Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Chương 11

16 Tháng Ba 201200:00(Xem: 4301)
Chương 11

 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1993, tái bản năm 1995

oOo

 

Chương mười một

 

 

Xe chúng tôi đi không phải chỉ có mười hai chú tiểu mà còn có thầy Thiện Đức (giữ chức Giám luật) thay mặt Phật học viện Linh Sơn, đưa chúng tôi đi nhập học Phật học viện Trung đẳng. Ngoài ra còn có chú Tâm Hạnh (ở Phan Rang ra), chú Tâm (ở viện Hải Đức) theo xe để ra Đà Nẵng nhập học Phật học viện Trung Đẳng Phổ Đà.

Tôi được biết chú Tâm Hạnh vào thời gian này. Chú ấy là đệ tử lớn nhất trong số các đệ tử xuất gia của thầy tôi. Chú đã mười tám tuổi và đã thọ Sa-di thập giới (kể theo giới pháp, Sa-di có hai bậc: Sa-di ngũ giới và Sa-di thập giới), trên chúng tôi một bậc, nghĩa là chú ấy giữ mười giới chứ không phải năm giới như bọn tiểu chúng tôi. Chú ấy còn là bạn học cùng lớp của một người anh ruột tôi, đã có đôi lần ghé nhà tôi lúc tôi chưa xuất gia, cho nên chuyện kết thân giữa tôi và chú cũng khá nhanh chóng. Rất tiếc là chỉ trong một thời gian ngắn trên chuyến xe.

Vì xe đã được viện thuê bao nguyên chuyến từ Nha Trang ra Đà Nẵng nên tài xế không dừng lại rước khách giữa đường. Xe chạy khá nhanh, đến khoảng bốn giờ chiều đã đến Phật học viện Phổ Đà. Chú Tâm Hạnh và chú Tâm nhập học ở đây, nhưng thầy Thiện Đứctoàn bộ bọn tiểu chúng tôi cũng phải xuống xe–vì theo hợp đồng thì tài xế không có bổn phận đưa chúng tôi đi Hội An. Loay hoay buổi chiều không thuê được xe đi Hội An, thầy Thiện Đức xin phép ban giám đốc Phật học viện Phổ Đà cho chúng tôi nghỉ lại một đêm tại đây trước khi đi Hội An vào buổi sáng kế tiếp.

Đường dẫn vào Phật học viện Quảng Nam, hai bên là đồng ruộng mênh mông. Khúc đường ngang ruộng trở thành như con đê, hay có thể nói chính con đê của ruộng đã trở thành con lộ chính của vùng này thì đúng hơn. Tre trồng dày đặc ở những khoảng có nhà cửa. Chỉ có những khoảng ấy là có bóng mát dễ chịu. Qua khỏi khu nghĩa trang Tin Lành, chúng tôi đã có thể nhìn thấy Phật học viện từ xa.

 

Phật học viện Quảng Nam được thành lập tại chùa Long Tuyền do Thượng tọa Thích Chơn Phát trụ trì. Với ý nguyện giáo dục học tăng trẻ, Thượng tọa biến ngôi chùa Long Tuyền thành Phật học viện để góp phần chung lo việc đào tạo tăng tài cho Giáo hội. Như vậy, đối vói chùa Long Tuyền, Thượng tọatrụ trì; đối với Phật học viện, Thượng tọagiám viện. Chùa Long Tuyền có nhiều cây cao, đem lại màu sắc tươi xanh và bóng rợp an lành cho cả khu đất rộng lớn. Có điều, gần hai dặm vuông vây hết mặt phải và chính diện của ngôi chùa là mộ địa. Như vậy, có thể nói, Phật học viện Quảng Nam như một hải đảo xanh um nổi lên giữa một đại dương mồ mả và cát trắng. Những ngôi mộ cái lớn cái nhỏ, cái cũ cái mới, chen chằng chịt, san sát nhau, có vẻ như vô trật tự. Nghe đâu quá nửa dân Hội An và các xã lân cận đều đem chôn người thân của họ ở khu nghĩa địa vô danh không có tường rào này. Còn phía sau lưng chùa là một trại lính đồn trú trên bãi cát rộng. Trước kia đồn này do một tiểu đoàn lính Bạch Mã của quân đội Đại Hàn đóng quân, nay giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chùa và trại lính này cách nhau một con đường nhựa; con đường này dẫn đến Ngũ Hành Sơn Non Nước và có thể thông đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, lâu lâu mới có một đoàn công-voa sử dụng con đường ấy. Tuyến đường ngắn và tiện lợi nhất cho Hội An – Non Nước là con đường nhựa này, vậy mà người ta đã phải chọn con đường dài gấp ba lần hơn bằng cách chạy vòng đến ĐÀ Nẵng qua ngã Vĩnh Điện (Điện Bàn) rồi từ Đà Nẵng mới chạy về Non Nước qua ngã cầu Đà Lách. Lý do là tuy con đường hãy còn sờ sờ ra đó, nhưng đã bị cắt từ lâu vì mất an ninh–xe cộ chạy trên đường ấy thường bị chận lại bởi các du kích quân cộng sản. Bên trái của chùa, từ ngoài nhìn vào, là đất của xã Cẩm Hà. Xã này đất rộng người thưa. Đất đai ở đây là loại đất pha cát, thứ cát trắng y hệt như cát ở bãi biển, nên có trồng trọt gì người ta cũng phải bón phân đầy đủ thì cây mới mọc nổi. Nếu diễn tả theo kiểu người đời thì đây là vùng đất mà chó ăn đá, gà ăn muối. Chùa Long Tuyền tọa lạc trên vùng giáp ranh giữa xã Cẩm Hà và thị xã Hội An. Buổi tối, từ sân chùa nhìn về hướng đông nam, tôi có thể nhìn thấy điện đèn phố Hội ánh lên từng luồng sáng sau những rặng cây cao rậm của trường Trần Quý Cáp.

Chùa Long Tuyền được khai sơn gần bảy mươi năm trước bởi Hòa thượng Phổ Thoại, bổn sư của Thượng tọa Chơn Phát. Cứ nhìn mái ngói tường vôi phủ đầy rêu mốc cũng đủ thấy vết tích của thời gian lướt qua nơi đây. Có những đám rêu ở mé tường phía tây chính điện còn nở những cành hoa nhỏ xinh xắn màu vàng nhạt như màu lá úa. Mé tường phía bắc tức là phía hậu tổ, sau chính điện, có những đường nứt có thể lọt ánh sáng bên ngoài vào. Từ chỗ nứt này, người ta biết tường vách không xây bằng xi măng mà là thứ hồ trộn thế nào đó theo cách thức hồi xưa, bấm vào chỉ thấy vôi trắng rớt từng nhúm bột nhỏ trên tay. Chính điện của chùa và dãy hậu tổ nối liền với nhau, nằm độc lập trên nền cao ở khoảnh đất trung tâm của chùa. Một dãy nhà gồm ba phòng lớn mới xây ở phía trái của chính điện; trong ba phòng ấy, chỉ có một phòng được sử dụng làm tăng phòng, hai phòng còn lại là phòng học. Như vậy, từ cổng tam quan bước vào, dãy phòng học xuất hiện trước nhất ở phía trái rồi mới đến chính điện, cũng phía trái. Đối diện chính điện là tháp Đa Bảo, một ngôi tháp cổ bám đầy rêu. Ngôi tháp xây thật đẹp, có tam cấp bước lên từ hai phía. Tầng dưới thiết trí tôn tượng đức Địa Tàng Bồ Tátbàn thờ cô hồn, tầng trên thờ đức Phật Đa Bảo. Ngôi tháp Đa Bảo này làm tăng vẻ đẹp cổ kính của toàn thể cảnh chùa. Qua khỏi chính điện và bảo tháp là dãy Tổ đườngtrai đường nằm theo chiều ngang. Tổ đường thờ đức Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Phổ Thoại khai sơn chùa. Phía sau Tổ đường là dãy tăng phòng gồm hai, ba phòng nhỏ, dành cho các thầy trong ban giám đốc của Phật học viện. Bên trái Tổ đường là phòng khác và phòng riêng của Thượng tọa giám viện. Bên phải Tổ đườngvăn phòng của Phật học viện. Nối đuôi văn phòng là một dãy tăng phòng khác. Dãy này gồm một phòng lớn, một phòng nhỏ. Phòng lớn dành cho học tăng, phòng nhỏ dành cho các chú sa-di thường trú của chùa (tức là các chú đệ tử của Thượng tọa giám viện mà không tham dự chương trình của Phật học viện). Dãy tăng phòng này được nối với dãy Tổ đường bằng một gian nhà tôn, trước kia làm kho chứa, nay được trưng dụng làm phòng ngủ tạm thời cho những học tăng đến sau. Bên trái, nối đuôi với phòng Thượng tọa giám viện và dãy Tổ đường là khu bếp. Khu bếp khá rộng lớn, nhiều phòng. Có hai dì vải già lụm khụm lo việc nấu nướng. Ở khu bếp, ngoài phòng ăn nhỏ dành cho Phật tử và một dãy bếp lò biệt lập, còn có phòng ngủ dành riêng cho các dì vải và một phòng lớn là nơi sản xuất đèn cầy và nhang để vừa có nhang đèn cúng Phật vừa bán ra ngoài mà giúp thêm phần tài chánh cho chùa. Giếng nước và dãy nhà tắm thì ở sau lưng Tổ đường. Dãy nhà vệ sinh nằm xa ở phía góc trái của khu bếp. Còn lại là đất vườn hơn năm mẫu tây bao bọc các dãy nhà. Nghe nói chùa còn có hơn mười mẫu ruộng và hai mẫu đất vườn khác nằm ngoài khuôn viên chùa; nhưng số ruộng đất ấy, Thượng tọa giám viện đã cho người khác canh tác, sau mỗi vụ gặt, người ta mang lúa vào cúng chùa, bao nhiêu cũng được, tùy hỷ, không có số lượng nhất định. Thượng tọa chủ trương học tăng cần thì giờ tu học, khỏi phải làm lụng vất vả hàng ngày, phần tài chánh sẽ do chùa đài thọ, giáo hội địa phương cũng như trung ương tiếp trợ thêm.

Khi chúng tôi mang hành lý vào sân chùa, các chú ở các tỉnh đến sớm hơn, túa ra nhìn. Có chú la to: “Mô Phật, có thêm tân binh nữa kìa!” rồi cười ồ ồ. Nụ cười có vẻ chế giễu chúng tôi sao lại chui đầu vào Phật học viện nghèo khổ này. Chúng tôi chỉ biết im lặng theo thầy Thiện Đức vào đảnh lễ Thượng tọa giám viện. Thượng tọa tuổi trạc năm mươi, vóc người cao lớn, dáng đi hiên ngang như sư tử. Mũi cao, miệng rộng, giọng nói mạnh và ấm. Có điều Thượng tọa phải đeo cặp kính thật dày vì cận quá nặng, hình như khoảng bảy, tám độ. Mỗi lần đọc sách, Thượng tọa phải đưa chữ sát vào mắt mới đọc được. Vậy mà nghe nói, với cặp mắt yếu đó, mỗi năm Thượng tọa đều tụng đọc trọn bộ kinh Đại Bát Nhã bằng chữ Hán vào ba tháng an cư (kinh này gồm sáu trăm quyển, mỗi quyển từ 5 đến 6 trang, in thành 3 tập trong Đại Tạng Kinh, mỗi tập trên một ngàn trang, mỗi trang khoảng 1500 chữ Hán nhỏ chi chít).

Thượng tọa bảo thầy quản chúng của Phật học viện sắp xếp chỗ ngủ cho chúng tôi. Thầy Thiện Đức giao chúng tôi cho Phật học viện rồi thì hết trách nhiệm, liền đón xe ra Đà Nẵng để về lại Nha Trang. Nguyên buổi chiều đó, thầy quản chúng cố gắng lắm mà vẫn không sao sắp đặt nổi chỗ ăn ở cho bọn tôi. Chúng tôi đành phải nằm tạm trong phòng học một đêm. Nhưng qua những ngày kế tiếp, những chú tiểu từ các tỉnh, các quận lân cận hãy còn tiếp tục tựu về, chỗ ăn ở không sao giải quyết thỏa đáng được. Vậy là phải ráng chờ đến sau ngày thi khảo hạch. Thầy quản chúng cho biết số lượng học tăng tựu về đây đã tới số trăm, nhưng sau kỳ thi có lẽ chỉ còn lại phân nửa. Mặt khác, nhờ nguồn thông tin trao đổi mau chóng giữa các chú tiểu từ nhiều tỉnh mang đến, một số tăng hơi lớn tuổi dự tính xin nhập học tại đây, đã đổi ý, tức tốc đón xe vào các Phật học viện khác như Phật học viện Vĩnh Bình, Phật học viện Nguyên Hương (Phan Thiết), Phật học viện Phổ Đà (Đã Nẵng) v.v... để xin thi vào các nơi ấy. Chẳng biết chuyện thay đổi của các chú có thành công hay không, chỉ nghe thầy quản chúng vừa cười vừa nói rằng:

“Chỉ tại các chú ăn cơm nước tương lại thiếu chỗ ngủ mấy ngày nên thất kinh mà bỏ đi đấy thôi.”

Có lẽ thầy quản chúng cũng nói đúng phần nào. Ở đây có mấy lu nước tương thật lớn do các dì vải tự làm lấy, lu nào cũng quậy muối mặn chát để tránh bị mốc và cũng để bớt “hao”. Học tăng ồ ạt từ các tỉnh kéo đến, đông ngoài sức trù liệu của viện, khiến Thượng tọa giám viện xoay trở không kịp. Thương tọa cứ cho tiền đi chợ liên tu hai, ba tuần để nấu những món ăn rất đạm bạc cho những người vốn chấp nhận chuyện đạm bạc, vậy mà vẫn không sao chịu thấu. Hết tiền chợ! Gạo thóc thì hãy còn đây, nhưng tiền quỹ phải cạn thôi. Không lẽ tất cả tiền quỹ phải dồn vào tiền chợ? Cho nên, đành cho ăn nước tương tạm thời cho đến ngày khai giảng. Nhưng nói ăn cơm với nước tương thì cũng hơi quá đáng. Thực ra, các dì vải cũng cố gắng lượm lặt đâu đó trái bầu, trái bí trong vườn, hoặc mua rất rẻ ở vườn nhà người ta, để đem nấu canh cho cả viện ăn. Mỗi ngày ba bữa ăn thì có một bữa canh, thường là bữa trưa. Bữa điểm tâm có cháo trắng, cũng ăn với nước tương. Bữa ăn chiều thì có cơm trắng, cũng là chan tương. Món canh chỉ đặc biệt cho bữa ăn trưa thôi, vì vậy cứ nói gọn là ăn cơm nước tương. Món canh nấu kể cũng khá đơn giản: bí cắt hơi dày, dày bằng ngón tay cái, thồn hết vào nồi nước đang sôi, rồi bỏ muối vào, quậy vài cái. Vậy là xong, đã có nồi canh cho mấy chục miệng ăn rồi đó. Trên bàn ăn, cứ bốn chú tiểu thì được dọn một thau cơm, một thau canh, hai chén nước tương (thứ nước tương được dì vải cố tình bỏ thêm muối này thì dọn nhiều cũng không sợ hao hụt gì; chú nào xớn xa xớn xác không chịu nếm trước mà chan đại một muỗng vô chén cơm thì thế nào cũng trầy lưỡi! Có chú đã than: “Sao tương gì mà mặn vô hậu vậy kìa!” Chú khác nói: “Có hậu đó chứ sao lại vô hậu! Cái hậu mặn của nó kéo dài đến bữa ăn kế tiếp kia mà!”). Cơm nước như vậy ăn chừng ba ngày thì dù có anh hùng cách mấy cũng thấy ngán ngẩm, nói chi hai ba tuần hay phải chịu luôn hết bốn năm học! Vậy là các chú rút lui bớt. Thầy quản chúng tinh ý lắm mới đưa ra nhận xét rất thực tế đó. Cũng may là bọn chú tiểu thuộc Phật học viện Linh Sơn Nha Trang chuyển ra không chú nào bỏ đi. Nhưng tiếng than thở cũng vang lên không ngớt từ đám chú tiểu Nha Trang này. Có chú còn không ăn cơm của viện, cứ mua mì gói về nấu ăn riêng. Sẵn tiền gia đình cho để đi học xa, các chú xin phép xuống phố Hội An mua sách vở, luôn tiện mua mì gói, bột ngọt (để thêm vào thau canh bí và chén nước tương cho đỡ gắt), đường, cùng đủ thứ thực phẩm xa xỉ khác như bánh, kẹo, bánh tráng, v.v... Trước khi khởi hành rời Nha Trang, tiền bạc của chúng tôi đã bị gom lại giao cho thầy Thiện Đức, ghi một giấy kê khai mỗi người có bao nhiêu. Đến đây, thầy Thiện Đức đã giao trọn số tiền và giấy kê khai ấy cho thầy quản chúng ở đây rồi. Làm vậy để các chú bớt tiêu xài phung phí, vì mỗi lần muồn mua gì phải đến gặp thầy quản chúng, đưa ra lý do hợp lý, chính đáng để xin rút một khoản tiền vừa đủ với nhu cầu kê khải. Nhưng thấy quản chúng ở đây lại là một nhà sư dễ dãi, vui tính, có máu nghệ sĩ, thấy các chú thưa trình tội nghiệp quá, nên xin rút bao nhiêu là thầy đưa bấy nhiêu. Rút càng nhanh càng tốt, thầy khỏi phải bận tâm chuyện tiền bạc nữa. Cho nên, trong vòng vài tuần lễ đầu là số tiền gởi nơi thầy quản chúng đã không còn. Đó là chưa kể các chú xin riêng cha mẹ lúc xe sắp chạy. Các bà mẹ này thương con còn bé bỏng mà phải đi học xa, sợ tiền bị kiểm soát khó rút được, con mình phải chịu thiếu thốn nên cứ dúi thêm cho các chú. Vậy là tiền nổi tiền chìm gì cũng sạch trong vòng chưa đầy tháng. Vào tuần thứ tư thì các chú đã viết thư ào ào về Nha Trang xin tiếp viện. Viết thẳng về nhà chứ đâu cần viết về chùa làm gì! Không biết chú Sáng thế nào chứ tôi thì không viết thư xin tiền. Tôi chỉ viết thư về thăm và kể sơ sinh hoạt ở đây cho thầy và gia đình tôi biết. Tôi cũng không tả oán cảnh nghèo khổ của Phật học viện vì trong luật có dạy một phần, phần khác vì tự tâm tôi không muốn gia đình phải vướng bận bất cứ điều gì về tôi nữa. Tuy nhiên, dù đã tỏ ra cứng rắn, sẵn sàng chịu đựng hoàn cảnh mới, tôi vẫn không sao kềm được ước muốn có chủ quyền với món tiền nhỏ trên một ngàn đồng của thầy bổn sư và ba mẹ tôi cho. Cũng phải mua sắm tập vở, giấy bút để học chứ, huống chi, ở phố cũng có nhiều thứ đồ ngọt hấp dẫn có thể bù đắp vào lượng ca-lô-ri cần thiết hàng ngày. Ăn cơm nước tương mãi tôi cũng thèm ngọt như ai thôi. Vì vậy, khi thầy quản chúng thắc mắc gọi tôi lên phòng thầy, hỏi tại sao không thấy đá động gì đến số tiền gởi gắm như các chú kia, tôi liền xin rút một ít. Thầy nói:

“Sao không rút hết luôn đi?”

“Dạ... thầy có cho phép rút hết không?”

“Sao không! Với ai chứ với chú thì tôi cho rút hết một lần cũng được. Đây, coi nào, sổ nợ của chú đâu rồi, nè, chú Vĩnh Khang phải không, pháp danh Tâm Quang, phải không? Ừ, một ngàn hai trăm đồng. Chú cầm luôn đi. Sao mà thiệt thà quá. Mấy chú kia xài hết tiền từ lâu rồi. Bộ chú không thèm mì gói hả?”

Tôi cầm tiền, rủ chú Sáng cùng đi phố, có chú Tường là dân địa phương dẫn đường.

Trong cái nhìn của tôi lúc đó, phố Hội An là một thành phố cổ, nhỏ hẹp, không có gì đặc biệt, đi quanh vài con đường chính Nguyễn Thái Học, Cường Để và đường Bờ Sông là muốn hết phố rồi. Lúc trở về, chú Tường đưa chúng tôi ngang Chùa Cầu, một thắng cảnh nổi tiếng của Hội An mà ai đến phố này cũng muốn tìm thăm cho biết. Hai đầu cầu có hai con khỉ và hai con chó bằng đá ngồi hai bên như giữ cửa. Cầu bằng ván hơi cong, có lợp mái ngói bên trên, chiều dài của cầu chừng hai mươi thước, bề ngang chừng ba thước, chưa kể hai lối đi dành riêng cho người đi bộ cặp hai bên. Bước đến hai đầu cầu, nếu không để ý có thể bị giật mình khi thấy hai con khỉ và hai con chó giương đôi mắt thao láo như nhìn chòng chọc vào người đi đường. Chùa nằm phía bên phải cây cầu trên đường về của chúng tôi. Chùa có ba gian, cửa đóng im ỉm, bên trong âm u, chẳng thấy được gì ngoài cảm giác rờn rợn nổi trên thịt da. Gọi là chùa vì kiến trúc giống như một ngôi chùa Nhật Bổn, chứ thực ra không phải chùa thờ Phật mà chỉ là một cái miếu, một cái đền, hay thần xã của Nhật Bổn thì đúng hơn. Nghe nói hồi xưa một thầy địa lý người Nhật qua xem địa hình địa vật sao đó mà vận động chính phủ Nhật cho trấn gươm và yểm bùa nơi đây để chận đứng long mạch, không cho khởi phát tại đất Việt – cũng có người nói thực ra để chận cho con giao long khỏi cựa quậy sanh ra động đất triền miên ở Nhật Bổn. Chùa được xây lên để thờ gươm thần và bùa yểm từ đó.

Nhà cửa ở đây có nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, nhiều căn rất mới chen vào những ngôi nhà thật xưa phủ đầy rêu. Cái thì cao, cái thì thấp, cái thụt vào, cái nhô ra, nhìn qua thấy có vẻ lộn xộn, chẳng thứ lớp gì cả. Nhưng có lẽ đó cũng là nét đặc trưng của thành phố cổ này. Hầu hết phố Hội An là những căn nhà lợp ngói rất xưa–những mái ngói đã mất đi màu đỏ cố hữu, chỉ giữ lại một màu rêu thật sẫm hoặc đen–nên vẻ duyên dáng một cách cổ kính của Hội An vẫn như còn đó với thời gian.

Chuyến đi phố đó, tôi chẳng mua sắm gì nhiều, một ít tập vở, bút mực, một cái ca nhựa, một chiếc đèn dầu bóng hột vịt (Phật học viện nằm xa thành phố nên không có điện, mỗi học tăng chỉ được phép thắp một đèn dầu nhỏ cho đỡ tốn) và một gói kẹo đậu phụng thật lớn. Gói kẹo đem về, đãi bạn bè chưa đầy năm phút đã hết sạch, nhưng vui. Có được chút chất ngọt vào người, tôi thấy tinh thần cũng tỉnh táo lên. Làm tiểu ở một Phật học viện nghèo thì lâu lâu cũng phải tự thưởng mình một chút quà vặt như vậy mới có sức mà tu học được.

 

 

a

 

 

Đáng lý bọn tiểu Nha Trang chúng tôi khỏi phải qua kỳ thi khảo hạch, vì đã có chứng chỉ tốt nghiệp và thư giới thiệu của Phật học viện Sơ đẳng Linh Sơn gởi đến. Nhưng Thượng tọa giám viện sợ các chú khác phân bì, đã đề nghị chúng tôi tham dự kỳ thi cho được công bình. Vậy là thi. Đề thi không khó lắm, đều là những bài học kinh luật và giáo lý căn bảnchúng tôi đã học qua ở Nha Trang. Mười hai chú Nha Trang (ở viện gọi chúng tôicác chú Nha Trang cho gọn và dễ phân biệt trong thời gian đầu) đều qua được kỳ thi khảo hạch dễ dàng. Một số chú ở các tỉnh không đủ điểm phải ra về; có chú vì hoàn cảnh sao đó, sau khi năn nỉ hết lời, đã được phép ở lại học. Đến ngày khai giảng, tổng số tăng sinh của Phật học viện là bốn mươi sáu người. Mọi người đều đã được ổn định chỗ ăn ở. Mỗi phòng tăng lớn chứa từ mười lăm đến hai chục cái giường, đặt san sát nhau y như ở một bệnh viện nghèo. Nhưng chẳng sao, chúng tôi không quan tâm chuyện đó lắm. Tuổi trẻ ăn thì kén chọn chứ ngủ thì khó khăn gì, nằm đâu cũng ngon giấc được cả–nhất là ở chùa Long Tuyền này, đặc biệt không có muỗi; có lẽ vì khoảng khoát, có gió thổi lồng lộng suốt ngày đêm như ở bãi biển. Tăng sinh được chia làm hai chúng: chúng Ca Diếp và chúng A Nan. Chữ chúng là một thuật ngữ của Phật giáo dành để chỉ một tập thể tỳ kheo gồm bốn vị trở lên. Ở đây, chữ chúng được dùng cho các chú tiểu, hiểu như là nhóm, tổ, đoàn. Ca DiếpA Nan là tên của hai vị Sơ và Nhị Tổ của Thiền tông theo truyền thuyết Trung Hoa. Ca Diếp là vị đại đệ tử của Phật, nổi tiếng với danh xưng đầu đà (khổ hạnh) đệ nhất; A Nan là em họ của Phật, nổi tiếng đa văn (học rộng, nghe nhiều) đệ nhất. Lấy tên các vị này để đặt cho hai chúng là ý muốn nêu gương cho học tăng. Mỗi chúng bầu một vị sa-di lớn tuổi làm chúng trưởng, một vị làm chúng phó (đặc biệt trong khóa học của chúng tôi có bốn vị có tuổi trên hai mươi). Theo sự đề nghị của Thượng tọa giám viện, thầy quản chúng đã chia nhóm tiểu Nha Trang chúng tôi làm hai: một nửa lọt vào chúng Ca Diếp, một nửa còn lại thuộc chúng A Nan. Tôi và Sáng cùng ở chúng Ca Diếp.

Chương trình học ở viện không nặng nề gì lắm nhưng chiếm mất hết thì giờ trong ngày của chúng tôi. Buổi khuya, giống như hầu hết các chùa khác tại Việt Nam, ba giờ rưỡi là kẻng báo thức, toàn bộ tăng chúng cùng thức dậy ngồi niệm Phật hay tọa thiền ngay trên giường ngủ của mình nửa giờ đồng hồ. Bốn giờ thì một chúng tụng kinh (công phu khuya), một chúng ở dưới lo học, thay phiên mỗi chúng một ngày. Chúng nào tụng kinh thì đảm trách bốn khỏa lễ từ sáng đến tối (bao gồm hai thời thỉnh đại hồng chung và các thời kinh công phu khuya, cúng ngọ, công phu chiềutịnh độ); chúng nào trị nhật (tức là ban trực trong ngày) thì đảm trách mọi công tác trong ngày đó (bao gồm quét dọn chính điện, sân, các dãy nhà và phòng học, chùi rửa và làm vệ sinh nhà cầu, tưới cây kiểng và vườn rau, đổ nước vào bồn nước của ban giám đốc, nhà tiêu và nhà bếp, dọn cơm cho đại chúng v.v...). Sự phân chia rất công bình, cứ ngày hôm nay tụng kinh thì ngày sau lo làm công tác vệ sinh. Khi chúng kia tụng kinh hay làm công tác thì chúng này có giờ học bài và ngược lại. Năm giờ sáng thì khóa lễ công phu khuya chấm dứt. Từ năm giờ đến sáu giờ sáng có được một giờ trống để học bài. Sáu giờ là giờ chấp tác (tức là làm công tác trong chùa, giờ này chỉ dành cho chúng nào nằm trong ban trị nhật, riêng chúng nào tụng kinh thì lại được thêm một giờ để ôn bài). Sáu giờ rưỡi là giờ điểm tâm với cháo sáng. Sáu giờ bốn lăm là giờ tập trung trước sân để cùng đi bộ đến trường Bồ Đề (ở phố Hội An, cách viện khoảng ba cây số). Thượng tọa giám viện không cho phép chúng tôi mạnh ai nấy đi, mà bắt phải xếp thành một hàng dọc đi từ viện đến thẳng trường. Có các chúng trưởng kiểm soát kỷ luật. Không ai được đi riêng, không ai được đùa giỡn trên đường đi, cũng không ai trốn học được vì trước khi đi và khi về đến viện, đều có điểm danh và báo cáo của các chúng trưởng lên thầy quản chúng. Bảy giờ rưỡi sáng chúng tôi bắt đầu vào lớp ở trưởng Bồ Đề, học cho tới mười một giờ rưỡi tan học, cùng xếp hàng để trở về viện. Về tới viện, chúng tôi chỉ kịp nghỉ ngơi đâu chừng mười lăm phút là đến giờ cúng ngọ và thọ trai. Sau giờ cơm, được ngủ từ một giờ đến hai giờ thì được báo thức với ba hồi kẻng. Hai giờ rưỡi có lớp học của viện kéo dài đến bốn giờ hoặc bốn giờ rưỡi, tùy môn học. Tan học là khóa lễ công phu chiều. Sau công phu chiều là giờ tiểu thực (tức bữa ăn chiều–gọi là “tiểu thực” vì đúng theo sinh hoạt truyền thống nguyên thủy, tăng sĩ chỉ ăn ngày một bữa vào buổi trưa; theo truyền thống Bắc tông ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bổn v.v.... tăng sĩ không đi khất thực mà tự túc canh tác, làm ruộng vườn hoặc các ngành sản xuất thủ công nghiệp khác nên uyển chuyển cho phép ăn thêm buổi sáng và buổi chiều để đủ sức làm việc; nhưng hai buổi ăn thêm đó đều là phụ nên gọi là điểm tâmtiểu thực, tức là chỉ ăn qua loa, ăn nhẹ). Sau giờ tiểu thực là một giờ đồng hồ phóng tham, thời gian rảnh rỗi thực sự, không phải làm gì hết. Đến tám giờ tối là khóa lễ Tịnh Độ. Chín giờ rưỡi là giờ tọa thiền niệm Phật và mười giờ, toàn bộ tăng chúng đều phải tắt đèn mà ngủ. Như vậy, giờ giấc ở viện rất sít sao, khó lòng có thì giờ dư để chúng tôi làm việc gì khác. Ngoài hai ngày cuối tuần không có lớp (nhưng vẫn có công tác trị nhật và tụng kinh), chúng tôi phải vận dụng tất cả thời gian trống trong ngày để lo thanh toán bài vở của cả hai chương trình (ngoại điển, chương trình văn hóa phổ thông ngoài đời, và nội điển, chương trình chuyên khoa Phật học của viện).

Tháng đầu chưa quen, việc học việc làm chạy chưa đều, thấy cũng hơi vất vả. Bài học dồn dập, tôi chỉ biết lo cắm cúi mà học. Tôi cũng quên để ý rằng trong tôi đã không còn những ý tưởng giang hồ phiêu lưu, chán ngán với việc học như hồi chưa xuất gia nữa. Trước mắt tôi là bài vở, là những cuốn sách hay để đọc thêm, tôi ngấu nghiến, nghiền ngẫm, siêng năng như con mọt gặm gỗ. Kết quả là ngay tháng đầu tôi đứng hạng nhất ở lớp ngoại điển lẫn lớp nội điển. Cứ theo đà đó, dù vào những tháng kế tiếp tôi có hơi lơ là việc học, bảng xếp hạng của tôi ở cả hai trường vẫn giữ nguyên một mực hạng nhất, chẳng thay đổi suốt cả năm. Chú Sáng cũng theo tôi sát nút ở lớp nội điển của viện. Tháng đầu Sáng xếp hạng sáu hay bảy gì đó. Đến tháng thứ hai, Sáng lên hạng năm. Qua tháng thứ ba thì Sáng xếp hạng nhì. Cứ thế, tôi hạng nhất, Sáng hạng nhì, hai huynh đệ dẫn đầu lớp dài dài.

Tôi nói tôi hơi lơ là việc học ở những tháng kế tiếp chẳng phải tôi biếng học ham chơi gì. Chẳng qua tôi có những đam mê khác mà thôi. Thứ nhất là đam mê đọc sách. Thứ hai là đam mê tọa thiền.

Vào những tháng sau, có thể một phần do ỷ lại sức học của mình, tôi đã dành nhiều thì giờ cho việc đọc sách thay vì học bài. Đã có lúc tôi bị chấm zéro ở một môn học thuộc lòng nào đó (như Sử-địa, Sinh vật...) vì không thuộc bài hoặc không làm bài tập, nhưng điểm cao tối đa ở các môn khác vẫn cứ vớt được tôi, khiến tôi vẫn giữ được hạng nhất. Các môn như Đại số, Hình học, Lý-hóa, cột điểm của tôi lúc nào cũng nhiều hơn bạn cùng lớp. Những điểm ấy có khi là điểm từ toán chạy, có khi là điểm của một cái giong tay trả lời đúng trong khi cả lớp ngồi im thin thít. Những điểm kiếm thêm ấy, lúc nào cũng là hai mươi, trăm phần trăm. Điểm luận văn của tôi cũng dẫn đầu lớp với số điểm khá cao. Các bài luận của tôi thường được đọc lên cho cả lớp nghe. Giáo sư Luận văn có khi còn trích câu hay đoạn văn hay trong bài của tôi, bắt cả lớp phải ghi vào tập. Thành công dễ dàng trong nhiều tháng như vậy, tôi đâm nhìn việc học như trò chơi. Trong khi các chú khác học bài, làm bài của trường lớp, tôi lấy sách đọc. Số sách của tôi càng lúc càng tăng. Đó là những sách bàn về văn chương, các loại sách Học làm người, và đặc biệt là một số sách về Thiền học, tư tưởng Phật giáo. Thỉnh thoảng tôi cũng mua vài cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn nổi tiếng của Việt Nam hay ngoại quốc thích hợp cho lứa tuổi của tôi, cũng như thích hợp cho người ở chùa. Tôi thích nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Lê Tất Điều, Võ Hồng, Doãn Quốc Sỹ, Léon Tolstoi và Victor Hugo từ dạo ấy. Dần dần, trình độ khá hơn, tôi mạo hiểm lén mua các loại sách của những nhà văn nhà thơ Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thị Hoàng... và các nhà văn ngoại quốc như Remarque, Maupassant, Maugham, Steinbeck, Mishima, Pasternak, Kawabata, Kanzantzakis, Dostoievski... (dĩ nhiên là chỉ đọc từ các bản dịch Việt ngữ). Trong số các tác phẩm của các nhà văn trên, rất nhiều chỗ hoặc nhiều cuốn tôi đọc không hiểu, hoặc cứ tự suy diễn và hiểu theo tầm hiểu biết cạn cợt của mình lúc đó, nhưng tôi vẫn cứ đọc hết từng cuốn một cách say sưa, không chịu bỏ ngang cuốn nào. Đọc không hiểu, không nhớ, mà tôi vẫn cứ đọc, đọc xong rồi quên. Chẳng biết đọc sách như thế có lợi gì chăng, nhưng tôi cứ đọc. Có bao nhiêu tiền, tôi đổ hết vào sách. Ở Hội An chỉ có một tiệm sách, nhưng tôi ít tìm thấy loại sách tôi cần. Tôi thường mua sách ở Đà Nẵng mỗi khi có dịp, hoặc nhờ thầy Thông Chánh mua từ Nha Trang rồi gởi ra. Chú Tâm Hạnh, sư huynh tôi, lâu lâu cũng từ Đà Nẵng ghé Hội An thăm chúng tôi, tặng tôi vài cuốn sách. Đọc sách trở thành một thứ nghiện ngập của tôi. Tôi không biết là những thứ sách trên có bồi bổ gì thêm hoặc có ảnh hưởng xấu hay tốt gì cho cái đầu óc non nớt của tôi không. Chỉ đến khi bước vào loại sách Thiền, tôi mới thấy được rõ rệt tầm ảnh hưởng của sự đọc sách. Sách Thiền vào đầu thập niên bảy mươi được in ra khá nhiều. Mà đó là loại sách không phải chỉ đọc chơi, nó còn thúc bách người đọc đi vào thực hành nữa. Tôi đọc Thiền còn say mê hơn bất cứ loại sách hay truyện nào khác, đọc quên ăn quên ngủ. Càng đọc, càng nhớ lời thầy từng chỉ dạy trong thời gian tôi còn hầu hạ thầy. Chẳng hạn, có lúc thầy tôi nói rằng “xuất gia là để thành Phật chứ không là thứ chi khác.” Câu ấy lúc mới nghe qua, lòng tôi đã thấy chấn động. Bây giờ đọc sách Thiền, tâm địa tôi càng sáng ra, và vẫn cứ thấy chấn động từng hồi mỗi khi nghe nhắc về Phật tánh sẵn có nơi tự tâm mình.

Suốt thời gian từ khi mới xuất gia cho đến khi ham mê đọc sách Thiền, công phu tu tập hàng ngày của tôi là ngồi niệm Phật, hoặc trì chú Chuẩn Đề, hoặc chỉ thực tập sổ tức quán (đếm hơi thở). Chỉ một thời gian ngắn ở Nha Trang là tôi đã nhuần nhuyễn, thuần thục sổ tức quán, thấy môn này hết cần thiết. Từ đó, cứ niệm Phật, trì chú, tụng kinh, có khi chỉ ngồi lặng lẽ, không niệm gì cả, không cố gắng gì cả, cũng không thắc mắc là những nỗ lực tu tập của mình là để trở thành cái gì nữa. Thời gian đầu tìm hiểu thêm về Thiền học, say mê Tổ sư Thiền đến Như Lai Tối Thượng Thiền, tôi vẫn không thay đổi pháp môn tu tập của mình. Tôi không thấy sự khác biệt nào trong sự tọa thiền, chỉ và quán, với sự tĩnh tâm niệm Phật, trì chú. Ý tôi muốn nói, tôi không thấy sự cần thiết phải có thay đổi nào trong công phu hàng ngày của mình. Thực ra cũng chẳng có cái gọi là công phu nữa. Ở lứa tuổi thiếu niên ấy, tâm tôi băng sạch như tuyết. Những sinh hoạt hàng ngày của tôi hầu như không cần cố gắng mà vẫn cứ khế hợp với Thiền. Tôi không có những giây phút nỗ lực để được định tâm. Mở mắt là định, nhắm mắt là định. Cái tâm trong suốt ấy có vẻ như chưa hề tán loạn. Vậy thì cần gì phải nỗ lực công phu hay bỏ niệm Phật, bỏ niệm chú để ngồi thiền! Nhưng rồi, chỉ một thời gian sau, trùng hợp với thời gian Thượng tọa giám viện dạy về Tọa thiền tam muội, tôi đâm ra ham thích tọa thiền (tức là theo đúng phương pháp tọa thiền của Thiền tông với các pháp chỉ-quán).

Đã nói tôi có trái tim và khối óc rất cực đoan: khi tôi nhắm vào một cái gì, tôi dốc hết tâm lực vào đó. Tôi không niệm Phật hay trì chú nữa, mà chỉ tọa thiền thôi. Lục diệu pháp môn, tôi cứ theo sách mà thực hành. Thượng tọa giám viện có giảng dạy về Thiền nhưng chú trọng về phần lý thuyết theo chương trình của Phật học viện chứ không chú trọng phần thực hành. Cho nên, học lý thuyết xong, hình như các chú cùng khóa với tôi chắng thấy ai theo Thiền mà bỏ niệm Phật, trì chú cả. Có lẽ các chú ấy cũng như nhiều người khác, có quan niệm sai lầm rằng Thiền thì cao hơn các pháp môn khác, nên chỉ dành cho những kẻ thượng căn thượng trí. Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy các pháp môn đều như nhau cả. Cũng chỉ là những phương tiện để định tâmkiến tánh, chứng nghiệm Phật tánh. Tôi tọa thiền không phải vì thấy Thiền cao hơn các pháp môn niệm Phật, trì chú, mà chỉ đơn giản là vì trước mắt tôi, sách viết về Thiền, hướng dẫn Thiền khá nhiều, khá công phu, đầy đủ hơn bất cứ pháp môn tu nào khác. Tôi đọc thật kỹ các sách dạy về Thiền học, từ thực hành đến lý thuyết, chi tiết nào cũng lưu ý. Tôi còn học kỹ những phương pháp dối trị qua kinh nghiệm của các vị Thiền sư các nước để có thể tự mình biết cách đối phó với mọi trường hợp. Và để có thể thực hành phương pháp tọa thiền hàng ngày, tôi phải bỏ phòng tăng, tìm đến những chỗ vắng, thường thường là ở các ngôi mộ hay tháp lớn có nền xi măng tráng láng vốn chẳng hiếm hoi gì ở quanh chùa. Đi tìm chỗ vắng vẻ không phải chỉ vì đó là nhu cầu của phương pháp tọa thiền mà còn vì ở các chùa viện Việt Nam, sự tu tập của mỗi người là chuyện riêng, cá nhân, không phải là chuyện có thể phô trương, trình bày cho kẻ khác biết–tức là không biểu diễn chuyện tu tập của mình trước đại chúng, trước tập thể. Trong những chùa viện Việt Nam, tăng chúng hay bạn đồng môn không bao giờ hỏi nhau: “Thầy tu pháp môn gì?” Người hỏi câu đó có vẻ buồn cười, nhà quê. Còn người được hỏi sẽ không bao giờ trả lời: tôi tu pháp môn này, pháp môn nọ... Mà có trả lời thì cũng quê mùa, ngờ nghệch chung một cách. Công phu tu tập của mỗi người chỉ có thể trình bày với vị hướng đạo của mình chứ không phải là chuyện bạ đâu nói đó. Thực ra, cũng chẳng có sự phân chia pháp môn rõ rệt nào trong chùa chiền Việt Nam nữa. Vào giờ tọa thiền buổi tối, buổi khuya, theo thời khóa chung của chùa hay của tu viện, mỗi người ngồi ngay trên giường ngủ của mình, thực hành phương pháp quen thuộc mình đã chọn. Như vậy, trong giờ tọa thiền ấy, kẻ thì niệm Phật, kẻ trì chú, người thì tọa thiền, người thì tham công án, người thì quán thoại đầu, hoặc các pháp quán nhân duyên v.v... Ngoài ra, trong suốt ngày, sự tu tập của những người ở chùa cũng không gián đoạn. Bởi vì, “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền; nói, im, động, tịnh, thảy an nhiên” (Huyền Giác, Chứng Đạo Ca). Cho đến bửa củi, gánh nước, quét dọn... cũng đều là Thiền hết. Không cần phải hỏi: “Thầy tu pháp môn gì?” Vì vậy, khi mọi người chung quanh đang ngồi học bài mà mình xếp bằng tọa thiền hay lim dim niệm Phật thì đó cũng là hành vi lố bịch, trơ trẽn, có vẻ như phô trương (trong luật Sa-di gọi các hành vi đó là “giả trang Thiền tưởng cầu bỉ cung kính”, tức là làm bộ ta đây là người tu Thiền gắt gao để mong được sự cung kính ngưỡng mộ của kẻ khác). Tụng kinh trên điện Phật hay ngồi trên giường vào giờ tọa thiền mỗi sáng tối là sinh hoạt chung của mọi người trong chùa, còn chuyện tu tập thêm ngoài thời khóa của mình là chuyện riêng, phải tự tìm lấy thời gian và nơi chốn thích hợpáp dụng. Thời gian và nơi chốn đó không làm trở ngại cho sinh hoạt của đại chúng. Không thể ngồi một đống giữa đám đông mà lim dim hít thở khi đám đông đó đang hòa hợp trong sinh hoạt khác của tập thể. Cung cách tu tập trái thời, trái cảnh ấy, dù là thật tâm hay vở vĩnh, cũng đều có vẻ phô trương, làm gai mắt người chung quanh chứ không làm cho ai thông cảm nổi, dù rằng tu tập là việc tốt đáng khích lệ.

Cho nên, tôi phải tìm đến các ngôi mộ vào giờ phóng tham để ngồi thiền. Tôi tham công án trên từng bước chân đến trường hay từ trường trở về viện. Tôi quán thoại đầu khi đang làm công tác trị nhật. Có khi gần như suốt đêm, tôi nằm im trên giường mà tham công án hay suy nghiệm một tắc nào đó của Vô môn quan. Từ chỉ đến quán, từ công án đến thoại đầu, từ Tổ sư đến Như Lai Thiền... tôi lao cả thân tâm mình vào trò chơi thiền định ấy mà không một vị đạo sư nào hướng dẫn. Thượng tọa giám viện có thể là vị hướng đạo tốt cho tôi, nhưng trong môi trường và thời điểm đó của một Phật học viện, chuyện học là chuyện chính; không ai nghĩ là một chú tiểu lại cần thiết hạ thủ công phu, chết sống với công án hay thoại đầu và cần một sự hướng dẫn đặc biệt cho việc tu tập như vậy. Có thể thượng tọa sẽ nói: “Xưa nay các chú tu tập thế nào thì cứ theo đó mà thực hành, đừng làm cái gì khác thường là được rồi, đâu cần ai hướng đạo.” Chú tiểu trong chùa giống như cây cỏ mọc trong rừng, cứ tha hồ mọc, tha hồ vươn lên mà sống, đâu cần phải được dẫn dắt, chăm sóc... mà vẫn cứ là cây cỏ, là đại thụ như thường. Cho nên, tôi không trình bày việc tu tập của tôi lên thượng tọa để cầu hướng đạo, mà tâm tư tôi lúc ấy cũng không hề nẩy sinh một chút nhu cầu cần được hướng đạo nào. Tất cả những gì tôi thực hành trong giai đoạn học thiền ấy, xem ra thì có vẻ như là một giai đoạn nỗ lực ghê gớm nếu so với thời gian bình thường trước của tôi, hoặc so với bạn học cùng viện. Nhưng thực ra, tôi thấy mình cũng chẳng có cố gắng gì cả. Tôi chỉ học và hành thiền như thể đang chạy theo một thứ đam mê, nghiện ngập nào đó, như đam mê đọc sách chẳng hạn. Đam mê không có nghĩa là nỗ lực, cố gắng. Đam mê cũng không có nghĩa là đang mong cầu đạt được cái gì. Chính nỗi đam mê đó là mục đích, là cái mà kẻ đam mê đạt đến. Đam mê là thả mình vào thực tại. Tu là đam mê. Tu là lên đường trở về thực tại.

Vậy rồi tôi được cái gì trong trò chơi thiền định ấy? Không được cái gì cả. Tôi vẫn cứ là tôi, một tu sĩ thiếu niên đang cùng các bạn đồng lứa tham dự chương trình trung đẳng Phật học của Phật học viện. Tu theo chương trình, học theo chương trình. Cũng học bài, cũng đọc sách, cũng ăn cơm uống nước, cũng đi mua thêm bánh mì hay kẹo đậu để dặm vào cái bao tử lưng lửng mỗi ngày. Không gì lạ. Không gì thay đổi tâm thức và cuộc sống lặng lẽ yên bình ấy. Nhưng tôi biết rất rõ, rằng dù thế nào đi nữa, trong tôi vẫn sẵn có một ông Phật. Tôi có thể chạy thật nhanh, nhảy thật xa, hay đi lơ thơ lững thững qua từng chặng luân hồi, đều được. Không sao cả. Ông Phật trong tôi không bao giờ mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 17295)
Trời tu viện rộng và đẹp, sáng nay mây ngoài biển đã kéo vào chưa? Thôi, xin mời thầy hãy vào cốc Trăng Lên, nhóm lửa và thêm chút củi vào cho ấm... Nguyễn Duy Nhiên
(Xem: 46369)
Có thể nói, không có một Tôn giáo nào, một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật... HT Thích Minh Châu
(Xem: 9566)
Ghi chép lại những bài giảng của Chư Tôn Đức cho các Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPTVN... Tâm Minh Vương Thúy Nga
(Xem: 8747)
“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt, Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”... Thích Chân Tính
(Xem: 15786)
12 lời nguyện niệm Phật này, nhằm giúp cho Phật tử có định hướng trong việc tu tậpchí nguyện để về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-Di-Đà... Thích Chân Tính
(Xem: 15412)
Thư cho người em Tịnh độ là một bộ luận nhỏ, gom nhặt những yếu nghĩa của Tông Tịnh độ, chia thành từng bài nhỏ, mỗi bài là một chủ đề... Thích Hồng Nhơn
(Xem: 18203)
Đi vào cửa Pháp: Tuyển tập Giáo huấn của các Đạo sư Tây Tạng - Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa & Thanh Liên
(Xem: 9570)
Mỗi trang sách là một lời nhắn nhủ, ta như đang nghe giọng nói nhẹ nhàng, dí dỏm của Thầy: Các bạn cứ nhìn lại xem, tình thươngtuệ giác của Bụt ở ngay trong lòng của bạn.
(Xem: 9609)
Tập truyện Thường Ðề Bồ Tát (Bồ Tát Hay Khóc) được trích dịch trong cuốn “Vô Thanh Thoại Tập” của Pháp sư Long Căn... TT Thích Chân Tính biên dịch
(Xem: 18372)
Con Đường dẫn đến Phật Quả là một trong những sự giới thiệu tuyệt hảo cho giáo lý của Phật giáo Tây Tạng được sử dụng ngày nay.
(Xem: 15593)
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương, Non cao biển rộng người thương đi về... Quách Tấn
(Xem: 10884)
Bản thảo của tập tiểu luận này đã được viết xong từ mùa hè năm 1974, nhưng chưa kịp in thì biến cố 30.4.1975 xảy ra... Hạnh Cơ
(Xem: 8877)
Kinh ThiKinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn mang chở định mệnh lịch sử của Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông... Tuệ Sỹ
(Xem: 10387)
Hương Vị Của Đất - Văn Lang Dị Sử - HT Thích Nhất Hạnh
(Xem: 10164)
Tập sách “Hồ Sơ Mật 1963 - Từ các nguồn Tài liệu của Chính phủ Mỹ”... Nhóm Thiện Pháp thực hiện, Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Publications 2013
(Xem: 9336)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không... Thích Nữ Trí Hải
(Xem: 11428)
Hương Lúa Chùa Quê là tập sách Hoài Niệm về Tuổi Thơ của hai anh em là HT Thích Bảo Lạc ở Úc Châu và HT Thích Như Điển ở Âu Châu
(Xem: 10043)
Hoà Thượng vào bậc Cao Tăng nổi tiếng hiện nay rằng: “Được học và hành theo Phật pháp là một sự hưởng thụ tối cao nhất trong tất cả mọi sự hưởng thụ trên thế gian…” Quảng Huy
(Xem: 22910)
Chứng Đạo Ca - Nguyên tác: Huyền Giác; Bản dịch thơ Chứng Đạo Ca của H.T Thích Thuyền Ấn, sáng tác những năm tháng từ 1980 - 1990, lúc Ngài đang bị quản thúc.
(Xem: 9563)
Đạo Phật thường nói về nhân quả, luân hồi, tái sanh nhưng lại bác bỏ khái niệm linh hồn của các tôn giáo hữu thần. Vậy thì cái gì tái sanh luân hồi để lãnh lấy nhân quả... Alexander Berzin; Tuệ Uyển
(Xem: 17207)
Tuyển tập những bài viết cho mẹ, cụ bà Nguyễn Thị Sáu của Hư Thân Huỳnh Trung Chánh
(Xem: 16612)
Nếu bản Việt ngữ của pho sách “Đạo Ca Milarepa” đến được tay bạn đọc thì phải nói đây chính là đến từ tình yêu thương và sự gia trì vĩ đại của đức Milarepa cùng chư Thầy Tổ... Đỗ Đình Đồng
(Xem: 18962)
Kính nguyện quyển sách nhỏ này có thể giúp đỡ thật sự những đồng tu, đại đức có duyên, được lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử... Pháp Sư Tịnh Không
(Xem: 10133)
Với phong thái và lối hành văn gần gũi với những sinh hoạt của người Việt, Minh Niệm đã thật sự thổi hồn Việt vào cuốn sách nhỏ này.
(Xem: 19363)
Lão tửtriết gia đầu tiên của Trung Quốc luận về vũ trụ, có một quan niệm tiến bộ, vô thần về bản nguyên của vũ trụ mà ông gọi là Đạo... Nguyễn Hiến Lê dịch
(Xem: 9419)
Trên căn bản của thực tại, hạnh phúc bao giờ cũng cưu mang trong chính nó một sức sống tràn đầy sinh lực của cảm xúc an bình được sinh khởi từ bản thể của nội tâm... Khải Thiên
(Xem: 12254)
Quyển Liễu Phàm Tứ Huấn là sách khuyến dạy tu thiện, giúp xây dựng lại và củng cố nền tảng căn bản làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ,Tín... Ấn Quang Đại Sư; Tuệ Châu Bùi Dư Long dịch
(Xem: 11939)
CUỐN TỰ ĐIỂN HÁN - VIỆT THẾ KỶ 19; Việt Nam thời xưa có các sách khải mông hay tự biểu được dùng để dạy chữ Hán cho trẻ đồng ấu... Nguyễn Đình Hòa - Trần Trọng Dương dịch
(Xem: 19702)
Tu Tâm, Dưỡng Tánh, Nhân quả, Tứ diệu đế, Từ bi, Chữ Hòa, Yếu tố hòa bình... HT Thích Thiện Hoa
(Xem: 12663)
Hạnh Phúc Là Điều Có Thật - Tác giả Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)
(Xem: 13085)
Sống Một Đời Vui - The Joy Of Living; Nguyên tác Yongey Mingyur Rinpoche, Diệu Hạnh Giao Trinh & Nguyễn Minh Tiến dịch
(Xem: 14304)
Muốn sáng lại ánh sáng sẵn có, muốn sống lại lẽ sống như thực, Thái-Hư Đại-Sư thâu tóm tinh-hoa Phật-học thành cuốn sách nhỏ nầy... HT Thích Tâm Châu
(Xem: 32323)
Vào ngày trăng tròn tháng năm năm 623 trước Tây lịch, một hoàng tử thuộc bộ tộc Thích Ca (1) của Ấn Ðô, tên là Tất Ðạt Ða (Siddhattha) họ Cồ Ðàm (Gotama) đã ra đời... HT Thích Trí Chơn
(Xem: 12933)
Đạo Phật đã chung sống với người dân Việt gần hai mươi thế kỷ, sợi dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly... HT Thích Thanh Từ
(Xem: 11917)
Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ là cẩm nang của người tu Thiền. Nguyên tác Mindfulness, Bliss and Beyond của Ajahn Brahm; Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch
(Xem: 20719)
Phật giáo Huế là cái nôi của sự giữ gìn truyền thống thống nhất Phật giáo trong cả nước... Thích Hải Ấn
(Xem: 40594)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
(Xem: 10055)
Những Chuyện Nhân Quả - Nguyên tác: Thích Hải Đảo, Đạo Quang dịch
(Xem: 9540)
Chú Tiểu Ngắm Sen là tuyển tập các truyện ngắn của tác giả Ngô Khắc Tài
(Xem: 18957)
Văn hóa như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hóa ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người.
(Xem: 8803)
Chánh Niệm - Bhante Henepola Gunaratana; Mindfulness in Plain English; Lương Thanh Bình dịch
(Xem: 8301)
Tập truyện dài 2 tập của Vĩnh Hảo - CHIÊU HÀ xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1997
(Xem: 10433)
Đức Phật đến trong cuộc đời là một con người bằng xương bằng thịt, vui những nỗi vui của trần gian, đau những nỗi đau của con người. Để từ đó Ngài vươn lên và vực dậy giấc trường mộng Nam Kha... HT Thích Nhật Quang
(Xem: 11660)
Lược Sử Phật GiáoHồi Giáo Tại Afghanistan - Nguyên tác: Alexander Berzin, Người dịch: Thích nữ Tịnh Quang
(Xem: 30603)
Sự khai triển của Phật giáo Đại thừa kết hợp với các dân tộc có nền văn hóa khác nhau đưa đến sự xuất hiện nhiều trình độ hiểu biết Phật giáo rất đặc sắc.
(Xem: 11459)
Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo gồm có 2 tập do Chư Tôn Đức Tăng Ni và Chư vị thân hào nhân sỹ Phật giáo góp bài để tập thành... Nhiều Tác Giả
(Xem: 10418)
Mở Rộng Cửa Tâm Mình và những mẫu chuyện Phật Giáo nói về Hạnh phúc, Opening The Door Of Your Heart and other Buddhist Tales of Happiness, Nguyên tác: Ajahn Brahm; Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch
(Xem: 15977)
Phật giáo được truyền đến Sri Lanka từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Và phần lớn thời gian trong suốt hơn 2.000 năm, Phật giáo được xem quốc giáo tại đảo quốc này... Thích Nguyên Lộc
(Xem: 25562)
“Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng” là tên của một quyển sách, do thầy Phạm Công Thiện đặt cho. Bây giờ Thầy đã lên tới đỉnh cao, bỏ lại sau lưng là hố thẳm... Nguyên Siêu
(Xem: 10007)
Đây là câu chuyện được phóng tác từ nhân vật Phật giáo có thật trong lịch sử cận đại, thời nhà Nguyễn gầy dựng đế nghiệp ở kinh đô Huế từ nửa đầu thập niêm 80 của thế kỷ 18.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant