặp gở những người tù, tôi thay đổi ý. Dầu một số tù nhân phạm các trọng tội, nhưng phần lớn do hành động vô tình hay vì tự vệ. Họ có thể phạm tội trong nháy mắt, rồi nó qua đi, biến mất, sau đó họ trở lại bình thường. Những người họp lại để nghe tôi giảng pháp không có vẻ gì là những phạm nhân.
Khi bước chân vào tù, các phạm nhân thường buông xuôi, buồn nản. Dầu tôi cố gắng để khơi dậy niềm hy vọng trong họ, nhưng điều đó thật khó, vì không có tình cảnh nào buồn thảm hơn là ở trong tù. Dường như người ta cố tình tạo ra một không gian ảm đạm, và ở đây người ta chỉ thấy, nghe và học hỏi về các tội ác. Đối với nhiều phạm nhân, nó đã trở thành một vòng luẩn quẩn. Vì vậy, những gì chúng ta gọi là tội ác, nó không thực sự hiện hữu - nó được điều kiện hoá bằng nhiều yếu tố.
Tôi cố gắng dạy các phạm nhân về luật nhân quả, nghiệp và quả. “Tất cả những gì tôi tạo ra, tôi sẽ nhận trả lại”. Tôi hỏi họ về hoàn cảnh riêng. Nhiều người rất nản chí, họ cảm thấy bị oan ức và hỏi: “Tại sao tôi đến chốn này? Tại sao tôi kết thúc trong hoàn cảnh này?” Rồi họ tự trả lời, “Vì tình yêu, vì tiền hay hoàn cảnh xã hội”. Trước khi tự quán xét bản thân, họ nghĩ ra đủ thứ chuyện để cảm thấy chua chát, oán hận cuộc đời, xã hội, cha mẹ, anh em của họ.
Tôi khuyên họ hãy buông bỏ tất cả mọi oán hận, rồi tự quán chiếu xem mình đã hành động như thế nào, đã nhận lãnh những gì trở lại. Những suy nghĩ của chúng ta tất cả đều được tạo ra và phát triển từ hạt giống trong ta, vì thế trước hết ta phải quán sát bản thân cẩn thận. Khi tôi giảng những bài pháp thoại như thế, nhiều người đã khóc, và giữa những tiếng khóc đã có rất nhiều sự tự soi xét, quán chiếu bản thân. Nếu họ tiếp tục quán chiếu như thế, khi trở về lại với xã hội, ngay nếu như có những nỗi khổ không thể chịu đựng được, họ vẫn có thể kiên nhẫn chịu đựng. Sức mạnh để chống lại những phản ứng bản năng có được là nhờ những sự quán chiếu này. Tôi cảm thấy dù điều đó nhỏ nhặt đến đâu, nhưng nếu những gì tôi nói có thể giúp họ sửa đổi cá tính, thì như thế cũng đủ cho tôi rồi.
Nếu phạm nhân có yêu cầu, tôi vẫn gặp họ riêng để tư vấn. Có người muốn tâm sự về sự phản bội của người thân yêu. Người khác lại lo lắng về gia đình khi họ đang phải ngồi tù, và nhờ tôi hãy chăm sóc gia đình họ, nên tôi thường cố gắng tìm gặp gia đình họ để xem người thân của họ sống thế nào. Có nhiều tù nhân kỳ cựu không còn người thân nào cả. Tôi giúp họ có mối liên hệ thân thiện với người khác, chuẩn bị thực phẩm làm quà cho họ. Tôi cũng hỏi về ngày sinh của họ để tổ chức gì đó cho họ.
Tôi lắng nghe họ chăm chú, và dựa vào hoàn cảnh cá nhân của họ, tôi tìm những giáo lý thích hợp trong Phật giáo để giảng lại cho họ. Tôi nhắc đến những đoạn kinh phù hợp để so sánh với hoàn cảnh của họ. Vì tôi là một người Phật tử, một ni sư, tôi chỉ biết học theo giáo lý của Phật, dầu tôi cũng sử dụng từ ngữ của mình, nói với họ về kinh nghiệm của mình, những gì tôi đã học từ họ và những gì tôi sẽ khuyên nhủ người khác.
Qua việc phát triển trí tuệ, chúng ta có thể đạt được Giác ngộ. Phật pháp không nói về gì khác hơn; Phật pháp chỉ nói về sự hoàn thành và hoàn hảo cá tính của mỗi người. Khi chúng ta đã hoàn hảo cá tính của mình, thì tình thương yêu, và lòng bi mẫn sẽ xuất hiện. Không có chúng, ta sẽ khổ đau vì sân hận, bất mãn và oán hờn.