NGÕ THOÁT
tức Phương Trời Cao Rộng 3
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996
CHƯƠNG MƯỜI
Có lẽ do bị giam một mình từ nửa tháng trước không có người tâm sự, nay có tôi, ông Trọng huyên thuyên kể chuyện đời tư của ông. Nhất là nói về người vợ trẻ hiện đang sống với ông. Ông có vẻ nhớ vợ con quay quắt. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, dôi khi mắt ông rướm lệ. Cái dạng người to lớn, võ biền như ông mà sa lệ trông rất buồn cười. Giống như một con cọp đang khóc. Kể chuyện một lúc, ông ngáy ồ ồ lúc nào không hay. Lúc đó có lẽ cũng đã một giờ sáng. Tôi trở dậy, ngồi xếp bằng, xua đi tất cả những ý nghĩ, những cảm xúc, những phiền muộn quấy nhiễu tôi suốt một ngày qua.
Khi tâm tôi lắng xuống như hồ nước thu, tự dưng lời nguyện thứ tám trong kinh Tám Điều Gíac Ngộ lại bừng nở ra trong tôi một cách tự nhiên, như một đóa hoa đến kỳ khai nhuỵ: “Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết. Nguyện đại chúng sanh thọ vô lượng khổ, linh như chúng sanh, tất cánh đại lạc” (Nhận thức rằng niềm đau nỗi khổ của trần gian quá to lớn và không cùng tận mà phát khởi tâm lượng từ bi bao la của mình, xin tận tụy cứu vớt tất cả; nguyện thay mọi người gánh chịu hết những khổ đau và cực hình trên đời, khiến cho ai nấy đều nhờ đó mà hưởng được trọn vẹn niềm an vui và hạnh phúc chân thật). Đã bao lần đọc và suy nghiệm về lời nguyện cao cả này, lần nào tôi cũng thấy rung động đến tận xương tủy mình. Bây giờ, tôi thấy toàn thân tôi là một đóa sen, và tâm tôi như cái nhụy sen, vươn lên giữa những cánh hoa, để rồi tỏa ra một cách vô hình giữa hư không vô tận. Tôi ngồi bất động như thế khá lâu, cho đến khi nước trong vòi bỗng chảy mạnh (vì ông Trọng đã mở vòi sẵn). Ông Trọng thức dậy:
“Có nước rồi Khang kìa, làm gì ngồi đó, tắm thêm một mách đi, mỗi ngày chỉ có khoảng giờ này là có nước chảy mạnh thôi.”
Ông Trọng tắm trước, tôi tắm sau, vì chỗ vòi nước khá chật, không thể chen vào hai người. Ông dặn tôi tắm nhè nhẹ kẻo cán bộ biết được thì bắt phạt, vì giờ này là giờ ngủ chứ không phải giờ tắm. Thành ra, phải tắm trộm. Tắm vào giấc khuya như vậy cũng khá lạnh, nhưng tôi không bỏ cơ hội, vì như ông Trọng nói, sau giờ đó cho đến suốt ngày, nước không chày được như vậy nữa. Tắm xong, tôi chỉ đứng tại chỗ, rảy, nhún nhẹ nhẹ cho ráo nước trên mình vì không có khăn lau. Tôi hơi rùng mình vì lạnh. Trở về chỗ nằm, tôi lại nghe được tiếng ngáy của ông Trọng. Ông có vẻ như một người vô tư, hoặc một kẻ đã quen với cảnh tù, biết chấp nhận hoàn cảnh khắc nghiệt, chỉ cần ăn ngủ để chờ ngày về, không bận tâm suy nghĩ cái gì vượt quá thực tế nhà giam.. Tôi nằm một lúc, tự nghĩ, có lẽ tôi phải học ông đức tính đó. Những suy nghĩ tính toan trong tù thực ra chẳng có ích lợi gì cả. Nhưng dù đã tự nhủ như vậy, tâm trí tôi vẫn cứ ngoan cố, hết nghĩ điều này, lại nhớ điều kia. Có những điều mà lâu nay tôi không nghĩ đến vì không có thì giờ hoặc không thấy cần thiết, nay bỗng trổi dậy, từng đoàn từng lớp, kéo qua bộ não tôi như một đoàn quân ô hợp, chen lấn, tranh giành nhau để được trình diện trước tôi, một kẻ quan sát và thưởng thức một cách nhàn rỗi, tích cực...
oOo
Tại sao điều giác ngộ thứ tám lại khởi dậy trong tâm trí mình ngay vào lúc thiền tọa đầu tiên trong nhà giam nhỉ? Tại sao các điều giác ngộ khác không hiện ra một cách thứ lớp từ một đến tám mà chỉ có mỗi điều giác ngộ thứ tám? Phải chăng ý nghĩa của điều giác ngộ này sẽ hàm dưỡng, bao trùm và thăng hoa cả cái vận hành lao lý khổ sai của mình trong những ngày sắp tới?
Hiện giờ anh Hiền như thế nào rồi nhỉ? Anh có bình an Không? Công an có ra tới Nha Trang để tìm bắt anh không? Hôm trước nghe nói là anh đang trốn ở nhà một người bạn nào đó ở Suối Dầu rồi, hy vọng anh thoát được. Ô, có tiếng anh tù nào mớ hay sao mà la dữ quá, từ ngoài kia mà vọng vào tới đây! Trời cũng khá lạnh đấy chứ! Nền xi măng tráng láng này làm tăng thêm cái lạnh thì phải. Chẳng có chút hơi ấm nào trong phòng giam ngoại trừ cái bóng đèn quá cao trên trần nhà. Mình nằm đất như vầy trong căn phòng kín bưng như vậy, giống như một người chết trong áo quan, vừa được hạ xuống lòng đất. Xa với trời, với mọi người chung quanh, nhưng gần gũi với đất chi lạ. Không sao! Sức mạnh của đất, sự nhẫn nại của đất, sẽ trực tiếp truyền vào cơ thể này như người ta chuyền chất đạm vào cơ thể bệnh nhân vậy. Chuyền chất đạm. Ô, chuyền chất đạm. Tại sao mình lại nghĩ đến mấy chữ chuyền chất đạm này hoài vây? Chuyền chất đạm. Chuyền chất đạm. Hòa thượng Trí Thủ bị nhà nước cưỡng bức vào bệnh viện. Ở chùa Già Lam lúc đó có mấy bác sĩ phật-tử túc trực, họ đều nói Hòa thượng đâu cần phải vào bệnh viện. Họ có thể chăm sóc được cho Hòa thượng ngay tại chùa. Vậy rồi, nhà nước cứ đưa ngài đi. Ở bệnh viện, họ chuyền chất đạm và chích đủ thứ thuốc cho Hòa thượng. Rồi hôm đó, chú Quảng Lộc đang loanh quanh trong phòng bệnh để hầu hạ Hòa thượng thì mấy người bác sĩ và y tá lạ mặt mời chú ra ngoài để họ khám lại sức khỏe của Hòa thượng. Khi họ từ phòng bệnh bước ra, chú Quảng Lộc cũng chẳng được nghe nói một lời nào về bệnh tình của ngài. Chú vào trong phòng bệnh thì Hòa thượng đã mất. Họ ngắt ống chuyền. Cho hơi vào ống. Hoặc bằng cách nào đó có trời mới biết nổi. Họ cho là Hòa thượng đã mở lớp học chùa Già Lam, lập chương trình soạn tự điển Bách Khoa Phật học chỉ là để che mắt nhà nước, bên trong ngấm ngầm bao che cho thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát hoạt động chống lại chế độ… Họ nghĩ rằng để Hòa thượng sống rất nguy hiểm, vì ngài rất quí nhân tài. Những người như thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát mà vào tù, ắt Hòa thượng sẽ có thái độ bênh vực, rồi sinh rầy rà trong dư luận tăng tín đồ cả nước. Phiền cho họ lắm, cho nên họ phải ra tay trước. Ôi sao mình nghĩ lung tung quá vậy, hồi nãy mình nghĩ gì mà liên tưởng đến chuyện Hòa thượng Trí Thủ kìa? À, chuyền chất đạm. Dinh dưỡng từ đất. Phải rồi, mình nằm sát với mặt đất như vầy, lưng tựa vào đất như vầy, như một người trong áo quan, trở về với đất, gần gũi với đất. Người ta thường thích làm con của trời. Nhưng thực ra làm con của đất thì tốt hơn. Kẻ nào không biết hạ mình để khiêm cung, không biết chai lì để chịu đựng, không biết thương yêu để nhẫn nại, không biết cảm thông để chờ đợi, không biết im lặng để lắng nghe… kẻ ấy là con của trời. Còn con của đất thì phải tự sống và tồn tại bằng tất cả những đức tính trên. Con của trời có thể sa xuống đất mà chết một cách vô nghĩa. Con của đất thì không rơi đâu cả. Cũng không cần phải rơi lên trời. Con của đất nằm sâu bên dưới, gánh hết tất cả, chịu đựng tất cả…
Bây giờ mấy giờ rồi mà vẫn nghe tiếng ai nói chuyện bên ngoài nhỉ? Hay là tiếng rù rì của gió? Hay là tiếng sương đêm sa trên lá cây? Ô, có tiếng kêu của dế nữa kìa. Con dế ốc tiêu hồi nhỏ của mình đá hăng dễ sợ, nó lủi bên dưới với hai cái càng nhỏ mà đẩy con dế nhỏ của thằng Minh chạy te. Minh là thằng khờ, nhưng thông minh lắm. Nó biết mình với con Xù là bồ bịch. Xù ơi, bây giờ Xù đang ở đâu vậy? Có phải là vẫn ở Phan Rang không? Tại sao mình quen nhau sớm quá mà rồi chia tay cũng sớm quá nhỉ? Không bao giờ gặp lại. Trái đất tròn nhưng nếu hai người ở hai nơi chẳng ai di động thì không thể gặp nhau. Hoặc di động như hai con rùa lạc hướng quờ quạng thì làm sao có cơ tái ngộ trong vận tốc vô tình của thời gian? Mà thôi, nghĩ đến Xù làm gì, có ích lợi gì đâu. Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni… Nhưng dù cho trái đất có tròn, dù cho hai con rùa có gặp nhau, cũng không có gì bảo đảm cho một tương phùng tao ngộ dài lâu. Mộng Huyền. Mộng Huyền. Cái tên đọc lên nghe như một nỗi sầu thảm buồn tênh nào đó. Tại sao? Tại sao?
Các thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đang ở phòng giam nào? Trong nhà giam này, ít nhất cũng có khoảng hai mươi tăng sĩ Phật giáo. Có lẽ bất cứ nhà giam nào trên đất nước này cũng có thầy tu Phật giáo. Thời đại nào dân tộc khổ đau thì thời đại đó có nhiều tăng sĩ Phật giáo ở tù. Ông Trọng này ngáy dữ quá. Tội nghiệp ông ấy, tuổi già mà vẫn chưa được yên. Chắc ông cũng có hoạt động sao mới bị bắt vào đây chứ không phải chỉ bị tình nghi đâu. Có lẽ tại ông hãy còn sợ mình là công an cải trang vào đây nên chẳng bao giờ dám nói là ông có hoạt động. Cứ nói là bị tình nghi thôi. Không sao, ông có vợ con, ông phải dè dặt. Mà không chừng ông ấy là công an, giả đò nằm đây từ nửa tháng trước. Chuyện đó biết lấy ai làm chứng. Ông có vào đây trước mình vài tiềng đồng hồ, thậm chí nửa giờ đồng hồ thì mình cũng vô phương biết được! Ồ, đừng nghĩ vậy! Ta không cần thiết phải lăn theo cái thói quen nghi kỵ mà người cộng sản mong muốn mọi người phải có. Càng nghi ngờ nhau, người ta càng xa nhau, càng không hiểu nhau, càng dễ thành kẻ thù của nhau. Xã hội vì vậy mà rã rời. Lòng người vì vậy mà ly tán. Cứ mỗi mối nghi ngờ nổi lên, ta mất đi một người bạn. Đừng nghi ngờ, thủ thế, co rút lại như thế. Người ta cho rằng không nghi ngờ là dại vì dễ bị sa bẫy của cộng sản, nhưng nói vậy cũng không đúng lắm; bởi vì cứ nghi ngờ nhau thì cũng sa vào một cái bẫy của cộng sản chứ có hơn gì. Ừ, cho dù ông Trọng có là công an, là đặc tình, ta cũng sẽ nói, sẽ làm, sẽ suy nghĩ, sẽ sống như thế, để coi ông ấy làm được gì! Ta nói sự thực chứ có nói sự giả đâu mà sợ chứ. Không, ông ấy không phải công an đâu. Nghi ngờ cũng là một thứ phiền não trong vấn đề tu tập đó nghe. Kể cũng lạ thật, làm sao người ta có thể sung sướng được bằng cách tước đoạt hạnh phúc của kẻ khác, bằng cách gieo rắc đau khổ cho kẻ khác? Tại sao họ không biết được rằng cả nước đang đau khổ vì họ? Chắc họ biết chứ chẳng phải không; có điều, họ làm ngơ thôi…
Buồn ngủ rồi. Vừa buồn ngủ mà lại vừa nhức đầu. Đừng suy nghĩ gì nữa thì hơn. Tiếng động gì vậy? Tiếng cựa mình của ông Trọng. Có tiếng vi vu bên ngoài giống như tiếng gió lùa qua cành lá. Tiếng dế gáy. Một chiếc xe nào chạy qua đường. Khuya lắm rồi. Ba me ơi, ba me đã đi nghĩ chưa? Con ở trong tù đây nhưng con không sao đâu. Con là con của Phật mà. Lâu nay con ăn chay nằm đất thì bây giờ con cũng ăn chay nằm đất, có gì lạ đâu. Còn chuyện đói no, cũng đâu thành vấn đề. Hồi ở chùa Hải Đức, ở chùa Long Tuyền, ở chùa Già Lam hay ở chùa Long Quang, con đều có tuyệt thực. Mỗi lần từ bảy ngày đến nửa tháng, lại thêm nửa tháng uống nước gạo rang… vậy thì chuyện đói trong tù cũng chẳng phải vấn đề đâu, ba me ạ. Con là con của đất mà. Ba me ngủ ngon nha. Con cũng ngủ đây… Ngày ba lên chùa kinh tế mới ngủ lại với con một đêm, thấy con gác tay lên trán, ba gỡ tay con xuống, bảo rằng đặt nơi bụng tốt hơn. Đó cũng là lần đầu tiên suốt mười lăm năm con xuất gia, ba đã ngủ chung với con một giường. Ôi chiếc giường tre ọp ẹp của vùng kinh tế mới. Đó cũng là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm, ba biết đứa con trai xuất gia của ba nằm ngủ như thế nào. Ba gỡ tay con khỏi trán, rồi đặt nhẹ xuống bụng. Ba còn gần con được để chăm sóc bằng một cử chỉ nhẹ nhàng đó. Còn me thì không. Con đi tu rồi, me cứ đứng xa, đứng xa… Một năm, hai năm, rồi mười lăm năm… cứ xa mãi, xa mãi…
oOo
Khoảng bốn giờ sáng, tôi choàng thức dậy trong tiếng tụng kinh từ đâu vọng lại. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Ban đầu tôi ngỡ đó chỉ là ảo giác– ì ở chùa, tôi đã tập quen với thời kinh buổi khuya (gọi là công phu khuya), nhiều năm như vậy nên dù đang ở đâu, cứ bốn giờ sáng, có khi sớm hơn hoặc trễ hơn một chút, tự dưng thức dậy–nhưng tiếng tụng kinh càng lúc càng rõ và thật hơn. Tôi đứng dậy, rời chỗ nằm, đến áp sát tai vào cánh cửa sắt, lắng nghe. Đúng là có tiếng tụng kinh của người nào đó trong một phòng giam rất gần. Tự dưng tôi thấy xúc động tràn trề.
Tôi đứng yên, hết sức lắng nghe như thể mới được nghe lần đầu âm thanh và ngôn ngữ của cuộc đời vậy. Đó là bài kinh Lăng Nghiêm với đoạn mở đầu là lời phát nguỵên của A Nan, người em họ của Phật, và cũng là người đệ tử thông minh bậc nhất của ngài. Một niềm phấn khích khó hiểu trong tôi trổi dậy khiến tôi muốn đáp lại tiếng tụng kinh đó bằng cách tụng hòa theo, nhưng thấy ông Trọng ngủ ngon quá, tôi không nỡ. Vì vậy, tôi chỉ đứng đó, hết sức chú tâm, lắng nghe tiếng tụng kinh lan đến, rót vào tai mình.
Qua đoạn phát nguyện cảm động của A Nan, bài kinh chuyển qua âm điệu hùng tráng của thần chú Lăng Nghiêm, năm chương dài phiên âm từ tiếng Phạn. Giọng người tụng không được hay lắm, nhưng âm ba thiêng liêng từ mỗi tiếng mỗi lời lại có sức tác động rất mạnh mẽ. Chúng dập dồn như sức đẩy của sóng nước, dạt dào trôi lướt như sức cuốn của gió, đều đều và tỏa khắp như sức rơi của mưa… Tôi thấy tâm mình tịch lặng theo âm vang trầm hùng ấy, và ngay sau đó, trong tôi bỗng nhiên lại tràn ngập niềm tin về sự bất tử của cái thiện.
Cái thiện không bao giờ muốn tiêu diệt cái ác. Chỉ có cái ác mới cố tình tiêu diệt cái thiện mà thôi. Nhưng không có cái ác nào có thể tiêu diệt được cái thiện cả. Giống như ánh sáng và bóng tối: khi ánh sáng đến, bóng tối bị đẩy lùi; nhưng nếu ánh sáng đang hiện hữu ở một không gian nào đó, dù bóng tối có kéo đến, ánh sáng vẫn cứ tồn tại. Cái thiện sinh tồn bằng cách tự thể hiện nó một cách toàn vẹn chứ không cần phải tranh thắng với cái ác. Và khi cái thiện ngời sáng bởi chính phẩm cách của nó, cái ác tự khắc sẽ thối lui, tiêu tán. Nếu ánh sáng không đủ sáng, bóng tối vẫn còn chiếm ngự không gian. Những ánh đèn leo lét được thắp lên một cách lẻ tẻ, rải rác, sẽ không đủ sức xua đi bóng tối đang ngập tràn khắp nơi. Nếu không có một mặt trời bừng tỏa rạng ngời thì phải có sự tập hợp và kết tụ của những ánh đèn nhỏ leo lét ấy. Mỗi người tự thắp mình lên một ngọn đèn thì bóng tối trần gian sẽ bị xua tan.
oOo
Khoảng năm giờ rưỡi sáng, ông Trọng thức dậy, ngồi đốt điếu thuốc đầu ngày. Chờ khói thuốc loãng bớt qua khung cửa gió, tôi mới tập yoga và các động tác thể dục thông thường đâu chừng nửa giờ đồng hồ. Ông Trọng cũng tập thể dục, nhưng cái bụng ông nặng nề quá nên ông chỉ quơ quơ tay chân vài phút rồi đứng đưa mặt ra cửa gió, hít thở. Ông nói:
“Ở tù biệt giam như vầy mà không chịu vận động thì dễ sinh bệnh. Cậu có thói quen thể dục như vậy tốt lắm. À, bên ngoài cậu làm nghề gì vậy?”
Nghe ông Trọng hỏi, tôi mới giật mình nhớ sực rằng một khi tôi mang hình thức tóc dài, mặc áo quần thế tục, người ta có quyền hỏi tôi về chuyện nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình v.v… Mà từ khi mới bước vào phòng biệt giam, tôi đã tự dặn lòng là sẽ sống tự nhiên như mọi người trên đời, ai biết được tôi là tu sĩ thì biết, người nào không biết, để cho họ nghĩ sao cũng được. Tôi muốn nhân cơ hội này, học hỏi về cuộc đời, về con người, một cách thực tế và tiếp cận hơn, chứ không phải chỉ nhìn thế gian qua sự phán xét của kinh điển. Nếu các tù nhân khác biết tôi là tu sĩ, giữa họ và tôi sẽ có một khoảng cách nào đó, và như vậy, tôi khó lòng mà học hay lắng nghe được sự thật của cuộc đời qua sự giao tiếp với họ. Cho nên, tôi đành phải che giấu về thân thế của mình. Tôi ngập ngừng một lúc rồi đáp:
“Dạ… thất nghiệp. Cháu có nói với chú một lần rồi mà, phải không?”
Ông Trọng gật gù, chẳng có vẻ gì ngạc nhiên:
“Ở xã hội này, những người tốt, có khả năng làm việc, có học, thì thường thất nghiệp. Nếu may mắn thì có được việc làm lao động nặng nhọc như đạp xích lô, đạp xe ba gác, làm cu li bốc vác… hoặc những nghề linh tinh tủi nhục khác như lượm bao ni-lông, bán cà rem, bán vé số… Cái tướng của cậu, đâu cần những công việc may mắn đó, cho nên thất nghiệp là phải rồi. Nhưng… tôi thấy cậu có vẻ như là một kẻ không quan tâm đến chuyện kinh tế. Cậu chẳng có vẻ gì lo lắng với đời sống, ngay cả đời sống tù. Có thể cậu có kẻ khác lo cho chuyện đó, hoặc cậu sống nặng về phần khác hơn, ý tôi muốn nói, cậu sống nặng nề về mặt tinh thần hơn… Bởi vì, cậu nói cậu thất nghiệp, nhưng trong cách nói của cậu, tôi thấy có vẻ như là cậu vui vẻ được thất nghiệp vậy.”
Tôi chỉ cười, chẳng biết nói gì, ngó ra ngoài cửa gió.
Sáu giờ sáng cửa gió các phòng biệt giam đều mở cửa, và đèn cũng bị tắt ngay sau đó. Mấy anh nuôi lăng xăng quét dọn hành lang, rồi bưng nước sôi từ bếp lên để phân phát cho các phòng. Đối diện phòng biệt giam của tôi là phòng 2 tập thể của dãy C3. Bảng nhân số bên đó ghi 45 người. Mỗi phòng tập thể chiều ngang khoảng sáu thước, chiều dài chừng muời thước. Có tất cả 7 phòng tập thể cho mỗi dãy. Như vậy, tôi ước tính cứ sáu hay bảy phòng biệt giam thì có kích thước bằng chiều dài của phòng tập thể đối diện. Phòng biệt giam của tôi mang số 9 mà dối diện với phòng 2 tập thể, như thế, bảy phòng tập thể sẽ tương đương với 42 hoặc 49 phòng biệt giam (một số phòng biệt giam nhốt hai người). Tính chung, vừa phòng tập thể vừa phòng biệt giam của 3 dãy, nhân số tù tối thiểu là một ngàn người. Và trại giam này chỉ là một trong mấy nghìn trại giam khác trên khắp đất nước, chưa kể các trại tập trung cải tạo mà nhà nước không muốn gọi tên là nhà tù.
Anh nuôi đến ngang cửa phòng biệt giam chúng tôi. Ông Trọng lấy hai ca nhựa đưa ra ngoài để nhận nuớc sôi. Tôi hỏi ông:
“Đây là tiêu chuẩn nước uống của mỗi người trong ngày hả chú?”
“Đâu có. Nước uống là nước trong vòi kia. Nước sôi này là để trụng mì gói hay pha bột, pha sữa điểm tâm thôi. Trại giam không lo nổi bữa điểm tâm nên chịu khó tốn chút nước sôi để mình tự túc, muốn làm gì thì làm. Nhưng mà mình có mì hay bột gì đâu! Chưa có quà thăm nuôi của gia đình thì cứ chờ đến bữa cơm mà ăn thôi. Còn nước sôi họ phát thì mình lấy, uống cho đỡ đau bụng, khi nào hết nước nấu mình mới uống nước phông tên, phải không nào?”
Vừa dứt lời, bỗng nghe tiếng gõ cửa, ông Trọng quay lại chỗ cửa gió, nói chuyện với ai đó bên ngoài.
“Ừ, anh ấy mới nhập trại hôm qua. Đúng rồi, tên là Khang. Muốn nói chuyện hả? Khang, cậu đến đây mau.”
Ông Trọng nhường chỗ cho tôi ló mặt ra nơi cửa gió. Bên ngoài, một người anh nuôi chờ sẵn, thấy tôi liền hỏi:
“Anh tên Khang, phải không?”
“Phải.”
“Có quen ai bên phòng nữ không?”
“Tôi chẳng biết nữa.”
“ Có biết sư cô gì đó ở phòng nữ tập thể không?”
“À, biết.” Tôi nhớ lại là có gặp sư cô Trí Hải hôm qua, khi Long đưa tôi ghé ngang phòng giam nữ trước khi đẩy tôi vào phòng biệt giam này.
“Nè, cô ấy gởi anh cái này,” anh nuôi nói.
Một túi ni-lông được dúi nhanh qua cửa gió. Bên trong là một gói bột ngũ cốc, một bịch muối nêm rang dầu, một gói muối đậu, một gói tàu hủ chiên kho mặn, một gói chuối khô và một mẫu giấy màu hồng, ghi số 500. Tôi đưa ông Trọng xem. Ông Trọng giải thích đây là phiếu tiền, một mẩu giấy bìa cứng, kích thước như một cái vé tàu hỏa, trên có đóng dấu của trại giam, chữ ký của trưởng trại và chữ viết bằng tay ghi rõ trị giá tương đương với tiền thật. Tất cả tiền mặt của thân nhân gởi vào trại giam cho tù nhân đều được đổi thành phiếu tiền để sử dụng trong phạm vi trại.
Được biết, việc gởi quà qua lại giữa tù nhân bị cấm chỉ tuyệt đối và bị coi như là một hình thức của sự thông cung. Thông cung có nghĩa là sự liên lạc với nhau giữa tội phạm này với tội phạm khác nhằm thống nhất cách khai cung có lợi cho họ. Nhưng cán bộ trại cũng thiếu thốn, anh nuôi trại thì đói, vì thế họ sẵn sàng chuyển quà qua lại giúp cho các tù nhân để đổi lấy chút lợi lộc cho riêng mình. Chưa kể họ có thể xén bớt một vài món trong gói quà của người ta nữa. Tôi không biết sao sư cô Trí Hải lại tài tình gởi được quà biếu tôi. Trước nhất cô phải đoán biết tôi bị giam ở phòng nào, dãy nào, sau đó, lại phải nhờ đúng anh nuôi trực dãy đó.
Ông Trọng cũng cho biết, trại có một hợp tác xã bán đồ tạp hóa và đủ thứ thức ăn thức uống, do cán bộ trại giam tổ chức, trông coi. Tù nhân mua đồ của hợp tác xã đó bằng phiếu tiền, rồi hợp tác xã lấy phiếu đem lên trưởng trại mà đổi ra tiền thật. Giá bán ra của hợp tác xã trại đắt gấp ba lần giá thị trường ở ngoài. Hình thức kinh doanh này mang lại lợi tức đáng kể cho túi tiền của cán bộ trại. Tuy vậy, chỉ có những tù nhân ở dãy A, B, gần khu hậu cần và nhà bếp mới có thể mua hàng thường xuyên mỗi ngày được. Các dãy C chỉ được mua mỗi tuần một lần bằng cách đặt mua trước với anh nuôi qua một cái phiếu đặt hàng có ghi tên, số phòng, món hàng muốn mua. Anh nuôi dựa theo phiếu ấy mà lấy hàng từ hợp tác xã. Phiếu tiền được trả khi nhận hàng.
Tôi đưa ông Trọng hết gói quà của sư cô Trí Hải biếu, và cả cái phiếu tiền tôi cũng đưa ông nốt. Tôi nói:
“Chú cầm tiền này để mua đồ cho hai chú cháu mình sống cầm hơi, đựơc tới đâu hay tới đó. Cháu không rành chuyện mua hàng ở đây đâu. Hơn nữa, phiếu tiền này cháu cũng không quen xài. Chú cứ tùy tiện, thấy phòng giam này cần món gì thì cứ mua.”
Ông Trọng hơi ngạc nhiên nhìn tôi một lúc rồi cuối cùng cũng vui vẻ nhận cộng tác tri sự (chức vụ của tăng sĩ trông coi mọi việc trong chùa phụ tá vị trụ trì, giống như vị tổng quản lý dưới quyền ông chủ của một hãng xưởng lớn).
Vậy là sau khi dùng nước sôi khuấy bột ngũ cốc cho bữa điểm tâm sáng hôm ấy, ông Trọng nhắn anh nuôi, đặt mua hàng. Hàng của hợp tác xã trại cũng rất giới hạn. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy món như đường, muối, bột ngọt, chao, tương, mắm… Đồ tươi thì chỉ có dưa leo, cà rốt, những thứ không cần nhiều nước để rửa và có thể để lâu được trong phòng giam nóng bức. Ngoài ra, thuốc lá đủ loại cũng là món hàng tối cần thiết cho tù nhân… Hợp tác xã trại giam biết vậy nên cũng nỗ lực khai thác nhu cầu này, và họ đã bán được rất nhiều thuốc lá trong ngày. Gặp lúc lỡ hết thuốc hút mà chưa đặt mua hàng của hợp tác xã được, tù nhân cũng có chỗ để mua đỡ từ các cán bộ trực dãy. Để lấp vào những ngày trống mà hợp tác xã không đưa hàng vào kịp, cán bộ trực dãy lén lút mang thuốc lá, đường cát, sữa, v.v… vào bán cho tù nhân. Hàng được đặt trong hộc bàn. Anh nuôi đến mua, cán bộ trực chỉ việc ngó trước ngó sau một hồi, rồi kéo hộc ra, bán. Do vậy mà nhu cấu sinh sống hàng ngày của tù nhân không đến nỗi quá túng thiếu nếu có tiền bạc của gia đình gởi vào nhiều và đều đặn nửa tháng. Ai cần hàng thì cứ việc nói với anh nuôi liên lạc với cán bộ. Mua một gói thuốc, cho anh nuôi vài điếu; mua một cây thuốc, cho anh nuôi một gói. Xã hội bên ngoài lấy thuốc lá làm đầu câu chuyện thì bên trong các trại giam, người ta cũng không tránh khỏi thông lệ ấy. Thuốc lá thay mặt tiền bạc để giải quyết những công việc không quá quan trọng, và là thứ khai vị cho những luận bàn chính trị, áp phe kinh doanh… Một gói thuốc ba số năm đôi khi có năng lực làm thay đổi những bế tắc cho đời sống.
Thấy ông Trọng đặt hàng mà không đá động gì đến thuốc lá, tôi nhắc. Ông Trọng quay lại:
“Cậu đâu có hút thuốc!”
“Thì mua cho chú. Mua một cây thuốc Đà Lạt đi. Đã nói tới đâu hay đó mà, chú cứ mua thuốc đi.”
“Nhưng… tiền của cậu…”
“Ô thiệt tình chú này, tiền này có của ai đâu! Mua đi. Đã giao trọn cho chú rồi thì chú có quyền quyết định chứ ngại ngùng gì chứ,” nói rồi vẫn thấy ông Trọng ngần ngừ, tôi chen tới cửa gió, nói với anh nuôi ghi thêm một cây thuốc Đà Lạt vào phiếu mua hàng.
Tôi chẳng có lý do gì để mua chuộc ông ấy cả. Tôi chỉ thấy tội nghiệp ông. Tôi biết ông có thể nhịn đói được mà không than, nóng hay lạnh cũng không màng, nhưng bắt ông nhịn thuốc thì có thể buồn rầu mà sinh bệnh.
Anh nuôi đi rồi, chúng tôi quay trở lại chỗ nằm. Ông Trọng đốt điếu thuốc cuối cùng của ông, nói:
“Tôi đã nói từ đầu, cậu thật là khó hiểu chứ chẳng phải chơi. Tôi không rõ ngoài xã hội cậu sống trong môi trường nào mà bây giờ, cậu lại có cái nhìn và lối sống như thể là… ở đời muôn sự của chung vậy.”
Tôi cười:
“Chẳng có gì mới mẻ hay khó hiểu đâu chú ơi. Tất cả đều là chuyện thường ngày thôi.”
Ông Trọng nhìn tôi, im lặng quan sát một lúc rồi lại hỏi:
“Cậu làm nghề gì vậy?”
“Đã nói với chú rồi mà, thất nghiệp.”
“Nhưng trước khi thất nghiệp cậu cũng có làm cái gì đó chứ.”
“Trước khi thất nghiệp? thì… không có nghề nghiệp.”
Cả tôi và ông cùng cười. Một lúc ông hỏi tiếp:
“Có thể từ khi mấy ổng vô, cậu không biết phải làm gì, phải không? Vậy chứ trước năm một chín bảy lăm, cậu làm gì?”
“Làm học sinh.”
“Ồ, ra là vậy. Nhưng… tôi nói thiệt, tôi vẫn thấy con người cậu có cái gì khó hiểu lắm mà tôi chưa đoán được. Cậu có thể là một chàng công tử phong lưu, được gia đình chìu chuộng, muốn gì được nấy, nên cậu coi tiền bạc hay mấy cái chuyện ăn uống ở đây chẳng ra cái quái gì cả. Mà cậu cũng có vẻ giống như một anh chàng… một anh chàng đang sống trong cái thế giới đại đồng của cộng sản, cái thế giới mà mấy ổng nghe lời ông tổ Các Mác, cho rằng nhà nước tự giải thể, nhân dân tự quản lý đời sống, không có guồng máy chính quyền, không có ai bóc lột ai, mọi người đều làm chủ, muốn gì được nấy, vật chất thừa mứa, đầy đường… chẳng ai thèm lấy làm của riêng, chẳng có đói thiếu, chẳng có cướp giật trộm cắp… Ừ, cậu giống như vậy đó, giống một anh chàng nhân dân vô sản thứ thiệt, hay một anh chàng cán bộ cộng sản lý tưởng trong cái thế giới đại đồng đó.”
Tôi bật cười lên ha hả. Chưa bao giờ tôi cười lớn một cách thiếu trang nghiêm như vậy.
“Cho dù cái thế giới đại đồng đó có thật thì anh chàng nhân dân hay anh chàng cán bộ cộng sản trong thế giới đó cũng chỉ là những gã điên mà thôi, làm sao cháu giống họ được chứ. Nhưng nói cho cùng là thế giới đại đồng đó chỉ là một thế giới huyễn hoặc, đâu có thật, và sẽ chẳng bao giờ có thật đâu chú ơi. Nó chỉ là giấc mộng, là ảo ảnh phát sinh từ một cái đầu đã mụ, từ một khối óc mà hệ thần kinh đã bị tê liệt vì đói rét. Thực đó, giống như một anh chàng đói quá, nằm ngủ cứ mơ thấy đồ ăn ở đâu tự nhiên xuất hiện đầy ở chung quanh, tràn lấp trên mùng dưới chiếu, đụng đâu cũng thấy đồ ăn thức uống… tha hồ mà tọng vào miệng. Nhưng… cũng chỉ là giấc mơ thôi. Anh chàng đói đó, vì chỉ có mỗi nhu cầu trước mắt là ăn, nên chỉ có thể sáng tạo ra được cái giấc mơ ăn uống; vì không có khả năng biến giấc mơ ăn uống thành thực tế, nên đâm oán thù những kẻ no đủ, đổ lỗi cho những kẻ ấy, rồi từ đó dẫn đến một giấc mơ cao cấp hơn: giấc mơ bình đẳng giai cấp. Thế rồi, từ cái hoảng loạn tinh thần của sự đói thiếu và cái hoang tưởng về một thế giới bình đẳng, anh dệt vẽ lung tung về cách nấu ăn, cách dọn bàn ăn, cách chia ghế cho những thực khách đang đói… Ôi thật là thảm! Cái thảm thiết này, biết nói sao cho cùng. Cứ tưởng tượng, một trăm anh chàng đói khác nghe anh chàng đói này diễn tả về một bữa tiệc đầy cao lương mỹ vị mà ai cũng có được quyền tham dự, bèn xúm xít lại, cùng ngợi ca bữa tiệc tưởng tượng đó. Rồi một ngàn, rồi một vạn, rồi một triệu, rồi một tỷ anh chàng đói khác kéo tới, cũng để được thưởng thức cái giấc mơ ăn uống và bữa tiệc thịnh soạn do anh chàng đói thác loạn tinh thần đầu tiên bày vẽ ra… Cuối cùng thì sao, vẫn đói thôi. Giấc mơ mà. Thế giới đại đồng hay bữa tiệc thịnh soạn chỉ là giấc mơ của một người đói rét. Nhưng anh chàng có khiếu ăn nói quá, cộng thêm sự nghiềm ngẫm lâu ngày chầy tháng về nỗi đói khôn nguôi nên đã diễn tả món ăn và bữa tiệc thật là ngon lành và sống động, nên cả số người no đủ cũng muốn nghe, cũng muốn được tham dự cái bữa tiệc lý tưởng bình đẳng kia. Rồi tranh giành, rồi cãi vả, rồi đánh giết nhau, cũng chỉ vì tin hoặc không tin cái giấc mơ đó. Chú có thấy vô lý không? Cãi vả chém giết nhau vì một giấc mộng! Mà phải chi giấc mộng này đặt nền tảng nơi một thứ tinh thần hay nghĩa cử cao đẹp nào đó, chẳng hạn như từ bi, bác ái, tha thứ, hiến tặng, cảm thông, chia xẻ, nhường nhịn… thì hãy còn đỡ khổ cho cuộc đời lắm! Đàng này, nó chỉ đặt nền tảng trên nhu cầu vật chất, quyền lợi vật chất, những kế hoạch cải thiện cơ cấu kinh tế, năng lượng sản xuất, giá trị lao động, tiêu chuẩn sản xuất… và tệ nhất là đấu tranh giai cấp! Ôi, những cái thứ quyền lợi thô lậu tầm thường đó có gì mà phải bận tâm dữ vậy! Làm sao chúng có thể mang lại hạnh phúc hay sự bình yên cho đời sống chứ! Chúng chỉ làm cho con người hèn kém, nhỏ mọn thêm mà thôi… Sao, chú nghĩ sao, cháu có phải là một thần dân hay một anh cán bộ của thế giới đại đồng không vậy?”
“Ờ, ờ… dĩ nhiên là không phải rồi, cho dù thế giới đại đồng có thật thì cậu cũng không phải là cán bộ hay nhân dân lý tưởng gì của thế giới đó. Nhưng… tôi cũng đồng thời nhận ra được rằng, ngay cả hình ảnh một chàng công tử phong lưu, sống một cách xa hoa, coi tiền như rác, cũng không áp dụng cho cậu được. Cậu không phải hạng người hưởng thụ. Cậu có cái vẻ đứng đắn của một người đã quen lối sống kỷ luật, đạo đức, mà cậu cũng có cái vẻ… vẻ gì nhỉ… à cái vẻ tự do thoải mái của một người không thích vướng bận ba cái chuyện nhỏ nhặt… Thực ra, cậu là ai vậy? Cậu làm cái gì ngoài xã hội? Tại sao phải giấu tôi chứ. Nói tôi nghe cho vui đi.”
Tôi cười, đến bên cửa gió, nhìn ra ngoài:
“Cháu là học sinh, là sinh viên, đang còn nghiên cứu, tìm hiểu, vậy thôi.”
“Vậy cậu học ngành gì? Nghiên cứu về cái gì?”
Im lặng một lúc, tôi nửa đùa nửa thật nói:
“Nghiên cứu về cái giấc mộng lớn: cuộc đời, cái đã tạo ra những giấc mộng nhỏ khác của con người trong mọi thời đại. Vì cháu tin rằng, khi con người biết rõ ràng những gì họ đeo bám chỉ là giấc mộng, họ sẽ không còn gây khổ cho mình hay cho người khác nữa.”