NÚI XANH MÂY HỒNG
truyện vừa của Vĩnh Hảo
Khởi viết tại Sài Gòn 1980, hoàn tất tại Long Thành 1982
Alpha xuất bản 1991 tại Virginia, Hoa Kỳ
____________
CHƯƠNG 1
Cái gì rồi cũng trôi qua. Nỗi buồn cũng thế, nhưng nó trôi qua một cách chầm chậm, lững lờ. Cái buồn, nó không làm cho lòng ta đi lên và nhẹ hẫng như niềm vui: nó luôn luôn trầm xuống và đong đưa qua lại trên mảnh đất tâm hồn. Chia tay với một người thân quả là điều đáng buồn của cuộc sống.
Khi tôi nói lời từ giã, Đức không tin. Chú ấy cười ngặt nghẽo như thể nét mặt nghiêm trọng của tôi lúc bấy giờ chỉ là một lối diễn xuất độc đáo, một cách đùa bỡn tài tình mà thôi.
Tôi im lặng nhìn Đức cười. Một nỗi buồn thương quyện lấy tim tôi trong phút chốc. Khi tiếng cười của Đức dịu đi, tôi mới xiết chặt bàn tay đen đủi, chai nám của chú, nói lại một lần nữa: “Khuya này tôi đi.”
Hiếm khi tôi có cử chỉ đó. Cho nên, lần này Đức tin tôi thật. Nụ cười đang rạng rỡ trên mặt chú bỗng vụt tắt. Tôi thấy nó biến nhanh như hơi sương mỗi sáng. Từ đó, chúng tôi ngồi im lặng, không nói một lời nào nữa. Trăng lúc ấy đang mờ nhạt sau những cụm mây đùn lớp. Chúng tôi ngồi trên một phiến đá dài trên đỉnh đồi Trại Thủy. Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy biển Nha Trang với một chuỗi đèn của các thuyền chài nối nhau, thắp lên trong vũng tối như những đôi mắt chong đêm chờ đợi. Những đôi mắt đó có khi bị lầm tưởng là những vì sao sa bạc ánh, nhảy múa trong lòng đêm rộng.
Thành phố Nha Trang cũng ánh lên ánh sáng hiền hòa của những ngọn đèn màu thưa thớt. Trong khung cảnh chia tay như thế, tôi biết Đức chưa muốn trở về thiền thất. Tuy nhiên, tôi không thích kéo dài cái không khí ảm đạm, buồn tẻ ấy. Tôi đứng dậy nhìn quanh cảnh đồi một lần nữa rồi giục Đức về. Đức làm thinh, miễn cưỡng rời chỗ. Chúng tôi băng qua con đường ngoằn ngoèo loáng thoáng ánh trăng để về thiền thất tọa lạc phía bên kia đồi.
Đây là thiền thất của một vị thượng tọa người Huế dựng nên. Từ lâu, thượng tọa không trở lại (nghe nói thượng tọa bị bắt đi học tập cải tạo), thiền thất bỏ hoang. Sợ nhà nước kiếm cớ tịch thâu, Giáo hội cử Đức đến trông coi. Nhưng Đức phải tự túc sinh sống bằng cách làm chao bán, đồng thời làm công nhân cho xưởng nước tương của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà. Gia đình Đức ở xa, tận ngoài Huế. Thỉnh thoảng mới có người quen đến viếng thiền thất biếu Đức chút đỉnh rau trái hay vài kí gạo. Dù vậy, Đức vẫn dư sống. Nhưng dư ở đây không có nghĩa là sung túc giàu có, mà dư vì Đức sống rất đơn giản và không có nhiều nhu cầu như kẻ khác. Đức không hề bận bịu đến việc sắm sửa hoặc dồn chứa tài sản. Tiền làm ra Đức chỉ để vui với bạn bè hoặc giúp đỡ những ai thiếu thốn. Dạo chúng tôi mới quen nhau, tôi thấy Đức có một chiếc xe đạp để thỉnh thoảng dùng mà đi thăm viếng người quen hoặc đi bỏ mối chao cho các tiệm tạp hóa. Sau, chiếc xe đó bị gạt mất. Đức có cái tánh rất dễ thương là quá thành thật, thành thật đến độ thật thà. Do vậy, chú thường bị gạt. Đôi lúc bị kẻ khác lợi dụng, chú vẫn không ôm lòng oán. Cái tánh đó đem áp dụng vào việc buôn bán (dù là buôn bán nhỏ như Đức) thì chỉ chuốc lấy thất bại. Người ta không thể bươn chải với đời bằng sự thật thà quen nếp của một tu sĩ. Nhưng Đức đã phải làm điều đó. Và, tôi càng quí mến Đức hơn; bởi chưng, việc buôn bán đã không đánh mất được sự thật thà của Đức. Sự thật thà này lại cũng là một nét riêng tạo nên con người của Đức khiến cho tôi hầu như không thể lầm lẫn Đức với ai khác. Không tham cầu, không se sua, Đức sống một đời sống bình dị hiếm có so với những người chung quanh. Đó là thứ bình dị được pha lẫn bằng cái nét mộc mạc của một người dân quê với sự bao dung của một đạo nhân, và một chút phóng xả của một nghệ sĩ.
Cá tính độc đáo đó của Đức được biểu lộ bằng những nụ cười thường xuyên trên môi chú. Người ta nhận thấy rằng Đức lắng nghe và cười nhiều hơn là nói ra một điều gì. Nụ cười của Đức dễ lây niềm vui sang kẻ khác. Khi nghĩ đến Đức, tôi nghĩ đến nụ cười trước tiên: nó rạng rỡ, sảng khoái và thật hồn nhiên.
Phải leo gần trăm bậc cấp nữa chúng tôi mới đến được hiên thiền thất, ánh trăng rọi bóng lá loang lổ trên thềm. Từng làn gió thốc đến, khua động những bóng hình muôn trạng trên mặt đất. Ngay lúc ấy, tôi thấy bao kỷ niệm giữa tôi với Đức đã trải qua nơi thiền thất này cũng rùng rùng trỗi dậy theo sự nhảy múa của hoa lá dưới trăng.
Có một dạo nấm mèo là đặc sản thịnh hành nhất được sản xuất tại hầu hết các chùa ở Nha Trang, Đức rủ tôi đi chặt cây rừng về làm nấm. Chúng tôi đục lổ trên những thân cây đã được chặt thành từng khúc, dài một thước hai. Sau đó chúng tôi bỏ meo, ủ ba ngày rồi tưới vào mỗi sáng, mỗi tối. Khoảng một tuần là nấm lên. Đó là thời gian vui nhất của chúng tôi. Ngày nào từ xưởng nước tương về, tôi cũng ghé tạt qua chỗ Đức để thăm những nụ nấm thi nhau trổ. Nhưng khốn nỗi, nấm ra không đồng loạt và so với những trại nấm khác của thiên hạ thì, thú thật, của chúng tôi quá kém về năng suất. Rốt lại, chúng tôi sản xuất nấm chỉ để ăn chứ không phải để bán lấy tiền mua sách như dự tính. Đó cũng là lý do mà dạo ấy, lần nào ghé Đức chơi tôi cũng thấy chú ăn cơm với nấm kho, đôi khi có dặm thêm vài miếng tàu hủ. Món nầy kể ra cũng khá hấp dẫn và thật sang đối với Đức–vì hồi nào đến giờ Đức chỉ ăn một cách xoàng xĩnh, lấy lệ, với chao hư, tương mốc, có lúc ăn cơm với muối hột nữa. Và khi nào tôi qua giở nắp xoong của Đức để nhìn các món nấm kho “muôn thuở” đó thì chú lại cười ồ lên. Có khi thấy tôi từ xa tới, Đức đã lật đật đi giấu mất cái xoong. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên được là tôi có một người bạn tội nghiệp như vậy.
Bước vào phòng Đức, tôi ngồi vào bàn chép tặng chú một bài thơ trong khi chú loay hoay vo đậu xanh nấu chè. Đức biết tôi thích món này nên chú thường trữ đậu xanh và đường trong nhà. Thường thường, cứ mỗi tối thứ Bảy là tôi được đãi chè đậu xanh như thế. Đặc biệt là từ dạo có nấm mèo, Đức cũng không tiếc tay để sắc mỏng chúng, bỏ vào trong nồi chè. Kể ra, nấm mèo trong chè ăn giòn giòn thấy cũng vui miệng. Đức thường nói: “Món nấm ni… rứa mà đa dụng!”
Bắc nồi chè lên bếp xong, Đức đến ngồi bên cạnh, im lặng nhìn tôi viết. Tôi trao Đức bài thơ. Đức đón lấy, đọc rất lâu. Sau đó, Đức đi nằm. Bài thơ không hay mà lại dài nữa, cho nên khi trao cho Đức rồi là tôi quên mất. Chỉ nhớ mang máng là nó đã làm cho Đức phải im lặng và trầm ngâm thật lâu trước khi ngồi vùng dậy đốt thuốc. Đôi mắt chú bị nỗi buồn kéo sụp xuống. Tôi vẫn thường từ chối hút thuốc nhưng lần này, tôi tự động rút một điếu. Nhìn tôi hút, Đức cảm động. Có lẽ chú hiểu rằng tôi không còn cách nào khác hơn để biểu lộ sự chia xẻ bằng cách đốt một điếu thuốc. Cháy nửa điếu thuốc rồi Đức mới hỏi:
“Hình như bạn mới có ý định ra đi hồi chiều này thôi, phải không? Nếu đã dự tính từ lâu thì tôi đã biết trước chứ đâu mà đột ngột như vầy!”
Tôi trả lời phải và chợt nghĩ đến quyết định có vẻ đột ngột của mình. Chính tôi cũng không thực sự hiểu rõ ý định của mình. Đức hỏi lý do, tôi chỉ biết lặng thinh. Tôi tự hỏi lại tôi, tại sao mình lại muốn ra đi lập tức như thế này! Câu hỏi thực khó trả lời, nhưng dường như tôi cảm nghe rằng trong tôi có một tiếng gọi. Một tiếng gọi rất mơ hồ nhưng mãnh liệt. Vâng, đã nhiều lần tiếng gọi đó vang dậy trong tôi và tôi đều nói Đức nghe. Những lúc ngủ ngoài hiên chùa Núi, tôi thường vùng dậy xao xuyến khi nghe còi tàu hỏa hú vang trong đêm khuya. Từ một chỗ nằm gần đó, có nhiều lúc Đức cảm thấu được sự dao động của tôi và có lẽ Đức cũng đoán được rằng thế nào rồi tôi cũng sẽ ra đi. Thật vậy, dòng máu phiêu lưu trong tôi bốc nóng lên và cuồn cuộn trong cơ thể. Tôi muốn lên đường tức khắc, nhưng tôi đã kềm hãm nỗi lòng mình lại, ru ngủ nó bằng nhiều cách. Đức can ngăn tôi, xã hội cũng cấm cản tôi. Người ta không phải lúc nào muốn gì cũng được nấy. Nhưng lần này, tiếng gọi đó kinh khiếp quá: nó không cho phép tôi suy nghĩ gì nữa. Trong tôi chỉ vang dậy mỗi một tiếng thôi, là ĐI. Khi tiếng này vang lên, nếu tôi đang nằm, tôi sẽ ngồi vùng dậy; nếu tôi đang ngồi, tôi sẽ đứng lên; và nếu tôi đang đứng, tôi sẽ cất bước đi ngay. Nó mãnh liệt đến như thế. Nó giục tôi lên đường, bỏ lại tất cả. Không ai có thể ngăn được tôi cũng như chính tôi sẽ không còn khả năng kềm hãm mình được nữa. Đức hiểu tôi. Chú ấy không có ý ngăn cản khi tôi đã quyết định một việc gì, vì chú biết như vậy là thừa. Tuy nhiên, Đức vẫn muốn biết rõ hơn nguyên do nào thúc đẩy tôi nẩy ý ra đi như thế. Tôi chẳng biết phải nói với Đức làm sao. Cái nguyên do đó hầu như chẳng là nguyên do gì cả. Nó có vẻ vô lý mà chỉ có tôi mới mơ hồ nhận biết. Tôi nhớ hồi nhỏ bỏ nhà đi tu, tôi cũng đã ra đi với một nguyên do không thể giải thích như vậy. Tôi chỉ cảm thấy rằng mình phải bước về phía trước, như nước chảy. Nước thì phải chảy, không thể hỏi vì sao chảy. Thể của nó là sự luân lưu, không chảy được thì bốc hơi chứ không thể đọng mãi. Tôi nghĩ là tôi, đến một giai đoạn nào đó trong đời, cũng cần phải chảy như nước vậy.
Nhớ có lần Đức nói: “Nếu bạn không còn ở Nha Trang nữa thì tôi cũng phải ra đi. Tôi không thể sống ở đất này nếu không có bạn.” Lúc đó, tôi chê Đức là yếu đuối và khích lệ chú tập cho quen sự bình thản trong tâm hồn trước những đến và đi, được và mất của tình cảm. Nay, tự dưng nhớ lại lời Đức, tôi thấy chạnh lòng và không có ý cười chú ấy nữa. Đức nặng tình với tôi như vậy là phải, vì ngoài tôi ra, tôi thấy chú không kết thân được với ai. Do đó, tôi không lòng nào mà nói với Đức rằng tôi chỉ thấy cần phải đi và tôi đi. Một câu trả lời như thế có vẻ phũ phàng lắm. Vì rõ ràng sau khi tôi đi, Đức cũng sẽ rời Nha Trang như lời chú nói. Tôi tin Đức không nói ngoa. Tôi có hỏi: “Nếu đi, bạn sẽ đi đâu?” Đức nói: “Chưa biết nữa, miễn sao rời khỏi thành phố đầy kỷ niệm này thôi. Hơn nữa, người ta không thể đơn thân chống lại những hoàn cảnh khắc nghiệt và phi lý vây quanh.” Nếu vì tôi mà Đức phải rời Nha Trang một cách vô định thì tôi có nên như thế không? Nhất là, tôi có nên nói với Đức một lý do rất mơ hồ rằng có một cái gì đó như một tiếng gọi giục tôi lên đường chăng? Nhưng không nói thế thì biết nói gì hơn. Tôi tin Đức hiểu tôi và lý do của tôi sẽ không làm chú nghi hoặc gì. Có điều, Đức sẽ buồn. Buồn vì trong tôi, tiếng gọi của tình bạn không thắng nổi tiếng gọi của một cuộc lữ.
Nhưng tôi không thể nhường một bước nào nữa. Tôi phải đi. Tôi cần phải đi. Tôi dặn Đức sau khi tôi đi, Đức đừng rời Nha Trang nếu chưa có nơi trú thân khác. Tôi cũng nói rằng có thể một ngày nào đó tôi sẽ trở về và, một điều nữa--điều này tôi nghĩ là có thể cầm chân Đức được--rằng nếu vào Sài Gòn mà thấy có chỗ dung thân và học hành tốt, tôi sẽ đánh điện gọi Đức vào. Tôi có đủ cách nói để Đức yên tâm ở lại. Nhưng những hứa hẹn của tôi ngay lúc đó bỗng làm nẩy sinh trong tôi một ý nghĩ rằng, biết đâu chuyến đi vô định sẽ vùi thây tôi nơi một xó xỉnh nào đó mà không một người thân thích, một bạn bè nào có thể hay biết. Tuy nhiên, lời hứa hẹn đó làm tôi dễ chịu hơn, đỡ ray rứt hơn. Đức không nói gì hết. Nét buồn trên mặt chú đã nói lên tất cả rồi. Chúng tôi ăn chè, hút thuốc và thức đến ba giờ khuya.
Hành trang của tôi là một cuốn tập để làm thơ (vì lúc ấy tôi đang thích thơ), một cây bút máy, năm chục đồng và một bộ đồ gói theo. Dĩ nhiên, tôi không quên mang theo tấm cà sa mà luật Phật dạy là không thể rời xa nửa bước. Đức lo lắng cho tôi. Chú ấy tính rằng với tài sản nhỏ nhoi như thế tôi chỉ có thể cầm cự được ba ngày sau khi mua xong vé tàu hỏa. Tôi đùa với Đức rằng phải ba năm sau tôi mới tiêu hết “sản nghiệp” của tôi. Đức dúi thêm tiền vào bọc của tôi rồi nhét thêm một ít thức ăn khô cùng áo lạnh của chú nữa. Tôi cười và bỏ lại tất cả. Tôi nhờ Đức nhắn lại với gia đình tôi (mà Đức được coi như là một trong những đứa con tinh thần của mẹ tôi) rằng tôi đi “tìm thầy học đạo”. Chỉ những lời đó mới làm cho gia đình tôi yên tâm mà thôi. Đức tiễn tôi đi.
Sân ga náo nhiệt và chen chúc mọi thành phần. Tôi cảm thấy bỡ ngỡ trước khung cảnh này. Từ khi Cộng sản vào miền Nam, tôi ít có dịp đi đâu khỏi chùa; đi khỏi tỉnh lại càng không có. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi xuống sân ga để đáp tàu hỏa. Đức dạn dĩ hơn, vì chú thường đi tàu ra Huế thăm nhà cũng như vào Phan Thiết thăm trường cũ đôi lần từ lúc chú về sống ở Nha Trang. Đức tìm mua cho tôi một vé chợ đen vì nếu mua vé chính thức tại phòng vé thì phải xếp hàng, chen lấn nhọc nhằn lắm. Người ta nối đuôi nhau một dãy dài từ phòng bán vé ra tới bên kia đường. Thật là một cảnh tượng “hùng vĩ” và vui vẻ. Đức nói với tôi như vậy và bụm miệng cười. Thấy Đức vui, tự dưng lòng tôi thắt lại. Tôi mường tượng đến những ngày không còn tôi ở thành phố này, Đức sẽ buồn lắm.
Người ta nhìn chúng tôi chăm chú quá, ít khi tôi lạc vào những đám đông như vậy nên rất là khó chịu. Tôi nói với Đức cảm giác đó. Đức cười và đùa một câu rằng: “Tại họ thấy tôi giống ông Hynos.” Đức nói vậy vì nhiều người cùng làm xưởng nước tương đã chọc chú là “ông Ma Rốc” (có lẽ vì thấy da chú ngăm đen) hoặc “ông Hynos” (hình vẽ người da đen nhe răng cười trên hộp kem đánh răng Hynos - một sản phẩm nội hóa Việt Nam trước 1975). Tôi không nhớ rõ là chú có buồn lắm không với những lời chọc ghẹo như vậy. Chỉ thấy chú cười, tỉnh như không. Tôi thì chẳng bao giờ dám cười khi thấy chú bị chọc ghẹo: sợ chú mặc cảm. Nhưng lúc này, tôi không nín cười nổi vì lối pha trò tỉnh tỉnh của chú. Tôi hơi thắc mắc không hiểu sao Đức có thể đùa được vào phút chia tay đang kề cận mà tôi nghĩ là Đức phải xúc động nhiều hơn tôi. Có lẽ Đức muốn khỏa lấp đi nỗi buồn trong chú hoặc chú tin rằng cái vui tạm thời kia cũng phần nào che giấu nỗi trống trải đã trùm lên tâm hồn chú từ đêm qua đến nay và sẽ còn kéo dài về sau.
Người ta chen lấn nhau vào cửa để giành ghế ngồi trên tàu. Đức giục tôi vào sớm kẻo hết chỗ ngồi thì phải đứng. Vé tàu hỏa được bán ra với mức tối đa và vô hạn định cho đến khi nào hết người mua chứ không căn cứ theo số ghế trên tàu. Từ ga khởi hành cho đến ga chót, có hàng trăm ga và trạm khác dọc đường cũng bán ra những vé tàu không giới hạn như vậy. Đức nói có khi chú phải đứng suốt một đoạn đường dài từ Nha Trang ra tới Bình Định, mà chỉ đứng có một chân thôi. Tôi hỏi: “Vậy cái chân còn lại bạn để đâu?” Đức trả lời: “Không biết nữa. Tôi chỉ có cảm giác là nó không đặt trên sàn tàu mà đặt lên một cái gì đó.” Cười một chặp, Đức kể tiếp: “Cũng có thể là nó không đặt trên cái gì mà bị kẹt ở giữa những cái chân khác. Những cái chân này tranh nhau đặt xuống sàn tàu. Khi mới lên tàu, tôi được đứng hai chân. Tàu chạy lúc lâu, ghé nhiều ga rước khách và bốc hàng hóa, lúc đó, nếu mình mỏi chân co lên một chút thì đặt xuống trở lại không được nữa vì đã có cái chân của ai đó thế vào. Tuy vậy, mình không bao giờ té mặc dù đứng như chơi lò cò trong khi tàu chạy xục xịch lắc lư như buộc cả người và hàng hóa di động. Người ta nêm chẹt cứng chung quanh làm sao mình té được! Cho nên, nếu mình có ngất xỉu hay bị chết trên tàu vì ngộp thở thì mình vẫn cứ đứng như vậy.” Cái giọng dí dỏm của Đức làm tôi tức cười nôn ruột nhưng trước đám đông, tôi phải rán nín (một tu sĩ mà cười to trước đám đông coi có vẻ mất tư cách lắm). Rồi tôi thầm nghĩ, có lẽ để cho những sinh hoạt của người dân được ăn khớp với hai chữ “độc lập” mà người ta thường rêu rao xưng tụng, người ta đã tạo cơ hội cho hành khách được đứng một chân mà thấm thía sự vinh quang chói lòa của lịch sử nghèo đói; bởi chưng, độc lập là gì nếu không phải là “đứng một chân” theo đứng nghĩa đen của gốc từ Hán Việt!
Trăng đã nằm chếch ở phía Tây. Trăng bao giờ cũng đẹp và lặng lẽ. Tôi chỉ cho Đức thấy mặt trăng gần khuất sau nóc nhà ga. Giữa bao ầm ĩ của đám người chen chúc, nói cười và cãi vã, tôi vẫn nghe cõi lòng mình rỗng sáng và lắng đọng như trăng tàn vậy.
Giờ đã đến. Tôi phải ra sân ga. Đức tránh nhìn mặt tôi, vờ ngó quanh chỗ khác có lẽ để che giấu giọt lệ của ly biệt mà đúng ra một tu sĩ không nên có. Tôi vừa tức cười vừa thấy tội nghiệp cho chú ấy. Sau khi chia tay, những ngày kế tiếp chú ấy sẽ làm gì? Trở về thiền thất tiếp tục đời sống bình lặng và tiếp tục tìm sinh kế với những giờ lao động trong xưởng nước tương, với những thẩu chao nhỏ đem bán ngoài chợ mà không phải lúc nào cũng được chủ mối vui vẻ đón nhận. Một tu sĩ trong tuổi thanh niên khao khát chân lý mà phải tốn nhiều thì giờ để kiếm sống qua ngày! Sự kiện này có một cái gì bất ổn, nhưng lại là một chọn lựa tất yếu trong xã hội mới ngày nay. Nghĩ về sự kiện này, tôi thấy trong tôi sôi sục một ước muốn mà không rõ nét. Có lẽ tôi muốn làm một điều gì đó. Không nhìn rõ được nó, tôi chỉ biết thở dài. Một lúc, Đức mới gắng gượng đọc lại cho tôi nghe bốn câu thơ của Cao Thị Vạn Giả mà tôi rất thích:
“Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!”
Tôi im lặng nhìn Đức lần cuối rồi bước vào sân ga. Chúng tôi không có chén rượu tàn, không có bàn tay nắm, mà cũng chẳng có hàng lệ mau như thi sĩ Vạn Giả. Bài thơ không mang hoàn cảnh và tâm trạng của chúng tôi, do đó, nó không đem lại cảm xúc gì nhiều trong tôi ngay lúc ấy dù đó là bài thơ tôi thích và thường lấy ngâm nga. Tuy nhiên, Đức đã mượn nó để nói thay nỗi buồn của chú, vì vậy, nó không phải là không có ý nghĩa.
Còi tàu hú lên càng làm cho mọi người xôn xao hơn. Tôi vẫn chưa leo lên được trên tàu: mọi ngõ lên đều có người đeo bám và giành lấn. Vào chùa từ thuở bé, tôi thường được thầy dạy là phải gìn giữ oai nghi tế hạnh (tức mọi cử chỉ, lời nói, hành động hàng ngày đều phải được đặt trong những qui tắc thể hiện phong cách uy nghiêm, trang trọng của một kẻ xuất trần). Đi một cách vội vã đã là điều tôi không thể làm được nói chi đến chuyện chạy hoặc chen lấn, giành chỗ với người ta! Cho nên, trong khi mọi người xô lấn nhau, tôi vẫn cứ thủng thỉnh đi dọc theo các toa mà tìm ngõ leo lên.
Vừa đi tìm chỗ, tôi vừa nhận thức được rằng cái trở ngại đầu tiên của một tu sĩ khi giao tiếp với xã hội chính là cái phong cách tối thiểu bề ngoài mà ông ta phải gìn giữ. Tôi tự hỏi, nếu một kẻ gian cướp giật xách tay của tôi rồi bỏ chạy, liệu tôi sẽ phản ứng ra sao? Trước hết, kẻ gian đó thật không may, vì trong xách tay của tôi chẳng có gì đáng giá. Về phần tôi, tôi sẽ làm gi? Hô toáng lên hay chạy đuổi theo đều là hành vi thiếu tác phong của một tu sĩ. Mà hô toáng lên cũng có nghĩa là kêu gọi công an bắt nhốt đánh đập kẻ gian kia chỉ vì muốn bảo vệ tài sản riêng tư nhỏ nhoi của mình. Lòng thương của một tu sĩ (chứ chưa nói tới tình thương ở trong tôi) không cho phép tôi làm như vậy. Tôi lại thử đặt ra một trường hợp rất là bậy bạ, rằng nếu chuyến tàu bị cháy, hoặc gặp một bất trắc nào đó, thì kẻ rời khỏi toa tàu sau chót sẽ là tôi - chỉ vì tôi không thể tranh với người khác để sống còn và cũng vì tôi không được cửa chùa dạy cho những bài học về cách chen lấn và chạy. Ngay từ những ngày đầu vào chùa làm chú tiểu tôi đã không còn được phép chạy như những đứa trẻ khác trên đời. Đôi lúc thầy tôi đi vắng, tôi cũng lén chơi đùa chạy giỡn với những chú tiểu khác. Nhưng cuối cùng cũng bị thầy bắt được, đánh đòn, phạt quì nhang và từ đó, tôi không chạy giỡn nữa. Đến độ hầu như trong tôi không còn ý niệm về động từ “chạy” nữa. Một tu sĩ mà chạy thì coi buồn cười lắm (ông ta lúc nào cũng quấn cà sa hoặc mặc áo thụng dài khi ra đường). Có lẽ khi gặp một bất trắc gì, thái độ tự nhiên nhất của tôi sẽ là im lặng và chịu đựng.
Một chặp mới có người tránh chỗ nhường tôi lên tàu. Đứng được trên tàu rồi là tôi đảo mắt tìm Đức ngay. Đức vẫn đứng nơi cổng sắt nhìn theo tôi. Khi tôi bắt gặp chú, chú cười. Nhưng đó là một nụ cười rất héo. Tàu lăn bánh. Tôi cố hướng về cổng sắt để vẫy tay từ biệt mà không còn kịp nữa.
Tàu lướt nhanh xầm xập trong đêm khuya. Trời lạnh và tối mịt vì trăng đã khuất rồi. Tôi nghe nỗi lòng mình cũng lạnh và âm u như màn đêm vậy. Bàn tay vẫy của ai đang còn lảng vảng trước mặt tôi. Bàn tay vẫy. Bàn tay vẫy của Đức vào lúc tàu đang chạy. Lúc đó, hai tay tôi vừa xách hành lý, vừa vịn vào song sắt ở cửa toa, nên tuy nhìn thấy Đức vẫy tay mà tôi không sao vẫy trả lại được. Tôi không thể đáp lại một bàn tay vẫy. Một bàn tay vẫy, vẫy vào khoảng không. Tôi nhắm mắt lại và bỗng giật mình nghĩ đến lời tiễn biệt sau chót mà Đức trao tôi: “Cuộc cờ thế sự binh đao, phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!” Một nỗi niềm gì đó như là một sự lo âu, gờn gợn dâng lên trong tôi rồi cuốn nhanh đi theo tốc độ của con tàu khuya.