Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ HAI
ẤN ÐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)
Vì Câu-Thi-Na chỉ là một làng nhỏ không có chỗ trú ngụ, chúng tôi cho xe lấy đường 28 đi thẳng về hướng Tây, nhắm Basti, cách đó khoảng 120 km. Trời đã tối, xe hư đèn, chỉ còn đèn “pha”, chói mắt xe chạy ngược chiều nên hết sức nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Basti, vào một khách sạn xác xơ nhưng có cái tên sang trọng là Suyash Palace. Hôm sau chúng tôi sẽ bỏ đường 28, lấy một con đường không tên lên hướng bắc, qua Balrampur đến một thị trấn tên gọi là Sravasti (Xá-vệ), ngày nay không có người ở.
Xá-vệ không gì khác hơn chính là kinh đô nước Kiều-Tát-la của nhà vua Ba-tư-nặc. Sravasti còn có tên là Savatthi, chính là nơi Phật lưu trú 25 mùa mưa, giảng vô số kinh sách mà ta thấy đầu kinh ghi là “Xá-vệ-quốc”. Tại Xá-vệ, Phật giảng hai bộ kinh cao cấp nhất về mặt trí huệ, đó là kinh Kim Cương và kinh Hoa Nghiêm. “Hội Hoa Nghiêm” được mở tám lần cho trời người được nghe, phần lớn là tại các cung trời, một lần trên địa cầu là tại rừng “Thệ Đa” tại Xá-vệ. Hai ngàn năm trăm sau hội này, nhiều nhà vật lý hiện đại kinh ngạc thấy rằng thế giới mô tả trong phẩm “Nhập pháp giới” của Hoa Nghiêm hoàn toàn trùng hợp với nhận thức của họ.
Rừng Thệ Đa có tên là Jetavana, có người gọi là Kỳ viên, đó là một khu vườn của một “trưởng giả” tên là Cấp Cô Độc. Vị này là một thương nhân rất giàu có, ông làm nghề “ngân hàng”, có lẽ ông nhiều của cải như Bill Gate thời nay. Nhưng ông khác với các thương nhân ngày nay ở chỗ rất tôn trọng và hết lòng hỗ trợ Phật pháp.
Nhà ngân hàng Cấp Cô Độc có vợ người xứ Vương Xá, ông hẳn là người đầu tiên làm cái nghề nhiều lợi tức này của Ấn Độ. Ngày nọ, đến quê vợ giao dịch, ở tại nhà anh rể, ông thấy trong nhà chuẩn bị nhộn nhịp. Hỏi ra ông biết có người tên là “Đức Phật” ngày mai sẽ đến thọ thực tại đây. Tối hôm đó ông thao thức chẳng ngủ được, dậy sớm đi về phía rừng Trúc Lâm thì có người gọi ông bằng tên tộc. Như thời nay, các đại phú ngày xưa đều muốn dấu tên, ông giật mình hoảng sợ và mới hay người đó là đức Phật đang đi kinh hành buổi sáng. Trong bữa ăn ngày hôm đó, ông xin qui y và mời Phật về Xá-vệ nghỉ trong mùa mưa. Phật nhận lời và cho hay chỗ lưu trú chỉ nên yên tĩnh là được.
Cái chỗ đó thật sự là yên tĩnh nhưng đắt tiền. Cấp Cô Độc tìm ra được một khu vườn xanh tươi, nằm ở phía tây nam kinh thành Xá-vệ. Thế nhưng vườn đó có chủ, nó là của Jeta, con trai nhà vua Ba-tư-nặc. Jeta không chịu bán cho Cấp Cô Độc nhưng dại dột nói chơi thêm “100.000 đồng tiền vàng cũng chưa chắc chịu”. Chẳng may cho Jeta là Cấp Cô Độc là thương nhân, rất sành về hợp đồng mua bán. Theo luật thời đó hễ ai nêu giá là phải bán, nếu nhất định không bán thì đã không nêu giá. Cấp Cô Độc kiện vị hoàng tử, buộc phải bán với cái giá khổng lồ 100.00 đồng tiền vàng. Và công minh thay, nền tư pháp của thời quân chủ ngày đó không hề bênh vực con vua cháu chúa, Jeta phải bán với giá này. Người ta cho rằng số tiền này đủ để mua vàng trải đầy khu vườn. Đó là năm 526.
Khu vườn này được trồng cây cối rậm rạp, một phần là xoài nên có khi được gọi là “rừng xoài”. Ngày nọ có một người đến thăm Phật vì lòng tò mò. Ông là nhà vua Ba-tư-nặc, trị vì nước Kiều-tát-la. Ông nghe sa-môn Cồ-đàm là con trai của Tịnh Phạn mà Tịnh Phạn thật ra là vua của một tiểu quốc thần phục Kiều-tát-la. Đúng ra ta chỉ nên gọi Tịnh Phạn là thống đốc [1] thì phải hơn. Ba-tư-nặc đến tìm Cồ-đàm với sự dè dặt:
“Ba-tư nặc: Thưa Cồ-đàm, phải chăng Ngài là người tự xưng là Phật đã hoàn toàn giác ngộ?”
“Phật: Đúng thế, ta tự xưng như thế!”
“Ba-tư-nặc: Các vị Sa-môn và Bà-la-môn khác cũng trả lời tôi là họ cũng giác ngộ hoàn toàn. Làm sao Ngài còn trẻ tuổi và xuất gia chưa lâu mà gọi là giác ngộ hoàn toàn được?”
“Phật: Thưa quốc vương, có bốn thứ ta không nên coi thường vì tuổi còn trẻ: người chiến sĩ, con rắn độc, đốm lửa và vị tỉ-kheo” [2].
Trước sự hùng biện hóm hỉnh của Phật, Ba-tư-nặc không hề thấy bị xúc phạm. Ông là nhà vua, cùng trẻ tuổi như Phật thế nhưng không được liệt vào “bốn thứ”. Ngược lại ông xin qui y trở thành cư sĩ.
Kể từ năm 508 Phật xem vườn Kỳ viên là trú xứ mùa mưa của mình, Ngài ở đó suốt 18 mùa mưa. Gần đó cách 600m về phía đông có một khu vườn khác tên gọi là Pubbarama của tín nữ Visakha tặng tăng đoàn, tại đó Phật lưu trú sáu mùa mưa.
Từ Basti đi Xá-vệ, đường dẫn qua những làng mạc vô danh, qua những đám rừng rậm có thể làm ta hãi sợ. Bên mặt của con đường xe chạy là con sông Rapti, ngày xưa tên gọi là Achiravati. Kinh thành Xá-vệ ngày xưa nằm trên bờ sông này, nhờ thế mà thuận đường mua bán vì sông chảy về phía đông nam nhập chung với Hằng hà. Trên đường đi, chúng tôi gặp một trận mưa to tưởng chừng như đại hồng thủy kéo tới và cũng nhờ thế mà khi đến Kỳ viên tại Xá-vệ thì mây đen đã tan, để lộ một vùng cây cối xanh tươi không thể nào tả xiết.
Cám ơn thay Nhà nước Ấn Độ, mặc dù dân nghèo lam lũ, mặc dù đạo Phật đã biến mất cách đây 10 thế kỷ nhưng vẫn để tâm săn sóc khu vườn lịch sử này để cho hậu thế có thể tìm thấy trú xứ của Phật trong một tình trạng xứng đáng với tầm vóc của nó.
Tôi bước chậm rãi trong Kỳ viên trên con đường hẹp tráng xi măng mà bây giờ đã sạch bóng sau cơn trưa và nhận rằng lòng mình lúc nào cũng bình an khi đến các thánh địa. Đó là lòng bình an kỳ lạ dù tâm lữ khách háo hức lớn hơn mọi chỗ tôi từng đi qua. Ở đây tôi cảm nhận một không khí thuần tịnh, ở Vesali một khí sắc vương giả, ở Bodh Gaya một tâm tư kính sợ, ở Linh Thứu một lòng cảm động vô hạn, ở Câu-thi-na một khí lực mát lạnh buồn bã, ở Lộc Uyển một lòngï hân hoan. Nhưng ở mọi nơi, lòng bình an luôn luôn chan hòa trong mọi cảm nhận đó, nó làm nền cho chúng phát khởi.
Đây là cây bồ-đề mệnh danh “A-nan”, nó được A-nan cho mang một nhánh [3] từ cây bồ-đề gốc tại Bodh Gaya về và do chính tay Cấp Cô Độc trồng. Cây này được trồng vì dân chúng Xá-vệ hỏi Phật khi Ngài đi vắng thì lấy gì để cung kính. Phật cho trồng cây này và đã từng thiền định dưới gốc này một đêm. Ngày nay Phật đã đi vắng, tôi đành cung kính Ngài bằng cách thắp một cây hương cắm dưới gốc cây.
Đi thêm khoảng 100m nữa thì bên trái là đền Gandhakuti, chỗ thiêng liêng nhất của Kỳ viên, đó là trú xứ của Phật, chỗ Ngài ở suốt 18 mùa mưa, ngày nay chỉ còn nền đá. Trên nền này đã có nhiều công trình xây dựng sau đó, chúng cũng lại bị đổ nát theo thời gian. Theo tài liệu khoa học thì nền gạch nung còn lại ngày nay là từ thời đại Gupta (320-510 sau công nguyên). Trong thế kỷ thứ 5 lúc Pháp Hiển đến đây, ông còn thấy dấu tích một ngôi tháp gỗ bảy tầng đã bị cháy, thay vào
Sơ đồ vườn Kỳ viên. Phía trên là Gandhakuti. Phía dưới bên mặt là cây bồ-đề [4]
đó là một ngôi tháp gạch hai tầng. Hai thế kỷ sau, lúc Huyền Trang đến thì ngôi tháp gạch cũng đã đổ nát. Có lẽ các viên gạch đỏ này là di tích nền tháp xây trong thế kỷ thứ năm đóù. Những cảnh thành hoại trong các kiến trúc xây dựng này chỉ nhắc tôi nhớ lại kinh Kim Cương mà Phật thuyết ngay tại chốn này:
Như bào mộng, như huyễn thuật, như bọt nước,
Như sương mai, như tia chớp,
Cần phải quán như vậy.