Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Ai vào địa ngục?

14 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 7483)
Ai vào địa ngục?


AI VÀO ĐỊA NGỤC

Nguyên Minh
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh

Ai vào địa ngục?

 

Trong kinh Pháp cú, kệ số 202, đức Phật dạy rằng:

Không lửa nào bằng tham dục,
Không ác nào bằng sân hận.


(Vô hỏa như tham dục,
Vô ác như sân hận.)

Mỗi chúng ta đều đã hoặc đang bị ngọn lửa tham dục thiêu đốt, và cũng có thể sẽ tiếp tục chịu sự thiêu đốt lâu dài của nó. Mỗi chúng ta cũng đã hoặc đang chìm đắm trong sân hận, si mê, và cũng có thể sẽ tiếp tục chìm đắm lâu dài trong đó!

Khi nhận thức được điều này là chúng ta bắt đầu tự hé mở cánh cửa bước vào một tương lai tươi sáng hơn. Bởi vì chỉ khi nhận thức đúng thực tiễn, ta mới có thể phát khởi được những nỗ lực đúng hướng để tự mình thoát ra khỏi những gì xấu ác trong hiện tại.

Mỗi một con người đều sẵn có khả năng hướng thiện hay sa ngã. Chính nhận thức của chúng ta về cuộc sống quyết định việc ta sẽ nghiêng theo khuynh hướng nào, và do đó cũng quyết định việc đời sống này của chúng ta rồi sẽ đi về đâu.

Một nếp sống buông thả với sự tiếp nối không ngừng của những hành vi bất thiện, tất yếu sẽ không thể mang lại điều gì tốt đẹp về mặt tinh thần. Những giá trị vật chấtchúng ta có được do thực hiện những hành vi bất thiện luôn có tác dụng nuôi lớn sự tham lam, sân hậnsi mê. Vì thế, những tác hại nhìn thấy được của những hành vi ấy thật ra là không đáng sợ bằng những tác hại vô hình, những tác hại về mặt tinh thần.

Do lòng tham lam, sân hậnsi mê được nuôi dưỡng và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, những người có tâm bất thiện sẽ không thể có được sự thanh thản thật sự trong cuộc sống. Mỗi một sự thỏa mãn vật chất của họ trong cuộc sống bao giờ cũng là một liều thuốc độc nuôi lớn thêm nguồn khổ não trong nội tâm. Và một khi nội tâm đã chất chứa đầy khổ não thì sẽ không có bất cứ niềm vui thanh thản nào có thể được cảm nhận.

Những người như thế chẳng khác nào quay lưng về phía có nguồn sáng, để rồi phải bước đi trong tối tăm. Mỗi một hành vi, ý tưởng của họ đều sai lầm vì không có được sự soi rọi của một nhận thức đúng đắn, và do đó càng đưa họ đi xa hơn nguồn sáng trí tuệ. Những gì chờ đón họ trong đời sống tương lai chắc chắn chỉ có thể là một sự tối tăm và sa đọa ngày càng khó thoát ra hơn nữa.

Nhưng không chỉ là một tương lai tăm tối, mà sự thật còn quan trọng hơn nữa là họ không thể có được một hiện tại tốt đẹp như vẻ ngoài mà người khác có thể vẫn nhìn thấy. Đó là vì nội tâm của họ đang chìm đắm trong những trạng thái khổ đau do tham lam, sân hậnsi mê gây ra. Vì thế họ không có niềm vui, chán ghét cuộc sống và chịu đựng nhiều khổ não.

Những gì chúng ta đang nói đến là được xét từ khía cạnh tinh thần. Vì thế, ta có thể thấy rằng một người giàu có chưa hẳn đã có được cuộc sống vui vẻ thật sự. Nếu sự giàu sang của họ là kết quả của những việc làm bất chính, và nếu tâm thức của họ vẫn tiếp tục chìm đắm trong sự tham lam đã được chính họ nuôi dưỡng trong suốt thời gian làm giàu, thì việc có được niềm vui chân thật trong hiện tại đối với họ sẽ là điều hoàn toàn vô lý! Bởi vì sự giàu sang, sung túc không thể giúp họ thoát khỏi những quy luật tự nhiên chi phối tâm hồn. Và do đó, họ sẽ phải gánh chịu những tâm trạng khổ não do lòng tham lam và những việc làm bất thiện của họ mang lại. Điều đó làm cho nội tâm của họ mất đi sự thanh thản cần có để cảm nhận những niềm vui chân thật trong cuộc sống.

Và khi không có được niềm vui chân thật trong cuộc sống, tự thâm tâm họ sẽ nảy sinh cảm giác chán ngán đối với đời sống. Vì sao vậy? Những niềm vui giả tạo do sự thỏa mãn vật chất mang lại bao giờ cũng chỉ là tạm bợ, thoáng qua. Cuộc sống không thật sự được nuôi dưỡng bằng những niềm vui giả tạo đó, mà luôn cần đến những niềm vui chân thật như một nguồn sinh lực. Điều này giải thích vì sao có rất nhiều người nghèo khó nhưng vẫn luôn vui sống và sống tốt, trong khi có những người khác giàu có nhưng luôn cảm nhận mỗi ngày trôi qua như một sự chịu đựng nặng nề.

Không có niềm vui, chán ghét đời sống và phải chịu đựng khổ não trong nội tâm. Những điều này không gì khác hơn mà chính là những đặc điểm đã được mô tả về địa ngục (naraka). Vì thế, sự xuất hiện của những yếu tố này trong đời sống nội tâm của một người chính là sự biểu hiện của địa ngục. Tùy theo từng mức độ khác nhau mà ta có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau, nhưng cho dù với tên gọi nào thì những bản chất như trên vẫn là không thay đổi.

Nhận thức này hẳn có phần nào đó còn xa lạ với một số người, những người lâu nay vẫn quen nghĩ về một địa ngục âm u chìm sâu trong lòng đất, và chỉ chờ đón những kẻ ác sau khi chết. Tuy nhiên, có lẽ không ai phủ nhận được tính chất hợp lý của nó khi đối chiếu với những gì xảy ra trong đời sống, cũng như khi tự quán xét nội tâm của chính mình.

Trong kinh Phật mô tả về sáu cảnh giới khác nhau mà tất cả chúng sinh tùy theo nghiệp lực đều phải chịu luân chuyển thọ sinh trong đó. Những cảnh giới này bao gồm: thiên giới, cảnh giới của chư thiên hay các cõi trời, với hình tướng oai nghiêm, xinh đẹp và được thọ hưởng nhiều phước báo, khoái lạc; nhân giới, cảnh giới của con người, là cõi thế gian mà hiện chúng ta đang sống; a-tu-la giới, cảnh giới của loài a-tu-la, được mô tả là một loại chúng sinh có đủ thần thông như chư thiên nhưng kém về oai đức và hình thể; ngạ quỷ giới, cảnh giới của loài quỷ đói, với nhiều hình thể khác nhau như gầy ốm, cổ rất nhỏ, miệng phun lửa... do nghiệp lực mà tất cả những chúng sinh này đều không bao giờ được ăn uống no đủ; súc sinh giới, cảnh giới của các loài thú vật, mỗi loài đều phải chịu những nỗi khổ khác nhau tùy theo nghiệp lực; và cuối cùngđịa ngục giới, cảnh giớichúng sinh luôn phải sống trong trạng thái không có niềm vui, chán ghétchịu đựng đủ mọi khổ não.

Điều đặc biệt là trong sáu cảnh giới vừa kể trên, chúng sinh ở mỗi cảnh giới đều được mô tả về hình thể xinh đẹp hoặc xấu xí, chỉ riêng cảnh giới địa ngục không thấy mô tả về hình tướng của những chúng sinh trong đó, mà chỉ thấy nói về những khổ não họ phải gánh chịu. Điều này phải chăng cho thấy rõ tính chất phi vật thể, tính chất của một cảnh giới tinh thần dành cho hết thảy mọi chúng sinh tạo nghiệp ác?

Mặt khác, trong kinh nói về các cảnh giới từ cõi trời cho đến các loài ngạ quỷ, súc sinh... đều thấy nhắc đến tuổi thọ dài ngắn, chẳng hạn như ở cõi trời chư thiên có tuổi thọ lâu dài, loài súc sinh có tuổi thọ ngắn ngủi và thường phải chết vì sự giết hại... Riêng cảnh giới địa ngục không thấy nói đến tuổi thọ của chúng sinh trong đó, nhưng nói rằng họ chỉ được thoát ra khỏi đó khi nghiệp báo đã hết. Phải chăng đây chính là một tấm gương phản chiếu những nghiệp ác của chúng sinh, nên khi những nghiệp ác đó không còn nữa, nghĩa là khi những tâm thiện được sinh khởi, thì cảnh giới đó cũng tự nhiên mất đi?

Nhiều câu chuyện về những người thoát khỏi địa ngục được kể lại trong kinh cũng nói lên những điều phù hợp với nhận xét này. Một trong những câu chuyện như thế được nhiều người biết đến nhất là chuyện bà Thanh-đề, mẹ của ngài Mục-kiền-liên, một vị đệ tử lớn của đức Phật.

Ngài Mục-kiền-liên là một vị đệ tử đã tu chứng, được đức Phật khen là “thần thông đệ nhất” trong số các đệ tử hàng Thanh văn. Tuy vậy, mẹ của ngài là bà Thanh-đề lại là người không tin Tam bảo, thường làm nhiều việc ác. Vì thế, sau khi bà chết thì ngài Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn quán sát thấy được bà đang phải chịu đựng những khổ não trong cảnh giới địa ngục. Ngài đã vận dụng hết sức thần thông của mình để mong cứu mẹ ra khỏi cảnh giới này, nhưng hoàn toàn không thể làm được. Vì vậy, ngài không còn cách nào khác hơn là đến cầu cứu với đức Phật.

Nhân lời thỉnh cầu của ngài Mục-kiền-liên, đức Phật đã truyền dạy pháp Vu-lan-bồn (Ullambana), tức là lễ cúng trai tăng được thực hiện vào dịp rằm tháng Bảy, nhân ngày Tự tứ khi chư tăng vừa qua ba tháng an cư trong mùa mưa, thường được gọi với tên thông dụng hơn là lễ Vu Lan.

Nhờ sức chú nguyện của chư tăng mười phương, bà Thanh-đề được cảm hóasinh khởi thiện tâm, nên ngay trong ngày đó thoát khỏi cảnh giới địa ngục và sinh về cõi trời.

Sự giải thoát tức thời của bà Thanh-đề ra khỏi cảnh giới địa ngục gợi cho ta thấy rằng cách hiểu về địa ngục như một cảnh giới của những nỗi khổ tinh thần phi vật thể như đã nói là hoàn toàn phù hợp. Vì một khi tâm thiện được sinh khởi thì ngay tức thời cảnh giới địa ngục sẽ tự nó mất đi, nghĩa là chúng sinh ấy được giải thoát.

Nhận xét này cũng gợi ta nhớ đến Bồ Tát Địa Tạng với đại nguyện cứu vớt hết thảy chúng sinh đang chịu khổ trong cảnh giới địa ngục. Vị Bồ Tát này với cây tích trượng và hạt minh châu trong tay, thường xuất hiện trong cảnh giới địa ngục để giúp những chúng sinh nơi đây phát khởi tâm thiện, và chính bằng cách này ngài cứu thoát được vô số chúng sinh ra khỏi những khổ não trong cảnh giới địa ngục.

Còn một khác biệt khác nữa giữa địa ngục với các cảnh giới khác mà chúng ta có thể nhận ra qua những mô tả trong kinh điển. Đó là, những chúng sinh trong cảnh giới địa ngục không thấy nói đến việc tiếp tục tạo nghiệp. Trong khi từ cõi trời cho đến các loài ngạ quỷ, súc sinh đều vẫn tiếp tục tạo nghiệp thiện ác trong đời sống của mình, thì những chúng sinhđịa ngục không thấy mô tả việc này. Họ chỉ toàn là chịu đựng những khổ não do ác nghiệp đã tạo, mãi mãi cho đến khi những ác nghiệp đó vơi đi, và nhờ một tác nhân nào đó giúp họ sinh khởi được tâm thiện, họ mới có thể thoát ra khỏi cảnh giới này.

Những khác biệt lần lượt nêu trên đưa chúng ta đến một nhận xét chung: cảnh giới địa ngục theo như trong kinh điển mô tả là khác hẳn so với tất cả những cảnh giới khác. Đây là một cảnh giới tinh thần đặc biệt của những chúng sinh tạo nghiệp ác. Hay nói khác đi, đây không phải là một cảnh giới với những chủng loại chúng sinh khác nhau thác sinh trong đó và có đời sống cụ thể như cõi trời, cõi người cho đến súc sinh... mà là một cảnh giới tinh thần hiện hữu song song với mọi cảnh giới khác.

Ngay khi nào tâm thức của mỗi chúng sinh sa đọa vào các nghiệp ác, bị lôi cuốn bởi các tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, tâm hồn họ sẽ bị chìm đắm bởi tác hại của những ác nghiệp đó và cảnh giới địa ngục lập tức xuất hiện. Và ngay khi nào tâm thức bừng tỉnh, nhận ra được các nghiệp ác và những tác hại của chúng, thiện tâm sẽ nhờ đó mà sinh khởi, và ngay lập tức cảnh giới địa ngục tan biến.

Một khi đã nhận rõ được sự hiện hữu của cảnh giới địa ngục ngay trong đời sống hiện tại này như thế nào, rõ ràngchúng ta không còn cần thiết phải quan tâm đến việc có một địa ngục sau khi chết hay không. Bởi vì sự hiện hữu một địa ngục sau khi chết thật ra cũng phải là một điều khó hiểu, khó tin, mà chỉ đơn giản là sự kéo dài của những khổ nãochúng ta đã không thoát ra khỏi được ngay trong đời sống hiện tại này.

Như đã nói, mỗi chúng ta đều sẵn có khả năng hướng thiện cũng như khả năng sa đọa, nên khi có được một nhận thức rõ ràng về địa ngục cũng như những nguyên nhân làm cho chúng ta sa đọa vào đó, chắc chắn không ai trong chúng ta lại có thể chọn con đường đi vào khổ não.

Bởi vậy, hết thảy những người đang chìm đắm trong đau khổ chỉ có thể là do họ tự chọn lấy con đường như thế. Và sự chọn lựa sai lầm này xuất phát từ việc không có một nhận thức đúng về đời sống và không đủ lòng tin vào lời dạy chân chánh của những bậc giác ngộ. Một khi tự mình không nhận biết đường đi, cũng không tin được vào người dẫn đường chân chánh, thì điều tất yếu không thể tránh khỏi là phải đi sai đường, lạc lối.

Khổ đau trong cuộc sống là điều không ai mong muốn. Nhưng hầu hết chúng ta đều chấp nhận điều đó là bởi vì chúng ta không nhận biết được rằng mọi khổ đau đều do chính chúng ta tự chuốc lấy. Những đau khổ trong thế giới vật chất này là do chính những nghiệp ác đã tạo của chúng ta mang lại, và những đau khổ trong thế giới tinh thần cũng không gì khác hơn là kết quả tất yếu của những tâm niệm bất thiện như tham lam, sân hậnsi mê.

Vì thế, đời sống vật chất của chúng ta hôm nay không gì khác hơn là biểu hiện của những gì ta đã làm trong quá khứ. Những điều tốt đẹp luôn mang lại những kết quả tốt đẹp, và ngược lại; như một phép tính chính xác mà không ai có thể làm thay đổi kết quả. Và song song với đời sống vật chất đó là một thế giới tinh thần với những vui buồn sướng khổ, như một sự phản chiếu chính những tâm niệm thiện ác của chúng ta trong đời sống.

Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không bao giờ dại dột đánh đổi những niềm vui chân thật dài lâu của việc làm điều thiện để có được những niềm vui giả tạo tạm bợ do sự thỏa mãn vật chất mang lại.

Chúng ta có thể thực hiện những sự so sánh rất cụ thể để thấy được thế nào là một sự lựa chọn đúng đắn.

Hãy lấy một ví dụ. Có một người bạn đang gặp khó khăn và do đó nhờ bạn đứng ra lo liệu một sự việc quan trọng.

Sau khi thực hiện công việc, bạn có thể sẽ nói dối anh ta một cách dễ dàng về chi phí thực hiện công việc để qua đó thu về cho mình một món tiền lớn.

Nhưng bạn cũng có thể chân thành giúp đỡ anh ta trong lúc khó khăn ấy, và không cần tính toán đến cả công sức đã bỏ ra của mình, nói gì đến việc dối gạt anh ta để kiếm tiền?

Trong hai trường hợp, những gì được và mất của bạn có thể mang ra cân nhắcso sánh một cách hoàn toàn cụ thể.

Trường hợp thứ nhất, về vật chất bạn kiếm được một khoản tiền lớn, nhưng về tinh thần bạn không thể tránh khỏi phải trải qua những tâm trạng bất an: sự lo lắng về lời nói dối có thể bị phát hiện, và do đó kèm theo nhiều nỗ lực suy nghĩ, tính toán để che giấu sự thật, có thể phải kéo theo nhiều hành vi lừa dối khác nữa. Và khi sự lừa dối đã thành công, bạn cũng không thể có một tâm trạng thanh thản, do những ray rứt trong nội tâm về khoản tiền kiếm được không chính đáng. Tâm hồn bạn ngay trong lúc này phải chất chứa thêm một “trọng lượng” đáng kể làm cho nó trở nên “trĩu nặng” hơn trước đó. Và sự tích lũy của những “trọng lượng” tương tự như thế này chính là nguyên nhân nhấn chìm bạn vào cảnh giới khổ đau của tinh thần, đánh mất đi sự thanh thản vốn có của tinh thần. Vì thế, điều bạn có được trong trường hợp này không sao bù đắp lại những gì bạn mất đi!

Trong trường hợp thứ hai, khi bạn chọn lựa một sự giúp đỡ chân thành, có thể là đời sống vật chất của bạn sau đó có kém hơn đôi chút. Nhưng với tâm niệm giúp đỡ bạn bè, chắc chắn bạn không thể lấy đó làm một sự buồn phiền. Ngược lại, bạn còn có được một niềm vui nhẹ nhàng với cảm giác hài lòng, thỏa mãn vì đã làm được một việc nên làm. Sự chọn lựa này vừa mang lại cho bạn thêm một phần thanh thản trong đời sống tinh thần, vừa cứu bạn thoát khỏi mối nguy cơ sa đọa vào tội lỗi. Vì thế, điều bạn mất đi trong trường hợp này là quá nhỏ nhoi không đáng kể so với những gì bạn có được.

Khi một người chọn lựa khả năng thứ nhất trong trường hợp này, chỉ có thể là do họ không hiểu hoặc không tin được vào những gì vừa nói trên. Và cả hai nguyên nhân – không hiểu hoặc không tin – đều là xuất phát từ sự si mê, thiếu trí tuệ. Bởi vì khi một người có đủ trí tuệ để phán đoán đúng về sự việc thì người đó không thể không hiểu hoặc không tin vào sự thật.

Vì thế, điều chắc chắnchúng ta hoàn toàn có thể quyết định được việc tự thân có sa đọa hay không. Ta chỉ mất đi khả năng tự quyết này khi không có đủ trí tuệ sáng suốt, bởi vì khi ấy ta sẽ chịu sự lôi cuốn, sai sử của những tâm niệm bất thiện như tham lam, sân hậnsi mê.

Địa ngục hiện hữu ngay trong cuộc sống này. Đó là sự thật mà mỗi chúng ta đều có thể nhận ra khi quán sát nội tâm của chính mình. Ngay khi một tâm niệm bất thiện khởi lên, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra chờ đón chúng ta. Và ngược lại, ngay khi một tâm thiện khởi lên thì cửa địa ngục cũng tự nhiên khép lại.

Có lần, một kiếm khách ngang tàng tìm đến thiền sư Bạch Ẩn để đặt câu hỏi về việc có địa ngụcthiên đường hay không. Thiền sư không trả lời, chỉ hỏi lại anh ta: “Anh là ai?” Anh ta đáp: “Tôi là một kiếm khách.” Thiền sư cười nhạt và mạt sát: “Anh mà là kiếm khách à? Tôi nhìn anh giống một người ăn xin hơn.” Anh chàng ngay lập tức nổi giận và rút gươm ra khỏi vỏ, xông đến. Thiền sư nhoẻn miệng cười và nói: “Cửa địa ngục đang mở.” Chàng trai ngay khi ấy nhận ra ý nghĩa câu nói của thiền sư, liền tra gươm vào vỏ và cung kính vái lạy. Thiền sư lại nói: “Cửa địa ngục đã khép, cửa thiên đường đang mở.”

Mỗi ngày, nếu chúng ta bình tâm xét lại những tư tưởng, lời nóiviệc làm của mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là có rất nhiều lần cửa địa ngục hé mở. Thậm chí có những lần chúng ta đã bước hẳn vào trong đó. May thay, cũng chỉ cần quay lưng về phía địa ngụcngay lập tức chúng ta có thể nhìn thấy cửa thiên đường!

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội nữa một khi đời sống này chấm dứt. Và nếu như ngay trong cuộc sống này, chúng ta không thể vĩnh viễn khép lại cánh cửa địa ngục, thì rõ ràngchúng ta không thể tránh khỏi một tương lai u ám. Vì thế, một người khôn ngoan sẽ không thể chờ đợi lâu hơn nữa, mà ngay trong giây phút hiện tại này của đời sống phải biết nỗ lực hết sức để vĩnh viễn thoát ra khỏi những nỗi khổ của tâm hồn. Và để làm điều đó, không có cách nào khác hơn là phải trừ diệt đi ba yếu tố độc hạitham lam, sân hậnsi mê, như chúng ta đã đề cập đến trong một phần trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 26475)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
(Xem: 19888)
Thực hành Phật giáo là tiến hành một cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cựctích cực trong tâm bạn. Thiền giả nỗ lực làm tiêu mòn điều tiêu cực...
(Xem: 18115)
Ðức Phật khuyên chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm về cái chết, hàng ngày hay vào bất cứ lúc nào. Nó sẽ khơi dậy trong chúng ta sự tỉnh thứcý thức cấp bách...
(Xem: 32658)
Acarya Nagarjuna (A Xà Lê Long Thọ) giữ một địa vị hầu như vô song trong hàng các bậc Thánh Phật giáo trình bày xiển dương lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni cho lợi lạc của thế giới.
(Xem: 18731)
Theo hiểu biết cơ bản của Phật giáo, tâm hồn về bản chất luôn mang tính sáng suốtthông tuệ. Thế nên, những rắc rối về tình cảm không hề tồn tại trong bản chất cơ bản của tâm hồn...
(Xem: 31460)
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí.
(Xem: 32400)
Bát Chánh Đạo rất dễ nhớ, nhưng ý nghĩa của chúng thâm sâu và đòi hỏi một sự hiểu biết về nhiều lãnh vực liên quan trong giáo lý của Đức Phật.
(Xem: 20010)
Trong nhà Phật dạy điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Chúng luôn luôn thù địch nhau, muốn yên phải tìm cách điều hòa...
(Xem: 26177)
Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giài thoát.
(Xem: 20193)
Tâm đại từ bi có hai tính cách: Tính cách cứu khổ thì thay thế chúng sinh mà chịu mọi khổ não cho họ; tính cách cho vui thì có thể bỏ hết tất cả phước lạc mà cho chúng sinh.
(Xem: 23700)
Tôi tự cho rằng tôi có thực hay đó chỉ là một ý nghĩ về tôi do tôi tưởng nghĩ về tôi hoặc một ý nghĩ hay một hình ảnh về tôi do kẻ khác hay những kẻ khác tưởng nghĩ về tôi?
(Xem: 23777)
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ.
(Xem: 15038)
Lang thang trên đất nước Myanmar rộng lớn bạn sẽ không ngừng được tiếp xúc với hàng loạt xưởng thủ công tạc tượng Phật từ đá (chủ yếu là đá cẩm thạch)...
(Xem: 14969)
Nhìn thấy rõ tướng vô thường và khổ đau đang bủa xuống quanh cuộc sống, đêm rằm tháng hai âm lịch, Thái tử lên ngựa Kiền-trắc (Kanthaka) cùng với người hầu cận...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant