- Chương 1: Xã hội tân tiến và truy tầm hạnh phúc cho loài người
- Chương 2: Không phép lạ, không bí mật
- Chương 3: Căn nguyên tuỳ thuộc và bản chất của thực tế
- Chương 4: Tái định mục tiêu
- Chương 5: Cảm xúc tối thượng
- Chương 6: Luân lý về nhẫn
- Chương 7: Luận lý về hạnh
- Chương 8: Luận lý về từ bi
- Chương 9: Luận lý về đau khổ
- Chương 10: Nhu cầu nhận thức
- Chương 11: Trách nhiệm toàn cầu
- Chương 12: Trình độ dấn thân
- Chương 13: Luân lý trong xã hội
- Chương 14: Hoà bình và giải giới
- Chương 15: Vai trò tôn giáo trong xã hội tân tiến
- Chương 16: Lời kêu gọi
Chương
11
TRÁCH
NHIỆM TOÀN CẦU
Tôi tin rằng mỗi hành động của chúng ta đều có một chiều phổ quát toàn cầu. Vì thế, giới luật luân lý, hành vi thiện lành, và nhận thức thận trọng là các chất liệu thiết yếu cho một đời sống ý nghĩa, hạnh phúc. Nhưng chúng ta thử quán xét về tầm mức tương quan cùng cộng đồng rộng lớn hơn.
Trong quá khứ, gia đình và các cộng đồng nhỏ chỉ hiện hữu độc lập ít hay nhiều giữa cái này và cái kia. Nếu họ đặt vấn đề an sinh của các đồng loại càng nhiều thì càng tốt. Lại nữa, họ không thể sanh tồn nếu thiếu phối cảnh đó. Trường hợp đó không còn giống như vậy. Hiện thực ngày nay rất phức tạp, và ít ra trên lãnh vực vật chất, thế giới nối liền nhau quá rõ rệt đến độ cần phải có một nhãn quan khác hẳn. Nền kinh tế hiện đại là một trường hợp cao điểm. Thị trường chứng khoán sụp đổ ở phía bên này của địa cầu có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước phía bên kia. Tương tự, thành quả kỹ thuật trong các sinh hoạt hiện nay lại có một ảnh hưởng tác hại không còn ngờ vực đến môi trường thiên nhiên. Và vấn đề dân số cho thấy chúng ta không thể bỏ quên ích lợi của người khác nữa. Thật thế, chúng ta có quá nhiều sự ràng buộc cho thấy khi phục vụ cho lợi ích của ta cũng tạo lợi ích cho người khác, ngay khi đó không phải là ý định rõ rệt của ta. Thí dụ, khi hai gia đình chia cùng một nguồn nước, phải bảo đảm cho sự không ô nhiễm sẽ làm lợi cho cả đôi bên.
Trên nhãn quan đó, tôi tin điều cốt yếu là chúng ta phải vun bồi một cảm thức mà tôi gọi là trách nhiệm toàn cầu (hay phổ quát). Dùng chữ này không hoàn toàn chính xác như từ ngữ Tây tạng mà tôi có trong đầu, "chi sem", có nghĩa từng chữ là, tâm thức (chi) toàn cầu (sem). Mặc dù khái niệm về trách nhiệm được ngụ ý nhiều hơn là nói rõ rệt trong tiếng Tây tạng, nhưng nó hàm chứa sâu xa trong đó. Khi tôi nói đặt căn bản trên sự quan tâm đến an sinh tha nhân hầu có thể phát triển một cảm thức trách nhiệm toàn cầu, tôi không ngụ ý đề xướng mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến, chẳng hạn như, chiến tranh hay nạn đói kém ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng trong thật hành Phật giáo, chúng tôi thường tự nhắc nhở mình về bổn phận phải phục vụ cho toàn thể chúng sanh trong vũ trụ. Tương tự, các người hữu thần tin là phụng vụ cho Thượng đế sẽ kéo theo phụng vụ cho an sinh của tất cả con cái Ngài. Nhưng có vài điều hiển nhiên, như là sự nghèo đói của một làng nhỏ cách xa vạn dặm, xem như hoàn toàn vượt phạm vi của một cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là nhìn nhận lỗi lầm, mà một lần nữa, là một sự tái định hướng tâm và trí vượt khỏi cái ngã đến hướng đến tha nhân. Phát triển được một cảm thức trách nhiệm toàn cầu — của tầm kích toàn cầu trong mỗi hành động của ta và của quyền bình đẳng giữa mọi người trong hạnh phúc và tránh đau khổ — là phát triển một thái độ của tâm, sao cho mỗi khi nhìn thấy bất cứ cơ hội nào lợi lạc cho tha nhân, ta sẽ nắm lấy, thay vì chỉ chú trọng hạn hẹp vào lợi ích bản thân. Nhưng, dĩ nhiên, vì chúng ta còn phải quan tâm đến cả những gì ngoài phạm vi của mình, do đó, cần chấp nhận nó như là thành phần của thiên nhiên, và quan tâm đến việc làm nào lợi lạc nhất có thể được.
Một ích lợi quan trọng trong sự phát triển cảm thức về trách nhiệm toàn cầu chính là giúp chúng ta trở nên nhạy cảm đối với tất cả — không phải chỉ riêng với những người thân cận. Chúng ta sẽ thấy nhu cầu phải chăm sóc đặc biệt cho những thành phần của gia đình nhân loại chịu nhiều đau khổ nhất. Chúng ta nhận ra nhu cầu phải tránh gây chia rẽ giữa đồng loại. Và chúng ta ý thức được tầm quan trọng vượt bực của sự hài lòng do tri túc.
Khi bỏ quên an sinh tha nhân và không biết đến tầm kích toàn cầu trong hành động của mình, điều khó tránh là chúng ta sẽ thấy các lợi ích của mình dường như cách biệt cùng của họ. Chúng ta sẽ đánh mất sự hợp nhất nền tảng trong gia đình nhân loại. Dĩ nhiên, rất dễ nêu ra vô số yếu tố đi ngược lại khái niệm hợp nhất này. Trong đó kể cả sự khác biệt tín ngưỡng, ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, vân vân. Nhưng khi nhấn mạnh quá nhiều đến các khác biệt giả tạo đó, ngay cho dù các sự phân biệt nhỏ nhặt, cứng nhắc, chúng ta cũng không tránh khỏi mang thêm đau khổ đến cho chính mình và người khác. Điều đó thật vô nghĩa. Loài người chúng ta đã chịu quá nhiều khó khăn. Chúng ta phải đối diện cùng cái chết, tuổi già, và bệnh hoạn — không kể việc gặp phải bất mãn. Đó là các thứ chúng ta không sao tránh khỏi. Bấy nhiêu đó chưa đủ sao? Tại sao còn phải tạo nhiều thứ vấn đề không cần thiết chỉ đặt căn bản trên các khác biệt tư tưởng hoặc màu da?
Khi thẩm định các hiện trạng đó, chúng ta thấy cả hai, luân lý lẫn nhu cầu, đều cần một thứ giải pháp. Nhằm vượt qua khuynh hướng bỏ quên yêu cầu và ích lợi của người khác, chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở mình về một điều rất hiển nhiên: đó là trên bản chất, chúng ta đều như nhau. Tôi đến từ Tây tạng; đa số độc giả quyển sách này không phải là người Tây tạng. Nếu tôi được gặp riêng từng độc giả và nhìn kỹ họ, tôi chắc hẳn sẽ thấy phần đông quả có các đặc điểm khác tôi ở ngoài mặt. Nếu tôi tập trung vào các điểm khác biệt đó, sẽ làm chúng trở thành điều gì quan trọng. Nhưng kết quả sẽ làm cho chúng ta xa nhau hơn là gần nhau.
Nếu, mặt khác, tôi lại nhìn mỗi người như cùng một giống với tôi — giống người với một cái mũi hai con mắt vân vân, bỏ qua sự khác biệt của hình tướng và màu sắc — thì tự động sẽ thấy cảm thức cách biệt đó phai nhạt đi. Tôi sẽ thấy rằng tất cả chúng ta đều có cùng thứ thịt da của con người, và hơn nữa, người khác cũng như tôi, đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ. Trên căn bản của nhận thức đó, tôi cảm thấy xu hướng tự nhiên về họ. Và mối quan tâm đến sự an sinh của họ cũng tự động khơi dậy trong tôi.
Tuy thế, dù rằng hầu hết mọi người đều muốn chấp nhận nhu cầu hợp nhất trong nhóm riêng của họ, và trong đó, sự cần thiết quan tâm đến an sinh cho người khác, họ vẫn có khuynh hướng lãng quên phần còn lại của nhân loại. Làm như vậy, chúng ta bỏ quên không phải chỉ có bản chất tùy thuộc của thực tại, mà còn cả hiện thực của trường hợp riêng. Nếu một nhóm người, một chủng tộc, hoặc một dân tộc, có thể đạt hoàn toàn sự thỏa mãn và trọn vẹn hoàn toàn tự lập và không tùy thuộc chỉ trong hạn định của xã hội mình, thì có thể lý luận rằng, sự phân biệt cùng các người bên ngoài có thể đúng. Nhưng đây lại không phải thế. Thật vậy, thế giới tân tiến ngày nay được thiết lập trên phương thức các ích lợi của một cộng đồng riêng biệt nào đó không thể còn có thể nằm trong giới hạn của các biên giới cõi bờ.
Vun bồi sự hài lòng như thế chính là điều thiết yếu hầu bảo tồn việc chung sống hòa bình. Sự không hài lòng nảy sanh ra việc muốn chiếm hữu, vốn chẳng bao giờ được thỏa mãn. Nếu điều con người tìm vốn có bản chất vô hạn định, như phẩm chất về lòng khoan dung chẳng hạn, thì vấn đề sự hài lòng không cần đề ra. Khi chúng ta càng gia tăng khả năng khoan dung, thì chúng ta lại càng khoan dung. Đối với các phẩm chất tâm linh, hài lòng không cần thiết mà cũng không được mong muốn. Nhưng nếu điều ta tìm có hạn định, thì sẽ có nguy cơ là một khi đạt được nó, ta lại sẽ không hài lòng.
Trong trường hợp một người muốn giàu có, ngay dù người đó có thể nắm trọn guồng máy kinh tế cả nước trong tay, cũng có thể bắt đầu nghĩ đến việc xâm chiếm nền kinh tế của nước khác. Tham muốn có hạn định này không bao giờ có thể thỏa mãn. Mặt khác, khi phát huy được sự hài lòng, chúng ta có thể không bao giờ bị mất hy vọng hoặc mất ảo vọng.
Thiếu sự hài lòng — sẽ đi dần vào tham lam — là gieo trồng các hạt giống của đố kỵ và tranh chấp, và đưa đến một nền văn hóa vật chất cực đoan. Không khí tiêu cực tạo dựng trở thành một khuôn khổ cho mọi thứ bệnh hoạn xã hội sẽ mang đến đau khổ cho mọi người trong cộng đồng. Nếu đây là trường hợp tham lam và đố ky không có phản ứng ngược, thì vấn đề chỉ diễn ra trong cộng đồng này. Nhưng, thường thì không phải như thế. Đặc biệt, thiếu sự hài lòng là một nguồn gây tổn hại đến môi trường thiên nhiên, và do đó, gây thiệt hại đến người khác. Người khác nào? Đặc biệt là kẻ nghèo và kẻ yếu. Trong cộng đồng riêng của họ, người giàu mạnh có thể bỏ đi nơi khác để tránh, nạn ô nhiễm cao độ chẳng hạn, còn người nghèo yếu không có sự lựa chọn.
Tương tự, người dân trong các xứ nghèo, không có nguồn tài nguyên để sử dụng, còn phải chịu đựng cả sự quá đáng của các nước giàu và nạn ô nhiễm từ kỹ thuật thô thiển của chính mình. Các thế hệ sắp đến cũng phải lãnh chịu đau khổ đó. Và dần dà mọi người chúng ta đều phải đau khổ. Bằng cách nào? Chúng ta sống trong một thế giới do ta góp phần tạo dựng. Nếu ta không chọn sự cải thiện hành động của mình trong sự tương kính bình quyền hưởng hạnh phúc và tránh đau khổ cho tha nhân, thì chẳng bao lâu ta sẽ thấy các hậu quả tiêu cực. Thử tưởng tượng nạn ô nhiễm do hơn hai tỷ chiếc xe thêm vào. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn thể chúng ta. Như thế, hài lòng tri túc không phải chỉ là một vấn đề luân lý. Nếu chúng ta không muốn gia tăng kinh nghiệm đau khổ của chính mình, thì đây là một vấn đề khẩn thiết.
Đó là một trong các lý do khiến tôi tin rằng sự bành trướng không giới hạn của nền kinh tế cần phải đặt vấn đề. Theo quan điểm của tôi, nó chỉ tạo thêm nhiều sự bất hòa, kéo theo rất nhiều vấn đề, cả xã hội lẫn môi sinh. Còn có cả sự kiện là trong khi tận hiến trọn vẹn cho sự phát triển vật chất, chúng ta sẽ bỏ quên sự thực thi phổ quát lên trọn cộng đồng rộng lớn. Lại nữa, điều này không phải chỉ là vấn đề hố cách biệt giữa Thế giới thứ Nhất và thứ Ba, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa xứ tiền tiến và chậm tiến, giữa giàu và nghèo, giữa vô đạo đức và sai quấy. Đây là vấn đề của cả hai phía. Nhưng ý nghĩa nhất chính là sự kiện bất bình đẳng này tự nó là nguồn khởi loạn đối với tất cả mọi người. Trong ý nghĩ đó, thử đơn cử một thí dụ, Âu châu là toàn thế giới, chứ không phải chỉ là nơi cư ngụ của khoảng dưới mười phần trăm dân số thế giới, từ cơ sở đó, lý tưởng vượt trội của một sự tiến bộ không ngừng còn có thể biện luận hữu lý. Tuy nhiên thế giới không phải chỉ có Âu châu. Hiện trạng là có rất nhiều người đang đói khát ở khắp các nơi khác. Và sự bất quân bình sâu xa như thế, một phần do hậu quả tiêu cực của đủ các thứ, cho dù không phải là trực tiếp: người giàu có cũng cảm nhận triệu chứng nghèo thiếu trong đời sống hàng ngày của mình. Thử xét xem, các máy thu hình lén đặt khắp nơi, các hàng rào an toàn trên khung cửa sổ, tất cả cho thấy người giàu thiếu thốn cảm giác an bình và an toàn.
Trách nhiệm toàn cầu còn đưa chúng ta đến sự bảo toàn nguyên tắc chân thật. Tôi muốn ngụ ý gì? Chúng ta có thể nghĩ đến sự chân thật và thiếu chân thật trong khuôn khổ mối tương quan giữa bề ngoài và thực tế. Đôi khi chúng có vẻ như tương hợp với nhau, nhưng thường thì không. Khi chúng tương hợp, có thể xem là chân thật, theo như tôi hiểu. Như thế chúng ta chân thật khi các hành động của ta đúng như bề ngoài chúng thể hiện. Khi chúng ta giả dạng như thứ này, nhưng trên thực tế chúng ta lại là thứ khác, người khác sẽ phát khởi nghi ngờ, e sợ. Và e sợ là điều tất cả mọi người cần tránh. Đảo lại, nếu trong cách xử thế cùng mọi người chung quanh, ta cởi mở và thành thật trong bất cứ điều gì nói và nghĩ và làm, mọi người không cần phải sợ ta. Điều này đúng cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Hơn nữa, khi hiểu được giá trị của sự chân thật trong mọi thể hiện, chúng ta sẽ nhận ra không có sự khác biệt tối hậu giữa nhu cầu của cá nhân và nhu cầu của toàn cộng đồng. Các con số tuy có khác nhau, nhưng sự mong ước và quyền không muốn thất vọng của họ đều như nhau. Như thế, khi tận tâm bảo toàn sự chân thật, chúng ta giảm thiểu được mức hiểu lầm, nghi ngờ và sợ hãi của xã hội. Bằng một cách nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa, chúng ta tạo điều kiện cho một thế giới hạnh phúc.
Vấn đề công lý liên hệ mật thiết với cả trách nhiệm toàn cầu lẫn vấn đề chân thật. Công lý kéo theo sự đòi hỏi phải hành động khi nhận thức được sự bất công. Thật vậy, thất bại trong hành động đó có thể sai quấy, tuy rằng không sai trong cảm thức là ta xấu từ bản chất. Nhưng nếu ta ngần ngại nói lên sự công bằng, chỉ vì một cảm thức quy ngã nào đó, đó lại là một vấn đề. Nếu phản ứng của ta trước sự bất công là đặt câu hỏi, "Việc gì sẽ xảy đến cho tôi nếu tôi nói lên? Có thể người ta sẽ không ưa tôi," thì điều đó vốn vô luân, vì chúng ta đã bỏ qua sự liên hệ rộng lớn từ sự im lặng của mình. Cũng chẳng thích đáng và ích lợi khi đưa vào khuôn khổ của sự bình quyền của tất cả trước hạnh phúc và tránh đau khổ.
Điều này cũng đúng ngay khi, lấy thí dụ, chính quyền hoặc cơ chế phán rằng, "Đây là việc của chúng tôi" hoặc "Đây là việc nội bộ." Không những chúng ta có bổn phận phải nói lên trong các trường hợp như thế, mà quan trọng hơn nữa, đó là một phục vụ cho tha nhân.
Đương nhiên, có thể phản đối rằng, một sự chân thật như thế không phải lúc nào cũng khả thi, và chúng ta cần phải "thực tế." Hoàn cảnh của chúng ta có thể ngăn ngừa hành động theo đúng với trách nhiệm. Chẳng hạn như, gia đình riêng của ta có thể bị hại, nếu ta nói lên khi chứng kiến cảnh bất công. Nhưng trong khi ta phải đảm đang cùng hiện thực trong đời sống hàng ngày, điều cốt yếu là phải giữ một tầm nhìn rộng lớn. Chúng ta phải thẩm định các nhu cầu của mình theo tương quan cùng với nhu cầu của người khác; và phán đoán về hành động hoặc không hành động của mình sẽ ảnh hưởng ra sao cho họ trong dài hạn. Rất khó chỉ trích những người lo lắng cho các người thân của họ. Nhưng đôi khi cần phải chịu hy sinh vì lợi ích của một cộng đồng rộng lớn hơn.
Cảm thức trách nhiệm đối với tất cả mọi người nghĩa là, vừa như các cá nhân và một tập thể các cá nhân, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc đến mỗi thành phần trong xã hội của mình. Điều đó không quan hệ thật sự đến khả năng vật lý hoặc tinh thần của họ. Cũng giống như ta, những người đó có quyền hạnh phúc và tránh đau khổ. Chúng ta phải tránh, bằng mọi giá, sự thôi thúc bỏ rơi các kẻ quá phiền não, xem họ như gánh nặng. Các người bệnh hoạn hay bên ngoài lề cũng cần được đối xử như vậy. Đẩy họ ra ngoài tức là tạo đau khổ chồng chất thêm. Nếu chúng ta ở trong các điều kiện đó, cũng chỉ mong được người khác giúp đỡ. Do đó, chúng ta cần phải đảm bảo người bệnh hoạn và phiền não không bao giờ cảm thấy bị bỏ quên, không được giúp đỡ hoặc bảo vệ. Thật vậy, lòng ưu ái dành cho các người đó, theo ý tôi, là thước đo sức khỏe tâm linh của ta, cả ở mức độ cá nhân lẫn xã hội.
Tôi có vẻ như quá sức lý tưởng trong bài nói chuyện về trách nhiệm toàn cầu này. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng tôi từng trình bày trước công luận từ chuyến thăm viếng Tây phương lần đầu tiên của tôi, vào năm 1973. Vào những ngày đó, nhiều người còn nghi ngờ về các khái niệm này. Tương tự, đến nay cũng không phải dễ khiến mọi người thích thú về khái niệm hòa bình thế giới. Tuy nhiên, tôi rất được khích lệ khi ghi nhận rằng ngày hôm nay, một con số gia tăng đang bắt đầu phản ứng rất thuận lợi cho các ý tưởng đó.
Như kết quả từ rất nhiều sự kiện phi thường mà nhân loại kinh nghiệm trong thế kỷ hai mươi, chúng ta đã trở nên chín chắn hơn. Vào thập niên năm mươi và sáu mươi, và ngay cả ở vài nơi gần đây, nhiều người cảm thấy các xung đột cuối cùng chỉ có thể giải quyết qua chiến tranh. Ngày nay, sự suy tưởng đó chỉ còn dấy động trong lòng một thiểu số. Và cho dù trong tiền bán thế kỷ này, nhiều người còn tin tưởng rằng tiến bộ và phát triển trong xã hội phải được theo đuổi qua các chế độ cứng rắn, sự sụp đổ của phát xít, tiếp theo là sự tan biến của cái gọi là Bức Màn Sắt, đã cho thấy đó là một thứ nghiệp vụ vô vọng. Tưởng cần ghi nhận rằng, bài học từ lịch sử cho thấy, dùng bạo lực áp chế trật tự chỉ có thể tồn tại trong đoản kỳ. Hơn nữa, sự thỏa hiệp (ngay cả trong số các Phật tử) rằng khoa học và tâm linh không thể hòa hợp, đã trở thành một điều không còn đứng vững. Ngày nay, khi kiến thức khoa học về bản chất của thực tại càng sâu xa hơn, thì nhận thức đó đã thay đổi. Vì vậy, người ta bắt đầu biểu lộ nhiều thích thú về thứ mà tôi đã gọi là thế giới nội tại. Tôi muốn nói đến các động lực và tác năng của tâm thức, hoặc tinh thần: tâm và trí của chúng ta. Lại có một sự gia tăng trên toàn cầu của ý thức về môi sinh, và sự nhận biết rằng không phải chỉ có các cá nhân hoặc ngay cả trọn một quốc gia là có thể tự giải quyết lấy các vấn đề của chính mình, mà chúng ta ai ai cũng cần đến nhau. Đối với tôi, tất cả điều đó là những tiến triển đầy khích lệ, chắc chắn sẽ đưa đến các kết quả trường kỳ. Tôi cũng được khích lệ bởi sự kiện của nhu cầu tìm các giải pháp bất bạo động cho các xung đột, nhằm đưa ra tinh thần hòa giải mới. Còn một điều, như chúng ta đã từng ghi nhận, là sự chấp nhận gia tăng về tánh cách toàn cầu của nhân quyền, và nhu cầu nhìn nhận sự đa dạng trong các lãnh vực quan trọng chung, như là các vấn đề tôn giáo. Điều này tôi tin đã phản ánh được sự nhìn nhận nhu cầu về một phối cảnh rộng lớn hơn, hầu đáp ứng sự đa dạng của chính gia đình nhân loại. Như một kết quả, mặc dù quá nhiều đau khổ vẫn tiếp tục nhiễu hại các cá nhân và các dân tộc trên thế giới dưới các danh xưng là lý tưởng, hoặc tôn giáo, hoặc tiến bộ, hoặc kinh tế, nhưng một cảm thức hy vọng mới đã vươn lên cho những người bị áp bức chà đạp. Mặc dù chắc chắn rất khó mang lại hòa bình và hòa hợp thật sự, nhưng rõ rệt là sẽ đi đến. Tiềm năng đã hiển lộ. Và nền tảng là cảm thức trách nhiệm của từng mỗi cá nhân đối với tất cả người khác.