- Chương 1: Xã hội tân tiến và truy tầm hạnh phúc cho loài người
- Chương 2: Không phép lạ, không bí mật
- Chương 3: Căn nguyên tuỳ thuộc và bản chất của thực tế
- Chương 4: Tái định mục tiêu
- Chương 5: Cảm xúc tối thượng
- Chương 6: Luân lý về nhẫn
- Chương 7: Luận lý về hạnh
- Chương 8: Luận lý về từ bi
- Chương 9: Luận lý về đau khổ
- Chương 10: Nhu cầu nhận thức
- Chương 11: Trách nhiệm toàn cầu
- Chương 12: Trình độ dấn thân
- Chương 13: Luân lý trong xã hội
- Chương 14: Hoà bình và giải giới
- Chương 15: Vai trò tôn giáo trong xã hội tân tiến
- Chương 16: Lời kêu gọi
Chương 9
LUÂN LÝ VỀ ĐAU KHỔ
Tôi từng đề nghị rằng, tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, hạnh phúc chân thật có đặc tánh là an bình, và an bình chắc chắc chỉ đạt được khi hành động của ta có động cơ là sự quan tâm đến tha nhân; và điều đó sẽ nối tiếp bằng giới luật luân lý và giải pháp trực tiếp cho cảm xúc phiền nhiễu. Tôi cũng đề nghị rằng, trong khát vọng hạnh phúc, chúng ta tìm sự xa lánh đau khổ một cách tự nhiên và thích đáng. Giờ ta thử quán xét phẩm chất, hoặc trạng thái, khi ta ước vọng mạnh mẽ được giải thoát khỏi đau khổ đang nằm ngay trong đời sống của ta.
Đau khổ và đau đớn là các sự thật không thể tránh khỏi của cuộc đời. Một chúng sanh, theo định nghĩa thông thường của tôi, là một kẻ có khả năng kinh nghiệm đau đớn và đau khổ. Cũng có thể nói, kinh nghiệm về đau khổ nối liền ta cùng người khác. Nhưng vượt trên điều đó, ta có thể quán xét rằng, đau khổ chia ra làm hai loại (liên hệ nhau). Có những hình thái có thể tránh, khởi dậy từ các hiện tượng như chiến tranh, nghèo đói, bạo lực, tội ác — ngay cả các thứ như dốt nát và một số bệnh hoạn. Nhưng có những hình thái không thể nào tránh được, bao gồm các hiện tượng như bệnh, lão, và tử. Cho đến giờ, chúng ta chỉ bàn đến việc giải quyết các loại đau khổ có thể tránh, do loài người tạo ra. Giờ tôi xin quán xét rõ ràng hơn đến các loại không thể tránh.
Vấn đề và khó khăn ta đối diện trong cuộc đời không phải luôn luôn như là thiên tai. Ta không thể tự bảo vệ tránh chúng chỉ bằng cách phòng ngừa thận trọng, như là để dành thức ăn. Trong trường hợp bệnh hoạn, chẳng hạn, cho dù cố gắng giữ sức khỏe đến đâu bằng thể thao và ăn kiêng, dần dà thân thể ta cũng đi đến các vấn đề vật lý. Và khi chúng đến, ảnh hưởng trên đời sống có thể hệ trọng: chúng ngăn ta không làm được các điều muốn làm, đi đến các nơi muốn đến. Thường thì ta bị ngăn không được ăn các thức ta thích, thay vào đó phải uống các loại thuốc mùi vị đáng khiếp. Khi sự việc trở thành tệ hại, chúng ta có thể đau nhức ngày đêm — đến độ chỉ còn cầu mong chết.
Về sự già lão, từ ngày chúng ta mới chào đời, đã phải đối diện cùng viễn ảnh lão hóa và mất đi sự dẻo dai của tuổi trẻ. Đến lúc đó, tóc sẽ rụng, răng sẽ rụng, mắt mờ và tai điếc. Chúng ta không thể tiêu hóa các thức ăn từng ưa thích nữa. Dần dà, chúng ta lại quên đi mất nhiều việc lúc trước thật rõ ràng, và có khi còn quên cả tên các người thân thuộc của mình. Nếu sống thật lâu, chúng ta lại phải rơi vào trạng thái lọm khọm mà nhiều người chỉ cần nhìn thấy cũng đủ chán chê, mặc dù đấy mới đúng vào quãng thời gian mà ta cần đến họ nhất.
Rồi cái chết đến — hầu như là một đề tài cấm kỵ trong các xã hội văn minh. Mặc dù có khi chúng ta nhìn nó như một sự nhẹ nhõm và bất kể chuyện gì đến sau khi chết đi, cái chết có nghĩa là ta sẽ xa lìa các người thân thương, các sở hữu quý giá, thật vậy, tất cả những gì mà ta yêu chuộng.
Trong sự mô tả ngắn gọn về các đau khổ không thể tránh này, chúng ta phải thêm một loại khác. Đó là đau khổ khi gặp gỡ kẻ không muốn gặp — hoặc rủi ro hay tai nạn. Đó là đau khổ khi thứ ta muốn bị lấy mất đi — như các người tỵ nạn chúng tôi khi mất quê hương, nhiều người mất cả các người thân. Đó là đau khổ vì không đạt được điều mong muốn, dù đã bỏ thật nhiều công sức để làm. Mặc dù ta gẫy cả lưng khi làm việc trên cánh đồng, nhưng lại bị thất mùa; mặc dù làm việc ngày đêm cho một doanh nghiệp, lại chẳng thành công do lỗi ta hay lỗi người khác. Rồi lại còn đau khổ vì không biết chắc, vì không thể biết khi nào và ở đâu ta lại gặp nghịch cảnh. Từ kinh nghiệm của bản thân, tất cả chúng ta đều biết điều đó dẫn đến cảm giác bất an và lo lắng. Và làm tiêu hao hết tất cả việc ta làm, là thứ đau khổ của sự bất mãn, khởi lên cho dù khi ta đã đạt được điều mong muốn. Những sự kiện trên là thành phần của kinh nghiệm hàng ngày của mọi người vốn dĩ mong hạnh phúc và tránh đau khổ.
Nếu điều trên chưa đủ, còn có thêm sự kiện là các kinh nghiệm ta thường nghĩ là thích thú lại biến thành nguồn đau khổ cho mình. Chúng có vẻ như cung ứng sự thỏa mãn, nhưng lại không thật sự tạo được; đó là thứ hiện tượng ta từng nói đến trước đây. Thật thế, nếu nghĩ tận tường, ta sẽ thấy việc nhận thức các kinh nghiệm như là thích thú, cho đến cùng, chỉ được đền bù bằng một đau khổ rõ rệt hơn. Thí dụ như, ta ăn để trấn áp cơn đói. Ta ăn một miếng lớn, rồi hai, ba, bốn, năm và tận hưởng kinh nghiệm đó — nhưng chẳng bao lâu, cùng một người và cùng thức ăn đó, ta bắt đầu cảm thấy hết muốn ăn. Nếu không ngưng lại, việc đó sẽ hại ta — cũng như thực tế của hầu hết mọi thứ lạc thú trần gian đều tác hại cho ta nếu đi đến thái quá. Đó là tại sao hài lòng là điều cần thiết nếu ta muốn hạnh phúc thật sự.
Tất cả các biểu hiện đau khổ nói trên có căn bản không thể tránh, và đích thật là các sự kiện tự nhiên của đời sống. Điều đó không có nghĩa là, cuối cùng, chúng ta không làm gì được trước chúng. Cũng không có nghĩa là nó không liên hệ đến vấn đề giới luật luân lý. Quả thật, theo Phật giáo và các triết lý tôn giáo Ấn độ khác, đau khổ là kết quả của nghiệp quả "karma". Nhiều người, Đông phương cũng như Tây phương, giả định rằng "karma" mang ý nghĩa, bất cứ điều gì ta kinh nghiệm đều đã được tiền định; tuy nhiên nghĩ vậy là hoàn toàn sai lầm. Đó lại càng không phải một cái cớ để khỏi chịu trách nhiệm trong bất cứ mọi hoàn cảnh nào.
Bởi vì từ "karma" đã đi vào ngữ vựng phổ thông, cho nên cần thiết phải làm sáng tỏ khái niệm này hơn. "Karma "trong tiếng Sanskrit có nghĩa là "hành động." Nó ghi nhận một sức mạnh tích cực, việc làm ra như kết quả của các sự kiện tương lai có thể bị ảnh hưởng bởi các hành của ta. Giả thiết "karma" là một thứ năng lực độc lập nào đó ấn định trước trọn dòng đời của ta vốn hoàn toàn sai lầm. Ai đã tạo ra "karma"? Chính chúng ta. Điều ta nghĩ, nói, làm, muốn, và thiếu tạo thành "karma". Như tôi đã viết, lấy thí dụ, hành động tạo thành một trường hợp mới và hậu quả mới của một sự kiện nào đó. Lời của tôi tạo nên một phản ứng trong trí độc giả. Trong mỗi việc ta làm, luôn luôn có nhân và quả, nhân và quả. Trong đời sống hàng ngày, thực phẩm ta ăn, công việc ta làm, và sự nghỉ ngơi của ta đều là tác dụng của hành động: hành động của chúng ta. Đó chính là "karma". Do đó, chúng ta không thể dấu tay đi khi nào thấy mình đối đầu cùng các đau khổ khó tránh. Nếu cho mỗi sự không may chỉ đều do kết quả của "karma" là tương đương với việc bảo rằng chúng ta hoàn toàn bất lực trong cuộc đời. Nếu điều đó đúng, sẽ không còn lý do gì mà hy vọng. Chúng ta tốt nhất nên cầu nguyện cho ngày tận thế.
Một sự thẩm định đúng hơn về nhân quả đề khởi rằng, khác xa với sự bất lực, có rất nhiều điều chúng ta có thể làm hầu tạo ảnh hưởng trên kinh nghiệm đau khổ của mình. Lão, bệnh, và tử không thể tránh. Nhưng, đối với các sự dày vò của các ý niệm và cảm xúc tiêu cực, chúng ta chắc chắn có sự chọn lựa một cách phản ứng đối với các sự việc của đau khổ xảy ra. Nếu muốn, ta có thể chọn một khuynh hướng ít đam mê và duy lý hơn, và trên nền tảng có thể giới chế các phản ứng của mình. Mặt khác, ta có thể chỉ cần tránh các sự không may đó. Nhưng khi làm thế, chúng ta có thể trở nên bị dồn nén. Kết quả là, cảm xúc phiền nhiễu trổi dậy và an bình nội tâm của chúng ta bị phá hủy. Khi ta không giới hạn các xu hướng phản ứng tiêu cực trước đau khổ, nó sẽ trở nên một nguồn ý niệm và cảm xúc tiêu cực. Như thế có một liên hệ rõ rệt giữa ảnh hưởng nỗi khổ trong tâm trí ta và sự thật hành giới luật nội tại.
Thái độ căn bản của ta đối với đau khổ rất khác biệt với cách ta kinh nghiệm nó. Thí dụ như, có hai người đau khổ trước một hình thức tương tự của bệnh ung thư. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bệnh nhân đó là cái nhìn của họ về bệnh trạng. Một người nhìn nó như điều gì phải chấp nhận, và nếu có thể, chuyển thành cơ hội để phát huy một sức mạnh nội tại. Một người lại phản ứng trước trường hợp của mình bằng sự sợ hãi, cay đắng, và lo lắng cho tương lai. Mặc dù trên các triệu chứng thuần vật lý, có thể không có khác biệt giữa hai người trong những gì họ đang đau khổ; nhưng lại có một khác biệt sâu xa trong kinh nghiệm của họ về cơn bệnh của mình. Trong trường hợp sau, thêm vào với sự đau đớn vật lý, là một sự đau khổ tinh thần sâu đậm.
Điều này đề khởi rằng, mức độ của đau khổ ảnh hưởng đến chúng ta tùy thuộc nhiều vào chính mình. Do vậy, điều thiết yếu là giữ một phối cảnh thích đáng trên kinh nghiệm về đau khổ. Khi nhìn thật gần vào một vấn đề đặc biệt nào đó, ta thấy như nó lớn lao quá và lấp trọn cả nhãn quan. Tuy nhiên, nếu nhìn cùng vấn đề đó ở từ xa, tự động ta sẽ thấy được sự liên hệ của nó cùng các vật khác. Hành động đơn giản đó tạo ra một sự khác biệt to tát. Nó cho phép ta nhận ra rằng mặc dù hoàn cảnh đưa đến quả thật bi thảm, nhưng ngay cả sự kiện bất hạnh nhất cũng có nhiều diện dị biệt và có thể đến gần bằng nhiều góc cạnh khác nhau. Thật thế, rất hiếm khi, nếu chẳng phải là không bao giờ, có thể tìm thấy một trường hợp hoàn toàn tiêu cực cho dù ta nhìn nó bất cứ cách nào.
Khi thảm kịch hoặc bất hạnh đến với ta — chắc chắn chúng phải đến — điều cần ích là phải so sánh với một sự kiện khác, hoặc nhớ lại một trường hợp tương tự hay tệ hơn đã từng xảy ra, nếu không phải của ta, thì của người khác ta từng gặp. Khi đã chuyển được tầm nhìn ra khỏi cái ngã và hướng về người khác, ta sẽ kinh nghiệm được một hiệu quả giải thoát. Có một điều về tánh năng động của sự tự kỷ tư duy, hoặc bận tâm về chính ta nhiều quá, sẽ tạo khuynh hướng phóng đại nỗi khổ của mình. Đảo lại, khi nhìn nó trong liên hệ cùng nỗi khổ của người khác, ta bắt đầu nhận ra, trên diện tương đối, nó chẳng phải là không thể chịu đựng được.
Điều này cho phép ta bảo tồn được an bình nội tâm dễ dàng hơn khi ta chỉ tập trung vào vấn đề của mình mà bỏ quên hết tất cả điều khác.
Theo kinh nghiệm của chính cá nhân tôi, chẳng hạn như, khi tôi nghe tin xấu về Tây tạng — đáng buồn là quá thường xuyên — tự nhiên phản ứng tức khắc của tôi là nỗi buồn. Nhưng, khi đưa vào khuôn khổ và tự nhắc nhở về khuynh hướng căn bản của con người cần tình thương, tự do, sự thật và công lý phải luôn luôn được đề cao, tôi thấy mình có thể đối phó một cách khá tốt. Các cảm xúc giận dữ không kềm hãm nổi — vốn không làm gì hơn ngoài việc đầu độc trí óc, cay đắng con tim, và bạc nhược ý chí — thường ít khi trổi dậy, cho dù trước các tin tệ hại nhất.
Cũng cần nhớ rằng, thời điểm của sự đạt đến trí tuệ và nội lực cao nhất thường cũng là lúc khó khăn nhất. Với khuynh hướng đúng — ở đây ta lại thấy tầm quan trọng tối thượng của việc phát triển một thái độ tích cực — kinh nghiệm đau khổ có thể mở mắt ta trước thực tế. Thí dụ như, kinh nghiệm bản thân tôi về cuộc đời như là một người tỵ nạn giúp tôi ý thức được rằng những nghi thức bất tận, như là một phần quan trọng trong đời tôi ở Tây tạng, quả thật chẳng cần thiết. Chúng ta còn thấy rằng lòng tự tin và tự trọng có thể phát huy hơn, và sự can đảm được tăng cường hơn như kết quả từ nỗi khổ. Điều này có thể thấy trong thế giới quanh ta. Ở cộng đồng tỵ nạn, chẳng hạn, trong số những người còn sống sót của các năm lưu vong đầu tiên, tôi được biết một số người, dù đau khổ khủng khiếp, nhưng lại là các cá nhân có tinh thần mạnh mẽ nhất và niềm vui vô ái ngại. Ngược lại, chúng ta lại thấy, có một số người đối diện cùng các nghịch cảnh nhỏ nhặt, dù họ có đủ thứ, nhưng lại nghiêng về sự mất hy vọng và đi vào tuyệt vọng. Xu hướng tự nhiên muốn giàu có thường làm hỏng ta. Kết quả thông thường là nó dần dà khiến ta cảm thấy khó chịu đựng được các vấn đề mà bất cứ người nào thỉnh thoảng cũng phải đối phó.
Thử xét đến các sự chọn lựa khả hữu khi ta phải đối diện cùng vấn đề đặc biệt. Ở một cực, ta có thể để cho mình bị đắm chìm trong đó. Ở cực kia, ta chỉ cần đi ăn ngoài trời hay giải trí và quên nó đi. Khả năng thứ ba là trực tiếp đối diện cùng trường hợp. Điều này bao gồm việc quán xét, phân tích, thẩm định nhân quả, và tìm giải pháp cho nó.
Mặc dù cách thứ ba đôi khi khiến chúng ta phải đau thêm trong một thời gian ngắn, nhưng rõ ràng nó đáng chọn hơn hai cách kia. Nếu ta cố tránh hoặc chối một vấn đề chỉ bằng cách quên bỏ nó hoặc uống rượu hay hút thuốc, hoặc ngay cả dùng vài hình thức hành thiền hay cầu nguyện nào đó như phương tiện để trốn thoát, trong khi còn có một cơ hội giải thoát ngắn hạn, như thế vấn đề vẫn còn đó. Khuynh hướng như trên chỉ tránh né chứ không giải quyết được vấn đề. Một lần nữa, nguy cơ sẽ được thêm vào trên vấn đề đầu tiên, và tiếp theo đó là sự bất ổn tinh thần và cảm xúc. Các sự phiền nhiễu của lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ cứ chồng chất lên. Dần dà, có thể đưa đến sự giận dữ và tuyệt vọng, kéo theo đủ thứ đau khổ xa hơn (cho chính ta và người).
Thử hình dung một tai nạn như bị bắn vào bụng. Cơn đau rất dữ dội. Chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên, ta cần phải lấy viên đạn ra và chịu đựng việc giải phẫu. Điều này càng làm đau đớn hơn. Tuy nhiên ta phải chấp nhận điều đó hầu vượt qua được vấn đề tiên khởi. Tương tự, do sự nhiễm độc, hoặc một tổn hại kinh khủng nào đó, có thể ta phải mất tay hoặc chân hầu giữ tánh mạng. Dĩ nhiên, ta phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận hình thức đau khổ đó, hầu tránh khỏi sự đau khổ lớn hơn của cái chết. Chỉ là lẽ thường khi phải chịu đựng khổ sở trong việc làm nào đó hầu tránh một sự tệ hại hơn. Tôi nhìn nhận không phải luôn luôn dễ dàng quyết định. Khi lên sáu bảy tuổi, tôi bị chủng ngừa bệnh đậu. Nó quả thật là đau, khiến tôi phải phát ngờ, dù được cho biết cơn đau đó không nhằm nhò gì so với bệnh chứng. Cơn đau kéo dài mất mười ngày, và kết quả hiện tôi vẫn còn bốn cái sẹo lớn!
Nếu viễn cảnh đương đầu cùng nỗi khổ đến trước mặt đôi khi có vẻ hơi dọa nạt, nhưng cần nên nhớ thật ra không có gì trong các kinh nghiệm thông thường của ta là thường trực. Tất cả hiện tượng đều có tánh biến hóa và hoại diệt. Cũng thế, như trong một mô tả về hiện thực mà tôi từng đề ra, chúng ta sai lầm nếu giả thiết rằng kinh nghiệm đau khổ — hay hạnh phúc — có thể đến chỉ từ một nguồn duy nhất. Theo lý thuyết về căn nguyên tùy thuộc, mọi thứ đều khởi dậy trong khuôn khổ của vô số nguyên nhân và điều kiện. Nếu không phải thế, một khi tiếp xúc cùng thứ gì xem như tốt, ta sẽ tự động vui; và khi tiếp xúc cùng thứ gì xem như xấu, ta sẽ tự động buồn. Nguyên nhân của niềm vui và nỗi buồn như thế quá dễ nhận, và cuộc đời quá đỗi giản dị. Chúng ta sẽ có các lý do tốt để ràng buộc cùng một hạng người hay sự vật hay sự kiện nào đó, và giận ghét hay tránh né các thứ khác. Nhưng đó lại không phải là hiện thực.
Cá nhân tôi nhận thấy các lời khuyên về nỗi khổ của vị thánh hiền Ấn độ Shantideva rất hữu ích. Điều cốt yếu, theo ông, là khi chúng ta đối diện cùng bất cứ khó khăn nào, đừng để chúng làm ta tê liệt. Nếu bị như thế, ta đã sa vào nguy cơ bị chúng phủ ngập.
Thay vì vậy, hãy sử dùng các cơ năng quan yếu, quán xét bản chất của chính vấn đề. Và khi ta thấy rằng có các khả năng giải quyết nó cách này hay cách khác, không cần phải lo lắng nữa. Điều hữu lý là nên đặt toàn năng lực trên các phương tiện đó mà hành động.
Nếu, mặt khác, ta thấy bản chất của vấn đề không thể có giải pháp, thì không có điểm gì để lo buồn nữa. Nếu không có gì thay đổi được tình trạng, lo buồn càng chỉ làm tệ hại thêm lên. Đặt bên ngoài khuôn khổ của thứ triết lý về cực điểm của một loạt tư duy phức tạp, khuynh hướng của Shantideva nghe như là giản dị hóa. Nhưng vẻ đẹp của nó nằm chính ở phẩm chất giản dị đó. Và không ai có thể lý luận gì thêm trước lẽ thật trong suốt của nó.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào vấn đề đau khổ có mục tiêu thực tế nào đó. Nhưng nếu kinh nghiệm về đau khổ nhắc nhở ta đến điều người khác phải chịu đựng, nó là một phối hợp mạnh mẽ cùng việc thật hành từ bi và giới chế các nhân duyên đau khổ. Và trong khuôn thức khơi dậy được thiện cảm và giúp ta cảm thông tha nhân, đau khổ có thể đóng góp như một nền tảng của từ bi và tình thương. Tôi xin nhắc lại thí dụ về vị hành giả Tây tạng đã ngồi tù hơn hai mươi năm và chịu đựng sự đối xử hà khắc nhất kể cả tra tấn, sau khi đất nước chúng tôi bị xâm chiếm. Trong thời gian đó, các đệ tử của ông đào vong được thường cho tôi biết rằng, các lá thư ông viết và lén gởi khỏi trại giam đều chứa đựng các lời giảng dạy về tình thương và từ bi sâu xa nhất mà họ chưa từng gặp. Các nghịch cảnh, dù có khả năng biến thành nguồn hận thù và tuyệt vọng, đồng thời cũng có khả năng biến thành nguồn phát triển tâm linh. Kết quả cách này hay cách khác chỉ tùy thuộc vào phản ứng của chúng ta.