TUỆ SỸ ĐẠO SƯ
Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2
Tác giả: Nguyên Siêu
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang
In lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2006
Ấn Tượng Khoảnh Khắc
Tuệ Sỹ
Một vài người khách thập phương gặp nhau tình cờ ở sân chùa, nói với nhau vài câu bâng quơ. Rồi mỗi người đi theo mỗi hướng. Nhưng rồi, một vài chữ, vài lời trong các câu nói bâng quơ không ngờ đọng lại đâu đó, không tan biến đi được, do những thăng trầm bất định của lịch sử. Cũng có thể vì giông bão liên tục khuấy động, nên một vài phút bình an trước đó trở thành khoảnh khắc hoài niệm không thể quên được, bất kể hoài niệm đó là gì, có ý nghĩa gì.
Hơn bốn mươi năm qua, tôi cũng không nghĩ ấn tượng đầu tiên, không có gì đặc sắc, mà lại có thể gợi nhớ lâu bền như vậy. Chẳng qua anh cũng như nhiều người khác, nhân có việc gì đó mà đến Sài gòn, tá túc Già Lam chừng một hai hôm, thế thôi. Lần đó, khoảng chừng 1962, anh cùng hai Huynh trưởng nữa, hình như vậy, từ Huế vào. Không rõ việc gì, bởi cũng không có gì đáng phải tò mò. Già Lam hồi đó gồm một nhà lá cho một chú nhỏ như tôi, không còn ai nhỏ hơn nữa; và đó cũng là nhà ăn và nhà bếp. Thêm ba gian nhà gạch còn dang dở, mà một gian tạm thờ Phật, một gian cho các chú lớn hơn, và gian còn lại để dành khi Thượng tọa Giám viện, hoặc Thượng tọa Thiện Minh tạm nghỉ mỗi khi các Ngài có việc ở Sài gòn. Khi anh Từ vào tá túc, anh nghỉ chung với tôi tại căn nhà lá. Chỉ đến tối anh mới ghé về nghỉ. Tôi không gặp anh được nhiều do đó cũng không nói chuyện nhiều để quen nhiều. Câu nói duy nhất của anh cho đến bây giờ tôi vẫn không quên; không phải nói với tôi, mà chỉ như là nhận xét hay đùa một chút cho vui miện với Huynh trưởng nào đó. Anh nói "ở đây vậy mà là ông cử, ông tú cả đấy". Tôi không nhớ rõ cách nói rất Huế lúc ấy, nên không thể ghi lại đúng nguyên văn ở đây.
Nhận xét của anh không liên hệ gì đến tôi. Vì bấy giờ tôi hầu như không đi học. Lý do đơn giản thôi: không có tiền đóng học phí, cũng không đủ tiền đi xe buýt. Vốn là chú tiểu lang thang, không có Phật học đường nào dung chứa, hết Sài Gòn rồi Lục tỉnh, rồi miền Đông; may mà được Thượng tọa Giám viện thương tình cho tạm tá túc khi Già Lam vừa mới lập. Tất nhiên, sau đó ổn định dần, tôi cũng bắt đầu đi học; như du mục định cư, rồi mới nói đến chuyện tri thức.
Dù có khoa trương thêm lý lịch bản thân, tôi cũng cảm thấy có cái gì đó rất khó nói từ lần đầu tôi gặp anh Từ. Chưa hề có ai tôi gặp một lần mà để lại ấn tượng lâu dài như vậy. Ấn tượng ấy thật sự cũng chỉ mơ hồ thôi. Không phải là dấu ấn sâu đậm để có thể nhớ mãi.
Cũng lạ thật; có những người sống chung với nhau nhiều năm, gần như anh em ruột thịt, nhưng khi xa nhau một thời gian thì không còn nhận ra nhau nữa, dù họ không có mâu thuẫn xã hội hay tâm lý nào. Cũng có người chỉ gặp nhau một thoáng, lại gắn bó với nhau một cách vô hình, hay vô tình.
Tất nhiên tôi còn gặp anh thêm nhiều lần nữa. Lần nào cũng chỉ chào hỏi thông thường, rồi trao đổi vài ba câu gì đó. Dù vậy, cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận có một sự thân thiết nào đó gắn lbó tôi và anh, bên ngoài khuôn sáo đời thường.
Lần cuối cùng, anh đưa tôi đến nói chuyện với một lớp học của Gia đình. Buổi ấy, tôi thật bối rối, không nói được gì cả. Có khi ngồi im lặng gần nửa giờ. Những điều muốn nói lại không thể, hay không được phép nói. Còn những điều có thể nói, thì chỉ là những lời sáo rỗng. Tuy nhiên, sau đó tôi cảm thấy được an ủi, bởi trong mắt nhìn của anh bấy giờ u uẩn nỗi ưu tư bàng bạc.
Ngày nay, khi nghe tiếng trẻ nô đùa dưới sân chùa vào ngày chủ nhật, tôi nghĩ, anh tái sinh tại một nơi nào đó, thiên giới hay Cực lạc, hay cõi Ta bà đầy thống khổ, có cảm thấy bất chợt bồi hồi bởi những rung động từ khoảnh khắc tâm tư quá khứ của anh vẫn còn ngân vang, trên muôn trùng lớp sóng vô thường biến dịch. Trên lớp sóng phế hưng ấy, tâm nguyện của người Phật tử như hạt giống Bồ đề đã chuyển thể thành kim cang bất hoại.
Hôm nay, nhân ngày giỗ của anh, tôi đốt nén tâm hương tưởng vọng anh. Trong đốm lửa nhỏ, tâm nguyện của anh vẫn còn thắp sáng cho thế hệ đàn em của anh.
Già Lam, giữa tiết Thanh minh, Quý Mùi,
Phật lịch 2547
Tuệ Sỹ