NGÕ THOÁT
tức Phương Trời Cao Rộng 3
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996
CHƯƠNG TÁM
Nắng buổi chiều theo tôi lùa vào khung cửa sắt, rọi sáng cả phòng, nhưng chỉ được một vài giây ngắn ngủi. Viên cán bộ trực đóng ập cửa lại, khóa lách cách. Tôi cởi áo sơ mi và quần tây dài ra, bắt đầu thấm ngay được cái nóng bức và ngột ngạt của phòng biệt giam.
Tôi đến bên cửa, ló mặt ra cửa gió để hít thở không khí bên ngoài. May phòng này là phòng đôi nên có được hai cửa gió, ông Trọng một cái, tôi một cái, khỏi phải thay phiên hít thở như các phòng biệt giam khác.
Tôi đứng hít thở đâu chừng mười lăm phút thì đến giờ điểm danh. Theo nội qui, các tội nhân trong phòng biệt giam phải đứng nơi cửa, không được ló mặt ra cửa gió, nhưng phải giữ khoảng cách và vị trí thế nào để khi cán bộ kiểm tra nhìn luớt vào là thấy có mặt. Tội nhân trong phòng biệt giam không bị bắt buộc phải mặc quần áo, xếp hàng, đếm số, đọc nội qui như bên các phòng giam tập thể. Nhưng khi cán bộ điểm danh đến ngay cửa phòng của mình thì phải có sẵn đó để báo cáo nhân số.
Sau giờ điểm danh, tù nhân bắt đầu ăn cơm tối và vui chơi, ca hát cho đến giờ báo nghiêm, tức là giờ ngủ. Đến giờ đó, không được ồn ào nữa. Riêng các phòng biệt giam như phòng chúng tôi, cửa gió sẽ bị cán bộ trực đóng lại và cài chốt từ bên ngoài trước khi trời tối. Cửa gió đóng rồi, chúng tôi chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng một kẽ hở rất nhỏ ở cái góc cong gần như hình bán nguyệt bên dưới của cánh cửa gió. Như vậy, không gian bên ngoài lúc cửa gió đóng lại sẽ được trình hiện trước mắt tôi qua cái khuôn giới hạn của một vầng trăng luỡi liềm mỏng manh.
Khi cửa gió đóng, chúng tôi ăn bữa cơm tối dưới ánh đèn vàng vọt của phòng giam. Phần ăn của mỗi người vẫn là chén cơm hơi vun, hai muỗng nước mắm trại. Nước mắm trại là thứ nước muối đun sôi có bỏ vào một ít đường đã thắng làm màu cho có vẻ là nước mắm thật. Ông Trọng nói, đôi lúc trong thùng nước mắm bốc khói mà các anh nuôi mang phân phát, thấy có vài tóp mỡ nổi lềnh bềnh trên mặt. Mỗi tuần, có một lần được ăn canh rau muống hoặc canh bí. Có canh thì phần nước mắm hàng ngày bị cúp. Phần canh của mỗi người là một chén nước lỏng bỏng với hai cọng rau muống không đầy một gắp đũa. Gặp khi có canh bí rợ thì mỗi người được nửa chén nước vàng vàng chẳng thấy bí ở đâu. Kẻ nào may mắn lắm thì được một miếng bí lớn bằng ngón chân cái vô tình lọt vào phần của mình.
Ăn xong, chúng tôi lại đứng bên cửa gió để ráng hít lấy chút không khí lọt vào cái khe hở hình vầng trăng lưỡi liềm.
Bỗng nghe tiếng gõ trên vách từng chặp một, rồi có tiếng người ở phòng giam kế bên hô lên:
“Phòng 8 đến bên cửa gió chưa?”
“Có đây,” ông Trọng đáp lớn.
“Có một người mới vào phải không, tôi mở cửa gió cho phòng 8 nha?”
“Ừ, mở dùm đi,” ông Trọng đáp.
Vài giây sau, bỗng nghe “cạch” một tiếng, cái then cài cánh cửa gió phía bên ông Trọng đựơc kéo ra. Ông Trọng đẩy hẳn cửa gió ra ngoài:
“Ôi, sướng quá! Cám ơn nghe! Có muốn nhắn chuyện gì với người mới vô không?”
“Muốn. Anh ấy tên gì? ở đâu vậy? tội gì?”
“Tên… gì vậy?” ông Trọng quay qua tôi, “à, tên Khang. Tù chính trị. Cũng ở Sài Gòn,” ông Trọng trả lời.
“Mới vào chưa có thăm nuôi phải không? Để tôi chuyền ít đồ qua nghe. Đón sẵn ở cửa gió nè.”
Một cái túi ni-lông nhỏ đựng thức ăn và thuốc lá, từ phòng giam kế bên được một cánh tay vô danh nào đó trườn qua, dúi vào tay ông Trọng đang chờ sẵn. Tôi thắc mắc làm sao họ có thể tự mở cửa gió lại còn mở dùm cho phòng khác, rồi đưa thức ăn qua nữa. Ông Trọng nói họ làm một cái giây thòng lọng luồn qua khe hở, kéo cái then ra; còn mở cửa cho phòng kế thì cứ việc trườn hết cánh tay qua mà mở thôi; có điều, phải cẩn thận kẻo cán bộ trông thấy. Các phòng biệt giam, cứ theo thứ tự, từng cặp có cửa xây khít nhau, khoảng cách giữa hai cửa gió đâu chừng tám tấc; như vậy, cửa của phòng 1 sát với phòng 2, cửa phòng 3 sát với cửa phòng 4… cửa phòng 7 sát với phòng 8. Nhờ vậy mà người bên phòng 7 có thể mở được cửa phòng 8 của ông Trọng. Mà vì cái then sắt cài cửa gió nằm thuận từ phía phòng số nhỏ, cho nên, nếu ông Trọng có thể tự mở được cửa gió phòng 8 của ông thì cũng không mở giúp được cho cửa gió phòng 7, chỉ có phòng 7 giúp được cho phòng 8 mà thôi.
Đèn phòng giam thắp sáng suốt đêm, đến 6 giờ sáng mới tắt. Buổi tối, các phòng giam ồn ào hẳn lên. Tôi nghe tiếng nói cười, ca hát, tiếng trống vỗ bập bùng của những bàn tay vào các thau hay ca nhựa… Bằng sự chú tâm phân biệt các âm thanh huyên náo, tôi có thể nghe được đủ loại ca khúc từ dân ca đến cổ nhạc, tân nhạc… Mạnh ai nấy ca, mạnh phòng nào, phòng nấy ca… nhộn như một cái chợ. Âm thanh hỗn loạn, hòa vào nhau, có khi va chạm vào nhau nghe như tiếng loảng xoảng của kim khí hay thủy tinh vỡ. Ban ngày có cán bộ trực làm việc, phòng giam có vẻ im lìm, có nói cười gì thì cũng vừa phải. Ban đêm, chỉ có lính canh (từ mới gọi là chiến sĩ gác) lâu lâu đi tuần qua một vòng ngoài hành lang; mà những anh lính gác này không chú trọng đến chuyện ồn ào ca hát của đám tù nhân bên trong phòng giam. Có lẽ lính gác chỉ có nhiệm vụ kiểm soát các cánh cửa và các vách tường của buồng giam mà thôi. Ông Trọng nói lính gác dễ dãi và vui vẻ với tù nhân lắm. Có đêm ông chờ lính gác đi ngang qua, nhờ anh mở giúp cánh cửa gió, hỏi chuyện anh đôi điều. Lính gác dễ dãi hơn cán bộ công an nhiều.
Đến khi kẻng đánh báo nghiêm, tiếng ồn ào lắng xuống thật nhanh rồi im bặt. Ông Trọng và tôi cùng rời cửa gió, quay lại chỗ nằm. Chỗ nằm của chúng tôi là hai cái bục xi măng xây cao hơn nền đất chừng một gang tay, chiều ngang tám tấc, chiều dài đâu chừng một mét sáu vì có một bức vách nhỏ bằng gạch chắn ngang giữa chỗ nằm và cái cầu tiêu. Với chiều dài khiêm tốn đó, cả ông Trọng lẫn tôi đều phải nằm co chứ không duỗi thẳng chân được. Chẳng có mùng mền, chiếu, gối gì cả. Chúng tôi lấy áo quần mà gối đầu. Cũng may trời đang mùa hè, không lạnh. Hai ngọn đèn từ trên trần chiếu thẳng xuống ngay mặt, chói chang. Cũng ngọn đèn đó, lúc chúng tôi ăn cơm tối thì thấy ánh sáng vàng vọt lờ mờ mà tự dưng bây giờ lại sáng trưng như có tăng thêm điện hay bóng đèn vậy.
Không ngủ liền được, ông Trọng ngồi dậy, đốt thuốc hút, ngồi tư lự, ủ rũ. Các phòng giam tập thể phải theo nội qui, không được nói chuyện trong giờ báo nghiêm nữa, nhưng ở phòng biệt giam, chúng tôi không bị ràng buộc bởi nội qui cho lắm. Tôi gợi chuyện với ông Trọng:
“Chú bị giam ở đây bao lâu rồi?”
“Trước cậu nửa tháng chứ đâu có lâu gì.”
“Chú cũng bị tội chính trị nên mới vào trại giam này?”
Ông Trọng rảy tàn thuốc vào miếng giấy bạc xếp thành cái gạt tàn, kéo thêm một hơi thuốc dài rồi nói với giọng buồn buồn, nhưng cung cách ông nói thì lại có vẻ như rất hứng thú:
“Chỉ bị tình nghi thôi. Tôi thường lui tới ông Vạn để thăm bệnh, hốt thuốc nam cho ông ấy. Chẳng dè ông là lãnh tụ một nhóm Hòa Hảo có vũ trang, chống lại chính quyền. Công an bắt tôi cùng một ngày với nhân sự của lực lượng Hòa Hảo đó. Vào nhà lục soát tùm lum, rồi bắt tôi đi trước mặt vợ con. Tội nghiệp, đứa con tôi nó la khóc dữ quá, cứ níu áo níu chân, chẳng chịu để tôi đi. Nó còn lạy mấy thằng công an để xin tha cho ba nó. Hờ, nó có năm tuổi chứ mấy. Cậu thắc mắc à, có gì đâu, tôi lấy vợ trẻ hơn tôi hai mươi bốn tuổi. Tôi chưa nói rõ chắc cậu lại không hiểu, tưởng rằng tôi già xồn rồi mới chịu lấy vợ. Không phải đâu, tôi lấy bà thứ hai đó. Bà vợ trước tôi lấy từ lúc tôi mới lớn kia, và bầy con của đời vợ trước có đứa út cũng xấp xỉ tuổi cậu chứ có nhỏ nhít gì. Đó là lúc còn ở Long Xuyên, sau này về Chợ Lớn, tôi mới lấy cô vợ trẻ này. Năm nay cô ấy mới ba mươi tròn, có đứa con năm tuổi thì đâu có gì lạ.”
Thực ra tôi đâu có thắc mắc gì chuyện ông có đứa con năm tuổi. Chuyện vợ con của người đời, tôi chỉ hiểu đơn giản rằng, lập gia đình thì phải có con, ông lớn tuổi, đã có vợ, vậy thì ông có con, có gì lạ đâu mà thắc mắc…
“Cậu không tin hả? Tôi nói thiệt đó, vợ tôi trẻ lắm. Cậu mà gặp cô ấy có thể cậu lầm là con gái tôi chứ chẳng chơi.”
“Đâu có, cháu tin chứ. Chú cứ kể tiếp đi. Vậy rồi khi bắt chú, họ có đọc lệnh bắt gì không?”
“Lệnh thì có nhưng lệnh bằng miệng thôi chứ có văn bản giấy tờ đâu. Bọn nó vô nhà nói: chúng tôi có lệnh bắt ông vì tội phản cách mạng. Rồi bảo tôi đưa hai tay lên, khám xét trong người, lôi ra xe. Vợ tôi bình tĩnh lắm, khóc thì khóc nhưng cũng gom vội vài thứ linh tinh vào một cái giỏ lác, xách ra xe, xin tụi công an cho tôi mang theo. Nhờ vậy mà có thuốc hút, có khăn lau và mấy cái quần đùi để thay. Cũng đỡ hơn cậu há. Cậu bị bắt ngoài đường thì làm sao gia đình biết đường mà rớ. Phải chờ lâu lắm, khi nào khai cung xong xuôi mới xin cán bộ thông báo cho gia đình để thăm nuôi. Tôi bây giờ cũng chưa được thăm nuôi, nhưng ít nhất gia đình tôi cũng biết tôi hiện bị giam ở đâu. À, trở lại chuyện tôi. Như tôi nói với cậu khi nãy, thực ra tôi đâu có tham gia gì lực lượng của ông Vạn! Tôi chỉ hốt thuốc cho ông ấy thôi. Cái tụi này nó nghi thì nó bắt chứ chẳng có chứng cớ khỉ khô gì hết. Cho nên bữa giờ bọn nó kêu tôi lên, quần hết ngày này đến ngày nọ mà có nẻ ra được chút manh mối nào chứng tỏ tôi có hoạt động với lực lượng của ông Vạn đâu. Nhưng mà, kinh nghiệm tù cộng sản cho biết, trường hợp tình nghi cũng phiền lắm chứ chẳng phải chơi. Thà mình phạm tội gì rõ ràng, bị chúng kết án mấy năm cho xong, như vậy dễ tính, còn biết ngõ mà chờ đợi, mà tính ngày; chứ cái màn tình nghi này thì mút mùa lệ thuỷ đó cậu ơi. Chúng điều tra cho đến khi nào hết nghi, lúc đó chúng mới chịu thả. Mà đã nghi thì làm gì có chuyện hết nghi, phải không? Thà bắt lầm còn hơn bỏ sót, hừ, đó là phương châm bắt người của tụi cộng sản. Còn cậu thì sao, cậu có phạm tội rõ ràng không, hay là cũng bị tình nghi như tôi?”
Thấy ông Trọng có vẻ trực tính, cởi mở, tôi cũng chẳng ngại ngùng nói ông nghe chuyện của tôi:
“Chuyện của cháu rõ ràng lắm, không phải tình nghi.”
“Hồi trưa cậu nói rằng cậu bị bắt ngoài đường, phải không. Cha, cái vụ của cậu không phải đơn giản đâu nghe.”
“Sao vậy?”
“Vì cậu bị bắt ngoài đường. Chưa hiểu à? Thường thường mấy người bị bắt ngoài đường thì một là xui xẻo gặp phải chiến dịch xét bắt tội phạm ở khắp nơi, hai là bị công an theo dõi từ lâu, ba là có người chỉ điểm. Cậu kể tôi nghe rõ hơn chút là tôi biết ngay cậu dính vào trường hợp nào. Cậu bị bắt ở đâu vậy?”
“Dạ… trên chuyến xe lam từ Hàng Xanh đi Thủ Đức.”
“Cậu đang đi đâu mà bị chặn bắt?”
"À, cháu đi theo một ông thầy…"
“Một ông sư hả?”
“Không, một ông thầy bên Thiên Chúa Gíao. Cháu chẳng hiểu rõ các chức sắc bên đó, chỉ biết đại khái ông cũng là một thầy tu, chưa thụ phong linh mục. Bạn cháu gọi ông ấy là thầy Tư.”
“Vậy là cậu cũng không quen thân ông ấy. Mới biết nhau thôi chứ gì?”
“Đúng, chỉ mới biết nhau, do một người bạn cháu giới thiệu cách đây chừng một tuần.”
“Cậu đi theo ông ấy làm gì?”
“Ừm… ông ấy hứa là sắp xếp chỗ an toàn để cháu vừa ẩn lánh công an, vừa có thể tiếp tục tham gia đấu tranh…”
“Sao mới quen mà cậu lại tin ông ấy quá vậy!”
“… Vì ông ấy có quen một vị thầy uy tín trong Phật giáo mà cháu biết, mà ông ấy lại do bạn thân cháu giới thiệu nữa.”
“Vậy rồi cậu cùng ngồi xe lam với ông ấy, cậu bị bắt, ông ấy không bị bắt?”
“Không, ông ấy không có mặt trên xe lam. Ông ấy lấy xe đạp chở cháu đến bến xe, nói rằng ống ấy về lấy xe gắn máy đi trước và sẽ chờ đón cháu tại chợ, trước mặt bến xe lam Thủ Đức."
“Vậy mà cậu không nghi ngờ gì hết à?”
“Ông ấy nói cháu là người đang bị truy nã, còn ông ấy là người hoạt động có chút ít uy tín bên đạo Thiên Chúa, không nên đi chung xe, dễ gây sự chú ý…”
“Ủa, vậy chứ thằng bạn thân nào của cậu, bộ hắn không có ý kiến gì về chuyện cậu đi theo ông thầy Tư à?”
Thực ra lúc này, như đã nói ở trước, tôi đã nghi ngờ về Hân, người bạn mà ông Trọng muốn hỏi tới; nhưng tôi cố tình kể chuyện thật vô tư, không đưa ra nhận xét chủ quan nào của mình về Hân, để âm thầm nhờ cậy sự xét đoán khách quan của ông Trọng. Tôi nói:
“Anh ấy giới thiệu ông thầy Tư cho cháu thì dĩ nhiên anh ấy cũng tin tưởng ông thầy Tư rồi.”
Ông Trọng lắc đầu nguầy nguậy:
“Tức quá! Sao lại tin cái thằng bạn trời đánh gì đó của cậu chứ! Cậu quen hắn bao lâu, hắn đối xử với cậu thế nào mà cậu giao cái mạng cậu cho hắn?”
“Anh ấy luôn tốt với cháu và anh ấy cũng cùng hoạt động chung với cháu từ bốn năm nay.”
“Cùng hoạt động mà sao hắn không bị bắt vậy hả?”
“Anh ấy cũng trốn tránh như cháu. Trốn trong một ngôi chùa giống như chùa hoang.”
“Cậu cũng trốn chung một chỗ?”
“Không, cháu trốn ở nhà một người quen, ở quận khác.”
“Thế sao cậu không ở yên chỗ đó mà lại nghe lời hắn đi theo ông thầy Tư làm gì!”
“Thì… cháu không muốn ở yên nữa, cháu muốn tìm chỗ mới, tìm cách kết hợp với một lực lượng mới… Bạn cháu thấy vậy nên giới thiệu ông thầy Tư cho cháu.”
“Té ra là vây! Cậu cũng gan há, đang bị truy nã mà còn tính chuyện tiếp tục hoạt động! Nhưng mà, tôi hãy còn thắc mắc nhiều lắm: bạn cậu cũng trốn, cậu cũng trốn, vậy sao hắn không cùng đi với cậu theo ông Tư, lại để cậu đi và bị bắt một mình? Hắn sợ không dám hoạt động nữa hay vì lý do nào khác?”
“Anh ấy cũng muốn theo ông thầy Tư, nhưng bảo cháu đi trước để đánh giá xem thực hư thế nào rồi mới cho anh ấy biết, anh ấy sẽ theo sau. Vả lại, anh ấy còn bận bịu vợ con, có một số việc cần phải lo thu xếp trước khi quyết định đi theo ông thầy Tư hay không; còn cháu thì độc thân, muốn đi lúc nào lại chẳng được. Ngoài ra, cháu còn nghĩ: nếu có đi cũng chia nhau mà đi, lỡ có gì thì một người chịu thôi, chứ ai lại kéo đi một lúc để chết chùm.”
“Cậu nói như thể cậu cẩn thận lắm vậy, nhưng thực ra, cậu sơ hở quá. Thứ nhất, đáng lẽ trốn được chỗ nào, cậu nên ở yên chỗ đó, đừng qua lại nhiều; thứ hai, cho dù là bạn thân, cũng không nên vì tin hắn mà tin luôn cả người do hắn giới thiệu; thứ ba, cậu không chịu dành nhiều thì giờ để tìm hiểu thêm về ông thầy Tư trước khi đi theo ông ta. Cậu gặp ông ấy chỉ một hai lần thôi, phải không? Cho dù những lần gặp gỡ đó kéo dài suốt ngày, cũng chưa thể hiểu rõ được ông ấy thực sự thuộc thành phần nào… Ối chà, hoạt động chính trị, nhất là dưới chế độ cộng sản, phải hết sức cẩn thận mới được. À, vậy chứ cậu hẹn gặp ông thầy Tư ở đâu để cùng ra bến xe lam?”
“Ông ấy đến chùa, chỗ người bạn cháu đang ở, để đưa cháu đi.”
“Bạn cậu chơi thân với cậu lắm phải không? Ý tôi muốn hỏi, tình cảm giữa cậu và hắn có sâu đậm không, có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau không? Có hả. Vậy bạn cậu biết rõ cậu sẽ đi với ông thầy Tư, phải không? Hắn có tiễn cậu ra cửa không?”
“Tiễn ra cửa? Chi tiết này có quan trọng gì đâu?”
“Thì cứ trả lời đi, có hay không?”
“Không.”
“Lúc đó hắn ở đâu, làm gì mà không tiễn cậu ra cửa?”
“À… anh ấy đi ra nhà sau làm vệ sinh buổi sáng. Lúc ấy còn sớm lắm, mới sáu giờ kém. Ông Tư đến gõ cửa, cháu đã dậy sớm từ trước nên mở cửa cho ông vào. Cháu ngồi tiếp ông Tư một lúc thì ông Tư giục cháu đi. Bạn cháu thức dậy… để cháu nhớ lại xem… bạn cháu thức dậy, bước ra chào ông Tư, rồi xin phẻp ra sau làm vệ sinh…”
“Hắn chỉ chào ông Tư thôi, chứ không nhìn cậu à?”
“Nhìn cháu? Dĩ nhiên là có nhìn. Nhưng chi tiết này cũng đâu quan trọng…”
“Hắn đi một mạch ra sau nhà vệ sinh, có quay đầu nhìn lại không?”
“À, phải rồi, đến ngang bực cửa, anh ấy có quay lại, nhìn cháu.”
“Rồi sau đó thì sao, cậu và ông Tư ngồi đó chờ hắn trở lại hay là ông Tư thúc cậu đi trước khi hắn đi vệ sinh xong?”
“Ông Tư giục cháu đi. Cháu thấy chuyện từ giã lúc ấy không cần thiết nên đi luôn, là vì suốt đêm trước, cháu và bạn cháu đã bàn bạc với nhau kỹ lưỡng cả rồi.”
“Hờ, kỹ lưỡng! Cậu thấy đó, kỹ lưỡng đến mức bây giờ cậu bị vào tù, còn hắn với ông thầy Tư thì ở ngoài. Tụi nó giăng bẫy lừa cậu đó. Tụi nó là công an, nếu không phải vậy thì cũng là đặc tình của công an.”
“Đặc tình?” tôi vừa giật mình nhưng cũng vừa hứng thú một cách khó hiểu khi thấy rằng nhận xét của ông Trọng giải đáp được mối nghi ngờ của tôi sáng nay trong lúc khai cung. Tại sao tôi chưa khai mà Long đã biết rõ quá vậy. Cách Long lấy cung tôi có vẻ như để xác định lại những chứng cớ mà hắn đã lấy được từ trước chứ không phải là hỏi những điều chưa biết. Hắn hỏi mà thực ra là chỉ buộc tôi nhận lời. Hắn đã biết đích xác những gì tôi làm.
“Cậu không biết danh từ đặc tình hả?”
“À, cháu biết chứ, danh từ này cháu có đọc trong một tập truyện ngắn trinh thám do nhà xuất bản Công An in. Đặc tình là loại tình báo đặc biệt do mấy anh công an tự tìm lấy, không phải là công an chính ngạch có ăn lương của nhà nước. Đại loại như vậy, phải không?”
“Đúng rồi, có khi tụi đặc tình này là bạn bè, thân nhân của mình chứ chẳng ở đâu xa. Công an nhân dân bao gồm cả thứ đặc tình này đó. Nhưng đặc tình là thứ nguy hiểm nhất, vì chúng gần gũi với mình mà lại sẵn sàng bán đứng mình vì một quyền lợi nhỏ nhặt nào đó. Cậu không bao giờ nghi ngờ thằng bạn cậu và ông thầy Tư là công an sao?”
“Không. Nhưng theo cách nói của chú, bây giờ cháu hơi ngờ rằng họ có thể là đặc tình của công an.”
“Ngờ thôi à! Cái màn gài bẫy này tôi có một người bạn cũng y hệt như cậu đó. Đây, tôi kể cậu nghe, ông ấy bị công an truy nã, ẩn lánh một nơi thật kín đáo, công an không làm sao tìm ra nổi. Công an bèn theo dõi những người bà con hay bạn thân nhất của ông ấy; công an còn nghiên cứu về sở thích, ý hướng của ông bạn tôi để tìm cách dụ ông ló mặt… Cuối cùng, một người bạn của ông ấy, bằng cách nào đó, tìm được ông, hứa đưa ông trốn một chỗ an toàn hơn. Cậu thấy chưa, một chỗ an toàn thoải mái hơn cho một người đang ẩn náu suốt nhiều tháng tại một căn hầm nóng bức, không biết gì bên ngoài. Đề nghị hấp dẫn quá làm sao ông ấy từ chối nổi. Huống chi người bạn của ông còn đưa ra cái mồi rất lý tưởng là sẽ cùng tiếp tục hoạt động… Vậy là ông theo người bạn đến ‘mật khu’ của lực lượng mới. Đi bằng xe gắn máy, người bạn ông chở . Trên đường đi, họ ghé lại một quán cóc để uống cà phê, ăn điểm tâm. Ngồi đâu chừng một lúc, người bạn của ông đứng dậy đi ra sau làm vệ sinh. Ông ấy đâu có thắc mắc gì. Người bạn đi gần đến cửa phòng vệ sinh thì quay lại, nhìn ông. Ông nói, cái nhìn có vẻ đau lòng, não nuột lắm. Vậy rồi, ngay sau đó, đâu khoảng ba phút, công an ập vào, xét giấy tờ mấy anh thanh niên, xét tất cả khách ăn uống của quán. Chẳng có ai khác ngoài ông bạn tôi bị bắt vào lúc đó, dĩ nhiên. Công an không xét kỹ phòng vệ sinh của quán nên đâu có lôi người bạn của ông ấy ra. Thấy vậy, ông mừng cho bạn ông. Nghĩ rằng bọn công an sơ sót. Vào tù, đi khai cung, ông mới biết ông bị người bạn gạt. Quá trễ rồi, phải không? Bốn năm tù, từ năm 1979 đến 1983, mới năm kia chứ đâu, ông ấy mới được tự do. Ra ngoài một thời gian, ổn định rồi, ông đi tìm người bạn đã lừa ông vào bẫy của công an để thanh toán món nợ cũ. Cậu biết kết quả ra sao không? Ông ấy không gặp được người bạn, vì người bạn ông đã tự tử, chết rồi. Ông nghĩ là hắn làm vậy vì ray rứt hối hận, vì ngoài ông ra, còn nhiều người khác cũng bị hắn gạt như vậy, trong số đó, có người bệnh chết trong tù. Hắn bất nhân, bất nghĩa thật, nhưng khi đi làm vệ sinh, hắn có quay lại nhìn ông lần cuối. Ông cho rằng cái nhìn đó, chứng tỏ hắn vẫn còn chút lương tri. Ông tha thứ hắn rồi, nhưng kinh nghiệm thì nhớ mãi.”
Không rõ vì trong phòng nóng bức hay vì câu chuyện của ông Trọng kể mà mồ hôi tôi đổ ra như tắm. Tôi nhớ lại câu chuyện của tôi. Chỉ mới sáng nay thôi, khi tôi rời chùa Tân Nghĩa để theo ông thầy Tư đi Thủ Đức…
Ð
Sau một thời gian lẩn tránh trên căn gác tại nhà bà Bàng ở quận 3, tôi bỗng quyết định tìm đến Hân, người bạn cùng tôi hỗ trợ một vài công tác cho Lực Lượng Phục quốc của ông Trần Văn Lương.
Tâm lý của tôi lúc ấy phức tạp lắm. Tôi vừa tin Hân là người bạn tốt, có lý tưởng và nhiệt tâm mưu tìm một tương lai sáng sủa hơn cho đất nước, mà lại vừa nghi ngờ rằng Hân có dính dấp thế nào đó với công an, với cộng sản. Tôi vừa trốn lánh sự lùng bắt của công an, mà cũng vừa muốn bị công an bắt vào tù cho xong. Chạy trốn lúc đó, theo tôi nghĩ, có vẻ hèn nhát và nó chỉ hợp lý nếu trong khi ttốn tôi có thể làm được cái gí ích lợi rõ rệt, hoặc ít nhất cũng có niềm tin hợp lý nào đó về tương lai của mình (như Lê Lợi xưa kia, lánh vào núi Chí Linh để củng cố lực lượng, chiêu tập thêm nhân mã mà tiếp tục kháng chiến chống quân Minh, ông biết rằng hiền tài và nhân dân khắp nước ủng hộ ông và ông còn biết Chí Linh hiểm trở, có thể đồn quân cố thủ, chờ ngày dấy binh). Đàng này, tôi ẩn náu trong một thế giới bít bùng, suốt nhiều ngày không ra khỏi nhà, mà trong lúc trốn, tôi lại chẳng có một tia hy vọng nào về một biến chuyển chính trị lớn trên đất nước để giải phóng toàn dân, kể cả tôi ra khỏi cái ách nạn cộng sản. Tôi chỉ có cơm ăn và chỗ ở, một ít sách để đọc. Không cần màn đêm buông xuống, tôi cũng đã thấy ngay trước mắt tôi cái vẻ mịt mùng ảm đạm của một cuộc sống tù túng như vậy. Thế giới bây giờ thu hẹp lại thấy rõ vì tôi chẳng tiếp xúc ai ngoài bà Bàng chủ nhà mỗi ngày ba lần vào bữa ăn.
Căn nhà tôi đến ở là căn nhà lầu hai tầng, phía sau có xây thêm một căn nhà đúc để làm bếp và nhà kho, trên nhà kho là căn gác nhỏ. Tôi ở trên căn gác ấy. Nói ở, cho có vẻ gì đàng hoàng, ổn định, chứ thực ra, phải nói là trốn. Vâng, tôi trốn nơi ấy hơn ba tháng. Bà cụ góa chồng, sống một mình, vì người con trai lớn của bà đã vượt biên qua Mỹ, còn người con gái út thì mới lập gia đình, ra sống riêng với chồng. Bà ăn chay trường và tụng kinh Phật hằng ngày. Nghe người bạn đạo là bà Bạch Mai nói về hoàn cảnh tôi, bà đồng ý để tôi tạm ẩn náu trên căn gác bỏ không ấy. Bà Bàng sống lủi thủi một mình như thế, tối ngày tụng kinh niệm Phật, đi chùa, ăn chay, chờ ngày đi Mỹ theo diện di dân, cho nên công an khu vực chẳng khi nào để ý đến bà. Nhưng từ lúc chứa chấp tôi, thỉnh thoảng có quà từ Mỹ gởi về, bà cũng biếu xén mấy anh công an khu vực vài gói thuốc thơm hay quà mọn gì đó để mấy anh đừng dòm ngó nhà bà, và nếu có đợt xét nhà, xét hộ khẩu, mấy anh cũng báo cho bà biết trước mà chuẩn bị. Bà cũng chu đáo sửa soạn cho tôi một chỗ nấp nếu gặp trường hợp có công an vào xét nhà. Chỗ nấp cũng thơ mộng lắm: trong hộc tủ rộng của bàn thờ Phật, nơi bà đựng một ít kinh sách và nhang đèn. Chỗ nấp do bà đề nghị gợi lại cho tôi kỷ niệm ấu thơ, lúc mới xuất gia còn làm chú tiểu, đã có lần tôi trốn vào tủ thờ bàn Phật để ngủ. Tôi hỏi bà:
“Lỡ ban đêm mấy anh công an vào xét, mở tủ ra thấy cháu nằm ở trong tủ kinh thì nói sao với họ, không lý nói rằng tôi đang nằm đọc kinh?”
Bà Bàng, cười ngất, nói:
“Nói chi mà kỳ rứa. Cứ lo chuyện trốn chứ, còn họ có bắt được thì lúc đó tính sau. Mình đề phòng vậy thôi, chứ ít khi nào họ xét nhà này lắm. Tui có dặn thằng công an khu vực rồi, có chuyện chi hắn báo cho biết trước.”
Dù bà ấy trấn an như vậy, tôi vẫn cảm thấy kỳ cục thế nào đó khi tưởng tượng đến cảnh công an xét nhà phát hiện tôi trốn nấp. Tôi thực tình là chẳng muốn trốn nấp. Tôi muốn nếu phải bị bắt thì ngồi một chỗ cho họ vào bắt, một cách quang minh chính đại. Nhưng làm vậy thì lại phiền cho bà Bàng.
Mà cũng chính trong hoàn cảnh bít bùng và tâm lý bất an sợ phiền kẻ khác, tôi cảm nghe như thể có một hấp lực nào từ bên ngoài căn gác ấy mời gọi tôi. Vâng, sức sống tuổi trẻ của tôi lúc đó, cái nhiệt huyết thanh niên của tôi lúc đó, không muốn nằm im. Nó chưa chịu đầu hàng. Tôi không thể tự nói một câu an ủi đơn giản rằng: “Ừ thì lâu nay mi ở chùa, đã nhiều lần đóng cửa nhập thất, không tiếp xúc ai, thì nay ở yên một mình trong căn gác này, cứ coi như là đang nhập thất tĩnh tu đi! Biến cái bất đắc dĩ thành cái mình tự nguyện, có gì mà phải nóng ruột muốn nhảy tung ra ngoài!” Không, không thể tự nói như vậy được; vì hoàn cảnh và tâm tư của tôi vào những lần nhập thất trước đây khác hẳn với bây giờ. Tâm tôi lúc này, như nước trong cái bình đang đun sôi trên lò, muốn trào ra, muốn phun ra, muốn tháo chạy bằng mọi cách, ra khỏi cái nóng bức bị dồn ứ trong ấy. Nhưng tháo ra để được sử dụng làm cái gì thật ích dụng (như nước sôi có thể được người ta sử dụng để chế cà phê, sữa, hoặc pha nước tắm) chứ không phải tháo ra chỉ để tránh né cái nhiệt độ trong bình nước. Tôi, một thanh niên tu sĩ như vầy, không lý muốn ra khỏi nhà bà Bàng chỉ để giải khuây? Tôi như một tay cờ bạc đánh ván bài tối hậu: không mong đợi ván bài huề. Tôi muốn trọn vẹn đi hết con đường mà tôi lựa chọn, dù rằng con đường này đã dẫn tôi đến thất bại để rồi phải ẩn nấp nơi nhà bà Bàng. Nhưng sự ẩn nấp nơi nhà bà Bàng chưa phải là kết quả, chưa phải là khúc cuối hoặc là chỗ đến của con đường ấy. Ở đoạn chót của con đường dấn thân luôn luôn chia làm hai ngả: một ngả dẫn đến vòm trời tương lai đầy ánh sáng tươi đẹp cho đồng loại mà mình hằng ao ước; một ngả dẫn đến cái hố thẳm đầy bóng tối thảm sầu của ngục tù hoặc cái chết. Dù thế nào đi nữa, tự đáy lòng, tôi biết, một khi chọn lựa dấn thân, tôi đã sẵn sàng chấp nhận một trong hai lối rẽ ấy để đi đến tận cùng cái chỗ kết thúc. Và bởi cái ma lực của cái cùng đích ấy, tôi lại hăm hở lên đường, tìm đến bạn bè cũ cùng chí hướng.
Bạn bè tôi khá nhiều, nhưng không phải ai cũng cùng chí hướng. Từ khi bị thất bại ở Long Thành và bị công an truy nã, những người bạn chỉ quen biết tôi trên mặt đồng tu, đồng học, đa phần đều e dè việc tiếp xúc tôi, nếu không nói là tránh né. Còn những người có liên hệ chút xíu về chuyện đấu tranh thì càng sợ hãi hơn, vượt biên hoặc trốn đâu mất biệt, tôi không sao tìm ra. Giả như có tìm gặp được họ, họ cũng xua tay, bảo thôi, không muốn bàn đến chính trị nữa, họ đang muốn yên thân, hoặc đang tìm cách vượt biên. Tôi cô đơn trở về lại căn gác nhỏ, tiếp tục những ngày đun nước sôi trong cái bình bất an. Và cuối cùng, tôi nghĩ đến việc tìm gặp lại Hân.
Lúc tôi mới rời Long Thành để trốn, tôi đã từng gặp Hân vài lần ở chùa Tân Nghĩa. Hân không còn là tu sĩ. Anh chỉ đến ẩn náu tại chùa với tư cách một người thế tục. Sau đó, tôi vượt biển vài lần, thất bại, về ẩn nơi nhà bà Bạch Mai. Công an bố ráp vây nhà bà ấy mà tôi thoát được ra cửa sau. Vụ công an bố ráp đó, bạn bè tôi cho là do Hân chỉ điểm vì Hân biết tôi trốn tại nhà bà Bạch Mai. Tôi nghĩ, đó chỉ là phỏng đoán thôi. Hân là một trong những người bạn thân biết tôi trốn tại nhà bà Bạch Mai, đâu phải Hân là người duy nhất. Dù sao, sau vụ bố ráp của công an tại nhà bà Bạch Mai, được bà Bạch Mai giới thiệu đến nhà bà Bàng, tôi đã rút kinh nghiệm, không cho ai biết nơi ẩn náu mới. Chính vì vậy mà giữa tôi và bạn bè có một khoảng thời gian cách mặt nhau đâu chừng ba tháng. Bây giờ tìm gặp Hân, tôi không dám chắc là anh ấy còn ở tạm tại chùa Tân Nghĩa không. Tôi đến thử, và gặp Hân tại đó.
Sự co rút của các bạn bè khác của tôi cũng phần nào đẩy mạnh tôi đến quyết định tìm gặp Hân, như là người bạn gan lì và bền chí cuối cùng có thể cùng tôi đi nốt đoạn đường dang dở. Đã nói: con đường ấy có hai ngả rẽ, mà để thực hiện cái đích của hai ngả rẽ ấy, tôi phải tiếp tục dấn thân hoạt động, hoặc chấp nhận đưa tay cho công an bắt trói. Các bạn bè khác của tôi không ai đáp ứng hoặc tán trợ chọn lựa thứ nhất của tôi, không lý tôi tự động chọn lựa ngả rẽ thứ hai: đến đồn bót công an để đầu thú nạp mạng? Cho nên, nói cho cùng thì chính từ nơi con người của Hân, tôi mập mờ thấy được đầy đủ cả hai chọn lựa của tôi. Hân nhiệt tình đấu tranh. Hân say mê chính trị. Hân từng hoạt động trong lực lượng đấu tranh của thầy Tuệ Sỹ từ năm 1977. Hân bị bạn bè tôi nghi có thể là tên cò mồi chính trị, giả đò đấu tranh để báo cáo chỉ điểm cho công an những thành phần chống đối nhà nước. Hân bị tình nghi là đặc tình của công an. Hân có thể là cộng sản. Có thể nói, chính con người hai mặt của Hân gây cho tôi chút hứng thú nào đó để chọn lựa anh ta.
Nếu Hân thực tình chống lại cộng sản và sẵn sàng sát cánh với tôi tiếp tục hoạt động: tôi đã chọn được ngả rẽ thứ nhất; nếu Hân là đặc tình của công an, là đảng viên cộng sản thứ thiệt, Hân sẽ báo cáo công an đến bắt tôi: tôi cũng đã chọn được ngả rẽ thứ hai cho mình. Khỏi phải tìm đâu cho xa. Chính nơi Hân đã đầy đủ và tiện lợi nhất rồi. Hân chính là chỗ ngã ba cần thiết quyết định lối đi cho tôi lúc ấy.
Tôi cũng chẳng giấu giếm Hân ý nghĩ của tôi trong dịp chúng tôi mới gặp lại nhau:
“Bạn bè nghi là anh làm việc cho công an. Tôi bất kể họ nghĩ đúng hay không. Tôi đến đây gặp anh để xem tụi mình có thể còn làm được gì hay không sau khi lực lượng của Tuệ Sỹ, rồi của ông Lương lần lượt đổ vỡ… Tôi chưa muốn bó tay, và tôi tin rằng anh cũng cùng một ý như tôi. Tôi nói vậy là tôi hãy còn tin tưởng anh đó, phải không? Tuy nhiên, nếu cuộc gặp gỡ này lại dẫn đến chuyện tôi bị công an vây bắt, tôi nói thiệt: tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Không phải tôi thách thức anh hay thách thức gì công an đâu. Tôi chỉ muốn cho tôi cơ hội để đi đến chung cục của ván bài, và cho anh cơ hội để biểu lộ cái tình bạn mà mấy tháng nay hầu như bị loãng đi mất bởi những lời đồn đãi.”
Giờ đây, qua sự đánh giá thêm của ông Trọng, tôi biết là Hân đã cho tôi cơ hội mà tôi tìm kiếm. Còn cơ hội của anh ư? Ừ, có thể anh ấy cũng đã có cơ hội để biểu lộ tình bạn đấy chứ. Chưa chắc là anh ấy phản bội tôi. Chẳng phải rằng khi anh cho tôi cơ hội thì đồng lúc anh cũng cho anh cơ hội hay sao! Anh giúp tôi nhanh chóng đi đến cái chung cục của tôi như tôi muốn thì đó là anh đã chứng tỏ tình bạn của anh rồi!
Hân không muốn tôi bị bắt trước mặt anh ấy. Hân cũng không muốn tôi biết rằng anh ấy đã giăng bẫy cho công an bắt tôi. Có lẽ anh đã yêu cầu công an tôn trọng cái tình bạn và cái lương tri tối thiểu còn sót lại trong anh, và công an đã đáp ứng yêu cầu của anh bằng cách cho ông thầy Tư đến, tìm cách đưa tôi ra khỏi chùa Tân Nghĩa, tránh nơi Hân ở, đi xa, rời khỏi địa phận Sài Gòn… dàn xếp như là việc bắt tôi là của công an Đồng Nai.
Tôi nhớ lại cái nhìn cuối cùng của Hân. Khi đến ngang bậc cửa, Hân quay lại nhìn tôi. Trong một thoáng quay lại của Hân, tôi thấy trong mắt anh như muốn gửi gắm một cái gì rất buồn, rất đau xót mà lúc đó tôi không hiểu nổi. Có lẽ anh muốn tiễn biệt tôi bằng cái nhìn cuối cùng rưng lệ ấy. Đúng như ông Trọng diễn tả cái nhìn của người bạn đặc tình nào đó của bạn ông: cái nhìn đau xé lòng chứ chẳng phải không. Hình như Hân cũng thấy ray rứt đau khổ, dủ rằng đã có lần tôi nói với anh ấy rằng tôi chấp nhận chịu vào tù.
Từ đó, tôi chợt nghĩ một cách trái nghịch rằng, chính Hân mới là kẻ đau khổ hơn tôi. Bởi vì, ai sẽ là người đau khổ giữa hai người: kẻ trong tư thế sẵn sàng ở tù thì được vào tù, còn kẻ thì vì hoàn cảnh, hoặc vì một quyền lợi nào đó, buộc lòng phải hại bạn mình! Ai là người đau khổ và đáng thương hơn? Nghĩ vậy mà tự dưng tôi lại đâm tội nghiệp cho người bạn phản bội của tôi. Cái tình thế éo le này khó mà lý giải được rằng ai đã hại ai. Và có thể nào lại kết tội Hân là phản bội khi chính tôi muốn tạo điều kiện cho anh ấy gọi công an bắt tôi. Hân có hại tôi không, hay là chính tôi đã hại anh ấy bằng sự thách thức khó hiểu của tôi? Xét từ phía tôi, rõ ràng Hân đã giúp tôi toại nguyện, được vào tù. Đâu có thể qui trách lỗi gì cho anh ấy được! Tôi thở dài, thấy đầu óc quay mòng mòng. Tôi bị lẫn lộn, không hiểu nổi là thực ra, Hân hay chính tôi, là người có lỗi.
Riêng về chuyện chấp nhận vào tù của tôi, cái chung cục tăm tối của ngả rẽ thứ hai đã nói ở trên, có cần phải giải thích thêm gì không nhỉ? Đó là điều khó tin. Làm người, ai cũng muốn được tự do, thoải mái, đâu có ai điên khùng chọn chi một hoàn cảnh tù tội, khốn khó bao giờ. Nhưng nếu ở vào hoàn cảnh của tôi, hẳn người ta sẽ hiểu rằng, chuyện chấp nhận vào tù không có gì là lạ lùng khó hiểu, và có thể nói ngay là cũng chẳng có gì cao đẹp hay điên khùng trong ý niệm đó cả. Vâng, tôi cho đó chỉ là chuyện bình thường. Tôi nghĩ một cách đơn giản rằng: khi người lính xông trận, anh đã có tư tưởng sẵn sàng chấp nhận cái chết. Có thể có người không chấp nhận cái lý này, vì cho rằng người lính luôn luôn muốn được sống sót trong binh lửa, chứ không bao giờ muốn bị chết cả. Tôi đồng ý là người lính muốn được sống sót, nhưng tôi nghĩ, đồng lúc, anh cũng biết là cái chết có thể đến với anh bất cứ lúc nào; vì thế, dù muốn dù không, anh cũng có tư tưởng đón nhận cái chết. Nếu anh không ở trong tư thế sẵn sàng chấp nhận cái chết, anh sẽ không bao giờ là người lính anh dũng được cả.
Kẻ hoạt động chính trị đối lập trong một quốc gia dưới sự cầm quyền của một chế độ độc tài cũng thế, phải biết chấp nhận cái rủi là sự thất bại, tù tội, và ngay cả cái chết. Cho nên, điều này không phải là ý niệm gì khác thường của tôi. Cũng không phải là ý niệm bệnh hoạn thích được đau khổ của một số người quá nhàn rỗi có tâm hồn nghèo đói, èo uột, chưa tìm được cái thú vui nào xứng đáng để khỏa lấp cuộc đời tẻ nhạt của hắn.
Từ hậu quả tất nhiên cuối ngả rẽ thất bại, tôi chỉ muốn đón nhận nhà tù như nơi chốn lựa chọn mới để tôi có cơ hội trút bỏ hết những ước lệ xã hội mà sống trọn vẹn với chính tôi, vậy thôi. Giống như một cánh hoa rừng, nó có mặt chẳng phải để tỏa hương cho ai khác. Nó hiện hữu và phát tiết trước tiên vì chính nó. Vạn vật chung quanh có thưởng thức được gì từ cánh hoa ấy là do kết quả của sự hỗ tương giao tiếp tự nhiên giữa chúng với cánh hoa chứ không có bất kỳ một chủ ý dâng tặng hay trao đổi nào giữa chủ thể và các đối tượng. Tôi sẵn sàng ở tù và bình thản vào tù là vì thế.