Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phần 5: Nhân Vật

05 Tháng Hai 201400:00(Xem: 6667)
Phần 5: Nhân Vật

XỨ TRẦM HƯƠNG

Quách Tấn

 -----oOo-----

 

PHẦN THỨ NĂM

NHÂN VẬT

 

Ca dao Khánh Hòa có câu:

Anh đứng Hòn Chồng

Trông sang Hòn Yến,

Lên thăm Tháp Bà.

Về miếu Sanh Trung,

Non xanh nước biếc tập trùng;

Xiết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!

Em hãy nhận lời

Cùng anh két ngãi,

Ðầu ghềnh cuối bãi,

Ta hãy nương nhau,

Biển Cù nước mãi còn sâu,

Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.

Trông thấy sông núi Khánh Hòa thanh tú chớ không hùng vĩ, nhân dân Khánh Hòa hiền hậu chớ không khẳng khái hiên ngang, du khách hẳn có ngờ rằng Khánh Hòa không có anh hùng liệt nữ như câu ca dao đã nói:

Thưa:

Ở đâu chẳng có anh hùng,

Ở đâu chẳng có anh khùng anh ngu.

 

I

Trước hết xin kể những người đã được ghi tên tuổi vào sức sách:

Về bên liệt nữ nổi danh nhất là bà Phan Thị Ðốc.

Bà sinh năm Ðinh Dậu (1777), đời Lê Cảnh Hưng, tại làng An Lâm, huyện Tân Ðịnh, tức thôn Tân Lâm, xã Ninh Thượng, quận Ninh Hòa hiện nay.

Tứ đức gồm đủ.

Chồng là nho sinh Lê Minh Thức, người làng Mỹ Hiệp, vừa sinh được một trai thì chồng mất. Bà mới 19 tuổi, nhưng quyết chí thủ tiết thờ chồng. Cha mẹ chồng cũng như cha mẹ ruột sợ câu “khôn ba năm dại một giờ” thường khuyên bà tái tiếu. Ðể khỏi phật ý bề trên, bà xin đợi cho lòng nguôi ngoai thương nhớ. Cha mẹ nhắc mãi, vì có nhiều nơi xứng đáng đến cầu hôn. Nhưng bà vẫn hẹn.

Triều Gia Long (1802-1820) quan trấn thủ Bình Hòa thấy bà có nhan sắc lại có đức hạnh muốn đòi đến làm nàng hầu. Cha mẹ đôi bên sợ uy quyền, ép bà ưng thuận. Bà xin làm lễ tế chồng, rồi sẽ thưa dứt khoát “đi hay ở”.

Trước hương án bà khấn to đại khái rằng:

- Từ ngày chàng tạ thế, lòng thiếp đã như củi mục tro tàn. Còn sống ngày nào, thiếp nguyện giữ tròn một tiết.

Nói đoạn lấy kéo hớt trụi tóc và thề:

- Nếu nguyện “tùng nhất” không toại, thiếp xin lấy cái chết cho sạch thân.

Quan Trấn thủ hay tin liền dẹp ý muốn. Và biết chí con không thể lay chuyển cha mẹ bà từ ấy không còn nghĩ đến việc gả chồng.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1931), chiếu theo lời tâu của quan địa phương, nhà vua ban thưởng bảng vàng “Trinh tiết khả phong” cùng vàng lụa.

Bà thọ được 72 tuổi, tên thụy là Từ Thuận.

Người thứ hai là bà Hoàng Thị Nghĩa.

Bà là người huyện Quảng Phước (tức Vạn Ninh bây giờ). Sống vào khoảng Minh Mạng - Thiệu Trị (1920-1947)

Nhà nghèo làm nghề đốn củi.

Một hôm cùng chồng vào núi, bà đương đốn củi thì một con mãnh hổ nhãy ra vồ người chồng. Không kịp trở tay người chồng bị cọp bắt tha đi. Nghe tiếng kêu cứu, bà thét lên một tiếng, vác rựa chạy theo đánh cọp. Cọp thả người chồng, chống cự cùng bà. Trước sự hăng hái của người, cọp bỏ chạy. Bà lấy lá cây nhai nhỏ và xé áo băng bó những vết thương, rồi dìu chồng về nha cứu chữa.

Từ trước ai cũng gọi bà là người đàn bà tầm thường, không ai ngờ bà có sức mạnh và có gan đến thế. Khi nghe chuyện, thiên hạ kéo nhau đến thăm và khen ngợi. Bà đáp:

- Chỉ vì thương chồng mà trở nên mạnh mẽ và dạn dĩ đó thôi.

Câu chuyện bay đến kinh kỳ. Vua Thiệu Trị khen là người đàn bà ít có và ban thưởng vàng lụa để làm gương (Thiệu Trị năm thứ 4 tức 1884),

 

II

Và sau đây là những anh hùng đã lập được nhiều chiến công:

- Nguyễn Suyền người huyện Phước Ðiền (nay thuộc quận Diên Khánh) làm cai cơ với Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công ở Vọng Các. Khi lấy được đất Bình Khang (Ninh Hòa hiện thời) ông được cử làm Lưu Thủ. Sau khi mất được tặng chức Chưởng cơ, và được thờ vào miếu công thần nhà Nguyễn.

- Trần Văn Nằng người huyện Tân Ðịnh (Ninh Hòa hiện thời). Theo Nguyễn Ánh đánh với nhà Tây Sơn, ông làm quan đến chức Ðô Thống Chế. Qua triều Minh Mạng làm Phó Tổng trấn thành Gia Ðịnh. Năm 1932 thăng Tiền quân Ðô thống Chưởng phụ sự, tước Lương Tài hầu. Lãnh ấn Bình Khâu Tướng quân đánh dẹp đảng Lê Văn Khôi. Sau đó, quân Xiêm lấn bờ cõi ông được lệnh đem quân đánh dẹp. Ông đánh lui quân Xiêm, thu phục được đất Hà Tiên rồi tiến thẳng lên Nam Vang. Vua Xiêm cầu hòa. Khi đem quân trở về đến Bình Thuận thì lâm bệnh và thất lộc, được phong tặng Thái Phó, phong Tân Thành Quận Công, thờ tại đền Hiền Lương.

- Nguyễn Xuân Thục người huyện Quảng Phước, theo Nguyễn Ánh lập được nhiều chiến công. Năm Gia Long nguyên niện (1802) được bổ làm Hiệp trấn Thanh Hóa. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) được triệu về Kinh làm Tham trị bộ Hộ, rồi vào Nam lãnh chức Tào công và Tào Hộ tỉnh Gia Ðịnh. Ðược ít lâu lại được triệu về Kinh và thăng Thượng Thư Bộ Hình cải Thượng thư Bộ Lễ. Sau khi ông mất, được thờ tại đền Hiền Lương.

- Nguyễn Văn Hán người huyện Phước Ðiền (Diên Khánh hiện thời), theo Nguyễn Ánh đánh giặc có công, tử trận năm Nhâm Tuất (1802), tặng Chánh Vệ Úy, thờ tại đền Bao Trung.

- Phạm văn Chu người huyện Quảng Phước (quận Vạn Ninh hiện thời) theo Nguyễn Ánh làm chức Cai cơ, có chiến công mất tại thành Quy Nhơn được phong tặng Chưởng cơ thờ tại đền Công thần nhà Nguyễn.

- Nguyễn Văn Thuận người huyện Tân Ðịnh. Theo Nguyễn Ánh làm chức Phó Vệ úy. Tử trận, thờ tại đền Hiền Lương.

Ðó là những công thần nhà Nguyễn, tên tuổi được ghi rõ tsr Ðại Nam Nhất Thống Chí.

Và hai tiếng “Anh hùng” dùng ở đây theo nghĩa thông thường: “Những người có can đảm, có sức lực..., đã từng xông pha trong vòng nguy hiểm”. Tức là những nhân vật nổi danh nhờ chiến công vậy.

 

III

Ở Khánh Hòa còn nhiều bậc hào kiệt có công với Dân tộc mà gần một thế kỷ nay bị Thực dân và Phong kiến coi là kẻ thù địch, cấm nhân dân không được nhắc nhở đến thanh danh.

Ðó là các sĩ phu ứng nghĩa Cần Vương chống Pháp:

- Trịnh Phong tục gọi là Ðề Phong, người làng Phú Vinh (thuộc xã Vính Thạnh, quận Vĩnh Xương hiện tại).

Ðậu võ cử triều Tự Ðức (1847-1883), làm quan đến chức Ðề Ðốc. Lúc trí sĩ thụ chức Bình Tây Ðại Tướng, lãnh đạo nghĩa quân Cần Vương tỉnh Khánh Hòa.

Tuẫn quốc năm Bính Tuất (1886).

Hiện có tên đường tại Xóm Mới Nha Trang.

- Trần Ðường quán làng Hiền Lương (thuộc xã Vạn Lương, quận Vạn Ninh hiện thời. Sanh năm Kỷ Hợi (1839) triều Minh Mạng.

Thông Hán văn, thạo võ nghệ.

Làm Phó tổng dưới triều Tự Ðức.

Tánh khẳng khái nhưng tâm nhân hậu. Nên quan trên nể nang, người bình dân kính mến ưa gần.

Ứng nghĩa Cần Vương, ông được phong làm Tổng Trấn. Tuẫn quốc năm Bính Tuất (1886).

- Nguyễn Khanh người làng Võ Cạnh (thuộc xã Vĩnh Trung, quận Vĩnh Xương hiện thời).

Có tên nữa là Nguyễn Giảng, tự Quý Hiên.

Sanh năm Giáp Ngọ (1834) triều Minh Mạng. Ðậu Tú tài khoa Quý Dậu triều Tự Ðức (1873).

Văn hay, chữ tốt. Người đương thời khen tặng có câu.

Tờ mây xếp để hàng hàng phụng,

Ngọn thỏ tung ra nét nét trồng.

Vào khoảng cuối đời Tự Ðức, làng Mỹ Hiệp (Ninh Hòa) trùng tu xong ngôi đình làng, mời ông ra viết dùm chữ “Thần” (bằng Hán tự) nơi vách tẩm để thờ. Ông nấu mực đổ vào chậu lớn, lấy dăm bào cuộn tròn lại làm bút. Nét nét to lớn mạnh mẽ. Ðến nét sổ ở giữa, ông kê một chiếc đẩu, đứng lên trên, hai tay ấn chặt cuộn dăm bào vào vách, rồi dùng chân hất mạnh chiếc ghế. Ghế ngã, ông ngã theo, nhưng hai tay vẫn bám vách và nắm chặt cuộn dăm bào. Cuộn dăm bào theo đà tay tuột mạnh xuống: Một nét sổ in lên vách, thẳng băng và rắn rỏi như một cây cột mun. Và chữ “Thần” trông oai nghilinh động như chữ đã hóa thần.

Năm Ất Dậu, ứng nghĩa Cần Vương, ông đảm nhận chức Tán Tương Quân Vụ, và tuẫn quốc ngày 20 tháng chạp năm Bính Tuất (1886).

- Nguyễn Dị em ruột ông Nguyễn Khanh.

Có tên nữa là Hoạt, sau đổi lại là Dĩnh, Tự Tử Kỳ.

Sanh năm Quý Mão (1843) triều Thiệu Trị.

Ðậu Tỉnh Học Sanh năm Tự Ðức thứ 16 (1862).

Ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Tham Tán. Bị quân thù bắt đày vào Cam Ranh. Sau được tha về. Mất năm Nhâm Dần, Thành Thái thứ 14 (1902).

- Nguyễn Lương. Sanh năm Nhâm Tý, Tự Ðức thứ 5 (1852).

Em ruột ông Nguyễn Khanh và Nguyễn Dị.

Có tên nữa là Hứa. Tự Minh Khê.

Nổi tiếng thông minh và hay chữ từ lúc nhỏ. Ứng nghĩa cần vương, giữ chức Kiểm Biện. Bị bắt đày vào Cam Ranh. Sau được tha về.

Triều Thành Thái, thi đậu cử nhân khoa Ðinh Dậu (1897), được bổ Giáo Thọ rồi đi Tri huyện.

Mất năm Mậu Thìn (1928).

- Lê Nghị người làng Phú Ân (nay thuộc xã Diên An quận Diên Khánh). Ðậu Tỉnh Học Sanh triều Tự Ðức.

Hoạt bát khí khái.

Khoa Ât Dậu (1885) ra Bình Ðịnh thi. Khi được tin Kinh thành Huế thất thủ, cùng phần đông thí sinh bỏ trường về.

Ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Quản Trấn. Bị giặc bắt đày vào Cam Ranh, sau được tha.

Hưởng thọ trên bảy chục.

- Phạm Chánh, người làng Hội Khánh (nay thuộc xã Vạn Khánh quận Vạn Ninh).

Học giỏi nhưng không đi thi.

Ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Thâm Trấn.

Bị giặc bắt, dụ hàng, khẳng khái lấy cái chết đền ơn nước. Hy sinh năm Bính Tuất.

- Nguyễn Sum đồng hương cùng ông Phạm Chánh.

Tánh trung trực cương nghị.

Ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Hiệp Trấn, cùng ông Phạm Chánh thề cùng sống cùng chết.

Bị giặc bắt. Không chịu khuất, bị tử hình một lần cùng ông Phạm Chánh.

- Phạm Long tức Luông.

Trưởng nam ông Phạm Chánh.

Tuổi trẻ nhưng chí khí hơn người.

Cùng cha ứng nghĩa Cần Vương, giữ chức Nhiếp binh. Ông Phạm Chánh bị giặc bắt. Ông và ông Nguyễn Sum nghe tin, bèn thân hành đến trại giặc, để được cùng chết một lần với nhau. Giặc đem quyền lợi ra dụ, ông nhất định từ khước.

Tuẫn quốc một ngày cùng cha và Nguyễn Sum.

Ba ông Trịnh Phong, Trần Ðường, Nguyễn Khanh được thời nhân tôn xưng là Khánh Hòa Tam Kiệt.

Ba ông Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long được tôn xưng Quảng Phước Tam Hùng.

Nhà họ Nguyễn Võ Cạnh, ba anh em đều có công với nước. Nếu về sau ông Nguyễn Lương không ra làm quan cùng Phong kiến Thực dân thì danh tiết thật mười phần trọn vẹn.

Và trên đây là những anh hùng liệt sĩ được nhiều người biết. Còn nhiều vị khác công lao không kém, song chưa tìm ra con cháu, nên chưa biết được danh tánh.

 

PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG

Năm Ất Dậu (1885) giặc Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế. Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương. Phần đông sĩ phu trong nước đều hưởng ứng. Từ Bắc chí Nam tỉnh nào cũng có nghĩa binh nổi dậy.

Ở Khánh Hòa ba ông Trịnh Phong, Trần Ðường, Nguyễn Khanh đứng lên chiêu mộ hào kiệt, dựng nghĩa kỳ Bình Tây. Hầu hết thân hào nhân sĩ trong tỉnh đều ứng nghĩa. Các quan trong tỉnh đều theo nghĩa binh.

Tỉnh Khánh Hòa chia làm hai quân khu. Khu Bắc nằm trong phạm vi phủ Bình Khang ngày xưa và các quận Vạn Ninh, Ninh Hòa ngày nay. Khu Nam nằm trên địa phận phủ Diên Ninh ngày xưa và các quận Cam Lâm, Diên Khánh, Vĩnh Xương ngày nay.

Ông Trịnh Phong được tướng sĩ tôn làm Bình Tây Ðại Tướng, lãnh đạo toàn thể nghĩa binh, và cùng Quản Trấn Le nghị. Tuần Vũ Khánh Hòa trấn thủ quân khu Nam.

Ông Trần Ðường được phong làm Tổng Trấn, cùng quý ông Phạm Chánh giữ chức Tham Trấn, Nguyễn Sum giữ chức Hiệp Trấn và Phạm Long giữ chức Nhiếp binh, trấn thủ quân khu Bắc.

Ông Nguyễn Khanh được phong làm Tán Tương Quân Vụ cùng hai ông em Nguyễn Dị giữ chức Tham Tán, Nguyễn Lương giữ chức Kiểm Biện, coi việc tuyển mộ binh sĩ, tiếp tế quân đội.

Ðó là hàng chỉ huy cao cấp. Dưới cờ còn nhiều trang tuấn kiệt, văn có võ có. chức vụ sắp đặt theo khả năng phân minh thích đáng.

Lúc sơ khởi, binh sĩ chỉ gồm có số cơ binh của Tỉnh và số tân binh mới nhập ngũ. Tất cả chỉ trên dưới hai nghìn người. Sau quân số gia tăng nhưng không quá năm nghìn. Còn vũ khí thì ngoài mấy trăm cây súng hỏa mai cũ kỹ của cơ binh, chỉ có gươm trường, giáo, mác và cung tên.

Nhưng hùng khí ngất trời. Từ trên chí dưới ai cũng quyết lòng diệt thù cứu quốc, ai cũng thề “thà chết chớ không lui”.

Mùa thu năm Ất Dậu (1885), Pháp đổ bộ lên Nha Trang.

Trịnh Phong giao thành Diên Khánh cho Lê Nghị, tự mình đốc xuất ba quân đánh Pháp.

Quân Pháp tuy đông và có vũ khí tinh xảo, song vì chưa thuộc đường sá, nên bị nghĩa binh đánh cho mấy trận tơi bời. Nhưng sau khi giặc tìm biết được địa hình địa thế, thì giáo mác cung tên không còn chống nổi súng trường đại bác. Nghĩa binh phải bỏ Nha Trang.

Trịnh Phong chia binh, một nửa ra đóng tại núi Ðá Lố giữ đoạn đường Quá Quan, một nửa kéo về giữ thành Diên Khánh.

Ðịch kéo quân lên công thành. Súng trường và đại bác nổ vang trời. Song thành bằng đất lại có rào tre sống vừa cao vừa dày bao bọc, súng đạn không thể nào hạ nổi. Chỉ có 4 cổng thành bằng gạch có thể phá được, thì nghĩa binh đóng chặt cửa lại, ở trên vọng lâu bắn xuống không cho địch tới gần.

Nghĩa binh biết không thể thắng địch bằng phép đánh chính quy, nên ban ngày đóng cửa thành cố thủ, ban đêm lẻn ra đánh úp. Mùa thu, Khánh Hòa thường mưa đêm, địch phòng bị không được chu đáo, bị tổn thất rất nặng. Song chúng không chịu lui binh.

Thành bị vây mấy tháng trời, đường tiếp tế bị đứt. Các quan Tỉnh húy tử lén kéo ra trại địch xin hàng. Ðể chuộc tội, chúng đem tất cả những bí mật trong thành tiết lộ cho địch biết. Ðịch bèn đắp trước cửa Ðông một ụ đất thật cao, rồi đặt súng đại bác nhắm những yếu điểm trong thành mà bắn. Ðạn rơi trúng đích, những kho thuốc súng, những kho lương thực, lần lượt bị đốt phá tan tành! Liệu không chống giữ nổi, Trịnh Phong cho người lén ra núi Ðá Lố, hẹn thừa đêm tối ngoài đánh vào trong đánh ra, mở vòng vây giải thoát.

Thoát ra thành Diên Khánh, Trịnh Phong kéo quân ra khu bắc hợp lực cùng Trần Ðường.

Ở khu Bắc, Trần Ðường đóng tổng hành dinh tại núi Phổ Ðà, và chia binh làm hai đạo. Một đạo đóng ở đèo Dốc Thị do ông chỉ huy, một đạo đóng ở Tu Bông, tại vùng núi Ninh Phước do Phạm Chánh điều khiển, Nguyễn Sum và Phạm Long phò tá.

Biết thế nào giặc cùng dùng đường biển ra đánh mặt Bắc, Trịnh Phong đem quân đến đóng tại Hòn Khói, hẹn cùng Trần Ðường hễ dịch tới thì sẽ đốt lửa trên núi để báo hiệu. Quân Pháp, sau khi đặt xong cơ sở cai trị tại Nha Trang và Diên Khánh, liền kéo ra đánh mặt Bắc.

Chúng đổ bộ lên Hòn Khói. Khí thế rất mạnh. Nghĩa binh sau mấy trận kịch chiến, phải rút lên đóng trên Hòn Hèo, dùng thuật du kích đối địch.

Pháp phải đem hết quân ở Nha Trang ra chia đánh.

Nhờ thế núi hiểm trở và nhờ sức ủng hộ của toàn thể đồng bào, nghĩa quân hăng hái chiến đấu. Chí tiêm cừu lòng địch khái, binh cũng như tướng, với vũ khí thô sơ, đã làm cho địch phải khiếp đảm.

Ðể thêm sức mạnh, Nghĩa quân lại liên kết cùng cá tỉnh lân cận Bình Ðịnh, Phú Yên...

Cuộc kháng chiến kéo dài gần một năm. Không thắng nổi về quân sự địch dùng chính trị. Chúng lấy tiền của chức tước ra dụ. Song lợi danh không lay chuyển nổi gan dạ anh hùng. Chúng phải xin viện binh Saigon.

Tháng 6 năm Bính Tuất (1886), Thực dân Saigon sai Thiếu tá De Lorme, Công sứ Aymonier và Ðốc phủ sức Trần Bá Lộc kéo đại binh ra Khánh Hòa.

Lính gồm có lính Lê Dương và Lính tập vô lại. Trần Bá Lộc lại là một tên Việt gian vừa xảo quyệt vừa tàn nhẫn. Quân lính giết người không gớm tay. Tên Bá Lộc dùng toàn những thủ đoạn khốc liệt độc ác nhất đối với Kháng chiến, hầu làm vừa lòng Thực dân. Một mặt hắn sát hại lương dân để khủng bố tinh thần ái quốc. Một mặt hắn tìm cách mua chuộc bọn người “ham danh lợi quên nước nhà” để biết rõ những nơi đồn trú, những cơ quan bí mật của Nghĩa binh. Quân Saigon vừa đến Khánh Hòa thì bao nhiêu làng bị đốt, bao nhiêu người vô tội bị giết! Uất hận ngập trời!

Sau khi dò biết được những cơ sở trọng yếu của Nghĩa quân. Trần Bá Lộc tập trung lực lượng lại đánh từng nơi một.

Tổng hành dinh của Trần Ðường bị công kích trước tiên. Quân địch dã đông lại nhắm các yếu điểm mà xung kích. Nghĩa quân liều chết kháng cự, nhưng không sao chống nổi. Cơ sở bị đốt phá. Chiến sĩ bị tử trận quá nữa. Trần Ðường phải rút tàn quân lên núi cao.

Dò biết được quê hương của Trần Ðường, giặc kéo đến Hiền Lương đốt phá nhà cửa và bắt hết nam phụ lão ấu trong làng cùng toàn gia của Tổng Trấn, hẹn trong ba hôm nếu Tổng Trấn không ra hàng thì giết không chừa một mạng. Không nỡ để đồng bào chịu đau khổ vì mình. Trần Ðường đành phải nạp mình cho giặc. Giặc dụ hàng. Ông khẳng khái khước từ và ung dung hy sinh. Ðể thị oai, giặc đem ông ra giết ngay và bêu đầu đến ba ngày, rồi mới cho chôn cất.

Không chút nao núng, nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng.

Trịnh Phong dụ địch lọt ổ phục kích ở khoảng giữa Hòn Hèo và Hòn Khói, dùng hỏa công diệt trọn một toán Lê Dương và ngụy binh (Nơi chiến trường cỏ cây bị cháy rụi và “oan hồn uổng tử tích tụ thành tinh”. Cho nên gọi là “Ðồng Cháy”. Phương ngôn có câu “Ma Ðồng Cháy”).

Phạm Chánh cũng làm cho địch tổn thất khá nặng trong trận đột kích tại núi Chùa phía ngoài Dốc Thị. Song vì quân địch quá đông và súng đạn quá đầy đủ, nên Nghĩa binh không thu được toàn thắng. Lại thêm ông Nguyễn Sum bị thương. Nghĩa binh không dám ham chiến phải rút lui về Tu Bông.

Nghĩa quân biết thế địch quá mạnh không dám công nhiên đương đầu. Phải rút lên núi cao, chờ địch sơ hở, đánh úp. Nhưng từ khi quân Trần Bá Lộc đến, lực lượng Cần Vương yếu dần. Ðồng bào bị khủng bố tàn nhẫn, không dám để cho con em gia nhập nghãi quân và không dám ủng hộ lương thực. Cho nên sau mấy trận đánh xáp lá cà ở núi Ðá Ðen (Vạn Ninh), ở núi Tiên Du (Ninh Hòa), ở đèo Ruột Tượng... thì Nghĩa binh bị tan rã, các tướng súy lớp bị tử trận lớp bị sanh cầm. Những người thoát được chạy lên núi lánh nạn, lần lần phải trở về “đầu thú”. Trong vòng không đầy ba tháng, Trần Bá Lộc đã dẹp yên được phong trào Cần Vương.

Tướng lãnh và cán bộ bị bắt có gần hai trăm người. Những người tự ra “đầu thú” và những người chịu khuất tất sự thù thì đều được tha. Còn bao nhiêu thì bị tử hình và bị đày vào đảo Cam Ranh.

Có bảy người bị xử tử:

- Trịnh Phong,

- Nguyễn Khanh,

- Phạm Chánh,

- Nguyễn Sum,

- Phạm Long,

- Và hai vị chưa tìm ra tên tuổi.

Và gần một trăm người bị đày vào Cam Ranh.

Phong trào tuy bị dập tắt, nhưng lòng hy sinh vì chánh nghĩa của các sĩ phunhân dân Khánh Hòa vẫn sáng ngời cùng đất nước.

Ðể biểu dương nghĩa khí của các nhà lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của nhân dân Khánh Hòa, Trường Xuyên có bài hát hò rằng:

NỮ: - Tiếng đồn anh hay chữ

Lại đây em hỏi thử

Ðôi câu lịch sử Khánh Hòa:

Từ ngày Tây cướp nước ta

Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,

Anh hãy nói ra cho em tường.

NAM: - Nghe lời em hỏi mà thương

Thương người nghĩa liệt,

Tơ vương vấn lòng!

Vì thù non sông,

Thề không đội trời chung với giặc,

Từ Nam chí Bắc,

Thiếu chi dạ sắt gan đồng.

Ở Khánh Hòa thì có ba ông:

Ông Trần Ðường giữ đèo Dốc Thị,

Ông Trịnh Phong trấn nơi biển Cù,

Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu.

Ba ông một bụng, nghìn thu danh truyền.

NỮ: - Ba ông là bậc anh hiền

Gọi “Khánh Hòa Tam Kiệt”

Người người đều biết,

Ðều thương đều tiếc

Chưa thỏa nguyền núi sông!

Tấm thân xem nhẹ lông hồng.

Hỏi anh còn có nhớ

“Quảng Phước Tam Hùng là ai?(1)

NAM: - Dám đâu quên kẻ anh tài

Rèn gan sắt đá không nài bể dâu,

Gương phấn dũng làu làu: Phạm Chánh

Cùng Phạm Long chung gánh nước non.

Cha con trung nghĩa vẹn tròn,

Cùng Nguyễn Sum nguyện mất còn có nhau.

Bao phen cay đắng mật thù,

Tam Hùng Tam Kiệt nghìn thu trăng rằm.

 

 

IV

 

Gần đây Khánh Hòa có một nhân vật đã làm rúng động dư luận thế giới và làm cho làng tu Việt Nam thêm rực rỡ Ánh Ðạo Vàng. Ðó là:

Hòa Thượng Thích Quảng Ðức.

Hòa Thượng sanh năm Ðinh Dậu (1897) tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Họ Lâm húy là Vạn Túc.

Xuất gia năm 7 tuổi. Thụ giáo cùng Hòa Thượng Thích Hoàng Thâm là cậu ruột và được Hòa Thượng nhận làm con chính thức, lấy tên họ là Nguyễn Văn Khiết.

Năm 15 tuổi thọ Sa di, 20 tuổi thọ Cụ túc, Pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Ðức.

Tu ở Khánh Hòa đến năm Quý Tỵ (1953), Hòa Thượng vào Nam, vân du hóa đạo.

Ðạo hạnh cao đạo học sâu, vào Nam cũng như ở Trung, Hòa Thượng đã lập được nhiều công quả: kiến tạotrùng tu trên 30 ngôi chùa, hóa độ cho hàng nghin đệ tử.

Qua thời Ngô Ðình Diệm nắm chánh quyền. Sau khi thanh toán các đảng phái quốc gia, tiêu diệt xong lực lượng đối lập, họ Ngô ra sức củng cố đại vị và bắt đầu đàn áp Phật giáo.

Phật giáo chủ trương từ bi nhẫn nhục. Người Phật tử luôn luôn tu dưỡng tánh ôn hòabền gan chịu đựng. Tưởng là nhu nhược, họ Ngô không còn che giấu lòng kỳ thị tôn giáo: Chánh sách đàn áp Phật giáo được bộ hạ trắng trợn thi hành. Cờ Phật giáo treo vào ngày Phật Ðản 2507, tức ngày rằm tháng tư năm Quý Mão (8-5-1963) bị triệt hạ, súng đạn nã vào đám Phật tử đi dự lễ. Sau đó những cuộc khủng bố tiếp tục.

Toàn thể Phật giáo trong nước phải đứng lên tranh đấu để bảo vệ Chánh Pháp.

Ðứng trước cảnh ngửa nghiêng của Phật giáo, mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ điềm nhiên tọa thị để cho Chánh Pháp tiêu vong, Hòa Thượng Thích Quảng Ðức bèn phát nguyện thiêu thân giả tạm cúng dường chư Phật để hồi hướng công bảo tồn Phật giáo.

Và lòng cương quyết ấy đã thể hiện vào buổi sáng ngày 20 tháng tư nhuần Quý Mão, tức 11 tháng 6 năm 1963.

Tại ngã tư đường Phan Ðình Phùng và Lê Văn Duyệt Saigon, giữa vòng quanh trên 800 vị Thượng Tọa, Ðại Ðức, Tăng, Ni... và hàng muôn đồng bào, Hòa Thượng tự tẩm xăng ướt mấy lớp cà sa y hậu, rồi ngồi kiết già, ung dung tự tay châm lửa. Lửa cháy phừng phừng phủ kín cả châu thân. Hòa Thượng an nhiên chấp tay tĩnh tọa. Ngọn lửa mỗi lúc mỗi lên cao, từ đỏ sang vàng, rồi bốc khói đen ngụt ngụt. Hòa Thượng vẫn bình tâm nhập định. Ðến khi lửa hạ ngọn, toàn thân vẫn an trụ như một pho tượng đồng đen. Rồi như để giã từ đồng bào, chư Tăng Ni và bổn đạo. Hòa Thượng cúi gật đầu ba lần, rồi từ từ ngã gục xuống, hai tay vẫn quyết ấn cam lồ.

Nhục thân được đưa về hỏa thiêu nơi An Dưỡng Ðịa của Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tại Phú Lâm. Xá lợi thu nhặt được gồm nhiều mẫu xương không cháy có màu sắc tốt đẹp và một quả tim đốt hai lần không cháy mà chỉ tốp nhỏ lại như một quả cam khô.

Thật vừa bi vừa hùng vậy!

Một Phật tử là Lưu Kỳ Linh có bài thơ cúng dường:

 

TRÁI TIM BI DŨNG

*

Ngùn ngụt lửa hồng vây lớp lớp

Chấp tay ngồi lặng niệm Nam Mô.

Ma duồng theo lửa, lồng trên gió

Quảng Ðức dâng mình giữa Thủ đô.

 

Niệm năm điều nguyện niệm Nam Mô

Rực đỏ trời Nam hận Cố Ðô:

Xe sắt nghiền tan xương Phật tử,

Sông Hương trào máu thuở nào khô?!

 

Niệm năm điều nguyện niệm Nam Mô.

Tiếc nấc vang vang rợn đáy mồ.

Gương mặt từ bi ngời dũng khí,

Cao Tăng quyết liệt diệt hung đồ.

 

Từng xanh mây trắng nở hoa sen,

Năm sắc cờ bay dáng dịu hiền.

Ríu rít chim cành hòa tiếng kệ,

Xác đen gục xuống ánh vàng lên.

 

Tan tác khói mù lẩn quái điên,

Tây Phương chói lọi ngự xe Thiền.

Hàng hàng đệ tử rưng rưng lệ,

Vì đạo quên mình ai dám quên.

* *

An Dưỡng nơi nầy lại hiển linh,

Tuổi vàng càng chứng quả Vô Sinh.

Tim không ghê lửa trời nao núng,

Máu chẳng thành tro quỷ khiếp kinh.

 

Tuồng giả trên đời rồi biến ảo,

Cơ mầu trước mắt đã xương minh.

Mười phương dâng ngọc ta xây tháp,

Thờ trái tim Thầy: Ðạo kết tinh.

 

Một thiên sử Phật ghi màu lửa,

Dọi chút dư quang sử Việt nhà.

Nghìn tám trăm năm ơn Pháp nhũ,

Dưỡng thành Quảng Ðức giống nòi ta.

Ðức hy sinh cao cả của Hòa Thượng được lan truyền nhanh chóng, mặc dù Chánh quyền tìm đủ cách bưng bít. Toàn thể Phật giáo đồ xúc động. Trong nước đâu đâu cũng đượm màu tang. Trừ bọn a tùng Chánh quyền tàn bạo, ai ai cũng thương cảm tán thán đức hy sinhChánh Pháp của vị Cao Tăng và căm phẫn Chánh phủ Ngô Ðình Diệm.

Ở hải ngoại, các đài phát thanh, các báo chí loan tin rầm rộ, cảnh tự thiêu của Hòa Thượng được trưng bày bằng hình ảnh ghi trên báo chí và trên màn bạc khắp các nước Tự Do. Dư luận thế giới xôn xao. Các nước Phật giáo Thái Lan, Cao Miên, Tích Lan, Nhật Bản... đều lên tiếng phản đối chính sách tàn bạo của họ Ngô. Và Chánh phủ Cam Bốt, ngay sau ngày 11-6-63, tuyên bố đoạn giao cùng Chánh phủ Ngô Ðình Diệm và đóng cửa tòa Ðại Diện tại Saigon.

Ngô Ðình Diệm vốn coi thường cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáotin tưởng vào sức vững mạnh của Chánh phủ mình, phải hoảng hốt trước ngọn lửa Quảng Ðức ôn hòa nhưng hùng dũng, và vội lo tìm cách xoa dịu bớt lòng phẫn hận của đại đa số nhân dân cùng dư luận Thế giới.

Noi gương hiến thân cho Ðạo Pháp của Hòa Thượng, nhiều vị Tăng Ni âm thầm tự thiêu để hòa tiếng nhẫn nại đau khổ của mình vào tiếng cảnh tỉnh của bậc tiên phong trên con đường bảo vệ Chánh Pháp.

Trong chư vị “Chết vì Ðạo” nầy có bốn người ở Khánh Hòa, quê hương của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức:

- Ni cô Diệu quang thị tịch tại Ninh Hòa, ngày 15-8-63.

- Nữ Phật tử Yến Phi hy sinh ngày 26-1-65 trước tòa Hành Chánh Nha Trang.

- Ni cô Diệu Trí xả thân tại Ni viện Diệu QuangPhước Hải ngày 3-6-66.

- Ni cô Thông Tuệ xả thân tại góc núi Trại Thủy gần chùa Tỉnh hội Khánh Hòa dưới chân kim thân Phật Tổ, ngày 1-1-67.

Ngọn lửa Thích Quảng Ðức đã soi sáng cho toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam thấy rõ bước đi trên con đường hành đạohộ pháp. Từ ngày Hòa Thượng viên tịch, cứ mỗi lần ngày Phật Ðản về, Phật giáo đồ Việt Nam nói riêng và Phật tử năm châu nói chung, thành kính nhắc nhở danh hiệu Hòa Thượng với tất cả lòng tri ân và ngưỡng mộ.

Và thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ tán thán:

 

LỬA TỪ BI

Lửa! Lửa cháy ngất Tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành thơ quỳ cả xuống

Hai vầng sáng rưng rưng

Ðông Tây nhòa lệ ngọc

Chắp tay đón một Mặt Trời mới mọc

Ánh Ðạo Vàng phơi phới đang bừng lên dâng lên

Ôi! đích thực hôm nay Trời có Mặt

Giờ là giờ Hoàng Ðạo nguy nga

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Nhìn nhau: Tình huynh đệ bao la

Nam Mô Ðức Phật Di Ðà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sanh trầm luân bể khổ

Người sẽ phăng đêm tối đất dầy

Bước ra, ngồi nhập định hướng về Tây

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ

Phật Pháp chẳng rời tay...

Sáu ngả luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay

Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió

Bóng người vượt chín từng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Ðề

Ngọc hay đá tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi: một Thiên thu Tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi

Rồi đây... rồi mai sau... còn chi

Ngọc đá cũng thành tro lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi...

- Còn mãi chứ? Còn Trái Tim Bồ Tát

Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ

Ôi ngọn lửa Huyền Vi!

Thế giới ba ngàn, phút giây ngơ ngác

Từ cõi Vô minh

Hướng về Cực lạc

Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác

Thơ cháy lên theo với lời Kinh

Tụng cho nhân loại hòa bình

Trước sau bền vững tình huynh đệ nầy.

Thổn thức nghe lòng Trái đất

Mong thành Quả phúc về Cây.

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!

Ðồng loạt chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

Tình thương hiện Tháp chín tầng xây.(2)

 

 

V

 

Khánh Hòa còn một nhân vật rất cừ khôi, danh lừng khắp thế giới. Tuy là người ngoại quốc, nhưng sống ở Nha Trang gần 50 năm và lấy Khánh Hòa làm nơi “Sống gởi nạc thác gởi xương”. Tình thâm, đức hậu, khiến người Khánh Hòa luôn luôn nhớ đến công ơn và coi như người bổn kiển. Ðó là:

Bác sỹ Yersin, Bác sỹ húy là Alexandre, sanh năm 1963 tại Lavaux, một nơi thôn quê nước Thụy Sĩ.

Cha là người Thụy Sỹ.

Mẹ gốc người Pháp.

Lớn lên, sau khi đậu Y Khoa Tấn Sĩ (1888) tại Paris, Bác sỹ xin nhập quốc tịch Pháp. Cuộc đời Bác sỹ là một cuộc đời sống động.

Sang Pháp năm 1886 với tư cách một sinh viên y khoa, Yersin may mắn được vào làm việc tại Viện Pasteur Paris vừa mơi thành lập. Trí thông minh và tài sáng kiến làm cho vị chỉ huy trực tiếp là Bác sỹ Emile Roux cùng nhà thông thái trứ danh đương thời là Pasteur mến phục.

Hai năm sau, trình lên Ðại học đường Paris luận án tiến sĩ về đề tài: “Nghiên cứu sự phát triển chứng nhiễm trùng huyết mạch bệnh lao thực nghiệm. “Etude sur le développement du Tubercule expérimental)(3). Luận án làm vang danh Yersin và trong Y học phổ lục (Terminologie médicale) ghi thêm một bệnh mới: “Bệnh lao thực nghiệm kiểu Yersin” (La tuberculose expérimentale, type Yersin).

Cũng năm 1888, hợp tác cùng Bác sỹ Roux, Yersin lại tìm ra độc tố của vi trùng bệnh Bạch hầu (toxinediphtérique). Kết quả này làm cho tên tuổi Yersin thêm lừng lẫy.

 

* *

*

Tương lai sáng lạn. Nhưng ước mơ thú phiêu lưu, thình lình Bác sỹ bỏ phòng thí nghiệm, cùng hãng Nhà Rồng (Compagnie des Masageries Maritimes) ký hợp đồng sang Viễn Ðông làm thầy thuốc cho chiếc tàu buôn của hãng chạy trên biển Nam Hải (Mer de Chine).

Bác sỹ sang Saigon tháng 9 năm 1890.

Con tàu hãng Nhà Rồng chạy đường Saigon - Ma Ní (Phi Luật Tân) được ít lâu thì đổi sang đường Saigon - Hải Phòng.

Trên những chuyến đi về trên con đường Saigon - Hải Phòng, Bác sỹ bị phong cảnh trên bờ biển Trung Việt quyến rũ. Những bãi những ghềnh đầy màu sắc và ánh sáng, những rừng dừa tươi thắm hắt bóng mặt trời buổi sớm, nhả khói thổi cơm buổi chiều, những nhánh núi từ dãy Trường Sơn trùng điệp mang rừng xanh chạy xuống tận chân sóng biển xanh... luôn luôn thúc dục Bác sỹ từ bỏ cảnh đi đi lại lại trên mặt nước, ngày nào cũng như ngày nào, không có gì thay đổi, để lên bờ sống với cảnh núi nghìn sắc muôn hình...

Và tháng 7 năm 1891, Bác sỹ đổ bộ lên Nha Trang.

Với một người Việt Nam biết tiếng Thượng do một vị Linh Mục Pháp giới thiệu, Bác sỹ định vượt núi về Saigon. Nhưng lên đến Djiring thì gặp nhiều trở ngại không đi được nữa, Bác sỹ phải quay về Nha Trang: Quần áo tả tơi, chân không giày và đẫm máu.

Nhưng Bác sỹ không chán nản.

- Tháng 3 năm 1982, Bác sỹ lại vào thâm sơ một lần nữa. Lần nầy thừa lệnh của Chánh phủ Pháp đi khảo cứu địa thế vùng núi non từ bờ biển Nam Hải đến sông Cửu Long.

Lần nầy laø lần đi thám hiểm thật sự.

Khởi hành từ Ninh Hòa với ba người tùy tùng Việt Nam và một ít hành lý, Bác sỹ đã tìm được sau 45 ngày gian khổ những phụ lưu của sông Cửu Long phát nguyên tại Trường Sơn và chạy đến Stung Treng (Thái Lan) và khảo sát đầy đủ về địa lý, tài nguyên, nhân chủng trong vùng sơn lâm này mà từ nghìn xưa chưa mấy ai biết đến.

- Tháng 2 năm 1893, Bác sỹ được Chánh phủ Pháp giao phó việc khảo sát vùng núi sơn lâm phía Nam Trung Việt để mở đường sá và khai thác thổ sản.

Bác sỹ khởi hành tại Biên Hòa và theo sông Ðồng Nai đi ngược lên. Chuyến thám du này cũng như chuyến trước, Bác sỹ chỉ có 4 người Việt Nam tùy tùng... Cảnh gian nan nguy hiểm cũng không kém trước.

Trong chuyến thám du nầy, Bác sỹ phát kiến cao nguyên Lâm Viên (Plateau de Lang Bian) và vùng Dalat

Sau 7 tháng Bác sỹ hoàn thành nhiệm vụ.

- Tháng 2 năm 1894, Bác sỹ lại đi thám hiểm lần thứ ba. Lần nầy ngoài 4 người tùy tùng dân sự, có một toán lính tập 15 người theo hộ vệ. Chuyến đi nầy còn gay gocực nhọc hơn cả hai chuyến trước. Bác sỹ đã khảo sát được vùng núi rừng từ Lang Bian đến Darlac và từ Darlac đến Attopeu. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, Bác sỹ xuống Tourane vào ngày 7 tháng 5 năm 1894 và rồi vượt đèo Hải Vân đi bộ thẳng ra Huế.

Trong ba chuyến thám hiểm, Bác sỹ đã họa đồ, chụp ảnh và ghi chép tường tận những hình thế núi sông, những nhân chủng, phong tục, ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, những tài nguyên của mỗi địa phương. Nhờ vậy mà vùng Cao Nguyên thâm u của Trung Việt lần lần bớt xa lạ huyền bí đối với người Trung Châu, và nguồn lợi thiên nhiên bấy lâu không ai ngó ngàng, lần lần được khai thác.

Nhưng rồi một biến cố xảy ra khiến Bác sỹ trở lại con đường khoa học.

Ðầu năm 1994, bệnh dịch hạch nổi lên hoành hành tại Hoa Nam. Bệnh phát sanh tại Quảng Ðông giết chết trên 100 nghìn người rồi tràn sang Hông Kông giết gần 50 nghìn người nữa. Cả thế giới chấn động.

Bác sỹ không thể điềm nhiên trước tai ách khủng khiếp. Cho nên, mặc dù đã sắp đặt đi thám hiểm miền Thượng du Bắc Việt, Bác sỹ đành phải hủy bỏ chương trình, khi được lệnh Bộ Y Tế Pháp cử sang Trung Hoa để nghiên cứu bệnh dịch hạch.

Bác sỹ sang đến Hồng Kông ngày 15 tháng 6. Một phái đoàn Y sĩ Nhật Bản do Giáo sư Kitasato lãnh đạo đã đến trước mấy hôm. Nhận thấy phái đoàn nầy không có mỹ cảm đối với mìnmh, Bác sỹ không tìm cách hợp tác. “Ai lo phần nấy, như thế còn lợi hơn, bởi nếu bên nầy nếu rủi lạc lối thì bên kia khỏi bắt chước theo”.(4)

Chánh quyền và các nhà chuyên môn địa phương thiên hẳn về phái đoàn Nhật Bản. Không được sự giúp đỡ, Bác sỹ phải thuê cất một túp lều tranh bên cạnh bệnh viện để ở và làm việc... Và cố kiên trì vượt mọi khó khăn, năm hôm sau khi đến Hồng Kông, Bác sỹ tìm ra được giống vi trùng dịch hạch.

Kết quả gởi ngay về viện Pasteur Paris để giảo nghiệm. Viện công nhận là đích xác và công bố cho thế giới hay. Giống vi trùng dịch hạch liền mang tên là trực vi trùng Yersin (Bacille de Yersin).

Công vụ xong, Bác sỹ Yersin trở lại Saigon vào tháng 8 năm 1894 và trở về Pháp vào tháng 10.

Công tác cùng hai bạn đồng nghiệp Calmette và Borrel tại viện Basteur Paris tìm ra được thuốc trị và ngừa bệnh dịch.

Nhưng không thể sống yên vui giữa cảnh phiền náo của Paris, Bác sỹ bèn trở sang Việt Nam. Tháng 9 năm 1895 Bác sỹ đến Nha Trang lập nơi gần bờ biển một phòng thí nghiệm để bào chế thuốc dịch hạch.(5)

Tháng 6 năm 1896, bệnh dịch hạch tái phát ở Hoa Nam, Bác sỹ liền mang thuốc qua Hồng Kông, Quảng Ðông và Áo Môn để cứu chữa. Kết quả rực rỡ: 80 phần trăm người mắc bệnh được cứu sống.

Bệnh dịch hạch xưa nay đã giết chết trên 50 triệu nhân mạng, từ ấy không còn coi là bệnh nan y.

Nhân loại mang ơn Bác sỹ Yersin về bệnh dịch hạch cũng như mang ơn nhà thông thái Pasteur về bệnh chó dại.

Bệnh dịch hạch làm hại người đã có thuốc chữa, còn bệnh dịch súc vật còn ở trong tình trạng nan y. Ở Ðông Dương mỗi năm bị thiệt hại không biết bao nhiêu trâu bò. Bác sỹ Yersin với sự cộng tác cùng một số thú y sĩ, ra công nghiên cứu: Các giống vi trùng được phân định, thuốc điều trị được sáng chế và phướng pháp phòng ngừa được quy định rõ ràng.

Nhờ vậy mà bệnh dịch trâu bò lần lần giảm bớt, và công việc bào chế thuốc ở phòng thí nghiệm Nha Trang mỗi ngày mỗi tăng.

Ðến năm 1902, trong khi Bác sỹ đang hăng say trong công việc thì quan Toàn Quyền Doumer mới ra Hà nội và giao phó việc sáng lập và điều khiển Y khoa Học đường (Ecole de médecine) tục gọi là Trường Thuốc.

Phòng thí nghiệm tạm giao cho người phụ tá coi sóc.

Nhưng không đầy hai năm, vào cuối năm 1904, việc điều khiển Trường Thuốc trao lại cho người khác, và Bác sỹ Yersin được trở về Nha Trang.

Lúc ở Hà Nội, Bác sỹ ra sức vận động nên khi trở về Nha Trang thì phòng thí nghiệm của Bác sỹ Calmette lập năm 1890 ở Saigon, được đổi làm Viện Pasteur Nha Trang và Saigon, gọi chung là Viện Pasteur Ðông Dương (Instituit Pasteur d’Indochine) do Bác sỹ điều khiển với quyền ủy nhiệm của Viện Pasteur Paris.(6)

Ðể tương xứng danh hiệu, phòng thí nghiệm sơ sài của Yersin ở Nha Trang, cũng như của Calmette ở Saigon đều được Chánh phủ Pháp ở Ðông Dương xây cất lại tử tế, và lần lần mở rộng thêm theo nhu cầu.

Bác sỹ Yersin giao trọn quyền chỉ huy Viện Saigon cho viên phó Quản đốc để rảnh thì giờ lo cho Viện Nha Trang. Mỗi năm vào Sagon ba bốn lần, mỗi lần ở lại vài ba hôm để thảo luận các vấn đề chuyên môn và giải quyết, nếu có, những việc quan trọng mà viên Phó Giám đốc không đủ thẩm quyền.

* *

*

Ngựa là giống vật được chọn lựa để dùng trong việc sản xuất huyết thanh chống dịch hạch (Sérum antipesteux).

Khi mới thành lập phòng thí nghiệm (9/1895), Bác sỹ Yersin đã mua được 20 con. Vì Nha Trang thiếu cỏ, Bác sỹ phải đem lên nuôi ở Diên Khánh, cách Nha Trang 10 cây số.

Mua súc vật, cất chuồng nuôi, thuê người chăn giữ, cũng như xây dựng phòng thí nghiệm, Bác sỹ phải “tự lực cánh sinh”. Chánh quyền thực dân pháp không nhận thấy tầm quan trọng của công việc, nên không sẵn sàng giúp đỡ.

Trong bức thư gởi cho Bác sỹ Roux, ngày 19-6-1985, trên chuyến tàu từ Hà Nội về Nha Trang, Bác sỹ kể:

Tôi đương từ Hà Nội về Nha Trang để bắt tay ngày vào công việc. Ở Hà Nội tôi có đến gặp quan Toàn quyền...

... Người ta không thể làm khó dễ tôi, bởi những chỉ thị của Paris về đặc nhiệm giao cho tôi cũng khá rõ ràng đặng người ta để cho tôi được hoàn toàn tự do. Tôi có xin quan Toàn quyền cấp cho tôi một kinh phí 5.000$00 để chi về việt thiết bị và trả tiền nhân công trong vài ba tháng. Ông ta viết thư cho Bác sỹ Grall, Giám đốc Y tế Bắc Kỳ để dò xem công việc của tôi có khẩn cấp? Rồi hỏi tôi có thể bằng lòng với số bạc 100$00 chăng? Ông thông cảm cho rằng thấy ông ta, tôi không muốn bộc lộ niềm hy vọngchúng ta có thể có hiệu quả của huyết thanh trừ dịch hạch và đậu chủng phòng dịch trâu bò. Nhưng không có gì quan trọng. Tôi sẽ tự xoay sở lấy để tiến bước, và cố gắng đi đến thành công. (Je redescends d’Hanoi où je viens de voir le Gouverneur Général, pour me rende à Nhatrang où je me mettrai de suite au travail.

... On n’a pas pu me faire de difficultés car mes instructions de Paris étaient assez pour qu’on me laisse toute liberté. J’ai sollicité du Gouverneur Général un crédit de 5.000$00 pour payer mes frais d’installation et d’entrentien du personnel pour quelques mois. Il a éccrit à M. Grall, le médécin en chef du Tonkin, pour savoir si ma mission était urgente puis il m’a demadé si je ne pourrais pas me contenter de 100$00!... Vous comprenez qu’en le voyant, je n’ai pas voulu trop m’avancer au sujet des espérances que nous pouvons avoir au sujet de l’efficacité du sérum antipesteux et du vaccin contre la peste bovine...

Enfin, tout cela n’a pas d’importance, Je me débrouillerai pour marcher quand même de l’avant et je tacherai de réusir.)

Bác sỹ đã thành công.

Ban đầu, ngựa nuôi ở gần thành Diên Khánh. Ở đây sẵn cỏ, sẵn lúa. Nhưng không có đất trống để lập trại và làm đồng cỏ. Bác sỹ liền nghĩ đến việc khẩn hoang: trước đã có chỗ nuôi súc vật theo khoa học, sau lại thu được huê lợi thêm cho phòng thí nghiệm Nha Trang.

Bác sỹ tìm được đất tại vùng Suối Dầu, ở phía Nam thành Diên Khánh, cách Nha Trang 20 cây số ngàn.

* *

*

Trong thời gian Bác sỹ đến Khánh Hòa dựng nghiệp (1895) thì Nha Trang đương còn là một bãi cát trắng mênh mông. Ðồng bào sống về nghề chài lưới ở xúm xít nơi doi đất phía Nam sông Cái, tục gọi là Xóm Cồn. Nhà cửa lụp xụp, mái tranh vách phên, luôn luôn bị gió sóng phá hủy về mùa thu mùa đông, và che cất lại về mùa xuân mùa hạ. Một số ít nhà ngói cất rải rác dọc theo bờ biển. Ðó là các công chức Pháp: Viên Công sứ với người phụ tá, viên Giám binh với một số lính tập, viên Thương chánh với năm ba nhân viên Việt Nam. Không có một nhà buôn tạp hóa, không có một khách sạn. Một vài quán cơm nho nhỏ nấu cơm tháng cho năm ba thầy thông thầy ký làm Tòa Sứ không đem vợ con theo. Ðường sá chưa mở mang. Chỉ có một con đường trải đá sơ sài chạy từ Nha Trang lên thành Diên Khánh. Vật liệu xây cất và nhân công không thể tìm được tại chỗ. Ðường biển là đường giao thông duy nhất với Saigon và các thành phố phía Bắc.

Thế mà Bác sỹ Yersin thiết lập được phòng Thí Nghiệm với số tiền lương ít ỏi của mình thì thật là tài lắm vậy.

Còn vùng đất chọn được ở Suối Dầu là một cánh rừng hoang, cây cối rậm rạp - phần nhiều là câu dầu rái - nằm nơi giao thủy hai nhánh suối chảy vào sông Nha Trang. Cánh rừng nầy nằm trên địa phận làng Xuân Phú và Khánh Xuân (ngày xưa thuộc Diên Khánh, ngày nay thuộc Cam Lâm. Phía Bắc giáp ruộng đất hai làng nầy, phía Ðông và Nam giáp dòng Suối Dầu, phía Tây giáp núi. Diện tích mênh mông, ước chừng bốn ngìn mẫu tây trở lên.

Với một số tiền “khiêm tốn” của mình và của hai bạn đồng nghiệp Roux và Calmette góp lại, cộng với sức chịu đựng để vượt qua những trở ngại gây nên do thú rừng (cọp, voi, heo, nai...) và muỗi sốt rét, Bác sỹ biến lần lần cánh đồng hoang thành một cánh đồng phì nhiêu xanh dờn những bắp lúa thuốc lá, v.v... với những bầy ngựa, trâu, bò, dê, cứu... láng lông.

Công sức của Bác sỹ được chánh thức công nhận: một nghị định của Công Sứ Trung Kỳ ngày 17-7-1899 cho Bác sỹ tạm trưng 500 mẫu tây trong vùng Suối dầu nói trên. Sau khi phòng Thí Nghiệm Yersin đổi thành Viện Pasteur thì một nghị định thứ hai ra ngày 29-5-1918 sang quyền của Bác sỹ qua Viện Pasteur Nha Trang. Diện tích sở Suối Dầu lúc ấy đã lên đến 1.200 mẫu tây. Ðến năm 1926 diện tích 1.200 mẫu tây ấy đã khai thác trọn và được Phủ Toàn Quyền Ðông Dương nhượng dữ vĩnh viễn cho Viện Pasteur Nha Trang, theo nghị định ngày 1-10-1926. đông thời Viện lại được phép mở rộng thêm về phía Tây một diện tích 1.600 mẫu nữa.

Thế là khởi công khai khẩn vào khoảng đầu năm 1896, Sở Suối Dầu tiến triển không ngừng.

Ban đầu chỉ nuôi súc vật và trồng ngũ cốc. Sau Bác sỹ nhận thấy đất Suối Dầu rất thích hợp với giống cây cao su (Caoutchuoc) bèn ra công khai thác.

Trước Bác sỹ đã có người đem giống cao su sang trồng ở Việt Nam. Ðó là nhà thực vật tên Pierre. Năm 1877, Pierre có trồng mấy cây ở vườn Bách Thảo Saigon. Nhưng vì Dược sỹ Raoul gởi từ Mã Lai, 2.000 cây con sang cho viên Giám Ðốc vườn Bách Thảo Saigon là Haffner. Ông nầy đem trồng ở vườn ươm Hồng Yêm gần Thủ Dầu Một và tặng cho Bác sỹ Yersin một số để trồng thử ở Suối Dầu. Kết quả tốt đẹp. Bác sỹ bèn gởi mua hột giống ở Tích Lan về trồng.

Năm 1905, Suối Dầu đã trồng được 30 mẫu tây cao su và đã bắt đầu lấy mủ. Ðến năm 1914, diện tích trồng cao su lên đến 307 mẫu trên 1.200 mẫu đất trồng tỉa.

Số súc vật như ngựa, trâu, bò, dê, cừu... nuôi trong sở lúc bấy gờ cũng lên đến mức khá cao: Thường thường có từ 1.500 con đến 2.000 con nuôi trong những chuồng hợp vệ sinh.

Cuối năm 1914, Suối Dầu đã trở thành một đồn điền hoàn bị.

* *

*

Lúc cuộc thế chiến 1914-1918 bắt đầu, Bác sỹ Yersin nghĩ:

- Nếu chiến tranh kéo dài thì Viễn Ðông lấy ký ninh ở đâu mà dùng?

Nghĩ vậy là vì thứ thuốc trị sốt rét nầy do xứ Hòa Lan độc quyền sản xuất, Bác sỹ bèn lo việc trồng cây Ký Na (Quinquina hay Cinchona).

Cây Ký Na chỉ sống trên núi cao từ 1.500 thước trở lên ở vùng nhiệt đới.

Sau khi tìm được Hòn Bà(7) là nơi thích hợp, Bác sỹ liền gởi mua giống và lập vườn ương cùng mở đường lên xuống Hòn Bà Suối Dầu. Nhờ số tiền về giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học vừa gởi tặng, Bác sỹ hoàn thành công tác một cách thông suốt và khỏi phiền đến Chánh quyền địa phương.

Tháng 9 năm 1917, cây Ký Na bắt đầu trồng trên Hòn Bà. Ban đầu nẩy nở rất tốt. Nhưng vài ba năm sau chậm lớn dần, rồi dừng lại hẳn lại. Ðó là đất. Hòn Bà là một hòn núi đá, những lớp đất trên mặt do lá lá mục tọa thành không được dày bao lăm, nên cây không đủ chất nuôi dưỡng khi đã lớn.

Năm 1923, Bác sỹ đem giống Ký Na Hòn Bà lên thí nghiệm ở Dran và Djiring. Diom, trên Cao nguyên Lang Bian. Ở các nơi nầy, cây chóng lớn và tốt hơn ở Hòn Bà. Vì vậy diện tích trồng cây mỗi ngày mỗi mở rộng. Năm 1930-1931 đã trồng được 671 mẫu tây. Và đã bóc được 2 tấn võ để bào chế ký ninh. Số sản xuất mỗi năm mỗi tăng.

Nếu đệ nhị thế chiến không xảy ra, thì chắc Việt Nam khỏi cần nhập cảng ký ninh vậy.

* *

*

Công nghiệp của Bác sỹ Yersin thật vĩ đại.

Ðược vậy, chẳng những nhờ ở tài trí siêu phàm, mà còn nhờ ở chí kiên quyết, tinh thần tích cực, sức chịu đựng dẻo dai, lòng ham thích những mới lạ, và nhất là tánh không vụ lợi, không hiếu danh. Những đức tánh ấy biểu lộ rõ ràng trên công tác thực tế.

Thật là một gương sáng cho những người muốn xây dựng sự nghiệp to lớn và lâu dài.

Con người có một sự nghiệp vẻ vang như thế, mà lại rất giản dị, rất khiêm tốn, rất bình dân.

Tuy làm đến chức quan Năm Thầy Thuốc (Médecin Colone), rất ít khi Bác sỹ mặc quân phục và đeo huy chương.

Từ mùa tám tiết, luôn luôn mặc bộ đồ ka-ki vàng, cổ cao và gài kín. Ngày hai buổi đi đến viện Pasteur, và thỉnh thoảng lên thăm Suối Dầu, phương tiện chuyên chở không có gì khác hơn là chiếc xe đạp Peugeot cũ kỹ. Chiếc xe đạp và bộ quần áo ka-không là hình ảnh của Bác sỹ Yersin trước mắt và trong trí người dân Khánh Hòa.

Suốt 50 năm trời ở Nha Trang, Bác sỹ sống độc thân, trong một ngôi nhà vừa kỳ vừa cổ, tại Xóm Cồn, giữa những túp nhà tranh xơ xác vì nắng gió của đồng bào địa phương.

Ngôi nhà này nguyên là một lô cốt (blockhaus) bỏ hoang mà Bác sỹ mua được năm 1895 khi đến thiết lập phòng Thí Nghiệm. Lô cốt xây bằng gạch rất kiên cố và đứng trên một nền bằng đá cao rộng chạy dài ra tận mé biển ở mặt phía Ðông. Hình khối đứng, chiều rộng mỗi cạnh chừng 5 thước tây, chiều cao chừng 11 thước. Gồm một tầng trệt và hai tầng lầu. Bác sỹ xây chung quanh mỗi tầng một hành lang rộng rãi, và sắp xếp mỗi tầng thành một phòng: Tầng dưới hết là phòng ăn, tầng thứ hai là phòng ngủ, tầng trên hết là phòng làm việc. Lên xuống bằng cầu thang xây hình trôn ốc. Trên sân thượng Bác sỹ lại xây một vòm tròn (coupole) để đặt ống viễn kính xem thiên văn.

Vòm thiên văn sơn màu trắng, vách tường quét vôi vàng. Ngôi nhà xa trông phảng phất một đền thờ của người Cổ Ả Rập. Người hàn mặc gọi là “Tháp Ngà”, người bình dân gọi là “Lầu Ông Năm”(8) với câu hát:

Ngó ra ngoài biển thấy tàu

Ngó vô trong bãi thấy lầu ông Năm.

Trong nhà, ngoài những sách vở và đồng nhật dụng cung các dụng cụ khoa học, không có một món đồ gì thuộc loại xa xỉ phẩm. Cũng không có một bức tranh, một bức ảnh treo tường. Kể cũng không cần thiết. Bởi còn vật gì quý bằng, đẹp bằng những cảnh vật thiên nhiên ở ngay trước mắt.

Con sông Nha Trang lặng lẽ từ hướng Tây chảy xuống mang những bóng núi ở ven bờ, bóng dừa ở Vĩnh Ðiềm, Ngọc Hội, bóng mây trắng trên trời xanh, đến tận cửa sông mở sát bên hông nhà, phía Tây Bắc. Trước mặt nhà, về hướng Ðông, cửa biển Nha Trang, dáng tròn tròn như mặt trăng đêm mồng chín, luôn luôn thay đổi sắc thái theo thời gian. Bãi cát vừa trắng vừa mịn chạy cong cong trên bảy cây số, trông như một lưỡi câu liêm mới mài. Núi Cù Lao ở phía Ðông Bắc và núi Chụt ở phía Ðông Nam, mường tượng hai hòn đá mài đè nơi mũi và nơi chuôi lưỡi câu liêm bãi cát. Và ngoài khơi, những hòn cù lao xanh nhấp nhô: Hòn Yến hình kim tự tháp, hòn Rùa hình linh qui, hòn Trẻ hình bầy cá sấu đương bò xuống biển sâu.

Nơi hành lang phòng ngủ, những lúc thư nhàn, chủ nhân thường đứng tựa lan can ngắm cảnh vật thay màu đổi dạng theo ngày giờ theo mùa tiết. Lắm lúc mở rộng thêm chân trời vọng cảnh qua những sách lật khẻ trong lòng ghế xích đu.

Phong cảnh ngắm mãi không nhàm. Nhưng ngoài sân trong nhà, không mấy khi có bóng khách sang lai vãng, thời Nha Trang đã trở thành nơi đô hội cũng như thời còn là một bãi cát trắng với một xóm nhà tranh.

Bởi vì Bác sỹ Yersin là người quả giao. Trừ một số rất ít bạn chí thân, Bác sỹ không ứng tiếp người lạ, nhất là người trong giai cấp thống trị, trong giai cấp “rầm rộ ngựa xe”. Người Pháp cũng không hơn gì người Việt. Trái lại, đối với giới bình dân, Bác sỹ rất ưa gần gũi. Bác sỹ thường đến nhà đồng bào Xóm Cồn để chuyện trò cùng các vị phụ lão, hoặc để giúp đỡ bà con khi có việc cần. Những đêm trăng thong thả những ông già bà cả hay đến chơi nhà Bác sỹ. Nơi sân hành lang, nơi phòng ăn, nhà bếp..., muốn ngồi đâu thì ngồi, muốn nằm đâu thì nằm... Muốn ở chơi lâu cũng được, muốn ra về gấp cũng được. Không lễ nghi, không khách sáo. Còn đám trẻ con hễ thấy bóng Bác sỹ là chúng bu đến ngay. Ðứa ôm chân đứa nắm tay, đứa kêu nội đứa kêu ngoại. Bác sỹ mua một số sách có hình ảnh dành riêng cho trẻ em. Những lúc rảnh thường đem ra cho chúng xem và giảng cho chúng hiểu ý nghĩa. Không bao giờ Bác sỹ rầy la chúng. Có em nào nghịch quá trớn hoặc làm những điều quấy, thì Bác sỹ chỉ đưa ngón tay trỏ lên và chắc lưỡi vài tiếng là sửa chữa được liền.

Ðồng bào Xóm Cồn yêu quý và kính trọng Bác sỹ như cha. Không bao giờ đồng bào gọi tên Bác Sỹ. Khi nói với nhau thì gọi là “ông già”(9) khi nói với người ngoài thì gọi là “Ông Năm”. Người Khánh Hòa ở xa Xóm Cồn, đối với Bác sỹ cũng rất ngưỡng mộ. Phần đông cũng dùng tiếng “Ông Năm” mà gọi Bác sỹ khi nói chuyện với nhau.

Bác sỹ rất hiền từ. Không bao giờ quở trách ai nặng lời và không bao giờ làm cho người khiếp sợ.

Một hôm Bác sỹ cỡi xe đạp đến Viện Pasteur, bị một tài xế ô tô vô ý lái xe tông nhằm Bác sỹ té ngã. Không có gì quan trọng, nhưng anh tài xế hết hồn, tay chân luýnh quýnh. Thấy vậy, Bác sỹ vội vội trở dậy leo lên xe đạp đi thẳng, không hề tỏ vẻ đau đớn hay bất bình.

Bác sỹ lại rất bình tĩnh. Không bao giờ hoảng hốt, bối rối trước cảnh ngộ nguy hiểm, khó khăn.

Nhờ lòng nhân từ và tánh bình tĩnh mà những lúc vào rừng núi, gặp thú dữ, Bác sỹ đều tránh khỏi tai nạn như có phép thần thông. Như trường hợp gặp rắn trong cuộc thám hiểm lần thứ ba năm 1894 là một:

Một hôm Bác sỹ đi bắn chim để làm thực phẩm. Ðương ngước cặp mắt ngó lên đọt cây để tìm mồi thì nghe sau lưng có tiếng động. Quay lại thì ngó thấy một con rắn hổ mang to lớn đứng thẳng lên trên đuôi, phùng mang lè độc. Bác sỹ đứng yên, thái độ bình thản. Rắn lắc lư chiếc đầu dẹp muốn nhảy đến chụp, nhưng lại trừ trừ. Hồi lâu hạ mình xuống và vụt phóng vào bụi rậm đi mất.

Nghe được câu chyện, có người đến hỏi Bác sỹ có phải nhờ thuật thôi miênthoát nạn chăng? Bác sỹ đáp:

- Rắn độc cũng như thú dữ, cắn người chỉ để tự vệ. Chúng đều có linh tánh. Một khi nhận biết rằng mình không có ác tâm ác ý đối với chúng thì không bao giờ chúng làm hại mình.

Quả đúng như vậy. Bác sỹ Yersin vốn đã sẵn có lòng từ bi và đã dưỡng được tánh thanh tịnh. Chính từ lực và tịnh lực đã cảm hóa được ác thú, khiến Bác sỹ được luôn luôn bình yên trong những cuộc thám hiểm. Trường hợp chim se sẻ sau đây cho thấy từ lực và tịnh lực của Bác sỹ thêm rõ ràng:

Ðể mua vui, Bác sỹ thường lấy lúa gạo vãi cho se se ăn. Ban đầu chúng đến xa xa, lần lần đến gần, cuối cùng đến sát bên chân. Có con nhảy đậu lên cả lưng ghế, tay ghế của Bác sỹ! Thế mà hễ thấy bóng người khác đến là chúng vụt bay đi ngay! Ðó là vì luồng điện do ác tâm do sát ý của người phát ra làm cho chúng sợ.

Bác sỹ biết được nhiều thứ tiếng. Tiếng Thụy Sĩ và tiếng Pháp là tiếng “mẹ đẻ” không kể. Bác sỹ rất thông thạo tiếng Ðức và có nói được tiếng Quảng Ðông. Còn tiếng Việt Nam thì chỉ học đủ hiểu, đủ nói.

Mặc dù ở lâu tại Nha Trang, Bác sỹ vẫn nói tiếng Việt gới giọng Tây và nói chậm rãi như người mới học nói. Nhưng nói rất đúng văn phạm. Có một đặc điểm là nói về loài vật. Bác sỹ vẫn dùng chữ “người ta” như nói về người.

Một hôm Bác sỹ cùng đoàn tùy tùng lên Hòn Bà. Ðến chân núi thì thấy một bầy voi kéo đến. Ðoàn tùy tùng sợ hãi. Bác sỹ nói một cách thản nhiên:

- Người ta đi đường người ta, có gì mà sợ.(10)

Quả vậy, bầy voi thấy bóng người, ngước lên nhìn rồi tiếp tục đi thẳng.(11)

Câu nói giản dị nhưng thâm thúy nầy cùng sự kiện xảy ra đó làm sáng tỏ thêm một lần nữa lời nói “Mình không có ác tâm ác ý đối với chúng, thì không bao giờ chúng làm hại mình” đã dẫn ở trước.

Ðức trọng, tài cao, sự nghiệp cả, danh vọng lớn! Thế mà từ mày xanh đến đầu bạc, Bác sỹ vẫn sống một đời sống đạm bạc thanh cao, không vợ không con, như một nhà chân tu, một nhà ẩn dật. Cho nên người hiểu biết gọi Bác sỹ là Thánh Nhân (Saint homme) thật không quá đáng vậy.

* *

*

Bác sỹ là người Thụy Sĩ nhập tịch Pháp, nhưng rất yêu quí Việt Nam. Bác sỹ không quyến luyến đâu bằng Nha Trang. Ði đâu thì đi, rồi cũng vội vã trở về cùng ngôi nhà lô-cốt.

Năm 1940, trong khi phe Trục Tam Giác và phe Ðồng Minh đương độ đánh nhau dữ dội, thình lình Bác sỹ lấy vé máy bay về Paris. Thăm viện Pasteur cùng các bạn thân ít hôm rồi trở lại Nha Trang trong chuyến máy bay cuối cùng trên con đường hàng không Pháp Việt. Ðó là chuyến đi xa cuối cùng của Bác sỹ. Lúc bấy giờ Bác sỹ đã 77 tuổi. Nhưng trông còn quắc thướctráng kiện lắm. Ði đến viện Pasteur và lên sở Suối Dầu vẫn đủng đỉnh trên chiếc xe đạp như bốn mươi mấy năm về trước, khi mới đến Nha Trang.

Mãi đến khoảng cuối tháng 12 năm 1942, người Nha Trang mới bắt đầu thấy Bác sỹ không dùng xe đạp nữa, triệu chứng cho biết Bác sỹ đã yếu lắm rồi. Nhưng khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 1943, Bác sỹ vẫn còn ngồi nơi hành lang phòng ngủ, theo dõi với ống viễn kính mức nước thủy triều của sông và của biển Nha Trang... Lúc ấy tinh thần của Bác sỹ vẫn minh mẫn như thường, song sức khỏe mỗi ngày mỗi thêm thỏn mỏn.

Cuối cùng Bác sỹ phải nằm nghỉ.

Rồi đến 1 giờ khuya ngày 1 tháng 3 năm ấy (1943), Bác sỹ âu yếm nhìn những người đứng chung quanh giường bệnh, nói một tiếng “Vĩnh Biệt” (Adieu) rồi nhắm mắt. Thọ 80 tuổi.

Người Xóm Còn đương đi biển, được tin liền kéo nhau trở về tất cả. Ông già, bà cả, người lớn, con nít, đều kéo nhau đến khóc than thảm thiết. Rồi theo phong tục Việt Nam, lên hương án làm cỗ bàn, thành phục. Mọi người từ lớn chí nhỏ đều để tang.

Còn đám tang chính thức do Chánh quyền Pháp tổ chức theo di ngôn của Bác sỹ, cử hành trong im lặng, không trống không kèn, không vòng hoa điếu văn.

Phần mộ của Bác sỹ đặt trên một nổng gò trong sở Suối Dầu. Cây cao su tỏa bóng xanh. Xa xa núi cao suối trong bao bọc.

“Sống khôn thác thiêng” hồn Bác sỹ hẳn thường đi về với cảnh. Và công nghiệp của Bác sỹ còn đó thời nghìn muôn thu, thanh danh của Bác sỹ vẫn còn vang mãi trong làng khoa học thế giới, trên đất nước Việt Nam, nhất là Nha Trang, Suối Dầu, Hòn Bà, Dalat, Lang Bian, Darlac.

Và đến Khánh Hòa, trông thấy Viện Pasteur Nha Trang cùng sở cao su Suối Dầu thì không mấy ai không nhắc đến Bác sỹ:

Nha Trang biển chẳng phai xanh,

Thời danh Bác sỹ Yersin còn truyền.

* *

*

 

KẾT LUẬN

 

Ðó là những gì của Khánh Hòa mà sức người viết có thể viết ra được.

Tuy chỉ phạm vi một tỉnh. Nhưng non sông khó mà xem khắp được, cảnh vật khó mà biết đủ được. Biết được bao nhiêu viết ra bây nhiêu, và viết với tấm lòng thiết tha, thành thực, hầu mong làm ngấn tuyết ghi lại dấu móng chân con chim hồng.

Xem dấu chân hồng trên tuyết, kẻ thức giả đoán được thân vóc của chim. Thì xem qua Xứ Trầm Hương, bạn tri âm chưa đến Khánh Hòa hẳn cũng thấy xa xa được bóng dáng của Khánh Hòa vậy.

Biết qua Khánh Hòa, chắc quý bạn không phủ nhận Khánh Hòa là một tỉnh lớn, một tỉnh tốt, tốt về mọi phương diện, là một tỉnh có một quá khứ đáng trọng, một hiện tại đáng yêu và một tương lai nhiều hứa hẹn.

Nếu trong Chánh Phủ, ngòan Nhân Dân, có nhiều người thiện tâm thiện chí xúm tay tô bồi khai thác, thì Khánh Hòa sẽ là một bức gấm trơn được thêu hoa ngũ sắc, một viên ngọc phác được tay thợ khéo dũa láng chạm rồng, giá trị gia tăng vạn bội. Vì vậy mạnh dạn ngâm to:

Tỉnh Khánh Hòa

Ðượm đà mưa nắng

Non chồng nghĩa nặng,

Nước chứa tình thâm.

Ngọn gió đưa phảng phất hương trầm,

Mây xây tháp bút, trăng dầm bến ngân.

Mía cam đằm thắm vị ái ân,

Yến chôn bạc khối vàng cân ngấm ngầm.

Từ Vạn Ninh vào đến Cam Lâm,

Chắc có lắm người đồng điệu lắm kẻ đồng tâm với mình?

 

NHỮNG SÁCH THAM KHẢO

 

- Ðại Nam Nhất Thống Chí của Cao Xuân Dục.

- Phương Ðình Dư Ðịa Chí của Nguyễn Siêu.

- Ðất Việt Trời Nam của Thái Văn Kiểm.

- Việt Nam Lược Sử của Trần Trọng Kim.

- Thích Song Tổ ấn tập.

- Chùa Hải Ðức.

- Việt Nam Công Giáo niên giám 1964.

- Yersin của Noel Bernard.

- Le Docteur Alexandre Yersin của Jacotto.

- Institut Océangegraphique de Nha Trang của Secène.

- Bản đồ Khánh Hòa của Service Géographique de l’Indochine vẽ năm 1924, 25, 29, 30 và soát lại bằng phi cơ năm 1952.

- Bản đồ do Nha Ðịa Dư Quốc Gia Việt Nam xuất bản 1961.



(1) Quảng Phước là tên cũ của Vạn Ninh (Xem phần lịch sử ở trước).

(2) Vì tiểu sử của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức đã có nhiều sách báo nói đến, những thi văn tán thán Hòa Thượng cũng đã có nhiều sách báo lục đăng nên chỉ nói qua những nét chính, và trích dẫn một bài thơ xuất sắc nhất mà thôi.

(3) Nhà thông thái Ðức Robert Koch tìm được vi trùng ho lao năm 1882. Bác sỹ Yersin trước khi làm luận án tấn sĩ có sang Ðức theo dõi các lớp giảng của Koch.

(4) Phỏng ý câu “Chacun se débrouillera à part, cw qui n’en vaudra que mieux car si l’un part sur une fausse piste l’autre ne saurait l’inmiter” trong tập nhật ký của Bác sỹ Yersin.

(5) Xem “Viện Pasteur” ở phần trước.

(6) Xem mục Viện Pasteur ở trước.

(7) Xem phần “Ðịa Lý” mục nói về Hòn Bà ở trước.

(8) Bác sỹ làm Quan Năm Thầy Thuốc (Médecin Colonel)

(9) Ở miền Nam Trung Việt, con cái thường gọi cha mẹ là “ông già”, “bà già”.

(10) Chép đúng nguyên văn.

(11) Có người còn nói thêm rằng. Con voi chúa đoàn đưa vòi ra. Bác sỹ lấy cây baton cầm nơi chuôi, đưa đầu quẹo móc vào vòi voi “bò sua”. Voi giục giặc mấy cái rồi mới đi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3883)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(Xem: 3061)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(Xem: 6864)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 5581)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(Xem: 3885)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(Xem: 3050)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(Xem: 12006)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(Xem: 5110)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(Xem: 3827)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 9098)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 7317)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(Xem: 27058)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(Xem: 5865)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(Xem: 5585)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(Xem: 6096)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(Xem: 5569)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(Xem: 5440)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(Xem: 7743)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(Xem: 4745)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(Xem: 12010)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(Xem: 21804)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(Xem: 6468)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(Xem: 7414)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(Xem: 6692)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(Xem: 6268)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(Xem: 8525)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(Xem: 6046)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(Xem: 5690)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(Xem: 14168)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(Xem: 20173)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(Xem: 6847)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(Xem: 6818)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(Xem: 6382)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 6474)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(Xem: 6004)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 7395)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(Xem: 7362)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(Xem: 8490)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(Xem: 6453)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(Xem: 6844)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(Xem: 10459)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(Xem: 19778)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(Xem: 30165)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(Xem: 16165)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(Xem: 19565)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(Xem: 11041)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(Xem: 14286)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(Xem: 7738)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(Xem: 10459)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(Xem: 7915)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant