Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phần Ii. Để Có Được Một Đời Sống Phúc Lành!

01 Tháng Tám 201200:00(Xem: 3942)
Phần Ii. Để Có Được Một Đời Sống Phúc Lành!

Lê Kim Kha 
CON ĐƯỜNG
CỦA CHÚNG TA 
(Dành cho những Phật tử tại gia)
Nhà Xuất Bản Phương Đông 2012

PHẦN II
ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT ĐỜI SỐNG PHÚC LÀNH!

Lời Hướng Dẫn Của Đức Phật

 

 

Từ đây, chúng ta sẽ cùng bàn về những Phần quan trọng trong việc giữ gìn & thực hành những giới hạnhquy tắc đạo đức cần thiết để có được một đời sống An Bình & Hạnh Phúc.

 

Những hướng dẫn thực hành chi tiết về mọi mặt: (1) Cách sống, (2) Việc gầy dựng và giữ gìn của cải, (3) Giữ gìn những giá trị đạo đức, những mối quan hệ tình cảm trong gia đình (từ cha mẹ, vợ chồng…) cho đến những quan hệ xã hội (bạn bè, họ hàng, những người kính đạo, bậc tu hành…).

 

Mọi người xưa nay cứ nghĩ đến Đạo Phật là một đạo giải thoát, chỉ lo đến vấn đề xuất giatu tập để giải thoát như một mục tiêu cứu cánh tột cùng. Điều này là đúng, tuy nhiên Đạo Phật, hay chính Đức Phật, đã luôn luôn khuyên dạy, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người tại gia một cách rất chi tiết về mọi cách sống đúng đắn trong tất cả mọi quan hệ công việc, gia đìnhxã hội.

 

Học giả lỗi lạc, thiền sư Bhikkhu Bodhi, đã từng viết với đại ý rằng:

 

“Ban đầu tôi đọc những giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo…tôi nghĩ rằng Đức Phật chỉ là một nhà phát minh tài tình…, nhưng sau khi tôi đọc những bài thuyết giảng của Đức Phật về những vấn đề tình cảm, gia đình và xã hội…, ví dụ như trong “Kinh Lời Khuyên Dạy Sigala”…, thì tôi mới nhận ra rằng Đức Phật chính là một “bậc Giác ngộ”.

 

Ngoài những mảng thuyết giảng về Giáo lýTu tập cho việc thực hành của các tu sĩ, Đức Phật đã bàn về những Quy Tắc, Giới Hạnh & việc Thực Hành dành cho những người dân thường, cũng như những Phật tử tại gia. Theo lời viết của Hòa Thượng Tiến sĩ W. Rahula:

 

“Có một số người cho rằng Phật Giáo là một hệ thống triết lý thật là cao vời và siêu phàmmọi người nam nữ đều không thể thực hành được trong thế giới hiện tại đầy ấp những công việc của chúng ta, và rằng chỉ có những người từ bỏ thế giới hiện tại này để rút lui vào chùa chiềng, tu viện, hoặc một nơi vắng vẻ nếu người ấy muốn trở thành Phật tử thật sự.

Đây là một ngộ nhận đáng buồn vì lẽ do thiếu hiểu biết về những điều dạy của Đức Phật. Người ta thường có những kết luận sai trái, vội vã từ những gì do nghe được hoặc do thỉnh thoảng đọc được đâu đó, hoặc do những điều được viết bởi vài người thiếu hiểu biết về tất cả các khía cạnh của Phật giáo mà chỉ đưa ra những quan điểm thiên lệchchủ quan. Thật ra những lời dạy của Đức Phật không chỉ dành riêng cho giới Tăng Ni, tu sĩ xuất gia ở trong các tu viện, mà cũng dành cho mọi người nam nữ bình thường đang sống ở nhà với gia đình của họ. “Bát Chánh Đạo” là lối sống của người theo Phật, được dạy cho tất cả mọi người mà không hề có phân biệt xuất gia hay tại gia.

Hầu hết mọi người trên thế gian này không thể xuất gia thành tu sĩ hoặc cũng không thể lẫn tránh vào hang động hay rừng sâu để tu hành. Vì thế, Đạo Phật dù cao cả và tinh hoa đến đâu, cũng sẽ vô dụng đối với nhân loại nếu đại đa số mọi người không thể thực hành được trong đời sống hằng ngày, trong gia đình. Nhưng nếu hiểu đúng tinh thần Phật giáo (chứ không phải chỉ hiểu bằng chữ nghĩa, ngôn từ), chắc chắn chúng ta có thể thực hành lời Phật dạy trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường của mỗi người.”

(Trích trong quyển “Những Điều Phật Đã Dạy”, Chương VIII, của TS. Hòa Thượng W. Rahula).

 

Phần này sẽ trích dẫn và diễn tả những lời khuyên dạy đó của Đức Phật tử trong bốn (4) bài kinh căn bản là:

 

▬ (1) Kinh “Lời Khuyên Dạy Sigala” (Sigalovada Sutta):

Những giới luật về đạo đức cần thiết cho những người thường và Phật tử tại gia.

 

▬ (2) Kinh “Lời Khuyên Dạy Vyagghapajja” (Vyagghapajja Sutta):

Những điều kiện giúp tạo nên và duy trì những phúc lợi về vật chất của người tại gia.

 

▬ (3) Kinh “Nguyên Nhân Suy Đồi” (Parabhava Sutta):

Những nguyên nhân tạo nên những sa sút về vật chất và suy đồ về tinh thần trong đời sống của người tại gia.

 

▬ (4) Kinh “Điềm Lành” (Mangala Sutta):

Bài Thuyết giảng về những điều tu tập để mang lại sự an sinh và hạnh phúc trong đời này và đời sau.

 

 

Tất cả nội dung của 4 kinh này là gồm khá đầy đủ những “Hướng Dẫn” cho mọi người trong đời sống kinh tế, gia đình, xã hội. Đó là những nền tảng căn bản về đạo đứctâm linh để dẫn đến những trí tuệ ( và hạnh phúc) cao sâu hơn của Phật giáo.

 

Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rõ rằng, những hướng dẫn hay quy tắc này không phải là những mệnh lệnh hay giáo điều để bắt buộc phải thi hành. Đạo Phật không chủ trương những giáo điều do một đấng siêu nhiên nào tạo ra và bắt con người phải thực hiện, ‘bằng không sẽ phải bị hình phạt hay đọa đày vĩnh viễn trong cõi địa ngục’.

 

Đạo Phật không dựa vào những cơ sở thưởng phạt, mà dựa vào sự hiểu biếttrí tuệ. Chỉ có cách là bạn phải tìm hiểu, nghi vấn, và sau đó chính bản thân mình hiểu rõ giáo lý Phật giáo, thì lúc đó bạn sẽ yên tâm thực hành theo.

 

Đạo Phật không đề cao những đức tin mù quáng và những sự thờ phụng một cách thiếu hiểu biết, mê tínsùng bái. Những việc đó không liên quan gì đến trí tuệ và không mang lại niềm an lạchạnh phúc cho mọi người. Việc thờ cúng kiểu cúng sao, cúng giải hạn, cúng bói, xin xăm, cúng chùa chiềng Tăng Ni không đúng cách, những lễ nghi mang màu sắc bí ẩn…đều không được khen ngợi hay tán đồng bởi Phật Giáo chân chính.

 

► Xin đọc thêm các quyển Mê Tín Hay Chánh Tín, “Chúng ta đi chùa là để cầu xin hay để tu theo Phật” của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thiền Viện Trúc Lâm.

 

 

Chỉ có việc thực hành những giới hạnh đạo đức, thực hiện những việc làm công đức như Bố Thí, tuân giữ Giới Hạnh & Thiền Tập, thực hành Bát Chánh Đạo thì mới mang lại sự tiến bộđời sống an lạc, phúc lành cho kiếp sống hiện tại và tương lai.

 

Những lời khuyên dạy, hướng dẫn chi tiết của Đức Phật là không có gì quá cao siêu, bí hiểm, mà rất đơn giản, mộc mạc, rõ ràng và rất dễ dàng thực hiện trong đời sống gia đìnhxã hội bởi bất cứ ai, dù là Phật tử hay không là Phật tử.

 

Hãy đọc những giáo lý, lời khuyên dạy của Phật, rồi quán sátthực hành trong đời sống hàng ngày, chắc chắn các bạn sẽ thấy được những ích lợi tức thì và lâu dài của việc thực hành đó. Ích lợi cho một đời sống an bình và hạnh phúc!.

 

 

 

 

 

 

Chương I

 

ĐỂ CÓ MỘT ĐỜI SỐNG AN BÌNH

& HẠNH PHÚC

 

 

“Giới Hạnh của Phật Tử Tại Gia”.

 

 

Phần thuyết giảng này được ghi lại trong Kinh “Lời Khuyên Dạy Sigala”.[1] Kinh này chỉ dạy về những:

 

(1) Chuẩn mực đạo đức

(2) Việc gầy dựng & giữ gìn tài sản vật chất

(3) Việc giữ gìn quan hệ gia đình & xã hội, và

(4) Những phẩm chất cần có của một người thành đạt đúng nghĩa.

 

Những lời dạy này mang lại lợi ích cho cá nhân gia đìnhxã hội cùng lúc.

 

Chuyện kinh kể rằng có một chàng trai trẻ tên là Sigala sống vào thời Đức Phật. Sigala ban đầu rất bướng bỉnh và mang tư tưởng theo vật chất, không tôn trọng hay tin vào Đức Phật, ngược lại với cha mẹ của mình là những người tôn trọng Đức Phật. Cha của Sigala là một người giàu có và ông rất lo lắng cho tương lai của Sigala và cả gia đình, dòng tộc khi sau này con trai ông sẽ kế thừa cai quản gia đình và sản nghiệp.

 

Sau một cơn bệnh, người cha hấp hối trên giường bệnh và đã khuyên Sigala sau này mỗi sáng sớm phải thờ cúng sáu (06) phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên & Dưới. Đây là một tập tục phổ biếnẤn Độ thời bấy giờ, họ tin rằng thờ cúng sáu phương như là thờ cúng những vị thần ở sáu phương đó để tránh được những tai ương đến từ các phương đó.

 

Như người cha hy vọng, một buổi sáng Sigala gặp được Đức Phật trên đường. Đức Phật bèn hỏi Sigala cúng lạy sáu phương để làm gì, chàng trai trẻ nói rằng chỉ làm vì nghe theo lời tâm nguyện của người cha.

 

Đức Phật mới bắt đầu nói Sigala hãy lắng nghe, Phật sẽ giảng thêm về việc thờ cúng sáu phương như thế nào cho đúng với Nghi Luật của Bậc Thánh Nhân. Đức Phật giảng dạy tất cả mọi khía cạnh gia đìnhxã hội, mà sau khi nghe xong bài giảng, Sigala đã quỳ xuống xin Đức Phật cho quy y theo Phật và trở thành một Phật tử kính đạo.

 

Luận sư Phật giáo lỗi lạc Ngài Phật Âm (Buddhashoga) đã nói rằng “Kinh Lời Khuyên Dạy Sigala” chính là “Giới Luật” dành cho tất cả mọi người & Phật tử tại gia”, ngoài những giới luật khác dành cho Tăng Đoàn.

 

 


 

 

u Chuẩn Mực Đạo Đức

 

 

³ Bốn (4) Điều Xấu Ác Phải Nên Đã Tránh Bỏ:

 

 

[1] Không sát sinh, không hãm hại sự sống của chúng sinh

 

Đây là cách một người bảo vệ sự sống, tính mạng của người và chúng sinh khác.

 

Đồng thời, đây cũng là cách mà mạng sống và an ninh của mình cũng được bảo vệ.

 

 

[2] Không trộm cắp, không lấy của không được cho

 

Đây là cách một người bảo vệ những người khác không bị rơi vào khốn khó hay mất mát.

 

Đồng thời, đây cũng là cách mà tài sản và sự sinh sống của mình cũng được bảo vệ.

 

 

[3] Không tà dâm, không ngoại tình

 

Không dính vào những hành động ngoại tình, quan hệ nam nữ bất chính, bất hợp pháp. Đó là cách không gây ra đau khổ và tan nát cho những gia đình khác.

 

Đồng thời, đó cũng là cách bảo vệ sự nguyên vẹn và hạnh phúc của gia đình mình.

 

 

[4] Không nói dối, không nói sai sự thật

 

Đây là cách một người bảo vệ quan hệ và xã hội khỏi mất niềm tinhỗn loạn.

 

Thay vì vậy, đây cũng là cách mà những niềm tin, sự yên tâm và an ninh của xã hội cũng được bảo vệ.

 

 

Bốn Nguyên Nhân Khiến Một Người Vi Phạm Vào Bốn (4) Điều Xấu Ác Này:

 

Tham dục:

Ví dụ, vì tham dục, ham muốn vào những khoái lạc giác quan mà một người vi phạm vào việc tà dâm, ngoại tình.

 

Sân hận

Ví dụ, vì cơn giận không thể kiềm chế được mà một người có thể gây tổn thương cho người khác.

 

Si

Ví dụ, vì si mê, ngu dốt, một người có thể thản nhiên mua nhầm đồ ăn cắp hoặc với giá rẻ, nên vi phạm vào giới “lấy của không được cho”. Hoặc vì bị xúi giục lúc tâm trí ngu mụi vì “rượu bia, hút chích”, một người có thể làm điều xấu ác như giết người, cướp của, đánh đập người khác.

 

Sợ hãi

Ví dụ, vì sợ những hành động hay ý đồ xấu xa của mình bị lộ ra, bị bắt tội, nên một người có thể phải nói dối, nói vu khống để che đậy tội lỗi của mình hay hãm hại người khác.

 

► Một người có đức hạnh không để cho mình bị dẫn dắt bởi những tâm niệm xấu như Tham, Sân, Si & Sợ hãi, cho nên người đó thường có khả năng tránh bỏ được những hành động bất thiện nói trên.

 

 

Đức Phật đã bắt đầu đặt nền tảng đạo đức căn bản cho tất cả mọi người, không ngoại trừ ai, chúng ta phải nên phấn đấu cố gắng sống theo đúng như vậy.

 

Chúng ta không nên tạo ra đau khổ bằng những hành động như hãm hại, giết chóc; hay trộm cắp; hay nói dối, nói vu khống; hay có quan hệ nam nữ bất chính.

 

Chúng ta cũng không bao giờ muốn bị làm cho đau khổ bởi những hành động xấu ác này, vậy thì chúng ta cũng không bao giờ nên làm những hành động xấu ác đó cho người khác. Đó là “lẽ sự công bằng” trong cuộc sống.

 

Bất cứ ai dính vào những hành động xấu ác đó, thì trước sau người đó cũng trở thành những nạn nhân ngược lại, hoặc ít nhất cũng sẽ gặp rắc rối, như pháp luật, lời nguyền rủa, chê bai, mọi người xa lánh…, điều này là quy luật thường tình. Đó là quy luật nhân & quả tự nhiên.

 

 

Lưu ý quan trọng:

 

Để phòng tránh những hành động bất thiện đó, chúng ta phải nên kiên quyết tránh bỏ việc “uống rượu bia & dùng chất độc hại”, bởi vì việc “uống rượu bia & dùng chất độc hại” theo Đức Phật là nằm trong phần nguyên nhân chính là “Si Mê”. Nhậu nhẹt, hút chích thì bị kích thích, làm đầu óc ngu muội, mù quáng rồi dẫn đến những hành động bất thiện, thất đức, tức là dẫn đến những vi phạm vào “Bốn Điều Xấu Ác” vừa được nói ở trên phần u.

 

Việc uống rược bia & dùng chất độc hại (như ma túy, thuốc kích thích…) là mối hiểm nguy lớn nhất, vì hành động thứ năm này (trong “Năm Giới”) thường là nguyên nhân dẫn đến Si mê & Sân hận, làm cho người uống rượu, hút chích thường gây ra vi phạm vào “Bốn Điều Xấu Ác” kia. Hay nói cách khác, nếu phạm giới thứ năm, thì đa số thường dẫn tới những hành động bất thiện phạm 4 giới đầu tiên. Điều này rất dễ thấy!.

 

Bạn đã biết rõ rất nhiều những hành động xấu ác, án mạng, tai nạn, sự tan nát trong gia đình và xã hội…đều là hậu quả của những việc nhậu nhẹt liên tục & hút chích. Bao nhiêu cảnh gia đình tan thương, đau khổ, bao nhiêu mạng sống đã mất đi & hàng bao nhiêu kẻ mỗi ngày vào bệnh viện vì tai nạn, vì bệnh tích lũy lâu năm của việc uống rượu & hút chích, và bao nhiêu thiệt hại cho gia đìnhxã hội. Làm sao tính hết sự “tha hóa” trong việc ăn nhậu, hút chích trong xã hội ngày nay.

 

Nếu tính cho kỹ: “Mọi sự nghèo khó, sa sút của những gia đình và sự thiệt thòi, khổ sở đáng thương của những thế hệ con cháu sau này cũng là hậu quả của hàng triệu người uống rượu, hút chích trong thời đại bây giờ”. Bạn hãy nghĩ đến điều này. Chưa bao giờ loài người ở trong những tình trạng tội phạmđiên đảo như thời bây giờ. (Phụ Lục 24)

 

Chiến tranh, tệ nạn, buôn lậu, buôn người, buôn ma túy, thuốc kích thích, giết hại…đều xuất phát từ những bốn nguyên nhân như vậy.

 

Khi mọi người đều được giáo dục để tránh bỏ những điều xấu ác này, thì mọi người đã đóng góp vào bảo vệ xã hội, bảo vệ môi trường sống lành thiện cho cả thế hệ con cháu mai sau. Bạn hãy nghĩ đến điều đó, nếu bạn hay lo nghĩ về tương lai của con cháu chúng ta.

 

 

 

³ Chú Thích:

 

[1] Tất cả chúng sinhbao gồm cả mọi vạn vật đang sống và con người.

 

[2] “Của không được cho” ở đây bao gồm cả những của cải người khác bỏ quên hay gửi nhầm. Chúng ta cũng nên cố gắng tìm cách trả lại cho chủ nhân. Nó bao gồm cả bản quyền, tài sản trí tuệ, bằng sáng chế…cho đến một cái nón bỏ quên…mà việc đánh cắp hay giả mạo sẽ gây hậu quả thiệt thòi cho người chủ của tài sản đó.

 

[3] Ở đây có nghĩa là những hành động cưỡng hiếp, quan hệ nam nữ bất chính hay không hợp pháp như ngoại tình, thông dâm, dâm dật.

 

[4] Điều này bao gồm tất cả những dạng nói dối, nói láo, nói sai sự thật, nói vu khống, nói lời lăng mạ, mắng chửi, nói gây chia sẻ, gây oán thù, nói dóc, nói tầm phào, nói điều vô nghĩa, đồn nhảm.

 

 


 

 

 

v Gầy Dựng & Quản Lý Tài Sản

 

Gầy Dựng tài sản

 

“Người khôn ngoan và đức hạnh ngay thẳng

Tỏa sáng như ngọn lửa trên đỉnh đồi

Người ấy kiên nhẫn gầy dựng của cải mỗi ngày một ít

Như cách đàn ong tha mật về tổ

Sự giàu có cũng như vậy mà

Như kiến tha lâu ngày xây thành tổ.”

 

 

 

(I) Quản Lý Tài Sản

 

Người gầy dựng tài sản theo cách này

Sẽ có đủ lo cho gia đình, họ tộc

Của cải nên chia thành bốn (4) phần

Để luôn có được bạn bè và cuộc sống tốt lành

 

Một phần dùng để tiêu xài, hưởng thụ.

Hai phần để đầu tư làm ăn, có thêm thu nhập

Một phần để dành phòng khi rủi ro, bất trắc.

 

 

Tài sản, của cải nên được làm ra và tích lũy bằng những công việc, nghề nghiệp chân chính (“Chánh Mạng” trong Bát Chánh Đạo). Điều này có nghĩa, theo Phật giáo, là những thu nhập hay sự giàu có từ những công việc như: Sát sanh, buôn bán thịt động vật và buôn bán vũ khí, buôn người, mại dâm, buôn bán chất độc hại, chất gây nghiện…đều không được cho là lương thiện, là bất chính và phải nên tránh bỏ.

 

Những hành động trái đạo, trái luân thường đạo lý và những việc làm, nghề nghiệp bất hợp pháp đều phải nên được tránh bỏ. Đức Phật chỉ đồng tình và khen ngợi những người khôn ngoan và chính trực, luôn luôn tuân giữ giới hạnh Nghề Nghiệp Chân chính (Chánh Mạng) trong việc tích lũy thu nhập và tài sản.

 

► Một điều thú vị ở đây là việc Đức Phật khuyên mọi người hãy tích lũy, làm giàu, gầy dựng tài sản một cách kiên nhẫndần dần (như loài ong xây tổ). Điều này chắc ý Phật muốn mọi người không quá tham lam, không làm giàu mau chóng bằng mọi giá sẽ dẫn đến việc vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật và gây hại cho người khác.

 

Về mặt quản trị kinh tài, điều này cũng có giá trị khuyên dạy thứ hai rất quý giá, khi trong thời buổi ngày nay, quá nhiều người quá tham lam làm giàu nhanh chóng, bằng những việc đầu tư, đầu cơ vào tài chánh, bất động sản, vào những công việc mang tính rủi ro cao. Và kết quả là gì? Một số ít người may mắn thì được làm giàu nhanh chóng, nhưng hầu hết mọi người đều sa sút hoặc về lại tay trắng, thậm chí phá sản, nợ nần, thậm chí tù tội…theo những chu kỳ khó dự đoán của nền kinh tế giao thoa toàn cầu khó dự đoán hiện nay.

 

Về mặt tinh thầnphúc lợi cá nhân & gia đình, những người theo chiến lược “chậm mà chắc” có vẻ bình an và theo đúng với lời Phật dạy hơn. Một người đầu tư, làm ăn hay tích lũy tài sản một cách chậm hơn thường ổn định và ít gặp rủi ro hơn, nên thời gian còn lại để được hưởng thụ, được sống và chăm lo gia đình chắc chắn sẽ có nhiều hạnh phúc hơn trong đời so với những người bận rộn, nôn nóng khác.

 

 

Tài sản thì nên được chia thành bốn (4) phần, có nghĩa là:

 

▬ Một phần dùng để chi dùng cho mọi tiêu dùng sinh hoạt gia đình, người thân và ăn học của con cái. Trong đó, nếu có thêm lòng từ bi, nên dành ra một phần từ phần này để làm những công việc từ thiện, giúp đỡ những kẻ nghèo khó, đơn độc, bệnh tật, gặp tai ương, làm những việc công đức như cúng dường giúp đỡ những bậc chân tu, hay những đóng góp cho những công trình phúc lợi của xã hội như làm cầu đường, trường học, bênh viện, chỗ ăn ở cho trẻ thơ mồ côi, người già bất hạnh, bị con cháu bất hiếu bỏ rơi…

 

▬ Hai phần tiếp theo dùng cho việc đầu tư, làm ăn, có thể là những khoản đầu tư dài hạn hay trung hạn theo ý nghĩa hiện đại, để duy trì nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, để bù lại những phần đã chi xài hằng ngày như đã nói trên.

 

▬ Phần còn lại dành để riêng, phòng cho những lúc cấp bách, rủi ro. Phần này nghe có vẻ lãng phí và lo quá xa, tuy nhiên nó là “phần bắt buộc” không kém phần quan trọng. Vì sao? Vì vận rủi và bất trắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, vì bản chất đời sốngcon ngườivô thường. Bạn cần phải chuẩn bị tư tưởngphương tiện để đối mặt với chúng.

 

Những bất trắc rủi ro bao gồm cả những rủi ro trong làm ăn, kinh doanh. Ví dụ, nếu bạn không dự trữ một phần này, thì xã hội, tình hình kinh tế, thị trường hay khủng hoảng bất ngờ làm doanh nghiệp bạn sa sútphá sản hay bạn bị trở nên thất nghiệp, lúc đó bạn lấy đâu ra nguồn thu nhập để sống hay hy vọng tái tạo lại công việc mới?. Nhiều người trắng tay vì đã luôn luôn tiêu xài và dùng hết số tiền, của cải, nhà cửa, tài sản vào đầu tư những công việc, thậm chí vay mượn thêm ngân hàng. Cho nên khi công việc trì trệ, thị trường sụp đổ, người đó trở thành trắng tay, thậm chí phá sản, nợ nần chồng chất sau khi dốc hết tiền bạc vào những canh bạc làm ăn vì muốn làm giàu hay gỡ lại nhanh chóng. Một kết quả nên phòng tránh và không đáng để xảy ra trong cuộc đời mình!.

 

Nếu không phòng hộ, bảo hiểm và rủi ro, bất trắc xảy ra với mình, thì cuộc sống tinh thần & gia đình cũng bị liên lụy, ảnh hưởng theo. Người khôn ngoan và chánh trực lấy sự “an bình & hạnh phúc của gia đìnhbản thân mình” đặt lên hàng đầu, thì luôn luôn khiêm tốn và tránh bỏ những thái độ “liều lĩnh” hay “quá tham” như vậy. Bởi vì sau cùng thì sự bình an & hạnh phúc là điều quý nhất trong cuộc sống này.

 

Đức Phật đã từng nói rằng, cuộc sống không nên để bị đến những lúc bế tắc, nợ nần; và sự “không nợ nần” đã là một niềm hỷ lạc (vô trái lạc) & hạnh phúc rồi.

 

 

 

³ Chú Thích:

 

Phần “Quản lý tài sản” này được nói ở phần sau của Kinh này, tuy nhiên người viết muốn đem lên phần “Tài Sản (2&3)” này để tiện đọc một lần về cùng một chủ đề khuyên dạy.

 

 


 

 

 

w Bảo Vệ Tài Sản & Của Cải

 

Muốn bảo vệ tiền của & không bị mất tài sản đã có, cách tốt nhất là tránh xa những việc làm, những nguy cơ có thể gây ra mất mát, làm phung phítiêu tan tiền của. Người xưa thường than thở và căn dặn: “Tiền vô nhà khó, như gió vô nhà trống”.

 

Đức Phật đã dạy rằng nên tránh xa những “cửa ra” phung phí tiền của và có sáu (6) cửa để phung phí tiền của mà một người cần phải tránh xa, đó là:

 

(1) “Uống Rượu, Hút Chích”:  Gây mất tự chủ & có 06 hiểm hoạ có thể xảy ra:

 

(i) Phung phí tiền của & mất tài sản thật sự;

(ii) Gây lộn, cãi vả, xích mích;

(iii) Gây bệnh tật;

(iv) Mang tiếng xấu rượu chè;

(v) Tư cách không đàng hoàng, đứng đắn;

(vi) Làm ngu muội trí óc.

 

 

(2) “Đi ra ngoài đường phố vào những giờ không thích hợp”: Có 05 hiểm hoạ có thể xảy ra:

 

(i) Bản thân không được bảo vệđề phòng, và vợ con vì thế cũng không có ai bảo vệ;

(ii) Tài sản, tiền của vì thế cũng không có ai bảo vệ;

(iii) Bản thân, thêm vào đó, có thể bị rơi vào trường hợp đối tượng bị tình nghi trong những chỗ có tệ nạn gây ra;

(iv) Tên tuổi bị tin xấu đồn đại;

(v) Sẽ gặp nhiều rắc rối, phiền phức khác.

 

 

(3) “Tụ tập, đình đám”: Có 06 “khuynh hướng” xảy ra khi tụ tập, đàn đúm:

 

Việc giải trí, thư giản có chừng mực là điều bình thường đối với nhũng người tại gia. Tuy nhiên, một khi những người mà tập hợp, đình đám thì thể nào cũng xảy ra những gợi ý, những rủ rê để luôn luôn tìm những chỗ tiệc tùng, đàn hát, ăn chơi, thậm chí tha hoá, sa đoạ. Những hiểm hoạ mà Đức Phật đã nhắc đến trong Kinh cũng tương tự như những chỗ mà ngày nay nhiều người, nhất là những người nhiều tiền nhiều của hay tìm đến, ví dụ như là:

 

  1. Luôn tìm chỗ có nhảy múa, gợi dục (như vũ trường disco…)
  2. Luôn tìm chỗ xướng ca, hát hò (Karaoke…)
  3. Luôn tìm chỗ có nhạc, (như sân khấu, quán xá, quán cafê…)
    1. Luôn tìm chỗ phim ảnh (như tìm phim bạo lực, khiêu dâm…)
    2. Luôn tìm chỗ có biểu diễn (thời trang, nhảy đường phố…)
    3. Luôn tìm chỗ có những màn ‘giải trí’ khác như ăn nhậu, đánh bài, đua xe, hút chích…hoặc những trò giải trí cũng vô hại, nhưng cũng vô ích, giết thời gian mà thôi…

 

Mặc dù ngay vấn đềtụ tập” này trong kinh, Đức Phật không nói rõ đến việc tụ tập rồi uống rượu, hút chích hay làm những việc không lương thiện khác, nhưng ý nghĩa này rất dễ thấy trong cuộc sống ngày nay, khi đa số con người sống chạy theo vật chất, đánh mất bản thân mình vào nhiều việc vô bổ (một ví dụ như uống rượu, nhậu nhẹt liên tục).

 

Không phải là tất cả, nhưng rất nhiều người thường phải tụ tậpđâu đó để gặp nhau, ngay cả họ là những người không phải thật sự thân thuộc nhau. Họ tụ tập nhau sau một lần chơi thể thao, sau một ngày làm việc hay sau một tuần làm việc… Và đa số việc đầu tiên họ làm là ngồi xuống bên bia rượu. Nếu bạn thử lấy bia rượu ra khỏi bàn, chắc chắn họ chẳng còn ngồi bao lâu, vì đâu có công việc nghiêm túc nào cần phải ngồi nói cả buổi cả ngày như vậy!.

 

Còn nếu tưởng tượng những đối tượng hư hỏng, vô công rồi nghề, thậm chí là những người tội phạm khác hàng ngày, hàng đêm tụ tập và mỗi ngày lôi kéo thêm biết bao nhiêu người sa ngã mới, gây ra không biết bao nhiêu tệ nạn mới hay tan thương mới cho bao nhiêu gia đình. Những điều này đã và đang xảy ra hàng ngày trong xã hội. Nhiều đến nỗi sáng ra bạn chỉ cần cầm bất kỳ một tờ báo thời sự nào ở địa phương, bạn cũng có thể đọc thấy những vụ tệ nạn đủ loại vừa xảy ra hôm qua.

 

 

(4) “Cờ bạc”: Có 06 hiểm hoạ

  1. Nếu mình thắng, sẽ bị người thua ghét;
  2. Nếu mình thua, sẽ tiếc than tiền của bị mất;
  3. Lãng phí tiền của không đáng;
  4. Lời nói không còn giá trị nếu phân xử hay bị bắt ra tòa;
  5. Bị bạn bè, đồng nghiệp coi khinh;
    1. Không được chào đón trong hôn nhân, vì mọi người đều cho rằng kẻ cờ bạc chắc chắn không thể nào làm người chồng hay vợ tốt.

 

Sáu điều xảy ra đối với việc đánh bài, cá độ là chắc chắn xảy ra khi bạn tham gia vào. Không có một điều nào mà không xảy ra hết. Người xưa đã từng khuyên răn “Cờ bạc là bác thằng bần” là vậy.

 

 

(5) “Giao du với bạn bè xấu”: Có 06 hiểm họa:

 

  1. Gặp dân cờ bạc;
  2. Gặp kẻ trụy lạc, ăn chơi;
  3. Gặp kẻ nghiện rượu;
  4. Gặp kẻ gian lận;
  5. Gặp kẻ lừa đảo;
  6. Hay gặp bất cứ kẻ bạo động nào.

 

 

(6) “Sự lười biếng”: Có 06 khuynh hướng xấu có thể xảy ra:

 

  1. Người lười biếng hay nói: trời lạnh quá, không thể làm được;
  2. Người lười biếng hay nói: trời nóng quá, không thể làm được,
  3. Người lười biếng hay nói: còn quá sớm…hay đã quá trễ, không thể làm được;
  4. Người lười biếng hay nói: đói bụng quá…hay no quá, không thể làm được;
  5. Do đó, những việc cần làm không bao giờ làm xong;
  6. Do đó, không làm ra tiền của, và như vậy tiền của trong nhà cũng vơi cạn đi.

 

Không làm thì làm gì có việc nào được làm xong. Không đi làm gì để tạo thêm tài sản, chỉ ăn xài vào những tài sản đang cạn vơi đi. Và “Nhàn cư vi bất thiện”: người lười biếng là đã là “không lương thiện” và sẽ sinh ra những hành động bất thiện khác.

 

Đức Phật chỉ đưa ra bốn ví dụ mà người lười biếng hay nói để chúng ta hiểu được bản chất của người chây lười, chứ thật ra trong đời những người lười biếng bất thiện còn đưa ra hàng trăm lý do khác để không bao giờ đi làm, (như việc làm chân tay đó chỉ dành cho người hạ tiện ít học, mình không làm được, việc đó không phù hợp trình độ chuyên môn của mình, việc đó không hợp “gu” của mình, việc đó lương ít quá, nghe nói “ông chủ hay bà chủ” đó hách dịch lắm nên không xin làm, thời của mình chưa đến nên làm gì cũng không giàu, nên mình phải “hoãn lại” để xem thời của mình, hay thầy bói nói tuổi mình năm nay không hợp để đi làm, phải qua sao hay hạn 40 tuổi, chỗ làm xa quá, mình thích ở nhà chăm lo vợ con hơn đi làm, cha mẹ mình đã giàu rồi mình còn học hành hay đi làm làm gì nữa cho mệt, hay xã hội bất công quá, tầng lớp của mình không thể làm ăn gì được…).

 

► Thật ra, bạn hãy luôn nhớ rằng, không có việc gì là hoàn hảo thích hợp cho mình hết, vì “tâm yêu thích việc” của bạn cũng thay đổi liên tục và vì công việc và đời sống cũng thay đổi hàng ngày. Hơn nữa, không phải chỉ có một công việc hay một cơ hội duy nhất dành cho bạn, bạn có thể chọn lựa trong hàng trăm, hàng ngàn công việc khác để làm.

 

 

► Trong sáu “cửa” làm tiêu tan tài sản, như đã nói trên bởi Đức Phật, thì điểm nào cũng tự giải thích rất rõ ràng. Những lý do đó đều rất dễ hiểu đối với chúng ta. Tuy nhiên có một điểm Phật đã nhấn mạnh hơn hết là ‘cửa’ “uống rượu và dùng những chất độc hại” nhiều lần trong bài thuyết giảng này (và trong rất nhiều kinh khác). Điều này có nghĩa là việc dính vào chuyện nhậu nhẹt hay hút chích (cũng là giới cấm thứ năm trong “Năm Giới”) là một trong những hiểm hoạ tồi tệ nhất và vì vậy đáng phải tránh xa nhất.

 

Như chúng ta cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong quyển sách nhỏ này, việc uống rượu và dùng những chất gây nghiện nguy hiểm và những hậu quả sẽ gây ra là những tệ nạn và vấn nạn lớn nhất trong xã hội hiện đại, ở trên tất cả quốc gia, xứ sở nào. Người ta ước tính rằng hàng ngày có hàng triệu người trở thành tội phạm gây tội lớn nhỏ là hậu quả của việc uống rượu bia và sử dụng những chất ma tuý. Không đơn giản chỉ là những hậu quả gây ra tiêu tán tiền của, sản nghiệp.

 

 

Như vậy, sáu (6) “cửa” hay sáu loại hành động xấu trên nếu ai dính vào chắc chắn sẽ làm mất mát tiền của, tiêu tan sản nghiệp hay làm “nghèo đi”. Người khôn ngoan và có đức hạnh có lẽ không bao giờ “dính” vào những “cửa” đó để bảo vệ những của cải, tiền bạc mà mình và gia đình đã khổ cực làm ra hàng ngày.

 

Hay nói cách khác, cách để bảo vệ tiền của, tài sản của mình là phải tránh những “thói hư tật xấu” này. Và sự an bình & hạnh phúc sẽ theo sau, và như vậy càng tích lũy thêm khả năng ổn định cuộc sống và tích lũy thêm được nhiều tiền của hơn (và cũng có nhiều thời gian hơn vì nếu không còn “dính” các “cửa” kia) để có thể thực hiện nhiều việc tốt đẹp hơn và hưởng thụ nhiều “tiện nghi chân chính” hơn (ví dụ có nhà cửa rộng rãi hơn, sạch đẹp hơn, ở khu vực có môi trường sạch, an toàn hơn, con cái được học hành ở trường tốt hơn…), chăm sóc & báo hiếu cho cha mẹ được nhiều hơn, giúp đỡ anh chị em, họ hàng, bạn bè có ý nghĩa hơn; hay bố thí được nhiều hơn cho những người đáng thương, đáng giúp và đáng kính trong cuộc sống.

 

 

 

Tóm lại:

 

Như đại ýĐức Phật đã giảng giải và nhắc lại trong bài thuyết giảng của Người:

 

Một người sẽ bê tha, hư hỏng, mất hết tiền của & tư cách bởi sáu (6) điều này: (i) Thức đêm & ngủ ngày; (ii) trai gái & ngoại tình; (iii) sân hận & thù hằn; (iv) lang bang, không nghề nghiệp; (v) có bạn bè xấu, nguy hiểm; và (vi) quá keo kiệt, bủn xỉn.

 

Một người chắc chắn sẽ chịu nhiều đau khổ nếu luôn luôn quan hệ với kẻ xấu ác cùng thực hiện những việc làm xấu ác, bất lương. Người đó chắc chắn sẽ chịu đau khổ trong kiếp này (vì gia đình khổ sở, vì tội lỗi…) và kiếp sau (theo lý nghiệp báo).

 

Một người coi như đã tự hủy diệt, trở thành người vô dụng khi dính vào sáu (6) điều này: (i) Cờ bạc & tà dâm; (ii) Nhậu nhẹt & ca hát, nhảy nhót; (iii) Ngủ ngày & đi đêm; (iv) Lang bang, vô nghề nghiệp; (v) Có bạn bè xấu, nguy hiểm; và (vi) quá keo kiệt, bủn xỉn.

 

Một người cả đời chỉ nhắm đến cờ bạc, tà dâm và rượu chè theo cuộc sống thấp hèn và tránh xa những người đàng hoàng hiền trí, thì chắc chắn là kẻ vô dụng của cuộc đời.

 

Một người luôn la cà, ăn nhậutrở thành con nghiện thì chắc chắn sẽ nhanh chóng chìm trong nợ nần, nghèo hèn, vô gia cư và mang toàn điều nhục nhã về cho gia đình.

 

Một người chây lười, biếng nhác, không bao giờ làm xong việc gì, luôn chê bai việc nhỏ, luôn có lý do không làm việc lớn, ngủ ngày, ăn bám thì đã là kẻ bạc nhược, kẻ chết nhiều lần trước khi chết thật.

 

 


 

 

 

x Bạn Giả & Bạn Thật

 

 

(1) Bạn Giả:

 

Theo Đức Phật, “Bạn giả” hay “Bạn xấu” bao gồm bốn (4) loại người cần phải được xem xétnhận dạng; và bốn loại người đó nên được xem như ‘kẻ thù’, dù đang là bạn. Đó là:

 

(a) Kẻ tham, chỉ biết lấy:

 

- Tham lam, chỉ biết lấy,

- Bỏ ra ít đòi được nhiều;

- Làm điều gì chỉ vì sợ hãi bởi trách nhiệm (chứ không thật lòng

 muốn làm);

- Làm chỉ tính lợi ích cho mình.

 

 

(b) Kẻ miệng lưỡi, chỉ biết nói:

 

- Hay nói về sự hào hiệp trong quá khứ;

- Hứa hẹn sẽ rộng lượng trong việc tương lai;

- Toàn nói chuyện đạo đức suông;

- Khi gặp chuyện cần nhờ thì không giúp được gì.

 

 

(c) Kẻ nịnh hót, chỉ biết ba phải:

 

- Điều xấu cũng theo;

- Điều tốt hay xấu không quan tâm, miễn sao có lợi cho mình;

- Khen mình trước mặt;

- Nói xấu mình sau lưng.

 

 

(d) Kẻ vô dụng, chỉ có mặt xấu:

 

- Chỉ là bạn khi nhậu nhẹt (bạn nhậu);

- Chỉ là bạn lúc lang bang ngoài đường phố, đi đêm (bạn hè 

 phố);

- Chỉ là bạn ở nơi tụ tập, đình đám (bạn chơi bời);

- Chỉ là cùng dính vào cờ bạc (bạn cờ bạc).

 

 

 

Tóm lại:

 

Bạn hãy suy nghĩ lại xem mình có những người bạn như trên đây hay không? Theo Đức Phật, những người bạn trên đây chỉ là bạn giả, tức không phải bạn, mà thậm chí là kẻ thù cho cuộc đời mình, vậy mình nên hết sức tránh né quan hệ, giao du với những loại người này.

 

Vì “bạn” là một phần quan trọng trong cuộc đời của mọi người, có thể là một nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc, sự nghiệphạnh phúc của bạn và gia đình bạn. Vì vậy, đây là lời khuyên thiết thựcĐức Phật đã khuyên chàng trai trẻ Sigala phải nên cân nhắcnhận dạng bạn bè. Vì sao? Vì không phải vào thời xa xưa của Đức Phật, mà đến mãi tận hôm nay, chúng ta chắc chắn đã biết rằng những người “bạn giả” trên thế gian này chắc là không ít. Vào thời hiện đại, khi lòng tin của con người đã không còn dành cho nhau nhiều và sự chạy đua với cuộc sống vật chất, quyền lựcdục vọng, mọi người càng cư xử với nhau, canh chừng nhau, nói chuyện với nhau theo hàng trăm cách thức để đạt được mục đích của mình.

 

Cũng không hoàn toàn vô lý khi một số người không còn lạc quan thường cho rằng xung quanh chúng ta ngày nay không còn ai là bạn thật, bạn tốt hết. Dường như mỗi người đều là ‘bạn thân’ với nhau chỉ vì lý do công việc chung, quyền lợi chung, kẻ thù chung và vì quyền lợi riêng của mỗi người mà thôi; Hoặc có những người đi lại thân thiết với nhau chỉ vì nhu cầu vật chất hay giải trí giống nhau, ví dụ họ thường chơi thể thao chung, có ăn thua cá độ; hoặc họ là những người hay đánh bài ăn tiền với nhau.

 

Họ chỉ là những người “bạn giả”, là bạn xấu, đó là:

 

Bạn tham, chỉ biết lấy, lợi dụng;

Bạn mồm mép, buôn lưỡi, dẽo miệng;

Bạn nịnh hót, chỉ biết ba phải, hèn hạ.

Kẻ vô dụng, chỉ có mặt xấu (ăn chơi, cờ bạc, nhậu nhẹt, hút sách…).

 

 

Vì vậy:

 

Người khôn ngoan đều có thể nhận ra,

Ai “bạn giả” để tránh xa,

Để giữ an toàn cho bản thân, tiền củahạnh phúc của mình.

 

 

 

(2) Bạn Thật

 

Theo Đức Phật, Bạn thật hay “Bạn tốt” bao gồm bốn (4) loại người cần mà chúng ta có thể nhận biết; và bốn loại người đó nên được xem là bạn tốt, và phải nên gìn giữ, dù là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đó là:

 

 

(a) Bạn giúp đỡ:

 

- Luôn giúp đỡ bạn của mình trong nguy khó.

- Luôn bảo vệ tài sản của bạn mình khi mình đang gặp nguy khó.

- Luôn có mặt khi bạn mình gặp nguy hại

- Luôn cứu giúp những gì bạn mình đang thiếu, lá lành đùm lá rách.

 

 

(b) Bạn vẫn là bạn dù lúc huy hoàng hay tăm tối:

 

- Là người luôn tin tưởng mình, tâm giao chia sẻ với mình mọi chuyện, ngay cả những bí mậtliên quan đến bạn và mình.

- Là người mình luôn tin tưởng, tâm giao chia sẻ, ngay cả bí mật lien quan đến mình và bạn.

- Là người không bao giờ bỏ bạn trong hoạn nạn, lúc khó khăn.

- Là người có thể hy sinh vì mình, đánh đổi bản thân để cứu mình.

 

 

(c) Bạn là người khuyên bảo, góp ý (chứ không nịnh hót, ba phải):

 

- Luôn ngăn mình làm những điều sai trái.

- Luôn khuyến khích mình làm những điều thiện tốt.

- Luôn nói, chỉ ra hay tư vấn cho mình biết những gì mình nên biết, cần biết (không giấu diếm, gian trá).

- Luôn chỉ cho bạn con đường chánh đạo và cùng đồng hành với mình.

 

 

(d) Bạn có lòng bi mẫn & trắc ẩn:

 

- Luôn thông cảm, sẻ chia với những bất hạnh của bạn mình.

- Luôn vui mừng, hoan hỉ khi thấy bạn mình hạnh phúc.

- Luôn ngăn cản người xấu nói xấu về bạn mình

- Luôn khen ngợi người tốt nói tốt về bạn mình.

 

 

Vì Vậy:

 

Người khôn ngoan đều có thể nhận ra 

Ai là bạn thật, bạn tốt

Để qua lại, kết thân

Và luôn trân quý những người “bạn thật”

Để giữ an toàn, tiền củahạnh phúc của mình.

 

 

► Theo Đức Phật thì bạn bè hay tình bạn nói riêng là một yếu tố “ảnh hưởng” quan trọng nhất trong việc định hướng cho cuộc đời của một người, mặc dù người ta hay nói yếu tố quan trọng nhất là cha mẹ, thầy cô. Yếu tố cha mẹ thầy cô cũng “ảnh hưởng” rất quan trọng, song đôi khi không ảnh hưởng nhanh và quyết định hướng đi cho một người bằng những mối quan hệ bạn bè lúc còn đi học hay sau này đi làm.

 

Thật vậy, một người bạn tốt có thể làm cho một người xấu trở thành một người tốt, có hiểu biết và có đạo đức. Nhưng một người xấu có thể biến một người tốt, ngay cả một người chính trực & đạo đức nhất, trở thành một kẻ xấu. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là vậy.

 

Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, nếu bạn đang có một vài người bạn thật sự tốt thì bạn thật là may mắn và khi bạn có chỉ toàn bạn tốt thì cuộc sống và hạnh phúc của bạn có thể được bảo vệ an toàn.

 

Tuy nhiên, nếu bạn đang có một hay vài người bạn xấu hay “bạn giả”, chắc chắn sớm muộn bạn sẽ gặp phải những điều không tốt. Ví dụ ngay cả khi bạn tham gia vào một cuộc chơi thể thao nhưng hôm đó bạn phải chơi với một kẻ có máu ăn thua kiểu cờ bạc, có tính xấu khi bị thua, có đạo đứcthái độ không lành mạnh, thì chắc chắn sẽ xảy ra những cải vã, xung đột, và bực bội sẽ xảy ra với bạn. Vì đơn giản bạn đang chơi với một người bạn chơi “xấu”.

 

Bạn Tốt, đặc biệt những người bạn thật, bạn tốt về mặt đạo đức, tâm linh, có tinh thần hướng đạo tốt lành, thì thường sẽ dẫn dắt nhau đi đến những hạnh phúc cao đẹp hơn nữa.

 

Đức Phật đã khuyên dạy từ ngàn xưa về vấn đề “bạn bè” này và lặp đi lặp lại nhiều lần trong rất nhiều kinh điển:

 

► “Không giao du, quan hệ với bạn xấu, “bạn giả”, chỉ trừ khi mình muốn tiếp xúc kẻ xấu đó để khuyên răn, góp ý hay giúp đỡ để trở thành người tốt!”.

 

► “Bạn tốt, “bạn thật” là rất quý hiếm, vậy nên trân quý, gìn giữ những bạn tốt!”.

 

 


 

 

 

 

y Bảo Vệ Những Mối Quan Hệ Gia Đình & Xã Hội

 

 

Sáu Mối Quan Hệ Cần Được Bảo Vệ

 

Cũng trong Kinh “Sigalovada Sutta” (Kinh “Lời Khuyên Dạy Sigàla”) này, Đức Phật đã đề cập đến việc gìn giữ những mối quan hệ gia đình & xã hội là những bổn phận và nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả những người tại gia.

 

Người trẻ tuổi tên Sigala đó thường thờ cúng sáu Phương của vũ trụ (Đông, Tây, Nam, Bắc, Thiên đế (nadir) và Thiên đỉnh (zenit), theo như lời dạy và nghi lễ mà người cha quá cố để lại.

Đức Phật mới khuyên dạy chàng trai trẻ rằng:

 

“Những Nguyên Tắc Cao Cả”, hay còn gọi là “Thánh Giới Luật” (ariyassa-vinaye) của Đức Phật về sáu phương thì khác. Theo “Thánh Giới Luật” của Đức Phật, sáu phương đó là:

 

“Đông: Cha mẹ

“Nam: Thầy Cô

“Tây: Vợ con

“Bắc: Bạn bè, những người họ hàng, láng giềng…

“Thiên đế (nadir): Người ở, người làm, nhân viên

“Thiên đỉnh (zenith): Những người mộ đạo, người theo đạo, thánh nhân.

“Con nên tôn thờ sáu Phương như vậy”.

 

Ở đây, chữ ‘tôn thờ’ hay ‘thờ phụng’ (namass eyya) thật sự có ý nghĩa, vì ở đây người nên tôn thờ những điều thiêng liêng, những điều đáng vinh danh và những điều đáng tôn thờ, những điều mang lại sự an bình và phúc lành cho đời sống của chúng ta, như ý nghĩa chúng ta đang nói trong phần này.

 

Sáu Phương hay sáu Nhóm quan hệ gia đìnhxã hội nêu trên được Phật giáo coi là thiêng liêng, đáng tôn trọng và đáng tôn thờ. Nhưng ‘tôn thờ’ sáu Phương đó bằng cách nào?.

 

Đức Phật dạy rằng một người có thể ‘tôn thờ’ sáu Phương chỉ bằng cách thực hiện đúng nghĩa vụ đối với sáu Phương đó. Có nghĩa rằng, một người có thể “tôn thờ” & bảo vệ sáu phương chỉ bằng cách sống đúng đắncách thực hiện đúng đắn các Bổn Phận trong quan hệ với:

 

1) Quan hệ Cha Mẹ & Con cái;

2) Quan hệ Thầy Cô & Học trò;

3) Quan hệ Vợ Chồng.

4) Quan hệ Bạn Bè, Bà con, Họ hàng & Láng giềng;

5) Quan hệ Chủ thuê & Người làm;

6) Quan hệ với người mộ đạo như Tăng Ni, Tu sĩ, Thánh nhân, những người Phật tử tại gia…

 

 

Những lời dạy của Phật là vô cùng thực tiễn và khoa học, luôn phù hợp với con ngườicuộc đời cho đến tận hôm nay.

 

(1) Như khi chúng ta còn là trẻ thơ, chúng ta được nuôi nấng trong nhà bởi cha mẹ. Cha mẹ là đấng sinh thành với công dưỡng dục. “Phương Đông” là quan hệ Cha mẹ & Con cái.

 

(2) Khi chúng ta lớn lên, giai đoạn tiếp theo là đến trường để học tập. Đây cũng là giai đoạn quan trọng thứ hai trong cuộc đời của mỗi người, lúc này chúng ta cũng dựa vào công sức và sự dạy dỗ của Thầy cô. “Phương Nam” biểu trưng cho mối quan hệ Thầy cô & Học trò.

 

(3) Khi chúng ta trưởng thành, rồi lập gia đình. Rất nhiều yếu tố quyết định sự an bìnhhạnh phúc cuả một người chính là gia đình của mình, bắt đầu bằng chuyến đi xây dựng hạnh phúc của hai người bạn đời. “Phương Tây” là dành cho mối quan hệ giữa Vợ & Chồng.

 

(4) Như đã nói trong phần x, những mối quan hệ bên ngoài xã hội, như bạn bè, đồng nghiệp, bà con, láng giềng…, cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong công việc và hướng đi sự nghiệp của chúng ta, nơi đó cũng có nhiều những quan hệ, tình bạn cần phải được gìn giữ. “Phương Bắc” đại diện cho mối quan hệ với Bạn bè, Người thân, Bà con....

 

(5) Còn “Phương Thiên Đế” (Nadir) là đại diện cho mối quan hệ giữa Chủ & Người làm, công nhân.

 

(6) Theo truyền thống lịch sử vào thời của Đức Phật, người ta hay nghĩ đến những vấn đề tâm linh và bắt đầu thực hành những tu tập tâm linh để tìm những niềm bình an và phúc lành cao đẹp hơn những hạnh phúc vật chấttinh thần của cuộc sống thế gian phàm tục. “Phương Thiên Đỉnh” (Zenith) chỉ về những mối quan hệ giữa những người tại gia và những bậc chân tu, thánh chân, tu sĩ, Tăng Ni và những người đáng kính ở hàng Phật tử tại gia (cư sĩ).

 

 

Đức Phật đã rất khéo léo dùng những hình tượng của sáu (6) phương mà những người thời đó hay tôn thờ, hay cúng lạy chỉ vì họ sợ hãi những nguy hại gây ra bởi những ‘linh hồn’ hay ‘những vị thần’ đến từ những phương đó. Thay vì vậy, Đức Phật dùng hình tượng của sáu phương đó để giảng dạy rằng những hiểm họa, rủi ro, nguy hại hay bất hạnh có thể xảy đến cho mọi người là từ bên trong lối sống đạo đức và hay sự thiếu tôn trọng và không thực hiện những bổn phận của mình đối với những mối quan hệ gia đìnhxã hội.

 

Tất cả các “phương” đó phải được bảo vệ, phải được “tôn trọng”. Đức Phật dùng các phương chỉ về những mối quan hệ trong bốn giai đoạn quan trọng của đời người.

 

Vậy sáu phương đó được “tôn trọng” bằng cách nào? Đó là bằng cách thực hiện những nghĩa vụ & bổn phận của một người đối với sáu mối quan hệ đó.

 

Tuy nhiên, bài giảng dạy này của Đức Phật dạy rõ là việc thực hiện nghĩa vụ được thực hiện bằng cả hai phía, thực hiện tương hỗ lẫn nhau. Chẳng hạn như không ai mà dạy con cái phải có hiếu phải tốt với cha mẹ, nhưng cha mẹ không cần phải tốt với con cái. Những mối quan hệ về đạo đức là được thực hành bởi hai chiều hỗ trợ nhau.

 

Vì sao vậy? vì Đức Phật đã nhìn xa trông rộng, nếu tất cả những mối quan hệ được tôn trọngthực hiện nghĩa vụ tốt đẹp cho nhau, gìn giữ cho nhau, thì xã hộicuộc đời (vốn được cấu tạo bằng những mối quan hệ đó) sẽ tốt đẹp, hạnh phúcan ninh. Điều đó là điều khoa học và hoàn toàn hợp lẽ.

 

Bạn hãy nghĩ vì sao chúng ta cần giáo dục? Vì chúng ta khác những loài động vật tội nghiệp khác. Chúng ta cần tri thứchiểu biết để thực hiện những điều tốt đẹp.

 

Một gia đình không thể gọi là êm ấm, hạnh phúc, khi quan hệ tình cảm con cái với cha mẹ, hay vợ với chồng, chẳng ra sao. Và khi những gia đình không hạnh phúc, thì một xóm, một khu láng giềng hay một xã hội cũng không thể gọi là hạnh phúc được. Đơn giản vậy thôi.

 

 

Và bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu thực hiện những nghĩa vụ, để “bảo vệ’ những sáu “Phương” đó.

 

 

 

(1) Bảo vệ phương Đông – “Con Cái & Cha Mẹ”

 

(a) Một người con phải có trách nhiệm đối với cha mẹ bằng năm (5) cách sau đây:

 

  1. Vì con được cha mẹ nuôi dưỡng, nên con phải chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu; [1]
  2. Phải thực hiện những công việc giùm cho cha mẹ;
  3. Gìn giữ danh dựduy trì gia phong của gia đình;
  4. Phải gìn giữ những gì cha mẹ đã vất vả đã làm ra và để lại cho mình; [2] và
  5. Phải tổ chức lễ nghi, cúng kính khi cha mẹ qua đời.

 

(b) Còn đối với cha mẹ, cha mẹ cũng phải thể hiện tình yêu thương đối với con cái theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Phải nuôi dạy khuyên răn con tránh xa đường xấu ác;
  2. Hướng, dạy con làm điều lành, điều thiện, điều có ích; [3]
  3. Phải lo cho con cái được ăn học tốt; [4]
  4. Gả cưới con cái cho những gia đình tốt; và
  5. Chuyển giao tài sản cho con cái đúng lúc. [5]

 

►Khi con cái & cha mẹ đều đối xử với nhau như vầy, thì “Phương Đông được bảo vệ” và gia đình ấm êm, hạnh phúc.

 

 

 

(2) Bảo vệ phương Nam – “Học Trò & Thầy Cô”

 

(a) Một học trò phải có trách nhiệm với Thầy Cô theo năm (5) cách như sau:

 

  1. Học trò phải kính trọng, chào hỏi lễ phép;
  2. Vâng lời thầy cô của mình;
  3. Chú tâm đến những điều thầy cô cần;
  4. Vâng lời khi được nhờ sai; và
  5. Phải cố gắng học tập hết mình.

 

(b) Còn đối với Thầy Cô, mình phải có trách nhiệm đối với học trò theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Dạy dỗ và uốn nắn học trò một cách đúng phép;
  2. Dạy học, dạy nghề cho học trò;
  3. Giới thiệu học trò với bạn bè mình, đồng nghiệp mình; [6]
  4. Giúp học trò đi theo hướng an toàn của cuộc sống; và
  5. Giúp đỡ, giới thiệu, thu xếp công ăn việc làm cho học trò khi đã học xong.

 

►Khi học trò & thầy cô đều đối xử với nhau như vầy, thì “Phương Nam được bảo vệ”. Trường lớp luôn là nơi an toàngiá trị, và những tình cảm thầy trò đến mãi sau này vẫn không bao giờ phai nhạt.

 

 

 

(3) Bảo vệ phương Tây – “Chồng & Vợ”

 

(a) Một người chồng phải có trách nhiệm với người vợ theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Người chồng luôn luôn chân thật với vợ;
  2. Không bao giờ bớt tôn trọng vợ mình; [7]
  3. Phải yêu thương và chung thủy;
  4. Phải lo lắng phương tiện đi đứng và tiện nghi cho vợ mình; và
  5. Làm vui lòng vợ bằng cách mua những đồ trang sức, nữ trang…để tặng vợ mình. [8]

 

(b) Đối với người vợ, người vợ phải có trách nhiệm với người chồng theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Phải trông nom, chăm sóc mọi chuyện nhà cửa, nội trợ;
  2. Tiếp đãi họ hàng bên chồng, khách khứa đến thăm, bạn bè, bà con và những người làm công cho gia đình mình [9]; Không làm chồng mất mặt với mọi người;
  3. Phải yêu thương và chung thủy với chồng;
  4. Tôn trọng & giúp gìn giữ những tài sản người chồng đã làm ra;
  5. Phải tháo vát và khôn khéo trong mọi việc để giúp chồng.

 

►Khi chồng & vợ đều đối xử với nhau như vầy, thì “Phương Tây được bảo vệ”. Nhà cửa và vợ chồng luôn luôn êm ấm, “tát biển Đông cũng cạn”!.

 

 

 

(4) Bảo vệ phương Bắc – “Bạn bè & Bà con, Đồng nghiệp…”

 

(a) Một người trong gia đình phải có trách nhiệm đối xử với bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp… theo năm (5) cách như sau:

 

  1. Phải nên hoan hỉ chia sẻ và rộng lòng với người khác;
  2. Ăn nói hòa nhã, dễ nghe;
  3. Nên làm những việc có lợi lạc cho người khác;
  4. Phải sòng phẳng, bình đẳng trong mọi điều với mọi người;
  5. Nói lời chân thật, thật thà.

 

(b) Ngược lại, những người bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp… phải có trách nhiệm thể hiện tình cảm đối với người đó theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Bảo vệ người ấy khi người ấy cần sự bảo vệ;
  2. Gìn giữ tài sản người ấy khi người ấy bị khó khăn, bất lực;
  3. Phải giúp đỡ khi người khác cần;
  4. Không nên bỏ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn;
  5. Làm nơi nương nhờ khi người ấy gặp hiểm nguy.

 

►Khi mọi người nói trên đều đối xử với nhau như vầy, thì “Phương Bắc được bảo vệ”. Xóm làng, ngoài đường, xã hội đều được thái hoà và an toàn. Một xã hội tốt đẹp là một xã hội dần dần sẽ đi về hướng này.

 

 

 

(5) Bảo vệ phương Thiên Đế – “Người chủ & Người làm công…”

 

(a) Người chủ phải có trách nhiệm đối với người ở, người làm theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Giao công việc phải phù hợp với khả năng của người làm;
  2. Phải nên trả lương, cung cấp thức ăn tương xứng với lao động của họ;
  3. Phải cung cấp thuốc men cho họ khi họ đau ốm;
  4. Đôi lúc chia sẻ một ít cao lương mỹ vị cho họ;
  5. Cho họ nghỉ phép và nhiều lúc phải cho thêm hoặc thưởng công cho họ để khuyến khích họ.

 

(b) Đối với người làm thuê, vì được chủ đối đãi như vậy, nên cũng đáp lại bằng trách nhiệm theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Dậy sớm trước chủ;
  2. Đi ngủ sau chủ;
  3. Thật thà, chỉ nhận lấy những gì được cho;
  4. Làm tốt mọi việc;
  5. Nói tốt đẹp về chủ, giữ gìn uy tín cho gia đình người chủ.

 

►Khi chủ & người làm công đều đối xử với nhau như vầy, thì “phương Thiên Đế được bảo vệ”. Nơi làm việc được vui vẻan toàn. Đời sống của hai bên đều được chăm lo. Hai bên được tôn trọng lẫn nhau.

 

 

 

(6) Bảo vệ phương Thiên Đỉnh – “Bậc chân tu & Người tại gia”

 

(a) Những người tại gia phải có trách nhiệm đối với những Bậc chân tu, người mộ đạo, tu sĩ, thánh nhân, ….. theo năm (5) cách sau đây:

 

  1. Có hành động quý mến;
  2. lời nói quý mến;
  3. suy nghĩ quý mến;
  4. Mở rộng nhà cửa tiếp đón;
  5. Chăm lo, cấp dưỡng cho những nhu cầu vật chất của người “xuất gia” với lòng thương mếnkính trọng.

 

(b) Ngược lại, những Bậc chân tu, người mộ đạo, tu sĩ, thánh nhân...có trách nhiệm đối với những người tại gia theo sáu (6) cách như sau:

 

  1. Hướng dẫn họ đi theo con đường tốt, làm điều thiện;
  2. Hướng dẫn họ tránh xa điều xấu, điều ác;
  3. Thương mến họ với suy nghĩ tốt đẹp;
  4. Truyền đạt, giảng dạy những kiến thức (bố thí Pháp) mà họ chưa học được;
  5. Đính chính, làm rõ & giảng dạy thêm những gì họ đã học còn chưa rõ ràng; Chỉ cho họ con đường hướng thượng, để được lên Cõi Trời, tức là con đường chánh Đạo để họ Làm Người Tốt!, được tái sinh những cõi phúc lành.

 

►Khi những tu sĩ, thánh nhân…& và những người tại gia đều đối xử với nhau như vầy, thì “phương Thiên Đỉnh” được bảo vệ”.

 

 


 

Cha mẹ là phương Đông

Thầy cô là phương Nam

Vợ chồng là phương Tây

Bạn, họ…là phương Bắc

 

Người làm là Thiên Đế

Tăng, Ni là Thiên Đỉnh

Người khôn ngoan, đức hạnh

Luôn cung kính các phương.

 


 

 

 

³ Chú Thích:

 

[1] Đây là bổn phận lớn nhất, quan trọng nhất mà những người con phải nên làm để đền đáp công ơn sinh thành ra mình, dưỡng dục mình nên người. Cha mẹ luôn gánh chịu mọi đau thương, cơ cực và dành những điều sung sướng, từng miếng ăn ngon cho con cái và luôn dõi mắt theo con cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Khi bạn trở thành cha mẹ của con mình, bạn sẽ hiểu được những cực khổ và tình yêu thương sâu nặng của cha mẹ mình đã luôn dành cho chúng ta.

 

Bạn cũng biết ở trên đời những người có hiếu với cha mẹ, ông bà của mình được mọi người xung quanh khen ngợi như thế nào và ngược lại những kẻ bất hiếu, nghịch tử sẽ bị thiên hạ chê cười, ruồng bỏ như thế nào.

 

Như Đức Phật đã tuyên dạy: “Dù chúng ta có cõng cha mẹ mình trên vai 100 năm thì cũng không thể nào trả hết ơn nghĩa cha mẹ”.

 

Hơn nữa, cũng theo Đức Phật, thì chỉ có một cách có thể báo hiếu cha mẹ nhiều nhấtcố gắng mang “giáo pháp” đến cho cha mẹ, hay cố gắng dìu dắt cha mẹ đến với “giáo pháp”. Việc hướng cha mẹ đến được con đường chánh đạo của Đức Phật đã chỉ dạy là việc báo hiếu cao đẹp nhất của một người con.

 

 

[2] Điều này có nghĩa là là thái độ biết ơn, lòng trung hiếu và con cái phải thực hiện những nghĩa vụ tốt đẹp để xứng đáng với những của cải, gia phongcha mẹ đã khổ cực gầy dựng và để lại cho con.

 

 

[3] Nếu chúng ta là ở vai trò cha mẹ, thì chúng ta là người thầy, người cô đầu tiên của con cái, dạy dỗ, hướng dẫn con cái chúng ta làm những điều đúng, tránh xa những thói hư tật xấu. Và cách tốt nhất là chúng ta phải làm gương tốt, mẫu mực cho con cái chúng ta noi theo, để chúng nghe theo lời khuyên dạy của chúng ta.

 

 

[4] Trong bối cảnh cuộc sống ngày nay, nghĩa vụ này bao gồm cả việc cha mẹ phải cung cấp cho con cái những sự giáo dục, học hành cơ bản mà mọi người được có, nói cách là trang bị cho con cái kiến thức cần thiết cho đời sống sau này.

 

Đối với nhiều cha mẹPhật tử thì họ cũng có thể thường xuyên giảng giải cho con cái về những chân lý, lẻ sống, Phật pháp. Phần này rất quan trọng, nhưng trong nhiều gia đình cha mẹ rất do dự trong việc dạy những giáo lý cơ bản cho các con, mặc dù mình hiểu biết rất nhiều. Học giáo lý về đạo sẽ góp phần rất lớn trong rèn luyện những tư cách đạo đức khác ở gia đình, trong trường học và ngoài xã hội sau này. Chúng ta cũng thấy rằng đa số mọi người cùng học và hấp thu một nền giáo dục giống nhau trong trường học và xã hội đồng thời, nhưng họ lại có những tư cách & suy nghĩ đạo đức khác nhau. Đó có thể chính là sự khác nhau của kiến thức về đạo đức từ cha mẹ.

 

 

[5] Điều này là rất thực tế và có ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoàn cảnh hiện đại. Rất nhiều cha mẹ không chuẩn bị gì trước khi ra đi hoặc thậm chí nhiều cha mẹ không hề để lại một lời di chúc nào. Những gia đình Đông Á thường gặp những rắc rối này, vì sau đó con cái thường tranh giành nhau tài sản thừa tự và cảnh huynh đệ tương tàn đã luôn luôn xảy ra. Vì vậy, phận cha mẹ nên để lại lời nhắn gởi hay phân chia những của cải thừa tự, cho dù đó chỉ là một mảnh đất nhỏ hay chỉ là những khoản nợ (vật chất hay tình cảm) với người khác mà cha mẹ muốn con cái nào phải nhận lãnh, thừa hưởng hay gánh vác giùm.

 

Mọi người được khuyên là nên ghi lại một cách rõ ràng, nếu không sau này con cái phải tiêu tốn rất nhiều tiền của cho những luật sư, quan toà phân xử. Nhiều gia đình sau khi tranh chấp, phần tài sản bán đi chỉ đủ để trả tiền cho nhiều luật sư và chi phí quan toà.

 

 

[6] Điều này có nghĩa là thầy cô nên giới thiệu học trò mình với những vị thầy cô tốt khác để học trò có thể học hành được thêm những kiến thức khác hoặc có thể tìm được việc làm tốt. Thường những vị thầy uy tín có thể giới thiệu hoặc tiến cử những học trò tốt đến những chỗ làm tốt. Ví dụ: Hàng năm, những công ty lớn ở Mỹ đều tài trợ cho nhiều trường đại học lớn ở Mỹ. Cuối cùng để đáp lại sự đóng góp của họ, các giáo sư trong các trường đại học đó sẽ nghiêm túc giới thiệu những sinh viên tốt, giỏi về làm trong các công ty đó.

 

Hơn 2.500 trước Đức Phật đã nhìn thấy tầm quan trọng của mạng lưới liên kết học trò, thầy cô và nghề nghiệp xã hội như vậy!.

 

 

[7] Trong xã hội và nền văn hóa cổ xưa khi mà nam giới được ưu tiên đứng trên thì nữ giới chỉ là tầng lớp thứ hai hay tệ hơn. Đức Phật đã giảng dạy điều này để khởi xướng sự bình đẳng nam nữ, vợ chồng. Đó là một tư tưởng tốt đẹp vào thời đó và đến tận hôm nay.

 

Vì vậy, một người chồng văn minh thì luôn luôn tôn trọng vợ mình, không bớt tôn trọng và không bao giờ được khinh khi. Điều đó sẽ mang lại tình cảm tốt đẹplâu dài của vợ chồng.

 

 

[8] (a) Thời trung cổ ở Ấn Độ thì không có ngân hàng, nên mọi người thường giữ tiền của dưới hình thức vàng bạc, trang sức. (Thật ra ngay cả bây giờ Việt Nam vẫn còn rất nhiều người hay vẫn còn thích giữ tiền bạc tiết kiệm, của cải dưới dạng vàng bạc, đá quý, trang sức). Những trang sức, vàng bạc này có thể trở thành của phòng thân cho người vợ, khi người chồng đi xa hay qua đời, để người vợ có thể lo nhiều việc như tang gia, chỗ ăn ở, nuôi dạy con cái, một cuộc sống sau này…

 

Ngày nay, ý nghĩa phòng hộ này nên được hiểu như là những khoản bảo hiểm về nhân thọ, những khoản tiết kiệm chung mà người chồng phải cố gắng thu xếp cho vợ con.

 

Ngày trước, việc mua tặng vợ trang sức cũng mang nghĩa thể hiện tình cảm dành cho người vợ và những người vợ đến tận bây giờ cũng luôn luôn thích thú khi mang những trang sức đó.

 

(b) Như trong Kinh này đã ghi lại, chúng ta có thể thấy sự việc mà Đức Phật không quên đề cập đến những món quà người chồng phải nên mua tặng cho vợ, cũng đủ để nói lên sự thấu hiểu và thông cảm sâu sắc đầy tình người của Phật đối với cảm xúc & tình cảm của mọi con người bình thường. Về điề này, Hòa thượng W. Rahula cũng có nhận xét và sự cảm kích như vậy.

 

 

[9] Những người làm công ở đây cũng bao gồm cả những người ở, phụ việc trong nhà. [11], [12]

 

 

[10] Người vợ nên có bổn phận là không nên hoang phí, tiêu xài một cách không đúng, mà nên góp ý tiêu xài một cách khôn ngoan, tiết kiệm đúng đắn những tiền của người chồng làm ra. Ngày nay, cả phụ nữ cũng đi làm, có nghề nghiệp như chồng thì càng phải hiểu rõ sự khó khăn vất vả để làm ra đồng tiền, nên càng phải trách nhiệm và khôn ngoan trong tiêu xài để hài hoà tất cả mọi mục đích sống của người có đức hạnh và phòng hộ cho bất trắc tương lai.

 

Lời dạy thực tế của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trịcần thiết cho đến hôm nay cho đời sống gia đình.

 

 

[11] Điều này có nghĩa là hãy trao thưởng công bằng cho họ khi họ làm thêm, đóng góp được nhiều hơn, và ở tầm công ty thì nên tăng lương, thưởng khi công ty ăn nên làm ra, có nhiều lợi nhuận. Điều này không những làm tăng ý nghĩa đạo đức từ phía chủ, mà còn làm tăng lòng trung thành của nhân viên, người làm. Họ sẽ càng góp sức, làm mọi việc tốt hơn, và kết quả là công việc lại tốt đẹp hơn.

 

Riêng về người làm công, giúp việc trong nhà, chúng ta nên luôn luôn đối xử với họ một cách công bằng, có tình người, như là một cách ta làm gương đạo đức cho con cái trong nhà nhìn thấy và noi theo. Lòng nhân hậu của cha mẹ đối với kẻ ăn người ở trong nhà sẽ làm tăng trưởng lòng trắc ẩn, thương người và rộng lượng tốt đẹp sau này của những người con. 

 

Trong xã hội, có rất nhiều gia đình giàu có, ăn học, nhưng đối xử với người làm công hay kẻ ăn người ở trong nhà rất tàn nhẫn, bất công hay keo kiệt. Họ sân si với người làm như vậy vì lòng khinh khi kẻ nghèo, nhưng họ đâu ngờ rằng những hành động hèn hạ như vậy đã làm họ mất đi rất nhiều, đó là nhân cách của họ và đạo đức của những con cái lớn lên sau này. Rất nhiều con cái nhà giàu được cho đi ăn học ở những trường học hạng nhất, nhưng ở nhà noi gương cha mẹ, đối xử với người làm, người ở một cách vô lễ và bất nhân.

 

Chúng ta đều biết xã hội hiện tại khắp nơi đằng sau những cánh cổng kín, tường cao vẫn đang luôn diễn ra những cảnh bất nhân, đau lòng như vậy. Chúng ta hãy cầu mong cho mọi người đừng làm vậy nữa. Đừng rẻ rúng người nghèo hèn nữa!.

 

Ở những nước văn minh, những người bạc đãi, luôn chửi rủa, đối xử tệ với người làm, thường bị ra toà. Kết quả là họ trở thành người luôn luôn thấy xấu hổ, nhục nhã trước mặt toà án, bạn bè, họ hàng… những hành động hèn hạ, bất nhân như vậy. Và hình như “chế độ nô lệ” bất nhân đã kết thúc từ lâu rồi mà, phải không các bạn? [12]

 

 

[12] Về điểm này, chúng ta có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên về nội dung lời khuyên của Đức Phật được nói ra hơn 2.500 trước khi chế độ nô lệ là ‘hợp pháp’ và phổ biến ở khắp nơi ở Ấn Độthế giới, khi mà mọi nô lệ, người ở bị bóc lột một cách tự do, mà Đức Phật lại đề xướng cho họ những ngày nghỉ, ngày phép… để nghỉ ngơi và về thăm gia đình, cha mẹ. Tư tưởng công bằng và cao đẹp này chỉ được thực hiện một cách chính thức bởi nhân loại sau hơn 2.400 năm sau đó, khoảng 100 năm trở lại đây, sau khi những tổ chức “Công Đoàn” được lập ra trên thế giới.

 

 

[13] Điều này không chỉ có nghĩa là những thái độ, suy nghĩ, đối xử một cách lễ phépkính trọng trực tiếp đối với những người thầy tâm linh (tu sĩ, sư, ni hướng dẫn mình trên con đường học đạo). Nhưng điều này còn bao gồm tất cả những hành động lương thiện, tốt lành, những hành động công đức, tu tập mà bạn làm với tất cả những người khác. Khi làm những điều đó (hay đúng hơn là thực hiện lòng rộng lượng Bố Thí, tuân giữ Giới Hạnh đạo đức & Thiền tập cho Tâm trong sạch, tức làm theo công thức “Hãy làm người tốt!” như quyển sách này muốn nói) thì bạn mới thực sự trả ơn cho những vị thầy. 

 

Giống như để tỏ lòng tôn kínhbiết ơn Đức Phật, theo Đức Phật, thì mọi Phật tử nên thực hành những lời dạy (giáo pháp) mà Đức Phật hơn là những thái độ cung kính, lễ lạy bề ngoài.

 

 

[14] Điều này có nghĩa là những người tại gia nên có bổn phận cúng dường những thức ăn, hoa quả, phương tiện…tuỳ theo hoàn cảnh của mình để giúp cho những bậc chân tuphương tiện để tu hành, và để trả ơn lại công đức của những người cúng dường, các tăng & ni sẽ có bổn phận giảng dạy giáo pháp cho mọi người [15]. Khi cúng dường, bạn nên lưu ý một số điều:

 

(a) Chúng ta chỉ cúng dường cho những bậc chân tu đáng kính, luôn giảng dạy (bố thí pháp cho mọi người), không cúng dường cho những người rõ ràng giả mạo tu hành, hành nghề bằng tôn giáo, làm mê muội mọi người bằng những hủ tục, cúng bái mê tín, dị đoan và lấy tiền của mọi người.

 

(b) Nếu bạn không biết chắc về những vị Tăng, Ni đó là chân tu hay đạo đức giả hay đang bị lầm đường và nếu không cúng dường, tôn kính thì bạn sẽ thấy lòng không đúng, thì bạn vẫn nên cúng dường với lòng thành kính và trong tâm bạn nghĩ rằng “Mình cúng dường cho Tăng (Ni) Đoàn, chứ không phải một mình vị Tăng hay Ni đó”.

 

(c) Trong bối cảnh hiện nay, nếu có Tăng hay Ni nào nhất định hỏi bạn phải cúng dường loại đồ vật nào theo ý của thầy ấy mà bạn cảm thấy đồ vật ấy không thật sự thiết thực, hữu dụng cho mục đích Phật sự cao cả, thì bạn nên bỏ ý định cúng dường chỗ đó. Còn rất nhiều những nơi những Tăng, Ni là bậc chân tu đang thiếu thốn rất nhiều phương tiện để tu hành, như là một vài cân gạo, ít tài vật để sửa sang một tượng Phật, tạo thêm vài chỗ ngồi hay mua thêm kinh sách cho Đạo tràng…, bạn hãy tìm đến đó mà cúng dường. Đó là công đức vô lượng!.

 

► [Đọc thêm phần “Bố Thí, Cúng Dường” trong quyển “Giáo Trình Phật Học” do cư sĩ Chan Khoon San, Nxb. Phương Đông].

 

(d) Tương tự vậy, trong khi việc cúng dường cho Tăng, Ni, chùa chiềng, thiền viện, tịnh xá…là hành động công đức vô lượng, nếu khi bạn cần thỉnh một vị thầy về vấn đề tâm linh, (Ví dụ đến nhà tụng kinh cho người mới tang lễ, cho đến việc tụng kinh cầu an, cầu siêu hay giải hạn, giải sao…), mà có sư thầy nào mà ra giá, yêu cầu thanh toán tiền mặt…cho việc tụng niệm đó thì bạn không nên chấp nhận, vì điều đó là không đúng đối với bạn (việc tụng niệm không thanh tịnh), vì điều đó cũng không đúng đối với vị thầy đó (thầy đó không thanh tịnh).

 

► [Đọc thêm bài giảng “Mê Tín Hay Chánh Tín”, “Chúng Ta Đi Chùa Để Cầu Xin Hay Để Tu Theo Phật” của HT. Thích Thanh Từ).

 

Khi bạn thỉnh mời một vị Tăng hay Ni đến để tụng kinh theo “đúng” hướng dẫn & ý nghĩa cao đẹp của nhà Phật, vị tăng, ni đó sẽ hoan hỉ đến ngay (cho dù bạn hay người đã mất là những người không thanh tịnh, nổi tiếng thất đức), thì điều đó là đúng đắn và mang lại an lạc của việc tụng niệm. Và sau đó, tùy theo khả năng, bạn có thể mang hoa quả, gạo, hay bất cứ vật phẩm gì mà nhà chùa có thể cần để tôn kính cúng dường, như một cách thể hiện lòng biết ơn “một cách tôn kính”. Như vậy là thanh tịnh cho tất cả.

 

(e) Cúng dường bằng lòng tôn kính, bằng hành động tốt đẹp lương thiện hằng ngày, bằng vật chất như: thức ăn, thuốc men, gạo đậu, ly chén, cho đến vải vóc để may y…cho đến một nải chuối, một bó hoa, nhang đèn…đều là những hành động công đức vô lượng hơn mọi hành động công đức, bố thí khác (sau cúng dường Phật), tùy theo khả năng của mình.

 

Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng phải có tiền mặt, phải có nhiều quà tặng có giá trị vật chất cao mới dám đem cúng dường Tăng, Ni. Đạo Phật không có điều gì ràng buộc trong việc cúng dường hết, mà chỉ khuyên không nên cúng dường những đồ vật nào không thanh tịnh, không lương thiện, không dùng được bởi Tăng, Ni theo giới luật của người xuất gia.

 

► Thật ra ở những xứ theo Phật giáo nguyên thủyGiới Luật tăng đoàn thời Đức Phật, việc cúng dường tiền bạc là không được. Tăng, Ni đều bị nghiêm cấm nhận tiền trực tiếp từ người cúng dường, cho đến ngày hôm nay. Trong trường hợp này, bạn nên trao tiền cho một đại diện của các tăng ni, ví dụ là một người cư sĩ đáng kính, để người này sau đó có thể mua những thức ăn, vật dụng…cho các tăng, ni sử dụng cho mục đích tu hànhPhật sự.

 

 

[15] Về phương diện đạo Phật, điều này xin nhắc lại cũng có nghĩa là các Tăng, Ni phải có bổn phận giảng dạy (bố thí Pháp), hướng dẫn, chỉ dạy cho các người tại gia việc thực hành những việc Công đức, giữ Giới hạnh đạo đức & Thiền tập cho tâm trong sạch (Ba vấn đề cơ bản để “trở thành người tốt!”), nhằm đạt được những tiến bộ về trình độ tâm linh, tăng trưởng những phẩm chất thánh thiện như “Từ, Bi, Hỷ, Xả”; và hơn nữa luôn chánh niệm hành thiền để chứng đạt những niềm an lạc & phúc lành cao sâu hơn trong kiếp sống này.

 

Hành động cụ thể là các thầy phải luôn gần gũi với những người tại gia để chỉ dạy giáo pháp dần dần cho họ, lập những nhóm Phật tử (Đạo tràng) để học tập giáo pháp ở chùa, tịnh xá hay thiền viện, lập những khóa thiền tập từ căn bản cho đến bậc chuyên sâu dành cho những người tại gia & các Phật tử cho đến bậc chuyên sâu, hoan hỷ đi đến những vùng xa, vùng nghèo để giảng dạy chữ nghĩa & giáo pháp cho những người bất hạnh, bị thiếu thốn điều kiện ở đó.

 

Các thầy luôn luôn khuyên bảo Phật tử ngày đêm giữ giới hạnh (Năm giới, Tám Giới, Mười giới) là cách để luôn luôn mang lại & bảo vệ cuộc sống an lành cho tất cả mọi người. Đó là điều thiết thực mà các Tăng Ni nên làm đối với các Phật tử hay người tại gia trước khi giảng dạy sâu rộng hay hướng dẫn họ đến những việc tu tập cao sâu hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

z Những Phẩm Chất Để Thành Đạt

 

 

I. Những Phẩm Chất Của “Những Cá Nhân Thành Đạt”

 

 

trí khôn, đức hạnh

Nhẹ nhàng và hùng biện

Khiêm tốn và uống nắn

Đó là người thành đạt.

 

Năng nỗ không lười biếng

Không nản chí, nản lòng

Đạo đứcthông thái

Đó là người thành đạt.

 

Là thầy hay lãnh đạo

Dễ tính và thân thiện

Tử tế, không ích kỷ

Đó là người thành đạt.

 

 

Những phẩm chất của một cá nhân thành đạt là phẩm chất thuộc cả hai phần trí thứcđạo đức, trong đó những phẩm chất về đạo đức luôn luôn là nền tảng, nền móng cho những phẩm chất khác để tạo nên một người thành đạt. Người xưa nói rằng, không có đức làm nền tảng, thì dù có tài đến mấy cũng là người vô dụng. Người có đức mà không có năng lực gì thì làm gì cũng khó mà thành đạt. Tuy vậy, người ta vẫn trân trọng người có đức mà không có tài hơn là người có tài nhưng thất đức.

 

Đầu tiên, những phẩm chất là (1) Trí khônĐức hạnh thì mới có được sụ thành công lâu bền. Trí khônđức hạnh giúp cho một người không những nhận dạng được, phân biệt được đúng sai, mà còn tránh được những việc làm sai trái, không thiện lành.

 

Một người cũng nên (2) Nhẹ nhàng, từ ái, không có thái độ cáu gắt, không xúc phạm người khác. Đó cũng là người luôn luôn (3) Khiêm tốn, nhẹ nhàng và dễ sửa đổi những lỗi lầm của mình khi được người khác uốn nắn, góp ý.

 

Tiếp theo là những phẩm chất giúp ích cho sự thành đạt trong công việc. Ai muốn thành công một việc gì thì phải sẵn sàng và (4) Siêng năng làm việc đó. Không có ai lười biếng mà thành công được, vì nếu không làm thì lấy gì để làm xong hay thành công. Sau đó, khi làm gì muốn thành công thì (5) Không được nản lòng, nản chí trước khó khăn, thử thách. Phẩm chất này là rất quan trọng để mang lại sự thành đạt hơn những người khác. Bởi vì nếu công việc nào cũng dễ dàng, cũng không có gì rủi ro thì ai chẳng làm được. Nhưng trên đời việc gì cũng có khó khăn và rủi ro, nên phẩm chất không nản lòng, không nản chí trước khó khăn là bản chất cần có để thành đạt.

 

Vì dụ, tu hành và làm trong sạch thân tâmcon đường giải thoát. Tuy nhiên, nếu việc tu hành là dễ dàng, thì chắc ai cũng đi tu và đã có nhiều người tu thành công rồi. Nhưng tu hành cũng là một sự nghiệp khó khăn từ những ngày đầu cho đến tận mai sau. Rất nhiều bậc chân tu đã luôn luôn kiên trung, không nản chí trên đường tu tập. Vì vậy, sự không nản chí là một bản chất quan trọng để thành đạt mục đích.

 

Luôn có thái độ (6) Hiền hòa, vui vẻ và (7) Cởi mở và thân thiện và (8) vó tư cách, đối xử tử tế, lời nói tử tế (ái ngữ) với mọi người. (9) Không ích kỷ hẹp hòi mà luôn luôn trao đổi, chỉ dẫn những kiến thức cho người khác, luôn rộng lòng từ bi bố thí cho những người đang cần giúp đỡ.

 

► Đó là những phẩm chất của những người thành đạt, theo như Đức Phật đã giảng dạy. Những phẩm chất cao đẹp này chắc chắn là nền tảng và chắc chắn xứng đáng có ở những người thành đạt.

 

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, “định nghĩa” về một người thành đạt đã không còn đầy đủ như vậy. Ngày nay, khắp nơi người ta định nghĩa người thành đạt theo tiền bạc, của cải hay danh tiếng nhiều hơn. Hễ cứ thấy ai giàu lên thì người ta gọi là người thành đạt. Đó chỉ là một mặt về mặt vật chất, về mặt trí khôn chứ hoàn toàn không có và không được xét đến vấn đề đạo đức hay nhân cách. Ngay cả rất nhiều người cũng chẳng hề có trí khôn hay kinh nghiệm hay sự tháo vát hay sự đầu tư trí óc nào đáng kể hơn chỉ là sự may mắn vì “thời cuộc”, và những vòng xoáy thăng trầm lên xuống của nền kinh tài, cũng được ca ngợi là người thành đạt.

 

Người thành đạt lâu bền là người thành công dựa trên nền tảng của trí khônđạo đức, mà trong đó đạo đức lại là nền tảng của trí khôn.

 

 


 

 

II. Những Phẩm Chất Của Những “Người Lãnh Đạo Thành Đạt”

 

 

Rộng lòng và từ ái

Luôn giúp đỡ mọi người

Luôn đối xử công bằng

Ở mọi lúc, mọi nơi

 

Bốn phẩm chất thành đạt

Giữ cho đời tốt đẹp

Giống như trục bánh xe

Nâng đỡ cả chiếc xe

 

Thiếu những phẩm chất này

Thì một người thành đạt

Cũng như người bất hiếu

Không trả ơn cha mẹ

Không tôn kính cha mẹ

 

 

Đây là những phẩm chất cần thiết, cần có của một nhà lãnh đạo thành đạt. Ở đây, khái niệm phẩm chất của người lãnh đạo xã hội đã được mở rộng ra, vì vai trò quan trọng của họ trong việc thịnh suy, an bình hay bất an, của đời sống xã hội. Một người lãnh đạo thành đạt là người phải luôn có bốn phẩm chất “để thành công” tích cực này”.

 

Dù là lãnh đạo trong chính quyền hay kinh tài, người lãnh đạo phải (1) Rộng lượng, không ích kỷ, không quá tham lam. Nếu không có những phẩm hạnh này thì người lãnh đạo dễ sa vào tham nhũng, ăn cắp của công hay biển thủ. Tham nhũng đang là vấn nạn của rất nhiều nước và xã hội trên thế giới. Mức độ tham nhũng trong thời đại ngày nay vẫn còn là thước đo cho mức độ phồn thịnh, văn minh, hạnh phúccông bằng của một xã hội.

 

Như vậy, một người lãnh đạo thật sự phải là người thành công trong việc lãnh đạo, và không ích kỷ, không tham lam, không tham nhũng và luôn luôn (2) Từ tâm hướng những phúc lợi của xã hội đến những tầng lớp nghèo khó, những hoạt động từ thiện, những công trình cải tạo an sinh và cuộc sống cho nhưng người thiếu đặc quyền và thiếu may mắn. Bằng cách này, xã hội sẽ dần dần cải thiện về sự công bằnghạnh phúc.

 

Sự (3) Công bằng của người lãnh đạo được nhấn mạnh ở đây. Đó là sự giúp đỡ, chính sách nâng đỡ dành cho mọi nơi, mọi miền, mọi sắc tộc, mọi thành phần kinh tế & tôn giáo trong xã hội một cách công bằng. Cả xã hội đều được phát triển và đi lên.

 

Vì vậy, những phẩm chất này được cho là nối kết, giữ vững mọi cuộc đời trong xã hội với nhau, như trục bánh xe nối kết chuyển động của cả chiếc xe vậy. Nếu ngược lại, chỉ có hẹp hòi, phân biệt, ích kỷ, tham lam, tham nhũng và bất công, thì xã hội chắc chắn sẽ tan rã, theo nghĩa này hay nghĩa khác, niềm tin của tất cả cũng không còn, mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy trục lợi, kẻ giàu người nghèo càng ngày càng xa cách, căng thẳng. Đó là một xã hội không đáng có, mà rất nhiều nước trên thế giới đã và đang hình thành.

 

Những người lãnh đạo hiểu được và có được những phẩm chất này, thường xuyên thực hành những phẩm chất này, thì họ luôn thành đạt được đạo đức cao đẹp, danh tiếng tốt và sự ca ngợi từ phía nhân viên, quần chúngcộng đồng. Và trở thành những nhân tố góp phần vào sự an lạcphúc lợi của cộng đồng và toàn xã hội. Như vậy đó cũng là những phẩm chất làm nên công đức.

 

Ý Phật so sánh như vầy, thà là một người không thành đạt mà có đức độ thì còn được coi là hiếu thảo với cha mẹ, còn hơn là người thành đạt mà không có đức, làm ô danh cha mẹ, làm mọi ngườidư luận chê bai, làm cha mẹ đau khổ bất hạnh.

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

▲ Sách & Tài Liệu Tham Khảo

 

 

  1. “An Approach to Buddhist Social Philosophy” (Tiếp Cận Triết Lý về Xã Hội của Phật Giáo) – tác giả Ngài Ven. P. Gnanarama.
  2. “A Constitution for Living” (Thiết Lập cho Cuộc Sống) – tác giả Ngài Bhikkhu P.A. Payutto.
  3. “Buddhism for Every Man” (Đạo Phật cho Mọi Người) – tác giả W.G. Weeraratne.
  4. “Moral & Ethical Conduct of a Buddhist” (Phẩm Hạnh Đạo Đức & Lương Tâm của một Phật Tử) – tác giả Tiến sĩ S. K. Sri Dhammananda.
  5. “Sigalovada Sutta” (Kinh Lời Khuyên Dạy Sigala) – bản dịch & giảng giải của:

 (a) Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula,

 (b) Ngài Ven. P. Pemeratana,

 (c) Piya Tan,

 (d) Hòa Thượng Trưởng Lão Narada Thera,

 (e) John Kelly, Sue Sawyer & Victoria Yareham.

  1. “The Charter of an Ideal Society” (Hiến Chương cho một Xã Hội Lý Tưởng) – tác giả Ngài Ven. P. Gnanarama.
  2. “The Way to Social Harmony” (Con Đường Đi Đến Hòa Hợp Xã Hội) – tác giả Ngài Ven. U Pyinnyathiha.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương II

 

LÀM THẾ NÀO

ĐỂ TÍCH LŨY SỰ GIÀU CÓ?

 

 

Chương này được dựa trên căn bản của Kinh “Lời Khuyên Dạy Vyagghpajja” (Vyagghpajja Sutta). Kinh này còn có tên là Kinh “Dighajanu Sutta”. Kinh giảng dạy về những điều kiện cần thiết để duy trì và tăng cao những phúc lợi vật chất & tinh thần của những người tại gia, bao gồm những Phật tử tại gia.

 

Theo như kinh này, Đức Phật đã được tiếp cận bởi một người tại gia giàu có, tên là Dighajanu, đến thỉnh cầu Phật chỉ dạy. Ông Dighajanu đã thưa với Đức Phật rằng những người trong gia đình ông đều đang được hưởng lạc những tiện nghi vật chất cao sang, như dùng quần áo toàn bằng lụa là, nước hoa và trang sức bằng vàng bạc, đá quý. Ông đến để xin Đức Phật chỉ dạy những cách thức để “duy trì” sự giàu có và cuộc sống hưởng lạc thế tục như vậy trong kiếp sống này và trong cả kiếp sống sau.

 

Đức Phật đã bắt đầu giảng cho ông ta rằng sự giàu thực sự giàu có về mặt vật chất & tinh thần đều được tích lũy bằng những phẩm chất đúng đắn và thiện lành, chứ không phải bằng những con đường bất chính.

 

Theo Đức Phật, để tích lũy sự giàu có về vật chất thì mọi người chúng ta cần phải sống và làm việc theo bốn (4) cách. Để tích lũy sự giàu có về tâm linh & tinh thần thì, chúng ta cần phải sống và làm việc theo bốn (4) cách. Những cách đó được Đức Phật giảng giải như sau.

 

 

 

 

 


 

 

u Tích Lũy Sự Giàu Có về Vật Chất

 

 

(I) Bốn Cách Tích Lũy Sự Giàu Có & Tiến Bộ về Mặt Vật Chất

 

 

(1) Tích lũy tài sản bằng nỗ lực làm việc liên tục & chân chính:

 

Cũng như trong cuộc mưu sinh, Đức Phật khuyên rằng một người phải luôn luôn siêng năng, nỗ lực, không được lười biếng, khất thời một việc gì. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Việc gì có thể làm hôm nay thì không nên để sang ngày mai”. Hãy làm xong hôm nay.

 

Cần phải hiểu rõ việc gì cần phải được làm và làm một cách hợp lý, đúng đắn như thế nào, và phải phân công công việc cho mọi người một cách hợp lýhiệu quả như thế nào. Như vậy, mọi công việc và nghề nghiệp của người ấy sẽ luôn luôn được thực hiện trôi chảythành công. Đó là nền tảng giúp mang lại thu nhập vật chất và sự giàu có.

 

Ý dạy của Đức Phật có thể hiểu những phần nhấn mạnh như vầy. Công việc, nghề nghiệp của mình thì mình phải làm, và làm tốt. Ngoài ra không có phép mầu nào, lời cầu nguyện nào, hay việc cúng bái hay bùa chú nào có thể giúp làm xong việc hoặc giúp bạn làm ra tiền của cả. Ngay cả lòng tin hay việc tôn thờ vào Đức Phật cũng chẳng bao giờ mang lại những phần thưởng vật chất nào hết. Siêng năng, cẩn thậnhiểu biết tháo vát trong công việc là 3 điều kiện “cần phải có” để làm ra tiền của.

 

Ngoài ra, những điều kiện khác dưới đây [phần (2),(3),(4)], chỉ là những điều kiện bổ trợ cho những phẩm chất cần có ở phần (1) này.

 

Khi hướng dẫn ta đến sự thành đạt về sự nghiệp, Đức Phật còn dạy thêm rằng việc tích lũy làm giàu phải dựa vào những công việc, nghề nghiệp hợp pháp, chân chánh & lương thiện. Chỉ có cách như vậy, thì tài sản mới được bảo vệ lâu dài. Chẳng hạn tài sản nếu được làm ra bằng những việc phạm pháp, bằng những việc bất thiện, bằng những việc làm hại người khác, hay tạo ra thù hận, thì theo thứ tự những tài sản đó có thể sẽ bị tịch thu bởi pháp luật, bị tai ương, bị mất mát vì nghiệp báo hay bị phá hay cướp lại bởi những kẻ thù.

 

Ở trên đời, bạn đã từng nghe những câu chuyện phổ biến về những quan quyền, những người lãnh đạo các ban ngành thường bị truy tố về những tội ăn hối lộ, tham nhũng, biển thủ, lập bè phái ăn chia, hàm oan người vô tội, và những tài sản kết sù có được từ những hành vi bất thiện đó tưởng chừng như đã an toàn đã bị chính quyền tịch thu ngoài việc bản thân bị tù tội.

 

Bạn cũng từng nghe những người làm giàu bất thiện, độc ác cũng bị quả báo, con cháu phải nhận lãnh, ngay cả họ từng là người của ‘tổng thống’ như gia đình nhà ông Nhu, ông Diệm vì tham lam quyền lựccủa cải đã bất chấp tất cả, ngay cả vấn đề tôn giáo thiêng liêng của dân tộc, để rồi sinh mạng và tất cả của cải của gia đình đều bị kết thúc một cách bi thảm, vì nghiệp báokẻ thù.

 

Bởi vậy, việc đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho ông Dighajanu cách để mưu sinh và làm giàu là phải nỗ lực làm ăn và phải làm một cách chân chính.

 

 

(2) Bảo vệ tài sản một cách đúng đắn

 

Để gìn giữ tài sản cá nhân khỏi rủi ro bị chi phối của chính quyền, Đức Phật khuyên chúng ta tạo ra của cải, tài sản một cách chân chính và làm đầy đủ bổn phận đối với chính quyền. Tức là ngoài việc mưu sinh làm giàu chân chính, chúng ta còn phải luôn luôn đóng thuế và những nghĩa vụ khác một cách đầy đủ. Khi đã thực hiện đầy đủ những bổn phận này, người giàu có sẽ giảm thiểu tối đa, nếu không nói là loại bỏ hoàn toàn, mối đe dọa bị chính quyền tịch thu tài sản. Vì đó là thu nhập và tài sản hợp pháp.

 

Vào thời Đức Phật, người ta thường bảo vệ tài sản khỏi bị trộm cướp bằng cách giữ nó bên mình. Ngày nay người ta gửi tiền bạc, của cải với người khác như là các cơ quan tài chánh. Sự sụp đổ của các ngân hàng, các cơ quan tài chính ở khắp nơi trong những thập kỷ qua, do tham nhũng và những lý do khác, biểu lộ nhu cầu cần phải đầu tư tài sản một các khôn ngoan để bảo vệ chúng khỏi những ‘tên cướp’ của thời đại tân tiến. Trong trường hợp này để có được sự bảo vệ tối đa, ta vẫn có thể làm theo lời Phật dạy bằng cách “chọn lựa” những cơ quan tài chính đáng tin cậy nhất để gửi hay đầu tư tài sản vào đó.

 

Đức Phật cũng khuyên ta bảo vệ tài sản bằng cách có những biện pháp gìn giữ nó khỏi “lửa và nước”, – có nghĩa rộng là bao gồm tất cả những loại thiên taitai nạn bất ngờ khác, như động đất, sóng thần, nguyên tử, lũ lụt… mà thoạt đầu nghe rất xa xôi, nhưng lại rất thường xảy ra trong thời hiện tại (như trận cuồng phong, động đất tsunami ở Aceh, Phuket, Nhật bản, Kathina (Mỹ), Việt Nam…).

 

Có các biện pháp để gìn giữ tài sản khỏi tay những “người quyến thuộc không tốt” (appiyato dayadato), cũng là một cách bảo vệ khác. Dù lời khuyên này có thể quan trọng hơn vào thời Đức Phật, nhưng trong xã hội ngày nay, chúng ta cũng khó thể bỏ qua. Thí dụ, một số người cho thân quyến mượn những số tiền khá lớn chỉ dựa vào lòng tin. Tuy nhiên, người được hưởng lợi có thể phản bội tất cả mọi lòng tin, và không bao giờ trả lại tiền đã mượn. Trong một số nền văn hóa, các bậc cha mẹ và ông bà đầy lòng thương chiều con cái là dễ gặp điều nguy hiểm này. Những người con đã trưởng thành hoặc con dâu, con rể có thể cắt xén của cải, tài sản của những người thân quyến trọng tuổi này. Những sự kiện này cho ta thấy các biện pháp để bảo vệ tài sản khỏi những người quyến thuộc xấu là một nhu cầu chính đáng đối với một số người trong xã hội ngày nay.

 

Đúng đạo nghĩa là những người trong gia đình, họ hàng, quyến thuộc và cả bạn bè được khuyên là nên tương trợ, giúp đỡ nhau trong làm ăn, mưu sinh. Tuy nhiên, tất cả đều nên xem xét tư cách cá nhânlý do & tiềm năng của công việc cần đầu tư giúp đỡ, phải góp ý, tránh những việc vay mượn hay hùn hạp có tính rủi ro cao. Nhiều gia đình gầy dựng nhiều của cải một cách cực khổ rất lâu trong nhiều năm, thậm chí nhiều đời, nhưng về sau bị con cái, người thân làm tiêu tán trong vài lần làm ăn.

(³³ Chú Giải)


Nói chung, Đức Phật động viên cả cộng đồng nên bảo vệ tài sản (arakkha sampada) cũng quan trọng như việc làm ra tài sản, thì mới duy trì sự giàu cóphúc lợi của người thế tục một cách lâu bền được. Cụm từ “arakkha sampada” mà Đức Phật dùng là chỉ rõ sự xác lập việc bảo vệ tài sản và sự quan trọng vượt bực của nó: Có nghĩa là: “Việc có biện pháp chân chính để bảo vệ tài sản chân chính cũng quan trọng tương tự như việc thực hiện một nghĩa vụ cao thượng vậy”.

 

 

(3) Có được bạn bè tốt

 

Đức Phật đưa ra điều thứ ba để có được và duy trì được đời sống vật chấthạnh phúc thế tục là cần nên có bạn hiền, bạn tốt. Bạn hiền, bạn tốt là không quan trọng là trẻ hay già, làm chung hay khác nghề nghiệp, cùng hay khác sắc tộc hay tôn giáo, miễn sao họ là những người có đức hạnh, có lòng tốt, có trí tuệ và có đời sống tinh thần tâm linh đáng kính. Như vậy, những người bạn đó sẽ trở thành tấm gương, thành những người sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến sự nghiệp, việc làmđời sống tinh thần & tâm linh của mình.

 

Trong phần trước, (trong Kinh Lời Khuyên Dạy Sigala), Đức Phật đã dạy rõ những loại bạn tốt & bạn xấu và cách phân biệt cho chúng ta rồi. Đức Phật dạy người thanh niên trẻ Sigala rằng khi giao tiếp với những người xấu và vô đạo đức thì đó là những “cửa” qua đó tài sản sẽ bị tiêu tán như thế nào. Do đó, Đức Phật, với trí tuệ của Người, đã thảo luận rất tỉ mỉ những quan hệ, những giao tiếp có thể giúp bảo vệ hoặc làm hủy hoại tài sản của một người như thế nào.

 

Phần khác, Đức Phật khuyên mọi người nên giữ mối liên hệ giao hữu với các vị thầy, các nhà cố vấn có khả năng, để học hỏi & trao đổi ý tưởng với họ. Bằng cách đó, họ có thể phát triển nhân cách, đạt được sự hiểu biết và khả năng – Đó là những yếu tố làm tăng thêm sự thành đạt về vật chất của họ. Sự lựa chọn bạn bè, bằng hữu…một cách khôn ngoan thì thật sự quan trọng trong việc mưu sinh làm giàu và bảo vệ tài sản & phúc lợi của mình.

 

 

► Xin bổ sung thêm một chút về điều dạy này của Đức Phật trong bối cảnh ngày nay. Rõ ràng là làm ăn, giao du với bạn xấu thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu và ngược lại. Bạn xấu có thể làm mình tan gia bại sản, tha hóa, thậm chí gây ra tội lỗi, trong khi bạn tốt sẽ là người đối tác tốt, bạn làm ăn tốt, cùng nhau đi lên.

 

Nhưng trong đời sống, có một loại bạn có thể không xấu, là loại bạn luôn khuyến khích, rủ rê, kích thích lòng tham của mình để làm giàu thêm, làm giàu mãi. Điều này thật ra cũng chẳng phải là xấu xa, nếu việc làm giàu là chân chính và bạn biết cách phân chia tài sản thế nào trong đời cho có ý nghĩa. Điều nguy hiểm là có thể bạn sẽ dính vào vòng quay làm tiền và chạy đua vật chất, đến nỗi không còn thời giờ hay tâm trí để nghĩ đến đời sống tình cảm, tinh thầntâm linh. Và khi đã sa vào chủ nghĩa vật chấtxa xỉ bất tận, bạn lại phải dùng mọi cách, kể cả những việc bất thiện, để tiếp tục làm tiền, để duy trì danh tiếng và mức độ xa xỉ hàng ngày đó. Đó là điều mà những người đã giàu có nên tránh bỏ.

 

Vì sao? Vì đã có rất nhiều người sa vào con đường này vì lòng tham vô đáy và hậu quả dính vào tội lỗi, cuối cùng cũng dẫn đến những bất hạnh.

 

 

(4) Chi tiêu một cách cân bằng

 

Thứ nhất, mọi người nên sống và tiêu xài trong khả năng và tương xứng với tầm thu nhập của mình. Điều dạy của Đức Phật có nghĩa là tiêu xài một cách kinh tế, không quá xa xỉ nhưng cũng không quá bủn xỉn, hà tiện.

 

Ai tiêu xài (hay đầu tư) quá đáng hay “vung tay quá trán” thường gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, nợ nần, phiền não. Còn ai quá keo kiệt, hà tiện thì giữ của càng lúc càng nhiều, nhưng sống cực khổ, bất hạnh, chẳng khác gì những người khốn cùng, rồi cũng vô nghĩa.

 

“Sự chi tiêu không được quá số tiền kiếm được, mà cũng không nên chiếm quá ít so với tổng số tiền kiếm được”. Một kế hoạch chi tiêu rõ ràng sẽ hướng dẫn một người chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm một phần số tiền kiếm được một cách khôn ngoan. Đức Phật nhấn mạnh đến sự quan trọng của một kế hoạch như vậy và cho ta biết thế nào là “cân bằng chi tiêu” từ hơn 2.500 trước.

 

Như đã đề cập trong phần trước, Đức Phật khuyên chúng ta nên để ¼ tiền của dùng cho các chi tiêu gia đình & cá nhân, ¼ dùng để đầu tư làm ăn để duy trì & có thêm thu nhập, và ¼ để tiết kiệm hay bảo hiểm, phòng khi những bất trắc, tai ương hay vô thường xảy ra cho mình và người thân.

 

Đức Phật cũng không quên khuyên dặn rằng, trong ¼ đầu tiên, chúng ta nên dành một phần nhỏ để làm giúp đỡ người nghèo khó mạt kiếp và làm những việc công đức từ thiện khác. Một góc nhỏ này giúp chúng taLàm Người Tốt!”, giúp chúng ta cao đẹp hơn về tâm linhđạo đức: là một phần mục tiêu của quyển sách nhỏ này muốn nói với bạn!.

 

► Phần dành cho việc phụng dưỡng cha mẹ già yếu cũng có thể trích từ nguồn ¼ chi xài cá nhân này, mặc dù nhiều hay ít là tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. (³³ Chú Giải)

 

 

 

Lời khuyên này của Phật vẫn mãi còn hữu ích trong xã hội hiện đại hơn bất cứ lúc nào khác, khi mà những sự cám dỗ về vật chất, tiêu xài, hưởng lạc luôn đầy rẫy khắp nơi. Các hình thức quảng cáo, khuyến mãi đầy hấp dẫn đưa vào mắt, tai, vào tâm trí ta, nào nhà đẹp, xe sang, thời trang, tình dục, du ngoạn, và hàng triệu những sản phẩm hấp dẫn khác làm tăng cao cơn khát hay “dục vọng khoái lạc giác quan” của mọi người: mà “dục vọng & ham muốn” chính là nguồn gốc của mọi điều “Khổ” trên thế gian.

 

 

 


 

Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin:

 

Có hai cách để được yên lòng & hạnh phúc: Chúng ta giảm thiểu nhu cầu ước muốn hoặc gia tăng của cải vật chất của mình — Cách nào cũng được, kết quả là như nhau và mỗi người phải tự mình quyết định và chọn cách nào dễ làm hơn”.

 

Sự hài lòng làm kẻ nghèo trở nên giàu có; Sự bất toại nguyện làm người giàu trở nên nghèo nàn”.

 


 

 

Có thể nói những đề nghị về công thức chi tiêu cân bằng trên của Đức Phật cách đây hơn 2.500 năm là “chuẩn mực” về mặt kinh tế học về kinh tế cá nhânthiết thực về phòng hộ những rủi ro, tránh tiêu tán tài sản, duy trì ổn định vật chất và những hạnh phúc thế tục của con người.


Đức Phật nhận định rằng nếu không biết kế hoạch chi tiêu cân bằng, thì việc phát triển hay duy trì điều kiện vật chất là rất khó. Người biết chi xài đúng mực và không bị mắc nợ là người có được sự nhẹ nhàng, thư thái & vô ngại. Ngược lại ai vung tiền của hay nợ nần vì tiêu xài hoang phí, xa hoa; hay trút hết tiền vào những việc đầu tư liều lĩnh, không nghĩ đến nguy cơ, thì người đó giống như “Kẻ rung cây rớt hết trái, chỉ để ăn một trái chín”, theo lời so sánh của Đức Phật.

 

 

Dựa vào lời dạy của Phật về điều kiện bổ trợ này, mọi người bình thường nên tiêu xài trong khả năng của mình, nhất là trong thời đại ngày nay với chủ nghĩa tiêu dùng, khuyến mãi, quảng cáo và tài chánh điện tử. Nếu mọi người không biết tiết chế, thì rất dễ làm con nợ cho ngân hàng với những thẻ tín dụng của mình. Ngân hàng làm tiền từ đâu ra? Chính là từ tiền của các bạn vay trả cho họ đó.

 

Một ví dụ là ngày nay người thành thị hay đi đến những khu mua sắm để giải sầu hay ăn uống cái gì đó, tuy nhiên với sức mạnh quyến rũ của khuyến mãi, của quảng cáo và sự thúc giục của bạn bè…, rất nhiều người thường xuyên mua những thứ mà mình thật sự không có nhu cầu. Rốt cuộc là tiền lương tháng cũng không còn giữ nổi, lấy đâu ra mà chúng ta nghĩ đến việc tích góp, gầy dựng tài sản. Chưa kể đến việc ăn uống vô độ, bài bạc và sống kiểu phóng đãng, đụng đâu xài đó…cũng góp phần làm cho khả năng tích lũy tiền của của bạn bị mai một từng ngày, và rất khó mà tạo lập được một tài sản cho những mục đích làm ăn và phòng hộ có ý nghĩa hơn.

 

 

 

(II) Bốn yếu tố dẫn đến tiêu tán tài sảnsa sút về vật chất

 

Phóng đảng và dâm dật

Nhậu nhẹt và hút chích

Đam mê cờ bạc

Giao du với kẻ xấu

 

 

(III) Bốn yếu tố giúp làm ra tài sảntiến bộ về mặt vật chất

 

Không Phóng đảng và dâm dật

Không Nhậu nhẹt và hút chích

Không Đam mê cờ bạc

Không Giao du với kẻ xấu

 

 

Để giải thích về những yếu tố này, Đức Phật đã dùng một ví dụ về một hồ nước lớn vô cùng dễ hiểu. Hãy tưởng tượng một hồ nước lớn có bốn (4) cửa để đổ nước vô và bốn (4) cửa để xả nước ra. Bốn cửa xả nước ra là bốn yếu tố dẫn đến tiêu tán tái sản. Còn bốn cửa đổ nước vào là bốn yếu tố giúp làm ra tài sản.

 

Nếu bốn cửa vô mở ra và bốn cửa ra được đóng chặt, thì mực nước bên trong sẽ không bao giờ cạn đi, vì chỉ có đổ thêm vào chứ không có chảy ra: Chỉ có thu thêm chứ không có cửa chi ra.

 

Nếu bốn cửa ra mở ra và bốn cửa vô được đóng chặt, thì mực nước bên trong sẽ không bao giờ tăng lên được, vì chỉ có chảy ra cho đến cạn khô chứ không có đổ thêm vào: Chỉ có chi xài một chiều, chứ không có chiều thu thêm vào.

 

Cho nên, nếu một người khôn ngoan muốn giữ gìn của cảiduy trì phúc lợi vật chất thì nên tránh bỏ “Bốn yếu tố gây mất mát” đó và nỗ lực duy trì và sống theo “Bốn yếu tố giúp làm ra của cải”, như đã chỉ rõ trong mục II & III trên đây.

 

►Thật ra trong phần trước, trong “Kinh Lời Khuyên Dạy Silaga”, Đức Phật đã chỉ ra sáu (6) “cửa” làm tiêu tán tài sản mà một người phải nên tránh bỏ. Dù mỗi hoàn cảnh, mỗi người nghe Đức Phật đã giảng dạy bằng những chi tiết khác nhau, nhưng tất cả sáu “cửa” tiêu cực nên tránh đó cũng nằm trong những yếu tố làm tan gia bại sản này.

 

Ví dụ, trong sáu “cửa” làm tiêu tán tài sản thì “lười biếng” là một cửa, vì ăn xài mà không làm gì thì “của núi cũng hết”. Đồng nghĩa như vậy, trong phần này Đức Phật đã khẳng định từ đầu rằng điều kiện đầu tiên để làm & duy trì sự giàu có là phải “siêng năng & tháo vát”, phải “năng nỗ liên tụcchân chính” trong công việc, nghề nghiệp, như đã đề cập trong phần (1) trên đây. 

 


 

 

 

³³ Chú Giải:

 

Chú giải thêm vào phần “Bảo vệ tài sản một cách đúng đắn và “Chi Tiêu một cách cân bằng”:

 

Riêng về vấn đề này, nhiều cảnh phổ biến xảy ra trong những gia đình từ ngày xưa cho đến ngày hôm nay và những điều đó đã gây ra rất rất nhiều những bất ổn & bất hạnh trong đời sống kinh tế và tinh thần của những gia đình.

 

Thứ nhất, vào thời xa xưa trọng nam khinh nữ và tư tưởng gia chủ, những người chồng thường thâu tóm công việc, tài chính, tài sản, xem thường vai trò người vợ. Cho nên Đức Phật đã phê bình thực trạng này và đã khuyên dạy rằng: Những người chồng phải luôn luôn tôn trọng người vợ, thường xuyên mua những quà biếu tặng vật để tặng vợ và phải chăm lo đời sống vật chất và an sinh hậu sự cho vợ và gia đình.

 

Thứ hai, trong thời đại ngày nay, khi vấn đề phụ nữ về mặt xã hội đã tạm được bình quyền với nam giới về tất cả công việc, nghề nghiệp, tài chính, thì cũng có những xu hướng suy nghĩ “quá đà”. Chẳng hạn người nào cũng nghĩ rằng chồng hay vợ mình không được giữ tiền, vì người ấy sẽ không lo hết cho gia đình mình mà lại dùng tiền để lo giúp gia đình cha mẹ hay anh em của người ấy. Rốt cuộc là chồng thì không vui khi thấy vợ mình giữ hết tiền bạc của cải và thậm chí những công việc làm ăn của gia đình. Vợ thì cũng đấu tranh mạnh mẽ, thậm chí xung đột, để giành quyền quản lý tiền của khỏi tay chồng mình, vì sợ rằng chồng lo cho nhà chồng.

 

Điều này ít ai nói ra một cách chính thức vì sợ mất mặt với nhiều người và bạn bè, nhưng thật sự đây là vấn đề gần như lớn nhất trong những gia đình trong thời buổi hiện đại, và chúng ta có thể chắc chắn rằng phần lớn những cãi vả, những xung đột và tan vỡ gia đình đều xuất phát từ việc không thể quản lý tiền của một cách hài hòa, như vậy.

 

Thật ra, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng lời Phật dạy về cách tiêu xài và gìn giữ tài sản như đã được trình bày ở trên:

 

Thứ nhất, (1) việc giúp đỡ gia đình hay người thân bên vợ hay bên chồng có thể nên được thống nhất là dùng trong khoản tiền “1/4” đầu tiên (số tiền dành để chi xài cá nhângia đình). Có thể xem tiền phụ giúp phụng dưỡng cho cha mẹ hai bên là một “khoản công đức” mà bổn phận con người cần phải chi trả, ngoài những khoản công đứctừ thiện bên ngoài khác, nếu điều kiện cho phép. Và chúng ta, như một số gia đình cũng đã làm, nên ấn định con số tiền trong phần này. Ví dụ số tiền là khoản nào đó phải được chi tiêu hàng tháng để phụng dưỡng cha mẹ hai bên và giúp những người thân yêu “cần được giúp đỡ”.

 

Thứ hai, (2) khi có người thân của bên vợ hay chồng cần tiền giúp đỡ để làm ăn, thì vợ chồng nên thông báo cho nhau và công khai thảo luận. Số tiền giúp đỡ này có thể phải được lấy từ số tiền “2/4” tài sản (dành cho việc làm ăn, đầu tư chính để có thu nhập thường xuyên). Vì số tiền này dùng để làm ăn, để mưu sinh và ổn định cuộc sống kinh tế, nên cũng phải được cân nhắc một cách cẩn thận. Phải xem xét uy tín của người thân đang nhờ giúp, xem xét khả năng và tính khả thi của công việc mà người đó dự định đầu tư…để tránh rủi ro “tiền mất, anh em cũng mất”. Ý Phật trong phần này là vậy. Phải xem xét kỹ lưỡng trước khi để những người thân thuộc lấy hay vay mượn tiền của. Đó là một trong những cách để gìn giữ tài sản làm ra một cách khó nhọc.

 

(Ví dụ người thân mượn tiền để đàu tư vào công việc rủi ro cao như buôn chững khoáng một cách mù quáng, đi buôn lậu hay cá cược, hay làm những nghề nghiệp không đứng đắn hay đơn giản chỉ để du lịch và tiêu xài, thì chúng ta nên cân nhắc, không nên cho mượn trong những trường hợp như vậy).

 

Như vậy, hai việc trên đây theo cách Đức Phật đã chỉ dạy để vừa làm tròn bổn phận chăm sóc gia đình hai bên, vừa bảo đảm quan hệ vợ chồng tốt đẹp và vừa kiểm soát được rủi ro thất thoát tài sản vào tay người thân quyến thuộc. Những cách này có vẻ là đúng đắn nhất và hài hòa nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

v Tích Lũy Sự Giàu Có về Tâm Linh & Tinh Thần

 

 

(I) Bốn điều để bảo đảm có được An Bình & Hạnh phúc trong đời sống tương lai.

 

 

(1) Lòng tin (Lòng thành tín)

 

Trước hết hãy đọc, học và suy nghiệm những điều cơ bản về lẽ thật, sự thật về kiếp người (như sinh, già, bệnh, chết…hiển nhiên) và những chân lý về thế gian, về vũ trụ (như sự luôn thay đổi, sự vô thường, sự sinh rồi diệt, sự có rồi không…hiển nhiên), và có được hiểu biết đúng đắn về cuộc đời mình, để rồi có niềm tin chính đáng, “xác tín” vào Đức Phậtgiáo lý hữu tình hữu lý của Đức Phật. Đó là một niềm tin khách quan, vững chãi, không mù quáng, dựa vào sự hiểu biết, bằng trí tuệ và bằng chứng nghiệm sự thực hàng ngày và bằng khoa học.

 

 

(b) Đức hạnh (Giới hạnh)

 

Đó là những sự kiêng cữ, tránh bỏ, không làm những việc như là:

 

Không sát sanh,

Không ăn cắp,

Không tà dâm

Không nói dối, và

Không uống rượu bia và không dùng những chất độc hại…làm mất kiểm soát bản thân.

 

Bạn đã biết rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả hay phúc lành của việc sống kiêng giữ theo giới hạnh đạo đức này. Sống ý thức theo Năm Giới sẽ làm cho một người trở nên tốt đẹp, cao thượng, có ích và vô hại cho mọi người và cho bản thân mình.

 

Ngược lại, sống phóng dật, vô đạo đức, không quan tâm đến năm giới hạnh làm cho một người trở thành xấu, ác, thấp hènvô ích, nguy hại cho mọi ngườibản thân mình.

 

 

(c) Rộng Lòng (Bố thí)

 

Đó là sự vô tham, không còn tham lam, không ích kỷ, trở nên từ thiện, giúp đỡ người khác. Đó là niềm hạnh phúc, niềm hoan hỷ khi cho đi, ban phát, cho, tặng, hiến, cứu, giúp, chăm nom… những người bất hạnh, khó khăn. “Cho đi là nhận rồi!”. Cho là cách nhận lại nhanh nhất và nhiều nhất!.

 

Cao thượng hơn nữa là việc bố thí, cúng dường cho những người kính đạo ví dụ như những Tăng Ni là bậc chân tu, những tu sĩ trong sứ mạng Phật sự thiêng liêng đi đến những vùng khổ cực để giảng dạy giáo lý, để tạo lập chùa chiềng…hay là những Phật tử cư sĩ thiếu phương tiện tu tập, những người đang hướng đến Phật pháp…Nếu bạn chọn việc làm công đức một cách đúng đắn trong tâm nguyện là cách tu tập để “Làm Người Tốt!” và để có một đời phúc lành trong tương lai, thì những người kính đạo này chính là “Ruộng phước lớn nhất”, là Phước điền vô thượng ở trên đời mà bạn có thể gieo trồng công đức. Xin chắc chắn với các bạn điều này.

 

 

 

(d) Trí Tuệ (Sự hiểu biết)

 

Đó là sự nhận biết, sự hiểu biết về bản chất vô thường của mọi sự vật, rằng tất cả mọi sự vật trên thế gian luôn luôn thay đổi, không vững chắc, không cố định bao giờ. Mọi thứ đều sinh rồi diệt. Cũng như chúng ta vậy, sinh rồi già, chết. Tâm chúng ta cũng vậy, ý vô thườngsinh diệt liên tục trong từng khoảng khắc.

 

Chính những sự hiểu biết về những chân lý, về Phật pháp giúp cho chúng ta sống vững chãi, không lo sợ, không nao núng, cũng không chủ quan và không cực đoan. Trí tuệ là nền tảng cho chúng ta sống trong đức hạnh, làm việc công đứccố gắng tu tập cho thân tâm trong sạch, là con đường duy nhất mang lại những niềm an lạc và những phúc lành cho những tương lai gần và xa của chúng ta.

 

 

² Tóm Tắt: về phần “Tài sản tinh thần & tiến bộ về tâm linh”:

 

Dù cho một người đã thành công trong việc “đóng các cửa ra” có thể làm tiêu phí sản nghiệp, và chỉ “mở các cửa vào” để làm tăng thêm sự giàu cóphúc lợi vật chất, người ấy cũng không nên lơ đãng việc làm tăng thêm tài sản tinh thần của mình. Nếu không có sự lớn lên & trưởng thành về tâm linh, thì lòng tham & những dục vọng bất tận sẽ chỉ đưa đến bất hạnh & đau Khổ sau cùng mà thôi.

 

Một người sống thành đạt là một người biết kiềm chế tham vọng làm giàu nữa, làm giàu mãi chỉ vì một mục đích và mưu cầu về vật chất không thôi. Người thành đạt là người có trí, thì sẽ luôn tìm những cách thức lành thiện để chi tiêu, chia sẻ một phần sự giàu có vào những công việc từ thiện để cứu giúp những người cùng cực, nghèo khó, những người không có đặc quyền, thấp cổ bé họng, những trẻ em đói nghèo, bệnh tật, những người già vô phước neo đơn, những người đang tuyệt vọng sau cơn hoạn nạn, thiên tai; hoặc giúp một tay vào việc ấn tống, truyền bá Phật pháp để mọi người hiểu được những lẽ thật của cuộc đời mà sống tốt đẹp hơn. Đó là cách một người thật sự thành đạt trả ơn, tỏ lòng biết ơn đối với cuộc đờixã hội, vì thật sự là cuộc đờixã hội đã giúp cho người ấy với những duyên lành để lớn lên và thành đạt.

 

Người mà không thành đạt chút gì về mặt đời sống vật chất cũng như tinh thần thì cũng giống như người với hai con mắt bị mù. Giống một cách nói của người xưa là người đã không có tài mà còn không có đức. Người chỉ lo làm giàu, lao theo mục tiêu vật chất và nhục dục cho hết một đời, thì cũng giống như người chỉ có một con mắt. Còn người phấn đấu làm giàu và tiến bộ cả hai mặt vật chấttâm linh thì giống như người có đủ hai con mắt sáng vậy. Chúng ta đều đang có đôi mắt sáng ngời đây, vậy hãy bắt đầu phấn đấu liên tiếp để trở thành những người thành đạt thật sự, thành những “Người Tốt!” cho mọi người và chính bản thân mình.

 

 

 

² TÓM TẮT:

 

Tóm tắt chung cho Chương II: “Sự Làm Giàu và Duy Trì Phúc Lợi về Vật chất và Tâm linh”:

 

Theo lời Đức Phật đã lặp lại trong bài thuyết giảng:

 

Siêng năng (i) và luôn cẩn thận & đúng đắn trong công việc (ii)

Gầy dựng tài sản một cách đúng đắn (iii)

Sống cân bằng, tiêu xài có kế hoạch (iv)

Bảo vệ tài sản làm ra một cách đúng đắn (v)

 

niềm tin chính đáng & đức hạnh (vi)

Rộng lòng bố thí, bớt tham lam (vii)

Luôn hướng thiện cho phúc lành tương lai (viii)

 

Đối với người đã có niềm tin vào Phật pháp

Đức Phật đã dạy tám (8) phẩm chất trên đây

Để mang lại phúc lành cho đời này và đời sau

Nếu làm theo, lòng đại lượngcông đức cũng tăng lên.

 

 


 

Cách Ngôn:

 

Người có trí dùng tài sản vật chất làm phương tiện nâng cao tài sản tâm linh.

 

Chúng ta chỉ có thể mang theo tài sản tâm linh, tức Nghiệp, đến tương lai và những kiếp sau.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

▲ Sách & Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. Kinh “Dighajanu Sutta” – dịch giả Piya Tan.
  2. Kinh “Dighajanu Sutta” – dịch giả Ngài Tỳ kheo Thanissaro Bikkhu.
  3. “Factors Leading to Welfare” (Những yếu tố dẫn đến phúc lợi) – tác giả Tormod Kinnes.
  4. “The Longshanks Sutta” (Kinh Ông Chân Cọp) – tác giả Richard Blumberg.
  5. “The Wholesome Property” (Tài Sản Lành Mạnh) – tác giả Thiền sư Aggamahapandita Bhaddanta U Pannya Vamsa, Miến Điện.
  6. Kinh “Vyagghapajja Sutta” – dịch giả Hòa Thượng Narada Thera.

 

 

 

 

³ Lưu ý về tên các Kinh thuyết giảng:

 

Như đã nói ở đầu chương này là phần Đức Phật giảng dạy về những cách thức để có được đời sống vật chất & tinh thần giàu có bền vững, là dựa vào lời Phật dạy cho người tên là “Dighajanu” được ghi lại trong Kinh “Vyagghapajja Sutta”. Vì vậy kinh “Vyagghapajja Sutta” và kinh “Dighajanu Sutta” chỉ là một kinh, tùy theo cách đặt tên sau này của người truyền tụng hoặc dịch giả Phật học. Tên “Dighajanu” có nghĩa là “chân dài”, tên người ta thường gọi ông ta. Còn “Vyagghapajja” có nghĩa là “chân dài của con cọp”. Nên kinh này hay được gọi là kinh “Chân dài của Cọp” hay kinh “Ông Chân Cọp” là vậy.

 

▬ Khi bạn nói về những lời dạy của Phật về những cách để thành đạt, duy trì và tăng thêm phúc lợi vật chất & tinh thần cho người tại gia, bạn có thể khó nhớ đến tên “Kinh Vyagghapajja” hay “Kinh Dighajanu” vì khó đọc, vậy bạn chỉ cần nhắc đến “Kinh Ông Chân Cọp” hay thậm chí “Kinh Ông Cọp” là bạn & mọi người có thể nhớ lại ngay. Bản dịch qua tiếng Anh ở Mỹ, các học giả đương đại cũng dịch là “Tiger Sutta” hay “Kinh Ông Cọp” để dễ nhớ và nhắc nhở cho nhau.

 

Kinh này nhờ tính chất “rất thực tiễn” từ ngàn xưa cho đến tận hôm nay, nên rất được người Âu Mỹ tâm đắc áp dụng, mặc dù các sư thầy xưa nay ở các nước Phật giáo Đông Á ít khi nào chăm chú đến việc giảng dạy những bài kinh thiết thực về sự nghiệp, kinh tế & hạnh phúc gia đình kiểu này cho các Phật tử. Ở Việt Nam cũng vậy.

 

▬ Còn khi bạn muốn nhắc lại những lời dạy của Phật về tất cả những nghĩa vụ & bổn phận của một người cần phải thực hiện để bảo vệ & duy trì tốt đẹp những mối quan hệ tình cảm gia đình & xã hội (cha mẹ, vợ chồng, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp, Tăng Ni, đạo hữu…), thì bạn nhớ đến “Kinh Lời Khuyên Dạy Sigala”, hoặc đơn giản là “Kinh Sigala”.

 

Nhiều người biết kinh này qua bản dịch ra tiếng Hán-Việt thì hay gọi tên phiên âm là “Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt”, nhưng bạn chỉ cần nhớ “Kinh Thi-ca-la-việt” cho dễ dàng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương III

 

LÀM THẾ NÀO

ĐỂ TRÁNH SỰ SUY ĐỒI, SA SÚT?

 

 

Bạn đã được nghe lời Phật dạy về những cách tích lũy, làm giàu tài sản vật chất & tài sản tâm linh và những cách để bảo vệ những tài sản đó, để có được cuộc sống ấm nođời sống tinh thần an lạc và phúc lành.

 

Bây giờ bạn sẽ có được duyên lành lắng nghe thêm những lời Phật dạy về những cách để phòng tránh những sự sa sút, sự xuống dốc về mặt vật chất, đạo đức & tâm limnh của một người. 

 

Những lời khuyên dạy này được chép lại trong Kinh “Parabhava Sutta ”, hay được dịch là KinhNguyên Nhân Suy Đồi”, diễn tả những khả năng dẫn đến những sự sa sút, đi xuống, tha hóa, lụn bại của một con người, ngược lại với ý nghĩa tích lũy & tiến bộ về mặt vật chất & tinh thần đã bàn trong các chương trước.

 


 

 

u Sự Sa Sút về Vật Chất

 

Những người thường dễ bị sa sút về mặt vật chất, không làm ra được gì hay làm tiêu tán tài sản sự nghiệp là những loại người với những nguyên nhân sau đây:

 

  1. Người hay thích ngủ nhiều và hay la cà, đàn đúm. Người lơ là, lười biếng, hay phẫn nộthô lỗ.
  2. Người phóng đãng, kẻ ăn nhậu, kẻ cờ bạc, luôn phung phí từng đồng tiền làm ra.
  3. Người đã hết xuân xanh, nhưng mê lấy gái (trai) trẻ, ngày đêm ghen hờn. Bỏ bê công ăn việc làm.
  4. Người đi giao công việc, sự nghiệp cho kẻ nát rượu và phung phí tiền của.
  5. Người sinh ra trong gia đình đàng hoàng nhưng hư đốn, quá hám danh, tham tài.

 


 

 

v Sự Suy Đồi về Đạo Đức

 

Những người sa sút về mặt đạo đức, không làm gì tốt đẹp là những loại người với những nguyên nhân sau đây:

 

  1. Người ăn nên làm ra, nhưng không đỡ đần, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.
  2. Người giàu có, dư thừa, nhưng không hề san sẻ, hay giúp đỡ người nghèo khó.
  3. Người vinh danh về dòng tộc, về của cảiđịa vị, nhưng khinh khi, rẻ rúng bà con họ hàng.
  4. Người bất mãn, chán chê vợ (chồng), ra đường trai gái, tà dâm.

 


 

 

w Sự Sa Sút Về Tâm Linh

 

  1. Người tôn trọng giáo pháp (Dhamma) (hay bất kỳ tôn giáo tốt đẹp nào) đều nên người, được tiến bộ tâm linh, trong khi những người chống đối giáo pháp hay tôn giáo thường sa sút về tâm linh.
  2. Người ủng hộ kẻ xấu và tránh né người hiền đức. Người thích những việc gian ác hơn những việc thiện lành.
  3. Kẻ lừa gạt sư thầy, gian trá với người đức hạnh.

 

Nếu những ai rơi vào một trong mười hai (12) nguyên nhân này, thì cũng như bị cánh cửa tiêu cực đó đóng lại, không còn đường tiến vào con đường nào tiến bộ thêm về mặt vật chất cũng như đạo đức và tâm linh. Và bạn chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục bất hạnhđau khổ.

 

Mọi lý do dẫn đến sa sút trên đây cũng là công thức dẫn đến sự lụn bại về vật chất.

 

Một người giàu có nhưng bất hiếu, không ngó ngàng đến cha mẹ già yếu thì chắc chắn đã là kẻ suy đồi & phá sản nhất về mặt đạo đức.

 

Người luôn xa lánh, tránh xa những giáo lý, những tôn giáo tinh thần của con người, là người không bao giờ có được sự bình an và phúc lành đúng nghĩa trong đời, cũng không có niềm an ủi hay sự vô ngại nào khi càng gần đất xa trời.

 

Còn những ai luôn thấy được những hiểm họa, nguy hiểm của những nguyên nhân này, thường sống một cuộc đời đúng đắn, đức hạnh để phòng tránh những khả năng làm suy đồi cuộc đời mình và luôn phấn đấu sống hướng thượng về mặt đạo đứctâm linh, tìm thấy những niềm vô ngại, an bình & hạnh phúc bền lâu.

 


 

 

 

 

 

 

▲ Sách & Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. “Causes of Downfall Abound” (Những nguyên nhân Suy Đồi) – tác giả Tormod Kinnes.
  2. Kinh “Parabhava Sutta” – người dịch Hòa Thượng Narada Thera.
  3. Kinh “Parabhava Sutta” – người dịch Ngài trưởng lão Piyadassi Thera.
  4. “The Wholesome Property” (Tài Sản Lành Mạnh) – tác giả Ngài Aggamahapandita Bhaddanta U Pannya Vamsa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương IV

 

ĐỂ CÓ MỘT ĐỜI SỐNG

PHÚC LÀNH!

 

 

 

Đây là bài thuyết giảng Đức Phật về những phúc lành, được gọi tên là “Kinh Điềm Lành” (Mangala Sutta)[2] là cơ sở để chúng ta đọc và nhiêm nghiệm trong phần này của quyển sách. Đây là một trong những bài thuyết giảng nổi tiếng và được đọc nhớ nhiều nhất trong giới Phật tử, đặc biệt là ở khắp các nước có nền Phật giáo Nguyên thủy.

 

Bởi vì sao?. Bởi vì trong bài giảng dạy này, Đức Phật đã trả lời và nêu ra tất cả những điều hạnh phúc bình thường cho đến những hạnh phúc cao thượng nhất, cũng như những cách thức mà một người có thể thực hành để đem lại những niềm hạnh phúc và sự bình an lâu bền, đáng quý nhất.

 

Trong bài giảng đáng nhớ này, bạn sẽ tìm thấy từ trong lời Phật dạy là: “Chính những cách làm, cách sống thiết thực & đúng đắn mới là những cách mang lại những “điềm lành”, những phúc lành cho đời sống của chúng ta”, chứ hạnh phúc của chúng ta không dựa vào những việc thờ cúng, may rủi, định mệnh an bài hay sự giúp đỡ của những thánh thần hay thiên thần, bởi vì ngay cả những thiên thần cũng còn đi tìm phương cách để có được hạnh phúc cho mình. 

 

Chuyện kể lại trong kinh rằng có một trong những thiên thần hào quang sáng rực đã đến gặp Đức Phật để thỉnh cầu Người chỉ dạy cho những “điềm lành”, những điều mang lại hạnh phúc và phúc lành. Đức Phật không trả lời theo kiểu một nhà tiên đoán về những ‘điềm xấu’ ‘điềm lành’, nhưng Người đã chỉ ra tất cả những cách tạo ra những hạnh phúc theo thứ tự từ thấp lên cao.

 

Theo Đức Phật, chúng ta hoàn toàn có thể phấn đấu tạo ra hạnh phúc và những phước lành cho bản thân mình, chứ không nên trông đợi, suy đoán từ những ‘điềm lành gỡ’, những ‘dấu hiệu mê tín’. Chúng ta hoàn toàn có thể học và chọn cho mình một lối sống đúng đắn để tiến bộ và tự quyết định ‘số phận’ của mình.

 

 

► Điều đáng buồn là cho đến tận ngày nay cũng còn “quá nhiều” người vẫn còn tin vào những hên xui, may rủi, khổ sướng, phước họa từ những thế lực gia hộ, Trời, thần, những ‘vì sao’, những ‘điềm’ mà chỉ có các thầy bói mới có thể chỉ ra.

 

Thậm chí, còn “quá nhiều” người hàng ngày vẫn mang tiền bạc, vật cúng dường đến nhiều chùa để dâng cho các sư thầy, nhờ các sư thầy ‘từ bi’ mà cúng giải hạn, cúng sao, cúng cầu an, cầu con thi đậu, cầu cho việc buôn bán suông sẻ, cầu cho chồng con thăng tiến hay giữ được địa vị, cầu cho gia đình luôn ấm no, hạnh phúc…

 

Và nhiều lúc không hiểu vì sao có những vị sư thầy đó cũng nhận tiền, quà cúng và tiến hành những nghi lễ cúng bái như vậy.

 

Nói chung, tất cả những việc hay nghề: Coi bói, coi tướng số, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu để dựng vợ gả chồng, để làm nhà, để xây mồ mả, cúng bái một cách màu mè & tụng niệm một cách khó hiểu; cúng cầu siêu, cúng cầu an, cúng làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, cúng mở cửa mả…, cho đến các nghề: dán xe hơi, quần áo, mũ nón, giấy vàng bạc, tiền giấy…đều là những nghề mang tính chất mê tín. Không dính dángđạo Phật chân chính.

 

một lần, một vị tăng trẻ ở một ngôi chùa ở Khánh Hòa được hỏi là tại sao hầu hết các sư thầy ở các chùa vẫn làm như vậy, thì thầy ấy trả lời rằng: “Thế gian mà. Mọi người chỉ hiểu biết đến mức đó, nên quý thầy cũng nên làm theo yêu cầu của họ, vì lòng từ bi và sự an tâm cho họ!”.

 

Không hiểu sao các thầy ấy không thấy được việc giải thích cho các Phật Tử là ít tốn thời gianđúng đắn hơn: rằng những việc cúng mê tín như vậy như vậy là không thiết thực và không thể mang lại niềm hạnh phúc đích thực nào cả. Đạo Phật không chủ trương như vậy.

 

 

► Xem thêm bài giảng Chúng ta đi chùa là để cầu xin hay tu theo Phật, Mê tín hay chánh tín của Hòa Thượng Thích Thanh Từ in trong quyển “Bắt Đầu Học Phật”.

 

 

Trở lại phần giảng dạy này của Đức Phật, Đức Phật đã chỉ ra “38 Điều Hạnh Phúc (Phúc Lành) trong 4 nhóm Hạnh Phúc”chúng ta có thể tạo ra được trong cuộc đời của chúng ta.

 

Mỗi người đều có thể có được những niềm hạnh phúc hay những phúc lành “cao nhất” trong một giai đoạn trong đời và có được những phúc lành “cao nhất” và có thể tiến bộ hơn ở những giai đoạn khác trong đời mình.

 

Bạn có bao giờ tự hỏi, sau những niềm hạnh phúc của tuổi thơ đầy ngây thơ, tinh khiết (nếu không bị đau khổ, nếu không phải chịu hoàn cảnh khốn khổ đáng thương như trẻ thơ ở những nước nghèo nàn), thì hiện nay bạn có đang có được những niềm hạnh phúc nào không trong cuộc sống hiện tại? Bạn đang có những phúc lành “cao đẹp nhất” nào trong quãng đời này? Hay chỉ toàn những trạng thái chạy nhảy của tâm, những phiền não, bất hạnh và đầy những lo toan của cuộc sống?. Phải chăng rất nhiều trong chúng ta thường né tránh câu hỏi này.

 

Tôi cũng không dám trả lời cho bạn liệu tôi có được niềm hạnh phúc “cao nhất” nào không, nhưng tôi có thể nói được cho bạn rằng niềm bất hạnhbất an tâm là như thế nào khi chúng ta không làm gì để có được những phúc lành, hay ngay khi chúng ta không hề có được một niềm hạnh phúc đích thực nào trong hiện tại.

 

Tình trạng hay “tâm” trạng phúc lành, hay 38 niềm hạnh phúcĐức Phật đã khuyên dạy có thể được chia thành những nhóm “Hạnh Phúc” như sau:

 

  1. 1. Hạnh phúc Căn bản
  2. 2. Hạnh phúc Bổ trợ
  3. 3. Hạnh phúc Cá nhân
  4. 4. Hạnh phúc Tối thượng (cao nhất).

 

Mỗi nhóm loại “hạnh phúc” thể hiện cho những chu kỳ hay những bước tiến về mặt tinh thầntâm linh của mỗi cá nhân con người, và đó là những phẩm chất cần thiết cho những tiến bộ kế tiếp, cao và xa hơn nữa.

 

Vì vậy, giáo lý này của Đức Phật là rất chi tiết cho sự thực hành và phát triển tâm linh của mỗi cá nhân. Mỗi nhóm cấp “hạnh phúc” đặt nền tảng cho nhóm cấp “hạnh phúc’ tiếp theo, từ những niềm hạnh phúc đơn sơ nhất đi lên…cho đến niềm hạnh phúc “viên mãn” cao tột nhất là Niết-bàn (Nibbana). Đó cũng là mục tiêu cứu cánh, mục tiêu giải thoát sau cùng của đạo Phật.

 

Vậy để có được những niềm hạnh phúc từ đơn sơ về thế tục cho đến những hạnh phúc cao đẹp nhất về tâm linh thì chúng ta phải thực hành, tiến triển theo những bước ra sao? Hãy lắng nghe những lời dạy của Phật từ hơn 2550 năm trước.

 

 


 

 

u Những Hạnh Phúc Căn Bản

 

  1. 1. Không giao lưu kẻ xấu
  2. 2. Gần gũi người trí hiền
  3. 3. Kính trọng người đáng trọng
  4. 4. Sống ở nơi thích hợp
  5. 5. Đã tạo nhiều nghiệp tốt
  6. 6. Chọn theo đường chánh Đạo

 

- Là Phúc Lành Cao nhất.

 

 

Đây là những mục tiêu chính căn bản nhất của “Kinh Điềm Lành” và bắt đầu là những phẩm chất căn bản mà một “Người Tốt!”, một người đức hạnh cần phải có. Nhóm điều kiện phúc lành “sơ cấp” này phải được xác lập để mang lại những tiến bộ không thể thiếu được trong đời sống vật chấttinh thần của một người. 

 

 

1. Không giao lưu kẻ xấu

Kẻ xấu là những người không hề phân biệt tốt xấu, và là nguyên nhân gây nguy hại cho những người khác. Người xấu ác thường không có được đạo đức căn bản, không hề quan tâm đến những hậu quả của những hành động xấu mà họ gây ra cho mọi người và cho chính bản thân mình. Những loại người mà người xưa hay gọi là những kẻ vô lại, người vô giáo dục chính là những người không có căn bản đạo đức như vậy.

 

Vì vậy, chúng ta nên tránh xa loại người xấu!, vì nếu giao lưu, quan hệ với họ thì ta (i) luôn gặp rắc rối, (ii) không thể tốt đẹp hơn và (iii) có xu hướng hành động giống họ. “Gần mực thì đen”, là vậy!. Thật vậy, gần người xấu lâu ngày, một người sẽ không những càng giống họ mà cũng không còn ý muốn hay động cơ làm những điều tốt.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên “tiếp xúc” với người xấu, nếu chúng ta đủ tình thương và lòng cao thượng để khuyên giúp họ sửa đổi. Ví dụ dễ nhất là khi những người xấu ác là những anh em, người thân, bạn bè của mình, thì mình nên có bổn phận cố gắng gần gũi họ, khuyên răn phải trái cho họ, để họ hiểu ra và cố gắng trở thành những người tốt.

 

Ý Phật ở đây là nên hiểu là: “Không giao lưu kẻ xấu, và nếu phải tiếp xúc với họ thì không nên để bị ảnh hưởng bởi họ”. Bản thân Đức Phật lịch sử cũng đã đi gặp những người xấu ác để khuyên ngăn họ dừng những cuộc chiến tranh; hay một chuyện khác là Đức Phật cũng đã đi gặp kẻ giết người hàng loạt Agulimala và kẻ giết người lúc đó đang chuẩn bị giết Phật để sưu tập đủ bộ một ngàn ngón tay của một ngàn nạn nhân. Và sau khi Đức Phật giảng giải và khuyên dạy, kẻ giết người này đã quăng đao và quy y theo Phật. Sau này ông ta đã đắc đạotrở thành một bậc A-la-hán. Ngày nay, bảo tháp tưởng nhớ ông vẫn còn được nhìn thấy và được thăm viếng một cách đầy cảm độngẤn Độ.

 

Chính Đức Phật đã phân loại “Bạn xấu” & “Bạn tốt” (trong “Kinh Sigala”) để cho chúng ta nhận dạng. Ý Phật ở đây, điều kiện đầu tiên “sơ cấp” này được đặt lên đầu tiên trong danh sách rõ ràng rằng điều này là quan trọng đầu tiên, nếu không tránh được kẻ xấu, nếu còn giao du còn quan hệ hay làm ăn với kẻ xấu ác, thì không thể nào có những bước tốt nào tiếp theo, theo sự hướng dẫn của Đức Phật. Điều này là lẽ phải tất nhiên, dễ nhìn thấy.

 

 

2. Gần gũi người trí hiền

Thường những người biết phân biệt & tránh xa kẻ xấu thì có xu hướng gặp gỡ, quan hệ với người trí hiền & bạn tốt.

 

Người trí hiền là những người hiểu biết, phân biệt phải trái, không làm những việc gì xấu ác hay gây nguy hại cho người khác. Người trí hiền ý thức được những hành động của họ sẽ gây nghiệp quả trong kiếp sống này và cả kiếp sau.

 

Người tốt luôn khuyên ngăn những việc làm xấu ác và luôn vui mừng, khuyên làm những việc tốt thiện.

 

Theo Đức Phật thì chúng ta cần phải luôn luôn có và giữ những mối quan hệ với người hiền trí như quan hệ là tình bạn bè thâm giao, đó là điều quan trọng tuyệt đối trong đời, vì nếu những người bạn là những người tốt, những người trí hiền, thì sẽ giúp ích rất nhiều trong hướng đi và sự nghiệp của cả một đời mình.

 

 

3. Kính trọng người đáng trọng

Những người như cha mẹ, ông bà, những bậc lớn tuổi và thầy cô là những người đáng kính trọng của mọi người. Chúng ta phải luôn luôn kính trọng bằng tình cảm và những chăm sóc về vật chất cũng như tinh thần.

 

Cũng theo kinh điển Phật giáo, khi một người luôn kính trọng những người đáng kính, thì những người đáng kính luôn ban tặng lại những lời khuyên, những kinh nghiệm quý giá trong đời để mình tránh xa những rủi ro hay cạm bẫy mà những bậc tiền bối đã kinh qua.

 

 

 

4. Sống ở nơi thích hợp

Nơi ở “thích hợp” là mang cả nghĩa về vật chất cũng như tinh thần. Một nơi có điều kiện vật chất thích hợp là một nơi bình yên, cuộc sống và tiện nghi được bảo đảm ở mức độ hợp lý, đủ để sống bình thường. Còn về mặt tinh thần là một nơi thuận tiện, gần gũi, tiếp xúc được với giáo pháp của Đức Phật.

 

Bạn nên chọn một nơi ở thích hợp như vậy về tiện nghi cũng như về mục đích tâm linh, sẽ giúp bạn tiến bộ thêm nhiều, đây cũng là yếu tố quan trọng để mang lại “hạnh phúc cao nhất”.

 

Sống ở những nơi không an toàn, thiếu hẳn những phương tiện sống cơ bản hay những nơi bon chen, ồn ào, gần chỗ đình đám, nhậu nhẹt, phức tạp thì cũng khó mà mang lại cho thân tâm những cảm thọ hạnh phúc. Từ đó cũng khó mà thực hành, tu tập tiến bộ cho những hạnh phúc tâm linh cao đẹp hơn.

 

 

 

5. Đã tạo nhiều nghiệp tốt

Theo Phật giáoquy luật nghiệp quả, chúng ta tiếp tục gặt hái những nghiệp quảchúng ta đã tạo ra trong những kiếp trước và trong quá khứ của kiếp này, ngay cả ngày hôm qua.

 

Ví dụ, nếu chúng ta đã từ bi giúp đỡ nhiều người trong quá khứ, thì chúng ta thường có thể được người giúp đỡ lại những khi ta cần giúp đỡ. Tương tự như vậy, nếu hiện tại chúng ta đang giúp đỡ người khác, thì sau này nếu có điều kiện, họ sẽ giúp đỡ lại chúng ta và con cái chúng ta cũng có thể nhận được những phúc đáp của tình người như vậy.

 

Những việc làm tốt hay thiện nghiệp trong quá khứhiện tại là hai nguồn mang lại phúc lành cho đời sống của chúng ta.

 

 

 

6. Chọn theo đường chánh Đạo

Nhiều người mưu cầu hạnh phúc mà không hề biết rằng mình đang đi trên con đường xấu, không chính đạo. Ví dụ, những người làm nghề giết mổ động vật hay những người đang làm doanh nghiệp mua bán thịt động vật, giết hại trâu bò, heo dê, gà vịt…với quy mô to lớn (không phải “chánh mạng”) mà đi van vái Trời Phật, mưu cầu có được phúc lành thì nghe hơi mâu thuẫn.

 

Một sự thật là số phần trăm những người có hiểu biết hay đã chọn con đường chánh đạo thì chẳng là bao nhiêu so với những người không hề quan tâm về một con đường hay chánh đạo!. Thậm chí khi bạn nói về ý nghĩa chánh đạo, về sự tàn nhẫn của việc giết chóc động vật, thì rất nhiều người lại cười bạn và thậm chí còn cho bạn là đạo đức giả nữa. Nghe cũng thật là ngược ngạo và xót xa.

 

Ví dụ tôi có một người bạn trước kia cũng học chung ngành ngân hàng với tôi, anh ấy hiện là một chuyên viên ngân hàng. Cách đây vài năm có gặp lại trong tiệm café, sau khi nghe tôi nói bây giờ nhiều người thấy nên tìm hiểu thêm & thực hành đạo Phật như sự cần thiết trong đời sống vốn nhiều thay đổi như hôm nay. Bạn tôi liền nói rằng: “Sao nhiều người còn trẻ mà sợ chết phải lo đi tìm đạo” (?). Đa số mọi người kể cả những người trí thức hiện nay vẫn còn cho rằng những ai theo đạo Phật hay bàn bạc về Phật pháp là những người sợ chết. Đa số họ thậm chí cũng chưa bao giờ đọc một quyển sách về đạo Phật nhưng nếu ai hỏi nhà họ theo đạo gì thì họ thường hay nói theo đạo Phật hết (lý do là có thờ cúng ông bà tổ tiên!), để nghe cho có vẻ ‘hiền hiền’ vậy thôi, chứ thực sự họ không quan tâm hay hiểu biết gì về đạo Phậtlối sống như thế nào!.

 

Đối với đa số người đang sống trong xã hội, khái niệm một con đường “chánh đạo” là một khái niệm xa vời. Họ thậm chí không bao giờ dành vài phút để thử đọc về điều đó. Cứ như thể người đời còn đang quá vướng bận với những ‘con đường’ đại sự khác vậy.

 

Con đường tâm linh sai lạc của một người là do thiếu căn bản đạo đức tâm linh, do lòng tham và sự ngu dốt, vô minh mà ra. Ngược lại, con đường tâm linh hợp tình, hợp lý hay chánh đạo là nhờ có đạo đức tâm linh, lòng vị tha, rộng lượngtrí tuệ mà có.

 

Cho nên, theo Phật giáo, “nếu không chọn được cho mình một con đường chân chánh về tâm linh, bạn khó tạo ra được những phúc lành và bình an”. Đơn giản là bạn không có con đường nào để bước đi. Đạo là con đường.

 

 

 

 

v Những Hạnh Phúc Bổ Trợ

 

  1. 7. Có kỹ năng, nghề nghiệp
  2. 8. Tháo vát, giỏi việc làm
  3. 9. Tuân thủ tốt nghi luật
  4. 10. Nói lời thật ôn hòa
  5. 11. Luôn phụng dưỡng mẹ cha
  6. 12. Yêu thương vợ con nhiều
  7. 13. Làm những nghề chánh thiện

 

 - Là Phúc Lành Cao Nhất.

 

 

Nhóm điều kiện này mang lại “hạnh phúc” liên quan đến những phẩm chất “chuẩn bị cho người trưởng thành hay cuộc sống gia đình”, vừa cân bằng về vật chất, vừa lành mạnh tinh thần. Những phẩm chất “hạnh phúc bổ trợ” này, hay đúng hơn là “một đời sống gia đình căn bản” sẽ là những niềm “hạnh phúc bổ trợ” cao nhất cho những phúc lành cao đẹp hơn sau đó.

 

Như đã nói, những nhóm hạnh phúc đi trước sẽ là nền tảng cho những tiến bộ tâm linh & phúc lành tiếp theo. Không có những nhóm “hạnh phúc” trước, thì cũng không thể phát triển những nhóm “hạnh phúc” cao sâu hơn nữa. Vì vậy cho nên kinh này đã được Đức Phật thuyết giảng một cách chặt chẽ từ thấp lên cao, mặc dù cũng rất đơn giản và dễ nhớ để dễ tu tập.

 

 

7. Có kỹ năng, nghề nghiệp

Thứ nhất, kỹ năng tức là trình độ học tập, trình độ giáo dục. Từ nhỏ lớn lên bạn đã học rất nhiều từ trong nhà trường, trường dạy nghề, trường chuyên ngành, trường đại học…những kỹ năng, ngành nghề. Kỹ năng là chỉ về chuyên môn và trình độ của bạn, khi ra đời bạn sẽ làm được gì. Điều này Đức Phật đã xem là điều quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như yêu cầu của xã hội.

 

Vì vậy, xã hội nào cũng đều quan tâm đến nền giáo dục là quan trọng nhất. Gia đình nào cũng đều quan tâm việc ăn học của con cái là quan trọng nhất, thậm chí đời sống gia đình quá khó khăn, nhưng đa số chúng ta đều hy sinh để dành điều kiện cho con cái ăn học là vậy. Cũng như lời dạy của Phật, gia đình nào cũng mong ước con cái học hành tốt để sau này có được nghề nghiệp, kỹ năng giỏi để dễ dàng ra đời và có cuộc sống tốt đẹp. Điều kiện này thật là cần thiết.

 

Cho nên, sự hưng thịnh và chất lượng xã hội của một đất nước cũng dựa vào thước đo giáo dục. Ở những nước tiên tiến như Singapore gần bên Việt Nam, đa số mọi người đều có trình độ đại học và kỹ năng nghề nghiệp giỏi.

 

 

 

8. Tháo vát, giỏi việc làm

Thứ hai, giỏi việc làm có nghĩa là “ngoài trình độ chuyên môn & bằng cấp bạn cũng có khả năng làm việc giỏi”. Bạn không nên lầm tưởng ai có cùng trình độ chuyên môn hay trình độ giáo dục cũng ra làm việc tốt như nhau. Có người ra làm công việc, đi vào nghề nghiệp rất tốt, có người học lý thuyết rất giỏi, nhưng khi vào công việc lại không giỏi giang, không tháo vát. Có người chỉ thông minh trên lý thuyết, nhưng khi ra làm ăn thì không biết khôn khéo, không biết tính toán, kế hoạch, không biết tháo vát. Và kết quả là họ giống như một “nhân viên giấy” hay những ông nghè “giấy”.

 

Về hai điều kiện 7. & 8., thật ra Đức Phật giảng chung trong một câu kinh. Có lẽ Đức Phật đã “không không thừa không thiếu” khi nói về vấn đề kỹ năng trình độ và khả năng tháo vát làm việc của một người cần phải có song song, như “hai điều kiện cần & đủ” thì mới thành công trong sự nghiệp.

 

Trong rất nhiều kinh điển khác, Đức Phật rất coi trọng phúc lợi kinh tế như là một “căn bản” vững chắc cho con người tiến đến những tiến bộ về tâm linh. Nếu một người không học hành, không nghề nghiệp, công ăn việc làm chẳng ra sao, ăn không ngồi rồi, rồi “nhàn cư vi bất thiện”, thì khó mà có được “hạnh phúc căn bản gia đình” để bổ trợ cho những tiến bộ hay hạnh phúc tiếp theo.

 

 

 

9. Tuân thủ tốt nghi luật

Nghi luật là giới luật hay giới hạnh về đạo đức, là đạo lý làm người. Trong phần những “hạnh phúc bổ trợ” này, việc giữ gìn giới hạnh đạo đức chắc hẳn là quan trọng nhất trong việc mang lại những phúc lành cao nhất trong giai đoạn này.

 

Việc kiêng cữ, giữ gìn giới hạnh là tránh, không làm những hành động trái đạo đức & gây nguy hại cho mọi người. Đối với những người bình thường và những Phật tử tại gia, đó là:

 

  1. Không sát sanh, giết hại.
  2. Không trộm cắp, lấy của không được cho.
  3. Không tà dâm, ngoại tình.
  4. Không nói dối, nói sai sự thật, không nói dóc, nói vu oan, nói bậy bạ.
  5. Không uống rượu, không hút chích hay dùng những chất độc hại.

 

Ở những phần trước, bạn đã hiểu rõ sự cần thiếttốt đẹp của việc giữ giới rồi. Giữ giới hạnh đạo đức là một trong ba vấn đề, ba phần thực hành quan trọng nhất (bên cạnh “Lòng rộng lượng bố thí & Thiền tập”) để trở thành một “Người Tốt!”, để mang lại công đức và phúc lành cho tương lai và kiếp sau. Nếu khônggiữ gìn giới hạnh đạo đức, coi như không có gì để bàn tiếp về bất kỳ sự tiến bộ hay “phúc lành” nào nữa. Cho nên, “tuân giữ giới hạnh đạo đức” là nằm trong nhóm “Hạnh phúc bổ trợ căn bản” này.

 

 

 

3. Lời nói thật ôn hòa

Lời nói ôn hòa hay “ái ngữ” là hình thức mình giao thoa, tiếp xúc với xã hội. Nếu chúng ta luôn luôn nói dối, nói sai sự thật, nói láo, nói dóc chơi, hay la hét, chửi bới hay nói xấu, nói oan, nói thêu dệt về người khác…thì chúng ta sẽ chắc chắn không được ai ưa thích hay tin cậy trong bất cứ chuyện gì. Điều này quả thực là một vấn nạn lớn cho chúng ta, trong bất kỳ công ăn việc làm nào và trong bất kỳ sự tiến bộ hay học hỏi nào về tâm linh hay đạo đức.

 

Người xưa hay nóiHọc ăn học nói”, rồi mới tới “Học gói, học làm”. Do vậy, để làm tốt phần “ăn nói” quan trọng này, tránh những nguy hại của việc ăn nói không đàng hoàng, tà ngôn tà ngữ, chúng ta luôn tập và nói những lời sự thật, nói lời có ý nghĩa & có ích cho mọi ngườibản thân mình, nói hay, nói dễ chịu, nói cho vừa lòng bạn cho toại lòng thầy, nói chân chính, chân thành, không nói lời ác ý, không buôn lời nịnh hót.

 

Dù ai đang ở bất kỳ vai trò nào, vị trí nào trong xã hội, gia đình và doanh nghiệp, lời nói ôn hòa luôn luôn là cần thiết và nên thực hành. Bạn đã từng đến các nước với hầu hết dân chúng là Phật tử như Thái lan, Tích Lan, Lào, Miến Điện…, ở đâu chúng ta cũng gặp đa số họ đều nói chuyện một cách nhẹ nhàng, ôn hòa và hiếu khách, mà từ trong cách giọng và âm vực chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự chân thànhlịch thiệp.

 

Ở đời, những người ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn, ôn hòa (với ý chân thành, chân thật, không giả tạo), thì luôn luôn được mọi người yêu mến, khen ngợi và giúp đỡ. Đó không phải là những “phúc lành cao nhất” thì còn là gì!.

 

 

 

4. Luôn phụng dưỡng mẹ cha

Như Đức Phậtchúng ta đã nói rất nhiều lần trước đây, cha mẹ là những người sinh ta ra trên thế gian này và nuôi dạy chúng ta từng phút giây từ sau khi chúng ta chào đời. Dù có trả ơn cha mẹ bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ hết, theo Đức Phật. Vì vậy, chỉ có loại người kỳ quặc và tà kiến như thế nào mới không chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mình.

 

Chúng ta phải luôn luôn chăm sóc và dâng tặng cha mẹ không những bằng những điều kiện vật chất mà còn bằng tình thương yêu, lắng nghe theo ý cha mẹ. Chăm sóc và bảo vệ cha mẹ như “bảo vệ Phương Đông”.

 

Phần công đứcbáo hiếu cao nhất là cố gắng tạo mọi điều kiện cho cha mẹ đến được, gần gũi với Phật pháp, trau dồi những lời Phật dạy. Những hành động bình thường, dễ dàng bạn không nên quên làm, như mua kinh sách, băng đĩa giảng dạy những đề tài giáo lý của Đức Phật…hoặc thường xuyên đưa đón cha mẹ đến những chùa chiềng, đạo tràng để được nghe những bậc chân tu thuyết giảng về Phật Pháp. Bạn có biết rằng, những bậc cha mẹ (kể cả ông bà) gần đất xa trời sẽ vô cùng an toànvô ngại khi trong tâm trí ôm ấp đầy những lời dạy thiện lành của Đức Phật.

 

Những bậc cha mẹ khi xưa lao khổ, bận rộn với lao động, cơm áo để nuôi nấng, bảo bộc chúng ta mà chẳng có phút giây ngơi nghỉ, nên cũng chẳng có cơ duyên tìm đến Phật pháp. Nay chúng ta lớn khôn, chúng ta nên tìm cách để cha me tiếp cận càng sớm càng tốt, trang bị càng nhiều càng tốt sự hiểu biết Phật pháp, tâm lành, nghiệp thiện cho cha mẹ. Để làm gì? Để cha mẹ chúng ta làm hành trang cho những chuyến đi xa và dài vô định sau khi từ giã những con cháu thân yêu của mình, & từ giã bạn.

 

 

 

5. Yêu thương vợ con nhiều

Mặc dù điều này cũng đã được nói rõ trong phần “Giữ gìn những mối quan hệ gia đình” trong “Kinh Sigala”, như là việc “bảo vệ Phương Tây”, nhưng Đức Phật cũng đã đưa vào nhóm điều kiện “hạnh phúc bổ trợ này”.

 

Việc yêu thương, chăm sóc vợ con cũng là điều kiện bắt buộc để mang lại và duy trì hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình là nền tảng và bổ trợ cho những bước tiến bộ phúc lành tiếp theo là vậy.

 

 

 

6. Làm những nghề chánh thiện

Nghề nghiệp chánh thiện là “Chánh Mạng” trong Bát Chánh Đạo chúng ta đã bàn bạc đến, như là con đường tu tập của Đức Phật đã dạy để mang lại bình anhạnh phúc, cũng như để đi đến sự giải thoát sau cùng.

 

Làm những nghề chánh thiện là không làm những công việc, nghề nghiệp trái đạo đức, vô lương tâm và thậm chí trái pháp luật. Những nghề như trộm cướp, sát sanh, buôn bán thịt động vật, buôn bán người, buôn bán vũ khí, chất độc hại… Làm những nghề chánh thiện là làm những công việc lương thiện, hợp pháp, không trái đạo đức, không xấu ác, lành mạnh, không gây phương hại con người và môi trường; và những nghề chánh thiện luôn mang lại sự bình an, phúc lành và an ninh cho mọi ngườibản thân mình.

 

Nói chung, làm việc gì, nghề gì cũng nên suy nghĩ là nếu có gây hại cho bất cứ ai hay vật hay môi trường lành mạnh nào...dù ít hay nhiều, dù lớn hay nhỏ, dù thu lợi khổng lồ hay ít ỏi, thì không nên làm. Còn ngược lại thì không phải là làm nghề chánh thiện.

 

Nếu chúng ta muốn có những “hạnh phúc nền tảng” cho tiến bộ đến những điều phúc lành cao siêu khác mà vẫn đang hành nghề bất thiện, thì nền tảng đã bị hỏng rồi.

 

 

 

 

w Những Hạnh Phúc Cá Nhân

 

14. Luôn san sẻ, bố thí

15. Luôn chánh trực, thiện tâm

16. Giúp người thân họ hàng

17. Làm những việc công đức

18. Ngừng và tránh việc ác

19. Không còn nghĩ ác dục

20. Kiên trì giữ đức hạnh

 

 - Là Phúc Lành Cao nhất.

 

 

Những yếu tố trong nhóm “Hạnh phúc cá nhân” này cho thấy một bước tiến thêm trong việc phát triển đời sống phúc lành cho mỗi con người, là bắt đầu đi vào trong việc phát triển thân tâm của mỗi cá nhân. Đây có lẽ là những lời khuyên về tu tập phẩm hạnh về tâm của mỗi cá nhân, làm nền tảng vững chắc hơn, góp phần chuyển hóa con người đến những ý tưởng tâm linh cao đẹp hơn nữa.

 

Đức Phật đã đi từ những điều kiện thông thường từ ngoài quan hệ xã hội, đến điều kiện trong gia đình, đến nghề nghiệp, cư xử, và đến bây giờ là những tu tập của cá nhân một người.

 

 

14. Luôn san sẻ, bố thí

Lòng tham, dục vọng và những dính mắc, luyến tiếc quá nhiều là những nguyên nhân tạo ra đau khổ trong kiếp người. Bằng cách tập làm những việc bố thí, rộng lượng, chúng ta có thể làm “mờ nhạt” bớt những dấu vết hay những mầm móng (chủng tử) tiêu cực, và phát triển lòng từ bi, lòng vị tha, cho đi và không vị kỷ.

 

Chúng ta có thể giúp đỡ người khác bằng vật chất, thông qua việc cho tặng hay huy động, quyên góp. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể bố thí bằng những chia sẻ về mặt tinh thần, động viên hay khuyên dạy những hướng đi hay những giải pháp tốt nhất. Ban tặng, gửi, nói chuyện, chia sẻ, bàn luận, hướng dẫn cho người khác về những chân lý, lẽ thật hay giáo pháp của Đức Phật (dhamma) cũng là một hành động bố thí cao thượng nhất.

 

Thứ nữa là sự rộng lòng, lòng bố thí nên được thực hiện một cách chân thành, đầy lòng bi mẫn, lòng giúp đỡ, chứ không ngập ngừng, tính toán hay hối tiếc. Trong nhà Phật gọi là tâm ý hay “ý hành” - khi thực hiện hành động bố thí hay công đức thì “ý hành” trước khi, trong khisau khi làm phải luôn luôn chân thành, trong sạch và mạnh mẽ. Điều đó sẽ mang lại cùng lúc hai ích lợi: Thứ nhất, (i) bạn đã thực hành đúng và tăng trưởng lòng bố thí, từ bi. Thứ hai, (ii) công đức được trọn vẹn, cho bạn và cho mọi người

 

Một kilogam gạo, một vài ngàn lẻ, một thùng mì gói, một tập sách vở cho các em thơ ngây tội nghiệp, một cái mền cho giá rét của người già, một lá thư chia sẻ và an ủi, cho đến không biết bao nhiêu thứ trên đời, trong giới hạn khả năng của chúng ta, mà chúng ta có thể cho, tặng, cứu giúp cho người. Một nụ cười thân ái dành cho nhau không phải là một món quà hay sao!

 

Vì sự “cho đi” hay việc làm công đức là “nhận lại” công đứctăng trưởng “lòng Từ Bi”: bản chất phúc thiện của một người. Chúng ta nên cố gắng chủ động, tự trọng và từ tâm thực hiện những hành động tốt đẹp, những nghĩa cử bố thí đẹp lòng để mang lại phúc lành và “những niềm hạnh phúc cá nhân” cao đẹp nhất cho cuộc đời mình. Đó mới là những “điềm lành tốt nhất” cho đời sống chúng ta.

 

 

 

 

15. Luôn chánh trực, thiện tâm

Chánh trựcchân thành, thẳng thắn nhìn nhận và thực hành. Thiện tâm theo cách diễn dịch ở đây có nghĩa là luôn suy nghĩthực hành mọi sự “theo hướng thiện”, thay vì theo “hướng né tránh những điều bất thiện”. Ở đây, ta có thể nói rằng chánh trựcthiện tâm là “chủ động” hay “chủ tâm” nghĩ thiện, làm thiện chứ không bị động, canh chừng để tránh chuyện bất thiện.

 

Thay vì chỉ “quan sát”, tuân giữ những giới hạnh, kiêng cữ, tránh né những điều xấu ác & tiêu cực thì bạn chỉ chuyên cần nghĩ & làm những việc tốt thiện, chỉ mặt tích cực giới hạnh mà thôi. Nói như kiểu một số người lương thiện, ngay thẳng “Cần gì phải tránh, có làm điều gì sai trái đâu mà tránh”. Đây là cách thực hành “tiến bộ” hơn. Người mới bắt đầu đời sống tâm linh thì luôn “canh chừng”, “kiêng cữ” những điều xấu, người đạt trình độ đạo đứctâm linh cao hơn, tu tập lâu hơn, thì đã không còn “phạm giới” nhiều, nên không còn “canh chừng” mà chỉ chủ động tu tập & thực hành phần tích cực của giới hạnh.

 

Đó là:

 

  1. Thực hành sự vô hạitừ bi đối với mọi chúng sinh.
  2. Thực hành lòng tốt và lòng rộng lượng.
  3. Thực hành lòng trung thànhtrách nhiệm
  4. Thực hành lòng chân thậtlời nói ôn hòa (ái ngữ).
  5. Thực hành lòng tự chủ bản thânchú tâm chánh niệm.

 

 

 

16. Giúp người thân họ hàng

Ngoài việc giúp đỡ cha mẹ, gia đình như đã nói trong phần “hạnh phúc bổ trợ” trên đây, chúng ta cũng nên luôn chú tâm giúp đỡ người thân quyến và bạn bè. Chúng ta luôn giúp đỡ một cách chính đáng cho họ về vật chấttinh thần khi họ cần giúp, thì họ ở xung quanh sẽ luôn giúp chúng ta trên bước đường đi tìm hạnh phúc tâm linh và giúp ta có một đời sống phúc lành bao trùm & đúng nghĩa.

 

 

 

17. Làm những việc công đức

Đây là một ý niệm cao hơn của lòng rộng lượng bố thí. Những việc công đức ở đây là những đóng góp cho xã hội, cộng đồng nói chung. Ý nghĩa và cách thực hành cũng y hệt như việc “bố thí” đã nói trên, tuy nhiên ở đây là nói thêm những đối tượng là phúc lợi cộng đồng, như góp công, góp tài vật hay quyên góp để xây trường học, bệnh viện, nhà ở, đường xá, nhà tế bần, trại mồ côi, trại dưỡng lão…cho đến một con đò hay cây cầu khỉ ở những vùng quê nghèo khó trăm bề. Những việc giúp ích cho nhiều người.

 

Cho đến những việc giúp trồng công viên, trồng cây để cải thiệnbảo tồn môi trường sống lành mạnh cho nhiều thế hệ và cho trái đất, cho đến những chuyến đi đến giúp đỡ những làng quê nghèo sau một cơn thiên tai, một mùa đại dịch, hay tâm nguyện ở lại để dạy học hay chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh vừa mất cha mất mẹ ở đó.

 

Những việc làm công đức xã hội giúp bạn tăng trưởng lòng từ bi và thương mến tha nhân rất nhanh, làm chúng ta ‘bớt” dần cái “tôi” bản ngã khi va chạm và khả năng chịu được cực khổ khi đi làm những việc công đức tốt đẹp này.

 

 

 

18. Ngừng và tránh việc ác

Điều ác, việc ác theo Phật giáo, có nghĩa là những hành động gây hại cho người, cho mình hoặc cho cả hai. Chúng ta phải tập và kiêng cữ không làm những hành động xấu ác đó. Bởi vì sao? Bởi vì hành động chính là nghiệp (kamma).

 

Xin được giải thích thêm là ở đây không phải là trùng hợp với điều kiện 13. vừa được nói trên trong nhóm “Những Hạnh Phúc Bổ Trợ”. Việc ác ở đây là hành động xấu ác, là nghiệp ác, chứ không phải công ăn việc làm hay nghề nghiệp xấu ác.

 

Nghiệp là cái ta mang theo suốt cuộc đời này và qua tận những kiếp sau. Mỗi lần chúng ta gặp hạnh phúc là do nghiệp thiện phát huy và nỗ lực hạnh phúc của chúng ta không bị cản trở. Nhưng mỗi lần chúng ta gặp đau khổ, tai ương là mỗi lần nghiệp bất thiện phát huy và nỗ lực hạnh phúc của chúng ta không thể nào vượt qua được. Đây là phần quan trọng và cụ thể nhất của việc tu tập tâm linhthực hành đạo Phật.

 

Vì vậy, chúng ta luôn luôn kiêng cữ, hết sức né tránh và không thực hiện những việc bất thiện mà phạm vào những “giới” sau đây:

 

  1. Không Sát sanh, giết hại
  2. Không Trộm cắp, lấy của người khác
  3. Không Tà dâm, ngoại tình
  4. Không Nói dối, nói láo
  5. Không Nói lời vu khống, hàm oan
  6. Không Nói lời cay độc, chửi mắng
  7. Không Nói tán dóc, nói lời vô nghĩa
  8. Không Tham lam, chụp giựt
  9. Không Ác ý, nham hiểm

10. Không Tà kiến, sai lạc (ví dụ: không chấp nhận quy luật Nghiệp, Tái sinh hay những chân lý Phật pháp), và chỉ làm những việc mê tín, dị đoan, tà đạo.

 

Đây cũng được gọi là “Mười Giới Thiện” (Thập thiện giới).

 

 

 

19. Không còn nghĩ ác dục

Khi chúng ta trở nên vững chãi trong việc tuân giữ “Năm Giới” và kiêng cử theo “Mười Giới Thiện” trên đây, thì tự nhiên chúng ta có khả năng không còn muốn (dục) hay nghĩ (khởi sinh tâm) đến việc làm bất thiện đó nữa. Trong tâm không còn ác dục.

 

Lúc đó, chúng ta sẽ nhận ra được mình không còn “thèm” hay “muốn” làm những điều xấu ác, hèn mọn nữa. Ví dụ trước kia mình không tu tập, không hướng thiện theo đúng “con đường”, mình “hay ghét” đồng nghiệp, ghét những kẻ đi đứng huênh hoang, mình hay sẵn sàng “ăn thua” từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói hay từng quyền lợi với mọi người, mình hay chửi lại những ai chửi mình, mình hay “thù dai” những kẻ hại mình…Bây giờ mình “không còn thích”, không còn thấy “muốn” hay “thèm” hay thấy “phải’, thấy “cần phải” làm những điều đó nữa.

 

vì vậy, ta luôn cảm thấy “lòng nhẹ như mây trời!”. Vậy không phải là những “phúc lành cao nhất” hay những “điềm lành tốt nhất” hay sao?

 

 

 

20. Không say sưa rượu chè

Như chúng ta đã biết, Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại về giới hạnh quan trọng nhất này. Mặc dù đã khuyên dạy và bàn luận rất nhiều trong phần “Năm giới”, Đức Phật vẫn luôn luôn nhắc lại trong rất nhiều bài thuyết giảng trong kinh điển.

 

Nếu suy nghiệm lại theo thống kê, tất cả những tai nạnđau khổ ngày nay, việc uống rượu bia & những chất độc hại chính là nguyên nhân “chủ lực” gây ra những tội lỗi lớn nhỏ, vi phạm 04 Giới Hạnh đầu tiên trong Năm Giới Hạnh.

 

Rượu chè, hút chích làm con người mất trí, điên loạn nên làm những việc đánh nhau & giết hại, cướp bóc & trộm cắp, tà dâm & trai gái bất chính, nói dối & chửi rủa, nói lời oán thù & lừa bịp…

 

Người không uống rượu, không nhậu nhẹt, không hút chích thì mặc nhiên tránh được những rủi ro, những tai ươngđau khổ này. Vậy kiêng cữ, tránh, bỏ, không uống rượu bia, không dính vào hút chích…chẳng phải cũng là những điều “phúc lành cao nhất” hay những “điềm lành tốt nhất” hay sao?.

 

Khi tránh được những khả năng dẫn tới đau khổ hay những “địa ngục trần gian”, thì đó đã là đời sống phúc lành cao quý rồi. Từ đó, bạn muốn thực hành, tinh tấn thêm những tiến bộ tâm linh khác tiếp theo càng dễ dàng, trôi chảy.

 

 

 

21. Kiên trì giữ đức hạnh

Có nghĩa là sự cố gắng duy trìgiữ gìn những phẩm chất đức hạnh mà mình đã phấn đấu tu tập được. Không để bị mai một, không để bị chủ quan hay thoái chí hay bị “lệch đường” một khi những điều kiện vô thường của đời sống có thể làm sa sút những phẩm hạnh có được.

 

Bằng cách nào? Chỉ bằng cách thực hành liên tục, chú tâm liên tục đến những hành động thiện lành, công đức nhiều hơn nữa. Đức Phật đã chỉ chúng ta phải luôn tâm niệm và phát huy “Mười Nghiệp Thiện” (Thập Thiện Nghiệp) để nâng tâm thiện tâm linh của mình lên cao hơn, tức là đạt được những “phúc lành cao hơn” hơn nữa.

 

Mười nghiệp thiện đó là gì?

 

  1. Bi mẫn, thương người
  2. Bố thí, rộng lượng
  3. Tự chủ
  4. Nói lời chân thật
  5. Nói lời tử tế, tốt bụng
  6. Nói lời dễ nghe, ôn hòa (ái ngữ)
  7. Nói lời có ý nghĩa
  8. Hoan hỉ, vui vẻ
  9. Từ ái, nhân hậu

10. chánh kiến, không tà kiến sai lạc.

 

 

 

 

x Những Hạnh Phúc Cao Hơn

 

22. Biết Kính trọng

23. Biết Khiêm nhường

24. Biết Hài lòng

25. Biết Biết ơn

26. Nghe học Giáo Pháp đúng lúc

27. Kiên nhẫn

28. Biết nghe lời

29. Gặp gỡ các Sư Thầy

30. Bàn học về Giáo Pháp 

 

 - Là Phúc Lành Cao nhất.

 

 

Nhóm này nói về những điều kiện phúc lành không còn thế tục hay vật chất nữa, mà là những điều kiện hạnh phúc quan trọng hơn về tâm linh. Nhóm “Hạnh phúc cao hơn” này là nhóm điều kiện nền tảng cho những bậc “hạnh phúc cao nhất” cuối cùng tiếp theo sau. Nhóm này diễn tả sự “chuẩn bị về con đường đạo”, con đường tu tập cao sâu hơn về tâm.

 

 

 

22. Biết Kính trọng

Biết kính trọng ở đây là sự tôn kính, sự tôn thờ dành cho ba phần tâm linh quan trọng nhất của Phật giáo, đó là Đức Phật, Giáo Pháp & Tăng Đoàn. Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng này được gọi là Tam Bảo, tức là ba “Ngọc Bảo” cao quý nhất.

 

Lòng tôn kính dành cho những bậc chân tu, trưởng lão, những Tỳ kheo, Tăng Ni và những vị thầy hướng dẫn tâm linh như những sư thầy giảng giáo pháp, những thiền sư, vì sự biết ơn và những điều học được từ các thầy.

 

Lòng tưởng niệm và tôn kính Đức Phật là sự cần thiết, giúp cho tâm thanh tịnh, hướng thiện và kiên trì học hành giáo pháp sau khi đã biết được lẽ thật là cuộc đời chỉ là kiếp sống tạm, phù du và vô thường trong ngắn ngủi.

 

 

 

23. Biết Khiêm nhường

Biết khiêm nhường là một đức tính quan trọng và cần thiết trong đạo Phật đối với tất cả những ai đang thực hành con đường đạo. Nếu có người sau khi đã tiến bộ trong việc học đạo nhưng vẫn còn tự mãn, tự cao, nghĩ mình đã biết và hiểu hết tất cả giáo pháp, thì lúc này là một chướng ngại lớn, vì người đó sẽ không còn giữ thái độ cầu tiến hay chịu lắng nghe người khác nữa.

 

Vì vậy Đức Phật đã rất nhiều lần trong khi còn sống đã dạy rằng bản tính tự cao & ngã mạn là những liều thuốc độc, là hai trong những trở ngại lớn nhất trong việc tu tập của người tại gia bình thường cũng như những tu sĩ. Ngược lại, “Điềm lành” lớn nhất đó là tính “khiêm nhường”.

 

 

 

24. Biết Hài lòng

Mọi người đều có những nhu cầu khác nhau về vật chấttinh thần, tuy nhiên sự hài lòng không có nghĩa là không làm gì nữa, không cầu tiến, học hành thêm nữa.

 

Khi điều kiện vật chất đã đầy đủ để sống còn và an toàn, thì vấn đề là bạn nên biết khi nào là đủ. Nhiều người, rất nhiều người, sống với tâm trạng luôn luôn khổ sở, canh cánh và bất hạnh ngày đêm chỉ vì họ luôn nghĩ rằng họ chưa đủ giàu hay giàu nhất. Trong khi đó một số ít những người khác không giàu sang, chỉ đủ điều kiện sống ổn định qua ngày, thường là những người biết suy nghĩ sâu xa, thì luôn sống hạnh phúc và luôn hài lòng với cuộc đời. “Tri túc tâm thường lạc”: Biết đủ tâm thường vui. Nếu không biết tri túc thì khổ mãi.

 

Người có trí thì hiểu rằng tham vọng về vật chất cũng giống như uống nước muối để giải khát vậy. Càng uống, càng khát & chỉ dẫn đến sự bất toại nguyện, sự thất vọng và khổ sở mà thôi.

 

Biết xác định mức độ bằng lòng của mình về vật chấtcuộc đời mang lại sự thanh thản, bình an cho tâm trí của mình. Sự biết bằng lòng với những gì mình biết là đủ là một tài sản lớn nhất. “Người giàu nhất là người biết khi nào là đủ!”.

 

Người tại gia theo đức hạnh nên biết hài lòng khi có hoàn cảnh sống đã an ổn không quá vất vả về điều kiện vật chất ăn ở, khi có quan hệ tình cảm trong gia đìnhxã hội bình thường; chứ không đua đòi vật chất, không leo trèo quen biết với người cao sang, quyền lực.

 

Người xuất gia thì biết hài lòng với hoàn cảnh, chùa chiềng, điều kiện sống và Phật tử ở địa phương mình cư ngụ. Họ cũng không bao giờ cố gắng tìm kiếm nơi thành thị, chùa chiềng khang trang, nổi tiếng thì mới hài lòng để tu.

 

 

 

25. Biết Biết ơn

Một cách thực tiễn chứ không bi quan, trên thế gian vẫn còn rất ít người chủ tâm, ‘xắn tay áo’ giúp đỡ người khác. Còn ít hơn nữa là số người biết biết ơn những gì người khác giúp mình. Nghe thật buồn!. Sự biết ơn là lòng tạ ơn và tâm ước muốn đền đáp ơn nghĩa đó một cách trực tiếp hay gián tiếp.

 

Biết ơn, biết nói lời cảm ơn, biết nhớ ơn, cảm động khi thấy người khác làm ơn cho mình hay người khác sẽ làm cho chúng ta trở nên tử tế và đầy thiện ý trong đời. Tâm cũng đầy bản thiện. Đó cũng là “điềm lành” hay nền tảng cho những phúc lành cao đẹp nhất.

 

 

 

26. Nghe học Giáo Pháp đúng lúc

Bất cứ lúc nào cũng có thể nghe học giáo pháp (Dhamma), luôn luôn học và chánh niệm về giáo pháp. Tuy nhiên ở đây muốn nói là lúc cần nghe học giáo pháp tốt nhất là những lúc bạn đang phiền não, đang “chán đời” hay đang hoài nghi tất cả về cuộc đời ô trọc này. Vì sao? Vì giáo pháp nói ra là chân lý, là giảng trạch về lẽ thật của cuộc đờithế gian, làm cho bạn hiểu hơn, tin tưởng hơn, tin tưởng đúng đắn hơn. Và điều đó mang lại sự an tâm, sự xoa dịu cho bạn. Nên giáo phápgiá trị nhất cho bạn những lúc tâm trạng khó khăn như vậy.

 

Không phải ai cũng biết lấy giáo pháp làm cân bằng những lúc tâm trạng phiền não và mất cân bằng. Tùy nhân duyên của mỗi người nữa, vì đâu phải trong đời ai cũng được duyên phúc nghe học giáo pháp. Vậy bất cứ lúc nào bất an, hoài nghi hay lâm bệnh, hãy nghĩ đến giáo pháp. Đừng để tuột mất những phúc lành cao quý nhất này.

 

Còn những ngày bình thường, bạn hãy chọn thời gian thích hợp, đúng lúc tâm sẵn sàng để đọc, học kinh sách hay đến nghe giáo pháp ở những ngôi chùa hay đạo tràng.

 

Không nên chọn nghe giáo pháp lúc đang bận rộn, lúc phải bỏ bê công việc làm ăn, gia đình…Vì làm như vậy, tâm không sắn sàng, lòng không yên tâm để tập trung và thấm thía từng lời dạy của giáo pháp.

 

 

 

27. Kiên nhẫn

Kiên nhẫn hay nhẫn nhục là một đức tính rất quý giá khác của một người tốt hay một người hướng đạo. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đây cũng là một trong những đức tính “khó nhất” mà một người có thể tu tập được.

 

Chúng ta luôn luôn phụ thuộc vào những điều kiện (duyên) luôn luôn thay đổi và những thay đổi liên tục của mọi người trong xã hội xung quanh chúng ta. Hầu hết những đổi thay của nhân tình thế thái là ngoài tầm kiểm soát hay dự liệu của chúng ta và nếu chúng ta luôn luôn phản ứng, bị lôi theo chúng, thì chúng ta sẽ như lao theo vào lửa phiền não và bị “khổ” nhiều hơn, luôn bị bất hạnhsân hận, bực tức & mất kiên nhẫn. Vì vậy cách tốt nhất là tập tánh kiên nhẫn, nhẫn nhục, như “đối cảnh vô tâm” vậy.

 

Khi bạn phạm lỗi hay lỡ làm những điều sai trái hay bị nản chí trên con đường đạo đức, bạn hãy nhẫn nhục, vị tha cho mình và nhìn phiền não đi qua. Cách này luôn làm cho bạn có khả năng giữ tâm bình an.

 

Trong phần thiền quán hay thiền minh sát, bạn sẽ thực hành cố gắng quan sát mọi hiện tượng thân tâm xảy ra với tâm nhẫn nhục, không can thiệp hay phản ứng với chúng, cứ kiên nhẫn nhìn chúng đến và đi.

 

 

 

28. Biết nghe lời

Nhiều người vì nhiều lý do khác nhau rất khó mà nghe lời dạy hay khuyên của người khác, càng khó mà chấp nhận lời góp ý & phê bình, càng khó mà để cho lỗi lầm, tội lỗi hay tật xấu của mình bị lộ cho người khác thấy. Nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta khó mà sửa chữa (tu tập) để có sự tiến bộ về tâm linh, đạo đức khi sự cao ngạo và bướng bỉnh còn đứng ngáng giữa đường đi như vậy.

 

Sự cởi mở, sự nghe lời, chấp nhận & khiêm tốn luôn luôn là điều cần thiết cho bất kỳ môi trường nào chứ không riêng chuyện đạo đức, tâm linh. Vì sao? Vì hai điều sự thật hiển nhiên là (i) chúng ta không bao giờ là hoàn hảo và (ii) chúng ta luôn luôn có được nhiều hơn khi lắng nghe hay học hỏi từ người khác. Biết được hai lẽ thật đó là “điềm lành” mang lại hạnh phúc càng ngày càng “tròn vẹn” cho mình.

 

 

 

29. Gặp gỡ các Sư Thầy

Thứ nhất, (1) gặp gỡ càng nhiều người tốt chúng ta càng có thêm cơ hội để học hỏi từ họ và có thêm niềm cảm hứng và khích lệ từ trí tuệ và sự tự chủ, tĩnh lặng của họ.

 

Thứ hai, (2) gặp gỡ nhiều người hiền trí làm chúng ta thức tỉnh rằng còn nhiều điều cao quý và cần thiết khác hơn là những khoái lạc của sáu giác quanđời sống vật chất, và cho ta thấy được có nhiều người đã và đang đi vững vàng trên con đường đạo.

 

Gần gũi bậc chân tu, Tăng Ni hay người kính đạo, họ sẽ truyền cảm hứng và hướng dẫn ta hướng tâm đên những trạng thái tâm cao đẹp nhất. Theo Phật giáo, những “trạng thái tâm cao thượng” đó nếu tu tập và có được thì cũng giống như trạng thái phúc lành cao diệu trên cõi tiên hay cõi trời Phạm Thiên (Brahma), nên những trạng thái cao đẹp đó của Tâm hay được gọi là “Bốn Phạm Trú” (Brahma-viharas) hay “Tứ Vô Lượng Tâm”:

 

1. Từ

2. Bi

3. Hỷ

4. Xả

 

Có nghĩa là tâm đầy lòng Từ ái, đầy lòng Bi mẫn, đầy hoan Hỷ vui tươi & đầy lòng buông Xả, không còn dính chấp, không còn đối đãi.

 

 

 

30. Bàn học về Giáo Pháp

Để củng cố, chiêm nghiệm lại những giáo pháp mình đã nghe được, học được là nên trao đổithảo luận về giáo pháp. Vì lý do chính đáng này mà chúng ta có được những cơ hội gặp gỡ những sư thầy, những người đi trước và những người bạn đồng đạo.

 

Tương tự vậy, chúng ta cũng sẽ có cơ hội để chia sẻ những hiểu biết của mình cho những người hiền trí hay bạn đồng đạo đó, tiếp tục trau dồi và nâng cao kiến thức về Phật pháp. Bằng những cách này, chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với giáo pháp (Dhamma) và đó là yếu tố sẽ dẫn dắt một người trực nhanh đến những phúc lành cao nhất hay “Hạnh Phúc Tối Thượng” , niềm hạnh phúc của giác ngộ.

 

Phần tiếp theo là phần những “Hạnh phúc Tối thượng” đó.

 

 

 

 

x Những Hạnh Phúc Tối Thượng (Cao Nhất)

 

31. Tự chủ

32.  Sống phạm hạnh theo Bát Chánh Đạo

33.  Thấy được Tứ Diệu Đế

34.  Chứng ngộ Niết-bàn

35.  Không còn bị ảnh hưởng bởi thăng trầm

 thế tục

36.  Vô ưu: Không còn phiền não

37.  Vô nhiễm: Không còn bị ô nhiễm

38.  An bình & Tự tại

 

 

Ở giai đoạn này, sự phát triển bất cứ điều gì mang ý nghĩa vật chất đều không còn nữa. Mục tiêu của cuộc đời đã thay đổi. Vì lúc này, tâm của bạn đã gần như đã trong sạch, đã thanh tịnh đủ để tu tập những giáo pháp cao sâu hơn để đạt được sự bình an cao nhất của tâm, tức là sự giải thoát cao nhất khỏi tất cả những phiền nãobất tịnh. Đó là niềm “Hạnh phúc Tối thượng” của Con Đường tu tập đạo đứctâm linh, là kết Quả của Con đường đó. Trạng thái hạnh phúc viên mãn nhất và cao diệu nhất đó của tâm thì trong nhà Phật gọi là “Niết-bàn” (Nibbana). 

 

 

 

“Con Đường Dẫn Đến Niết-Bàn!”

 

31. Tự Chủ

Lúc này là lúc đòi hỏi những nỗ lực kiên định cao nhất. Người tu tập đến lúc này luôn không để bị lay chuyển bởi những khoái lạc nhục dục hay những khó chịu về thể xác. Lúc này chúng ta phải tập trung hết vào con đường đạo. Đối với những Phật tử tại gia, thì đó là việc kiên định giữ gìn Năm Giới Hạnh hay tốt hơn là Tám Giới. Nhiều Phật tử luôn tự tâm giữ gìn Tám Giới (Bát Trai) vào những ngày Rằm hay Mồng Một hàng tháng, tuy nhiên thực hành Tám Giới luôn vào những ngày khác nữa thì càng đáng quý.

 

Cách tốt nhất để tăng trưởng sự tự chủ đối với một Phật tử tại gia là hãy tham dự một khóa thiền & ở đó có thể thực hành Tám Giới Hạnh trong suốt thời gian của khóa thiền đó, có thể là tại một ngôi chùa. Môi trường thiền tập và giữ Tám Giới Hạnh giúp chúng ta sống những ngày tháng thanh đạm, tri túc, xa rời những tiện nghi, xa hoa và khoái lạc vật chất và quan trọng nhất là “chuyển hóa” thân tâm ta hướng một cách vô tư và sâu sắc vào con đường Bát Chánh Đạo.

 

Thiền tập, thiền Minh Sát, trong thời khóa này cũng chắc chắn là cách tốt nhất giúp chúng ta tu tập tâm tự chủ, bằng thực hành chú tâm hay hành trì sự chánh niệm.

 

Tám Giới Hạnh

 

1. Không sát sanh

2. Không trộm cắp

3. Không tà dâm, ngoại tình

4. Không nói dối, nói láo

5. Không uống rượu và không dùng chất độc

hại, ma túy

6. Không ăn sau giờ trưa

7. Không ca hát, nhảy múa, âm nhạc hay biểu

diễn;không dùng hoa, mỹ phẩm và trang sức.

8. Không nằm giường êm, không ngồi ghế cao, nhung lụa xa hoa.

 

 

 

32. Sống phạm hạnh theo Bát Chánh Đạo

Đến bước trưởng thành tâm linh này, thì điều phúc lành không chỉ là do sự tuân giữ bề ngoài của Bát Chánh Đạo mà sự tu tập, sự “nhập tâm” sâu sắc vào tất cả khía cạnh của Bát Chánh Đạo.

 

Tất cả những “Phúc lành căn bản”, “Phúc lành bổ trợ”…trước kia đều là nền tảng chuẩn bị và trợ giúp cho một người bây giờ bước vào con đường “Bát Chánh Đạo” một cách nhiệt thành, vững chãi.

 

Con đường “Bát Chánh Đạo” mà Đức Phật đã tìm ra và giảng dạy suốt 45 năm còn lại của cuộc đời mình tại thế gian để cho nhân loại thực hànhgiải thoát. “Con đường Tám Phần” này có thể được phân ra thành ba (3) mảng hay nhóm, đó là nhóm Giới Hạnh (về đạo đức), nhóm Thiền định (về phát triển tâm) & nhóm Trí Tuệ (Bát-nhã).

 

 

 (I) Nhóm Giới Hạnh (về đạo đức)

 

1. Chánh Ngữ

 Không nói dối, nói láo

 Không nói lời vu khống, bịa dặt, hàm oan

 Không nói lời cay độc, chửi mắng

 Không nói lời vô nghĩa, nói tán dóc, nói tầm

 Phào.

 

 

Ngược lại, nên tu tập:

 Nói sự thật, nói đúng

 Nói lời ôn hòa, ái ngữ

 Nói lời tử tế, tốt bụng

 Nói lời có ý nghĩa, nghiêm túc, đàng hoàng

 

 

2. Chánh Nghiệp

 Không sát sanh, giết hại

 Không ăn cắp, lấy của không được cho

 Không tà dâm, ngoại tình

 

Ngược lại, nên tu tập:

 Hành động vô hại, thương yêu sự sống chúng

 sanh. 

 Chân thật, lương thiện

 Chung thủy, chân thành

 

 

3. Chánh Mạng

Không làm nghề nghiệp dính líu đến sát sinh (giết người, động vật…)

 Không buôn bán thịt động vật.

Không buôn bán người, không buôn bán vũ khí, chất độc hại, rượu bia, ma túy.

Không dính líu đến nghề nghiệp hay công việc trái đạo đức, trái luân thường đạo lý và trái pháp luật.

 

 

 

(II) Nhóm Thiền Định (về phát triển tâm)

 

4. Chánh Tin Tấn

Áp dụng những nguyên tắc về tâm, nỗ lực, cố gắng ngăn chặn những tâm ý bất thiện sẽ khởi sinh.

 

Loại bỏ những tâm ý không bất thiện đã khởi sinh.

 

Tức là tập tránh xa, phòng tránh những tâm ý bất thiệncố gắng trừ bỏ những tâm xấu ác đang có sẵn trong người.

 

Chủ động phát triển tâm ý lành thiện chưa khởi sinh và phát huy tâm ý lành thiện đã khởi sinh, có sẵn.

 

 

5. Chánh Niệm

chú tâm quán sát đến Thân (cơ thể), những tư thế của thân và những cảm giác của thân.

 

chú tâm quán sát đến Tâm và những tâm ý (ý nghĩ), những tình cảm và cảm nhận của tâm.

 

 Là chú tâm quán sát đến giáo Pháp (Dhamma).

 

 Đây là mảng thực hành về “Thiền quán”.

 

 

6. Chánh Định

tu tập, huấn luyện tâm để cho tâm trong sạch và có khả năng “tập trung” cao. Tâm được huấn luyện và tập trung cao có khả năng phát triển và chứng đạt trí tuệ.

 

Đây là mảng thực hành về “Thiền định”.

 

 

 

 (III) Nhóm Trí Tuệ (Bát-nhã)

 

7. Chánh Kiến

Tức là có cách nhìn, quan điểm đúng đắn. Ở đây có nghĩa sâu rộng là có hiểu biếtchấp nhận chân lý Tứ Diệu Đế của Đức Phật.

 

 

8. Chánh Tư Duy

Là có cách suy nghĩ đúng đắn. Ở đây có nghĩa sâu rộng là phát triển tâm thiện Bố thí & Từ Bi, tức là Lòng rộng lượng, Từ ái và Bi mẫn đối với con người và tất cả mọi chúng sinh.

 

 

 

33. “Thấy” được Tứ Diệu Đế

Nghĩa là “hiểu rõ”, “giác ngộ” rốt ráo bốn chân lý cao diệu hay Tứ Diệu ĐếĐức Phật đã phát minh được và truyền dạy cho chúng ta. Sự “thấy & biết” này khác với những kiến thức sách vở, đọc và học theo chữ nghĩatư duy mà có. Mà đó là sự ‘nhận biết”, sự “chứng ngộ” bằng trải nghiệm về lẽ thật của thực tại và sự sống, có được bằng tâm trong sángtrí tuệ sáng suốt, mà có được là từ kết quả của từ việc tu dưỡng đạo đức (giới hạnh) & tu dưỡng tâm (thiền tập).

 

Có lẽ có rất nhiều người biết, thuộc lòng và đọc tụng về Tứ Diệu Đế (cũng như những chân lý khác của Phật Pháp), nhưng lại có ít người thật sự trải nghiệm, “hiểu & thấy” rõ hay “giác ngộ” thật sự về bốn chân lý sâu sắc và cao sâu này về cuộc đời & thế giới, kể cả một số những người xuất gia.

 

Mỗi phần của Bát Chánh Đạo, như đã nói trước đây, có vai trò tu dưỡng và phát triển những phần khác một cách bổ sung lẫn nhau. Chẳng hạn, khi bạn sống đàng hoàng và tuân giữ giới hạnh đạo đức thì đó là cơ sở, là “nguyên nhân” làm cho tâm bạn thanh tịnh, trong sạch, lương thiện, như vậy là phần tuân giữ những giới hạnh giúp cho phần tu dưỡng tâm, và cuối cùng giúp mang lại thêm (phần) trí tuệ cho bạn (bên cạnh sự tĩnh lặng, hạnh phúc & bình an).

 

Cũng như vậy, khi bạn giữ giới được nhiều hay giữ được thêm nhiều giới hạnh cao (khó) hơn (ví dụ như những người xuất gia như Tỳ kheo phải tuân giữ đến 250 giới, Tỳ kheo ni là đến 348 giới, còn hàng tại gia chỉ có “5” giới cơ bản!…), thì kết quả sẽ mang lại nhiều sự thanh tịnh cao ơn cho tâm và thâm nhập đến những trí tuệ giác ngộ (tuệ giác) cao sâu hơn.

 

Và cứ như vậy, nếu bạn cứ thực hành một cách đúng đắn và siêng năng Bát Chánh Đạo, tiến bộ thêm hàng ngày theo “vòng xoắn đi lên” đến khi thật sự thực chứng về con đường “diệt khổ” trong Tứ Diệu Đế, là bạn thấy được niềm hạnh phúc tột cùng khác của sự giải thoát, được gọi là ‘trạng thái” Niết-bàn.

 

 

 

► Bốn Chân Lý Cao Diệu hay Tứ Diệu Đế:

 

 

(1) Mọi chúng sinh đều phụ thuộc vào Khổ

 

Tức là, nói riêng con người, bản chất của chúng ta và sự sống của chúng ta là “khổ”. “Khổ” ở đây là từ dịch tạm của từ “Dukkha” của tiếng Pali trong kinh điển Phật giáo. Thật sự “Dukkha” bao hàm nhiều ý nghĩa phổ quát, sâu rộng hơn là một từ “khổ” thông thường trong tiếng Việt.

 

Nó chỉ tất cả những tình trạng hay tâm trạng “không sướng”, “không ổn định” trong bản chất sự sống của chúng ta, về cả vật chất lẫn tinh thần, như khổ, khổ sở, đau khổ, buồn rầu, bất hạnh, bất toại nguyện, đói, lạnh, nóng, già, bệnh, chết, bị thay đổi, vô thường, sinh diệt…Tất cả đều là những sự “chịu đựng” về thân và tâm.

 

Đói bụng cũng khổ, được ăn một bữa ngon thì sướng, ăn xong rồi lại khổ, vì sướng không còn và vài tiếng sau cơn đói lại lên, lại đi tìm đồ ăn để “giải khổ”, và đa số loài người trong bao ngàn năm qua đến nay cũng vậy: suốt một đời đi làm cũng chỉ để lo cho miếng ăn, manh áo cho tấm thân “đầy khổ” này!, như bạn đã biết rất rõ rồi.

 

Để bắt đầu hiểu và thấy Tứ Diệu Đế, bạn hãy nhắm mắt chiêm nghiệm lại xem có phần nào, có lúc nào của thân & tâm mà bạn không có khổ không? Nếu bạn suy nghĩ cho chính chắn, mọi sự sống, sinh hoạt mà ta phải trải qua hay cần trải qua, cần phải làm ‘cho cuộc sống” đều là khổ và giải quyết khổ. Bạn hãy thử không ăn, không uống, không ngủ, không học, không làm gì, bạn sẽ chết vì những lý do trực tiếp hay gián tiếp. Nên bạn phải làm, luôn luôn phải “chạy”, nếu không hàng tá “khổ” tự nhiên sẽ đến với bạn ngay.

 

“Khổ” từ bên trong vì cơ thể luôn thay đổi liên tục vì những biến đổi hóa sinh của một “đóng” sắc uẩn; và luôn thay đổi theo hướng “già đi”. Tâm cũng luôn thay đổi không cùng vì nằm trong cái thân “tứ đại” luôn thay đổi, đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu của nó từng phút, từng giờ.

 

“Khổ” từ bên ngoài vì cả thân và tâm đều bị cảnh trần biến đổi vô biên và bao trùm. Nắng, mưa, lạnh, nóng đều có thể làm một người khổ tấm thân. Thói đời đen bạc & sự vô lường của lòng người có thể làm một người phiền não ê chề trong tâm. Tất cả đều thay đổi…và ta cũng vì thế bị đổi thay theo liên tục. “Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”. (TCS)

 

Mọi người chúng ta đều không bao giờ thoát khỏi những dạng “Khổ” trong đời này và đời sau, cho dù chúng ta có trốn vào rừng sau hay hang động. Ai cũng phải bị bệnh đau (rất nhiều loại bệnh trong một đời), ai cũng rồi phải chia xa những người thân yêu nhất của mình, ông bà, cha mẹ, anh chị…lần lượt cũng phải ra đi vì cái “Khổ” của sinh diệt, của cái mong manh của kiếp người, cho đến cái ngày không xa lắm chúng ta cũng phải ra đi để mang theo những nỗi buồn “khổ” ngàn thu theo chúng ta và để lại những nỗi khổ đau thương tiếc cho những người ở lại. Vẫn mãi lao đao trong một vòng đầy “khổ” của “Dukkha”.

 

 

 

(2) Nguồn gốc của Khổ là Dục Vọng & Tham Muốn

 

Con người sinh ra từ nguồn gốc của dục vọng và đeo đuổi miệt mài theo thỏa mãn dục vọng và lại chết đi vì dục vọng, mang theo dục vọngtái sinh vào vòng luân hồi bất tận. Ai trong loài người và tất cả chúng sinh cũng đều đi tìm cái “sướng”, cái “dễ chịu” để thay thế cho những cái “không sướng”, cái “khổ”, cái “khó chịu”. Và rồi “khổ” liên tục có mặt vì bất cứ lúc nào có mặt những cái “không sướng” và những dục vọng thèm muốn không được giải quyết hay thỏa mãn. Đường lối của đời sống của chúng ta là vậy. Chỉ bấy nhiêu trò đuổi bắt như vậy,…suốt đời, suốt nhiều đời.

 

Theo Đức Phật, con người có ba đòi hỏi thỏa mãn ba loại dục vọng:

 

(i) Loại dục vọng thứ nhất là dục vọng thỏa mãn khoái lạc giác quan (hay nhục dục), tức là những sự khoái lạc, sung sướng mang lại cho cơ thể và tâm trí. Thế gian đau khổ phần lớn là vì những dục vọng này. Ăn, ngủ, giàu có, mát mẻ, ấm áp, tình dục, chiến thắng, được khen, được nổi tiếng, được có quyền…

 

(ii) Loại dục vọng thứ hai là dục vọng được sống & liên tục hiện hữu trường cửu từ kiếp này qua kiếp khác, không bị “chết đi” mà cái ‘linh hồn mình’ luôn được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Loại dục vọng này là của những người tin theo thuyết có linh hồn, thuyết hữu thần. Loại dục vọng này khiến con người ngày đêm lo toan, mê tín dị đoan, cúng bái thần linh để được sinh ra giàu có, sung sướng trong kiếp sau. Buồn cười thay, một số người bị ảnh hưởng bởi nhiều mặt phức tạp của cuộc đời này, lại có dục vọng được tái sinh lại phải là đàn ông, một số người thì ước phải được làm đàn bà trong kiếp sau…Và rất nhiều người cũng theo đạo Phật, thường đến cúng chùa, lạy lục, cũng chỉ vì ý nghĩ “đổi chác” để có được lợi danh và hạnh phúc trong đời này & đời sau, theo niềm tin của loại dục vọng này. Phần đông chúng ta là vậy!.

 

(iii) Loại dục vọng thứ ba là dục vọng vì không được sống & không được hiện hữu trong kiếp sau. Loại này là chủ nghĩa tự diệt hay bi quan, rằng vì không có kiếp sau nào để mà chịu nghiệp báo hay hưởng phúc lành, cho nên trong kiếp này cứ làm được gì thì làm, hưởng được gì thì hưởng, tìm và tận hưởng mọi thứ bằng mọi giá, bất chấp đạo đứclương tâm, ngay cả là hành động tàn sát hay diệt chủng.

 

 

 

(3) Khổ có thể được loại bỏ bằng cách loại bỏ Dục Vọng & Tham Muốn

 

Niết-bàn (Nibbana) hay tạm hiểu là một trạng thái yên bình, hạnh phúctinh khiết nhất của tâm, khi một người không còn Tham dục, không còn Sân hận, thù ghét, giận dữ & và không còn Si mê, mù quáng, ngu dốt (Tham, Sân, Si).

 

Những loại dục vọng là nguồn gốc sâu xa của Khổ, theo Phật giáo. Và Tham, Sân, Si chính là những biểu hiện và nguyên nhân trực tiếp & dễ thấy của Khổ (Dukkha). Khi nguồn gốc Khổ có thể được nhận thấy, thì Khổ có thể được làm giảm bớt, được làm suy yếu đi và cuối cùng được diệt bỏ, diệt sạch. Và đó là lúc đạt được trạng thái Niết-bàn. Làm thế nào để thực hiện việc diệt bỏ hay giải thoát khỏi mọi Dục vọngnguyên nhân của mọi đau Khổ?. Đó là chân lý thứ tư, là “con đường” để thực hiện lý tưởng đó.

 

 

 

(4) Có một Con Đường để giải thoát khỏi mọi đau “Khổ”, đó là Bát Chánh Đạo.

 

“Con Đường” này do Đức Phật tìm ra và giảng dạy cho chúng ta từ hơn 25 thế kỷ trước. Bước đi trên con đường đó là thực hành những “phần” tương tức & tương hỗ của con đường đó – “Bát Chánh Đạo”.

 

Bạn có thể suy nghĩ một cách bi quan rằng: “Đó là một con đường gần như đánh đố, đầy chông gai để vượt qua, và trông chẳng khác gì một ‘con đường đau khổ’. Tại sao phải dẹp bỏ những dục vọng & khoái lạc, phải né tránh những đau khổ của cuộc đời ô trọc này mà lại bước vào một con đường ‘cực khổ’ và tốn nhiều thời gian như vậy???”. Đây là một câu hỏi hay. Tuy vậy, nếu bạn nghĩ lại cho đúng thì con đường đó không phải là như vậy.

 

Thứ nhất, (i) đúng thật đó không phải là một con đường dễ dàng, ngay cả những bước đi cơ bản là giữ gìn vài giới hạnh như “Năm Giới” thôi cũng cần nhiều nỗ lựcthời gian. Nhưng thật ra không có con đường nào để mang lại phúc lành, để mang lại sự bình yên và hạnh phúc lâu dài mà là con đường dễ dàng hết!. Quy luật của cuộc đời là vậy!. Có khi bạn phải mất mạng vì nó. Nhưng chúng ta phải đi, vì trông có vẻ không còn con đường nào tốt hơn để đi cho hiện tại và tương lai “mịt mù” của chúng ta.

 

Thứ hai, vì đó là “con đường để giải thoát” (dù đó là con đường không dễ dàng, mà cần phải nỗ lực, phấn đấu và đầy công phu) nên chắc chắn nó không thể là ‘con đường đau khổ’ hay ‘cực khổ’ được. Vì mỗi bước đi trên con đường đó là mỗi tiến bộ về mặt tinh thần, tâm linh, mỗi hạnh phúcbình an mang lại cho mỗi bước đi đúng trên con đường đó.

 

Không cần nghĩ đến những kết quả cao sâu. Bạn đã biết rõ rằng khi chúng ta chỉ cần giữ những giới hạnh đạo đức căn bản, chúng ta không giết người, không đánh đập vật nuôi, không nói dối, không mắng chửi, không nói ác cho người, không uống rượu, hút chích, không ăn cắp… thì chúng ta đã cảm thấy thân và tâm của mình rất “đàng hoàng”, rất an bìnhhạnh phúc. Tư cách và tình cảm cũng vì vậy mà nhân lên và ai cũng yêu quý mình. Như vậy việc bước đi trên con đường đó đâu thể gọi là ‘đau khổ’ được.

 

Còn nếu ai cảm thấy ‘bị đau khổ’ hay ‘bị bất hạnh’ chỉ vì không được giết hại, không được đánh đập, chửi mắng, nhậu nhẹt hút chích điên dại, không được tà dâm, trộm cắp… thì đúng là người đó đang ở trên một con đường “đau khổ”. Đó là con đường sai lạc hay “tà đạo” mà Đức Phật và các bậc thánh nhân khuyên chúng ta tránh bỏ, vì nó dẫn đến vô số sai lầmbất hạnh truyền kiếp.

 

 

►Xem thêm quyển “Giáo Trình Phật Học”, Chương II, “Tứ Diệu Đế” của Chan Khoon San, Nxb. Phương Đông.

 

Mặc dù “Tứ Diệu Đế” đã được nói trước đây ở trong phần “Căn bản Phật Pháp” ở Chương II, PHẦN I, nhưng do tính chất quan trọng bậc nhất trong giáo lý, bạn nên tìm đọc thêm nhiều sách và giảng luận Phật giáo về đề tài này.

 

Đề tài này là “đề tài khai giảng” Phật giáo, tuy đọc dễ hiểu bằng chữ nghĩalý thuyết nhưng thật sự thì rất khó “hiểu & thấy” bằng thực tạibản chất của sự sống của chúng ta.

 

Bản thân Đức Phật cũng đã nhắc đi nhắc lại, giảng đi giảng lại hàng trăm lần vấn đề “Tứ Diệu Đế” này bằng nhiều cách khác nhau ttrong suốt thời gian đi truyền dạy giáo lý của Người cho nhân loại.

 

 

 

34. Chứng ngộ Niết-bàn

Có hai điều mà chúng ta cần phải hiểu rõtin tưởng. Điều thứ nhất, như hoài bão của quyển sách nhỏ bé này đã nói nhiều lần, tất cả chúng ta đều được lên thiên đường (cõi trời hạnh phúc), chỉ cần làm Người Tốt!. Đức Phật cũng giảng dạy như vậy khi minh giảng về những kiếp sống tái sinh của mọi chúng sinh ở nhiều cõi sống khác nhau.

 

Điều thứ hai, cũng theo Đức Phật tuyên thuyết, tất cả mọi người đều có thể chứng đạt sự giác ngộ tối thượng, đó là Niết-bàn. Điều đó cũng đã thấy rõ ràng là ngay cả vào thời Đức Phật còn tại thế, hàng ngàn người tu học cũng giác ngộ Niết-bàn trở thành những bậc A-la-hán giải thoát và không còn tái sinh đau khổ nữa.

 

Giác ngộ hay hạnh phúc Niết-bàn không phải có được trong ngày một ngày hai, nhưng những bước đi chắc chắn để đi đến đích đó, người thực hành đều có thể có được trạng thái đó của tâm trong hàng ngày tiến bộ để bảo đảm về một ngày về đích trải nghiệm được Niết-bàn trọn vẹn. Sự “giác ngộ” không nhất thiết phải đạt được ngay trong một ngày, một năm hay một kiếp này, vì phần lớn mọi người đều phải đi qua từng giai đoạn tiến bộgiác ngộ từng phần. Ngày xưa Đức Phật cũng đâu giác ngộ đến Niết-bàn sau vài ngày xuất gia, mà theo Đức Phật là sau hàng bao kiếp là Bồ-tát.

 

Về phần chứng ngộ này, có bốn (04) giai đoạn dẫn đến Giác Ngộ Hoàn Toàn & Niết-bàn, đó là:

 

1. Nhập Lưu, tức đã nhập vào dòng thánh đạo. Nếu không Niết-bàn trong kiếp này, thì người chứng thánh quả Nhập Lưu sẽ đạt Niết-bàn trong 1-7 kiếp tái sinh tiếp theo, nhưng trong hiện tại và tương lai không bao giờ còn thoái chí hay rút lui khỏi con đường chánh đạo nữa.

 

2. Nhất Lai, tức là chỉ còn quay lại trần gian này một lần nữa thôi. Nếu không Niết-bàn trong kiếp này, người chứng thánh quả Nhất Lai thì sẽ đạt Niết-bàn trong 1 kiếp tái sinh tiếp theo.

 

3. Bất Lai, tức là không còn quay lại trần gian này một lần nào nữa. Nếu không Niết-bàn trong kiếp này, người chứng thánh quả Bất Lai thì sẽ tái sinh về cõi Trời Sắc Giới [3] tiếp tục tu hành để chứng ngộ Niết-bàn.

 

4. Niết-bàn, tức là trạng thái hạnh phúc “không thể nào tả được” của sự Giác Ngộ Hoàn Toàn, là sự giải thoát hoàn toàn. Người chứng ngộ được giai đoạn hay tầng thánh quả cuối cùng & cao nhất này theo ngôn ngữ của Đức Phật được gọi là một A-la-hán (Arahant). Một A-la-hán là người đã tận diệt mọi Tham, Sân, Si và xóa bỏ hết mọi “gông cùmtrói buộc ‘số kiếp’ và tâm thức. Tâm hoàn toàn trong sạch và không còn ô nhiễm hay bất tịnh, đó là trạng thái tâm tinh khiết nhất, nên đây là “hạnh phúc tối thượng”. Đức Phật khen ngợi rằng: A-la-hán thật sự là một bậc Thánh, đáng được tôn kính bởi cả người và Trời.

 

►Xem thêm “Giáo Trình Phật Học”, Chương II, III của Chan Khoon San, Nxb. Phương Đông.

 

 

 

■ Mười “Gông Cùm” Trói Buộc là gì?

(10 Samyyojanas)

 

Đó là những bản chất, bản tâm còn ô nhiễm & dính chấp, mà nếu còn, chúng sẽ trói buộc vào trong tâm thức tái sinh và những kiếp luân hồi.

 

1. Quan Điểm Sai Lầm về tự ngã (hay còn gọi là “thân kiến”). Niềm tin cho rằng không còn gì sau khi chết (tự diệt). Hoặc niềm tin cho rằng ‘linh hồn mình’, cái ‘bản ngã của ta’ là bất biến, sẽ chuyển qua kiếp khác sau khi chết. Hai quan điểm này là hai gông cùm phổ biến như đã nói trong phần “dục vọng là nguyên nhân của Khổ”.

 

2. Sự Hoài nghi, sự nghi ngờ về Phật, Pháp, Tăng (Buddha, Dhamma, Sangha), về phương pháp Tu Hành, hoặc về quy luật Nghiệp, Tái Sinh, về những chân lý của Phật pháp.

 

3. Sự Dính mắc vào những hủ tục, mê tín cho rằng: Một người chỉ có thể trong sạch và chỉ được giải thoát bằng những cách tế lễ, cúng bái mê tín một cách không đúng đắn.

 

4. Sự Dính mắc vào nhục dục, khoái lạc giác quan.

 

5. Sân hận, thù ghét, ác ý.

 

6. Kiêu căng, ngã mạn.

 

7. Bất an, lo lắng

 

8. Sự tham đắm vào tầng Thiền Sắc giớiluyến ái cảnh sống ở cõi trời Sắc giới. Đây nói về những người tu thiền định chứng đắc những tầng thiền định tương đương với sự hỷ lạc của cảnh trời Sắc giới.

 

9. Sự tham đắm tầng Thiền Vô Sắc giới và luyến ái cảnh sống ở cõi Vô Sắc giới. Đây nói về những người tu thiền định chứng đắc những tầng thiền định tương đương với sự hỷ lạc của cảnh trời Vô Sắc giới.

 

10. Vô minh, ngu dốt.

 

 

► Trong Mười Gông Cùm đó thì:

 

(1) Những gông cùm 1, 2, 3 được gỡ bỏ ở giai đoạn giác ngộ đầu tiên là Nhập Lưu (Sotapanna).

 

(2) Những Gông cùm số 4, 5 chỉ được làm yếu đi, làm giảm thiểu ở giai đoạn giác ngộ thứ hai là Bất Lai (Sakadagamin), nhưng sẽ được diệt sạch ở giai đoạn thứ ba là Nhất Lai (Anagamin).

 

(3) Trong khi đó, tất cả mọi gông cùm còn lại đều bị phá bỏ & diệt sạch bởi giai đoạn giác ngộ thứ tư là tầng thánh quả A-la-hán (Arahant), chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát hoàn toàn.

 

 

► Ngoài Đức Phật, rất nhiều sư thầy bậc chân tu đã thường khuyên rằng: Tất cả chúng ta hãy nên cố gắng tu tập, Làm người tốt!, để tối thiểu cũng được lọt vào giai đoạn thứ nhất là “Nhập Lưu”, tức là ít nhất trong kiếp này chúng ta cũng nên “đã bước được vào được con đường thánh đạo”. Điều này là hoàn toàn nằm trong khả năng của tất cả mọi người, dù người đó là Tăng, Ni hay Phật tử tại gia chân chính & tất cả những ai đang cố gắng để trở thànhNgười Tốt!”.

 

Điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin chính đáng vào Đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và sống theo “Con Đường Tám Phần” tốt đẹp (Bát Chánh Đạo). Nếu có sự tâm nguyện, sự cam kết và chân thành, thì khả năng là hoàn toàn có được trong kiếp sống này!. Vì kiếp sống này là kiếp may mắn nhất, được làm người, được nghe học chân lýgiáo pháp của Đức Phật.

 

Ta chỉ có một đời để ước mơ và sống”. Vậy hãy biết ước mơ cao đẹp và bước vào thực hành “Con đường” để cho ước mơ & tâm nguyện được trở thành. Còn vấn đề chứng ngộ Niết-bàn ở kiếp này hay tận những bảy kiếp sau này…chỉ là vấn đề thời gian. Những đại đệ tử của Đức Phật vào thời Đức Phật cũng đã tu tậplàm công đức trong rất nhiều kiếp trước đến khi quay lại kiếp làm người này mới đạt được giác ngộ Niết-bàn.

 

Bạn đã và đang ước mơ thực hành những việc làmlối sống cao đẹp để trở thànhNgười Tốt!”, để mang lại phúc lành cho kiếp sau, để có thể được tái sinh về những cõi trời hạnh phúc, được sống đại thọ bằng mấy chục ngàn năm trái đất. Vậy tại sao bạn không ước mơ thêm và phấn đấu thêm những bước nữa để có thể giác ngộ giai đoạn đầu tiên là “nhập vào dòng thánh đạo”, để có thể tái sinh ngay lại làm người hay về một cõi trời bình antiếp tục tu hành đến giác ngộ?. Những ước mơ đó cho dù là những ước muốn rất lớn lao, nhưng bạn hoàn toàn có thể có được nếu đã & đang nỗ lực “Làm người tốt!”, đã tạo nhiều phước đứcthiện nghiệp.

 

Nếu có được cơ duyên quay lại trần gian tuyệt đẹp này thì đó không phải là điều thú vị nhất của chúng ta hay sao?. Trần gian đầy buồn vui, có khổ đau và sung sướng, có nước mắt và nụ cười, hy vọngnão nề, có nhiều hoàn cảnh như địa ngục & như thiên đàng, ta lại có “sân chơi” để làm người, để tu tập lên những tầng giải thoát cao hơn đáng mơ kia.

 

 

■ “Những Kết Quả Của Con Đường Chánh Đạo”

 

Còn gọi là những “Thánh Quả” hay “Đạo Quả” của việc tu tập theo con đường Thánh Đạo. Kết Quả ở đây là sự chứng ngộ ở bốn “giai đoạn” của con đường đạo vừa mới nói trên.

 

Theo Đức Phật, nếu bạn liên tục giữ giới & tu tập một cách nhiệt thành, mỗi ngày bạn cũng đã “thưởng thức” được những “Niết-bàn” nho nhỏ, đó là những tâm trạng hạnh phúc & an bình của từng những hành động thiện lành, hành động công đứcthiền tập đúng đắn. Những hương vị nho nhỏ của Niết-bàn đó lại chính là những niềm khích lệ và yên ủi cho ta tiếp tục tinh tấn, cố gắng tu tập hơn để tiến bộ nhanh hơn về tâm linh.

 

Còn nếu bạn có khả năng đi xa hơn (như những bậc chân tu xuất gia), thì bạn lại có được hương vị cao siêu hơn của hạnh phúc giải thoát. Đó là kết quả hay đạo quả Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai & A-la-hán. Bốn bậc giác ngộ này được gọi là thánh quả và những ai thật sự có được một trong những thánh quả này thì được gọi là những bậc thánh nhân.

 

Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì bốn thánh quả này là mục tiêu chính và tối thượng trong việc tu hành của những Phật tử xuất giatại gia. Còn theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa thì mục tiêu của họ thậm chí còn cao hơn, là nhắm đến quả vị Phật sau khi đã là Bồ-tát với hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, cùng tu tập giải thoát

 

 

 

35. Không còn bị ảnh hưởng bỏi thăng trầm thế tục

Đời người là một chuỗi dài của những sự thay đổi và vô thường liên tục. Cuộc đời của bất kỳ chúng sinh hay hiện tượng tự nhiên nào cũng vậy. Có những đổi thay làm ta vui, có những vô thường làm cho ta buồn. Đó là bản chất tự nhiên của sự sống, thay đổi luôn luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi, bên trong và bên ngoài của chúng ta.

 

Vì vậy, nếu chúng ta đã biết, đã chấp nhận “bản chất luôn thay đổi” của mọi sự trên đời, ta không còn phải bức xúc, buồn lo, bất ngờ và bất hạnh với chúng. Mặt khác, chúng ta “sửa” lại cách nhìn và tình cảm, tức là tu tập tính buông xả, khinh an, là cứ bình an trước những thăng trầm của cuộc đời. Xả bỏ mọi thứ, không bị những điều kiện trần gian, đắng cay ngọt bùi cho đến những “gian manh loài người”…làm ảnh hưởng đến tâm của mình. Giống như một ví dụ nhỏ nhưng rất tương tự: Nếu đã biết một người bị bệnh thần kinh, thì còn chấp lời nói của anh ta là điên khùng để làm gì.

 

Những người tu tập được đức tính cao quý này thường luôn tự tại, tự chủ, tâm khinh an và lòng nhẹ như mây trời. Không phải chỉ trong kinh điển Đức Phật dạy vậy, mà bản thân tôi cũng nghe nhiều sư thầy nói vậy. Đó không phải là bản chất dễ tu tập ngay từ đầu. Vậy cái gì là những đổi thay, thăng trầm hay ô trược trong cuộc đời chúng ta? Loài người thường quan tâm, vui mừng & bất hạnh với những thăng trầm nào?

 

Đó là những:

 

Được & mất

Vinh & nhục

Khen & chê

Sướng & khổ

 

Người đã hướng về đạo, đã học được chân lý vô thường từ Đức Phật, thì sự hiểu biết, tư duy đã không còn phải bị lạc lỏng, bị lung lay với những thay đổi. Tuy nhiên, việc tu tập đến giai đoạn này là phải thật sự tu tập, thật sự sở hữu được đức tính buông Xả này trong tâm mình, chứ không phải bằng sự hiểu biết thông thường nữa. Ý Phật trong kinh này ngay chỗ câu này là vậy. “Xả” là một bản tâm khó tu tập được và cần phải có được nó một cách “thực sự” trong giai đoạn giác ngộ cao nhất này. Đó cũng là một phẩm chất trong bốn “Tứ Vô Lượng Tâm” (Từ, Bi, Hỷ, Xả).

 

 

 

36. Vô ưu: Không còn phiền não

Buồn, những nỗi buồn, phiền não, u sầu, đau khổ và lo toan là một phần của cuộc đời chúng ta.

 

Tùy theo duyên đến với mỗi người theo nghiệp, đối với nhiều người thì những phần phiền não này chiếm đa số cuộc đời hơn những niềm vui thoáng qua. Bạn đã biết, những niềm vui chỉ là những phút giây không phiền muộn mà thôi. Những “niềm vui phàm trần cũng nằm trong những nỗi buồn”, cũng như những trạng thái sung sướng, hỷ lạc cũng từ đau khổ, cũng từ sự so sánh, đối đãi với khổ đau mà có thôi.

 

Ở đây đang không phải nói về một triết lý bi quan, mà là thực tế. Con ngườichúng sinh sống và chạy theo giải quyết những nhu cầu về nhục dục, khoái lạc giác quan (5 giác quan thể xác & 1 giác quan tâm ý), để có được niềm sung sướng so với những bất hạnh từ khổ đau. Như vậy bản chất của cuộc đời không là “khổ” thì là gì!. Nếu cuộc đời mang đầy bản chất sung sướng, “không khổ” (như một số cõi trời, thiên đàng), thì con ngườichúng sinh đâu mang bản chất luôn “thiếu & chạy theo” dục vọng suốt đời, mọi lúc mọi nơi, chỗ này, chỗ khác như Đức Phật đã nhìn thấy và chỉ dạy. Sự thậtcon người bản năng luôn thấy “thiếu & chạy theo” những chu cầu khoái lạc về thể xác và tinh thần thì đó là điều “Khổ” và “bất toại nguyện”, chính là “Khổ”.

 

Sung sướng và đau buồn luôn đến rồi lại đi. Quy luật của vô thường là vậy, chúng ta cũng đã học từ Phật. Nhưng đến giai đoạn này, cũng giống như đức tính “buông xả, khinh an” trên đây, chúng ta cũng cần tập và dẹp bỏ mọi phiền não, rồi chúng ta trở thành “vô ưu”. Người gần đạt đến giác ngộ viên mãn không còn bao giờ biết buồn gì nữa, không phải là vô tình cảm, lảnh đạm mà là vô ưu, không buồn, không ưu phiền, không sầu muộn về bất cứ điều gì trong đời nữa.

 

 

 

37. Vô nhiễm: Không còn bị ô nhiễm

Có nghĩa là tâm đã hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh. Những bất tịnh như tham, sân, si là biểu hiện của dục vọng, là những nguyên nhân, gốc rễ của khổ đau và bất toại nguyện đã được diệt sạch. Theo kinh điển Phật giáo và những giảng dạy của những bậc giác ngộ thì ngay cả những dấu vết vi tế, mờ nhạt nhất (như ý muốn, ý không thích, ý không quan tâm hay giả vờ làm ngơ…) của những ô nhiễm này cũng phải được quét sạch thì mới là “vô nhiễm” trong giai đoạn thánh thiện này.

 

Nên đây là điều kiện cần phải có và phải tu tập được mới đem lại hạnh phúc sau cùng viên mãn. Không có được sự “vô nhiễm” này thì không thể gọi là “điềm lành” tối thượng. Vô nhiễm là từ dùng để mô tả trạng thái thân tâm của những bậc giải thoát, bậc A-la-hán thánh thiện.

 

 

 

38. Đạt được niềm hạnh phúc & an lạc viên mãn

Đó là điều Đức Phật nói về kết quả của những việc tu tập của những 37 điều kiện trên, những phẩm chất tu tập được này, như là “điềm lành” thiết thực, thay vì trông đợi vào những “điềm lành” từ phương nào mang đến. “Điềm lành” để mang lại những phúc lành, những hạnh phúc cao quý nhất là ở ngay tại bên trong và sự tu tập của mỗi người, không phải từ bên ngoài.

 

Hạnh phúc viên mãn, bền lâuhạnh phúc thường hằng như Đức Phật đã nói về trạng thái an lạc của Niết-bàn, không phải bị thay đổi và bất toại nguyện như mọi hạnh phúc khác, mọi pháp khác của đời sống thế tục.

 

Bạn nên biết rằng: ngay cả những ‘cảm giác’ hỷ lạc Niết-bàn “nho nhỏ” mà mỗi người có thể trải qua trong những bước tu tập ban đầu cũng là những cảm giác không bao giờ phai nhạt hay mất đi. (1) Cảm giác thân tâm sạch sẽ & an lạc, thư thái trong việc giữ gìn giới hạnh, không dính vào chuyện xấu ác, hoặc (2) cảm giác hạnh phúc một cách thanh tịnh sau khi làm một hành động bố thí & công đức đúng nghĩa, hay (3) sự đồng cảm & tùy hỷ với những người đang làm công đứccảm giác cao đẹp…tất cả sẽ còn khắc ghi mãi, không chán chường, không mai một, không bị thay đổi hay phai mờ.

 

Mà đó là hạnh phúc của sự thanh tịnh & giải thoát “từng phần”, của sự tiến bộ tâm linh từng phần trên con đường tu tập…cho đến hạnh phúc & an lạc tròn vẹn của Niết-bàn. Đó là niềm hạnh phúc & an lạc thuần khiết, không bị thay đổi, không bị bất toại nguyện. Có lẽ đó cũng là lý do tu hành và “lẽ sống” của những người theo đạo Phật, hơn là những lý do tầm thường là “tu” để đổi chác số phận, mưu cầu tha lực hay sự cứu rỗi cho mệnh hệ của mình.

 

►Hãy suy nghiệm, những cảm giác sung sướng về vật chấttinh thần của đời sống thế tục, như nhục dục, tâm dục…, sau khi có được luôn luôn bị mất đi hoặc luôn thay thế bằng những cảm giác chán chường và bất toại nguyện. Còn cảm giác hạnh phúc về tâm linh, dù nhỏ hay lớn, dù từng phần hay trọn vẹn, thì luôn còn mãi trong tâm trí.

 

Một ví dụ, những cảm giác hạnh phúcbồi hồi xúc động về công đức của “Người Thầy” (Đức Phật) trong một chuyến hành hương thăm viếng những di tích về Đức Phật chắc chắn sẽ còn mãi mãi trong tâm của người hành hương, vì đó không phải là cảm giác thế tục hay thỏa mãn nhu cầu thế tục, mà đó là một cảm giác & niềm hạnh phúc tột bậc về mặt tâm linh, thoát tục, một hành động công đức lớn lao khi đi chiêm bái Phật tích. Những phút giây đó cũng có thể là một Niết-bàn “nho nhỏ” trong tâm của mỗi người, và không bao giờ thay đổi. Cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn mỗi khi bạn hồi tưởng về nó: không phai nhạt, không chán chường.

 

Vì vậy, Niết-bàn là “trạng thái tâm” hạnh phúc hoàn hảo và có được sự an lạc lâu bền, tuyệt đối. Đó cũng là niềm hạnh phúc của sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi đau khổ của trần gian và khỏi luân hồi trong muôn nẻo tái sinh từ vô thủy.

 

 

 

 

Tóm lại:

 

Những ai làm theo lời dạy này

Sẽ có ngày được an lạc viên mãn

Sẽ chứng ngộ hạnh phúc Niết-bàn

Niết-bàn ở mọi lúc mọi nơi trong đời

Trong từng bước tu tậpcông đức

Đó là 38 “Điềm Lành” Cao Nhất.

 

 

 


 

“Bằng cách tu tập 38 điều kiện mang lại phúc lành này, bạn sẽ có được Một Đời Sống Phúc Lành!”

 

 

Theo kinh điển ghi lại, ngay sau khi Đức Phật giảng dạy “Kinh Điềm Lành” này, rất nhiều chúng sinh, trong đó có Trời, thiên thần & người, đã giác ngộ được những thánh quả như Nhập Lưu, Nhất Lai & Bất Lai.

 


 

 

 

 

 

▲ Sách & Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. “A Discourse on the Ariyavasa Sutta” (Bài Thuyết giảng về “Kinh Thánh Cư”) – tác giả Thiền sư Mahasi Sayadaw, Miến Điện.
  2. “An Exposition of the Mangala Sutta” (Giảng giải về “Kinh Điềm Lành”) – tác giả Thiền sư Bikkhu Pesala.
  3. “Liberation - Relevance of Sutta-Vinaya” (Giải thoát – Sự Tương Quan của Kinh tạng- Luật tạng), tác giả Trưởng lão thiền sư Dhammavuddho Thera.
  4. “Life’s Highest Blessings” (Phúc Lành Cao Nhất trong đời sống) – Tiến sĩ R. L. Soni.
  5. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của Ngài K. Gunaratana.
  6. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của Trưởng lão Narada Thera.
  7. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của – Piya Tan.
  8. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của Thiền sư Thanissaro Bikkhu.
  9. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của Thiền sư Sayadaw Ashin Nyanissara.
  10. “Mangala Sutta” (Kinh Điềm Lành) – bản dịch của Ngài K. Gunaratana.
  11. “The 38 Blessings” (38 Điềm Lành) – giảng luận của Đại Trưởng lão U Nanadicca Maha Thera.
  12. “The 38 Supreme Blessings” (38 Phúc Lành Tối Thượng) – Ngài Punnadhammo Bikkhu giảng luận.
  13. “The Workings of Kamma” (Sự Vận Hành của Nghiệp) – tac giả Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw.
  14. “These are the Highest Blessings” (Đây là những Phúc Lành Cao Nhất) – tác giả Kathryn Guta.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thay Lời Kết

 

 

Đức Phật đã nhận thấy rằng không phải ai cũng có duyên, cũng sẵn sàng hay thích hợp cho một đời sống nghiêng về phần tu dưỡng đạo đức & tâm linh. Phần lớn người đời đều ‘bằng lòng’ với tư cách là người phàm, ở nhà, làm ăn, làm nghề xã hội và hưởng thụ đời sống phàm trần. Hầu hết đều cho rằng cuộc đời đẹp là cuộc đời lớn lên, sinh tồn và hưởng những khoái lạc vật chấttinh thần theo xu thế tiến hóa của xã hội, còn đời sống tâm linh phạm hạnh là điều xa vời, thậm chí là không tưởng.

 

Theo Đức Phật thì không có gì là sai trái khi người ta thích hưởng thụ cuộc sống tại gia cùng gia đình, mưu cầu làm giàu vật chất và hưởng thụ hạnh phúc cuộc sống. Tuy nhiên, Đức Phật chỉ muốn nhấn mạnh với Phật tử chúng ta rằng việc theo đuổi hạnh phúc của mình không nên phải trả giá bằng “chi phí” của người khác, có nghĩa là việc sống, làm giàu và hưởng thụ phải chân chính, không gây hại ít nhiều cho người khác. Nếu việc sống, sự giàu có và hưởng thụ là không lương thiện thì những loại hạnh phúc đó rất mong manh và thường chỉ quay về đau khổ mà thôi. Đó là phần Đức Phật dạy chúng ta về làm giàu, tích lũy tài sảnduy trì một cuộc sống ấm no, ổn định và chân chính.

 

Mọi người đều có thể thấy những điều được viết ra trong quyển sách này là những điều rất dễ hiểu, rất “chung”, rất hợp với những luân thường đạo lý, dù bạn đang ở trong xã hội nào hay nền văn minh nào. Chỉ có điều không may là chỉ số ít trong chúng ta chịu thực hành những điều hay lẽ thật về đạo đức này mà chúng ta có lẽ đều đã công nhận!. Những lời khuyên dạy thực tiễn của Đức Phật chỉ ra và nhắc nhở chúng ta dẫn dắt cuộc sống của mình hướng thiện cho lợi ích của bản thân mình và góp phần cho lợi ích của xã hội, cho con cái chúng ta trong hiện tại và trong những tương lai sau này.

 

Một đời sống vật chất, gia đình hạnh phúc với những tâm nguyện bi mẫn và công đức cho tha nhân, cộng với hạnh nguyện tu tập về đạo đức & tâm linh thì còn gì đáng mong, đáng làm hơn!. Không lẽ ta sinh ra chỉ từ vật chất và những dục vọng phàm phu hay sao, còn cái gì là phần tâm linh của mỗi người?. Hãy dành “một phần” của cuộc sống ngắn ngủi này cho những ý nghĩa và sự tiến thân về tâm linh.

 

Hãy dành thời gian để thử chiêm nghiệmthực hành vài điều trong những lời dạy này của Phật. Phần nhiều là, nếu không quá khó khăn hay do quá nhiều nghịch duyên, thì bạn sẽ thấy ngay được sự an bình & hạnh phúc của việc thực hành đó. Thực hành và có được sự hạnh phúc & niềm an lạc, đó chính là sự nhiệm mầu của Phật pháp, chứ không phải sự nhiệm mầu theo những ý nghĩa xa xôi mơ hồ nào khác. Đức Phật đã từng nói rằng những người sống gần với giáo lý, gần với những bậc trí hiền mà không chịu hiểu biết (& thực hành) chân lý Phật pháp, thì cũng như cái muỗng nằm trong nồi canh nhưng chẳng nếm được vị canh. Ngày nay, những phương tiện, kinh sách giảng dạy giáo lý có mặt ở khắp nơi, bạn nên dành thời gian tìm học và thực hành, vì quyền lợi và sự an bình của bản thân mình. Bạn chỉ cần mở một cái máy vi tính cũng có thể tiếp cận ngay một kho tàng kinh điểngiảng giải thực hành.

 

Và khi thấy được giáo lý nhà Phật là mang lại ích lợihạnh phúc cho bạn, bạn hãy chia sẻ cho người khác cùng biết và thấy. Vì chia sẻ sự hiểu biếthạnh phúc của mình cũng là một sự thực hành cho hạnh phúc.

 

Cuối cùng, như Phật đã dạy: “Điều gì gây hại cho người và cho mình, thì đừng làm. Còn điều gì mang lại lợi lạc cho mình và cho người, thì nên làm”.

 

Tương tự vậy, điều gì ở đời mang lại phúc lành cho mình và cho người thì nên làm. Từ đó, “Sự thực hành nào trong đời sống thế tụctâm linh mang lại hạnh phúc chân chínhbền lâu cho mình, thì nên làm và tiếp tục làm”.

 

Ngay cả nếu có thần thánh ban phước, thì “Có điều gì thần thánh ban cho đáng mong ước hơn là một giờ hạnh phúc?. Và có điều gì đáng quý nếu nó không mang lại hạnh phúc cho chúng ta?” (Catullus & Richard O. Cambridge).

 

Tất cả chúng ta đều sống với mục đích là được hạnh phúc; cuộc đời của mỗi chúng ta đều khác nhau và tuy thế lại giống như nhau,…và tất cả chúng ta đều sẽ chết” (Anne Frank & William Boyd).

 

Trong những ngày này, ta chỉ có một đời để sống!. Rồi trong một mai hữu hạn ta lại ra đi. Đó là trang buồn trong quyển sách tung tăng & phiêu linh của một đời người. Không phải điều đó buồn vì chúng ta bi quan, mà vì đó là một sự thật không bao giờ thay đổi được.

 

Người đã đến rồi người sẽ về bên kia núi.

Từng câu nói…là từng cánh buồm giong cuối trời.

(Trịnh Công Sơn)

 

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Mà mỗi ngày lại dửng dưng trôi qua…Vậy hãy làm mỗi ngày thành một ngày có ý nghĩa, đầy những “câu nói… hành động, ý nghĩ” có ý nghĩa cho mình và mọi người, để mai này khi “về bên kia núi” mình có đủ hành trang là những những cơn gió nghiệp lành, căng “cánh buồm” vượt qua biển đêm đen tối, về nơi một bến bờ an lạc.

 

 

Hãy thử đi tìm bình an & hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, theo công thức Hãy làm người tốt!để có một tương lai tốt đẹp, một kiếp sau tốt lành, không mờ mịtsợ hãi.

 

Và 38 điều kiện tu tập mang lại phúc lành sẽ dẫn chúng ta đến những niềm an lạc & hạnh phúc tâm linh thoát tục và tinh khiết nhất, và trước mắt dẫn dắt “Một đời sống phúc lành!” nhẹ nhàng ngay trong kiếp này.

 

 

▬ Xin cầu chúc bạn gặp nhiều may mắn và kỳ duyên trên con đường đi tìm chân hạnh phúc!.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Đức Phật:

 

“Giống như một ngọn nến không thể cháy mà không có lửa, người ta không thể sống mà không có một đời sống tâm linh!”

 


 

 



[1] Còn được gọi là “Kinh Sigala” hay “Kinh Thiện Sinh”, tùy theo cách dịch và gọi tên trước đây của mỗi người.

[2] Nhiều sư thầy khác dịch là “Kinh Hạnh Phúc”, “Kinh Phước Lành”. Thiền sư Nhất Hạnh thì dịch là “Kinh Phước Báu”.

[3] Được gọi là cõi Trời Suddavasa hay cõi Tịnh Cư Thiên (HV).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 34219)
Phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó, phát triển tuệ giác ấy...
(Xem: 16804)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
(Xem: 22837)
Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, giúp con soi tỏ những giọt mồ hôi không hình nơi mẹ. Nhưng phải tự khi làm mẹ, mới thấu vô vàn cái nhọc mẹ mang.
(Xem: 12979)
Ra khỏi bóng tối - Thích Nữ Diệu Nghiêm dịch
(Xem: 21839)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
(Xem: 22058)
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếubáo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
(Xem: 14820)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
(Xem: 23433)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
(Xem: 23981)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chấttâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
(Xem: 23519)
Quyển "THIỀN QUÁN - Tiếng Chuông Vượt Thời Gian" là một chuyên đề đặc biệt giới thiệu về truyền thống tu tập thiền Tứ Niệm Xứ của đức Phật dưới sự hướng dẫn của thiền sư U Ba Khin.
(Xem: 17065)
Tôi đã lắng nghe Krishnamurti suốt nhiều ngày. Tôi đến những nói chuyện của ông, tham gia những bàn luận, ngẫm nghĩ...
(Xem: 19278)
Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thícông đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng” ... Thích Chân Tính
(Xem: 26912)
Phật-pháp là trí tuệ thực nghiệm dạy chúng ta nhận định được bản chất căn bản của chúng tagiải thoát chúng ta khỏi sự sa đọa thành nạn nhân đối với những huyễn tượng...
(Xem: 14337)
Hiện nay câu hỏi này là một quan tâm chính đối với mọi người, bởi vì khoa học và công nghệ hiện đại đã phơi bày rõ ràng những khả năng xảy ra sự hủy diệt to tát.
(Xem: 13788)
Điều gì cần thiết là một cái trí không bị hành hạ, một cái trí rất rõ ràng. Và một cái trí như thế không thể hiện diện được nếu nó có bất kỳ loại thành kiến nào.
(Xem: 22615)
Đức Phật Thích Ca Mâu NiPhật Bảo. Ba tạng kinh luật luận do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết ra là Pháp Bảo. Chư tăng đệ tử xuất gia của Phật đàTăng Bảo.
(Xem: 14668)
Điều lạ thường nhất về sống của Krishnamurti là những lời tiên tri được nói về anh trong thời thanh niên đã thành hiện thực, tuy nhiên trong một hướng khác hẳn điều gì được mong đợi.
(Xem: 17282)
Để có thể lắng nghe thực sự, người ta nên buông bỏ hay gạt đi tất cả những thành kiến, những định kiến và những hoạt động hàng ngày.
(Xem: 12596)
Nhìn vào toàn chuyển động của sống này như một sự việc; có vẻ đẹp vô cùng trong nó và năng lượng vô hạn; thế là hành động là trọn vẹn và có sự tự do.
(Xem: 13771)
Lúc này chúng ta hãy quan sát điều gì đang thực sự xảy ra trong thế giới; có bạo lực thuộc mọi loại; không chỉ phía bên ngoài mà còn cả trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta.
(Xem: 10335)
Một cái trí chuyên biệt hóa không bao giờ là một cái trí sáng tạo. Cái trí mà đã tích lũy, mà đã đắm chìm trong hiểu biết, không thể học hành.
(Xem: 14609)
Khi năng lượng không bị hao tán qua sự tẩu thoát, vậy thì năng lượng đó trở thành ngọn lửa của đam mê. Từ bi có nghĩa đam mê cho tất cả. Từ biđam mê cho tất cả.
(Xem: 17134)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạoBồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
(Xem: 12472)
Chúng tathói quen tạo ra một trừu tượng về sợ hãi, đó là, tạo ra một ý tưởng về sợ hãi. Nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ lắng nghe tiếng nói của sợ hãi đang kể câu chuyện của nó.
(Xem: 12635)
Có một khác biệt giữa không gian bên ngoài, mà vô giới hạn, và không gian bên trong chúng ta hay không? Hay không có không gian bên trong chúng ta gì cả và chúng ta chỉ biết không gian bên ngoài mà thôi?
(Xem: 10301)
Chúng ta là kết quả của những hành động và những phản ứng của mỗi người; văn minh này là một kết quả tập thể. Không quốc gia hay con người nào tách rời khỏi một người khác...
(Xem: 28626)
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốttình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta.
(Xem: 10636)
Sự liên hệ giữa bạn và tôi, giữa tôi và một người khác, là cấu trúc của xã hội. Đó là, liên hệ là cấu trúc và bản chất của xã hội. Tôi đang đặt vấn đề rất, rất đơn giản.
(Xem: 11066)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
(Xem: 16824)
Phật pháp cho trẻ em - Tác giả: Jing Yin và Ken Hudson - Minh họa: Yanfeng Liu - Biên soạnchuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Xem: 15717)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
(Xem: 13289)
Khai sáng không lệ thuộc thời gian. Thời gian, ký ức, hồi tưởng, nguyên nhân – chúng không tồn tại; vậy thì bạn có thấu triệt, thấu triệt tổng thể.
(Xem: 12505)
Sự lèo lái của sinh lý học, mặc dù là một phần của điều mà phương Tây chúng ta gọi là “tự nhiên,” từ quan điểm Phật giáo, chính là một phần cơ cấu của luân hồi sinh tử.
(Xem: 11275)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
(Xem: 12963)
Thiền định là hành động mà đến khi cái trí đã mất đi không gian nhỏ xíu của nó. Không gian bao la này mà cái trí, cái tôi, không thể đến được, là tĩnh lặng.
(Xem: 19241)
Lắng nghe là một nghệ thuật không dễ dàng đạt được, nhưng trong nó có vẻ đẹp và hiểu rõ tuyệt vời. Chúng ta lắng nghe với những chiều sâu khác nhau của thân tâm chúng ta...
(Xem: 12183)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổhân hoan của nó.
(Xem: 28466)
Sách này đặt tên "Kiến Tánh Thành Phật", nghĩa là sao? Bởi muốn cho người ngưỡng mộ tên này, cần nhận được lý thật của nó. Như kinh nói: "Vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật".
(Xem: 9999)
Chúng ta dường như không bao giờ nhận ra rằng nếu mỗi người chúng ta không thay đổi triệt để trong căn bản thì sẽ không có hòa bình trên quả đất...
(Xem: 21410)
Các sự gia hộ được nhận qua các luận giảng này về sáu giai đoạn chuyển tiếp giống như một con sông nước dâng cao vào mùa xuân...
(Xem: 12750)
Kêu gọi thế giới là tựa của một quyển sách vừa được phát hành tại Pháp (ngày 12 tháng 5 năm 2011), tường thuật lại cuộc tranh đấu bất-bạo-động của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hơn nửa thế kỷ nay...
(Xem: 17771)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
(Xem: 26066)
Đức Phật đã dạy chúng ta những cách sửa soạn bản thân cho sự chết bí ẩn và tận dụng những trạng thái của sự chết để tu tập. Nhiều vị Thầy đã viết sách về đề tài này.
(Xem: 11643)
Tốt lành chỉ có thể nở hoa trong tự do. Nó không thể nở hoa trong mảnh đất của thuyết phục dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không dưới bất kỳ cưỡng bách nào...
(Xem: 10797)
Mọi hình thức thiền định có ý ‎thức không là một sự việc thực sự: nó không bao giờ có thể là. Cố gắngdụng ý khi thiền định không là thiền định.
(Xem: 22641)
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã có thể từ chỗ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu nhân sinh mà có được.
(Xem: 11982)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
(Xem: 10560)
Trước khi thành Thiền sư, Trúc Lâm đại sĩ đã từng làm vua nước Đại Việt. Đó là vua Trần Nhân Tông, người đã từng đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.
(Xem: 11343)
Tất cả mọi pháp hiện hữu, bắt đầu là cái Tôi, chẳng là gì cả ngoại trừ là những thứ được định danh. Không có các uẩn, không có thân, tâm, ngoại trừ những gì đã được ta quy gán.
(Xem: 11479)
Tư tưởng vị tha mong đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh là một quan điểm vô cùng kỳ diệu! Khi bạn phát bồ đề tâm, bạn bao gồm tất cả mọi người, mọi loài trong ý tưởng làm lợi lạc cho họ.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant